Lời giới thiệu:
Đây là một truyện ngắn kỳ lạ qua cấu trúc thời gian và không gian, đi từ lịch sử này đến một lịch sử khác, một văn hóa này đến một văn hóa khác, nhưng rồi tụ lại ở thân phận người, một con người bất cứ ở đâu cũng cứ treo lửng lơ nối giữa trời và đất bằng một sợi dây đong đưa định mệnh. ND
Thời Hậu Chiến
nguyễn hương
1867
Điền cười khúc khích: “Tối như mực mà anh sáng mắt như thể người mắt sáng.” Tôi vuốt dài theo sống lưng Điền. Áo Điền vải thô, nham nhám, cứng khựng dưới tay tôi. Nhưng dưới là da thịt Điền chỗ mềm chỗ chắc. Tôi lần tay vào áo. Bắp tay bắp chân Điền từ hồi còn ở Bình Vi đã chắc vì Điền phải gánh nước, giặc giũ, trồng rau, con bảy đứa tay bồng tay ẵm. Núm vú Điền tròn to, bình thường hơi trễ xuống theo con đứa ngậm đứa nhai đứa mút, đứa nào cũng ra năm mới dứt. Nhưng lúc này thì núm vú Điền săn lên đụng vào đầu ngón tay tôi di di nhè nhẹ vòng từ sau lưng ra trước ngực. Khoảng bụng Điền mềm, lớp da tràn trễ khi tôi ấn nhẹ; hơi ấm Điền lan tỏa vào lòng tay tôi. Điền không còn trẻ. Thân thể Điền tôi thấy rõ như thể ban ngày, như thể tôi là người sáng mắt. Điền nói đúng. Như thể.
Điền thở dài. Hơi thở Điền nóng.
Tôi lần theo ống tre ra giếng nước. Ở nhà tôi không cần những vật đánh dấu vị trí và phương hướng. Nhưng đây không phải Bình Vi, Gia Định. Đây là tị địa. Thành giếng trơn rong, sần sùi. Tôi bỏ gàu xuống giếng. Tiếng đáy gàu đập vào mặt nước nghe như cái tát. Ngày xưa, Điền thở hắt, hơi thở Điền nóng. Tôi xối nước xuống đầu. Nước chảy thành sợi xuống mặt, xuống ngực, xuống chân. Nước không mát, tanh tanh mùi bùn Ba tri.
Cá rô nhảy dưới mương nghe lách tách. Đêm lan rộng vào ngày.
Điền nói đúng. Tôi viết như thể tôi là người sáng mắt: Đồng-nai tranh ngói nhuốm màu mây. Tôi nằng nặc rằng tôi thấy mây bằng chữ. Như thể.
Tôi nghe súng nổ. Tôi ngửi mùi khét hỏa mai nghĩa quân đánh bằng rơm đốt nhà xóm đạo. Lửa tôi thấy là lửa nghĩa nhân. Như thể.
Một chắc sa trường rằng chữ hạnh
nào hay da ngựa bọc thây
Trăm năm âm phủ ấy chữ quy
nào đợi gươm hùm treo mộ
Đoái sông Cần-giuộc
cỏ cây muôn dặm sầu giăng
Nhìn chợ Trường-bình
già trẻ hai hàng lụy nhỏ
Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân
Cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm, căm bởi một câu vương thổ
Nhưng tôi không thấy thời sau—thời mà Tây mang đến, đánh dấu bằng cờ tam sắc, đang mở về phía tương lai. Tôi đứng lại đây, cạnh giếng nước tị địa, trăm tuổi cho tròn phận tóc da.
Ngày chảy vào đêm. Nước nhỏ giọt. Điền trở mình, kêu:
“Anh Chiểu.”
Tôi giật mình: Tôi năm nay bốn mươi sáu tuổi. Dân xóm đạo, những kẻ chết cháy, họ bao nhiêu tuổi?
1917
Ở Istanbul nho chùm nhiều màu từ xanh nhạt cho đến tím thẫm. Sau này tôi sẽ nhớ mình đã bước theo những ngọn đèn lồng lập lòe trong đêm Ramazan thời thế chiến. Tôi chưa nhớ vì Istanbul chỉ mới ngỡ ngàng trước biến cố vừa xảy ra ở phía tương lai, ở Mos-cơ-va.
Hai năm nữa tôi sẽ dắt được Marika ra vườn thủy tiên. Ở chân tường nhà nàng, tôi sẽ hỏi:
“Thủy tiên nở mùa nào?”
“Thì mùa này, ngốc. Ngoài Kadikoy.”
“Hoa thủy tiên màu gì?”
“Màu trắng.”
“Không, màu vàng.”
“Nazim!”
“Marika!”
“Không, tôi nói màu hoa kia. Đừng cãi bậy.”
“Đi Kadikoy, xem ai đúng.”
Ở Kadikoy hoa thủy tiên màu vàng, nhạt, cánh nhọn, cành cao. Trời đứng gió mà hoa nghiêng ngả. Tôi hôn Marika môi thơm mùi hạnh nhân. Ở cánh rừng ngoài xa, lá đậm nhạt lật sấp lật ngửa. Nắng bạc.
1867
Điền kêu. Nàng đánh dấu sinh thì của tôi bằng giọng khi chua khi ngọt. Tôi quay lưng lại với đêm, men theo thanh tre tròn láng, mắt thưa mắt nhặt. Lúc vào lều, Điền biểu:
“Mai kiếm người lợp lại mái cho kịp mưa đám tới.”
“Tiền kiếm đâu ra?”
“Thì tranh, thì nứa. Thì rơm thì rạ.”
Ai đời đòi lợp nhà lúc cuối mùa mưa. Tôi với tìm cổ tay Điền. Điền giằng nhẹ, đưa tay sờ lên mắt tôi. Mắt tôi không biết có đục sữa như những thằng mù ngày xưa tôi thấy ăn xin ngoài chợ Gia Định? Tôi không thấy nhưng tôi biết Điền đang bỉu môi: Anh đồ.
Buổi trưa Điền ra chợ chưa về. Gió từ phía trước thổi qua đồn Tây ở trên đồi. Nhưng chỗ tôi đứng không có gió. Tôi đứng giữa đồng sau vụ gặt, ngửa mặt nghe tiếng cờ Tây bay phần phật ở xa.
Tiếng ếch nhái trổi lên. Ra rả như bọn trung thần theo lệnh triều đình Huế đầu Tây, bỏ cho hết Nam Kỳ Lục Tỉnh. Thằng Tôn Thọ Tường sẽ ồm ộp mà trêu trò ẩn sĩ: Ở đời há dễ quên đời được. Nó không quên được vì nó đã đứng về phía tương lai, ở phía Chớp nhoáng thẳng bon giây thép kéo. Mây tuôn đen kịt khói tàu bay. Nó không quên vì cả tổ tông, nó đã đem gói ghém thành hành trang mà mang theo lăn vào chỗ công danh, cơm áo. Nó bò, nó lết, nó lăn vào thời sau.
Nó nhớ vì thế giới của tôi, đối với nó đã là quá khứ, như một món đồ.
Tôi không nhớ được vì tôi không có gì để quên.
Tôi mong trời mưa. Mùa mưa đang qua hay mùa mưa sắp tới tôi không cần biết. Sao Điền không gọi tôi về? Sao Điền bỏ tôi đứng ở chốn này?
“Ông làm gì mà bò mà lết vậy?”
Thôi thôi em hỡi Kim Liên
“Mày biểu tao làm gì?”
Đẩy xe cho chị qua miền Hà-Khê
“Cháu tưởng ông bắt ếch. Đây nè, ông phải nằm yên.”
Tôi nằm ngửa.Tôi nằm sấp. Tôi trườn trên đất đã lầy. Gốc rạ cào vào mặt. Chỗ thơm mùi rơm ướt, chỗ khét mùi rạ cháy dở. Trời thấp xuống, rì rầm, nhỏ giọt. Những vết sướt ran rát trên da.
Trải qua dấu thỏ đàng dê
“Đợi nó kêu. Ông chụp như vầy, nè nè ông.”
Chim kêu vượn hú tư bề nước non
Tôi bấu, tôi siết. Đứa con gái kêu:
“Buông ra ông, nó chết rồi kìa.”
Phan Thanh Giản cũng chết, tự sát, sau khi ký nhường ba tỉnh miền Tây, cho trọn cái Nam Kỳ. Giản chắc chết tím chết bầm. Và những người dân xóm đạo chết cháy thì đen hay đỏ? Tôi không biết ếch chết màu gì. Nhưng tôi sẽ mang về cho Điền xào bữa ăn chiều. Xác nhái sẽ tuột da, trơn nhẩy, đùi dạng như người.
Thời tôi đã là lịch sử, thì tôi sống bằng sờ, bằng nghe, bằng ngửi. Tôi sống cho tròn phận tóc da.
1917
Không ai nên nhớ ngược về tương lai. Nhất là những người duy vật. Tôi không cần biết. Tôi nhớ ngược, vì tương lai đã đến, ở Mos-cơ-va. Sau này tôi sẽ tới Mos-cơ-va. Nhưng từ bây giờ đến đó và sau đó nữa, tôi còn bao nhiêu thế giới để mở ra:
Ở Istanbul, lao phổi tràn lan cùng cẩm chướng. Môi Marika đỏ. Marika trên lưng lạc đà, tàu hỏa, xe Ford, hay những con lừa bệnh hoạn đi khắp những con đường. Công nhân vẫy gọi tôi ở xưởng thợ, người hái bông vải ở miền Nam có đôi bàn tay rỉ máu đứng mấp máy môi dưới nắng. Và nắng bóng bẩy lướt trên những cánh đồng mượt mà vàng chín.
Ở năm 1917, tôi chưa thấy Mos-cơ-va và tôi chưa đặt chân tới cách mạng , như thể cách mạng là một quê hương. Vì năm 1917, tôi còn quê hương ở Istanbul.
Ở Istanbul, người ta bỏ tù tôi, một lần, hai lần, ba lần, bao nhiêu lần nhỉ tổng cộng 18 năm của đời tôi. Tôi ở xa Istanbul 13 năm và chết cũng ở xa. Có lần nhà tù tôi nằm trên dốc đá, bên dưới là biển, bên dưới là những con cá lượn sấp lượn ngữa như những chiếc lá bạc trong tranh của họa sĩ Pháp. Tranh Pháp thì tôi sẽ thấy, lúc sông Seine chảy bọc hai bên nhà thờ Đức Bà sau này lâu lắm, sau trận thế chiến tới. Buổi tối năm 1961, bạn tôi sẽ cho xem Matisse làm gã bán hàng rong bày trái cây hái từ những ngân hà. Còn cá thì tôi thấy lúc nhìn lên trời ngoài song sắt nhà tù vì tôi không thể kiểng cổ ra ngoài nhìn xuống biển.
Ở năm 1938, quê hương tôi tuyên án 28 năm tù trong phiên tòa trên chiến thuyền có cầu tiêu cứt cao nửa mét họ nhét tôi vào những lúc giải lao. Vì một bài thơ. Không hề gì đâu không nên ái ngại vì chỉ 12 năm sau tôi đã được ra tù một phần nhờ bên ngoài người ta phát động tranh đấu cứu tôi và sau đó tôi âm mưu vượt biên đến Bảo Gia Lợi ngang biển Bosporus giữa cơn bão trên chiếc thuyền máy bé tí. Thuyền vượt biên sắp đắm gặp tàu bỏ đi là chuyện thường phải không, cho dù tàu đó có treo cờ một nhà nước cách mạng. Nhưng mà tôi không bỏ cuộc đòi hỏi con người chịu trách nhiệm với con người nên chỉ hai tiếng sau họ đã phải vớt tôi lên. Trên vách phòng thủy thủ đoàn là bức ảnh của tôi phóng lớn với hàng chữ:
HÃY CỨU NAZIM
Không ai hay tôi đã ra tù cả năm nay.
Cũng không ai nhận ra tôi.
Tôi là Nazim, tôi lấy vợ năm lần, đến 60 tuổi còn yêu Vera tóc vàng rơm như năm 17 tuổi yêu mùi hạnh nhân trên hơi thở Marika. Tôi không viết về những tiếng gào và những cái tát vào mặt tôi là kẻ bao giờ cũng phản bội bao giờ cũng thủy chung. Cũng như tôi không viết về những căn nhà vôi vữa lả tả rơi theo nước rịn trên tường lúc gió như băng thổi dọc theo những con lộ soviet không có thức ăn cho bọn trẻ mồ côi đùa nghịch trên đường rày xe lửa chở cha mẹ chúng về những quần đảo ngục tù thời hậu chiến thập kỷ năm mươi. Tôi không viết những điều như thế vì thế giới tương lai tôi nhìn thấy ở năm 1917 có rất nhiều lối rẽ—lối nào cũng mang câu hỏi: bao giờ thì không còn ai đói trên mặt đất hay hãi sợ kẻ khác đuổi xô và cướp đi hy vọng?
Tôi đáp lại và người ta gọi tôi là người cộng sản. Tôi đáp lại và tôi thành người của thời hiện đại. Tôi đáp lại và tôi đứng về phía tương lai. Tôi đáp lại cho đến chết. Tôi đáp lại ở Leningrad sau cuộc vây thành thế chiến thứ hai người ta lột lá mà ăn và sau những đợt đấu tranh giai cấp. Tôi đáp lại ở Leningrad năm 1958 . . .
1945
Ở cuối cuộc chiến, Gabriel Herrera trở về Quận Cam với huy chương anh dũng bội tinh do Quốc Hội liên bang trao tặng. Cha Gariel kêu:
“Ê, mejicano.”
Mẹ kéo ống quần Gabriel:
“Đâu, cho tao coi.”
Cha Gabriel trêu:
“Làm sao nó cho bà coi được. Bà để mà hỏi con Pilar.”
Lạy Chúa tôi là người có tội.
Hôm cưới, Pilar mặc áo trắng, đội khăn trắng, đeo găng tay trắng, đi giày trắng. Cô cháu nhỏ xách giỏ hoa màu trắng đi trước. Sau lễ nhà thờ, Gabriel ngồi cạnh Pilar ở băng sau chiếc xe Ford màu trắng.
Đường phố Santa Ana nhạt màu như thể xe hoa đang chạy giữa phim đen trắng. Gabriel nhìn thẳng đằng trước. Hector, anh họ Gabriel vừa lái xe vừa cười:
“Ê mejicano, salsa làm sao? Cà ớt ngò thái nhỏ vắt chanh bỏ muối.”
“Im đi Hector.”
Pilar quay lại nhìn Gabriel lúc Hector huýt sáo. Gabriel choàng tay ôm Pilar đang lồng phồng trong ba lần vải mỏng như một đám mây màu trắng.
Lạy Chúa tôi là người có tội. Nhắm mắt, tôi thấy ba ngôi: Chúa, tôi, và tội.
Pilar loay hoay trong chiếc áo cưới kêu: “Gabriel.” Gabriel nhấp nhổm chồm sang phụ Pilar mở cúc. Pilar cười khúc khích. Gabriel nằm đè lên người nàng. Da thịt Pilar mềm mềm đục sữa. Pilar kêu: “Nặng.” Gabriel nhắm mắt. Chiếc thánh giá gỗ treo đầu giường nhịp nhẹ vào tường vôi nhạt.
Lạy Chúa tôi là người có tội. Nhắm mắt, tôi thấy ba ngôi: Chúa, tôi, và tội.
Ở ngoài Rosenkrantz, Pháp, đơn vị tôi án binh chờ quân Quốc Xã. Xác đồng đội chúng tôi để dựa lưng vào vách chiến hào. Bọn còn sống thì úp người trong tư thế chiến đấu. Mùi khói súng gần gụi, mùi mồ hôi, mùi xác chết, mùi bùn, bùn, bùn. Bùn trên mặt đất cuối tháng Ba ở cái xứ này giòn như vỏ trứng. Nhưng bùn trong chiến hào thì sệt lại. Angel được lệnh tiến lên vị trí 500 yards về phía trước. Nhìn thấy chiến xa địch cách đó 75 yards, Angel chồm lên mở súng liên thanh. Địch quân rút lui. Chúng tôi không nghe gì nữa. Cách rừng thưa im lặng. Tôi nghe tiếng thở của chính mình. Angel.
Có tiếng trả súng liên thanh. Địch quân gửi lính bộ ra để đẩy lùi tuyến phòng thủ. Angel. Tôi chồm lên về phía vị trí Angel. Angel đang bắn trả vào ba địch quân ở khoảng cách 30 yards.
Angel 19 tuổi.
Pilar trở mình. Thân thể Pilar mềm, lông cứng sậm màu mọc lan ra ngoài viền quần lót mỏng. Lạy chúa. Chỗ lông xoắn xít mềm từ dưới bụng men lên đến giữa ngực Angel. Thân thể Angel rắn chắc, có mùi bùn.
Lạy Chúa, giữa tôi với Người là khoảng cách 30 yards chiến tuyến.
1975
Từ gốc Lampson/Nutwood đến Garden Grove/Nutwood là nửa dặm đường. 1.082 bước từ căn nhà tôi ở với Mẹ và Phan đến trại dưỡng lao. Phan nói:
“Tôi phải đếm bước để lần sau không phải quờ quạng.”
Cô y tá đi ngang bảo:
“Ông che mũi nhé. Và 20 phút thôi.”
Liễu rũ thưa thớt, không xanh. Hai tuần rồi tôi mới được phép có người thăm.
“Đêm hôm gió quá em sợ hôm nay không ai tới.”
“335 bước từ nhà tới đường xe lửa, và 747 bước từ đó đến đây. Cô biết không, xe lửa không chạy ban ngày.”
“Xe lửa không chạy nữa. Đường rày bỏ hoang.”
Phan quay đi:
“Đêm qua tôi còn nghe xe rầm rập trên đường.”
Đêm qua Mẹ nằm đâu trong căn nhà đó? Mẹ có nghe những toa xe rầm rập trên đường? Tôi rũ ra ho, nước mắt ràn rụa. Cơn sốt mỗi buổi chiều đã nhẹ, nhưng tôi đang bắt đầu thấy hơi lạnh rùng rùng chạy dọc theo xương cổ dài xuống theo lưng.
Hôm cô người Việt từ sở y tế xuống thu dọn đồ chở tôi vào trại dưỡng, Phan chồm tới bảo:
“Con mụ hàng xóm báo chứ ai. Hai vợ chồng cú vọ. Niên nó mới ho vài tiếng, tại khói thôi.”
Cô sở y tế nhìn Phan ái ngại:
“Ông khéo té.”
Phan gượng lại vịn vào cột hàng ba nói vọng vào nhà.
“Hay cứ để nó lại nhà tôi nhắc uống thuốc.”
“Ông và bà ở nhà nhớ uống thuốc đều, không khỏi cũng ngã bệnh như Niên. Bốn tuần đến clinic chụp hình phổi một lần. Ông nhé?”
Cô vịn tôi ra tới cửa thì quay lại:
“Ông đừng lo. Niên chỉ mới nhuốm bệnh. Vài tuần, hai tháng là cùng Niên sẽ về nhà uống nốt 6 tháng thuốc. Hơn nữa, trại ngay Nutwood/Garden Grove, ông hay bà cứ đi bộ mà thăm Niên hằng ngày.”
Lúc cô loay hoay giúp tôi lên xe tải thương, tôi nói:
“Phan không phải là cậu em đâu.”
Cô y tế quay đi lên ngồi cạnh tài xế.
Tôi cố mà không tài nào nhớ được hôm đó Mẹ đâu.
Ở nhà, Phan hay gọi:
“Chị Liên ơi, chiều nay ăn gì để em nấu.”
Mẹ hay nói:
“Cậu khéo. Thì còn ăn gì nữa.”
Cứ vậy mà ngày nào Phan cũng réo. Đi chợ là việc của tôi. Phan không theo vì tôi đi dọc theo đường rày xe lửa ra chợ Vons ở ngoài Brookhurst. Như thế gần hơn. Một tuần hai lần, bận về bụi dậy hơn bận đi. Phan nói tại bận về tôi phải ôm đồ nặng. Lúc về ngang nhà hai vợ chồng bên cạnh trên đường Lampson, người vợ tóc vàng rơm hay đứng tưới cỏ nhìn theo. Tôi ít khi chào.
Trong bao đồ chợ của tôi ngoài những thứ lỉnh kỉnh là 5 bó cải xanh và 4 vĩ cổ gà. Cổ gà 7 xu một pound trong khi ức gà tới 98 xu. Cổ gà còn da. Phan lấy ra rửa, chặt mỗi khúc cổ ra làm hai. Phan đập gừng, thắng đường, cho tỏi, đổ nước mắm vào kho. Nước mắm và gạo thì chúng tôi lâu lâu cuối tuần nhờ xe Ford Thunderbird đời 1955 màu hồng đã rỉ của Henry ở kế bên nhà chở ra chợ Thái mua về. Tuần nào cũng cổ gà kho đến 4 – 5 ngày. Có hôm Phan bảo tôi mua thịt bacon về ngâm nước kho như ba rọi, nhưng ăn mặn chát, lại có mùi xông khói. Buổi trưa xong, Mẹ xúc cơm để chiều mang theo vào sở tối ăn. Mẹ làm ca chiều ở sở đóng thùng cam và hạt hạnh nhân. Cam chạy trên bàn kéo, ngang chỗ ngồi mẹ chỉ việc lựa theo cỡ, và vất đi những quả ung. Cam Valencia quả đỏ như máu. Mùi the xông lên nhức đầu. Tôi biết vì đã có hôm tôi theo Mẹ vào làm thế chỗ cô Khê bệnh nghỉ. Những khuya Mẹ đi làm về ghé sang giường tôi, Mẹ không có mùi the. Mẹ mùi hạnh nhân.
Trưa tôi đi học về và chiều tôi với Phan ăn cơm ở nhà. Hôm ra trại tị nạn người bảo lãnh chở Mẹ và tôi đi ghi danh học lớp 10, trường đã tựu được mấy ngày, trời còn nóng. Hai tháng sau trời đã tụ sương buổi sáng. Trưa tôi về là Mẹ đã đón xe buýt đi làm. Sau mấy đợt gió Santa Ana, vườn sau đầy lá. Có khi trời sương đặc như mưa bụi. Mùi lá ướt ngọt ngấy. Phan kêu tôi ra gom lá. Henry râu ria xồm xoàm đứng dựa rào chỉ trỏ. Nhà Henry cũng ngay bên cạnh nhưng xoay về phía đường Nutwood. Nhà tôi ở ngay gốc, mái lệch, ngói vỡ nhiều mảng. Oáng khói bằng gạch đỏ sụp bể một bên. Henry nói không kêu chủ lợp lại mái đến mùa mưa tháng tới dột tha hồ. Tôi hiểu loáng thoáng thôi. Phan hỏi tôi Henry nói gì. Mẹ sẽ không đòi chủ lợp nhà dù Mẹ có đủ tiếng để diễn tả viễn ảnh mái dột. Chủ cho mướn 375 đô một tháng với điều kiện không đòi hỏi quấy rầy. Lương Mẹ 2 đô 10 xu một giờ, một tháng 336 đô nên Phan ở để phụ thêm 125 đô một tháng với số tiền tàn tật Phan lãnh nhà nước.
Phan mù. Không, thật ra Phan chỉ đang mù dần. Tôi không biết Phan chỉ thấy đường viền như biên giới giữa khoảng không và vật thể, hay Phan chỉ thấy ánh sáng. Có lần tôi đưa tay sờ mắt Phan tìm vết thẹo. Phan gạt nhẹ, nắm tôi lại ở cổ tay. Phan nói “Không phải đạn,” và đứng dậy bỏ vào phòng.
Buổi chiều tháng 11, chúng tôi ngồi ở bàn ăn. Cổ gà béo da nhầy nhầy, trong là xương. Chúng tôi nhằn xương. Tôi thích bẻ đôi khúc cổ, kéo sợi tủy trắng beo béo tuột ra khỏi ống xương đầy khớp. Phan không thích tôi ăn như thế nên Phan chặt đôi cổ gà trước khi kho. Tôi cầm từng vụn cổ, bẻ từng khớp xương lấy ra cho được sợi tủy. Tôi nói:
“Anh có thấy gì đâu mà khó chịu. Em thích vậy.”
“Cậu. Gọi cậu Phan.” Phan chồm qua bàn dằn lấy khúc xương ra khỏi tay tôi.
Tôi ghị lại, móng bấu lún vào tay Phan. Phan xô tôi. Ghế ngã, tôi té ngửa xuống sàn. Phan chạy vòng sang mò tìm tôi trên đất.
1945
Ảnh chụp từ cao: khoảng đất được ủi bằng, và phân lô. Giữa khu là căn nhà mẫu Verano: 3 phòng ngủ, 1,75 phòng tắm, garage 2 xe. Lệch sang bên là căn mẫu Walden: 4 phòng ngủ, 2 phòng tắm, phòng ăn riêng, phòng khách có lò sưởi, cửa sổ Tây, garage 2 xe. Trong chu vi một dặm vuông, hơn nghìn căn sẽ theo mẫu Verano, và 400 căn theo mẫu Walden. Năm 1954 thời hậu chiến, mỗi ngày có đến 700 căn nhà ‘tract-homes’ như thế được hoàn tất ở một thành phố trong quận.
Trong ảnh, vài gốc cây trơ trụi đây đó không đủ sức nhắc nhớ gì đến những ruộng dâu hay những vườn cam đã san bằng. Cha mẹ Gabriel thời trước chiến tranh đã từng đi làm công ở những chỗ như thế theo mùa: củ cải đường, đậu ván, rau cần, cà chua, và dâu đỏ. Chưa kể là những vườn cam và vườn hạnh nhân. Trước năm 1932, có được việc còng lưng suốt 10 tiếng một ngày đã là may. Nhưng vào thời chiến, công việc làm không hết, nhà nước còn đưa cả tù binh Đức đến làm cho các vườn trong quận.
Năm trước, Gabriel tìm được chân thợ tiện ở hãng đóng máy bay hợp đồng nhà nước. Sau 3 tháng tập sự, cha vỗ vai Gabriel:
“Mày đến rồi đấy con ạ.”
Ông quay đi sau câu nói. Những luống dâu đậu đầy muỗi mòng chạy dài ở sau lưng.
Ảnh Gabriel chụp năm 1954: Pilar bụng tròn nhô trong chiếc đầm bầu, tay vẫy, cười nhênh nhếch góc môi trái, mắt nheo. Sau lưng Pilar, người ta sắp hàng dài ngoằn để ghi tên mua những căn hộ mẫu Verano hay mẫu Walden sẽ cất, những căn hộ rẻ tiền cho giới lao động áo xanh sống theo lối trung lưu hạng thấp. Nắng tháng Bảy gay gắt sáng.
Đêm tháng Chín, Gabriel đứng ở cửa sổ phòng ngủ nhìn ra khu nhà mới thẳng hàng sân chưa mọc cỏ. Dưới ánh đèn mù mù dọc theo những con đường mới tráng, Gabriel thấy những hàng cam chạy tít vào đêm, những hàng cam biết đi đang trở về chờ người hái trái. Cam Valencia quả mọng nắng như thể chúng đã mọc lên từ những trang nhật ký mê sảng trên thuyền Tây Ban Nha vượt đại dương tìm thuộc địa ở cuối thế kỷ 15. Gabriel muốn chạy dọc hàng cây hái cam cho tới sáng. Những quả cam rực đỏ Gabriel xẻ đôi đưa tận miệng Angel. Nắng ối California chảy thành dòng trên da Angel nhợt nhạt, nhỏ giọt xuống mặt đất bùn lẫn vào với tuyết ngoài mặt trận Tây Âu. Gabriel sẽ lái máy bay một động cơ ngang qua vòm trời, để lại một vệt khói mỏng như mây. Bên dưới là chiến trường. Bên dưới là khu nhà track-homes đất ủi.
Angel 19 tuổi. Lúc tôi tới được vị trí phòng tuyến, da Angel đã tái màu.
Lạy Chúa, tôi nói gì được với Người đây khi ngôn ngữ duy nhất giữa chúng ta là những tội danh?
Trời sáng từ vòng chân trời. Pilar tóc xõa đứng chiên trứng, nướng bánh mì trét bơ mứt và pha cà phê cho bữa sáng. Xong Pilar gói sandwich bỏ vào hộp cho tôi mang vào sở ăn trưa. Chiều về, Pilar sẽ bày xong bữa cơm chiều lúc tôi uống lon bia. Pilar sẽ nói vọng ra từ nhà bếp: “Cái máy giặt anh hứa với em, ngày mai thứ Bảy mình đi mua cho kịp trước ngày em sinh, nha anh.” Tôi sẽ nói vọng vào: “Sure, Pilar.”
Lạy Chúa, tôi nói gì được với Người đây khi ngôn ngữ giữa chúng ta là những tội danh? Trước Người, tôi đành xưng tên bằng xưng tội.
Ở sở, tôi lánh mặt John Hirose lúc giờ ăn trưa. Tôi rủ Hector sang sân cỏ bên hông ngồi ăn bánh mì kẹp thịt Pilar đã tế nhị làm đủ cho cả hai. Hirose tần ngần gọi lúc tôi đang kéo Hector ra khỏi xưởng. Hirose vừa được nhận vào làm trong đội tiện của tôi nên hắn chưa có bạn ăn trưa. Hắn nhận ra tôi hôm đầu vào sở: “Gabriel? Nhớ tao không, lớp 6 thầy Jameson.” Mùi ngai ngái tỏa ra từ tóc hắn.
Sông Santa Ana chảy từ đâu, đổ ra biển chỗ nào ngày xưa tôi không biết. Nhưng gần như trưa nào tôi cũng chạy dọc theo con sông nước thấp, khúc chảy ngang đường Fairview. Đó là đường từ trường về ruộng nhà Hirose. Nó lúc nào cũng quần cọc, áo sơ mi thẳng thóm, vừa đi vừa chạy trên đê, tay xách chồng sách nịt dây da. Theo sau là bọn trẻ da trắng đứa đạp xe, đứa chạy bộ. Tiếng bọn chúng hét Hirose, Hirose vang vang trong nắng. Tôi ghét đôi chân ngắn, cong cong của Hirose chạy huỳnh huỵnh trên đất. Tôi nghét tóc nó đen cứng chải dầu tém xuống hai bên thái dương.
Buổi trưa tháng Năm nắng đã hơi gắt, hoa tím nhạt mùi nồng nở kín hai hàng cây ở trên cao. Dây morning glory tím đậm leo phủ qua rào sau những căn nhà dọc theo sông. Bọn trẻ phía trước tôi đã bắt đầu nhặt đá liệng về phía Hirose. Tôi nhặt đá lúc đầu nhỏ sau tròn to. Tôi bỏ đá vào cặp, tim đập thình thịch. Hoa tím rụng đầy đất, mùi ngái của nước đái và nồng của rượu. Tôi cầm viên đá, to bằng quả trứng chim, nhắm về phía Hirose đang chạy. Phía trước tôi, bọn trẻ có đứa quay lại:
“Ê thằng Mexican, mày làm gì vậy?”
Chúng cười rú. Tôi đứng khựng.
Buổi trưa hôm đó tôi ngồi trong bụi morning glory. Sông Santa Ana nước cạn, chảy qua đường Fairview không nghe tiếng.
Hôm tôi ở lại làm overtime, Hirose ra tìm tôi ngoài cửa sau lúc giờ break. Hắn thọc tay vào túi quần:
“Cho xin điếu thuốc.”
Tôi quẹt diêm cho hắn. Đóm lửa lóe lên lúc Hirose nghiêng đầu vào tay tôi mồi thuốc. Tóc hắn lòa xòa rơi xuống mắt. Tôi nói:
“Tóc mày không tém nữa?”
Hirose cười:
“Mày nhớ? Vào lính nó gọt đầu, còn gì tém.”
“Lính?”
“Lữ Đoàn 442, Thung lũng Po, Ý.”
Hôm núp trong bụi morning glory, tôi thấy những chân đá tay đấm của lũ con trai đập vào người Hirose. Nó co lại, hai tay ôm đầu, không rên la. Bọn trẻ cũng không đứa nào hò hét. Một cuộc ấu đả trong đoạn phim câm. Tôi nghĩ đến nước sông Santa Ana, đầy cá sáng bạc, trôi tuột ra biển.
“Gabriel, hồi ngoài mặt trận, có lần tao nằm mơ thấy mẹ.”
“Ừ.”
“Không phải tao nhớ mẹ. Tao thấy tao đứng nhìn mẹ tao bước rất chậm, theo sau là chiếc cùi giấy vệ sinh lăn long lóc xuống những bậc tam cấp thấp. Mẹ tao phấn son tươm tất, mặc bộ đầm cổ trắng to bản như những người đàn bà da trắng đi lễ nhà thờ vào sáng chúa nhật. Mẹ tao cứ thế đi giữa phố. Không ai chào, không ai tiễn. Cùi giấy vệ sinh lăn chầm chậm theo sau.”
Tôi thọc tay vào túi quần, nắm chặt hộp diêm. Vỏ hộp nham nhám, không nhẵn như những hòn đá trứng chim. Mùi tóc Hirose ngai ngái ở gần.
“Mà mày biết không Gabriel, chưa bao giờ tao nhìn thấy mẹ tao rõ như lần đó.”
Buổi tối Gabriel lái chiếc xe Ford Thunderbird đời 1955 về nhà. Xe Gabriel vững chải lăn bánh về phía tương lai của một người Mỹ con di dân gốc Mexico. Cha Gabriel đã có thể hãnh diện hay thở dài. Con Gabriel sẽ sinh ở nhà thương; và vài ngày sau đó Pilar sẽ rạng rỡ vén tóc đặt nó vào nôi trong căn phòng mới sơn màu trời non bên cạnh phòng master bedroom. Gió Santa Ana bắt đầu thổi. Những sân nhà track-homes chưa mọc cỏ, bụi rít vào đêm tháng Chín.
1975
Tôi chỉ dãy nhà thẳng hàng, giống nhau, ở dọc những con đường xe Henry chạy ngang. Henry nói:
“Track-homes.”
Tôi lặp lại.
Henry nói:
“Nhà cha mẹ tôi cũng là track-home cất thời hậu chiến. Còn nhà cô đang ở cũ hơn nhiều.”
Những căn nhà cách nhau đều đặn như những dãy lều trại tị nạn, giữ nhịp dọc theo những con đường thành phố.
Chiều hôm đó, lúc Phan loay hoay dán giấy che chỗ kính vỡ ở cửa sổ phòng, tôi nói:
“Những căn nhà giống nhau dọc theo đường, họ gọi là track-homes.”
Phan không ngẩng lên. Tôi nói:
“Mai mốt Mẹ sẽ mua một căn nhà như thế.”
Lúc chúng tôi lăn từ giường xuống đất, lưng bàn tay Phan rà ngang má tôi, Phan thở rút:
“Anh không đi đâu hết. Mà anh cũng không phải hạng đàn ông đó.”
Lưỡi Phan dí nhẹ xuống giữa lưng tôi, lê dài xuống kẽ mông, xoáy vào môi, chạy vòng lên bụng. Tôi xoắn tay vào tóc Phan, kéo Phan lên ngang mặt. Tôi không cảm thấy sức nặng của Phan trên người. Môi Phan ấm. Tôi không cảm thấy gì ngoài hơi ấm. Tôi ghị Phan xuống. Phan tuột khỏi tay tôi.
“Sao vậy, Phan?”
“Nghe kìa.”
“Không phải xe lửa đâu. Henry tập trống đó mà. Nghe kìa, theo nhịp.”
Phan gục đầu xuống bụng tôi.
“Anh.”
“Gì?”
“Những người đàn ông khác, họ có như thế không?”
Phan ngừng lại trên đầu ngón chân tôi.
“Anh.”
“Gì?”
“Sao anh không vào em được?”
“Sao cô nói nhiều vậy? Những người đàn bà khác, họ chỉ rên, và thở gấp, và kêu tên tôi, và. . .”
Tôi cười rũ, chuyển thành cơn ho thốc lên từ dưới bụng. Đèn xe ngoài đường quét ngang tường vôi ố.
Sáng thứ Bảy Mẹ nghỉ ở nhà. Mẹ ra ngồi bậc tam cấp vườn sau. Hoa cẩm chướng trái mùa mọc quanh chân Mẹ. Mùi hoa trắng toát. Như trên đời không còn mùi gì khác. Như tóc Mẹ áo Mẹ da Mẹ không toát mùi hạnh nhân. Tiếng trống của Henry nhịp đều. Cây birch lá tròn rũ như bầy cá rô sấp ngửa, bơi ngược dòng từ giữa thân cây lên tận ngọn. Nắng lung linh bạc, đổ xiêng.
Tôi đứng trong bếp nhìn ra chỗ Mẹ ngồi. Phan từ phía phòng bước ra đặt tay lên vai Mẹ. Mẹ níu lấy tay Phan. Phan rụt tay lại quay vào. Mẹ cười:
“Ở đây Phan. Đừng vô ra mãi như Vân Tiên cõng mẹ.”
Cả hai khúc khích cười.
Mùi cẩm chướng tràn lan vào tới bếp.
Tôi gọi vọng ra:
“Cậu Phan nói bữa nay hốt lá vườn rồi sang nhờ xe Henry đi chợ.”
Tôi bương ra, lấn vào Phan trên bậc tam cấp.
Mẹ ngẩng lên nhìn tôi. Tôi với lấy bừa cào lá. Lá nâu đậm nhạt mục rửa ngập sân. Phan quay vào nhà. Tôi xoay đi bỉu môi. Mẹ không nói gì bước xuống giúp tôi hốt lá. Tôi dồn hết vào góc sân, chạy vào tìm diêm quẹt. Mẹ kêu theo:
“Không đốt được, bỏ vào bao thôi.”
Tôi không nói gì, trở ra quẹt lửa châm vào đống lá.
Mẹ nắm tay tôi:
“Niên, con sao vậy?”
Lửa không bắt ngọn nhưng khói ngùn ngùn tỏa. Mùi khét như cẩm chướng. Người đàn bà tóc vàng nhà bên hét lên, tiếng cao the thé.
Phan chạy ra phụ Mẹ tạt nước vào đống lá. Mẹ líu ríu nói với người đàn bà hàng xóm:
“Con bé không biết. Nó không làm thế nữa đâu.”
Phan bước đến tát vào mặt tôi. Những ngón tay Phan bỏng rát trên má, không ấm như lúc Phan đặt ngón tay vào chỗ trũng ở cổ tôi. Tai tôi ù. Tôi lên cơn ho rũ. Tôi không ngừng. Tôi gập người ho thốc xuống mớ cẩm chướng. Để chúng đừng trắng nữa đừng thơm ngát đừng tràn lan.
Nhà dưỡng lao gọi là sanatorium, em đọc được trên bảng nhỏ ngoài sân trước. Anh ngồi im lắng nghe tiếng tíc tắc đồng hồ giữ nhịp như tiếng trống của Henry. Nắng xế rọi từ sau làm mặt anh tối quá em không đọc được.
“Làm sao anh vượt qua đường rày?”
“335 bước thôi Niên, và tôi bước thêm bước 336.”
Anh nghĩ gì mặt anh tối quá em không đọc được. Anh không còn sợ nghe xe lửa chạy ban đêm, tiếng vòng bánh nghiến trên đường sắt cuốn anh theo?
“Ngày mai anh lại đến?”
“Liên nói mai Liên tới thăm cô.”
Anh nghĩ gì nắng xế chói quá em không đọc được, anh thấy không anh đôi bàn chân em đang bắt đầu tan thành những con cá rô vẩy bạc lội tứ tán. Anh không là hạng đàn ông như thế là hạng nào chắc không phải hạng con trai bản xứ cười rú rúc lúc em mặc áo ngủ dài em tưởng đầm maxi đi học lũ con trai bản xứ rà xe theo huýt sáo lúc em mặc đầm carô xanh dương Mẹ lựa ở Goodwill dọc đường xe lửa về cắt phần dưới rách lên lai thành mini cũn cỡn cho em mang giày cao gót cũng mua ở Goodwill lội bộ dự lễ trao giải toán học ở trường hay còn hạng đàn ông nào còn hạng đàn ông nào nữa?
“Buông ra, Niên.”
Nhưng môi anh ấm quá lưỡi anh êm quá và anh ôm em nhẹ như không da anh mùi cẩm chướng anh không nhớ sao anh không nhớ sao?
“Không phải tình yêu đâu Niên. Hơn nữa cô còn nguyên đó mà.”
Đầu xe lửa đen ngòm kéo theo sau một trăm toa container chở da bò rỉ nước vàng đục dọc dài những đường sắt ra tới bến tàu về các nước Thái Bình Dương. Ngày xưa, những bộ da bò mới lột trong quận người ta cũng kéo bằng đường sắt ra tới vách núi Dana Point xô xuống bãi cho tàu biển chở vòng sang xưởng đóng giày ở New England bên bờ Đại tây Dương. Đoàn xe lửa rầm rập chạy vào đêm. Mất hút.
Hôm tôi trở về căn nhà lệch mái, mưa tuôn theo tường vôi vữa.
Trong ảnh phóng sự di tản chụp từ cao, giấy vụn tụ thành dòng giữa xác xe la liệt—pháo xa, chiến xa, thiết vận xa—rụi đen, tràn ra khỏi khung hình. Phía sau là biển Đà Nẳng. Giấy trắng xóa, như xác cá mắc cạn.
1867
lạ chừng đường sá
bơ vơ
có bầy đom đóm sáng nhờ đi theo
qua truông rồi lại lên đèo
dế kêu
giăng giỏi
sương gieo lạnh lùng
(Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên, thập kỷ 1850)
2003
Mưa thánh kinh trút xuống giữa Nasiriya và Najaf. Phóng viên chiến trường theo đoàn First Expeditionary Force đã tường trình như thế trên radio giữa những cơn bão cát. Mưa kinh thánh là sao?
Sáng Thứ Bảy, ngày 5 tháng 4, năm 2003, 60 chiến xa Đồng Minh lăn bánh vào Bá-đa. Đường lố nhố người. Có người vẫy tay. Nhiều tiếng nổ vang lên mà thật ra chưa hề dứt từ lúc những phi đạn Tomahawk tinh khôn bay vào 17 ngày trước đó. Người đàn ông bên đường bay nửa khuôn mặt. Ở thế kỷ mới, người ta chết như đã chết ở thế kỷ trước. Trong vòng 3 tiếng đồng hồ sáng ngày hôm đó, quân Đồng Minh ước lượng đã tiêu diệt được 3.000 người trên đường vòng Bá-đa.
Mưa tẩy máu ở lại cùng Cựu Ước. Mưa rửa tội ở lại cùng Tân Ước. Mưa trần thế, hạt to, trút xuống trong cơn bão cát đã ở lại đâu đó giữa Nasiriya và Najaf, phía tây sông Euphrates, phía nam thành Bá-đa. Nước sông tràn xuống sa mạc. Cá đổ ra đầm khô, giẫy lấp sấp.
Lạy Chúa, tôi đang đứng giữa cuộc sát sinh, và rồi sau đó nữa, giữa thời hậu chiến.
1917
This Journey
We open doors,
close doors,
pass through doors,
and reach at the end of our only journey
no city,
no harbor—
the train derails,
the ship sinks
the plane crashes.
The map is drawn on ice.
But if I could
begin this journey all over again,
I would.
Leningrad
1958
(thơ Nazim Hikmet, Randy Blasing và Mutlu Konuk chuyển ngữ từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ)
nguyễn hương
June 2003