ÁNH LỬA VEN HỒ

ÁNH LỬA VEN HỒ

(Takibi, 1920)

 

 

Nguyên tác: Shiga Naoya

Dịch: Nguyễn Nam Trân

 

 

 

Theo nguyên nghĩa, Takibi là lửa đốt lò, bếp hay lá rụng ngoài trời. Trong haiku, Takibi dùng để chỉ mùa đông. Tuy nhiên, theo nghĩa rộng, từ này còn hàm chứa sự tẩy uế và tái sinh.

 

“Ánh lửa ven hồ” có thể chỉ là đám lửa trại mà một nhóm bạn khi du ngoạn ban đêm đã đốt lên để sưởi ấm nhưng còn mang một ý nghĩa thâm thúy hơn với màu sắc Thần đạo khi được liên kết với cuộc hành trình bằng thuyền qua hồ, hình ảnh một sự thanh tẩy trước khi đoàn người đến ngọn núi thiêng, cũng như qua câu chuyện nhờ thần giao cách cảm bà mẹ đã giúp đứa con trai thoát hiểm. Mô típ sau làm chúng ta liên tưởng đến một truyện ngắn thật hay nhan đề “Bóng người trong sương mù” của nhà văn Nhất Linh in trong tuyển tập Đời Mưa Gió (1934).

 

Shiga Naoya viết Takibi khi ông vừa cưới vợ và đôi tân hôn có dịp đi chơi vùng núi non Akagiyama (tỉnh Gunma, gần Tôkyô). Phần đầu câu truyện đã được viết ở địa điểm ấy, phần sau kết thúc ở Abiko (phía bắc tỉnh Chiba) nơi nhà văn trú ngụ, nhiều năm về sau. Chi tiết cô vợ trẻ của ông là bà Sadako biết trèo cây, bơi được xa, đưa ra một hình ảnh tươi mát về người phụ nữ Nhật Bản đầu thế kỷ 20. Anh K - chủ nhân lữ quán – tức Inoya Kunio cũng là một nhân vật có thực.

 

“Truyện ngắn không cốt truyện” này giống như thiên ký sự bằng văn nói do một người xưng “tôi” (jibun) kể lại. Tuy nhiên, nhân vật chính trong đó đúng ra phải là “con người” với cái nghĩa bao quát của nó. Con người ấy đang đứng cô đơn trước một thiên nhiên hoang dã và cao rộng.

 

Truyện dưới đây đã được nhiều người ngoại quốc dịch sang tiếng nước họ.  Ta thấy lần lượt có các bản Anh của Ivan Morris, Ted Goossen và Pháp của Serge Elisseeff, Marc Mécréant vv... Ở Nhật, Takibi cũng được các nhà văn nổi tiếng, Akutagawa chẳng hạn, đánh giá cao. Ông xem đó là một khuôn mẫu viết truyện ngắn theo lối hành văn tự nhiên, trực tiếp, giản ước, ít tu sức của một “đối thủ” mà ông ngưỡng mộ.

 

              http://blogimg.goo.ne.jp/user_image/72/1d/94dad555c11404de1a2425ab2d0ac1b2.jpg

 

       Shiga Naoya (áo trắng) thời đến Akagiyama và viết Takibi

 

 

 

Ngày hôm ấy, mưa từ sáng. Giữa trưa trở đi, vợ chồng tôi, họa sĩ S. và anh K., chủ nhân lữ quán, ngồi đánh bài trong phòng tôi trên gác hai. Căn phòng ngộp khói thuốc lá, mọi người đều đã thấm mệt. Bài chơi đến chán, bánh trái cũng ăn quá nhiều rồi. Lúc đó quãng 3 giờ chiều. Khi một người đứng dậy ra mở cánh cửa sổ khung dán giấy bồi thì mưa đã ngớt tự hồi nào. Không khí lành lạnh thật dễ chịu của vùng đồi núi thoang thoảng hương thơm của cây xanh lá mới, lùa vào căn phòng. Khói thuốc bị dạt ra lảng đảng. Mọi người đưa mắt nhìn nhau, cảm thấy như vừa sống lại.   

 

Anh K, chủ nhân, lom khom đứng dậy, hai tay còn thọc sâu vào trong túi quần, ra vẻ chần chờ rồi nói:

-  Tôi ra đằng nhà chòi một chốc nhá!

-  Ừ nhỉ, tôi đi kiếm cái gì vẽ chơi.

Họa sĩ S. cũng lên tiếng. Hai người cùng bước ra ngoài.

 

Đến ngồi bên ngoài thành cửa sổ và đưa mắt ngắm những dãi mây trắng đang tan dần làm bầu trời trải rộng một màu xanh men sứ, tôi thấy bóng họa sĩ S. trên vai mang hộp dụng cụ để vẽ và anh K chủ nhà với các áo khoác ngoài ngắn quàng lơ là trên vai đang leo lên dốc về hướng căn nhà chòi. Đến trước đó, hai người dừng lại một lúc trao đổi dăm câu rồi chỉ có họa sĩ S. là tiếp tục đi vào khu rừng thấp.

 

Tôi ngả lưng, cầm sách lên đọc. Đến lúc chán cả chuyện đọc sách thì vợ tôi, đang ngồi khâu vá bên cạnh, rủ rê:

-  Mình ra ngoài “chòi” chơi đi anh!

“Chòi” ở đây là một ngôi nhà nhỏ mái thấp ở sát bên nhà để chúng tôi dọn ra ở tạm do người chủ trẻ là anh K. và Haru, ông thợ đốt than đứng tuổi đã cùng nhau dựng lên.

       

         http://stat.ameba.jp/user_images/20140525/22/ita-33/20/00/j/o0475031712952767083.jpg   

 

                       Cái nhà chòi cũng khá tươm tất

 

Lúc hai chúng tôi đến nơi thì anh K và bác Haru vừa làm xong chỗ đi vệ sinh bên ngoài.

Anh K. nói:

-  Cái nhà chòi như thể này cũng khá tươm tất rồi nhỉ.

Tôi từng phụ một tay với anh. Đôi khi nhà tôi cũng có tham gia.

 

Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, họa sĩ S. dẫm lên trên lối đi đầy lá khô ẩm rụng xuống vào những mùa trước, từ bên trong cánh rừng bước ra. Anh ta khen công trình nhà vệ sinh mới hoàn thành:

-  Hay quá. Thêm được cái chái này, xem như chòi đã có hình thù một căn nhà.

Anh K mặt mày hớn hở, trả lời một cách vui vẻ:

-  Ai cũng bận lòng vì chỗ vệ sinh mà nay mình đã có được một nơi hẳn hoi như thế này.

 

Công việc dựng nhà chòi đã được người nhà giao phó cho anh K. từ trước đến sau. Anh K. vốn thích xây cất. Không những vấn đề thực dụng chân tay mà ngày cả việc thiết kế hình thù hoặc là khi lựa chọn vật liệu, anh cũng khổ tâm tìm tòi màu sắc sao cho ăn khớp để căn nhà trở thành một chỗ ở thật thoải mái.

 

Tiếng chim ó đêm bắt đầu vang lên chát chúa như có những thanh gỗ cứng đập vào nhau. Vì trời đã tối nên mọi người phải ngưng công việc. Bác Haru vừa dùng lòng bàn tay nhồi thêm thuốc lá vào tẩu, vừa nói:

-  Bò với ngựa thường leo lên tận đây, chúng mình phải nhanh tay  dựng hàng rào mới được.

Anh K trả lời:

-  Bác nói đúng, không thể nào để chúng ăn hết “công trình” chúng mình vừa làm ra.

 

Anh bảo bò ngựa ăn được nhà làm mọi người phì cười. Chính ra, trên ngọn núi này, vì không có đất sét để trét như thông lệ, ngay cả các bức tường của lữ quán đều phải đắp bằng ván. Để làm tường cho nhà chòi, người ta đã sắm sn những cái bịch lớn cùng một kiểu với bịch rơm dành để đựng than rồi đắp lên cao dần. Giữa hai lớp rơm như vậy, họ lèn vào mấy tấm cói. 

-  Đối với bò hay ngựa, cái nhà này là một bữa tiệc!

Thấy bác Haru nói thế và không có vẻ đùa tí nào, cả bọn lại cười ồ.

 

Buổi chiều trên núi cao lúc nào cũng dễ chịu. Đặc biệt là khi mưa đã tạnh thì cảnh hoàng hôn càng đẹp hơn. Hơn thế nữa, sau khi làm việc xong, vừa ngắm kết quả làm việc của một ngày qua vừa rít một hơi thuốc lá thì trong lòng ai nấy đều thấy dậy lên một niềm vui nhè nhẹ và tất cả như chia sẻ với nhau một tình cảm khoan khoái. 

 

Ngày hôm qua mưa cũng đã ngớt giọt từ xế trưa và chiều xuống thật đẹp. Có cả một cái cầu vồng lớn bắc qua giữa ngọn đèo Torii và rặng núi Kurobi nên phong cảnh còn ngoạn mục hơn nữa. Mọi người đã ở lại nơi đây chơi thật lâu. Nhân nhà chòi nằm bên trong một cánh rừng sồi, cả bọn có dịp trèo lên những thân sồi cao chơi trò trèo cây. Ngay vợ tôi cũng đòi leo cao vì trên đó dễ ngắm cầu vồng hơn. Anh K và tôi, hai người mới kéo giúp cô lên đến một chỗ cao khoảng 5m.

 

Tôi, vợ tôi và anh K chọn leo lên cùng một thân cây. Anh S. thì leo lên cây bên cạnh. Hai anh S và K muốn tranh nhau xem ai cao hơn ai nên đã trèo lên tận tầm 9 đến 10 m.

-   Chẳng thua gì ngồi trong ghế xích đu!

 

Anh K tìm được một cái chạc hai thật tiện nghi ở trên cao, nằm ngửa người lên nhìn trời, vừa hút thuốc vấn vừa nhún cành cây lên xuống nhịp nhàng như những đợt sóng lớn cho chúng tôi xem.

 

Cậu bé người làm chậm trí có khuôn mặt già gấp đôi số tuổi tên là Ichiya địu trên lưng đứa con thứ hai của anh K vừa tới nơi và cho biết đã đến giờ cơm chiều. Mãi sau, cả bọn từ trên cây mới xuống đến mặt đất. Lúc ấy trời đã tối đến độ nếu không soi đèn, chúng tôi thật khó lòng tìm ra cái lược mà vợ tôi đánh rơi từ trên cây trước đó.

 

Thích thú nhớ lại chuyện xảy ra như thế hôm qua, tôi mới đề nghị:

-  Chiều nay, có lấy thuyền dạo hồ không nào?

Cả bọn đều tán thành.

 

Ăn cơm thì riêng rẽ nhưng sau đó, bốn đứa chúng tôi tụ tập lại dưới nhà chung quanh cái lò bếp đặt chìm dưới sàn. Anh K. lấy nước nóng từ chiếc ấm lớn thường ngày dùng để châm trà pha loãng sữa đặc cho đứa bé sơ sinh.

 

Trước khi ra bờ hồ, K. ghé ngang nhà kho trữ nước đá và vác ra một tấm ván bằng gỗ sồi thật dày. Bốn người chúng tôi vượt khỏi khuôn viên của ngôi đền Thần đạo nằm dưới tàng lá rộng những cây bách lớn. Lúc đi qua trước điện thờ thần, anh K. căn dặn người bán bùa và thẻ gỗ:

-  Nước tắm xong rồi đó, bác về mà tắm đi nghe.

Giữa khoảng cách những thân cây bách to lớn, đã thấy mặt nước hồ lấp lánh ánh bạc.

 

Con thuyền nhỏ được kéo lên đến nửa chừng trên bờ. Trong khi anh K vục hết nước mưa đọng lại từ ban ngày ra khỏi lòng thuyền, ba đứa chúng tôi đứng chờ trên mặt cát đen ướt.

 

Tấm ván dày mà anh K khuân tới được bắc vào giữa lòng thuyền. “Mời mọi người lên!”. Anh nói xong giúp vợ tôi leo lên trước rồi đến chúng tôi. Con thuyền nhỏ được đẩy ra khỏi bờ.

 

Buổi chiều thật êm đềm. Bầu trời phiá tây hãy còn thoi thóp một vệt nắng tàn. Bốn bề núi giăng hàng đen thẫm, không khác lưng những con khủng long.

-  Này anh K., sao núi Kurobi trông thấp quá vậy?

Họa sĩ S. từ mũi thuyền lên tiếng hỏi.

-  Ban đêm thì nhìn núi nào cũng thấy thấp thôi.

Anh K. ở đuôi thuyền, lặng lẽ đưa cái mái chèo ngắn khuấy nước và trả lời.

Vợ tôi bảo:

-  Có ai đang đốt lửa kìa!

Khi thuyền đi vào sau lưng đảo Kotori thì chợt thấy có ánh lửa phía bên kia bờ. Lửa chiếu lên trên mặt nước phẳng lì nên tưởng như có hai đốm lửa vậy. K. mới nói:

-  Vào thời điểm này thì có hơi lạ. Có khi là lửa trại của mấy người hái đọt warabi[1] phải ngủ ngoài trời. Ngày xưa ở phía đó có lò đốt than, họ đang ngủ trong đó cũng không chừng. Mình đi tới xem sao nhé!

 

           http://www.geocities.jp/seppa06/0401kyokasyo/0000001811.jpg

 

                    Buổi chiều thật êm đềm ...

 

Anh K. gia sức vào tay chèo để đổi hướng mũi thuyền. Con thuyền lướt trên mặt nước lặng lờ. Anh K. kể chúng tôi nghe chuyện anh có lần một mình bơi từ hòn đảo Kotori đến tận phía đền Thần đạo và hoảng kinh khi gặp phải một con rắn cũng đang băng qua hồ.

 

Đúng như lời anh K. nói, trước cửa lò đốt than có một đống lửa ai đốt. Họa sĩ S. hỏi:

-  Anh K. ơi, trong lò đốt than có người à. Thật không?

-  Nhất định là thế! Nếu không có người, ai lại để nguyên lửa mà không dập tắt. Mình lên bờ đi!

Vợ tôi nói theo:

-  Tôi cũng muốn lên xem một chút!

Chúng tôi tấp vào bờ. Họa sĩ S., giây thừng trên tay, phóng xuống bãi đầu tiên, kéo thuyền lên neo lại giữa mấy tảng đá. Anh K. ngồi chồm hổm trước cửa lò đốt than, nhìn đi nhìn lại xem xét bên trong.

-  Họ đang ngủ!

Vì trời lạnh, cả bọn đều vui mừng khi thấy đống lửa.

S. lấy đầu một nhành cây rụng khơi ngọn lửa lên và châm điếu thuốc.

Bên trong lò, có tiếng khò khò. Người ngủ đang ngáy.

S. bảo:

-  Ngủ có lửa như thế này là đủ ấm rồi, phải không?

K. thì vừa gom góp những cành cây khô rụng ở bên cạnh chất lên trên đống lửa vừa nói:

-  Lửa sắp tàn, phải châm thêm củi. Họ ngủ say kiểu này, sáng mai khi thức giấc, sẽ bị lạnh đấy!

-  Nằm cạnh lửa như thế, không sợ ngộp khói sao nhỉ?

-  Nếu chỉ đốt lửa ngoài lò thì không sao cả. Lo là lo cái lò than này xâyquá cũ, có khi tự nó sập xuống đổ ụp lên người. Sau mấy trận mưa là lúc nguy hiểm nhất.

-  Thế thì đáng lo thật. Anh K. có bảo giúp họ được không?

Nghe vợ tôi nói, họa sĩ S. phụ họa:

-  Thật đấy, phải có ai nói giúp cho thì hay quá!

Anh K. bật cười:

-  Cần gì phải cố ý chỉ bảo. Mình nói chuyện to cỡ này, họ đã nghe thấy hết.

Chỉ có tiếng ngáy khò khò trong lò và tiếng lá khô rơi. Mọi người cùng cười vang một loạt.

Vợ tôi ra chiều lo lắng, mới nói:

-  Mình đi thôi vậy!

Ra đến ngoài thuyền, S. leo lên trước tiên và bảo:

-  Phen này, đến lượt tôi chèo!

Giữa bờ bên này và đảo Kotori, cảnh vật yên tĩnh một cách đặc biệt. Từ mạn thuyền, có thể nhìn thấy ngàn sao trên bầu trời quang đang in bóng trên mặt nước.

Anh K. đề nghị:

-  Hay mình nhóm lửa ở đây?

Họa sĩ S. vừa chèo thuyền, vừa huýt sáo điệu “Dòng sông xanh” (Le Danuble Bleu) như anh ấy có thói quen. Thế rồi S. hỏi:

-  Ới anh K., chúng mình định tấp vào chỗ nào vậy?

Anh K. từ mũi thuyền quay đầu lại đáp:

-  Cứ chèo thẳng ra phía trước đi!

Từ đó, không có gì nói với nhau, trong một chốc, tất cả rơi vào im lặng . Con thuyền lặng lẽ lướt về phía trước.

Tôi hỏi vợ:

-  Từ đây tới bờ, em có đủ sức bơi không?

-   Ui chà chà ! Nhưng chắc em bơi được.

Anh K. ra dáng kinh ngạc:

-  Bà chị biết bơi à?

Tôi lại hỏi anh K.:

-  Ở đây lúc nào mình có thể bắt đầu bơi được hở anh?

-  Ngày nào nước ấm như hôm nay thì bơi được chứ. Năm ngoái giờ này tôi từng bơi mà!

Tôi nhúng tay xuống nước để thử nhiệt độ và bảo:

-  Coi bộ lạnh đó nghe! Thế nhưng trước kia nhân mùa thu đi xem lá phong đỏ, tảng sáng tôi đã đi bơi nhưng không thấy lạnh như mình nghĩ. Kể từ dạo đó, tôi còn có lúc tắm ở hồ Ashi vào ngay đầu tháng tư nữa cơ!

-  Ngày xưa mình giỏi quá, mình nghe!

Vợ tôi nói kháy, biết tôi vốn yếu chịu lạnh.

-  Dừng thuyền ở đây được không?

-  Vâng, anh cứ việc.

Họa sĩ S. ấn thêm ba bốn mái dầm nữa. Mũi thuyền lê mình trên lớp cát đá kêu lạo xạo. Mọi người cùng bước xuống bãi.

-  Ướt nhem thế này, châm lửa được sao?

-  Vỏ cây bạch dương nhen tốt lắm. Vì nó có nhiều nhựa nên bén lửa. Tôi đi kiếm ít củi về chụm, các bạn lấy cho nhiều vỏ bạch dương hộ nghe!  

Anh K. bảo thế rồi đi vào cánh rừng mặt đất phủ đầy những bụi dương xỉ, chùm vàng[2]yatsude[3] kiếm củi chụm lửa.

 

Tuy mỗi người đi về một phía, nhưng mỗi khi K. và S. rít một hơi thuốc lá, chúng tôi nhìn thấy có ánh lửa đỏ lóe lên và biết ngay vị trí các anh .

 

Vỏ cây bạch dương khi già thì bong ra, từ phía ngoài cứ lấy tay giật ngược rồi tách ra là được. Đôi khi chúng tôi nghe tiếng anh K. bẻ cây rôm rốp vang lên trong cánh rừng thanh vắng. 

 

Khi thấy không thể mang nhiều hơn nữa, chúng tôi đem số vỏ cây  về trên bãi cát. Bao nhiêu đó đã dư dùng.

Bỗng thấy anh K. từ trong cánh rừng phóng ra như có gì sợ hãi.

-   Cái gì thế?

-   Sâu! Có sâu đó nghe. Loài sâu đằng sau chớp chớp, đuôi quậy qua quậy lại như thế này nè. Thấy mà bắt khiếp.

 Anh K. ngoe nguẩy người để diễn tả. K. ghét nhất loại sâu đo. Chúng nó làm anh sợ đến nghẹn thở.

Chúng tôi theo nhau vào xem thử. Anh S. đi đầu tiên, quay lại nhìn K. ở sau lưng, và hỏi:

-  Quãng này phải không?

-  Nó nhấp nháy ở quãng này đấy. Anh không thấy nó sao?

-  Thế à, phải mấy con này không?

Anh S. quẹt diêm lên nhìn. Một con sâu dài trên 3 cm đang ngoe nguẩy cái đuôi khá lớn. Ở phía cuối đuôi của nó có điểm ánh sáng xanh mờ mờ. S. hỏi K.:

-  Con sâu có bao nhiêu đây mà anh sợ đến thế cơ à?

K. mới nói:

-  Từ quãng này bọn nó đầy ra đấy. Đi là phải coi chừng.

Rồi anh tiếp:

-  Chúng mình chuẩn bị đủ cả rồi. Thôi quay lại nhen lửa đi!

Cả bọn lần lượt kéo xuống bãi cát.

Vừa châm lửa vào mớ vỏ bạch dương hãy còn đang ướt thì đã thấy nó cháy bần bật và bốc lên một luồng khói đen kịt như khói đèn dầu hôi. K. bắt đầu ném vào đó những thanh củi nhỏ rồi đến những thanh củi lớn. Chẳng bao lâu, ngọn lửa đã bùng lên hoàn toàn. Cả một vùng chợt sáng ra. Ánh lửa soi rõ tận cánh rừng thấp của đảo Kotori nằm trước mặt.

 

           http://htbt.jp/blog/wp-content/uploads/2012/04/%E7%84%9A%E7%81%AB.jpg                

 

                Chẳng bao lâu ngọn lửa đã bùng lên

 

Anh K. về thuyền lấy tấm ván dài bằng lỗ sồi ra làm chỗ cho chúng tôi ngồi. S.bảo:

-  Dân sinh trưởng trong vùng núi non như anh không lẽ sợ sâu đến vậy sao?

K. trả lời:

- Thật đó! Nếu từ đầu biết có chúng thì chả sao nhưng đùng một cái, bất chợt bọn nó ở đâu hiện ra nên tôi cũng hết hồn.

Vợ tôi hỏi:

-  Trên núi có con vật nào đáng sợ không?

-  Không, đâu có con nào.

-  Rắn lớn cũng không à?

-  Hoàn toàn không?

Sau khi anh K. trả lời, đến phiên tôi hỏi:

-  Có rắn hổ chứ?

-  Xuống tới khoảng Minowa thì may ra đôi khi mới gặp rắn hổ chứ trên cao thì tôi chưa từng thấy. 

Anh S. lại hỏi thêm:

-  Xưa kia hình như có chó rừng mà?

-  Hồi nhỏ tôi hay nghe tiếng chúng sủa. Còn nhớ khi thức giấc ban đêm, tiếng nó sủa từ xa nghe buồn đến rợn người.

 

Anh K. lúc đó mới kể những câu chuyện như chuyện về người cha quá cố của mình. Ông ta thích đi câu đêm, có hôm bị chó rừng bao vây, đến nỗi phải nhảy xuống nước và lần theo mấy kè đá mới về được đến nhà. Hoặc là chuyện có năm trong một trại chăn nuôi trên núi, một con ngựa đã bị chó ăn, thấy xác ngựa chỉ còn lại khoảng phân nửa.

-  Năm đó, người ta cho thuốc nổ vào trong mồi làm bằng thịt, bẩy giết được chúng. Chỉ một tuần sau là tuyệt không còn thấy con nào nữa.

Khi tôi kể cho mọi người nghe là bốn năm hôm trước, ở mạn Jigokudani (Thung lũng địa ngục), mình đã thấy xương sọ của những con thú hoang, thì K. san mới bảo:

-  Nhất định là mấy con “gấu lùn”[4]. Có lẽ chúng đã bị diều hâu ăn thịt. Giống gấu này yếu ớt lắm .

Bà vợ nhút nhát của tôi lại hỏi thêm anh K. một câu cho chắc:

-   Thế thì trên núi này không có gì đáng sợ, phải không anh?

 Anh K. bèn cười lên và bảo:

-  Bà chị nè. Có lần tôi còn gặp cả một con quỉ núi khổng lồ nữa đấy!

Vợ tôi trả lời với vẻ tự mãn:

- Thôi, tôi biết rồi. Có phải là anh thấy chính cái bóng của mình phản chiếu trong sương mù đấy không?

Chính cô ta vào một buổi mai, khi dậy sớm đi xem “biển mây” [5]trên ngọn đèo Torii đã chứng kiến hiện tượng như vậy.

-   A, không! Không phải chuyện đó.

Theo lời K. kể lại, khi còn bé, anh có lần đi Maebashi[6] và trở về trong đêm. Đến một cánh rừng tùng lớn cách Kogure khoảng hai dặm[7], anh đã được thấy “con quái” đó. Chốc chốc, khi quãng đường tờ mờ trước mặt chợt sáng ra một chút, anh nhận ra một cái bóng đen cao cỡ hơn một trượng đang đứng. Thế nhưng, đi thêm một lúc, anh mới vỡ lẽ khi thấy một người đang mang trên lưng bọc hành lý cực lớn đang nghỉ chân bên vệ đường. Người đó hồi nãy vừa đi vừa hút thuốc nên đôi khi anh ta đánh diêm ở đầu bên kia bọc hành lý, đã gây ra cảm tưởng như thế.

Họa sĩ S. bình luận:

-  Những hiện tượng gọi là lạ lùng đại khái đều như thế cả.

Vợ tôi không đồng ý:

-  Dù sao cũng có những chuyện thực sự không giải thích được chứ anh! Những gì mình thấy trong chiêm bao chẳng hạn. Tôi nghĩ rằng có những điều mà người ta được báo trước qua giấc mơ.

S. bảo:

-  Cái đó thì lại khác nữa. 

Thế rồi như sực nhớ ra điều gì, anh ta tiếp lời:

-  Anh K. này, nhớ những gì xảy ra năm ngoái, lúc anh bị kẹt trong đám tuyết không? Bộ chuyện đó không thấy lạ hay sao? Các bạn chắc chưa nghe kể?

S. quay đầu lại hỏi tôi như vậy.

-  Chưa, chưa!

K. lúc đó mới bảo:

-  Anh S. có lý. Chuyện đó thật là lạ

Và K. bắt đầu thuật lại những gì xảy ra.

Năm ngoái, lúc tuyết đã dày đến 70, 80 phân, được tin cô em gái ở Tôkyô đang bệnh nặng, phải đi thăm em, anh K. đột ngột xuống núi.

Thế nhưng bệnh tình cô em không đến nỗi nguy kịch như gia đình tưởng, sau khi ngủ lại dưới đó 3 đêm, anh đã đi về. Khi đến Mizunuma thì mới khoảng 3 giờ khuya, anh định sáng hôm sau mới lên núi. Vì cho rằng chỉ cách có ba dặm, cần chi phải ngủ lại đó để phải mất một đêm, K. bèn thay đổi ý định. Anh rời Mizunuma với ý nghĩ là cho dù không thể leo lên núi tối nay thì cũng đến cho được chân núi và xin người ta cho ngủ đỗ ở đó. 

 

Thế rồi vừa chập tối anh tới được cái cổng thần đạo (torii) thứ hai trên con đường trèo lên ngọn núi thiêng. Tinh thần và thể xác hãy còn khoẻ khoắn. Hơn nữa, đêm đó lại có trăng nên K. quyết định leo  núi. Tuy nhiên càng leo, anh thấy tuyết càng ngập thêm. So với ngày anh xuống núi, tuyết còn dày hơn gấp bội. Ví bằng nơi đây có nhiều người qua lại, tuyết có dày thì trên mặt cũng đã đông cứng, đi không đến nỗi khó khăn gì. Thế nhưng vì hầu như không thấy bóng khách bộ hành nào, lớp tuyết xốp cao đã tụ đến ngang hông anh. Ngoài ra, suốt cả vùng chỉ một màu tuyết trắng nên K. không còn biết đâu là đường. Dù là một người sinh trưởng trong ngọn núi này và đã biết nó rất rõ, K. rốt cục cũng lạc mất lối.

 

Dưới ánh trăng sáng, anh thấy rõ ràng ngọn đèo Torii ở ngay bên trên đầu. Vào mùa hạ, chung quanh khu vực này, rừng thấp phủ kín mít che cả tầm mắt nhưng đến mùa đông thì lá rụng hết, khiến ta dễ dàng nghĩ là đỉnh đèo nằm ngay bên trên. Không những thế, tuyết còn làm ta có cảm tưởng là khoảng cách ấy thu ngắn lại. Lỡ đi đến đây rồi, có thối lui cũng không được nữa, K. cứ phải tiếp tục bò lên như con kiến. Thế nhưng khoảng cách cứ tưởng như trong tầm tay với, thực ra lại rất xa. Muốn quay xuống ư, nếu may mà theo đúng vết chân cũ để lại lúc lên thì chẳng nói làm gì, chứ chệch qua một bước lại còn khổ hơn. Chỉ có cách ngước nhìn lên cao để biết địa điểm mình muốn tới là đâu kể từ chỗ này.

 

K. cố gắng chiến đấu, mỗi lần lấy hơi xong là leo thêm được một nấc. Anh không hề sợ hãi, cũng không lo lắng. Thế nhưng anh cảm thấy đầu óc mình càng lúc càng mất đi sự tỉnh táo.

-  Về sau, khi nghĩ lại, tôi mới thấy tình trạng lúc đó thật nguy hiểm. Những người chết trong đám tuyết hầu như đều cảm thấy như thế rồi ngủ đi luôn. Họ thiếp dần và đợi cái chết kéo tới.

 

Đã biết như vậy mà kỳ lạ làm sao, lúc đó K. không hề cảm thấy bất an. Anh tự tin mình là người tính tình xốc vác, thân thể tráng kiện. Rốt cuộc, sau hơn hai tiếng đồng hồ khó nhọc, lần hồi anh đã leo lên tới đỉnh đèo.  

 

          http://okutone.web.fc2.com/yama/photo_yama/akagi/akagi_h20-02-11/12-10m.jpg  

                      Núi Akagi vào đông

 

Nơi đây tuyết càng dày hơn nhưng đường bắt đầu đi xuống. Nếu tuột hết con dốc là sẽ gặp đất bằng luôn. Anh nhìn đồng hồ thì thấy đã quá 1 giờ sáng.

 

Từ đằng xa bỗng có hai ngọn đèn lồng tiến gần. Ngay đêm hôm như thế này à ? K. lấy làm lạ. Tuy nhiên một thân đơn độc ở giữa nơi này, thấy có người đi ngược chiều với mình là đã mừng rồi. K. hăng hái trở lại, tiếp tục đi xuống. Thế rồi anh bắt gặp họ khoảng bờ vực Kakuman. Đó là U., ông anh rể của K. và ba người thợ xẻ băng, hiện đang tạm trú ở nhà K. Anh U. cất tiếng chào:

-  Mừng cậu về tới nơi. Cực quá hở cậu? 

K. mới hỏi:

-  Giờ này mà mấy anh đi đâu thế?

-  Má mới đánh thức tụi tôi dậy, bảo đi đón cậu!

Anh U. trả lời một cách bình thản khiến K. sửng sốt.

-  Thực tình tôi đâu có cho gia đình hay mình sẽ về tối nay . Về sau nghe kể mới biết hôm đó, mẹ tôi bế cháu Mii (tên đứa con đầu của K.) lên giường được một lúc nhưng chưa ngủ hẳn thì bất chợt bà chạy ra đánh thức anh U., bảo rằng K. đang trên đường về nhà và nhờ đi đón. Bà còn nói hình như thằng K. nó đang gọi mình đấy. Cách nói của bà quá rành mạch cho nên U. không nghi ngờ gì cả,. Anh bèn đánh thức mấy người thợ xẻ băng, bảo họ cùng chuẩn bị lên đường. Nghe chuyện anh ấy kể, tôi mới biết thời điểm đó nhằm đúng lúc ở trên núi, tôi đang kiệt sức, đầu óc mất hết tỉnh táo. Dân chúng sống vùng núi non thường hay ngủ sớm, cứ 7 hay 8 giờ là họ đã đi nằm, cho nên lúc ấy mọi người phải đang say giấc. Thế mà lại đánh thức cả 4 người bắt họ phải đi tìm tôi thì hẳn là mẹ tôi đã nghe rõ tiếng tôi gọi thật.

-  Thế anh K. có gọi bà cụ không nào?

-  Nào có gọi gì đâu! Tôi lúc ấy đang ở phía bên kia ngọn đèo cơ mà ... Cho dầu tôi gọi to bao nhiêu chăng nữa, ai mà nghe được.

-  Ừ nhỉ!

Vợ tôi tỏ ra đồng tình và ánh mắt cô rưng rưng.

-  Nhạy cảm như mẹ tôi quả là không tưởng tượng nỗi. Đánh thức mọi người giữa đêm khuya, bắt họ đi ra ngoài trong khi tuyết ngập đến ngang hông! Lúc đó, nếu mọi người quấn xà cạp vào chân không kỹ, để lỏng ra một chút thôi là không thể nào buộc lại. Chỉ cần cỡ 20 phút, chưa về được nhà, người họ đã cóng như cột nước đá. Cho nên nai nịt sao cho kỹ lưỡng là chuyện rất rắc rối. Trong khi chờ họ đâu đấy xong xuôi, mẹ tôi đã sửa soạn nào là cơm nắm nào là lửa sưởi, bằng cớ bà hết sức chắc chắn về chuyện của tôi.

 

Khi biết được mối quan hệ giữa hai mẹ con anh K., ta thấy câu chuyện anh kể còn sâu sắc hơn nữa.Tôi không rành lắm nhưng anh K. có một ông bố nay đã qua đời, thường được người ta gọi là “ông Ibsen[8]”. Dường như ông không phải là người xấu nhưng khốn nỗi, tư cách làm chồng thì có hơi thiếu đàng hoàng. Ngày thường, ông sống ở miệt Maebashi với cô vợ bé trẻ trung và mỗi mùa hạ lại dắt cô ả về trên núi, gom hết tiền thu nhập của lữ quán rồi kéo nhau đi. Anh K. không bằng lòng chút nào về cách xử sự của cha mình và vì thế hai bên thường xung đột. Thế rồi, vì cớ đó, K. càng ngày cảng thương mẹ và cùng lúc, mẹ anh cũng gắn bó nhiều hơn với đứa con trai.

 

Từ nãy giờ, có tiếng cú rúc trên đảo Kotori. Tiếng kêu của chúng  ngắt khoảng, như đang gọi tên ai[9].   

Ngọn lửa trại cũng đã tàn. Anh S. rút đồng hồ trong túi ra xem.

-  Mấy giờ rồi anh?

-  Mười một giờ hơn.

Vợ tôi bảo:

-  Thôi, chúng mình về đi nhé!

Anh K. lấy sức ném những thanh củi tàn nhưng hãy còn cháy dở thật xa ra ngoài hồ. Tia lửa từ thân củi bay tán loạn trong không gian. Chúng in bóng cả trên mặt nước làm ta tưởng chừng dưới đó cũng có những thanh củi khác đang bắn tung nhiều đốm lửa nhỏ. Khi củi bay lên, nó vẽ thành hai vòng cung giao nhau giữa trời và nước rồi sau những tiếng xèo xèo, đã tắt ngấm. Tất cả như được trả về với bóng tối. 

Quang cảnh thật lý thú làm mọi người bắt chước ném theo. K. khéo léo dùng mái chèo hất văng những mẩu than đỏ cuối cùng xuống nước để dập tắt hoàn toàn.  

 

              http://ponpare.jp/images/coupons/pict/0/05/00001510501332404.jpg

                                   Hồ thu

 

Chúng tôi lên thuyền. Đống lửa canh giấc của bọn hái đọt warabi đang tàn dần. Con thuyền đánh vòng quanh đảo Kotori, lặng lẽ lướt trên mặt nước về hướng cánh rừng thấp của đền Thần đạo. Tiếng cú rúc nhỏ đi rồi xa mãi.

 

Dịch xong tại Tôkyô ngày 17 tháng 5 năm 2016.

NNT

                  Thư mục tham khảo:

 

1)    Shiga Naoya, Takibi, 1968, trong Kozô no kamisama & Kinosaki nite, tuyển tập truyện ngắn trong loạt sách bỏ túi do Shinchô chọn lọc và xuất bản, Tokyo. Bản in lần thứ 47 năm 1992. Nguyên tác Nhật ngữ.

2)    Theodore W. Goossen dịch Takibi (Night Fires) trong The Oxford book of Japanese Short Stories, Oxford University Press xuất bản, tái bản khổ paperback năm 2010. Bản tham chiếu.

3)    Marc Mécréant dịch Takibi (La Flambée au bord du lac) trong À Kinosaki, 1995, tuyển tập truyện ngắn Shiga Naoya do Picquier Poche, Marseille, xuất bản. Bản tham chiếu.

4)    Hình ảnh mượn từ Internet.

 



[1] Warabi: cây đuôi chồn, một loại rau rừng, có vào mùa xuân, từng thấy trong thơ Man.yôshuu. Tên tiếng Anh là bracken..

[2] Chùm vàng (kerria, yamabuki)

[3] Japonica fatsia. Cây thân thảo có hoa vàng hoặc trắng.

[4] Sasaguma hay anaguma, một giống gấu nhỏ, cả đầu và thân chỉ cao có 50 cm.

[5] Biển mây (Unkai =vân hải): hiện tượng thiên nhiên khi lên một đỉnh núi cao, người ta sẽ thấy mây bay bên dưới chân mình và trải rộng ra như mặt biển.

[6] Một thành phố trong vùng núi non tỉnh Gunma, không xa Tôkyô.

[7] Hai dặm (ri): khoảng 4 km.

[8] Nhà viết kịch Đan Mạch Henrik Ibsen (1828-1906), người nổi tiếng khai thác chủ đề tâm lý xã hội về những liên hệ đàn ông và phụ nữ cũng như những phức tâm trong cuộc sống vợ chồng.

[9] Nguyên văn tiếng kêu được tượng thanh bằng mấy chữ Gorôsuke, Hôkô. Là tên người (Gorôsuke) hoặc chức danh (Hôkô). Không dịch.