Seibê và mấy quả bầu

             (Seibê to hyôtan, 1913)

                               

Nguyên tác: Shiga Naoya (1883-1971)

Dịch: Nguyễn Nam Trân

 

                https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/f/f1/Naoya_Shiga_cropped.jpg

                   Shiga Naoya thời trẻ

 

Đôi hàng về tác giả và tác phẩm:

 

 

Shiga Naoya sinh năm 1883 ở Ishinomaki (gần Sendai) miền đông bắc nước Nhật, xuất thân từ giai cấp sĩ tộc (gia đình gốc vũ sĩ) nhưng chuyển sang làm kỹ nghệ. Vì anh cả mất sớm, ông được người ông đem về nuôi nấng đặc biệt. Ông cụ này đã rèn cập ông theo một nền giáo dục truyền thống và là người Shiga kính trọng đặc biệt. Năm 1895, lúc 12 tuổi, mẹ mất, ông có bà mẹ kế, một người ông cũng rất yêu thương. Tuy nhiên, thời trẻ đó được đánh dấu bằng một số xung đột với người chung quanh. Năm 1900, mới 17 tuổi, ông đã tiếp xúc nhà tư tưởng Cơ Đốc Giáo Uchimura Kanzô[1], rồi lại tách ra. Qua vụ mỏ đồng Oshio[2], 1901, ông còn bất hòa với cả cha mình. Chính tình cảm tôn giáo đã đánh thức lương tâm của ông, làm cho ông thông cảm với nỗi thống khổ của người nghèo. Bị cha cấm không cho đi quan sát mỏ đồng để thấy tận mắt thực tế (cha ông không muốn mất lòng chủ mỏ, một người quen) ông cam chịu nhưng trong lòng không phục. Mối bất hòa giữa hai cha con sẽ là cảm hứng cho nhiều tác phẩm về sau.

 

Truyện ngắn đầu tay của ông là Na no hana to musume “Cô bé và hoa cải dầu”, in lần đầu tiên vào năm 1920 nhưng đã dược viết từ lúc ông còn đi học. Câu chuyện nhẹ nhàng như trong truyện thần tiên này chịu ảnh hưởng lối viết của Andersen, tác giả ông yêu thích. Về sau ta sẽ thấy ông viết rất nhiều truyện ngắn về đề tài động vật (chó con, ếch nhái, chim cú, chim bách thiệt, gà nước, bồ câu rừng, chim uyên ương) và thực vật (hoa bạch đằng, quả bầu).

 

Những đoản thiên viết ra trong giai đoạn đâù đời văn của Shiga như Abashiri made (1910) “Tận miền Abashiri”, Ôtsu Junkichi (Đại Tân, Thuận Cát) (tên nhân vật) “Anh chàng Ôtsu Junkichi”, Seigiha “Kẻ theo chính nghĩa” (1912) Seibê no Hyôtan “Seibê và mấy quả bầu” (1913) là những tác phẩm hiện thực viết với bố cục hết sức vén khéo của ông.

 

Tuy nhiên, tác phẩm được xem như cái mốc lớn trong văn nghiệp Shiga Naoya là trường thiên tiểu thuyết Anya Kôro “Đi trong bóng tối” (1921-23). Truyện dài nầy đã lấy nguồn cảm hứng từ Tokitô Kensaku (tên nhân vật), một tác phẩm cũng do ông viết có tính chất shi-shôsetsu (tiểu thuyết tự thuật) nói về sự hòa giải giữa cha và con. Tuy nhiên Shiga đã gạt cái mô-típ sống thực đó ra khỏi truyện và dùng hư cấu để khai triển nó thành một truyện dài. Ông đã mất gần 20 năm mới viết xong.

 

Shiga Naoya là một thành viên quan trọng của Shirakaba (Cây bạch dương), văn đoàn do một nhóm trí thức, nghệ sĩ tân học chủ trương tạp chí cùng tên thành lập, theo chủ nghĩa lý tưởng và nhân đạo. Họ đã chi phối văn đàn Nhật Bản trong những năm cuối Meiji đầu Taishô (thập niên 1910). Về nghệ thuật, các thành viên Shirakaba cũng là những người đã du nhập trường phái ấn tượng của phương Tây vào đất Nhật.

Đáng tiếc là cho đến năm 1971 là lúc qua đời, trong gần 35 năm trời, không hiểu vì sao Shiga Naoya hầu như không chịu viết lách gì nữa. Dù vậy, ông vẫn là một tên tuổi lớn trên văn đàn cận đại mà những hồi ức tinh tế, sâu sắc nhưng cũng đầy lòng nhân ái của ông là dấu ấn của một thiên tài. Người ta xem truyện của ông tựa hồ những đoạn phim ngắn, những tia chớp nháng lên trên bầu trời đêm. Chúng giống những vần thơ haiku vì đã ghi lại được những khoảnh khắc đậm màu Thiền trong đời con người. Chả thế mà những nhà văn tên tuổi từ Sôseki đến Akutagawa và Kawabata đều ca tụng chẳng tiếc lời lối viết “truyện không cốt truyện” nhưng gãy gọn và thâm thúy của ông.

 

Câu chuyện về mấy quả bầu dưới đây, một lần nữa, nói lên sự xung đột giữa hai thế hệ cũng như giữa cái chủ thể tự do kiểu Tây phương mới khám phá được và những ràng buộc của xã hội truyền thống thời Meiji, chủ đề quen thuộc của văn chương Shiga. Theo lời tác giả trong tập hồi ký Sôsaku yodan (Sáng tác dư đàm), ông cho biết đã nghe người ta kể một câu chuyện tương tự về những quả bầu trong một chuyến xe lửa từ thành phố Onomichi (gần Hiroshima) xuống Shikoku và lấy hứng từ đó để viết đoản thiên này như phản ứng gián tiếp của ông chống lại sự ngăn cấm của cha mình trước ý thích theo đòi văn nghiệp của cậu con trai.

 

             http://www14.plala.or.jp/haibisukasu/P7290005.JPG

              Xưa kia Seibê say mê những quả bầu ....

 

 

Đây là câu chuyện về một cậu bé tên Seibê và những quả bầu của cậu. Từ khi có sự cố xảy ra thì duyên nợ giữa Seibê và mấy quả bầu đã đoạn lìa. Nhưng chẳng bao lâu sau, Seibê tìm ra được một vật khác thế chân chỗ mấy quả bầu. Đó là việc vẽ tranh. Nếu xưa kia Seibê say mê những quả bầu thế nào thì nay cậu lại say mê những bức tranh thế ấy ....

 

Cha mẹ của Seibê đều biết nhiều lần cậu bé đi mua bầu mang về. Cậu có ít nhất mươi quả còn nguyên vỏ giá khoảng từ ba bốn sen đến 15 sen[3]. Cậu ta đã một mình khéo léo cắt ngang núm bầu và rút hết hạt từ bên trong ra. Cậu cũng tự tay chế nút bấc cho quả bầu. Trước tiên, cậu dùng bã trà để tẩy mùi hôi hám rồi xẻn chỗ rượu sake cha mình uống còn thừa qua một bên, sau đó tận lực đánh bóng quả bầu thật nhiều lần.

 

Seibê không còn chú tâm vào cái gì ngoài mấy quả bầu. Một hôm cậu đang đi trên con đường ven biển và dĩ nhiên tâm trí đang chìm đắm vào chuyện bầu bí, bất đồ có một hình ảnh đập vào mắt cậu. Cậu giật bắn người. Thì ra đó là cái đầu hói của một ông già mới vừa phóng ra khỏi một trong những quán nhậu sắp hàng dài dọc theo con đường đâu lưng với bãi biển. Nó làm Seibê ngỡ rằng đó là một quả bầu. Cậu tấm tắc trong bụng: “Bầu gì sao mà đẹp quá thể!” và trong một chốc, thẫn thờ như người mất hồn. Đến khi định thần lại, cậu cũng ngạc nhiên về thái độ vừa qua của mình. Còn ông già kia thì đã ngúc ngắc cái đầu lên nước thật đẹp của ông ta và đi khuất vào trong xóm bên kia đường. Seibê cảm thấy khoái chí lạ lùng, một mình cất tiếng cười ha hả. Cậu không tài nào nhịn được. Đi hết nửa con phố mà cơn buồn cười của cậu vẫn chưa nguôi.

 

Bởi vì quá đỗi mê bầu như thế cho nên mỗi khi ra phố, đi ngang qua mấy cửa tiệm, từ tiệm buôn đồ cổ, tiệm hoa quả, tiệm đồ đồng nát, tiệm bánh trái, đồ khô hay ngay tiệm chuyên môn bán bầu, hễ thấy nơi đâu lủng lẳng mấy quả ấy là y như rằng Seibê phải đứng lại trước đó và chong mắt nhìn.

 

Seibê mới 12 tuổi và còn đi trường tiểu học. Khi học xong về nhà, cậu không đi chơi cùng đám trẻ con trang lứa mà thường một mình thả bộ xuống phố để ngắm mấy quả bầu. Tối đến, về nhà, cậu khoành chân ngồi xếp bằng trong một góc phòng khách và ra tay gia công mấy quả bầu. Xong xuôi, cậu mới lấy chỗ rượu sake thừa của bố đổ vào trong đó rồi dùng khăn vải bọc chung quanh thân bầu và bỏ vào trong hộp sắt tây. Cậu lần lượt ủ chúng dưới chân kotatsu[4] rồi mới đi ngủ. Sáng hôm sau khi thức dậy, cậu mở hộp ấy ra xem ngay. Khắp thân bầu đã đẫm ướt “mồ hôi”. Seibê ngắm đi ngắm lại mà không biết chán. Thế rồi cậu cẩn thận thắt giây vào thân bầu và đem treo chúng dưới mái hiên để hong cho khô, sau đó mới cắp sách đi học.

 

Vùng Seibê sinh sống là đất buôn bán, có cả bến neo thuyền. Tuy đã được nâng lên cấp thành phố nhưng nó tương đối ít đất, chỉ cần hai mươi phút tản bộ là đủ đi trọn con đường lớn chạy dọc theo thị trấn dài và hẹp đó. Vì vậy, dù nơi đây có lắm tiệm bán bầu đi nữa, đối với một người đi xem bầu hầu như mỗi ngày cỡ Seibê thì có lẽ cậu đã xem tất cả, không còn sót một quả nào.

 

Seibê không để tâm đến những quả bầu xưa, đã hoàn thành đâu. Cậu chỉ lưu ý đến những quả bầu chưa xoi lỗ và nguyên cả vỏ. Hơn thế, những quả bầu Seibê có trong tay hầu hết là những quả bầu bình thưng, nghĩa là hình thù tương đối không có gì đặc biệt.

 

Một chú thợ mộc bạn của bố cậu, hôm ấy đến nhà chơi. Thấy ở bên cạnh, Seibê đang mãi miết đánh bóng mấy quả bầu, ông ta mới lên tiếng:

- Tôi thấy bọn trẻ con như cháu đây, khi chơi bầu chỉ thích loại bầu làng nhàng thế này thôi[5].

 

Bố cậu nhìn con ngao ngán và đáp:

- Ấy, còn con nít con nôi mà cứ mê mải chăm chút ba cái quả bầu.

Khách nói tiếp:

- Sei này! Sao cháu chơi chi mấy quả bầu không có gì đáng hấp dẫn cả vậy. Thử mua mấy quả hình thù là lạ chút coi!

Thế nhưng Seibê chỉ trả lời:

- Thưa không ạ, cháu chỉ thích loại này thôi.

 

Và cậu ngừng ở đó.

Câu chuyện giữa ông bố Seibê và khách tiếp tục triển khai chung quanh đề tài quả bầu. Ông bố lên tiếng:

- Này, năm nay nhân kỳ triển lãm nông sản mùa xuân, người ta có đem “Quả bầu Bakin”[6] đến tham dự đấy. Chú không thấy nó là một loại quả xuất sắc hay sao?

- Vâng, sao mà nó to thế!

- Chẳng những to mà còn dài nữa cơ!

 

Nghe mấy mẩu đối thoại kiểu đó, Seibê chỉ cười thầm trong bụng. Đúng là vào lúc ấy người ta có bàn tán xôn xao về ”Quả bầu Bakin” thực, nhưng cậu chỉ ghé mắt xem qua... bởi lẽ cậu chẳng hề biết cái ông Bakin đó là ai, lại thấy ngay rằng quả bầu kia chả phải là một món hàng đáng kể. Cậu đã rời chỗ triển lãm ấy ngay sau đó.

Cậu nói chen vào hai người:

-  Con thì không thấy quả bầu Bakin có gì hay ho. Chỉ được cái to xác.

Nghe tới đấy, ông bố của cậu tròn xoe đôi mắt và nổi ngay cơn thịnh nộ:

-  Sao hở? Mầy biết gì mà nói! Có câm mồm ngay không?

Seibei chỉ im lặng, không đáp.

 

                          *

 

Một hôm Seibê đang dạo bước trong một con hẻm, ở một nơi  không mấy quen thuộc, cậu thấy trước một cửa tiệm đã đóng cửa nghỉ buôn, một bà cụ đang bày lên quầy bên ngoài mấy quả hồng khô và cam quít để bán. Đằng sau lưng bà, trên tấm liếp cửa, chỉ có khoảng hai mươi quả bầu treo lủng lng. Khám phá ra chúng, cậu nhanh nhẩu:

- Bà ơi, cho cháu xem một tí nhé!

 

Cậu tiến lại gần và kiểm tra từng quả bầu một. Trong đám đó có một quả chỉ cao khoảng 15 cm, nếu nhìn thoáng qua thì nó hoàn toàn không có gì đặc biệt nhưng là một quả bầu cực quí, đủ làm cho Seibê sướng rơn.

 

Nhìn nó, tim Seibê rộn ràng trong lồng ngực. Cậu dọ hỏi:

-  Quả bầu này, bà lấy bao nhiêu ạ?

-  Cháu còn bé, bà để rẻ cho, 10 sen thôi.

Nghe thế, Seibê nén thở, bảo ngay:

Nếu vậy, nhất quyết đừng bán cho ai khác hết, bà nhé. Cháu đem tiền đến ngay!

 

Nói xong, Seibê vội vàng chạy về nhà. Chẳng bao lâu sau, mặt đỏ ke ke, hơi thở hổn hển, cậu đã quày lại chỗ cũ. Nhận lấy quả bầu xong, cậu tất tả chạy về.

 

Kể từ ngày đó, cậu và quả bầu không rời nhau nửa bước. Cậu đem cả nó lên trường. Thậm chí có lúc cậu còn đặt nó dưới bàn để đánh bóng ngay giữa giờ học. Việc này đã bị thầy giáo chủ nhiệm bắt gặp. Gay nữa là nhằm giờ Đức Dục nên ông lại còn nổi giận hơn một bậc.

Ông giáo là người tỉnh khác được bổ đến làm việc ở đây cho nên ông hoàn toàn không có chút hứng thú với cái tập quán chơi bầu hay những thú vui khác của dân địa phương này. Ông là một người đàn ông chỉ thích mỗi Vũ sĩ đạo cho nên khi gánh hát của Kumoemon[7] tới diễn trong một rạp nằm giữa khu vực mới khai phá nên không đủ an ninh, nơi ngày thường ông vẫn ngán, ngay cả đi ngang qua cũng không dám, nhưng gánh này đến, có bốn buổi hát thì ông đã đến xem hết ba. Vì vậy, khi cho học trò tập thể dục ngoài sân vận động, chúng nó có hát những bài trong tuồng đi nữa, ông cũng không đến nỗi cáu kỉnh. Thế mà khi xảy ra sự cố về quả bầu của Seibê, ông đã giận run lắp bắp. Đến độ ông đã phán luôn những câu như :“Nhất quyết cái thằng này rồi sẽ chẳng ra gì!”. Ông chụp ngay cái quả bầu đã làm ông phải hò hét mỏi cổ và tịch thu nó liền tại chỗ. Seibê có muốn khóc cũng không thành tiếng.

 

Mặt mày tái mét, cậu về đến nhà xong là cho chân vào trong kotatsu ngồi thẫn thờ.

 

Lúc đó, ông giáo của cậu mang theo cái đãy đựng sách bên người,  tìm tới nhà để gặp cha Seibê. Bố của cậu đang có việc bận nên vắng nhà.

Việc xảy ra như thế này, các bác phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và phải giải quyết ngay từ trong nhà!

 

Ông giáo nói như tát nước vào mặt bà mẹ Seibê. Bà chỉ biết sợ hãi đứng nghe.

 

Seibê đâm ra lo sợ khi thấy ông giáo cố chấp muốn đi tới cùng. Môi run lên, cậu khép nép thu hình trong một góc phòng. Ngay sau lưng ông giáo và trên một cái cột, có treo đầy những quả bầu đã gia công xong. “Liệu ông ta có thấy không nào, coi chừng ông ấy thấy chúng mất !” Seibê cứ lo nơm nớp.

 

Sau khi đã mắng mỏ đã đời, ông giáo bỏ ra về mà không để ý là bên cạnh có những quả bầu đang treo. Seibê thở phào. Bà mẹ thì oà lên khóc và không ngừng xỉ vả cậu bằng những câu không đầu không đuôi.

 

Một lát sau, bố Seibê từ sở làm trở về nhà. Sau khi nghe kể xong mọi việc, ông thình lình tiến sát Seibê rồi túm lấy cậu ta và đánh như mưa bấc. Lần này tai Seibê cũng lại nghe được những câu chửi bới kiểu “Cái thằng này tương lai rồi sẽ chẳng ra gì!”, “Những đứa như mày phải cút khỏi nhà tao ngay!”.

 

Bố của Seibê bắt gặp mấy quả bầu đã khô đang treo trên cột. Ông ta bèn xách búa tạ ra, đập vỡ nát từng cái một. Seibei mặt tái không còn hột máu, chỉ biết lặng trông.

 

Còn ông giáo thì xem quả bầu ông ta vừa tịch thu của Seibê như một vật gớm ghiếc cần phải vứt bỏ, mới tống khứ nó cho lão già giúp việc vặt trong trường. Lão đem quả bầu khô đó về, treo lên cái cột trong căn phòng nhỏ bé ám đầy bồ hóng của mình.

 

Độ hai tháng sau, lão ta hơi túng tiền một tí bèn đem quả bầu khô kia ra với ý định bán được bao nhiêu thì hay tới đó. Lão xách nó đến tiệm buôn bán đồ cổ ngoạn trong xóm nhờ họ xem.

 

Người bán đồ cổ xăm xoi cái bầu một lúc xong, đẩy nó trước mặt lão già, lạnh lùng nói:

- Chịu lấy năm Yen thì tôi mua.

Lão giúp việc kinh ngạc. Nhưng vốn tinh ranh, lão làm bộ tỉnh bơ, trả lời:

-Năm Yen ai mà bán!

 

Anh chàng bán đồ cổ tức tốc tăng giá lên mười Yen nhưng lão già vẫn không đồng ý.

 

Rốt cục họ ngả giá năm mươi Yen và anh chàng bán đồ cổ trở thành  chủ nhân quả bầu. Lão già mừng khấp khởi vì nhờ quả bầu từ tay ông giáo, lão được cho không một món tiền ngang với bốn tháng lương. Thế nhưng trước mặt ông giáo lẫn Seibê, cho đến phút cuối, lão vẫn che dấu niềm hạnh phúc, làm vẻ mặt tỉnh tuồng như chẳng có chuyện gì xảy ra. Thành thử quả bầu sau đó trôi giạt về đâu, chẳng ai mà biết được.

 

Có điều ngay cả lão già giúp việc tinh ranh kia cũng không thể tưởng tượng nỗi là anh chàng bán đồ cổ đã nhượng lại quả bầu đó cho một tay phú hào trong vùng với cái giá hết sức hời là sáu trăm Yen.

 

  http://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/22-09-Shiga.JPG

              “Cái thằng này tương lai rồi sẽ chẳng ra gì!”

             

…..Bây giờ, Seibê đang say mê vẽ tranh. Lúc làm được chuyện này rồi thì cái lòng oán hận của cậu đối với ông giáo cũng như lòng oán hận đối với người cha đã đang tâm dùng búa tạ đập vỡ trên mười quả bầu yêu quí của mình không còn có nữa.

 

Thế nhưng, cha của Seibê lại sắp sửa mở miệng quát mắng đứa con trai vì cái tội dám mê tranh.

 

Dịch xong ngày 9 tháng 5 năm 2016

NNT

 

Tư liệu tham khảo:

 

1)    Shiga Naoya, Seibê to hyôtan, 1967, trang 150 đến 154 trong Tuyển tập văn học Nhật Bản (Nihon Bungaku Zenshuu) quyển 22 về Shiga Naoya, do Chuô Kôron chọn lọc và xuất bản,Tôkyô. Nguyên tác Nhật ngữ.

2)    Lane Dunlop, Seibei and his gourds, trong The Paper Door and Other Stories (Paperback), 1987, Charles Tuttle Co. Ltd, Tokyo (1992), Columbia Unniversity Press, USA, 2001. Bản tham chiếu.

3)    Nguyễn Nam Trân, 2011, Tổng Quan Văn Học Sử Nhật Bản, Nxb Giáo dục, Hà Nội (Chương nói về Akutagawa và Shiga).

4)    Hình ảnh mượn từ Internet.

 

 



[1] Uchimura Kanzô, 1861-1930, chủ trương theo đạo Ki-Tô nhưng không cần có giáo hội. Chống chiến tranh Nhật-Nga. Năm 1907, Shiga Naoya chia tay với Uchimura.

[2] Chất độc mỏ đồng Ashio ô nhiễm nước sông Watarase gây tai họa cho nông dân là một vụ án lớn nhất thời Meiji, nguyên đơn nhờ cả thiên hoàng can thiệp. Giới trí thức Nhật Bản thời đó rất xúc động. Cha của Shiga ủng hộ tài phiệt Furukawa tức giới chủ, tranh luận với ông và do đó, cha con đã bất hòa trong một thời gian dài.

[3] Đơn vị tiền tệ tương đuơng 1/100 Yen vào thời cận đại.

[4] Lò sưởi đặt dưới lòng bàn thấp và ăn chìm xuống sàn nhà, trên phủ đệm mỏng để giữ hơi ấm.

[5] Từ đây trở đi, những đoạn đối thoại đều được viết theo phương ngữ vùng biển nội địa Nhật Bản, sân khấu của câu chuyện. Không thể dịch sang tiếng nước ngoài.

[6] Bakin tức Takizawa Bakin (1767-1848), một tiểu thuyết gia thể loại văn học đại chúng thời Edo như Hakkenden (Bát Khuyển Truyện) và là người mà bố của Shiga Naoya rất kính trọng trong khi chính ông chỉ đánh giá Bakin như một nhà văn tầm thường. Trong Sôsaku Yodan (Sáng tác dư đàm) Shiga cho biết là đã tạo ra câu chuyện về “quả bầu Bakin” để nói kháy người cha vì bố ông coi thường văn tài con trai mình.

[7] Tên hiệu của kép hát Okamoto Minekichi (1873-1916), người sành lối hát gọi là Naniwabushi (Lãng hoa tiết). Thường diễn những tuồng dã sử như “Bốn mươi bảy người samurai báo thù cho chủ” ca ngợi luân lý đạo đức của tầng lớp vũ sĩ.