Trần Doãn Nho

 

 

Tĩnh vật Nguyễn Trọng Khôi

(Nhân xem phòng tranh của Nguyễn Trọng Khôi được tổ chức tại thành phố Newton, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ từ 2 đến 29/7/2004)

 

“Cái gây ấn tượng cho chúng tôi nhiều nhất, đó là có nhiều loại tranh khác nhau trong lần triển lãm này (...) Chắc chắc đây là một trong những lần triển lãm thành công nhất năm nay của chúng tôi. Chúng tôi rất phấn khởi khi thấy ông đã bán được rất nhiều tranh”.

 

Đó là lời phát biểu của Beth Purcell - giám đốc giao tế và chương trình của thư viện công cộng thành phố Newton, tiểu bang Massachusetts - với tờ báo địa phương The Daily News Tribune số ra ngày 26 tháng 7/2004, nói về cuộc triển lãm tranh tháng Bảy vừa rồi của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi. Đây là lần triển lãm đầu tiên trong vòng hai năm nay của Nguyễn Trọng Khôi. Lần trước, anh triển lãm tại Waltham. Đúng như nhận định của Purcell, so với những những lần trước, cuộc triển lãm lần này của Nguyễn Trọng Khôi thu đạt nhiều thành quả cả về phương diện tiếng vang lẫn tài chánh. Trong 43 bức trưng bày, anh bán được tất cả 14 tấm, đủ thể loại.

 

Tờ The Daily News Tribune đã cho đi một bài viết khá trân trọng về phòng tranh của anh với 2 bức hình chụp anh đứng trong phòng triển lãm. Xin trích một đoạn khác trong bài báo: “Khi ông bắt đầu vẽ, Nguyễn nói ông không bao giờ biết tác phẩm rồi ra sẽ như thế nào khi hoàn tất. ‘Khi tôi bắt đầu vẽ, tôi không chọn trước màu sắc. Tôi quyết định mọi điều bằng cảm hứng’, ông cho biết. (...) Một trong những bức tranh treo trong phòng tranh chia làm 2 phần. Một bên là một hòn bi giống như những hòn bi mà Nguyễn nhớ là thường chơi hồi còn nhỏ. Bên kia là một người đàn ông, ăn mặc theo kiểu cổ truyền Việt Nam, ngồi trên một chiếc thuyền. ‘Tôi muốn vinh danh đất mẹ của tôi. Mấy năm vừa rồi, tôi suy nghĩ rất nhiều về quê hương tôi’, Nguyễn nói”.

 

Số khách thưởng ngoạn ghé lại khá đông. Sổ lưu niệm ghi lại rất nhiều cảm tưởng của khách, hầu hết là khách Mỹ. “Very provocative & interesting, especially variety in style”, “Evocative, skillful, movingly “true”, ...Nhiều khách ca ngợi tranh tĩnh vật của anh: “Outstanding still lifes. Wonderful, great talent!”, “Wonderful stones! Amazing work!”, “Wonderful display of still life drawings”, “I love the still life of the green apples the best. Awesome, gorgeous!”, “Such beautiful painting, especially love the still lifes”, vân vân.

 

 

Nguyễn Trọng Khôi,

Nước và đá cuội, Oil on Canvas 16 x 20

 

Newton là một thành phố nhỏ, dễ thương, cách xa Boston chừng 15 phút lái xe. Thư viện công cộng Newton nằm trong một khu khá yên tĩnh. Cảm giác đầu tiên khi đi vào phòng tranh là ta đang bước vào một nơi thân quen, gần gũi. Phòng tranh nhỏ nhắn, gọn gàng vừa đủ để chứa gọn 43 tấm tranh. Nói chung, tranh anh mang ra trưng bày lần này khổ nhỏ, gọn. Có tấm chỉ lớn bằng trang giấy thông thường. Đã thế, chỉ có hai loại tranh: phong cảnh và tĩnh vật. Nhìn thoáng một lượt, ai cũng có cảm giác thoải mái. Một góc quảng trường quen thuộc, mặt tiền của một ngôi nhà thờ cổ với cánh cửa đóng kín, một khu vườn cây đầy nắng sáng, một góc vườn sau đẫm chiều vàng, khu rừng thu... Đặc biệt là rất nhiều những đồ vật thân thuộc trong đời sống hàng ngày chung quanh ta. Đó là một thế giới nhỏ bé nằm quanh đời sống mỗi người. Đơn giản, dễ hiểu, rất bạn bè. Tôi muốn nói đến tranh tĩnh vật.

 

Tôi hỏi anh: Trong lần triển lãm mấy năm trước tại Nesto Gallery, The Harvard Graduate School of Education và Waltham, phần lớn tranh anh mang ra trưng bày đều là những tranh trừu tượng. Lần triển lãm này, tranh chỉ có 2 loại: phong cảnh và tĩnh vật, nhất là tĩnh vật. Có sự thay đổi trong quan niệm sáng tác hay anh chìu theo thị hiếu của người thưởng ngoạn

 

Nguyễn Trọng Khôi: Như đã nhiều lần tôi trình bày, hiện nay tôi vẵn đang theo đuổi hai thể loại đó là Hiện thực và Trừu tượng nhưng không đặt trọng tâm vào một đề tài nào. (Thí dụ như chỉ vẽ về đồ gốm...) Tôi không chủ trương chạy theo thị hiếu trên thị trường, vì tôi không muốn tự đánh mất mình. Tôi trưng bày tranh ở thư viện Waltham như một cách làm quen với địa phương mình sinh sống. Với diện tích 6 x 12 feet tôi chỉ treo được khoảng 7 tấm tranh nhỏ. Không có chủ định tổ chức như một “Exhibition” thực sự.

Nếu xem tranh trừu tượng cho ta cái cảm giác phiêu lưu vào một vùng đất vô định, đầy bí hiểm, trắc trở (và lắm khi vô niệm) thì xem tranh tĩnh vật cho ta cái cảm giác đơn giản, đạm bạc y như được trở về lại một góc nhà thời thơ ấu, tìm thấy lại những vật quá đỗi thân tình, quá đỗi kỷ niệm: cái chổi, chai rượu, bình hoa, trái cây, cuốn sách, rồi nào là những chai, lọ, thẩu, khạp, đá sỏi, hoa trái. Đó là những thứ đắc dụng trong đời sống nhưng chúng bình thường quá, thân quen quá đến nỗi hầu như bị bỏ quên, nhất là khi đời sống càng ngày càng bị vây bủa bởi những tiến bộ kỹ thuật. Quanh ta, chúng luôn luôn có đó, lặng lẽ, an phận, tưởng như đời đời vẫn thế. Lúc cần, ta dùng chúng. Dùng xong, quên. Chúng ta nâng niu cái computer, nâng niu cái truyền hình chẳng hạn, nhưng mấy ai nâng niu cái lọ, cái chai hay trái táo, trái chuối. Ta ngắm hoàng hôn, ngắm trăng lên, nhìn trời mây, xem truyền hình, đọc sách... mấy ai đi ngắm nghía những ống điếu, cái tách, lọ hoa, cái khạp cũ hay những viên sỏI nằm lăn lóc một góc phòng.

 

Nguyễn Trọng Khôi – Tĩnh vật với đồ gốm

Oil on Canvas 16 x 20

 

Trong văn chương, thế giới đồ vật thường là thế giới bị bỏ quên. Người ta chăm chút diễn tả những trạng thái tâm lý này nọ, chăm chút tả cảnh, tả người. Mấy ai chăm chút tả trái cam, bình hoa, nói gì đến tả mấy cái thẩu, cái lọ, khúc củi khô hay vài viên sỏi. Thì cũng phải thôi. Bản thân chúng có vẻ như không có mấy văn chương, nên khó lòng gợI trí tò mò của người đọc. May là có hội họa. Và may là có tranh tĩnh vật. (Cũng cần lưu ý: trong tiếng Anh, tranh tĩnh vật là still life, số nhiều là still lifes, để phân biệt với lives dùng trong các nghĩa khác). Dẫu vậy, từ xưa, ở châu Âu, người ta không mấy xem trọng lốI vẽ này. Xuất phát từ thời Phục hưng (Renaissance) như một loại vẽ riêng biệt, chúng bị xem là tầm thường. Những người vẽ tĩnh vật được nhìn như những người lính chân đất trong đạo quân nghệ thuật, thiếu tính sáng tạo, chỉ lấy cái khéo tay làm đầu. Nhưng đến thế kỷ thứ 17 thì lối vẽ này lại được giới thưởng ngoạn ưa chuộng và nhờ thế, trảI qua một thời kỳ vàng son suốt thế kỷ thứ 17 đến đầu thế kỷ 18, đặc biệt là ở Netherlands (Hòa Lan), nhờ các chuyển biến về kinh tế đưa đến sự thay đổi trong cách thưởng thức nghệ thuật. Thời kỳ này, xuất hiện một giai cấp trung lưu giàu có, gồm nhiều người biết sưu tập các tác phẩm nghệ thuật. Họ muốn chứng tỏ rằng đầu óc thẩm mỹ không chỉ là độc quyền của những người thuộc giai cấp quý tộc, tức là thành phần thượng lưu trong xã hội. Những người mới nhô lên này thưởng ngoạn nghệ thuật theo cách của họ. Họ ít quan tâm đến các hình tượng tôn giáo mà chú trọng đến những sự vật trần tục, tầm thường, cụ thể trong đời sống hàng ngày. Do đó mà có từ stilleven, tiếng Hòa Lan, có nghĩa là still life, tranh tĩnh vật.

 

Tranh tĩnh vật là những bức tranh vẽ những vật vô tri vô giác (inanimate objects) gồm những vật dụng trong đời sống gia đình hàng ngày như hoa, trái cây, rau quả, đồ sành sứ, đồ gốm đủ loại như chai, lọ, thẩu... với một sự sắp xếp cân đối về màu sắc, ánh sáng và bố cục. Tuy là bất động nhưng chúng nhắc nhở chúng ta về sự chóng qua, về tính cách phù du của đời sống. Hầu như họa sĩ nào, không ít thì nhiều, đều có vẽ tranh tĩnh vật. Paul Cézanne, một danh họa Pháp chẳng hạn, là người nổi tiếng nhất về thể tranh tĩnh vật. “Cézanne đã tạo nên một sinh vật từ một tách trà, hay nói đúng hơn trong một tách trà, ông nhận ra sự hiện hữu của cái gì đó sống động. Ông đã nâng dậy tĩnh vật lên đến độ nó không còn vô tri vô giác nữa. Ông vẽ đồ vật như thể vẽ con người bởi vì ông được ban cho cái khả năng thiên phú trực nhận được sự sống bên trong của mọi vật” [1] . Đó là nhận định của họa sĩ Nga Wassily Kandinsky (1866-1944) về tranh tĩnh vật Cézanne.

 

Tùy theo trường phái, mỗi họa sĩ có một cách vẽ tranh tĩnh vật khác nhau. Tháng 11 năm 2001, Viện bảo tàng nghệ thuật Boston (Museum of Fine Arts) đã tổ chức một đợt triển lãm toàn tranh tĩnh vật gọi là “Impressionist Still Life” với 92 bức gồm tranh của nhiều họa sĩ nổi tiếng của hội họa thế giới, từ Manet, Gauguin, Monet đến van Gogh, Cézanne, Degas, Renoir, Courbet, vân vân. Các tác phẩm trưng bày được mượn từ các bộ sưu tập cá nhân cũng như công cộng vòng quanh thế giới, cho thấy một sự phát triển và chuyển biến của tranh tĩnh vật từ chủ nghĩa hiện thực của Courbet đến những tác phẩm sau cùng của Cézanne vốn báo trước cho khuynh hướng lập thể sau này của Braque và Picasso.

 

Trở lại với tranh Nguyễn Trọng Khôi. Gần hai phần ba trong số 43 bức tranh là tranh tĩnh vật. Như chủ đề được đặt cho lần triển lãm này, “Reflection from life” – suy gẫm từ đời sống – anh đã tìm cách đưa đời sống vào những sự vật vô hồn. Chai, lọ, thẩu, ống pipe, đá...là những cái gì quá thông thường, tầm thường nữa là khác. Chúng nằm đâu đó quanh ta, nhưng chẳng bao giờ ta để ý. Ở đây, qua cách xử dụng ánh sáng, màu sắc và bố cục của người họa sĩ, chúng trông lạ hẳn. Chúng trở nên sang. Chúng hiện hữu. Chúng bày tỏ.

 

Nguyễn Trọng Khôi , Tĩnh vật đồ gốm – Oil on Canvas 16 x 20

 

Tôi hỏi anh: Theo tôi biết, tranh tĩnh vật chỉ là một cách mô phỏng hoàn toàn hiện thực. Vẽ càng giống với vật chừng nào thì tốt chừng đó, phải không? Vậy theo anh, đâu là tính sáng tạo trong các tranh tĩnh vật của anh?

 

Nguyễn Trọng Khôi: Thật ra không phải vậy. Tĩnh vật cũng là vật mẫu, như người hay cảnh trí...Vẽ giống hay không giống tùy thuộc cách trình bày . Nó giống như một câu nói, cũng bằng đó chữ nhưng có thể trở thành thế này thế kia tùy theo người nói. Cũng bằng đó trái cam, có khăn trải bàn và một vài bình gốm... chúng ta xem đó như một mẫu để vẽ, thế nhưng Cezanne và Monet hay Renoir hay Picasso lại vẽ hoàn toàn khác nhau. Khác nhau bởi mỗi người có một lăng kính riêng. Sự sáng tạo trong tranh tĩnh vật hay bất cứ ở một loại tranh nào đó ở chỗ họa sĩ có thực sự xúc động, có tìm thấy những yếu tố để biến những sự vật thành một đời sống qua lăng kính của mình hay không.

 

Tôi hỏi: Khác với người, các đồ vật thì tự nó không có tâm hồn, không có những biểu cảm tâm lý. Và khác với phong cảnh, chúng chỉ là những vật đơn giản, không nhiều chi tiết. Vậy xúc động đến từ đâu?

 

Nguyễn Trọng Khôi:  Hồn của vật thể được nhìn thấy qua sự rung động của con người. Hồn của sự vật đôi khi còn gắn liền với lịch sử, văn hóa của con người và tích lũy những tinh hoa của con người. Nhờ con người mà vật thể có  phẩn  hồn. Nói chung, con người đã ban cho vật thể một phẩn hồn. Còn xúc động thì đến từ sự nhìn nhận cái đẹp. Không nhận ra được vẻ đẹp của sự vật sẽ không thấy xúc động. Khi sự vật được đem vào tác phẩm, tự nó đã có đời sống và tự nó chi phối những người chấp nhận nó.

 

Quả vậy, từ những vật tầm thường, người họa sĩ cho chúng không gian, cho chúng thời gian. Không những cho chúng một chỗ đứng, chỗ nằm mà còn cho chúng một vị trí gắn liền với cuộc sống. Từ đó, chúng quan hệ với nhau và quan hệ với “cuộc đời”. Những hòn sỏi “nằm” bên cái ly nước, bên cạnh những chiếc thẩu, một chai rượu “đứng” bên cạnh cuốn sách cũ, cái thẩu nhỏ “ngồI” bên cái thẩu lớn, cái ống điếu “nằm” bên cuốn sách và hòn sỏi...Không gian thật đơn giản: một góc phòng, một kệ đá, một chiếc bàn nhỏ, một góc nhà ẩm thấp, một nền nhà cũ kỹ, loang lổ, một cái tường gạch... Sống động nhất là ánh sáng. Trong tranh tĩnh vật, rõ ràng là ánh sáng đóng một vai trò chính yếu. Nó cho sự vật cung cách tồn tại. Nó quét lên chúng dấu ấn thời gian. Nó chiếu rọi xuống những ngóc ngách ẩn dấu của sự vật. Nếu ánh sáng trong bức số 13 với bình rượu nguyên, mấy cuốn sách cũ, mặt bàn bóng loáng... cho ta cái cảm giác sang cả hay bức #34 với cốc nước trong vắt nằm bên cạnh chiếc khăn với một nhóm sỏi sạch trưng cho ta cảm giác tinh khiết, trong trẻo, thì bức #13 và #28 – nhất là bức #28 – cho ta cảm giác một cái gì u uất, buồn thảm, một cái gì tàn tạ, bị bỏ quên. Ở đây, ánh sáng như tình cờ lọt qua một liếp cửa khép hờ tạo nên một màu “đỏ chạch”, làm nổi bật lên những nếp nhăn, những gờ, những vết sần sùi, lốm đốm trên những chiếc thẩu hay những vết nhăn nhúm trên viên sỏi. Ly nước, với bông hoa nằm trong một chiếc khăn vàng nhợt nhạt bên cạnh mấy viên sỏi lẻ loi trong bức #31 đổ bóng xuống mặt bàn cho ta cảm giác bâng khuâng, trong lúc bức #33 với con kỳ lân đất và những trái lựu đỏ lại cho ta cảm giác cổ xưa, y như dấu tích còn sót lại của một ai đó đã khuất.

 

 

Nguyễn Trọng Khôi, Tĩnh vật đồ gốm

 

Hãy nhìn tấm tranh #29: một “bầy” đồ gốm khá đa dạng: bình, lọ, thẩu tụ lại với nhau. Chúng chia sẻ một không gian buồn: cái nền nhà cũ, rạn nứt, phôi pha. Cái nhỏ, cái lớn, cái méo, cái tròn, có cái bị móp, để bày ra một khoảng trống. Buồn cườI nhất là mấy cái “miệng”. Chúng há ra, mỗi cái bày tỏ một “thái độ” khác nhau. Một bày tỏ vô vị, nhạt nhẽo, nhưng nghệỉ thuật. Tấm #31 khác hơn. Có vẻ lãng mạn. Bông hoa, chiếc bình nhỏ, mấy viên sỏI lặng lẽ. Tất cả đổ bóng trên mặt bàn màu vàng nhạt. Đơn giản và đạm bạc. Một bàn tay ai đó đã khẽ khàng cắm một bông hoa rồI lặng lẽ... ra đi chăng?

 

Tôi hỏi: Tôi thích các tranh tĩnh vật. Vì tuy tĩnh, nhưng chúng mang nhiều ý nghĩa, đôi khi còn ý nghĩa hơn các tranh trừu tượng, dù trong các tranh trừu tượng, người nghệ sĩ thường nỗ lực nhiều hơn, tìm tòi nhiều hơn. Đó là về mặt người xem tranh. Riêng anh, anh có nhận xét gì về điều đó?

 

Nguyễn Trọng Khôi: Mọi sự vật được trình bày trên tác phẩm đều bắt nguồn từ rung động. Thêm một thí dụ hết sức dung dị: khi tôi vẽ những viên đá cuội, trước hết chỉ có tôi thấy những yếu tố nào gợi cho tôi những cảm xúc. Khi tác phẩm hoàn thành, người xem được truyền những cái đẹp mà trước đó không bao giờ nghĩ tới, hay lúc xem tranh bỗng nhiên bắt gặp một đồng cảm, cơn xúc động được nhân lên.

Loại tranh vẽ từ vật mẫu trong phần diễn tả có lợi điểm hơn vì họa sĩ biết mình bắt đầu từ đâu. Tranh trừu tượng bắt đầu từ chỗ không có gì, nhưng lại lợi hơn tranh vẽ có vật mẫu ở chỗ rộng đường, không có giới hạn. Tranh vẽ theo vật mẫu thường được đông đảo giới thưởng lãm thích tức khắc ở chỗ công phu khéo léo hay những ý tứ được họa sĩ lồng vào. Thật ra đây mới chỉ là phần thân xác. Tranh trừu tượng thường bị suy diễn, áp đặt những liên quan hình ảnh mà bản chất thể loại không có. Người ta ít để ý đến không gian được trình bày như một thế giới riêng, một thế giới mới.

 

 

Nguyễn Trọng Khôi, Đá cuội  - Oil on Canvas 24 x 30

 

Ở phòng vẽ của Nguyễn Trọng Khôi (đúng hơn là cái ga-ra xe), bên cạnh không biết cơ man nào là giấy, bìa, màu, kềm, dao, kéo, tranh lỡ dở, bút, vảI, khung... là đủ thứ vật mẫu mà anh “sưu tập”: đá, sỏI, ống điếu, ly, tách, chậu, thẩu, lọ, chai, sách cũ, hoa. Nhiều cái sét, rỉ, vỡ, sứt, bụI bặm bám đầy. Mỗi lần đến uống rượu với anh, tôi thấy chúng nằm đó, một đống vô nghĩa. Bây giờ ở đây, chúng biến dạng. Thì vẫn là chúng. Cũng hình dáng đó, cũng những cái miệng, cái quai, cái gáy, cái nắp đó, cũng những viên, những hòn, cái to cái nhỏ, cái tròn cái méo đó. Nhưng chúng đâm ra khác. Y như chúng có dấu đàng sau một cái gì.

 

Tôi hỏi: Nhiều tranh tĩnh vật của anh vẽ, khách thú vị nhất là sự “rất giống” với sự vật. Có gì mâu thuẫn giữa chuyện vẽ “rất giống” với “biến chúng thành đời sống qua lăng kính của mình”?

 

Nguyễn Trọng Khôi: Như đã trình bày ở trên, giống hay không giống không quan trọng. Cái quan trọng là anh có sáng tạo được một không gian, trong đó chứa những cảm xúc của anh để có thể tạo nên mốI giao cảm đến người xem. Điều hấp dẫn người thưởng lãm nhanh chóng trước khi vào thế giới của anh để chiêm ngưỡng, đó là hình thức thu hút. Trong tác phẩm vẽ với vật mẫu chúng ta đặt ra một nghi vấn về sự giống hay không, như vậy trong tác phẩm vẽ trừu tượng sẽ nói sao về sự giống?

 

Tranh tĩnh vật thường được vẽ mô phỏng từ vật có thật, từ những vật dụng mà ai cũng có thể đôi ba lần bắt gặp. Nhưng anh thấy hình như chúng nói gì đó rất nhiều. Đó là do cảm xúc truyền đi từ những tiêu điểm mà họa sĩ đặc tả trên tác phẩm. Những nhận thức vô hình đã gây hiệu quả đến người thưởng lãm. Vì vậy phần chúng ta có thể nhìn thấy như trái cam, viên đá cuội.... nó vẫn là những sự vật sờ mó được.

 

Phần kia là phần chính của hội họa. Hội họa là trừu tượng.

 

Tôi hỏi: Nói vậy có nghĩa là anh cho rằng, dù cách gì đi nữa, hội họa rốt cuộc vẫn là trừu tượng?

 

Nguyễn trọng Khôi: Đúng vậy! Tinh thần của hội họa là trừu tượng còn dùng hội họa để vẽ những gì lại là điều khác.

 

Tôi hỏi: “Những tiêu điểm mà họa sĩ đặc tả trên tác phẩm”, anh muốn nói đến cái gì?

 

Nguyễn Trọng Khôi: Thật đơn giản.Tiêu điểm chỉ là những chỗ cần chú tâm để vẽ hay những hướng chính yếu của sự vật mà họa sĩ tìm thấy trên vật mẫu hay trên phong cảnh. Một tác phẩm không chỉ quan trọng có ánh sáng mà thôi. Tác phẩm hội họa được thành hình ít nhất với 3 yếu tố: ánh sáng, màu sắc và bố cục.

 

Tôi hỏi: Ánh sáng và màu sắc thì OK, nhìn vào là hiểu được ngay. Nhưng bố cục trong một bức tranh tĩnh vật là thế nào? Đó là quy luật hay sáng tạo?

 

Nguyễn Trọng Khôi: Bố cục hiểu theo nghĩa chính xác của nó. Đó là sự sắp đặt vật mẫu, bài trí sao cho đẹp mắt tùy vào cách nhìn của họa sĩ. Trong cảnh trí thiên nhiên, bố cục đã có sẵn. Tuy nhiên vẫn đòi hỏi họa sĩ phải tìm ra góc độ đẹp. Người ta có đặt ra vài tiêu chuẩn cho bố cục căn bản như: bố cục trung tâm, bố cục zích zắc, bố cục cân đốI và không cân đối... Ngày nay nhiều họa sĩ đã phá bỏ những cách bố cục căn bản đó để đi tìm cho mình một bố cục riêng. Trong hội họa, không đặt quy luật bố cục nào cho tác phẩm. Nhưng nó thật sự cần thiết để tạo hiệu quả không gian cho tác phẩm. Bố cục nằm trong sự sáng tạo của họa sĩ.

 

Một trong những nét tiêu biểu trong tranh tĩnh vật Nguyễn Trọng Khôi là tính cách bị bỏ quên của các đồ vật. Chúng nằm lạc lõng ở một góc phòng, góc tường hay trên nền nhà loang lổ. Chúng hư hỏng, vô dụng.

 

Tôi hỏi: Một số tranh tĩnh vật của anh vẽ những đồ vật (có vẻ) như bị bỏ quên. Điều đó có ý nghĩa gì?

 

Nguyễn Trọng Khôi: Những vật như bị bỏ quên. Cụm từ này tự nó đã gây nên xúc động. Những đồ vật tôi vẽ là những vật đã từng có thời gian, nghĩa là nó cũng đã có những số phận khác nhau. Có những đồ vật có số phận như con người theo thời gian rồI tan loãng vào hư vô. Có ngậm ngùi trong quá trình tồn tại. Có hư hao trong cuộc sống nổi trôi. Tôi tìm thấy những nét đẹp trong sự trui rèn của cuộc đời. Một viên đá cuộI đứng giữa khoảng không mênh mông như một bi kịch tráng lệ. Tôi yêu cuộc sống đã đi qua. Cuộc sống đi qua là một kỷ niệm không tìm lại được. Trong lòng chúng ta thường dấy lên xót xa về những mất mát. Tuy nhiên bản chất phiền muộn đó bỗng nhiên trở thành những nỗi nhớ êm đềm, theo ngày tháng, chúng được gạn lọc biến dần thành cái đẹp nằm trong tiềm thức. Hãy để một vật mẫu lên bàn. Ngắm nó với cái nhìn thân thiện. Đừng dùng cây cọ của Cézanne, của Paul Gauguin, của Van Gogh hay của Picasso. Hãy dùng chính cây cọ của anh để vẽ vật mẫu bằng tất cả đam mê, thích thú. Như thế anh đã thổi vào vật mẫu một sự sống rồi.

 

Tôi hỏi: Có lẽ vì thế mà nhà danh họa Edouard Manet (1832-1883) phát biểu về tranh tĩnh vật: “Với trái cây hoặc hoa, một họa sĩ có thể diễn tả tất cả những gì anh ta muốn”. [2] Có gì quá đáng trong nhận xét đó, theo anh?

 

Nguyễn Trọng Khôi: Một nhận xét bình thường, theo tôi. Thế giới của Edouard Manet là thế giới của an nhàn, đầy đủ thảnh thơi. Phần lớn tác phẩm của ông lấy những đề tài chan chứa niềm vui hạnh phúc. Rất ít tác phẩm mang tính chất khốc liệt như đã có lần ông vẽ về cuộc xử bắn những người Tây-ban-nha (năm 1867) mà ông cảm tác từ tác phẩm “Ngày 3 tháng Năm” của Goya (năm 1814). Tĩnh vật hoa trái là một đề tài bình dị. Đứng trước một mẫu tĩnh vật, bạn sẽ không phải đắn đo, suy nghĩ. Ở đó có đầy đủ những yếu tố như màu sắc, đường nét và ánh sáng để hoàn thành tác phẩm.

 

Nguyễn Trọng Khôi : Đúng. Bình dị! Tranh tĩnh vật đưa ta về lại những góc nhỏ khuất lấp, đơn giản. Nơi ta có thể tìm thấy mỗi một sự vật đều có gắn liền với bản thân chúng ta. Y như một phần của chúng ta. Thân thiện, ấm cúng, quấn quýt. Nơi ta có thể bắt gặp lại chút hồn nhiên của cuộc sống mà bao đa đoan danh phận đã cướp mất hồi nào.

 

Cám ơn những hoa, trái, những thẩu, những lọ, những chai, những khạp, những viên sỏi. Cám ơn những tầm thường, những vô danh đã góp phần làm nên từng phiến nhỏ cuộc đời để có lúc hồi đầu tưởng nhớ. Dù chỉ để.. rồi thôi!

 

(8/2004)

 

ẹ 2004 talawas

 

 

[1]"Cézanne made a living thing out of a teacup, or rather in a teacup he realized the existence of something alive. He raised still life to such a point that it ceased to be inanimate. He painted these things as he painted human beings, because he was endowed with the gift of divining the inner life in everything” (http://www.artlex.com/ArtLex/s/still-life.html)

[2]“A painter can express all the things he wants with fruit or flowers”