CHÙM TRUYỆN THẦN TIÊN CỦA AKUTAGAWA
Nguyên tác: Akutagawa Ryuunosuke
Dịch: Nguyễn Nam Trân
Akutagawa Ryuunosuke (1892-1927)
Dẫn Nhập:
Trong 10 năm ngắn ngủi của đời sáng tác, Akutagawa có dành thời gian để viết một số truyện cho nhi đồng và đăng trong Tạp chí văn học Akai Tori (Con Chim Đỏ, 1918-29, 1931-36) do Suzuki Miekichi (1882-1936) chủ trương.Tuy nhiên, vì là một nhà văn duy lý tính, các truyện gọi là thần tiên của Akutagawa thường ẩn tàng những suy nghĩ sâu xa, hơi khó hiểu đối với độc giả thiếu nhi.
Chùm truyện dưới đây xoay quanh các nhân vật thần thoại: tiên ông, tiên cô (tiên nữ), đạo sĩ ... Chúng cùng một thể loại với những truyện có tính ngụ ngôn khác như Đỗ Tử Xuân (Toshishun, 1920), Sợi Tơ Nhện (Kumo no Ito, 1918) và Tu Tiên (Sennin, 1922)...Cả ba đều đã được dịch ra Việt ngữ từ nhiều năm về trước. Người dịch tác phẩm đầu là một nhà văn ở Hà Nội mà người viết không nhớ quí danh, người dịch hai tác phẩm sau là anh Đinh Văn Phước (Tôkyô), chủ biên Trinh Tiết, tuyển tập truyện ngắn của Akutagawa (Nxb Văn Học, Hà Nội, 2006).
TIÊN CÔ
(Sennyo, 1927) (1)
Ngày xưa bên Tàu, có chàng thư sinh sống đơn chiếc ở miền quê. Vì chuyện xảy ra bên Tàu nên có lẽ chàng ta phải là một kẻ chỉ biết ngồi bên cửa sổ, đọc sách dưới vòm hoa đào đang độ nở.Thế rồi, cạnh nhà chàng có một nàng con gái, lại đẹp nữa, cũng sống một mình. Dĩ nhiên thư sinh xem sự hiện diện của cô nàng nơi đây là một điều kỳ quái bởi vì không ai biết mảy may về thân thế cũng như sinh hoạt của nàng.
Một buổi chiều xuân lặng gió, khi thư sinh bước ra ngoài cửa, bỗng nghe tiếng nàng con gái đang mắng mỏ ai. Giọng của nàng rõ mồn một, nhất là khi ấy chỉ có mỗi tiếng gà eo óc vọng lại từ khu vườn nào đó.Thư sinh muốn xem thử chuyện gì nên mới đi về hướng nhà nàng. Anh chợt thấy cô mình đang trừng mi quắc mắt, kéo một lão tiều phu tóc tai trắng xóa ra và đánh đập túi bụi. Hơn thế nữa, lão tiều kia cứ phủ phục van lơn, xin lỗi xin phải huyên thiên và mặt mày lại đầm đìa nước mắt.
-Có chuyện gì thế hở, cô? Sao cô nỡ lòng nào đánh đập một người già cả như cụ đây?
Thư sinh chận tay cô gái lại và buông lời trách móc:
-Trước tiên cụ là một người lớn tuổi hơn mà cô lại đánh đập đã là chuyện không phải đạo.
-Lớn gì mà lớn. Tên tiều phu này tuổi còn nhỏ thua ta.
-Thôi, cô ơi, đừng có đùa!
-Không, ta không đùa đâu.Ta là mẹ tên tiều phu này mà.
Thư sinh sửng sốt, bất giác nhìn chầm chập vào mặt cô gái. Lúc ấy, nàng mới buông tha lão tiều. Thư sinh thấy nàng là một mỹ nhân, đúng hơn là một cô gái có một gương mặt mạnh khỏe, hồng hào. Nàng nghiêm trang giải thích cho thư sinh hiểu:
-Ông không biết ta đã khốn khổ vì thằng con này đến mức độ nào. Thế mà nó chẳng bao giờ chịu nghe lời. Cứ như vậy rồi hư hỏng tấm thân, để ngày tháng trôi qua, già mất lúc nào không biết (2).
-Nhưng lão tiều này chẳng đến 70 rồi là gì, hở cô. Nếu cô bảo mình là mẹ của cụ, vậy năm nay cô bao nhiêu thế?
-Ta à? Năm nay ta đã 3.600 tuổi rồi.
Nghe xong câu nói, thư sinh mới vỡ lẽ ra rằng cô hàng xóm xinh đẹp xưa nay của anh là một tiên cô. Thế nhưng không biết tại sao mà ngay lúc đó, hình bóng oai nghiêm của nàng tiên bỗng tan biến đi đâu mất. Trong vạt nắng lung linh của buổi chiều xuân đẹp, chỉ còn trơ mỗi cái bóng của lão tiều phu.
Tháng 2 năm Shôwa thứ 2 (1927)
(1) Tiên nữ. Bản tiếng Nhật của Aozora Bunko viêt là Nữ tiên. Xin tồn nghi.
(2) Có lẽ đây là điểm then chốt trong triết lý câu chuyện.
ÔNG TIÊN
(Sennin)
Cái “ông tiên” này sống ở thị trấn O. bên hồ Biwa và là một vị thẩm phán. Ông có thú vui hơn hẳn mọi sự là sưu tập những quả bầu khô. Do đó, trong ngôi nhà ông trọ, ngoài việc các ngăn tủ tầng trệt tầng hai đều chất đầy quả bầu là một chuyện tự nhiên, trên kèo lẫn cột, đâu đâu cũng thấy lủng lẳng những bầu với bầu.
Như thế được 3 năm, “ông tiên” được đổi nhiệm sở từ thị trấn O. về thị trấn H. Đồ đạc gia tài mang theo hoàn toàn không gặp khó khăn nhưng ông không sao tìm ra cách chuyển vận trên 250 quả bầu mình tom góp được.
-Chở bằng xe hỏa hay xe ngựa, chắc khó lòng đến nơi an toàn!
“Ông tiên” sau khi đã suy nghĩ hết cách mới đem mớ bầu sắp lại và cột thành bè rồi thả xuống hồ Biwa. Ở chính giữa cái bè nổi kết bằng những quả bầu khô này dĩ nhiên là có thân cây liễu của vị tăng vân du (Yugyô-yanagi) (1) mà ông đã “đào lên và bứng lấy mang về”. May quá, hôm đó trời trong xanh và vắng gió. Ông mới leo lên chiếc thuyền kết bằng những quả bầu đó, một mình lặng lẽ chèo chống và qua đến bên kia hồ.
Các ông tiên đời xưa ai nấy đều đạt được đạo bất lão trường sinh. Thế nhưng chỉ có “ông tiên” này là phải già đi như mọi người bình thường. Cuối cùng, ông còn mắc thêm chứng ung thư bao tử nữa chứ. Vậy mà nghe thiên hạ kể rằng ngay cái đêm trước khi chết, ông còn vươn hai cánh tay gầy guộc lên và hô to: “Chắc chắn ngày mai cuộc đời sẽ tươi sáng hơn! Vạn tuế!”. Bản di chúc ông ta viết còn kỹ càng chặt chẽ hơn những bản di chúc của bọn người phàm chưa thoát nỗi vòng sinh tử. Thế nhưng không thấy ai trong gia quyến chịu làm theo lời ông dặn dò đến nơi đến chốn. Chẳng những thế, khi nhìn thấy mấy quả bầu này, bọn trai trẻ chả có một người nào chịu khó học hỏi trường phái Nam họa (2) của ông.
Do đó, con số trên hai trăm quả bầu ông từng yêu dấu kia, chưa kịp đến ngày giỗ lần thứ nhất của ông, không biết đã trôi về đâu và tự lúc nào (3).
(1) Cây liễu thành tinh mà một thày tăng vân du (Du Hành thượng nhân) đã gặp và giải oan khuất cho nó. Cũng là tên một vở tuồng Nô. Sau này Saigyô và Bashô, hai nhà văn hóa nổi tiếng Nhật Bản, đều đã dừng chân dưới cây liễu huyền thoại ấy.
(2) Còn gọi là “văn nhân họa” phát sinh từ Trung Quốc thời Nguyên Minh. Nói chung là hội họa tài tử, nhiều nghệ sĩ tính. Gia đình Akutagawa từ nhiều đời đã có truyền thống này.
(3) Truyện này hơi khó hiểu nhưng ta thấy nó bàng bạc giọng điệu tự trào. Phải chăng Akutagawa muốn nói đến vai trò “vô tích sự” của một nhà văn như ông trong xã hội, ngoài việc viết để tìm một thú vui riêng tư như sưu tập những quả bầu, chẳng làm gì được để thay đổi cuộc đời?
MỘNG KÊ VÀNG
(Kôryô no yume, 1918)
Lư sinh (1) nghĩ mình đã chết.Trước mặt anh, tất cả tối sầm lại, tiếng than khóc sụt sùi của lũ con cháu mỗi lúc một xa dần rồi tan đi đâu mất. Bàn chân anh như có một quả cân nặng và vô hình kéo xuống, xuống mãi đến chìm lĩm....Thì lúc đó, chợt như bắt gặp một điều gì khiếp sợ, anh vùng mở mắt thật to.
Lúc đó, ở bên cạnh, lão đạo sĩ tên gọi là Lữ Ông (2) vẫn ngồi nguyên đấy. Hình như nồi kê mà nhà chủ đang nấu vẫn chưa chín tới. Lư sinh bèn nhấc đầu mình lên khỏi cái gối bằng sứ, vừa dụi mắt vừa ngáp một cái thật dài. Buổi chiều mùa thu ở thành phố Hàm Đan (3) này, dù những tia nắng chiều hãy còn đọng trên những ngọn cây trụi lá, vẫn thấy gây gây lạnh.
-Nhà ngươi tỉnh dậy rồi à?
Lữ Ông hỏi. Hai mép đạo sĩ đầy những râu nên Lư sinh chẳng hiểu ông ta có cố tình nén một nụ cười hay không.
-Vâng.
-Ngươi vừa nằm chiêm bao đấy hử?
-Vâng, có.
-Thế trong giấc mơ, ngươi thấy những gì nào?
-Đó là một giấc chiêm bao dài lắm cụ ạ. Trước tiên, cháu được nhà họ Thôi đất Thanh Hà (4) gả con gái cho. Cháu nhớ đó là một cô gái xinh đẹp ngoan hiền. Sang năm sau, cháu đổ khoa Tiến Sĩ và được bổ làm chức Úy ở Vị Nam (5) . Thế rồi cháu lần lượt trải qua những chức vụ như Giám Sát Ngự Sử, Khởi Cư Xá Nhân Tri Chế Cáo (6) rồi thăng tiến vù vù lên Trung Thư Môn Hạ Bình Chương Sự (7). Vì mắc phải lời sàm báng, giữa khi nguy khốn sắp bị giết thì thoát được, chỉ phải đày xuống vùng Hoan Châu (8). Cháu ở nơi đó ít nhất cũng đến năm sáu năm. Rốt cuộc, lời dèm pha được rửa sạch, cháu lại được về triều lãnh chức Trung Thư Lệnh và phong tước Yên Quốc Công (9). Tuy nhiên, lúc đó cháu đã già mất rồi. Có năm người con và một bầy cháu hàng chục đứa.
-Rồi chuyện gì đã xảy tiếp?
-Cháu chết. Nhớ lúc đó mình đã trên 80 tuổi.
Lữ Ông ra chiều đắc ý, tay mơn man chòm râu:
-Vinh nhục, cùng thông, vận may, vận rủi...nhà ngươi đều đã nếm hết một lượt. Thế là tốt lắm rồi. Cuộc đời này nào khác chi những giấc mộng mà ngươi trải qua đâu. Nay lòng ngươi đã nguội bớt sự cuồng nhiệt và đeo đẳng đối với cuộc đời hay chưa? Nếu hiểu được cái lý được mất và lẽ tử sinh, ngươi sẽ thấy cuộc đời này hết sức là tẻ nhạt. Đồng ý không?
Lư Sinh tuy nghe đạo sĩ nói nhưng trong lòng không phục. Để xác nhận thái độ của người đối thoại, anh ngẩng khuôn mặt trẻ trung với đôi mắt sáng long lanh, nhìn đạo sĩ:
-Vì nó chỉ là một giấc mơ thôi nên cháu càng muốn sống cho bằng được. Một khi đã bước ra khỏi giấc mơ kia thì có lẽ giấc mơ hiện thời của cháu cũng phải chấm dứt. Cho đến lúc cái giờ ấy điểm, cháu muốn sống cuộc đời mà cháu dám nói là trong đó, mình đã được sống một cách thực sự. Cụ có cho là phải hay không?
Mặt của Lữ Ông sầm lại, không trả lời có mà cũng chẳng trả lời không.
(Tháng 10 năm 1918)
Dịch ngày 4 tháng 9 năm 2018 (NNT)
(1) Lư sinh: một cái tên hư cấu.
(2) Lữ Ông : Lữ Động Tân, một vị tiên trong Bát Tiên. Tích Mộng Kê Vàng (Hoàng Lương Mộng) này lấy ra từ Chẩm Trung Ký của Thẩm Ký Tế, soạn vào năm Khai Nguyên thứ 7 (719) đời Đường.Tuy nhiên nên xem họ Lữ chỉ là một nhân vật hư cấu.
(3) Hàm Đan: thành phố thuộc nước Triệu thời Chiến Quốc, nay thuộc tỉnh Hà Bắc.
(4) Thanh Hà : quận đặt ra vào thời Hán, nay nằm giữa địa phận Hà Bắc-Sơn Đông.
(5) Vị Nam là tên huyện thuộc Thiểm Tây, phía nam sông Vị. Úy là chức quan lo việc tảo trừ đạo tặc và hình ngục.
(6) Tri Chế Cáo: chức quan soạn và công bố sắc chiếu của nhà vua.
(7) Bình Chương Sự: làm công việc của Tể Tướng.
(8) Hoan Châu: phần đất nay thuộc miền bắc Việt Nam. Thời Bắc thuộc là nơi xa xôi đối với trung nguyên để lưu đày tội đồ.
(9) Yên: Nước lớn trong thất hùng thời Chiến Quốc, nay là tỉnh Hà Bắc.
ÔNG TIÊN VÀ NGƯỜI DIỄN TRÒ
(Sennin, 1915)
Thượng
Không biết truyện xảy ra hồi nào. Chỉ biết lúc đó ở miền bắc Chi Na (Trung Quốc), có một anh chàng tên Lý Tiểu Nhị. Anh ta lặn lội từ vùng này qua vùng khác diễn trò ngoài trời. Anh có nuôi mấy con chuột để đóng kịch. Gia tài của người diễn trò không có gì ngoài một túi vải chứa bầy chuột, cái rương nhỏ đựng y trang và mặt nạ dành cho chúng cũng như một sạp gỗ mà anh sử dụng như cái sân khấu con con.
Hôm nào trời đẹp, anh ra ngoài ngã tư đường, nơi nhiều người qua lại. Trước tiên, anh kéo cái sạp gỗ dùng làm sân khấu lên vai, gõ vào mặt trống và hát dăm câu chiêu khách. Chỗ thị tứ thường lắm kẻ hiếu kỳ cho nên từ người lớn đến trẻ em, khi nghe lời mời mọc của anh, không ai mà không dừng bước. Khi mọi người đã đứng thành vòng rào, Lý mới bắt đầu đem một con chuột ra, mặc quần áo và mang mặt nạ cho rồi thả theo con đường hông (kimonmichi) (1) để nó leo lên sân khấu. Con chuột đã thành thạo nên đi đứng vững vàng trên ấy . Nó quẩy hai ba lần cái đuôi bóng như giải tơ trên mông rồi trong chốc lát, tựa vào hai chân sau mà đưa thẳng người lên. Từ bên trong bộ quần áo diễn trò làm bằng lụa, gan hai bàn chân trước của nó hiện ra đỏ hỏn. Con chuột này đang đóng vai trò gọi là giáo đầu (sesshi) (2) của một vở tạp kịch (3).
Trong đám người đi xem, trước tiên, chỉ có lũ con nít là thích thú, vỗ tay tán thưởng. Đám người lớn chưa dễ gì bày tỏ sự quan tâm, chẳng những thế, họ còn làm ngơ, kẻ phì phà ống điếu, kẻ đưa tay ngắt lông mũi, đưa mắt nhìn diễn viên chuột đang chạy lòng vòng trên sân khấu với con mắt khinh thị. Thế nhưng một lúc sau, khi tuồng đã đi vào màn chính, với sự xuất hiện của con chuột đóng vai đào chánh (seitan) trong trang phục bằng gấm và anh chàng kép độc (jô) đeo mặt nạ đen chạy túa ra từ con đường bên hông sân khấu, theo điệu hát của Lý, bắt đầu bay, nhảy rộn rịp theo đúng bản tuồng (haku) và làm đủ thứ trò thì người đứng xem thấy mình không còn cớ gì để giữ mãi vẻ lạnh nhạt nữa. Trong đám đông đã bắt đầu nghe thấy có tiếng cổ vũ kiểu “Được lắm! Hay quá!” (Sôshidai). Lý Tiểu Nhị cũng nương theo đà, phấn khởi gõ trống liên hồi, khéo léo điều khiển lũ chuột diễn trò. Thế rồi đến khi Lý hát mấy câu:
“Trầm hắc giang, Minh Phi thanh chủng hận,
Nại u mộng, cô nhạn Hán Cung Thu” (4)
để thông báo nhan đề vở tuồng vừa diễn thì trong cái khay đặt trước sân khấu, đã thấy một mớ tiền đồng chất cao như núi.......
Tuy nhiên, làm ăn buôn bán kiểu này không phải dễ, tiền có vào cũng chả thấm vào đâu. Trước nhất là được mươi hôm thì thời tiết xấu đi, chuyện kiếm ăn trở thành khó khăn. Mùa hè thì từ khi lúa mạch chín, mưa lại kéo về, những bộ trang phục và mặt nạ nhỏ bé kia đã bị mốc xỉn không biết tự hồi nào. Mùa đông thì gió thổi tuyết rơi, hầu như không cách chi trình diễn được. Vào những hôm như thế, Lý chỉ còn có cách thu người vào trong một xó u ám của nhà trọ, đánh bạn với lũ chuột cho qua thời giờ, mỏi mòn chờ cái ngày được bận bịu với công việc như xưa. Lũ chuột có tất cả 5 con, chúng đều mang tên cha, mẹ, vợ cũng như hai đứa con của Lý, giờ đây không biết đã trôi giạt phương nào. Chúng lần lượt từ cái bị bò ra, co ro bước những bước rụt rè trong căn phòng không có lấy một ánh lửa, rồi trèo từ mũi giày leo lên đầu gối Lý, diễn tập cái trò xiếc hiểm nghèo của chúng. Mấy con mắt đen láy như những hạt thủy tinh (Nankindama) thao láo dán vào mặt chủ nhân khiến cho một con người đã quen với cái đắng cay của nhân tình thế cố như Lý nhiều khi cũng muốn rơi nước mắt. Nói là nói thế chứ thực tình thì nỗi lo lắng cho cuộc sống ngày mai bấp bênh và sự cố gắng đè nén nỗi lo ấy cũng đủ làm cho lòng Lý tan nát, cần chi đến hình ảnh đáng thương của lũ chuột đập vào mắt mình.
Hơn nữa, dạo này có lẽ vì tuổi tác, cơ thể Lý có gì không ổn nên anh đâm ra lơ là đến chuyện kiếm ăn. Mỗi khi phải hát những tiết điệu dài, Lý cảm thấy mình không còn đủ hơi sức. Cổ họng Lý cũng không thông suốt như ngày xưa nữa. Kiểu này thì không biết lúc nào, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nỗi bất an ấy cũng như mùa đông của miền Hoa Bắc đã chắn lối không cho những tia sáng mặt trời và không khí đi vào trong lồng ngực của người diễn trò thảm não kia. Cuối cùng thì ngay cả ước vọng sống như một người bình thường cũng đã khô cạn đi và Lý chẳng còn thiết tha gì đến nó nữa. Cớ sao con người dù khổ đau mà vẫn cứ phải tiếp tục sống? Dĩ nhiên, Lý chưa bao giờ thử tự đặt câu hỏi như thế nhưng anh có lần nghĩ rằng đau khổ đến với mình quả là điều không công bằng. Thế rồi, tuy không biết ai là người đã tạo ra cảnh khổ này nhưng trong thâm tâm, Lý cảm thấy uất hận. Anh không chờ đợi một điều gì cả nhưng trong người anh tiềm tàng một tình cảm phản kháng. Nguyên nhân của nó có thể là sự căm ghét vốn đã nằm trong cõi vô thức của anh chăng?
Tuy vậy, Lý cũng như hầu hết những con người sinh ra ở phương Đông, khi đứng trước định mệnh, thường không bao giờ chịu qui hàng. Suốt một ngày nằm trong gian phòng trọ, bụng đói meo, có lần Lý đã hướng về 5 con chuột nhắt và nói với chúng: “Kiên nhẫn một chút nghe các con. Bọn mi cũng đang chịu đói, chịu lạnh như ta. Dù sao, nên biết rằng đã sống ở đời thì đói, lạnh là cái chuyện đương nhiên. Với lại, con người có biết bao kẻ còn khổ sở hơn cả loài chuột các ngươi nữa đấy ....
Trung
Bầu trời nặng mây báo tuyết không biết từ lúc nào đã rải xuống những trận mưa trộn lẫn hạt nước đá. Đó là một buổi xế trưa lạnh lẽo mà đúng như người ta mô tả, khách bộ hành chân ngập trong bùn bước đi trên con đường chật hẹp. Nhằm lúc đó, Lý Tiểu Nhị vừa diễn trò về, cũng như thường lệ, vai quảy cái túi đựng chuột, buồn nỗi quên mất cả dù, toàn thân ướt át, đang bước trên con đường không bóng người qua ở một nơi xa thị trấn. Bất đồ Lý thấy bên vệ đường có một ngôi miếu nhỏ. Vừa vặn lúc đó, mưa càng nặng hạt. Lý thu người lại và dấn bước. Trước đầu mũi anh, những giọt nước thi nhau chảy xuống. Nước cũng thấm cả vào bên trong cổ áo. Vì trước mặt trời bắt đầu sập tối nên khi thấy cái miếu, Lý vội vàng chạy vào dưới hàng hiên rồi đưa tay lên lau những giọt mưa còn bám trên mặt và vắt hết nước ống tay áo. Cuối cùng, khi định thần lại được, Lý mới ngẩng đầu lên nhìn bức hoành phi thì mới thấy có viết ba chữ “Sơn Thần Miếu”.
Leo được hai ba bước lên khỏi bậc thang bằng đá ở lối vào, Lý thấy cánh cửa mở toang nên ghé mắt nhìn vào. Bên trong miếu còn chật chội hơn điều Lý dự tưởng. Chính điện có bày một bức tượng Kim Giáp Thần (Thần Giáp Vàng), mình mẩy đã bị màng nhện che phủ, đang đứng bâng quơ như đợi buổi chiều về. Tay phải nó là một bức tượng Phán Quan mà đầu đã bị một bàn tay nghịch ngợm nào đó lấy đi đâu mất. Tay trái là một bức tượng Tiểu Quỉ, mặt xanh tóc đỏ, hình thù thật kinh hãi nhưng tiếc thay, mũi cũng đã bị tróc mất. Trước mặt mấy pho tượng là một mặt sàn đầy bụi bặm, bên trên chồng chất những đống gì giống như vàng mã (shisen). Lý đoán biết thế là vì trong bóng tối lù mù, những thếp giấy vàng giấy bạc đôi khi ánh lên một cách mơ hồ.
Vì bên trong miếu lúc đó Lý chỉ thấy được chừng đó nên anh mới hướng cái nhìn của mình ra phía ngoài. Thì vừa đúng lúc, một bóng người chợt xuất hiện từ nơi mấy bó vàng mã đang chất đống. Thực ra con người ấy đã nằm phục ở đấy từ trước nhưng mãi bây giờ Lý mới nhận ra sau khi mắt đã làm quen với bóng tối. Thế nhưng đối với anh, con người đó như bất chợt từ đống vàng mã bước ra làm anh phải giật mình vì kinh hãi. Làm bộ nửa như nhìn thấy nửa như không, anh đưa mắt dò xét nhân vật.
Người đó là một lão già tướng khó coi. Ông ta mặc một bộ áo đạo sĩ đầy cáu ghét, mặt mày đầu tóc giống như tổ chim (Lý chợt nghĩ có lẽ đây là một đạo sĩ hành khất cũng không chừng). Lão ta đang vươn tay ra ôm hai cái đầu gối khẳng khiu. Đầu gối ấy lại đỡ lấy chòm râu bạc buông xuống từ cằm. Tuy mắt lão đang mở nhưng không biết đang nhìn về hướng nào. Dù sao Lý vẫn biết lão vừa gặp phải trận mưa vì nhận ra vai áo đạo sĩ kia cũng ướt đẫm.
Khi nhìn thấy ông lão, Lý nghĩ mình phải lên tiếng để nói một câu gì đó. Một trong những lý do là anh cảm thấy có sự đồng tình với lão già mình mẩy đang ướt như chuột lột. Lý do khác là một người sành việc đời như anh thì khi gặp trường hợp như thế này, đã có thói quen lên tiếng trước. Hơn nữa, có thể vì nhân đấy, anh muốn làm một cử chỉ hòng cố gắng thoát khỏi cái tâm trạng não nề mình có tự nãy giờ. Lúc đó, Lý mới bảo:
-Thời tiết khó chịu quá, cụ nhỉ?
-Ờ, hờ!
Vẫn ngồi bó gối, ông lão lúc ấy mới nhấc quai hàm, lần đầu tiên nhìn về hướng Lý. Lão ngẩng cái mũi đang khoằm xuống như mỏ chim của mình lên, nhếch qua nhếch lại hai ba bận và nhíu mày để trông cho rõ.
-Người làm nghề như cháu, gặp mưa là không gì chán hơn.
-Hả? Thế cậu làm nghề gì?
-Cháu nuôi ba con chuột để diễn trò ạ.
-Nghề hiếm có đấy chứ!
Cứ như thế mà giữa hai người đã bắt đầu có một sự trao đổi qua câu chuyện. Ông lão bước khỏi đống vàng mã, cùng với Lý đến ngồi xuống bên bậc đá nơi cửa ra vào. Bấy giờ, Lý mới nhận được rõ ràng dung mạo của ông lão. Ông còn gầy guộc hơn cả hồi nãy khi nhìn trong bóng tối. Tuy vậy, vì nghĩ mình đã tìm ra được một đối tượng để tâm sự cho nên Lý cứ thế mà đặt cái đãy đựng chuột xuống trên bậc đá, nói chuyện ngang tay với ông lão về đủ thứ đề tài.
Có vẻ là người kiệm lời, đạo sĩ chỉ trả lời chậm rãi kiểu “À ra thế!”, “Vậy sao?” và cùng lúc, há cái miệng đã khuyết hết răng ra như muốn hớp lấy không khí. Mỗi lần vận động như vậy, cái hàm với chòm râu mà gốc đã ngả một màu vàng bẩn thỉu lại đưa lên hạ xuống...Nói chung, dáng dấp ông lão hết sức hom hem và thê thảm.
Lý nghĩ thầm, so với lão đạo sĩ, trên mọi phương diện, cuộc sống của mình hãy còn may mắn hơn nhiều. Nhận thức này dĩ nhiên đã làm cho Lý khoan khoái hơn nhưng cùng lúc, việc thấy mình là người có nhiều lợi thế so với đạo sĩ hành khất chỉ khiến cho Lý mang mặc cảm tội lỗi đối với ông ta. Do đó, Lý bèn đổi đề tài câu chuyện, kể từ lúc ấy, anh chỉ nói đến những nỗi khổ trong cuộc sống của mình và còn cố tình tô vẽ thêm cho thật bi đát. Mặc cảm đối với ông lão đã hoàn toàn trở thành một mối dằn vặt cho Lý:
-Vâng, chuyện của cháu thật đáng rớt nước mắt. Bao nhiêu lần cả ngày không có hột cơm vào bụng. Gần đây, suy nghĩ mới thấy thấm thía: Mình nuôi chuột bắt chúng làm việc hòng kiếm cái ăn nhưng cũng biết đâu chính lũ chuột kia đang bắt mình diễn trò để nuôi lấy chúng. Thực tế là như thế đó cụ!
Sự bực tức đã làm cho Lý phải thở ra giọng điệu như vậy nhưng ông lão trước sau chẳng nói chẳng rằng. Điều đó làm cho thần kinh của Lý không sao chịu đựng thêm được nữa. (Ông ơi, chả lẽ ông không đếm xỉa gì đến lời tôi nói hay sao. Phải chi tôi cứ câm họng, không thốt ra những lời thừa thãi!). Trong lòng, Lý thầm trách mình như vậy. Xong, anh đưa mắt liếc nhìn thái độ của lão già. Thế nhưng, đạo sĩ lại đưa mắt nhìn về hướng khác. Ông ta đang ngắm mấy cành liễu khô ngoài miếu đang bị mưa gió táp, một bàn tay cứ đưa lên gãi tóc. Tuy mắt ông ta không nhìn Lý nhưng Lý nghĩ lão già đã thấy rõ ruột gan của mình và không thèm đối đáp. Nghĩ đến đấy, Lý không khỏi đôi chút khó chịu nhưng anh còn bực mình hơn vì ông cụ này không thấy được sự đồng tình của mình với hoàn cảnh của ông. Anh bèn đổi đề tài sang chuyện năm nay nạn cào cào xâm hại mùa màng. Từ tai họa xảy đến cho nhà nông ở địa phương này, anh lái qua cảnh khốn cùng của nhà nông nói chung và nghĩ rằng như thế sẽ chứng minh được lý do nào đã gây ra hoàn cảnh bi đát hiện giờ của ông lão.
Thế nhưng giữa khi Lý mới giải bày được nửa chừng, đạo sĩ đã quay mặt nhìn về hướng Lý. Giữa những nếp nhăn nheo trên khuôn mặt, đường gân thớ thịt của ông lão có gì căng thẳng như ông ta đang muốn nén sự tức cười. Rồi làm như không thể dằn được nữa, ông ta cười thành tiếng, một giọng cười khàn khàn nhưng lại nhọn sắc như tiếng quạ:
-Cậu có vẻ tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của ta nhưng về chuyện tiền bạc, ta nào có thiếu.Nếu cậu muốn cải thiện cuộc sống của mình thì cứ cho ta biết là xong ngay.
Lý bỏ dở câu chuyện, chỉ biết sững sờ nhìn gương mặt của đạo sĩ. (Lão già này khùng mất rồi!). Mãi một thôi sau khi ngậm miệng và kinh ngạc nhìn lão, Lý mới có một câu nói để đánh giá như vậy. Thế nhưng lời đánh giá ấy đã bị đập tan ngay khi đạo sĩ nói tiếp:
-Nếu cậu cần khoảng một hay hai nghìn dật (itsu) (5) hoàng kim thì ta có thể biếu cậu tức khắc. Thực ra, ta không phải là người phàm đâu, cậu ạ!
Thế rồi lão già nói mấy câu ngắn gọn kể chuyện đời mình. Thì ra xửa xưa, lão là một anh đồ tể mỗ thịt ở một cái chợ nào đó, nhờ có cơ duyên đôi khi gặp Lữ tổ (Lữ ĐộngTân) bèn đi theo học đạo. Kể chuyện xong, đạo sĩ chậm rãi đứng dậy rồi đi vào bên trong miếu. Một tay lão chìa ra vẫy gọi Lý vào, còn tay kia thì thu vén lại đống vàng mã trên sàn.
Lý như người tê liệt hết ngũ quan, mơ mơ màng màng bò vào bên trong miếu. Người anh nằm phục xuống mặt sàn còn hai bàn tay bám đầy phân chuột và bụi bặm. Lý chỉ còn ngóc được mỗi cái đầu, từ bên dưới nhìn lên khuôn mặt đạo sĩ.
Còn đạo sĩ thì cúi cái lưng còng, duỗi hai cánh tay một cách khó khăn để cào hốt đống giấy vàng mã trên mặt sàn.Thế rồi ông ta đưa hai bàn tay cầm chúng lên xoa đi xoa lại và bắt đầu bận rộn rắc xuống dưới chân. Lạ lùng làm sao, khi đống giấy đó rơi trên mặt đất thì đột nhiên, nó lại phát ra tiếng kêu loảng xoảng, át cả tiếng mưa đang đổ bên ngoài cửa miếu. Mấy mớ vàng mã vừa rời khói tay đạo sĩ đã hóa thành những đồng tiền bằng vàng hay bằng bạc....
Hạ
Lý Tiểu Nhị trở thành giàu có ức vạn như Đào Chu (6). Những khi nghe ai hoài nghi về câu chuyện gặp tiên mà anh kể cho họ, đã trưng ra bút tích bốn câu thơ lão già để lại mà làm bằng chứng. Người viết có lần đọc câu chuyện về Lý trong một quyển sách nào đó đã lâu lắm rồi nên rất tiếc không còn lưu trong ký ức bài thơ nói trên một cách chính xác. Vì vậy chỉ còn biết dịch đại ý của nó từ tiếng Tàu sang tiếng Nhật và đặt ở cuối câu chuyện này. Dù sao, có lẽ nội dung là lời lão đạo sĩ muốn đáp lại khi Lý Tiểu Nhị hỏi ông vì cớ gì đã là người tiên mà còn muốn sống cuộc sống của một kẻ ăn mày:
“Vì cuộc đời là đau khổ nên sự sung sướng mới đáng hưởng thụ. Con người vì có chết nên mới biết là mình sống. Kẻ nào thoát được cái chết và sự đau khổ sẽ cảm thấy trống rỗng, không còn gì thú vị. Do đó, người tiên không bằng được người phàm vì người phàm hãy còn có khổ đau, sinh tử”.
Có lẽ vì thế mà những ông tiên thường nhớ lại thuở làm người và cố tình đi khắp nơi để tìm sự đau khổ hay chăng?
Ngày 23 tháng 7 năm Taishô thứ tư (1915)
(1) Kimonmichi (quỷ môn đạo): lối bên hông, nơi vai diễn trò tiến vào sân khấu.
(2) Sesshi: màn phụ trong một tạp kịch.
(3) Zatsugeki: hình thức tạp kịch đời Nguyên, còn gọi là Nguyên khúc.Đã manh nha từ đời Tống và thường có tính cách phúng thích.
(4) Có lẽ là vở Hán Cung Thu, tạp kịch nói về tấn bi kịch của nàng Minh Phi (Vương Chiêu Quân) bị Hán đế gả làm vợ cho Thiền Vu Hung Nô và chết trong uất hận ở xứ người.
(5) Dật (itsu): Đơn vị hóa tệ đời xưa, một dật trị giá từ 20 đến 24 lượng vàng.
(6) Đào Chu tức Phạm Lãi. Tương truyền sau khi bỏ vua nước Việt ra đi, đã cùng người đẹp Tây Thi phiếm du Ngũ Hồ rồi đổi tên, làm ăn buôn bán và trở thành một đại phú hào.
Dịch xong ngày 27 tháng 1 năm 2019 (NNT)
Thư Mục Tham Khảo:
Nguyên tác những truyện được dịch bên trên đều được lấy từ trang mạng Nhật Bản Aozora Bunko (bản mới 2004) trích quyển thứ nhất trong Toàn Tập của Akutagawa Ryuunosuke do Chikuma Shôbô (Tokyo) xuất bản.
CHÙM TRUYỆN NHI ĐỒNG CỦA OGAWA MIMEI
Nguyên tác: Ogawa Mimei
Dịch: Nguyễn Nam Trân
Nhà văn Ôgawa Mimei trong thư phòng
Dẫn Nhập:
Bản dịch này có mục đích giới thiệu vài sáng tác tiêu biểu của Ogawa Mimei (1882-1961), cây bút lỗi lạc của văn học nhi đồng Nhật Bản tiền chiến.
Tsubota Jôji (1890-1982), người được coi như đã thừa kế sự nghiệp của nhà văn, trong bài bạt “Tập truyện nhi đồng của Ogawa Mimei” (Ogawa Mimei dôwashuu, 1951) đã chia 25 tác phẩm của ông in lại trong đó thành 4 thể loại:
1- Những truyện lãng mạn, giàu chất thơ như Vầng trăng và con hải báo (Tsuki to azarashi), Con cua lớn (Ôkina kani), Hoàng hôn trên hòn đảo (Shima no kurekata no hanashi), Đêm trăng và kính đeo mắt (Tsukiyo to Megane), Cái vòng vàng (Kin no wa), Người da sạm đen về tới bến (Minato ni tsuita kuronbô).
2- Những truyện lãng mạn và đầy màu sắc nhân bản như Ngọn nến đỏ và nàng tiên cá (Akai rôsoku to ningyo), Người lữ khách không bao giờ trở lại (Nido to tôranai tabibito), Người đen dép đỏ (Kuroi hito to akai sori), Người đàn bà-bò (Ushi onna), Con đường xe lửa bị hư hại và vầng trăng (Fushô shita senro to tsuki).
3- Những truyện lãng mạn bắt đầu có màu sắc hiện thực, tuy vẫn nhân bản nhưng đã hàm ý phê phán xã hội như Hoa hồng dại (Nobara), Truyện về những vì sao một đêm kia (Aru yoru no hoshitachi no hanashi), Thành phố buồn ngủ (Nemui machi), Truyện một vùng cao trước mùa tuyết đổ (Yuki kuru mae no kôgen no hanashi), Thiên sứ bằng kẹo súc-cù-là (Ame chôcô no tenshi), Hai anh em bồ câu núi (Kyôdai no yamabato), Tiếng sấm vọng từ xa (Tôku de naru kaminari), Giấc mơ người nhà nông (Hyakushô no yume).
4- Những truyện đã thoát khỏi chủ nghĩa lãng mạn và hoàn toàn có màu sắc hiện thực như Quả cây shii (Shii no mi), Quán nước chè trên đường đèo (Tôge no chaya), Tiếng của cây kim nhỏ (Chiisai hari no oto), Cánh tay to chắc (Katai ôkina te), Mùa xuân của thếp giấy trang trí (Chiyogami no haru), Chén uống trà của lãnh chúa (Tonosama no chawan).
Năm truyện gạch dưới là các truyện tuyển chọn từ bốn thể loại nói trên để dịch lần này nhằm chứng minh diễn biến trong quá trình sáng tác của Ogawa Mimei.
ĐÊM TRĂNG VÀ KÍNH ĐEO MẮT
(TSUKIYO TO MEGANE)
Dạo ấy, trong thành phố cũng như ngoài cánh đồng, màu xanh của lá đang phủ lên khắp nơi.
Đó là một đêm trăng thanh êm ả. Có một bà lão sống ở một vùng yên tĩnh nằm xa phố xá nhưng bà chỉ có một mình và đang ngồi bên song cửa khâu vá.
Ánh sáng của ngọn đèn chiếu chung quanh bà một cách bình lặng. Giờ đây tuổi đã cao nên mắt yếu, bà không còn luồn chỉ vào trôn kim một cách dễ dàng nữa, bao lần phải ghé mắt sát bên ngọn đèn để nhìn cho kỹ khi đưa những đầu ngón tay nhăn nheo lên se sợi chỉ.
Ánh trăng chiếu một màu xanh nhàn nhạt lên trên cảnh vật. Những khóm cây, mái nhà, ngọn đồi đều như chìm trong một làn nước ấm áp. Cứ như thế, bà lão vừa làm việc, vừa mơ màng nhớ lại thời son trẻ của mình vừa nghĩ đến họ hàng thân thích cũng như đứa cháu gọi bằng bà nay đang sống ở một miền xa.
Chung quanh bà, mọi vật đều yên tĩnh, chỉ có âm thanh tích tắc tích tắc đều đặn của chiếc đồng hồ báo thức đặt trên mặt kệ. Đôi khi, từ những con đường tấp nập trong thành phố vọng lại âm thanh như tiếng ai rao hàng hay tiếng xe lửa chạy xình xịch...
Giờ đây bà lão đang ngồi một cách bình thản như người trong chiêm bao, đầu óc lờ mờ không thể nhớ ra mình đang sống ở đâu và đang làm gì.
Thì vừa lúc đó, ngoài cánh cửa có tiếng gõ lộc cộc. Bà lão, tai đã lãng, mới lắng nghe xem tiếng động ấy đến từ đâu. Giờ này làm gì có ai đến thăm nhỉ? Chắc chỉ là tiếng gió mà thôi vì gió đâu có nhà, cứ thế mà băng qua đồng rộng, băng qua thành phố.
Bà nghĩ đến đấy thì lần này, ngay bên dưới cánh cửa sổ, lại có tiếng chân người nhẹ nhàng. Khác với mọi lần, bà lão chăm chú xem có ai không. Bỗng có tiếng gọi:
-Cụ ơi, cụ à!
Lúc đầu, bà lão ngỡ mình đã nghe lầm.Thế rồi, khi nghe tiếng ấy thêm lần nữa, bà mới ngưng tay làm việc.
-Cụ ơi! Mở cửa sổ hộ cho.
Bà lão mới nghĩ rằng phải có ai đó đang gọi nên đứng dậy và mở cánh cửa sổ.
Bên ngoài ánh sáng trắng xanh của vầng trăng chiếu lên như giữa ban ngày.
Bên dưới cánh cửa sổ có một người đàn ông dáng dấp nhỏ bé đang đứng. Người đó đang ngẩng đầu lên, mắt đeo kính đen và có râu.Bà lão mới hỏi:
-Tôi không quen ông. Thế ông là ai vậy?
Bà lão nhìn khuôn mặt của người đàn ông không quen biết và thầm nghĩ có thể ông ta đi lầm nhà cũng nên. Người đàn ông mới giải thích:
-Thưa cụ, tôi là người bán kính rong, có mang theo đây đủ loại kính.Tuy mới đến thành phố này lần đầu nhưng thấy nơi đây thực là xinh xắn. Đêm nay, thấy trăng lại đẹp nữa nên mới đi một vòng để bán kính đấy ạ.
Bà lão thấy mình mới đây gặp phải khó khăn vì mắt đã mờ nên không luồn được chỉ cho đúng lỗ kim nên mới hỏi thăm:
-Thế thì ông có cái kính nào hợp với mắt tôi, giúp tôi nhìn cho rõ hay không?
Người đàn ông bèn mở nắp cái hộp lớn đeo trên tay và tìm trong đó một cặp kính hợp với đòi hỏi của bà lão.Cuối cùng ông ta lấy ra một cắp kính lớn gọng đồi mồi và trao cho bà lão, lúc ấy đang thò mặt qua cửa sổ. Người đàn ông nói:
-Với cặp mặt kính này, tôi xin bảo đảm là cụ nhìn cái gì cũng rõ.
Mặt đất bên dưới cánh cửa sổ nơi người đàn ông đang đứng, hoa cỏ đủ màu từ trắng, hồng cho đến xanh đang đua nở, hương thơm ngào ngạt, như tắm mình dưới ánh sáng của vầng trăng.
Bà lão bèn đeo thử đôi kính vào.Thế rồi bà thử nhìn những con số trên mặt đồng hồ báo thức và những giòng chữ in trên cuốn lịch và thấy rằng tất cả đều rõ mồn một. Nó làm cho bà tưởng chừng rằng mắt mình thấy rõ ràng như thể hồi còn là một thiếu nữ nghĩa là mấy mươi năm về trước.
Bà lão hết sức mừng rỡ.
-Được lắm, ông cho tôi xin cặp kính này.
Nói xong bà bèn mua ngay cặp kính ấy.
Sau khi bà lão đã trả tiền, người đàn ông mang kính đen và có bộ râu kia bèn bỏ đi mất. Khi người đàn ông đã khuất dạng, trong bầu không khí của đêm thanh, chỉ còn đám cỏ hoa vẫn tỏa hương như trước.
Bà lão đóng cánh cửa sổ lại, trở về ngồi ở chỗ cũ và lần này bà đã luồn được sợi chỉ vào lỗ kim một cách dễ dàng.Bà lão hết mang kính vào rồi gỡ kính ra chẳng khác nào một đứa trẻ con trước một món vật lạ, cứ thử tới thử lui. Thêm một điều nữa là xưa nay bà chưa từng đeo mắt kính bao giờ nay bất chợt đeo lên nên mọi vật chung quanh đều đổi khác.
Lâu lâu, bà lão lại tháo cặp kính đang đeo ra. Bà đặt nó lên trên kệ bên cạnh cái đồng hồ báo thức. Nghĩ rằng trời đã khuya rồi phải đi ngả lưng nên mới thu dọn công việc đang làm.
Lúc ấy, bên ngoài cánh cửa, chợt có tiếng đập cửa của một ai đó. Bà lão lại lắng tai nghe.
-Đêm nay sao lạ thật. Có người nào nữa đây nhỉ? Khuya khoắt như thế này ...
Bà lão kêu lên như thế và nhìn kim đồng hồ. Bên ngoài tuy trăng kia vẫn tỏ nhưng giờ giấc thì phải khuya lắm.
Bà lão đứng dậy và tiến đến chỗ cửa ra vào. Bà nghe có tiếng gõ tốc tốc nhẹ nhàng và dễ thương vào cửa của một bàn tay bé nhỏ nào đó.
Bà nhủ thầm “Đến chi vào lúc khuya khoắt như thế này...” và mở cửa xem có ai. Thì bỗng thấy một cô bé xinh xắn, khoảng 12, 13 tuổi, đang đứng đó mà đôi mắt lại rưng rưng. Bà lão nghi ngại đặt câu hỏi:
-Tôi không biết cháu là con nhà ai nhưng sao giữa đêm hôm thế này lại tìm đến đây vậy?
Cô gái trẻ xinh đẹp với mái tóc buông lơi mới trả lời:
-Thưa bà, cháu là người làm công cho một xưởng chế nước hoa trong thành phố. Mỗi ngày cháu phải lấy tinh dầu từ những đóa hoa trắng và cho vào bình. Vì thế, mỗi đêm, cháu đều về nhà muộn. Hôm nay đi làm ra, nhân thấy trăng đẹp quá nên cứ lửng thửng dạo chơi, bất đồ vấp phải hòn đá nên ngón tay bị thương. Cháu đau quá, đau đến nỗi nhịn không được nữa. Máu chảy mãi không thấy cầm. Đi đến nhà nào họ đều đóng cửa đi ngủ cả rồi. Nhân qua đây mới thấy là bà hãy còn thức. Cháu biết bà là người hiền hậu, dịu dàng và hay giúp đỡ cho nên mới dám vô phép gõ cửa nhà bà.
Bà lão đã có cảm tưởng như cả người cô bé như được ướp trong mùi thơm của nước hoa nhưng lúc đang nghe câu chuyện thì thấy làn hương ấy như bừng lên xông vào mũi mình.
Bà lão mới đặt câu hỏi:
-Ra là cháu đã từng biết tôi rồi?
Cô gái bèn đáp:
-Cháu đã nhiều lượt đi ngang qua nhà và thấy bà đang khâu vá cạnh cửa sổ nên mới biết về bà đấy!
-Ôi chao, cháu ngoan quá. Này, đưa cho tôi xem ngón tay cháu bị thương đi nào. Tôi sẽ kiếm thuốc xức cho.
Bà lão nói như vậy xong bèn đưa cô bé đến bên cạnh ngọn đèn dầu. Cô bé bèn chìa ngón tay xinh xắn cho bà lão xem. Máu chảy đỏ ướt cả làn da trắng trẻo.
-Ô, tội nghiệp chưa! Vấp phải đá xước cả da rồi nhỉ?
Bà lão thầm thì trong miệng nhưng vì mắt đã mờ nên không biết máu đã ứa ra từ chỗ nào.
-Cặp kính hồi nãy nằm đâu vậy, ta?
Bà lão tìm trên cái kệ. Thấy nó nằm bên cạnh cái đồng hồ báo thức nên vội vàng đeo nó lên và định xem xét viết thương của thiếu nữ.
Có kính rồi, bà lão mới định nhìn cho kỹ khuôn mặt của thiếu nữ xinh đẹp hàng ngày vẫn đi ngang trước nhà mình. Thế nhưng lúc ấy, bà không khỏi kinh ngạc bởi vì trước mặt bà không phải là một cô con gái nhưng là một cánh bướm non. Bà chợt nhớ lại câu chuyện ngày xưa kể rằng vào một đêm trăng thanh như hôm nay, có con bướm hóa thân thành thiếu nữ và đến viếng ngôi nhà nào hãy còn thức giấc giữa đêm khuya. Và con bướm nhỏ ấy cũng bị thương ở chân.
-Này cháu ngoan, vào trong này với bà nào!.
Bà lão dịu dàng nói với thiếu nữ như vậy. Thế rồi bà đứng dậy, tiến về cánh cửa sau mở ra một khu vườn hoa và đi vòng vòng bên trong. Thiếu nữ cứ lẳng lặng bước đằng sau bà lão.
Trong vườn, đủ loại đủ giống hoa đang thời nởrộ. Ban ngày, bướm ong tụ tập bên nhau, ồn ào náo nhiệt. Thế nhưng giờ đây, chúng đều ngủ yên dưới đám lá và thấy như đang nằm mộng. Tất cả hoàn toàn yên tĩnh. Chỉ có ánh sáng xanh bạc tựa nước của vầng trăng là đang chảy tràn trề. Trên hàng rào đằng kia, những đóa hoa hồng bạch nở xum xuê, chen lấn nhau, trông như một đống tuyết.
-Con bé kia nó đi đâu rồi nhỉ?
Bà lão chợt đứng khựng lại và ngoáy đầu nhìn. Không biết tự lúc nào, cô con gái đang đi theo bà đã biến mất mà bà không nghe được một tiếng chân bước. Chẳng còn thấy hình bóng cô ta đâu nữa.
-Thôi, tất cả hãy ngủ yên đi nhé. Còn bà, bà cũng phải đi nằm đây.
Bà lão nói như vậy rồi đi vào trong nhà.
Đêm hôm ấy thật là một đêm trăng đẹp.
NGỌN NẾN ĐỎ VÀ NÀNG TIÊN CÁ
(AKAI RÔSOKU TO NINGYO)
Một
Những nàng tiên cá không chỉ sống ở vùng biển Nam. Các nàng còn ở cả trên Bắc Hải.
Biển miền Bắc màu xanh lá cây. Đôi khi có một nàng tiên cá leo lên ngồi nghỉ trên kè đá và đưa mắt ngắm phong cảnh.
Ánh trăng lọt qua khe những chòm mây buồn bã chiếu lên trên mặt sóng. Nhìn chung quanh nàng chỉ thấy nơi đâu cũng là một vùng sóng vỗ mênh mang.
Nàng tiên cá nghĩ thầm ôi chao cảnh sắc ở đây sao mà buồn thảm quá. Nàng thấy thân thể của mình nào có khác chi con người. Tuy sống với cá ở dưới đáy biển sâu nhưng nếu đem so sánh với bầy cá và những những loài thú vật tính tình thô bạo thì có lẽ tâm hồn và thân thể của mình phải gần gũi với loài người hơn. Vậy mà không biểu vì cớ gì mình cứ phải sống với lũ cá và các loài thú ở một nơi lạnh lẽo, tối tăm và hoang vắng ngay giữa lòng biển cả như thế này.
Qua những năm tháng dài dằng dặc, nàng tiên cá không có lấy một người bạn để mà trò chuyện và bao giờ cũng mơ về một mặt biển đầy ánh sáng. Khi nghĩ đến cuộc sống mình đã trải qua cho đến bây giờ, nàng buồn không biết để đâu cho hết. Rồi vào những đêm có trăng, thế nào nàng cũng trồi lên mặt nước, đến nghỉ trên ghềnh đá và thường thả hồn chìm vào mộng tưởng.
-Nơi con người sinh sống, chắc phố phường đẹp lắm. Mình nghe nói loài người có nhân tính nên lòng dạ dễ thương hơn loài cá và các giống thú. Nàng tiên cá nghĩ rằng nhân ngư như chúng mình tuy sống với lũ cá và các giống thú nhưng lại gần gũi với loài người hơn nên có lẽ sẽ chung đụng được với con người.
Nàng tiên cá ấy lại là một người đàn bà đang mang thai...Nàng nghĩ bọn chúng mình đã sống biết bao năm dài ở miền biển Bắc xanh tối, lạnh lẽo và buồn bã, không có lấy một người trò chuyện nên luôn mơ ước có ngày nào đến một đất nước sáng sủa và nhộn nhịp. Ít nhất, mình không muốn cho đứa trẻ sắp chào đời sau này phải sống buồn khổ và chẳng biết trông cậy vào ai.
Tuy lúc đó phải rời xa con để sống một mình dưới biển là điều khiến nàng buồn khổ nhưng nàng lại nghĩ dù con mình ở đâu thì ở, miễn nó có cuộc đời hạnh phúc là nàng không mong mỏi gì hơn.
Mình nghe nói loài người là giống đáng yêu nhất trên đời. Hơn thế, họ không hề bắt nạt những giống vật dễ thương hay thiếu nơi nương tựa, lại nghe rằng một khi họ đã cam kết điều gì với ai, họ không bao giờ nuốt lời. May thay, mặt mày của nhân ngư chúng mình lại giống họ, hơn nữa, kể từ nửa thân người trở lên thì hoàn toàn không khác. Cứ xem việc chúng mình có thể sống chung với đám cá và thú vật thì lẽ nào không thể sống chung với loài người! Một khi được họ ra tay cứu vớt và nuôi dạy thì chắc chắn sau đó, họ sẽ không thể nào bị vứt bỏ đâu nhỉ!
Nàng tiên cá suy nghĩ như vậy.
Bề gì, nàng chỉ mong sao cho con của mình sẽ được nuôi dạy và lớn lên trong một thành phố đẹp đẽ, tươi sáng nên định lên cạn mà sinh đẻ. Nếu thế thì nàng sẽ không còn cơ hội nhìn lại mặt của đứa con mình nữa. Dù vậy, con của nàng sẽ có cơ hội gia nhập cộng đồng loài người và được sống một cuộc đời hạnh phúc.
Phía xa xa bên kia bờ nàng tiên cá nhìn thấy được hòn núi nhỏ nằm ven biển, nơi mà ánh lửa leo lét của ngôi đền Thần Đạo thấp thoáng trên mặt sóng. Một hôm, vì muốn tìm địa điểm để sinh con, nàng tiên cá đã bơi qua vùng biển lạnh lẽo và tối tăm đó để tiếp cận với đất liền.
Hai
Bên bờ biển có một thành phố nhỏ. Thành phố đó vốn nhiều hàng quán nhưng bên dưới hòn tiểu sơn nơi dựng đền thần thì chỉ có một cái quán nghèo nàn chuyên bán nến.
Gia đình trông coi quán ấy là một cặp vợ chồng già. Ông chồng là người làm nến để bà vợ đứng bán. Dân trong phố cũng như những người dân chài quanh vùng, mỗi khi đi viếng đền thần, đều ghé quán này mua nến rồi mới leo lên núi.
Trên ngọn núi, tùng mọc dày. Đền thần nằm giữa những khóm tùng. Ngày cũng như đêm, gió từ ngoài khơi thổi về, lướt qua những ngọn tùng nghe như là những tiếng gào. Thế rồi cứ vào buổi chiều, ánh lửa của những ngọn nến được thắp lên trong đền lại lay động thành những cái bóng lung linh mà người ta vẫn nhìn thấy được từ ngoài khơi xa.
Câu chuyện sau đây đã xảy ra vào một đêm nọ. Bà lão nhìn chồng và nói:
-Vợ chồng mình sinh sống được cho đến ngày hôm nay cũng là nhờ thần linh. Nếu như không có ngôi đền trên núi thì ai đi mua nến của mình. Chúng mình phải xem đó như là ơn phước các ngài ban cho. Do đó, tôi nghĩ rằng mình phải lên đền đi lễ một lần mới được.
Ông lão mới trả lời:
-Bà mầy nói đúng. Phần tôi, không ngày nào mà tôi không nghĩ về điều đó và vẫn cảm tạ thần linh. Chỉ vì bận bịu công này việc nọ mà chưa có dịp lên núi lễ đền. Vậy thì thật vừa vặn. Nếu bà có lên núi đi lễ thì xin khấn hộ phần tôi nữa nhé.
Bà lão hăng hái ra khỏi nhà. Buổi tối đó trăng thập đẹp, bên ngoài sáng rõ như ban ngày. Khi đi lễ đền đã xong, bà lão bèn xuống núi thì thấy dưới tảng đá, có một đứa trẻ sơ sinh đang khóc.
-Tội nghiệp chưa! Con nhà ai bị đem vứt bỏ mà sao ai lại đi vứt ở đây. Lạ hơn nữa là nằm trên con đường ta đi thăm đền về nên mới lọt vào mắt ta. Hẳn là ta với cháu có duyên nợ chi đây. Nếu làm ngơ không cứu thì sẽ mang tội với thánh thần. Chắc là các ngài thấy vợ chồng ta hiếm muộn nên gửi gắm cho chúng ta đó chăng? Thôi để ta về bàn với ông nhà mà tìm cách nuôi nấng vậy.
Trong lòng bà lão nghĩ như thế nên bế lấy đứa trẻ mang về.
Ông lão lúc ấy đang đợi vợ. Bà lão trở về với đứa trẻ trên tay. Bà nhất nhất trình bày cho ông cớ sự xảy ra. Ông mới bảo:
-Đúng là thánh thần gửi gắm đứa bé này cho chúng ta. Nếu mình không nuôi nó kỹ lưỡng sẽ bị các ngài giáng tai họa đấy.
Thế rồi hai ông bà lão mới nuôi dưỡng đứa bé ấy. Đó là một đứa bé gái, thế nhưng thân hình nó thì phía bên dưới không phải là người mà là cá nên cả ông lẫn bà đều nghĩ rằng bé gái này đích thị là giống nhân ngư mà họ thường nghe nói đến. Ông lão thường cúi xuống nhìn đứa bé ấy và bảo:
-Con bé này không phải là con cái của loài người ...
Bà lão tiếp lời:
-Tôi cũng nghĩ như ông đấy chứ. Thế nhưng dù không thuộc giống người nhưng đứa bé gái này dễ thương và kháu khỉnh quá đi thôi, ông nhỉ?
Ông lão bèn đáp:
-Bà nói chí phải. Đâu có gì mà mình phải phân biệt. Thánh thần các ngài đã gửi gắm con bé thì chúng mình phải nuôi nấng cho thật chu đáo. Chắc chắn khi lớn lên, nó sẽ là một cô gái ngoan và thông minh cho coi.
Kể từ ngày đó, hai vợ chồng ông lão dồn hết tâm lực để nuôi dạy đứa bé. Cùng với thời gian, đứa bé ngày xưa đã trở thành một cô gái có cặp mắt đen lánh, mái tóc và làn da xinh xắn một màu hồng nhạt lại hết sức ngoan hiền.
Ba
Nay đã lớn khôn nhưng biết thân thể mình không giống người bình thường nên cô gái hay mắc cỡ, thường tránh đưa mặt ra ngoài. Tuy thế, dù chỉ mới nhìn thấy một lần, ai nấy đều ngạc nhiên về sắc đẹp và tính nết của cô. Trong số đó, có những người vì muốn xem mặt nên thường lấy cớ mua nến để tìm gặp.
Ông lão và bà lão mới nói:
-Con bé nhà chúng tôi nhút nhát nên không muốn đưa mặt ra trước mọi người.
Sâu trong căn nhà, ông lão ra sức làm nến không ngơi nghỉ. Còn cô con gái thì nghĩ rằng nếu mình vẻ lên đó những mẩu hình mà mình tưởng tượng ra thì thiên hạ sẽ thích lắm và nến bán chạy nên đem chuyện đó đề nghị với ông lão. Ông đáp nếu thế thì tốt lắm,con cứ thử vẽ những bức tranh mình thích lên đó xem sao.
Cô gái mới lấy đồ vẽ tô màu đỏ lên những ngọn nến trắng các mẩu hình nào lá cá, sò ốc, nào là những loại rong biển.Tuy không học từ ai nhưng cô có khiếu bẩm sinh nên vẽ rất đẹp. Khi nhìn thấy những bức ảnh trang trí đó, ông lão không khỏi ngạc nhiên. Bất cứ ai khác nhìn thấy các mẩu vẽ như thế đều mong có được những ngọn nến kia bởi vì chúng vừa chứa một sức mạnh lạ lùng và một vẻ đẹp hiếm có.
Ông lão cảm kích, bảo bà lão:
-Nhất định là đẹp. Phải là nhân ngư chứ con người làm sao vẽ được khéo như thế.
Từ sáng đến chiều trước cửa nhà, khách hàng từ người lớn đến con nít đến hỏi mua: “Bán cho tôi loại nến có vẽ tranh ấy nhá!”. Rốt cuộc, loại nến có vẽ tranh được bán hết nhẳn.
Giờ đây lại có thêm một chuyện lạ lùng nữa. Không biết tự lúc nào, có tiếng đồn truyền từ miệng này qua miệng khác là nếu lấy những ngọn nến có hình vẽ đó lên cúng cho đền thần, đem thắp lên rồi dùng chỗ sáp cháy dở xoa lên người thì khi ra biển, dù có gặp ngày sóng to gió lớn đến thế nào đi nữa, thuyền bè vẫn không bị lật úp và thân mình sẽ không phải chịu những tai nạn như chết đuối.
Dân trong vùng kháo với nhau:
-Đền trên núi là đền thờ Thần Biển cơ mà! Nếu mình đem cúng cho những ngọn nến đẹp thì tất nhiên Ngài phải hài lòng chứ.
Ở cửa hàng nến, vì nến bán chạy cho nên ông lão cố gắng chế nến từ sáng đến chiều. Bên cạnh ông, cô con gái dù có đau tay cũng phải ráng nhịn để vẽ những mẩu hình trang trí màu đỏ lên trên các ngọn nến.
-Hai ông bà biết mình là giống khác loài mà vẫn đùm bọc, nuôi dưỡng. Thật không thể nào quên được công ơn ấy.
Lắm lúc cô gái cảm động trước lòng tốt của ông lão bà lão. Điều đó làm cho đôi mắt to đen láy của không khỏi ươn ướt.
Câu chuyện về họ được truyền đến tận những thôn xa. Những người làng chài hay thủy thủ thuyền viễn dương vì muốn có trong tay một ít sáp cháy dở của loại nến đó đem xoa lên người, đã cất công tìm đến. Thế rồi, sau khi mua nến xong, họ leo lên đền thần tham bái, châm những ngọn nến ấy lên để cúng. Họ đợi cho đến khi ngọn nến ngắn dần rồi đem phần còn lại mang về. Do đó, ngày cũng như đêm, trong ngôi đền thần trên núi, không lúc nào mà không thấy có lửa nến. Đặc biệt là trong đêm, từ ngoài biển, có thể nhìn thấy ánh nến chiếu như một dãy đèn rất đẹp.
-Vị thần này thật quí hóa!
Đâu đâu cũng nghe tiếng thiên hạ ca ngợi ông thần. Thế rồi, chẳng mấy chốc, danh tiếng của hòn núi đã nổi lên như sóng cồn.
Chỉ có thần thánh được tán tụng như thế chứ không một ai có lòng nghĩ đến người con gái đã cặm cụi vẽ những mẩu hình lên những ngọn nến. Tóm lại, không kẻ nào thương xót cho số phận của cô. Người con gái ấy tỏ ra mệt mỏi, vào những đêm trăng, cô thường đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ, vọng về phương Bắc, nơi có mặt biển thương yêu với một màu xanh thẩm mà không ngăn được giọt lệ.
Bốn
Một lần kia, có gã thương lái (1) đến từ một xứ sở ở miền Nam. Sở dĩ hắn tìm lên phía Bắc là muốn tìm kiếm những thứ của lạ giá hời để đem về Nam bán lại.
Không hiểu gã thương lái ấy đã nghe từ ai, hoặc giả có lần bóng dáng cô gái ấy đã lọt vào mắt gã hay sao nên biết tỏng ngay rằng nàng không phải loài người mà là một nàng tiên cá rất ít ai có dịp gặp trên thế gian này. Do đó, một ngày hắn mới lén tìm đến gặp hai ông bà lão mà không để cho cô gái hay biết. Hắn chịu bỏ ra một món tiền lớn và đề nghị hai ông bà bán cô con gái ấy cho mình.
Lúc đầu, hai vợ chồng ông lão kia cho rằng cô gái là kẻ được thần thánh phó thác cho, làm sao có thể đem rao bán. Nếu như mình làm chuyện như thế, chắc chắn sẽ bị thần thánh trừng phạt. Gã thương lái bị từ chối một lần rồi hai lần như thế nhưng vẫn không sờn lòng, cứ vác mặt đến gặp họ. Hắn lại nói láo như thật:
-Xưa nay, nhân ngư vẫn là giống vật báo điềm gở. Nếu không nhanh tay vứt bỏ nó, ông bà sẽ gặp hậu hoạn đấy.
Lần này, hai ông bà lão tin theo lời gã thương lái. Hơn nữa, nhân hắn chịu trả cho một món tiền lớn, họ bị hơi đồng làm cho tối mắt nên mới ước hẹn sẽ bán cô gái nuôi cho hắn.
Gã thương lái quay về, lòng xiết bao mừng rỡ. Hắn định bụng sẽ tìm cách đến đem cô gái đi càng chóng càng tốt.
Khi cô gái biết được câu chuyện, phải biết là cô kinh ngạc đến dường nào. Một cô gái hiền lành, nhút nhát mà nay phải lìa bỏ cửa nhà để bị đưa đến một vùng nhiệt đới và xa xôi hàng mấy trăm dặm đường ở miền Nam, nơi cô chưa từng biết. Điều đó làm cho cô kinh hãi nên mới vừa khóc vừa van xin hai ông bà lão:
-Ông bà bắt con làm việc cực đến đâu con cũng xin vâng nhưng đừng bán con đi mãi tận miền Nam xa xôi kia.
Thế nhưng lòng của hai vợ chồng già lúc ấy giống như bị quỷ ám mất rồi, cho dù cô gái có nói gì đi nữa, họ cũng không để lọt vào tai.
Cô gái bèn đóng cửa nằm lỳ trong phòng, ra sức tô vẽ hình ảnh lên trên những ngọn nến. Thế nhưng hai vợ chồng già dù có thấy cảnh tượng đó cũng chẳng thương tình hay tội nghiệp gì cô cả.
Truyện xảy ra vào một đêm trăng sáng. Nàng con gái vừa ngồi nghe tiếng sóng vỗ vừa buồn khổ nghĩ đến nơi mà mình sẽ phải đến. Tiếng sóng ngoài khơi xa vọng về, đối với cô, nó giống như một lời mời gọi. Từ bên song cửa sổ, cô đưa mắt dõi nhìn ra bên ngoài. Thế nhưng không có gì ngoài một vầng trăng treo cao, chiếu trên mặt biển xanh, một màu xanh trải đến ngút ngàn.
Cô gái lại ngồi vẽ tiếp nấy bức tranh lên những ngọn nến. Thì vừa lúc đó, bên ngoài cửa bỗng có tiếng xôn xao. Đêm nay, gã thương lái kia đang sửa soạn đến đem cô đi. Hắn chở theo xe một cái chuổng thật lớn hình hộp với chấn song bằng sắt. Cái chuồng này xưa nay hắn vẫn thường dùng để giam các loại hổ, báo, sư tử.
Như thế, nàng tiên cá hiền lành này cũng bị hắn coi là một con quái vật đến từ biển cả và sẽ được xử trí cùng một kiểu với hổ, báo, sư tử. Chốc nữa đây, khi nhìn cái chuồng này, chắc hẳn cô sẽ hồn xiêu phách tán.
Nàng tiên cá không hề hay biết, đầu vẫn cắm cúi để vẽ những bức tranh lên ngọn nến. Vừa lúc đó, hai ông bà lão bước vào và ra lệnh:
-Thôi, đã đến giờ mi phải lên đường!
Thế rồi họ kéo cô ra ngoài.
Vì bị ông bà lão thôi thúc nên cô gái không vẽ được những mẫu hình mong muốn lên mấy ngọn nến còn đang cầm trên tay, thành ra cô đã phải tô tất cả đỏ choét.
Như để kỷ niệm nỗi đau thương của mình, cô đã bỏ lại nơi đó hai, ba ngọn nến hoàn toàn tô đỏ như vậy.
Năm
Buổi tối hôm đó thật êm ả. Lúc đó, ông lão bà lão đã đóng cửa đi ngủ.
Đến giữa khuya, bỗng dưng có tiếng ai gõ cửa nghe cộc cộc.Vì đã già nên họ phải lắng tai mới nghe được và tự hỏi người nào đây. Bà lão lên tiếng:
-Ai đó ạ?
Thế nhưng không một câu trả lời và vẫn có tiếng cộc cộc của ai kia tiếp tục gõ vào cánh cửa.
Bà lão bèn ngồi dậy rồi đi qua nhìn qua khe cửa. Bà thấy một người đàn bà trắng trẻo đang đứng đằng trước khung cửa.
Người đàn bà ấy đến đây là để mua nến. Bà lão vì muốn kiếm được tiền càng nhiều chút nào hay chút ấy nên không hề làm mặt khó khăn.
Bà mới lấy mấy hộp đựng nến và cho người đàn bà ấy xem. Lúc đó bà lão hết sức ngạc nhiên khi thấy mái tóc đen dài của người đàn bà kia ướt sủng nước, lóng lánh dưới ánh trăng. Người đàn bà lựa lấy những ngọn nến đỏ choét ra khỏi hộp và đôi mắt cứ nhìn vào chúng không rời. Cuối cùng, sau khi trả tiền xong xuôi, nàng ta bèn mang theo những ngọn nến đỏ ấy ra về.
Bà lão bèn ra chỗ có sáng để nhìn thì thấy số tiền kia không phải là tiền thật mà chỉ là vỏ sò vỏ ốc. Thấy mình bị lừa nên bà lão đùng đùng nổi giận, chạy ra trước nhà để tìm cho được người đàn bà kia nhưng không còn thấy bóng dáng của nàng đâu nữa.
Chuyện xảy ra đúng vào đêm hôm ấy. Bầu trời đột ngột biến dạng rồi giông bão nổi lên, một trận bão gần đây chưa từng thấy. Nó đã xảy ra chính vào lúc gã thương lái đem nhốt cô gái vào trong chuồng, chở trên thuyền để đem về cái nước ở vùng biển Nam. Con thuyền ấy vừa ra đến ngoài khơi.
Hai ông bà lão run lập cà lập cập, nói với nhau:
-Kiểu giông to gió lớn như thế này chắc không tài nào cứu được chiếc thuyền kia đâu.
Cho dù đêm đã tàn, ngoài khơi vẫn đen kịt một màu, cảnh tượng trông thật kinh hoàng. Tối qua, có không biết bao nhiêu con thuyền đã bị sóng gió đánh tan.
Điều đáng ngạc nhiên là từ đó về sau, cứ khi nào những ngọn nến đỏ được thắp lên ở ngôi đền trên núi thì cho dù mấy ngày trước đó trời có tốt bao nhiêu, giông bão sẽ tức thời nổi dậy.Thế rồi, những ngọn nến đỏ đã trở thành một thứ điềm gỡ. Hai vợ chồng ông lão bán nến cho rằng họ đã bị thần thánh trừng phạt nên từ đó bỏ nghề, không còn bán nến nữa.
Tuy vậy, không ai biết người nào đã đem những ngọn nến đỏ ấy để tiến cúng cho đền mà lâu lâu lại thấy chúng được thắp lên trên đó. Ngày xưa, người ta nghĩ rằng cứ đem những mẩu sáp cháy dở dang của những ngọn nến có tranh vẽ mà xoa lên thân mình thì khi đi biển sẽ được bình an vô sự nhưng kể từ đây, chỉ cần ai đó nhìn thấy ngọn nến đỏ thôi, nhất định kẻ ấy sẽ rước lấy tai họa và phải mất mạng trên biển.
Tin đồn như thế lập tức lan ra khắp nơi.Chẳng bao lâu sau, không còn thấy bóng ai đi lễ ngôi đền trên núi nữa. Nơi tự ngày xưa từng có thần thánh cư ngụ nay chỉ còn là cái động quỷ. Nếu thành phố không có một ngôi đền linh thiêng như thế nữa thì nó chẳng còn gì hấp dẫn hay khiến cho thiên hạ phải tiếc nuối.
Những người đi biển từ ngoài khơi nhìn lên ngọn núi nơi có ngôi đền, lòng sợ hãi. Đêm đến, trên mặt biển, dù không duyên cớ gì họ cũng bồn chồn lo lắng. Nhìn chung quanh chẳng thấy đâu là bến bờ, chỉ có những ngọn sóng cao như núi. Thế rồi những đợt sóng ấy xô vào ghềnh đá và vỡ tan thành bọt trắng. Nhất là lúc ánh trăng len qua khe hở của làn mây để chiếu lên mặt sóng, họ lại càng cảm thấy trong người khó ở.
Vào những đêm trời đất tối mịt, không một ánh sao mà lại có mưa rơi, có kẻ lại thấy những ánh nến đỏ bồng bềnh trên ngọn sóng, mỗi lúc mỗi dâng cao và lập lòe chỉa về hướng ngôi đền trên núi.
Chỉ vài năm sau, thành phố nằm dưới chân ngôi đền đã sụp đổ rồi biến mất, không để lại dấu vết.
(1) Nguyên văn là Yashi tức những kẻ diễn trò rong và bán hàng cho khách trong những ngày lễ hội.
HOA HỒNG DẠI
(NOBARA)
Có một nước lớn nằm cạnh một nước nhỏ hơn nó một chút. Lúc đó, giữa hai bên không có chuyện gì xảy ra cho nên dân chúng sống trong cảnh thanh bình.
Nơi ấy là một vùng biên giới xa kinh đô. Ở đó cả hai nước đều chỉ gửi tới một người lính để giữ cái bia đá dựng lên như cột mốc đánh dấu biên giới. Người lính của nước lớn là một ông già và người lính của nước nhỏ là một cậu thanh niên.
Hai người đứng canh ở bên phải và bên trái nơi bia đá được dựng lên. Nơi đây chỉ có cảnh núi hoang vu. Hơn nữa, ít khi thấy bóng khách bộ hành qua lại.
Lúc đầu khi còn chưa quen biết nhau, họ còn có tình cảm phe ta phe địch cho nên họa hoằn mới hở môi nói chuyện với nhau, Thế nhưng dần dà hai bên đã trở thành thân thiết. Một phần cũng vì hai người cảm thấy cuộc sống nơi đây buồn chán nếu vì không ai để chuyện trò. Hơn nữa, ngày xuân lại dài và đẹp, giờ đây đang lấp lánh chiếu trên đầu.
Cũng vào độ ấy, ở vùng biên giới, có một cụm hồng, không biết do ai trồng, mọc lên xum xuê. Từ sáng sớm, trên những đóa hoa, đàn ong mật đã tụ lại và bay lượn bên trên. Tiếng vo ve của chúng vọng đến bên tai và phá giấc mơ của hai người lính lúc đó còn đang say ngủ.
-Nào, dậy đi thôi nhỉ! Ong ở đâu kéo đến nhiều quá.
Hai người cùng nói và thức giấc một lượt. Khi đi ra ngoài cửa, họ thấy mặt trời đã sáng trưng lên đầu những ngọn cây.
Hai người bèn súc miệng bằng dòng nước trong veo đổ ra từ kè đá. Họ rửa mặt xong rồi đưa mắt nhìn nhau.
-Ô, xin chào! Trời hôm nay đẹp thật.
-Đúng đấy. Trời tốt thật. Khi trời tốt, con người mình cũng sảng khoái ra.
Tại chỗ, hai người đã đứng và nói với nhau những lời như vậy.Họ cùng ngẩng đầu lên ngắm phong cảnh chung quanh.Tuy là cảnh sắc đã thấy mỗi ngày nhưng mỗi lần nhìn ngắm, trong lòng họ vẫn dậy lên những cảm xúc mới mẻ.
Ban đầu, thanh niên không biết gì về cách chơi cờ tướng nhưng được lão già chỉ dạy cho cho nên vào dạo này, vào những buổi trưa êm ả, hai người mỗi ngày thường rủ nhau đánh cờ.
Ban đầu thì lão già đánh hay hơn, thanh niên thường yếu thế nhưng cùng với thời gian, dĩ nhiên lão già cũng phải có bàn thua.
Cả lão già lẫn thanh niên đều là những người tốt. Hai người cũng đều thẳng thắn và thân ái. Cho dù hai bên có sát phạt trên mặt bàn cờ nhưng lòng thì đã mở cửa cho nhau.
-Ôi chao, kiểu này thì tớ thua mất. Cứ phải tiếp tục chạy trốn, rõ khổ. Nếu là chiến tranh thực sự thì tớ không biết sẽ ra sao!
Lão già nói như thế và toác miệng cười.
Thanh niên thấy có hy vọng nên vui mừng, mặt mày tươi tỉnh. Mắt sánh long lanh, cố sức dồn quân Vua bên địch vào thế bí.
Trên đầu ngọn cây, bầy chim nhỏ đang ríu ra ríu rít một bài ca. Những đóa hồng trắng lại tỏa hương ngào ngạt.
Ở vùng biên giới hai nước đó thật ra cũng có mùa đông. Khi trời trở lạnh, lão già bèn nhớ về miền Nam. Đó là nơi con trai và cháu nội của lão đang sinh sống.
Lão mới nói:
-Mong sao chóng được cho nghỉ việc mà về quê.
-Bác mà nghỉ thì người đến thay thế sẽ là kẻ xa lạ đối với cháu. Nếu đó là người hiền hậu, thân ái thì tốt nhưng nhỡ là người có ý tưởng phe ta phe địch thì khốn. Thôi, bác hãy chịu khó ở lại thêm ít lâu nữa. Xuân sắp đến rồi mà!
Cuối cùng mùa đông đã ra đi và mùa xuân lại trở về. Cũng vào lúc đó, giữa hai nước không hiểu có vấn đề tranh chấp quyền lợi gì và bắt đầu gây nên chiến tranh. Vì lẽ đó mà hai người lính cho đến nay vẫn sống hòa mục nay đã trở thành kẻ địch của nhau. Dù thế nào đi nữa, chuyện đó vẫn là một điều không sao hiểu được.
Lão già mới nói:
-Này, tớ với cậu từ đây trở thành kẻ thù với nhau rồi đấy nhé! Tớ già cả lụ khụ như thế này nhưng dù sao cũng là một viên thiếu tá. Nếu cậu chém được đầu tớ đem dâng thì hoạn lộ của cậu sẽ thênh thang. Cứ việc giết tớ đi!
Nghe nói thế, thanh niên thất sắc:
-Bác ơi, ăn nói chi kỳ cục vậy. Tại sao bác cháu mình có thể trở thành kẻ thù với nhau được. Kẻ địch của cháu phải là ai khác cơ.Hiện nay chiến sự chỉ đang diễn ra ở nơi nào đó tít phía Bắc. Cháu sẽ xin lên đó chiến đấu.
Thanh niên để lại câu nói như thế rồi bỏ đi mất.
Ở vùng biên giới, chỉ còn mỗi lão già ở lại. Kể từ ngày thanh niên không còn nơi đó nữa, lão sống những ngày thờ thẩn. Hoa hồng dại nở đầy và đàn ong mật đến bay lượn thành đàn ở bên trên từ lúc mặt trời lên cho đến khi chiều tối. Giờ đây chiến sự đang xảy ra ở một nơi thật xa xôi nên dù có lắng tai và dõi mắt nhìn lên không trung cũng chẳng nghe tiếng súng mà cũng chẳng thấy một ngọn khói đen. Kể từ ngày hôm đó, lúc nào lão già cũng lo lắng cho số phận của thanh niên. Và như thế, ngày tháng tiếp nhau qua.
Một hôm có người lữ khách ghé qua vùng này. Lão già mới hỏi thăm tình hình chiến sự. Nghe thế, lữ khách mới cho lão biết là nước nhỏ đã bại trận, binh sĩ của họ đều bị tàn sát cả. Ông ta còn cho biết giờ đây chiến tranh đã kết thúc.
Lão già suy ra nếu thế thì thanh niên chết rồi cũng nên. Vừa ưu tư như thế, lão ra ngồi bên tấm bia đá và úp mặt xuống đó thì không biết lúc nào, mắt đã díp lại và lão chìm vào trong giấc ngủ. Từ đằng kia bỗng có dấu hiệu một đoàn người đông đảo đang kéo đến. Nhìn lên mới biết đó là một toán binh sĩ. Ngoài ra, người chỉ huy đang cưỡi ngựa lại là chàng thanh niên ngày nào.
Đoàn quân ấy rất im ắng, không gây ra một tiếng động. Cuối cùng, họ đi lướt ngang qua lão già. Thanh niên chỉ lặng lẽ cúi đầu chào rồi hít lấy làn hương của những đóa hoa hồng.
Lão già định nói lên một lời gì thì chợt tỉnh giấc. Té ra mọi sự đã hoàn toàn xảy ra trong giấc mơ của lão. Chỉ được một tháng sau, những đóa hồng kia đã tàn úa cả và mùa thu năm ấy, lão già bèn xin hưu trí để trở về Nam.
THÀNH PHỐ BUỒN NGỦ
(NEMUI MACHI)
Một
Tôi không biết tên cậu bé ấy nên xin tạm gọi cậu là K.
Cậu K. có nhiều dịp đi du lịch trên thế giới. Một hôm, cậu đặt chân đến một thành phố lạ lùng. Thành phố này có tên là “Thành Phố Buồn Ngủ”. Nhìn vào mới biết nó không có một chút sinh hoạt nào. Hơn nữa, đây là một thành phố tịch mịch, nơi người ta không nghe thấy một tiếng động. Còn như nhà cửa thì tất cả đều cũ kỹ, có những nơi sắp sập đến nơi mà không ai buồn tu bổ. Không thấy một ngọn khói bốc lên bởi vì nơi đây chẳng có cơ xưởng nào.
Chỉ thấy một thành phố trải dài, nằm vắt ngang qua một vùng đất bằng. Còn tại sao nó lại được gọi là “Thành Phố Buồn Ngủ” thì lý do là những người lữ khách khi đi ngang qua đây đều cảm thấy thân thể họ tự nhiên mệt mỏi một cách khác thường và sau đó đâm ra buồn ngủ. Mỗi ngày có dăm người khách lạ đi xuyên qua thành phố nhưng khi vừa đặt chân đến nơi đây, họ đều đột nhiên cảm thấy người mệt lả và thèm được ngủ. Thành ra có kẻ tìm chỗ nằm dưới bóng cây, có kẻ ngả lưng xuống một phiến đá trong thành phố định nghỉ ngơi một đổi nhưng chẳng mấy chốc họ đều đã ngủ vùi.
Cuối cùng, khi tỉnh giấc, họ thấy mặt trời sắp ngả bóng nên tất cả mới hoảng hồn đứng dậy và vội vã tiếp tục cuộc hành trình. Chẳng biết ai đã kể cho ai nghe nhưng câu chuyện nói trên lan truyền rộng rãi làm cho khách bộ hành đều lo sợ mỗi khi đi ngang thành phố này. Họ mới cố ý chọn một con đường vòng dù có xa hơn để tránh phải qua nơi đó.
Cậu K. muốn đến xem cái “Thành Phố Buồn Ngủ” ấy. Chính vì cậu muốn biết duyên cớ nào làm người ta sợ nó. Cậu quyết tâm sẽ ráng nhịn chứ không thể nào để rơi vào cơn buồn ngủ. Vì lòng hiếu kỳ lôi cuốn, cậu đã nhắm thẳng hướng “Thành Phố Buồn Ngủ” mà dấn bước.
Hai
Đúng vậy, khi đến tận nơi K. mới thấy, y như lời người ta đồn đại, thành phố này là một nơi khó ở, không có lấy một âm thanh, ban ngày cũng tịch mịch như giữa ban đêm. Chẳng những không thấy một ngọn khói bốc lên từ nơi nào mà ngoài ra cũng chẳng có thứ gì khác. Nhà nhà cửa thì đóng then gài. Cả thành phố im lìm như một thành phố chết.
Cậu K. mới lần đến cạnh một bức vách bằng đất màu vàng đang chực đổ và nhìn trộm vào qua khe cửa mục nát. Thế nhưng bên trong hoàn toàn im lặng đến độ chả biết có người cư ngụ hay không nữa. Thỉnh thoảng chỉ thấy bóng một con chó gầy guộc không biết từ đâu đến với dáng liêu xiêu đang đi rong trong thành phố. K. nghĩ nhất định đây là những con vật mà lữ khách đã dẫn theo, nhân vì khi đến thành phố này, chúng bị lạc chủ mới phải lang thang như vậy. Thế nhưng, trong lúc đang thám hiểm thành phố. K. Không biết tự lúc nào, cậu bỗng thấy tứ chi mình bủn rủn.
-Ối chao ôi, sao mà mình mệt mỏi! Buồn ngủ quá đi thôi. Lúc này mình không có quyền ngủ, phải cố gắng thức mới được.
Thế nhưng, vừa lúc ấy, như bị tiêm phải một liều thuốc gây mê, cả thân hình cậu ta tê liệt dần. Cứ thế này thì chỉ còn một chốc nữa thôi là cậu sẽ ngủ mất. Cuối cùng, K không sao nhịn thêm được nữa, cậu ngã lăn qua bên cạnh, quên hết mọi sự, ngủ vùi và cất tiếng ngáy rõ to.
Ba
Khi đang ngủ say sưa, K. bỗng cảm thấy có ai lay lay để đánh thức mình.
Cậu kinh ngạc, choàng dậy và mở mắt ra nhìn thì mới thấy màn đêm đã buông xuống tự hồi nào, chung quanh đều nhuộm bằng ánh sáng xanh lạnh lẽo của vầng trăng.
-Không hiểu mấy giờ rồi nhỉ? Mình không cưỡng nổi, thật là bậy quá. Đã tự hứa dù buồn ngủ bao nhiêu, cũng phải chống trả kia mà!
Cậu cảm thấy vô cùng ân hận nhưng bây giờ dù có nói chi thì cũng đã muộn màng.
K. bèn bình tĩnh nhặt cái mũ mình đang đánh rơi lên và đội lại trên đầu. Đảo mắt nhìn bốn bên, chợt cậu thấy có một lão già đang đứng cạnh mình, trên vai mang cái bọc thật lớn.
Nhìn lão già, K. tự hỏi không biết ông ta có phải là người vừa đánh thức mình dậy hay chăng. Nhưng không chút ngại ngùng, cậu bước đến gần ông lão. Nhờ có ánh trăng, cậu nhìn được rõ hơn: ông ta mặc một bộ đồ Tây cũ kỹ và đi đôi giày rách nát. Coi bộ ông ta già lắm vì chòm râu bạc đã mọc dài.
K. mạnh dạn đặt câu hỏi.
-Cụ là ai vậy ạ?
Nghe hỏi như thế, ông già mới e dè bước về phía cậu và bảo:
-Ta à? Ta là người vừa đánh thức cậu dậy đó! Ta có một điều mong được cậu ra tay giúp cho. Thực ra, ta là người đã xây cất nên cái “Thành Phố Buồn Ngủ” này và chính là chủ nhân của nó. Thế nhưng, như cậu thấy đấy, bây giờ ta đã cao tuổi. Cho nên ta mới muốn nhờ cậu một việc, chẳng hay cậu có muốn nghe không?
Lão già kia đã bắt chuyện với cậu bé như vậy.
Nghe lão già nhờ cậy, K. nghĩ đã là một người con trai thì mình phải nghe thử xem chuyện người ta nhờ là như thế nào.
-Nếu làm được điều chi, cháu sẽ xin hết sức giúp cụ.
K. hứa với lão già. Nghe thế, ông lão tỏ ra hết sức vui mừng:
-Giờ đây ta mới thấy yên tâm.Thế thì để ta trình bày cậu nghe câu chuyện nhá!. Ta vốn là người đã sống trong thế giới từ lâu lắm rồi. Tuy nhiên, những giống người mới không biết từ đâu đến đã đoạt lấy lãnh thổ của ta.Trên mảnh đất mà ta từng làm chủ, họ đã trải lên những con đường sắt, đặt những chiếc tàu chạy bằng hơi nước, trồng những trụ điện tín. Cứ theo đà này, có lẽ chẳng mấy lúc sẽ không còn thấy một bóng cây hay một bông hoa nữa.Từ xưa ta vẫn yêu vẻ đẹp của núi non, rừng rú cũng như những cánh đồng cỏ đầy hoa. Con người ngày nay làm việc không hề ngừng nghỉ và chẳng thấy mệt mỏi. Chỉ trong một thời gian cực ngắn, địa cầu sẽ biến thành sa mạc mất thôi. Cho nên ta đã tìm đến Sa Mạc của sự Mệt Mỏi và bốc thứ cát mệt mỏi ở đó bỏ vào trong bọc. Cái bọc cát ấy ta hiện mang trên lưng đây. Chỉ cần rắc một ít cát này lên bất cứ vật nào thì đã đủ để cho vật đó trở nên mục nát, sét rỉ hoặc mệt nhoài. Ta muốn chia cho cậu một phần cát ta đang mang trong bọc này và nhờ cậu từ đây đi vòng quanh thế giới, rắc những hạt cát này ở bất cứ nơi nào cho ta.
Đó là lời nhờ cậy mà lão già đã gửi đến K.
Bốn
Cậu bé đã nhận lời nhờ vả lạ lùng của lão già, mang bọc cát trên vai rồi rong ruổi khắp địa cầu. Một hôm, khi cậu đang bước trong vùng núi Alps thì gặp một nơi phong cảnh đẹp tuyệt, đẹp đến mức không tả được nên lời. Thế nhưng nơi ấy, trăm dân phu và thợ thuyền đã đến nơi và đang đốn ngã những cây cổ thụ đã có tự bao đời, dùng mìn để đánh sập những tảng đá hùng vĩ và sau đó đặt những con đường sắt. Cậu K. mới lấy một chút ít cát từ trong bọc rải lên trên đường rầy mà đám thợ vừa mới cất công trải ra.Vừa rải xong thì thấy ngay là cái đười rầy bằng sắt mới đây còn sáng chói đây giờ đã đổi thành màu đỏ vì han rỉ...
Có lần K. bước đi giữa đoàn người nhộn nhịp trên khu phố buôn bán. Cậu thấy một chiếc xe hơi suýt nữa đã cán chết một chú bé học việc, thế mà xe cứ phóng đi chứ chẳng chịu ngừng cho. Cậu bèn nhanh nhẹn bốc một vốc cát từ trong bọc ra ném trúng bánh xe. Vừa ném xong đã thấy chiếc xe kia không chuyển động được nữa. Và như thế, đám đông đã khống chế được tay lái vô lễ không chút khó khăn.
Còn như khi đi ngang qua những nơi đang có những công trình xây cất, K. nhận thấy người đang làm việc ai nấy đều mệt mỏi, mồ hôi mồ kê nhễ nhại và cậu thấy tội nghiệp cho họ. Cậu chỉ cần lấy ra một chút xíu cát, rắc lên trên thân thể người đốc công. Tức khắc, người đốc công này bị cơn buồn ngủ thôi thúc:
-Này, mấy chú. Dừng tay nghỉ chút đi!
Nói xong ông là lấy chiếc mũ của mình trùm lên đầu để che ánh sáng mặt trời và nằm xuống rồi ngáy như sấm.
Khi K. đi tàu hỏa, đi tàu thủy cũng như đến những cơ xưởng luyện thép, nơi đâu cậu cũng tung cát ra cho nên chẳng mấy chốc, cát trong bọc đã vơi hẳn. Cậu bỗng nhớ lại lời dặn dò trước đây của lão già:
-Lúc nào số cát cạn hết, hãy trở lại “Thành Phố Buồn Ngủ” nhé. Lúc đó, cậu sẽ trở thành hoàng tử của đất nước này.
Mong muốn gặp lại lão già ở đó, K. bèn làm một cuộc hành trình để quay về “Thành Phố Buồn Ngủ”.
Mấy hôm sau, cậu đã đặt chân đến nơi. Thế nhưng bây giờ, không còn thấy đâu là bóng dáng những ngôi nhà một màu tro xám ngày xưa cậu từng thấy trên “Thành Phố Buồn Ngủ” nữa. Chẳng những thế, thay vào đó là những ngôi nhà đồ sộ đang đứng thành hàng bên nhau. Trên bầu trời, không những chỉ có khói bay cuồn cuộn mà còn nghe vọng tiếng động gầm gừ của những nhà máy luyện thép. Dây điện giăng đầy như mạng nhện còn xe điện thì chạy ngang chạy dọc khắp thành phố.
Nhìn quang cảnh như thế hiện ra trước mắt, K. quá đổi ngạc nhiên. Cậu không thể cất lên được một lời nào, chỉ biết giương đôi mắt thật to, chăm chú nhìn và cố gắng thu tất cả hình ảnh kinh hoàng ấy vào trong đó để trông chừng.
QUÁN NƯỚC CHÈ TRÊN ĐƯỜNG ĐÈO
(TÔGE NO CHAYA)
Khoảng giữa con đường đèo có một quán nước chè. Người từ thành phố đi đến ngôi làng bên kia cũng như cư dân của ngôi làng bên kia mỗi khi vượt ngọn đèo để ra thành phố đều ghé quán nước chè ấy để nghỉ chân.
Nơi đây chỉ có mỗi một ông lão sinh sống. Tuy là đàn ông con trai nhưng ông lão quét dọn quán rất sạch sẽ và tiếp đãi khách chu đáo. Ông châm trà, bày bánh trái, còn đối với những ai thích uống rượu thì ông chế rượu vào nậm con và sửa soạn ít món nhắm với các thức sẵn có. Bà lão, vợ ông, mất đã lâu, và kể từ ngày đó, ông vẫn lủi thủi một mình buôn bán nhưng được cái nhiều người thương mến, mỗi khi có dịp đi ngang quán của ông, họ đều ghé lại. Ông lão lúc nào cũng tươi cười và tiếp đãi khách mọi người khách như nhau. Khách hàng thường kêu réo:
-Ông cụ, ông cụ!
Mỗi khi công việc nhiều như vậy, ông lão cứ phải xoay vòng cái thân thể bé nhỏ mà chạy lăng xăng, không có lấy một chút thời giờ để suy nghĩ. Thế nhưng khi chẳng có người khách nào, một thân một mình, ông thường ngồi trước cửa quán, thả hồn theo những ý tưởng vẩn vơ. Được chẳng mấy lúc thì mắt đã díp lại và đầu gật lên gật xuống.
Thêm nữa, khi tuổi tác càng cao, những khi ngồi một mình như vậy, dù sụp mắt hay mở mắt, lúc nào ông cũng ở trong trạng thái nửa mộng nửa thực, đầu óc chẳng khác gì một kẻ uống rượu đang ngà ngà say.
Mấy lúc gần đây, những hôm như thế tiếp tục xảy đến với ông lão. Ngoài cửa quán là một ngày mùa thu đẹp, trong khí trong vắt, đôi khi từ dưới chân đèo nghe vọng lại tiếng một chuyến xa lửa đang băng qua. Một nơi nào đó trong khu rừng lại có tiếm chim ríu rít đến tận bên tai, gần đến nơi tưởng chừng có thể đưa tay ra nắm lấy được.
Ông lão lắng tai nghe tiếng xe hỏa cho đến khi nó mất hẳn. Cuối cùng, sau khi chạy qua bìa núi bên kia để đi vòng qua phía biển, chiếc xe mới thét một hồi còi lên bầu trời rồi tiếng của nó mới nhỏ dần và cuối cùng không còn nghe thấy gì nữa.
-Giờ đây, từ cửa sổ toa tàu, đã có thể thấy những con sóng bạc ở ngoài khơi.
Ông lão làm như mình đang ngồi trên chuyến xe lửa ấy.
Có khi ông lại nhớ về mình hồi còn trẻ, khi vào rừng kiếm củi, có dắt theo đứa con trai nhỏ. Hôm đó cha con ngắt được nhiều nấm rừng mới mọc. Ông nhớ mùi thơm thân thuộc từ đám lá mục phủ trên mặt đất lạnh mà tưởng chừng nó hãy còn vương trên đầu mũi. Khi ông về đến nhà, bà lão, thuở ấy còn mạnh khỏe, đã cho ngay những món hái được vào nồi canh và nhen lửa.
Tiếng chim vừa mới nghe đây đã khơi dậy trong ông bao kỷ niệm xa xưa.
Có hôm, ông lão ngồi chìm đắm trong huyễn tưởng nửa mộng nửa thực ấy một cách thú vị từ buổi sáng khi những người dân làng nhân có việc ra tỉnh đi ngang qua nhà cho đến buổi chiều khi họ xong việc trở về.
Cảm tưởng êm ái và thong dong ông đang có từa tựa với tâm tình của những ngọn núi đang bày ra trước mắt. Các đỉnh núi và thung lũng cũng tô màu đẹp đẽ cho chúng bằng các sắc từ vàng, tím đến hồng. Dưới một bầu trời xanh trong vắt, tất cả lại như thể đắm mình trong suy tưởng. Rồi sau những ngày đẹp trời nối tiếp nhau, không phải là không từng đón mùa đông với những cơn bão kinh hoàng. Lúc đó thì với hoài niệm về những ngày đầy ánh sáng từ xuân sang hè của những ngày đã qua đã làm cho chúng quên cả việc in lên người ngững tia nằng yếu và ngắn ngủi. Huống hồ, trong những hôm như vậy, không có bất cứ một cái gì có thể xáo trộn sự tĩnh lặng của núi và cõi lòng ông lão.
Tuy vậy, một hôm, có người khách trong làng khi nghỉ chân ở quán nước đã rỉ vào tai ông một tin đồn:
-Cụ ơi, tôi nghe nói, hôm trước, ông hàng kẹo khi ghé qua đây, đã say bí tỉ, có đúng không?
-À, ông ấy chỉ hơi lâng lâng thôi và ra về rồi mà.
-Ấy thế mà bị hồ ly nó đùa hay sao đấy mà nghe nói cả đêm ông ta lạc trong rừng.
Lão chủ quán ngạc nhiên:
-Hả? Đúng là ông bán kẹo à?
-Ông ấy tìm cách về thành phố mà cứ đi loanh quanh đúng có một con đường. Khi tỉnh ra mới thấy mình đã đánh xong một giấc trong khu rừng núi Tây.
Ông lão nhớ là lúc đó ông hàng kẹo trong người khoan khoái, đã kể cho ông nghe những kỷ niệm thuở thiếu thời của ông ta:
-Hồi nhỏ, tôi có lần tôi đi lấy nấm ở ngọn núi phía Tây.
Lão chủ quán nhớ lại là ông hàng kẹo đã nhìn về hướng đó và với một giọng đầy cảm khái, tự hỏi là không biết có phải hòn núi kia hay là một hòn núi khác nằm hơi chếch về một bên nữa. Vì có hơi say nên có thể hai bàn chân đã tự nhiên đưa ông ta về hướng ấy. Chủ quán đã thuật lại chuyện xảy ra ngày đó cho người dân làng như vậy.
-Ra thế à? Có thể đúng như lời cụ nói. Chuyện chắc phải xảy ra như vậy chứ bị hồ ly trác kia nọ thì bây giờ, thứ đó ai mà còn tin được nhỉ!
Người dân làng nói như thế rồi cười.
Thế nhưng câu chuyện hồ ly trác kia lại được đồn đại như là một sự thật. Hôm sau, có một viên chức ở trong làng (mura no joyaku) đã ghé qua quán nước chè, hỏi thăm:
-Này cụ ạ, chuyện hồ ly trác người làm náo động khắp nơi đấy. Thế ở đây, có gì xảy ra không hở cụ?
Ông lão nhoẻn miệng cười và nói:
-Thày định nói chuyện ông bán kẹo chứ gì?
-Mấy cô thôn nữ cũng bị lấy mất mấy con cá hồi muối họ xách theo trên người.Hình như có ai bám theo đằng sau rồi giật lấy cái vèo.
-Chuyện này xảy ra hồi nào vậy, thày?
-Khoảng hai, ba hôm trước đây thôi. Theo lời họ thì giờ đó trời chưa tối hẳn.
Nghe như thế, trong đầu ông lão hiện ra hình ảnh một toán hai, ba cô gái trẻ vừa đi vừa chuyện trò rôm rả khi qua trước quán mình. Trong số đó có một cô trên vai lủng lẳng vài con cá hồi muối, thế nhưng mỗi lần cô cười nhặt nghẽo, gập cả người thì cá lại lệch hẳn sang bên trái hay bên phải chẳng khác nào con lắc của đồng hồ. Ông lão nhớ lại là khi nhìn cái cảnh đó, ông đã nghĩ thầm nếu mấy con cá không rơi xuống đâu đó ở giữa đường thì đã may phước.
Viên chức kia vừa châm lửa mồi thuốc, vừa nói với chủ quán:
-Từ rày, trời sẽ lạnh ra, khi không tìm ra miếng ăn, mấy con chồn này sẽ còn dở trò gì nữa đây?
-Hay là mấy cô kia đã đánh rơi cá dọc đường?
-Ô hay! Người ta còn thấy được bóng mấy còn chồn đang chạy trốn nữa kia mà! Như vậy thì chuyện đó phải có thực chứ?
Viên chức kia nói với một giọng tin tưởng. Thế rồi ông lại bắt qua một chuyện khác cũng gây ngạc nhiên như thế:
-Này, cụ ạ. Chuyện chồn cáo thì thôi, ra sao cũng mặc. Có cái này nè, cụ biết sang năm sẽ có đường xe buýt chạy ngang đây không?
-Xe buýt? Thật không thày?
-Tôi vẫn chưa rõ. Thế nhưng nếu có, số người đi bộ ngang qua trước quán như bây giờ chắc sẽ mất đi.
-Hết còn người đi bộ hở, thày nhỉ! Nếu vậy, chuyện buôn bán của tôi sẽ ra sao đây?
Ông lão nói với giọng yếu xìu.
-Ở đời, khi những phương tiện mới ra đời, tất sẽ có mặt hay mặt dở. Thế nhưng đây là lúc phải động não, cụ phải dùng đầu óc suy nghĩ.Người ở các làng lân cận sẽ tới đây nhiều hơn. Có thể trạm xe buýt sẽ được đặt trước cửa quán của cụ. Trường hợp đó thì cửa hàng của cụ còn lắm khách hơn xưa nữa.
-Có thể nào như thế không, thày?
Ông lão cúi mái tóc bạc và đẩy đến trước mặt viên chức một chén nước chè mới rót. Viên chức vừa nâng cốc lên miệng vừa bảo:
-Để được như thế, cụ cần làm một cuộc vận động và càng sớm càng tốt!
Nghe thế, ông lão bèn ngồi lại nghiêm chỉnh, hai bàn tay khô héo đang đặt ở trên đùi xoa vào với nhau. Người viên chức trẻ như đọc được tâm tình của người đối diện, mới đưa mắt nhìn thẳng ông lão.
-Chỉ cần cụ đồng ý thôi là tôi sẽ thay mặt cụ phát động kiến nghị này.
Trong bụng ông lão nghĩ chuyện này thế nào cũng gây ra tốn kém cho mình. Ông tự hỏi không biết phải bỏ ra bao nhiêu tiền thì ước nguyện mới thành tựu nên còn đang ngần ngại.
-Chuyện này mới nghe qua thì nào đã phánđoán được đâu. Cụ cứ nhẩn nha suy nghĩ cho kỹ.
Dặn dò như thế rồi, viên chức trong làng bèn ra khỏi quán.
Thế nhưng kể từ ngày hôm đó, lòng ông lại lại cứ thấp tha thấp thỏm vì cái vấn đề vừa mới đặt ra cho mình.Nỗi lo lắng đó có lẽ vì tuổi tác cũng nên. Thế rồi, ông nhớ về người con trai duy nhất của mình đang sống ở một miền xa và ông bắt đầu suy nghĩ đến việc kêu gọi con về sống bên cạnh mình.
Một hôm khách ra về cả và chỉ còn có một mình, ông lão bèn thử viết thơ cho người con trai để nói chuyện đó. Bên kia mới trả lời là mùa đông sắp đến và tuyết bắt đầu rơi, nơi bố ở sẽ lạnh. Nơi đây khí hậu lại ấm áp, phải chi bố về dưới này để cho cha con được sống bên nhau. Trong thư cũng viết là hiện nay chúng con hãy còn chưa con cái, có thể dành nhiều thời giờ chăm sóc cho bố. Có lẽ anh con trai của ông lão đã viết thư này ở hãng xưỡng vào giờ nghĩ nên dùng giấy có in địa chỉ của hãng. Ông lão nhìn những dòng chữ thấm thía tình phụ tử mà sung sướng tiếp nhận bức thư và cất nó vào trong ngăn kéo ở dưới cái trang thờ Phật trong nhà. Đây cũng là chỗ thờ người vợ đã bao nằm cùng mình lao khổ và cũng là bà mẹ hiền của đứa con trai, ngày nay có lẽ đang có mặt nơi đây và chăm chú nhìn mình.Ông lão bèn thay nước cho bình cắm hoa và gióng lên một tiếng chuông con rồi kính cẩn chắp hai tay khấn khứa.
Vừa lúc đó, có bóng ai đang bước vào quán:
-Mấy lúc này, trời tối mau quá hở cụ?
Người vừa nói vừa đi vào bên trong là một bác nhà nông đã luống tuổi. Ông lão chủ quán thân mật chào đón:
-Cậu mới từ ngoài tỉnh về đấy à?
Ông lão nhà nông ghé đến bên cạnh chủ quán rồi ngồi xuống. Ông châm lửa vào ống điếu kiểu xưa của mình từ hộp than cời (hibachi) đang cháy mà chủ quán vừa đẩy đến.
Hai ông là bạn bè từ thuở ngồi trên ghế trường tiểu học. Ngoài họ ra hãy còn có bao nhiêu bạn bè thân tình khác nhưng kẻ thì đã chết, người bỏ xóm làng ra đi nên đến tuổi này mà còn có thể đi lại và tâm sự, giải bày đủ mọi điều với nhau thì chỉ vỏn vẹn có hai người.
-Hâm một bình nghe?
-Chính vì chờ nó mà tớ đã phải nhịn thèm nãy giờ ngoài tỉnh.
Nghe nói thế, ông lão chủ quán bè tiến đến bên lò, đốt nắm lá tùng lên và đun cái bình sắt đang treo bên trên, rồi nói với một giọng trầm buồn:
-Họ nói sang năm sẽ có đường xe buýt chạy ngang đây. Hồi nãy có viên chức trong làng đến cho hay là phải mau mau mở cuộc vận động để họ đặt trạm đằng trước quán mình. Chắc cậu cũng biết tớ mỗi ngày một già, cứ định bụng tốt hơn là mình nên trở về ở với đứa con trai...
Lão nông luống tuổi cũng cúi mặt, nhìn ánh lửa cháy lên và thả cho làn khói xanh bay lảng đảng. Nghe bạn nói xong, ông ta an ủi:
-Bề gì, cậu chỉ một cha một con, việc dọn về ở chung chỉ giản dị thôi. Thế nhưng tớ cũng thông cảm cho nỗi lòng của cậu khi phải rời bỏ nơi cha sinh mẹ đẻ mà cậu đã quen sống từ bấy lâu nay. Giải pháp nào cũng tốt nhưng phải lên kế hoạch cho kỹ rồi làm theo ý thích mới được. Còn việc đường xe buýt đi ngang khiến cho việc buôn bán ế ẩm không đáng để lo đâu. Khách đi buýt là ai thì ta đã rõ. Những người mỗi ngày phải mang theo nhiều hàng hóa đi ra đi vào thành phố sẽ không sử dụng xe buýt. Hơn nữa, vào những hôm tuyết đổ, xe cộ dù có muốn chạy chưa chắc đã chạy được. Ở vùng này, vào mùa đông, dân chúng phần nhiều lại thích nghỉ ngơi. Cậu lo làm gì việc chưa xảy ra cho mệt! Cứ để mặc xác, họ muốn đặt trạm buýt ở đâu cũng được. Vả lại, dù gì đi nữa, cậu chỉ có một thân một mình, làm gì mà bọn tớ lại lo cho cậu không xuể.
-Rượu hâm cỡ này đủ nóng chưa?
Lão nông tiếp lấy chung rượu chủ quán vừa trao và đưa lên môi, đầu hơi nghiêng qua một bên.
-Muốn hâm thêm chút nữa à?
-Không. Vừa đủ nóng đấy.Có điều tớ hơi tiếc là cậu không theo nổi tớ chứ bao nhiêu tớ cũng dám uống với cậu.
-Vậy à? Thế thì cậu cứ thoải mái uống cho. Nhỡ tớ có say cũng vui thôi mà!
Hai người vừa nói chuyện thân tình, vừa nhìn về hướng núi và ngắm vạt nắng tàn của buổi chiều lọt đang qua cái vách giấy để ngỏ.
Ngày hôm sau, thời tiết đột ngột biến đổi.Từ tảng sáng đã có cơn giông kéo qua vùng nên giữa ban ngày mà chẳng thấy bóng khách đi đường lai vãng. Ông lão đành đóng cửa quán nghỉ sớm.
Bên ngoài bầu trời hãy còn chút ánh sáng nhưng trong nhà, khi thắp đèn lên, đã im ắng như giữa đêm khuya. Vào lúc đó lại có tiếng gõ cửa lộc cộc.
Ban đầu, chủ quán ngỡ là tiếng gió nhưng âm thanh lộc cộc ấy vẫn tiếp tục nên ông mới nghĩ rằng chắc có ai đang ở bên ngoài.
Bất chợt ba cái tin đồn về chồn cáo lại hiện ra trong đầu nên ông lão cẩn thận tiến về phía cửa và lớn tiếng hỏi từ bên trong:
-Ai có cần chi vậy ạ?
-Cháu không biết là giờ này quán đóng cửa. Xin cảm phiền.
Đó là một giọng nữ dịu dàng nhưng ông lão lại càng thấy làm lạ, mới he hé cánh cửa nhìn trộm người lạ.
Ông mới thấy đấy là một phụ nữ trẻ đang dắt theo đứa con trai nhỏ. Nhìn dáng dấp thì cô ta có vẻ như người đi đường xa.
-Tôi đóng cửa sớm vì tưởng giờ này không còn ai.
Người phụ nữ ấy nói:
-Cháu xin lỗi. Nếu cụ có củ khoai lang hay quả hồng, thứ gì ăn được...
-Có chứ!
Nói xong, ông lão mở hẳn cửa ra.
-Thôi, vào trong này nghỉ chân một chút. Thế cô đi về hướng nào vậy?
Ông hỏi thăm.
-Cháu định đi về ngôi làng ở cạnh đây nhưng vì xe hỏa đến nơi quá muộn. Với lại cháu chưa từng đặt chân tới vùng này nên cứ loanh quanh hỏi đường, hết người này đến người nọ.Thằng bé nhà cháu đi không muốn nổi nữa, cháu phải hứa mua cho quà này quà nọ để nó lên tinh thần.
Ông lão bèn vào trong và đem ra một một cái khay có khoai và quả hồng rồi trao cho người đàn bà.Ngoài ra, ông cũng dúi riêng vào hai bàn tay đứa bé một vốc hạt dẻ mới luộc và nói:
-Vất vả quá nhỉ. Từ đây mẹ con cô chỉ còn phải chịu khó một chút nữa nhưng đoạn đường này thì tốt. Nên lợi dụng lúc trời còn sáng mà đi.
Ông lão dặn dò như thế mà lòng thầm nghĩ phải chăng hai người này là vợ con của một thanh niên nào đó trong làng đã lập gia đình nơi xứ người.
-Cháu cảm ơn cụ thật nhiều.
Người đàn bà chào ông lão xong bèn nắm tay đứa con dắt đi trên con đường lộng gió trong ánh nắng yếu ớt của buổi chiều rồi khuất dạng. Ông lão đứng tựa cửa nhìn theo một lúc như đưa tiễn và nhớ lại rằng cô vợ con trai mình cũng xuất thân từ ngôi làng đó.
-Thế nào mai mốt, chúng nó cũng phải đi thăm nhau như cô kia thôi.
Nếu như lúc ấy mà có được đường xe buýt chạy từ tỉnh về làng thì hẳn là tiện lợi. Nghĩ đến đó, trong đầu ông lão, bao nhiêu lo âu về chuyện làm ăn buôn bán, lợi lộc và tổn thất của cá nhân mình bỗng biến đi đâu mất như những chiếc lá rụng bị cơn gió cuốn. Nơi ông lúc ấy chỉ còn mỗi niềm vui là mình sẽ được nhìn thấy một cuộc đời tươi sáng hơn và lòng mong mỏi sao cho hạnh phúc đến với mọi nhà.
Dịch xong ngày 19 tháng 2 năm 2018 (NNT)
Tư liệu tham khảo:
-Ogawa Mimei, Ogawa Mimei Dôwashuu, 1951, do nhà xuất bản Shinchô Bunko, Tokyo, xuất bản. Tuyển tập khổ bỏ túi này gồm 25 truyện nhi đồng, sáng tác của Ogawa Mimei với lời bạt của Tsubota Jôji.