Tiếng chim thần bí
(Buppôsô)
Nguyên tác: Ueda Akinari (1734-1809)
Người dịch: Nguyễn Nam Trân
Ueda Akinari sinh ngày 25/07/1734 tại Ôsaka trong một xóm làng chơi, tương truyền là con rơi một cô gái giang hồ. Năm 1737, về làm dưỡng tử Ueda Mosuke, một nhà buôn dầu và giấy tốt bụng, được cho ăn học. Tuy nối nghiệp nhà một khoảng thời gian nhưng buôn bán không mấy thành công, chỉ yêu thích hưởng lạc, làm thơ, viết truyện. Am tường cổ điển Trung Hoa và Nhật Bản, giỏi cả thi ca âm luật, đã trở thành một bậc đại sư thể loại tiểu thuyết bình dân yomihon đương thời. Đặc biệt xuất sắc trong lãnh vực truyện kinh dị, ma quái. Thuở nhỏ bị lên đậu, sau thêm bệnh liệt, ngón tay co quắp, và lúc già hầu như mù lòa. Tiệm buôn lại bị hỏa hoạn cháy rụi, tan tành cơ nghiệp. Tuy cuộc sống đầy nghịch cảnh nhưng đã cố gắng để đạt được thành công trên đường nghệ thuật. Đã để lại nhiều sáng tác nhưng nổi tiếng nhất là tác phẩm kinh điển Truyện tối trăng mưa (Ugetsu Monogatari, 1776) cũng như Truyện mưa phùn xuân (Harusame Monogatari, 1807) ra đời 30 năm sau nó. Akinari được xem như cây bút hàng đầu của thời Edo trung kỳ khi mà vùng Ôsaka-Kyôto còn là trung tâm của văn chương nghệ thuật. Ông mất ngày 08/08/1809 tại Kyôto.
Tiếng chim thần bí (Buppôsô)[1] trích quyển 3 của Truyện tối trăng mưa (Ugetsu Monogatari), mô tả bi kịch cuộc đời Toyotomi Hidetsugu (1568-1595), một nhân vật lịch sử Nhật Bản nổi tiếng. Về phương pháp diễn tả, theo hai học giả Takada Mamoru và Inada Atsunobu thì Akinari chịu ảnh hưởng của cách viết các thiên Long đường linh hội lục, Thiên thai phỏng ẩn lục, Phú quí phát tích tư chí trong Tiễn Đăng Tân Thoại (khoảng 1378) của Cù Hựu đời Minh. Tuy vậy, chất liệu của truyện hoàn toàn bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian Nhật Bản đương thời lưu hành ở vùng Ôsaka về sự xuất hiện của Hidetsugu sau khi chết cũng như sự tích có người đã gặp gỡ oan hồn của quân triều đình giữa đêm khuya vào thời Ashikaga (thế kỷ 14 đến 16). Chuyện trước thấy trong Kaidan tonoi-bukuro (Tập truyện kinh dị, 1768) chương 4 nói về Đoàn quân ma ở Fushimi Momoyama. Chuyện sau đã được ghi lại trong quyển 25 của tác phẩm chiến ký Taiheiki (Thái Bình Ký, 1368?-1379?).
Điều thú vị là tác phẩm này liên kết được với sân khấu Nô, trong thể loại Shuramono tức tuồng tích về địa ngục chém giết Ashura (A-Tu-La) với mục đích giải oan các vong hồn. Theo René Sieffert, có lẽ Ueda đã viết nên nó sau một chuyến hành hương ở thánh địa Kôyasan của Phật giáo Chân ngôn Mật tông.
Toyotomi Hidetsugu
Đất nước Đại Hòa vẫn tiếp tục kéo dài cuộc sống thanh bình. Người người chăm lo việc đồng áng, lúc có thời giờ nhàn rỗi, mùa xuân họ nghỉ ngơi thư thả dưới cội anh đào, mùa thu dạo chơi ngắm lá hồng trong núi. Kẻ chưa một lần gối mái chèo[2], rong thuyền về miền Tây để biết được đảo Kyuushuu xa xôi với ánh lửa chài huyền ảo[3] thì cũng có thể cho lòng mình lôi cuốn bởi vẻ đẹp của núi Fuji hay núi Tsukuba[4] bên cạnh[5].
Trong ngôi làng Ôka ở vùng Ise, có người họ Hayashi[6], cơ nghiệp đã sớm nhường lại cho con cháu trông coi. Tuy chưa hề gặp điều gì bất hạnh trong cuộc sống nhưng cũng đã xuống tóc lánh đời, đổi tên lấy pháp danh là Muzen (Mộng Nhiên). Được cái trời cho không đau ốm thương tật nên mới lấy việc du lịch đó đây làm niềm vui lúc tuổi già. Lòng lo lắng mỗi việc Sanoji, đứa con út của mình, chưa từng trải việc đời, còn hay câu chấp nên muốn đưa cậu ta lên Kyôto một lần cho biết lối sống thanh lịch kinh đô. Hết tháng giêng, tết nhất xong xuôi, ông bèn cùng con trai lên đường, trước tạm trú ở gia trang của mình trong khu phố Nijô[7], mãi đến cuối tháng ba, bố con mới cùng nhau đi thưởng ngoạn anh đào vùng thâm sơn Yoshino, lưu lại ngôi chùa một nhà sư quen biết, đàm đạo suốt cả tuần[8]. Sau ông tự nhủ mình chưa từng viếng cảnh núi Kôya, phải đến xem một lần cho biết. Vì vậy, hai bố con mới vẹt cỏ đầu hạ xum xuê, vượt qua vùng Ten no kawa[9] và leo lên tới đỉnh núi Mani[10]. Đường đất cheo leo nguy hiểm, bố con đi đứng hết sức cực nhọc. Trái với dự đoán, họ đã bị mất quá nhiều thời giờ mà cũng không hay ngày ngả bóng tự lúc nào. Hai người bèn đi chiêm bái mọi nơi, không chừa bất cứ điện, chùa, tháp, miễu[11] nào trong thánh địa[12] đến đâu cũng xin ngủ đỗ một đêm nhưng đều bị thoái thác.
Nhân bắt gặp một kẻ qua đường, hỏi thăm về phong tục vùng Kôyasan mới biết rằng những ai không phải là chỗ quen biết với tự viện tăng phòng đều phải xuống dưới chân núi tìm chỗ qua đêm chứ trên ngọn núi này, không đâu cho phép người ta ngủ trọ. Hai bố con chẳng biết làm sao. Đặc biệt ông lão vừa mới khổ cực theo đường núi hiểm nghèo leo lên được tới đây, nghe kể qua sự tình thì tỏ ra hết sức chán nản.
Sanoji mới thưa với bố: “Trời đã tối, chân lại đau, thế thì làm sao lại vượt nổi đường đất xa xôi xuống tận chân núi cho được nhỉ! Thân con còn trẻ, dẫu phải ngủ bờ ngủ bụi cũng cam đành, chứ như bố đây, nhỡ ra vì đó mà sinh bệnh thì con thật tình không biết nói sao”. Muzen trả lời: “Không đâu con ạ. Đi du lịch mà gặp chuyện khó khăn không lường trước được cũng có cái thú của nó. Hơn nữa, đêm nay chân phồng dép rách, người đã kiệt sức, dù có xuống đến chân núi cũng chẳng nơi đâu đủ tiện nghi như lúc ở cố hương. Còn ngày mai không biết phải tiếp tục lên đường bằng cách nào nữa chứ! Ngọn núi này vốn là mảnh đất thiêng số một của nước Phù Tang, công đức khai sơn của ngài Hoằng Pháp đại sư[13] bao la trời biển, kể sao cho xiết. Nay cha con ta đã cất công đến được nơi đây, lẽ nào không dành trọn một đêm tụng kinh trong ngôi điện của ngài để cầu phúc lành cho những kiếp sau. Vừa vặn có cơ hội tốt, vậy chúng ta hãy đến linh miếu thờ ngài và suốt đêm niệm Phật[14] cúng dường đi con!” Trong bóng tối, bố con mới nương theo con đường có hàng cây tuyết tùng mà tiến tới rồi trèo lên sàn tre ven hàng hiên của tòa Tôrôdô (Đăng Lung Đường)[15] đằng trước lối vào linh miếu của Đại sư. Thế rồi bố con mới trải áo tơi lá làm chỗ ngồi, vừa lâm râm niệm Phật mà trong lòng vẫn không nén được nỗi lo âu giữa khi trời đêm lúc càng khuya khoắt.
Chung quanh chỗ họ ngồi là một vùng đất bằng phẳng bốn bề rộng đến năm mươi chô[16], không có cụm rừng nào chắn mắt.Thánh địa mà mỗi viên đá hòn sỏi đều như được tẩy sạch bụi trần này yên ắng đến nổi không nghe thấy cả những tiếng tụng kinh đà-la-ni[17], tiếng chuông hay tiếng tích trượng từ những ngôi chùa xa vọng lại. Chỉ có hàng cây tuyết tùng xanh tốt, cao vút, tưởng chừng như muốn vượt cả những tầng mây và tiếng róc rách trong vắt của dòng suối nhỏ chảy bên bờ đường[18] nghe buồn buồn. Hai cha con vẫn còn thao thức. Muzen mới quay qua bảo Sanoji: “Xưa kia, đức Hoằng Pháp đại sư là người đạo đức cao vời cho nên đã ban cho tất cả đất đá cây cỏ một sinh mệnh và giúp cho chúng giác ngộ lẽ đạo. Tám trăm năm qua rồi mà đến bây giờ thần lực đó chẳng những còn như mới mà còn mạnh mẽ thêm lên nữa. Những di tích về công đức nơi đại sư từng đi qua thật là nhiều nhưng trong đó không có nơi nào sánh bằng thánh địa Kôyasan này. Xưa kia, lúc sinh tiền, ngài đã từng vượt biển qua bên nhà Đường và đã được cảm hóa về đạo lý khi sống ở đó. Vì thế ngài mới bảo: “ Cây đinh ba[19] này, hễ nó rơi xuống ở đâu thì ta sẽ xây dựng một linh địa trên phần đất ấy để làm nơi rao giảng giáo lý của ta!”. Thế rồi hướng lên trời cao, ngài mới phóng cây đinh ba ra mãi thật xa. Người ta kể rằng rốt cuộc, cây đinh ba ấy rơi xuống ngay ngọn núi này. Bây giờ cây tùng có tên là Sanko no matsu (Cây tùng hình chĩa ba) trước Mieidô (Ngự ảnh đường) trong thánh địa là cái cây mọc đúng chỗ cây đinh ba trong truyền thuyết của ngài rơi xuống. Họ bèn bảo rằng trong tất cả cây cỏ suối đá ở nơi này đều có ngụ một sức mạnh thần linh[20]. Đêm nay, cái duyên may đưa đẩy bố con mình đến tá túc nơi đây không phải là nhân duyên của một kiếp này thôi đâu nhé. Mày tuy hãy còn trẻ tuổi nhưng không được lơi là lòng tin vào lẽ đạo, nghe con!”. Khe khẻ bảo Sanoji như vậy mà trong lòng ông lão, nỗi lo lắng vẫn dâng lên cùng với bóng đêm.
Hoằng Pháp đại sư Không Hải
Bỗng vẳng lại bên tai họ tiếng chim kêu buppan buppan, hình như từ phía cánh rừng đằng sau linh miếu của Đại sư. Muzen như bừng tỉnh, mới lên tiếng: “Ôi chao, chuyện lạ chưa kìa! Có lẽ đó là tiếng hót của con chim buppôsô. Trước đây từng nghe người ta nói giống chim ấy sống trong khu rừng này nhưng không ai có dịp nghe được rõ ràng tiếng hót của nó. Đêm nay nhờ ngủ lại mà nghe được tiếng hót, có khi đấy là dấu hiệu mình đà rửa sạch tội lỗi của kiếp này để mai sau có thể sống một cuộc đời trong sáng hơn chăng? Giống chim kia xưa nay vẫn chọn những nơi thanh tĩnh như các vùng núi như Kayôzan ở Kandzuke, núi Futara ở Shimodzuke, ngọn Daigô trong xứ Yamashiro, núi Shinaga ở Kawachi[21] để sống kia mà! Thế nhưng, nói chung, chuyện giống chim đó sống trên núi này thì người đời chỉ biết qua bài thi kệ của ngài Hoằng Pháp đại sư thôi:
Hàn lâm độc tọa thảo đường hiểu,
Tam bảo chi thanh văn nhất điểu.
Nhất điểu hữu thanh, nhân hữu tâm.
Tính tâm vân thủy câu liễu liễu.
Am cỏ rừng đêm lạnh gối thiền,
Mới hay tam bảo mượn lời chim.
Người có tấm lòng, chim, tiếng hót,
Xin cùng mây nước, sạch trần duyên.
Ngoài ra cổ nhân còn có một bài thơ như sau:
Matsu no o no mine
Shidzuka naru
Akebono ni
Ôgite kikeba
Buppôsô naku
Cao trên đỉnh Tùng Vĩ ,
Ngày sắp rạng ra rồi.
Lắng tai trong vắng vẻ,
Tam bảo, chim khuyên mời.
Theo truyền thuyết, ngày xưa ở chùa Saifukuji (Tối Phúc Tự)[22] có ngài pháp sư Enrô (Diên Lãng)[23] là một nhà tu rất coi trọng kinh Pháp Hoa. Thần linh trên núi Matsu no o (Tùng Vĩ Sơn) bèn cho giống chim buppôsô đến để hầu hạ ngài. Do đó mà biết được giống chim ấy cũng sống trong khu vực đền thần Matsu no o. Đêm nay, chúng ta đã có cái may chim đến hót cho nghe, thử hỏi không phải là một giây phút đáng cảm động hay sao?”. Thế rồi nhân vì thường ngày vẫn có thú vui là làm thơ haikai, Muzen mới suy nghĩ một đỗi rồi hạ bút thành mấy vần như sau:
Tori no ne mo
Himitsu no yama no
Shigemi kana
Phải chăng trong tiếng chim,
Là linh thiêng thần chú,[24]
Lẫn âm u núi rừng.[25]
Muzen lấy nghiên mực nhỏ mang theo người và chép lại bài thơ dưới ánh đèn thờ. Còn đang muốn lắng tai để nghe tiếng chim kêu thêm một lần nữa nhưng không ngờ, từ phía những ngôi chùa đằng xa đã có tiếng quát tháo như ai đó đang dẹp đường. Tiếng động càng ngày nghe càng rõ mồn một.
Kôyasan giữa màn sương
Bố con lấy làm quái lạ và lo ngại: “Chẳng hiểu giữa đêm hôm khuya khoắt thế này, còn có vị quí nhân nào còn muốn đi vãng cảnh chùa kìa!”. Hai người đưa mắt nhìn nhau mà tưởng chừng nghẹn thở, mắt đăm đăm không rời hướng có tiếng động. Chẳng mấy chốc, những gã samurai trẻ tuổi đi trước dẹp đường hung hăng dậm ầm ầm trên cầu ván đã tiến tới bên cạnh.
Kinh hãi quá, bố con bèn nấp vào phía bên phải của Tôrôdô. Đám samurai còn nhanh hơn một bậc, nhận ngay ra họ:
- Bọn bay là ai? Điện hạ[26] đang sắp tới đây đó. Liệu hồn mà xuống mau đi!
Hai người vội vàng bỏ hàng hiên lát tre bước xuống, quì gối phủ phục, mặt dán sát đất. Chẳng bao lâu đã nghe tiếng chân rầm rộ của một đoàn quân đến nơi.Trong số đó, có tiếng hài gỗ[27] của một bậc vương hầu đầu đội mũ ebôshi cao, mặc áo naoshi kiểu quí tộc là nghe to hơn cả. Người ấy vừa lên đến Tôrôdô xong thì đã có một toán bốn năm samurai tùy tùng dàn ra ngồi xuống hai bên tả hữu.
Bậc vương hầu ấy quay qua hỏi những người bên cạnh:
- Còn mấy tên kia tại sao chưa thấy tới, hử?
Bọn samurai bèn thưa:
- Bẩm điện hạ, họ cũng sắp tới ngay thôi.
Lại nghe tiếng chân của một đoàn người khác, trong đám đó có những võ sĩ oai nghiêm lẫn mấy nhà tu hành với cái đầu cạo nhẵn. Sau khi thi lễ với vị ấy, họ bước lên trên điện. Lúc đó bậc vương hầu kia mới hỏi một người samurai vừa tới nơi:
- Này Hitachi no suke[28], sao nhà ngươi lại chậm trễ như thế hả?
Người ấy bèn thưa:
- Hiện nay Shirae và Kumagae[29] đang đốc thúc sửa soạn rượu ngon dâng lên điện hạ còn kẻ tiểu thần thì cố kiếm cá thật tươi làm thức nhắm cho người. Chính vì vậy cả ba đều không kịp đến hầu.
Sau khi họ bày rượu và thức nhắm để dâng lên, bậc vương hầu đó bèn nói:
- Này Mansaku[30], chuốc rượu cho chúng ta nào!
Tiểu đồng thị tùng đẹp trai[31] có tên là Mansaku vâng lệnh, vừa quì vừa lết đến bên cạnh chủ quân, và nghiêng vò rót rượu. Thế rồi họ chuyền nhau những chén rượu, trông có vẻ vui vẻ mãn nguyện.
Bậc vương hầu đó lúc đó mới phán:
- Mấy lúc sau này ta không có dịp nghe Jôha[32] nói chuyện. Gọi hắn đến!
Lệnh vừa truyền được đám tùy tùng thay nhau chuyển đến đám người đang ở phía sau hai kẻ đang quì mọp. Thế rồi từ trong đám ấy, một nhà sư tướng người to lớn, khuôn mặt phương phi, đường nét mắt mũi rạch ròi, vừa đưa tay sửa lại bộ áo thầy tu cho tề chỉnh vừa bước đến ngồi vào chỗ dưới cùng trong hàng người hầu cận. Bậc vương hầu ấy mới đem chuyện xưa tích cũ, thơ phú đời trước ra hỏi, hết chuyện này đến chuyện khác. Bất cứ điều chi nhà sư đều đối đáp trôi chảy. Vị ấy ra vẻ hài lòng và hạ lệnh: “Hãy ban thưởng cho hắn!”.
Một người trong đám võ sĩ mới cất tiếng hỏi nhà sư:
- Ta nghe ngọn núi này là do một vị danh tăng đạo đức cao dày đến khai sơn, cho nên cả đến cỏ cây đất đá, không một vật nào mà không có linh hồn. Vậy cớ sao con sông Tamagawa chảy qua đây lại mang chất độc, người nào uống phải thì tính mệnh khó bảo toàn. Ngài Hoằng Pháp đại sư - vị danh tăng ấy - có vịnh câu thơ như sau:
Wasurete mo
Kumi yashi suran
Tabibito no
Takano no oku no
Tamagawa no mizu
Lữ khách trên đường xa,
Khi quên biết đâu là.
Nhưng xin đừng dại dột,
Trên đầu nguồn Cao Dã
Uống ngụm nước Tama.
Đó là những điều ta nghe đời truyền lại. Nếu ngài đúng là một vị cao tăng đạo đức thì tại sao không ra tay trừ khử chất độc đó cho dân nhờ. Ta không cách nào hiểu nổi. Nhà ngươi nghĩ thế nào về chuyện ấy?
Một nụ cười thoáng nở trên môi, nhà sư mới trả lời:
- Bài thơ ngài vừa nói đã được thu thập và chọn đăng trong Fugashuu (Phong Nhã Tập)[33]. Lời kotobagaki giải thích về nó có đoạn: “Trên con đường vào ngôi chùa sâu trong vùng Takano (Kôya) có một con sông tên là Tamagawa. Bởi vì phía thượng nguồn có nhiều độc trùng nên khi vịnh câu thơ này, tác giả có ý dặn dò mọi người phải chú ý, không nên uống nước của dòng sông”. Vì có lời giải thích như thế nên nội dung bài thơ hoàn toàn ăn khớp với những gì ngài vừa phát biểu. Còn điều ngài hiện nay hồ nghi cũng chẳng có gì gọi là sai. Nhưng xin thưa là Hoằng Pháp đại sư với sức thần thông của mình thì muốn làm gì mà chẳng làm được dễ dàng. Đại sư có thể sai bảo những vị thần mắt phàm không thấy, mở ra đường ở những nơi chưa có lối đi, xẻ đôi đá núi còn dễ dàng hơn người ta đào đất. Còn giam cầm cả mãng xà, hàng phục cả quái điểu. Khi nghĩ đến chuyện đại sư có khả năng thực hiện những công đức mà người đời thảy đều tôn kính như thế thì mới thấy lời giải thích của ai kia về bài thơ nói trên thật chẳng đúng sự thật chút nào.
- Huống chi từ xưa cái tên Tamagawa (Ngọc xuyên) vốn được đem ra đặt cho biết bao nhiêu là con sông của các vùng[34]. Nhắc đến Tamagawa thì bài thơ nào liên quan đến nó cũng ca tụng đó là một dòng nước trong lành. Như vậy con sông Tamagawa vùng này cũng không thể nào để cho nước bị nhiễm độc. Nội dung bài thơ ngài vừa nói chứng tỏ rằng vì con sông quá nổi tiếng lại chảy qua ngọn núi thiêng như thế nên khách hành hương khi thấy nó bèn quên bẳng mọi sự, cứ thế vục nước lên mà uống. Người đời sau mới nhầm lẫn đưa ra thuyết nước độc và ghép với lời giải thích như trên.
- Điều còn có thể ngờ vực hơn nữa là bài thơ kia không có giai điệu giống như ca phong của thời Heian sơ kỳ (lúc Đại sư Kuukai còn sinh tiền). Hầu như trong ngôn ngữ cổ xưa của nước ta, chữ tama (ngọc) được đem ra dùng nhiều lần lắm. Nào là tamakazura (ngọc mạn, mái tóc đẹp), tamadare (ngọc liêm, rèm đẹp), tamaginu (ngọc y, áo đẹp). Chúng đều là tiếng dùng để chỉ những gì tốt lành đẹp đẽ. Muốn ca tụng một dòng nước trong lành thì người ta dùng chữ tamamizu (ngọc thủy, nước mát), tamanoi (ngọc tỉnh, giếng ngọt), tamagawa (ngọc xuyên, sông trong). Chưa hề thấy có dòng nuớc ô nhiễm nào mà lại được đem đặt chữ tama (ngọc) lên đầu. Kẻ tôn sùng nhà Phật quá trớn, lại không nắm được hồn thơ waka mà xử sự sai lầm kiểu đó thì đếm sao cho xiết. Ngài tuy không phải là một nhà thơ nhưng đã có ý nghi ngờ điều ấy và nêu lên thắc mắc thì tôi xin đánh giá ngài là kẻ tinh tường và sâu sắc lắm chứ không phải người thường.
Jôha khen ngợi người võ sĩ một cách nồng nhiệt như thế[35]. Từ bậc vương hầu kia cho đến tất cả mọi người chung quanh khi nghe lời nghị luận[36] đều có vẻ hiểu ra, gật gù tấm tắc.
Ngay lúc đó, từ phía sau Tôrôdô vẳng lại đến bên tai họ tiếng chim kêu buppan, buppan nên bậc vương hầu kia mới nâng chén lên, ra lệnh:
- Lâu lắm mới nghe lại tiếng hót của con chim kia. Tiệc rượu chúng ta như thế càng thêm phần hào hứng. Nào Jôha, vịnh một câu xem nào!
Nhà sư cung kính thưa:
- Những câu hokku mở đầu của thần thì điện hạ nghe chắc đã chán ngấy. Hôm nay nhân có một người khách qua đường ngủ đỗ nơi đây, tuy lời lẽ của hắn vụng về nhưng là phong cách gọi là thơ haikai mới mẻ đương thời[37], đối với điện hạ có thể khác lạ. Vậy xin ngài nghe qua cho biết!
Bậc vương hầu mới phán:
- Thế thì gọi tên đó đến!
Một võ sĩ trẻ tuổi bèn hướng về phía Muzen và bảo:
- Điện hạ cho gọi. Mi hãy đến đây!
Muzen không biết là mộng hay thực, run như cầy sấy và bước ra trước mặt vị đó.
Nhà sư quay lại nói với Muzen:
- Ngươi hãy đọc hầu điện hạ bài thơ ngươi vừa mới chép ra đi!
Muzen quýnh quáng thưa:
- Dạ kẻ hèn không biết phải thưa gửi đức ngài làm sao. Hiện giờ đầu óc trống rỗng, có còn nhớ gì nữa đâu. Cúi xin ngài tha tội cho.
Nhà sư giục giã thêm:
- Người chả vừa ngâm “Núi linh thiêng thần bí...” kia nọ là gì? Điện hạ đang chờ ngươi đấy. Mau đọc lên cho ngài nghe.
Muzen càng lúc càng kinh hãi:
- Vậy chẳng hay điện hạ ở đây là bậc quí nhân nào thế ạ? Và cớ sao giữa đêm hôm lại tổ chức dạ yến[38] ở chốn núi sâu. Kẻ hèn thật không hiểu gì cả.
Nhà sư bèn giải thích:
- Điện hạ của chúng ta đây là ngài Toyotomi Hidetsugu, giữ chức kanpaku [39]. Các vị tùy tùng của ngài là Kimura Hitachi-no-suke, Sasabe Awaji[40], Shirae Bingo, Kumagae Daizen, Awano Moku[41], Hibino Shimotsuke[42], Yamaguchi Shôun[43], Marumo Fushin[44], tăng Ryuusai[45], Yamamoto Tonomo, Yamada Sanjuurô[46], Fuwa Mansaku. Còn ta tên là Jôha, lãnh chức hokkyô [47].
Hai cha con mi đã có duyên may được diện kiến ngài tối nay. Vậy thì hãy đọc nhanh lên cho ngài nghe những gì ngươi vừa mới chép ra đi nào!
Trên đầu Muzen lúc ấy nếu còn có một nhúm tóc thì chắc nó phải phồng to và dựng đứng lên mất[48]. Hồn vía gan mật thiếu điều tan biến trên chín từng mây, ông ta mới run rẩy mở cái túi vải thầy tăng vân du lấy ra một mẩu giấy trên đó nguệch ngoạc mấy dòng thơ đã chép khi nãy. Yamamoto Tonomo cầm lấy tấm giấy lên, cao giọng ngâm nga:
Tori no ne mo
Himitsu no yama no
Shigemi kana
Phải chăng trong tiếng chim,
Là linh thiêng thần chú,
Lẫn âm u núi rừng.
Bậc vương hầu kia nghe qua, mới phán:
- Ừ, cũng khá đấy. Vậy có đứa nào nối thêm câu cuối[49] cho hắn không?
Lúc ấy, Yamada Sanjuurô mới từ chỗ ngồi của mình bước ra thưa:
- Xin phép điện hạ cho tiểu thần được tiếp lời.
Sau khi suy nghĩ một chốc, Yamada chép nốt hai câu cuối:
Keshi taki akasu
Mijika yo no yuka
Đốt hương[50] xua bớt mịt mùng
Đàn chay đêm ngắn, sắp hừng đông thôi[51].
Xong đưa cho Jôha và hỏi:
- Viết thế này có được không ?
- Hay quá đi thôi chứ ạ.
Jôha trả lời xong bèn tiền tới dâng bài thơ lên cho bậc vương hầu. Điện hạ bèn phán:
- Chẳng vụng về tí nào!
Nói xong, có vẻ khoái chí, nâng chén và cho chuốc rượu cử tọa một vòng nữa.
Ngay khi ấy, bỗng người tên (Sasabe) Awaji tự nhiên[52] biến sắc mặt và kêu lên:
-Chắc đã đến giờ của địa ngục Tu-La[53] rồi. Bọn quỉ sứ A-Tu-La chúng đang đến đón chúng ta đấy! Mọi người hãy đứng dậy ngay đi!
Nghe xong, cả bọn mặt mũi đều đỏ rực như vừa được ai đem máu tưới lên người. Họ hung hăng hò hét:
- Đêm nay thế nào chúng ta cũng phải quét sạch đồ đảng Ishida và Masuda[54] thì mới hả lòng.
Khi ấy ngài Hidetsugu mới quay lại bảo Kimura Hitachi-no-suke:
- Chúng ta đã lỡ để lộ mặt cho hai thằng nhãi này thấy được. Thế thì phải lôi cổ chúng cùng xuống A-Tu-La theo ta!
Bọn lão thần vội vã rẽ lối xông vào can ngăn:
-Thưa điện hạ, bọn chúng là những kẻ còn chưa tới số. Dám xin điện hạ đừng làm những hành vi thất đức[55] như từ trước đến nay nữa.
Thế rồi lời nói của họ cũng như hình bóng cả bọn dần dần mờ nhạt đi, tan loãng vào trong không gian xa thẳm[56].
Akugyakudzuka (Ác ngược trủng) ngày nay
Hai cha con Muzen bất tỉnh nhân sự, nằm như chết cả một đỗi. Sau đó, khi trời bắt đầu tờ mờ sáng, nhờ có những giọt sương mai mát lạnh thấm vào người, họ mới hoàn hồn. Tuy vậy, vì hãy còn chưa sáng rõ nên lòng vẫn kinh hãi, cứ luôn miệng niệm “Nam mô đại sư biến chiếu kim cương” tức gọi tên Hoằng Pháp đại sư. Rồi khi ánh mặt trời bắt đầu le lói, bố con liền vội vã xuống núi. Về đến Kyôto rồi, họ còn phải uống thuốc, châm kim và tĩnh dưỡng một thời gian. Có hôm, Muzen tình cờ đi ngang qua phố Sanjô-Kobashi, nhớ lại nơi đây có ngôi mộ hợp táng Akugyakudzuka (Ác ngược trủng)[57], tự nhiên đưa mắt nhìn về ngôi chùa. Ông ta bảo: “Giữa ban ngày ban mặt mà tôi hãy còn rợn tóc gáy!”. Những gì ông ta thuật cho người hàng phố ở Kyôto, ta nghe được, cứ thế mà chép nguyên văn ra đây.
(Dịch xong ngày 28 tháng 2 năm 2013)
Tham khảo:
1) Ueda Akinari viết, Takada Mamoru và Inada Atsunobu hiệu chú, 1997, Ugetsu Monogatari (Truyện tối trăng mưa), Chikuma Shobô xuất bản, bản in lần thứ 9, 2007, Tôkyô.
2) Ueda Akinari viết, René Sieffert dịch chú Ugetsu Monogatari, 1956, Contes de pluie et de lune, tủ sách Folio, Gallimard xuất bản (Collection UNESCO), Paris.
3) Hình ảnh trên Wikipedia Nhật, Internet .
[1] Nguyên nhan đề của câu chuyện là Buppôsô, phiên âm Nhật ngữ của chữ “Phật pháp tăng”. Đó là tên một loài chim sống ở vùng núi Kôya (gần Ôsaka). Tiếng kêu Buppan!Buppan! của nó nghe như Phật pháp! Phật pháp! trong trí tưởng tượng của người dân sở tại.Hai nhà chú thích Nhật Bản Takada và Inada cho rằng chim này có thể cùng một loại với chim cú komohazuku (screech owl). Điều nói trên đã được Học hội nghiên cứu về điểu loại của Nhật Bản xác nhận trong thập niên 1930. Giáo sư Pháp René Sieffert nghĩ rằng nó là một loại chim sả rừng (rollier). Tuy nhiên, theo văn mạch, có lẽ nên hiểu đó là một giống chim thần bí vì ít xuất hiện cho người ta thấy. Trong bài kệ của Đại sư Kuukai, được gọi là Sanbôchô (Tam bảo điểu).
[2] Đi đường bộ thì gối cỏ (kusamakura), đi đường thủy thì gối mái chèo (kajimakura).
[3] Shiranui (shiranu-hi) trong nguyên văn vừa có nghĩa là “không biết” (shiranu) vừa có nghĩa là lửa (hi) của thuyền chài hay ánh sáng lân tinh huyền ảo như lửa ma trơi trên mặt biển.
[4] Đối chiếu sơn (Fuji, Tsukuba) với thủy (biển Tsukushi, nay là Kyuushuu).
[5] Phần nhập đề ở đây có nhiều từ hoa liên kết với thơ waka theo qui ước trong một thể văn đặc biệt Nhật Bản gọi là “văn tả cảnh đi đường” (michiyukibun). Đoạn này có tính cách khuôn sáo, nhằm ca tụng cảnh thái bình thịnh trị dưới thời chính quyền Tokugawa.
[6] Hayashi âm Hán là Bái Chí. Trong ngữ cảnh ở đây, có ý nói: “kính trọng cái chí lớn của Đại sư Không Hải”.
[7] Nijô, đường số hai. Thành phố Kyôto vốn sắp xếp vuông vức như bàn cờ với 9 con đường lớn.
[8] Trong nguyên văn, nếu tinh ý sẽ thấy trong đoạn này có cách chơi chữ số của tác giả từ 1(tháng giêng), 3 (tháng ba) đến 7 (một tuần). Nijô là 2, Yoshino là 4 vv...
[9] Tên một ngôi làng ở Yoshino (Nara).
[10] Âm tiếng Phạn, có nghĩa là “châu ngọc quí báu”.Mani là một ngọn núi trong rặng Kôyasan (Cao Dã sơn)
[11] Ý nói ngôi miếu thờ hương linh của Hoằng pháp đại sư Không Hải.
[12] Núi Kôyasan thời xưa vẫn được xem như là một nơi tối linh thiêng. Có chữ “thất lý kết giới” nghĩa là nơi không cho ma vương bước vào. Trên thực tế cấm đàn bà, còn đàn ông nếu là người trần tục cũng không được lên. Đến đời Edo mới có phong trào quần chúng đi hành hương ở Kôyasan. Theo thông tin thời đó, từ núi xuống chỗ trọ gần nhất cũng phải đến 3 ri (12km).
[13] Hoằng Pháp đại sư Không Hải (Kôbô daishi Kuukai, 774-835), người vùng Sanuki trên đảo Shikoku, là một cao tăng phái Shingon (Chân Ngôn) sống vào đầu đời Heian. Ông từng du học bên nhà Đường, sau về nước mở chùa ở Núi Kôya (Cao Dã sơn). Rất được trọng vọng vì đạo đức cao vời và đa năng đa tài (thư pháp, ngữ học, văn chương thi phú), cuộc đời đầy dật sự, huyền thoại. Nhờ ông, Chân Ngôn Mật Tông đã xác định vị trí như quốc giáo của Nhật Bản thời đó.
[14] Nguyên văn là tsuuya (thông dạ), tập tục cầu kinh suốt đêm bên cạnh người chết vẫn còn được giữ khi có đám tang ở Nhật.
[15] Ở bái điện, nơi khách thập phương vái chào trước khi vào chính điện, sâu bên trong. Ngày xưa thường có đặt những ngọn đèn không bao giờ để cho tắt.
[16] Theo cách tính đời này thì khoảng 5,4km2.
[17] Kinh đà la ni có nghĩa là niệm thần chú theo phái Shingon (Chân ngôn).
[18] Lối diễn tả về dòng suối từng thấy trong Thiên đài phỏng ẩn lục của Tiễn Đăng Tân Thoại.
[19] Đinh ba là một pháp cụ của phái Shingon. Giống như một cái chày chĩa ra thành 3 nhánh (tam dịch), thường chế bằng đồng.Tương truyền đinh ba là một trong ba bảo bối mà Văn Thù bồ tát đã ban cho Không Hải.
[20] Trong tuồng Nô Yuugyô yanagi (Du hành liễu) cho thấy thảo mộc cũng có thể có cái duyên thành Phật.
[21] Kandzuke hiện nay là Gunma, Shimoduke là Tochigi, Yamashiro thuộc Kyôto, Kawachi thuộc Ôsaka.
[22] Tên một ngôi chùa cổ thuộc giáo phái Thiên Thai ở Kyôto.
[23] Ám chỉ Diên Lãng thượng nhân, một cao tăng phái Thiên Thai, mất năm 1208, thọ 79 tuổi.
[24] Kôyasan, bản sơn Chân ngôn Mật tông của Đại sư Không Hải, một giáo phái sử dụng thần chú như phương tiện hành đạo
[25] Bài haikai này, theo René Sieffert, là tác phẩm của chính Ueda Akinari. Có thể nhân vật Muzen cũng là hình ảnh một Akinari về già.
[26] Denka (điện hạ) là cách để gọi một cách tôn kính cỡ chức Kanpaku (Quan bạch), vai trò một ông quan đầu triều thay nhà vua xem tấu sớ.
[27] Nguyên văn kutsu, tiếng xưa là hài làm bằng gỗ ngô đồng, đi nghe lộp cộp.
[28] Tên của Kimura chức suke vùng Hitachi. Bầy tôi thân tín của Hidetsugu, sau tự mổ bụng ở chùa Daimonji trong xứ Settsu.
[29] Shirae và Kumagae đều là gia thần của Hidetsugu. Sau khi chủ chết đều tự mổ bụng theo trong hai ngôi chùa ở vùng Kyôto.
[30] Tức Fuwa Mansaku, thị đồng (page) yêu của Hidetsugu, nổi tiếng đẹp trai. Tự vẫn chết trước chủ.
[31] Xưa các tiểu đồng đi trong quân đều có những liên hệ đồng tính luyến ái với chủ nhân của mình (xem tác phẩm của Tanizaki Jun.ichirô như Bushuukô hiwa = Vũ Châu công bí thoại, thì rõ).
[32] Satomura Jôha (Lý Thôn, Thiệu Ba 1525-1602), người Nara, hiệu Lâm Giang Trai, nhà thơ renga (liên ca, một biến thể của waka do nhiều người ngâm liên tiếp và cũng là nguồn cội của haikai lẫn haiku về sau). Ông nổi tiếng số một về thơ renga dưới thời Muromachi và cũng là tăng lữ dưới trướng Hidetsugu, được ưu đãi nhờ có học thức, biết bàn luận cổ kim. Được phong chức hokkyô (pháp kiều), thuộc hàng thứ ba trong chư tăng. Năm 1595, khi Hidetsugu tự vẫn, ông bị giam lỏng một thời gian trong chùa Miidera. Năm 1596, Hideyoshi tha tội. Mất năm 1602, lúc 79 tuổi. Dưới thời Edo, con cháu ông vẫn hành nghề dạy renga và phục vụ mạc phủ. Jôha có tác phẩm Hyakuin senku (Bách vận thiên cú).
[33] Fugashuu (Phong Nhã Tập) là tập thơ do Thái thượng hoàng Kôgon (Quang Nghiêm) biên soạn và Thái thượng hoàng Kazan (Hoa Sơn) giám tu. Đó là tập thơ Waka thứ 17 được soạn theo sắc chiếu. Ra đời năm 1349 (Jôwa 5), gồm có 20 tập. Khi đưa ra tên tập thơ này, Jôha muốn cho biết là bài thơ người samurai vừa nhắc đến khó có sác xuất là do Đại sư Kuukai sáng tác vì ông sống trước đó những 5 thế kỷ.
[34] Có thể kể đến 6 con sông cùng tên gọi là mutamagawa (lục ngọc xuyên) ở Kyôto, Ôsaka, Shiga, Wakayama (Kôyasan), Tôkyô và Miyagi.
[35] Xin mở một dâu ngoặc ở đây là Ueda Akinari chỉ mượn miệng Jôha để “khoe khoang” sở học của mình trong lãnh vực bình luận thơ ca. Truyền thống “ca phong học” đã có từ đời Keichuu và luận đề về người đời sau ngụy tạo thơ đời trước đã được Motoori Norinaga - người đồng thời với Akinari - nhắc đến trong tác phẩm Tamakatsuma (Ngọc thắng gian = Giữa những răng lược dày, lược ra cái đẹp), quyển 11. Ueda Akinari còn sử dụng cuộc nghị luận về Tamagawa này một lần nữa như chất liệu trong một tác phẩm lúc cuối đời.
[36] Xin nhớ cho là việc lồng khung nghị luận, giảng nghĩa vv... vào bên trong câu chuyện cũng là một thủ pháp viết tiểu thuyết vào thời Edo, nhất là thể loại tsuuya monogatari (thông dạ vật ngữ = tiểu thuyết kể về những chuyện xảy ra thâu đêm).Nó đã được Tsuga Teishô, một trong những vị thầy của Akinari áp dụng trong Hanabusa Sôshi. Ngoài ra các đồng nghiệp khác như Chôzan, Shinkôsei, ngay chính ông nhiều lần (xem Shiramine) cũng vậy.
[37] Dĩ nhiên đối với một người làm thơ renga như Jôha thì haikai là một thể loại văn nghệ của thời đại đến sau.
[38] Việc Hidetsugu tổ chức yến tiệc trong đêm giữa rừng sâu, bàn luận thơ phú, có lẽ đã lấy cảm hứng từ Otogibôko (Già tì tử, 1666), tập hợp truyện giải buồn của Asai Ryôi. Trong quyển 5, tác giả có kể lại câu chuyện gặp được hồn ma dũng sĩ Tsuruse Yazaemon trong rừng sâu một đêm Vu Lan và cả hai phẩm bình cái hay cái dở của 4 vị tướng đã chết là Tada Awaji no kami, Naoe Yamashiro no kami, Yamamoto Kansuke và Hôjô Saemon no suke. Xa hơn nữa, nó cũng có thể đã bắt nguồn từ tiểu thuyết Trung Quốc là Tiễn Đăng Tân Thoại, quyển 4 (truyện Long đường linh hội lục). Thế nhưng mô típ người chết bàn luận văn chương và kéo cả người sống cùng tham dự thì khá phổ biến mọi nơi mọi thời và không chỉ giới hạn ở chừng ấy ví dụ.
[39] Toyotomi Hidetsugu là cháu gọi Hideyoshi bằng cậu ruột. Trước được cậu nhận làm dưỡng tử (1591), sủng ái, giao cho nhiều trách vụ quan trọng như Kanpaku (Quan bạch) là người thay mặt thiên hoàng nhận tấu sớ của các quan, dự tính chọn làm kẻ nối nghiệp. Đến khi Hideyori là con ruột ra đời (1593), Hideyoshi bèn đổi ý. Lại bị các bề tôi thân tín của Hideyoshi dè siểm nên bị Hideyoshi nghi ngờ và ghét bỏ. Chẳng bao lâu, Hidetsugu bị cậu mình kết vào tội mưu phản, trước giam lỏng sau bắt phải tự sát, đầu đem bêu ở Kyôto. Ueda Akinari trước đó không nói rõ bậc vương hầu này là ai nhưng đã “phục bút” bằng cách giới thiệu đám tùy tùng: những võ sĩ oai nghiêm như Kimura, Shirae và Kumagae. Chính người chủ quân của họ sau này vào năm 1595 (Bunroku 4) đã nhận lệnh phải mổ bụng ở Seiganji (Thanh Nham Tự) trên núi Kôyasan. Giám sát để kiểm tử là tướng Fukushima Masanori. Toàn gia hơn 30 người đều bị tru diệt.
[40] Sasabe, chức kami vùng Awaji, cận thần của Hidetsugu. Đã chặt đầu (kaishaku) giúp chủ bớt đau đớn trước khi mổ bụng theo.
[41] Awano, cận thần của Hidetsugu, mổ bụng chết theo chủ ở vùng Yoshimizu gần Kyôto.
[42] Hibino, chức kami vùng Shimotsuke. Là cha một người thiếp của Hidetsugu. Mổ bụng ở Kitano gần Kyôto.
[43] Yamaguchi, cận thần và cũng là cha một người thiếp khác của Hidetsugu. Mổ bụng tự sát ở Kitano gần Kyôto.
[44] Fushin là một cận thần của Hidetsugu, khi xung đột trước cửa chùa Shôkokuji, bị chém bay đầu.
[45] Ryuusai là một tục nhân đã xuất gia, cận thần của Hidetsugu. Đã hân hạnh được chủ chặt đầu cho khi tự mổ bụng ở Kôyasan.
[46] Cả Yamamoto và Yamada đều là tiểu đồng của Hidetsugu, đã tự vẫn trước chủ trên Kôyasan.
[47] Cách nêu tên từng người nhằm nhấn mạnh tính bi kịch của tập đoàn Hidetsugu mà dân chúng đều biết rõ. Có thể tham khảo thêm chi tiết trong tiểu thuyết dã sử Taikôki (Thái Cáp Ký, 1625). Vào thời Duy Tân, người dân Kyôto cũng nhớ rành mạch tên họ những chí sĩ bị thiệt mạng lúc đó cũng như cách người Ôsaka thời Akinari nhớ đến những người võ sĩ bạc phước này.
[48] Đây là cách ví von mượn từ Truyện Genji và Truyện Konjaku.
[49] Vì Muzen đã làm 3 câu hokku (phát cú) 5-7-5 theo thể haikai, nay Hidetsugu đòi bộ hạ viết thêm 2 cậu tsuiku (đối cú) 7-7, cũng gọi là mạt cú, phụ thêm vào cho đủ 31 âm của thể waka.
[50] Keshi là một loại hương (poppy) dùng để xông trên trai đàn, trong thơ haikai là chữ dùng để chỉ mùa hạ. Mijika no yo (đêm ngắn) cũng vậy.
[51] Trên trai đàn (hộ ma đàn), xông hương vừa có tính cách an ủi vong linh các chiến hữu vừa có ý trù ếm kẻ thù.
[52] Trong truyện chép ở Otogibôko (Già Tì Tử) của Asai Ryôi thì không “tự nhiên” như thế mà có tiếng tù và bằng vỏ ốc loa và tiếng trống lớn báo tin trận chiến dưới địa ngục đã mở màn.
[53] Tu La, theo tiếng Phạn Ashura, một cõi trong “lục đạo”, địa ngục của chém giết, nơi đây các chiến sĩ phải đánh nhau với những kẻ địch chết rồi lại tái sinh như họ nên không bao giờ có thể ngừng. Ý nghĩa lối hình phạt của địa ngục này là “nếu các ngươi đã thích đánh nhau thì xin mời đánh nhau thỏa thích, muốn ngừng cũng không cho”.
[54] Ý nói đến Ishida Mitsunari (1560-1600 ) và Masuda Nagamori, bộ hạ tín cẩn của Hideyoshi. Những vong hồn này đổ lỗi cho hai người ấy đã dèm pha với Hideyoshi là Hidetsugu muốn tạo phản, khiến chủ họ phải rơi vào tử tội. Sau này Ishida Mitsunari thua trận Sekigahara (1600) và bị Tokugawa Ieyasu xử trãm.
[55] Tương truyền Hidetsugu rất bạo ngược nên có danh là “Kanpaku sát sanh”. Ví dụ như ông ta cho lấy cung nhắm khách bộ hành vô tội bắn chết mua vui hay mổ bụng đàn bà móc bào thai ra xem.
[56] Có một điểm mà các nhà phê bình cho là không thỏa đáng. Tại sao một nơi gọi là “thánh địa” như Kôyasan của Hoằng Pháp đại sư mà ma quỉ có thể lộng hành đến mức ấy.
[57] Akugyakudzuka (Gò nghịch đảng, vừa có nghĩa là mồ chôn nghịch thần, vừa có nghĩa là nơi chôn kẻ bạo ngược ác ôn). Nơi đây, một vị tăng tên là Keijun (Khánh Thuận) đã thu thập thủ cấp Hidetsugu và thê thiếp, thân tộc của ông tất cả trên 30 người, đem chôn chung. Cả nhà Hidetsugu như thế đã bị Hideyoshi tru di để trừ hậu hoạn.Gò nằm bên Zuisenji (Thụy Tuyền Tự) phố Sanjô ở Kyôto.