HanhTrinhPTANga

Thần Anubis và hành trình đi về thế giới bên kia

Khi được hỏi về tình trạng sức khỏe của mình, người Ai Cập cổ thường chỉ có một cách trả lời: "Hôm nay tôi khỏe, ngày mai thì tùy thuộc vào thần linh". Nền văn minh cổ Ai Cập gắn bó rất chặt chẽ với tôn giáo, và số lượng lớn các thần linh trong đó có Thần Anubis, vị thần đầu chó rừng được xem như vị thần sáng chế ra kỹ thuật tẩm hương thơm và chủ trì cho toàn bộ công việc ướp xác, cùng đồng hành với người chết đi sang thế giới bên kia.

 

Cái chết và cuộc sống ở thế giới bên kia

Ước mong của mỗi một người Ai Cập là, sau khi sống mạnh khỏe đến tuổi 110 ở trần thế, sẽ được thờ phụng khi bước sang thế giới bên kia. Người quá cố muốn được những con bò kéo trên một chiếc xe tang đến tận ngôi mộ đã được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo của mình về hướng Phương Tây, với những nghi thức tang lễ và rưới rượu, và có những thân bằng quyến thuộc đưa tiễn. Những câu chữ và hình khắc họa trên đá, phía trước và bên trong ngôi mộ, phải tôn vinh đến muôn đời những kỳ tích kiên cường mà kẻ quá cố đã đạt được ở cõi trần, và khích lệ người qua đường quan tâm niệm câu thần chú sau: "Cầu cho nhà vua hiến lễ cho Osiris, Chúa tể của Abydos1 và Chủ nhân của nghĩa trang, để ngài ban nghìn bánh mì và chum bia, nghìn bò và ngỗng, vải lanh ướp xác và thuốc dẻo tẩm hương thơm, và một nghìn những thứ tốt lành tinh khiết, cần cho cuộc sống của các thần linh, tất cả sản phẩm của trái đất và sự dồi dào của sông nước, ban cho linh hồn-Kâ của X, xin được chứng giám". Cũng có những câu chữ khắc họa còn trực tiếp hơn như sau: "Ngươi là kẻ đang sống ở cõi trần và đi qua ngôi mộ này, bởi vì ngươi yêu cuộc sống và căm ghét cái chết, nếu ngươi muốn thành đạt và được cấp trên khen tụng, nếu ngươi muốn sống để nhìn thấy con trai ngươi hành nghề của ngươi và được nâng bậc cao hơn, ngươi phải niệm câu thần chú. Nếu ngươi đến ngôi mộ này với ý định tốt, thì xin mời. Nhưng nếu ngươi đến đây để phá hủy hay nguyền rủa, thì bản thân thần Amon sẽ bắt ngươi, nữ thần Mout sẽ bắt vợ ngươi và thần Khonsou sẽ bắt con cái ngươi, cho đến muôn đời".

Đối với người Ai Cập, cái chết chỉ là một sự chuyển hóa đơn giản (nhưng khó khăn) từ dạng tồn tại này sang một dạng tồn tại khác, và dạng tồn tại mới này tuyệt vời và thỏa lòng đến mức những thành phần cấu tạo nên con người vừa mới qua đời phải được đảm bảo an toàn và được bổ sung bằng những phương tiện thích đáng để anh ta có thể tiếp tục tồn tại, và những nghi thức của lễ tang phải được thực hiện đầy đủ. Người Ai Cập quan niệm rằng con người được tạo nên từ những yếu tố là thân xác, kâ (nguyên tắc tạo nên sự sống), linh hồn, bóng và tên, và khi chết, những yếu tố bị tách rời đó cần được quy tụ lại để đảm bảo cho một cuộc sống khác. Xác chết do đó cần được bảo toàn với thời gian. Nghệ thuật ướp xác chính là sinh ra từ đó. Ngày nay, Bảo tàng về Ướp xác ở thành phố Louxor vẫn thường xuyên mở cửa để du khách vào tham quan. Ở đó, trong ánh đèn hiu hắt như trong thế giới cõi âm, người ta có thể theo dõi các công đoạn ướp xác, kỹ thuật ướp, những vật liệu cần thiết cho việc ướp xác và tẩm liệm, chôn cất, cũng như một số sản phẩm xác ướp động vật (mèo, cá sấu...). Ở Bảo tàng Cairo, du khách cũng có thể tận mắt nhìn thấy xác ướp của người.

Hiện tượng chuyển dịch hàng ngày của mặt trời tạo cho người Ai Cập niềm hy vọng về một cuộc sống khác sau khi chết. Mặt trời há chẳng chết đi mỗi chiều tối để lại chói sáng vào sáng hôm sau, trẻ trung và mạnh mẽ trở lại đó sao? Do số phận của vua Ai Cập gắn liền với thần mặt trời, trong khi sống cũng như trong cái chết, nên nhà vua không phải e ngại về nguy cơ bị rơi vào tình trạng "không tồn tại". Và bởi triều thần cũng có trách nhiệm phục vụ cho nhà vua ở thế giới bên kia, cũng như họ đã làm ở trần thế, nên họ cũng có quyền hy vọng sẽ sống còn sau khi chết. Theo dòng thời gian, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, niềm tin vào sự phục sinh và một cuộc sống sau khi chết đã tiến dần xuống những bậc thang thấp hơn trong xã hội và chiếm lĩnh đời sống tâm linh của toàn bộ dân chúng.

Để có cơ may sống còn sau khi chết, mỗi cá nhân phải chuẩn bị cho cái chết của mình. Người Ai Cập biết rằng trái tim của người chết (nơi ngự trị mọi ý tưởng và tình cảm) phải được đem đi cân, theo những chuẩn mực nghiêm ngặt của thần Maât (luật về những hành xử đạo đức phù hợp với mong muốn của các thần linh và những chỉ dụ của nhà vua). Anh ta phải là người đức hạnh và trong sáng để có thể được thần Thot "chứng thực", và được phép đi đến vương quốc của thần Osiris.

Những kẻ có hành xử đạo đức không tốt thì tìm cách náu mình trong ma thuật. Một con bọ hung được đặt trên ngực người chết với nhiệm vụ che giấu công thức xưng tội, nhằm ngăn chặn không để cho trái tim người quá cố đưa ra một chứng cứ không có lợi nào vào ngày phán xét. Xác ướp phải được bảo vệ một cách chắc chắn. Vì vậy phải có một mộ phần bằng đá hơn là bằng đất, hay tốt hơn cả là được khoét trong một tảng đá còn nguyên. Thông thường mộ phần được chuẩn bị ngay từ khi chủ nhân của nó vẫn còn sống. Phần lớn những ngôi mộ tư nhân thời Cựu Vương triều là những lăng mộ được gọi là "mastaba" có hình kim tự tháp đứt đoạn, trong khi những ngôi mộ vua chúa lại là những kim tự tháp bắt đầu có vào thời Trung Vương triều. Các hầm mộ gia tộc thì thịnh hành từ thời Tân Vương triều. Các vị pharaon đầu tiên được chôn cất trong những kim tự tháp (nổi tiếng nhất là những kim tự tháp Giza, trong đó đặc biệt hơn cả là kim tự tháp mang tên Khéops). Các pharaon "thế hệ mới" lại chọn cho mình những ngôi mộ nằm sâu trong lòng đất (hypogée) được đào trong một "ouadi" (hay "wadi") ở vùng sa mạc phía tây của thành Thèbes, có tên gọi là "Thung lũng các Vị Vua" (Vallée des Rois). Vợ và con của họ được chôn cất ở một "ouadi" ở gần đó, nhưng ít nổi tiếng hơn, gọi là "Thung lũng các Bà Hoàng" (Vallée des Reines).

Việc tẩm hương được những người chuyên nghiệp đảm nhiệm. Công việc chính thức kéo dài bảy mươi ngày. Trong thời gian đó người quá cố được moi ruột ra và được ngâm trong một dung dịch có tác dụng loại nước. Sau đó, người ta nhồi vào những chỗ trũng những hương liệu và các loại thuốc dẻo mau khô (onguent siccatif). Cuối cùng xác chết được bọc trong rất nhiều lớp băng quấn bằng lanh trắng phủ thạch cao, nhựa và chất bitum. Những tấm bùa được chèn vào giữa các lớp băng, để bảo vệ từng phần, từng cơ quan của cơ thể người quá cố. Một tấm mặt nạ dành cho người quá cố được phủ lên phần đầu đã quấn băng.

Bốn chiếc bình di hài (vase canope) được dùng để đựng nội tạng đã được làm khô và được xếp vào trong một cái hộp đặt trong phòng mộ chính. Nắp các bình di hài có hình đầu người hoặc, về sau này, hình các con trai của thần Horus: chim cắt, người, khỉ đầu chó và chó rừng.

Sau khi làm khô trái tim, người ta trả nó về chỗ cũ. Chỉ ở những công đoạn sau cùng bộ não mới được rút ra khỏi đầu qua đường mũi.

Xác ướp được đặt trên một chiếc xe tang kéo, với những con bò được đóng vào xe để kéo, và được trịnh trọng đưa đến ngôi mộ giữa những tiếng ca hát, than khóc và khói hương nghi ngút. Gia đình, bằng hữu đi theo xác ướp, mang theo những vật dụng của người quá cố cần thiết cho cuộc sống ở thế giới bên kia. Ngôi mộ đã có sẵn những đồ đạc nặng, những áo quan và quách. Trong đoàn đưa tang có cả những phụ nữ khóc thuê. Trước lối vào lăng mộ, một vị tu sĩ hay người thừa kế của kẻ quá cố thực hiện những nghi thức cuối cùng. Nghi thức quan trọng hơn cả là việc "khai khẩu" (mở miệng), thể hiện ở thao tác chạm vào những bộ phận liên quan đến các giác quan, trên mặt nạ của kẻ quá cố (miệng, mũi, mắt và tai) với một bộ vật dụng bằng đá lửa và đồng, đồng thời niệm những câu thần chú để dùng ma thuật phục hồi các giác quan cho người chết.

Xác ướp được phủ đầy các vòng hoa, và cuối cùng được đặt vào trong một hay nhiều chiếc quan tài, và lăng mộ được niêm phong lại. Bên ngoài, một bữa cơm vội vàng được dọn ra để tưởng nhớ người đã khuất, và những thức ăn còn thừa được chôn bên cạnh, cùng với những gì còn lại của quá trình ướp xác.

Hành trình về đến vương quốc của thần Osiris thật phức tạp và đầy hiểm nguy nên không thể không lắng nghe những lời khuyên bảo thích hợp, bởi cần thiết phải tránh những phần tử xấu và những kẻ canh giữ có vũ trang đáng sợ. "Tử thư" hay "Cuốn sách của Những Người Chết" (Livre des Morts) cung cấp cho người qua đời những lời chỉ dẫn và những công thức ma thuật cho phép vượt qua những khó khăn đó. Kể từ thời Tân Vương triều, cuộn giấy papyrus đó trở thành một thành phần cốt yếu trong việc trang bị lăng mộ. Nó bao gồm những văn bản và biểu tượng họa đồ, cũng như tên và chức danh của người quá cố. Vào khoảng cuối Cựu Vương Triều, một bản hướng dẫn về thế giới bên kia, cổ xưa hơn nhưng về cơ bản là tương tự như thế, cũng đã được sử dụng trong những ngôi mộ vua chúa (kim tự tháp), nhưng dưới dạng những chữ viết hiéroglyphe được khắc họa và vẽ trên tường các phòng bên trong.

Thuyền, vốn là một phương tiện di chuyển hết sức thông dụng của người Ai Cập, cũng được xem là phương tiện đi lại của thần linh (các thuyền thiêng). Ngay cả trên mặt đất, thần linh cũng có thể đi lại bằng thuyền, và những chiếc thuyền này được các vị tu sĩ gánh trên vai. Vua cũng di chuyển bằng thuyền. Khi qua đời, kẻ quá cố sẽ được chuyên chở qua bờ Tây của dòng sông Nile trong những chiếc thuyền tang, và ở thế giới bên kia, họ cũng dùng thuyền để đi đến xứ sở Abydos của Osiris, cũng như để di chuyển ở những vùng sông nước bên trong xứ sở đó.

Ngay cả ở thế giới bên kia, kẻ quá cố được xem như vẫn phải tiến hành những công việc tay chân nặng nhọc nếu như thần linh buộc họ phải làm, như quét dọn những lòng kênh tắc nghẽn, chuyên chở cát qua sông... Để thoát khỏi những lao dịch đó mà không mắc phải tội khước từ ý thần linh, một hình nhân người quá cố, được gọi là "oushabti", được đặt trong ngôi mộ. Một công thức ma thuật, được vẽ hay khắc họa trên thân của hình nhân bằng gỗ này, tự động bắt hình nhân nhận lãnh công việc thay cho người quá cố. Những công cụ lao động và một cái túi cũng được vẽ trên tay và trên vai hình nhân.

Gia đình kẻ quá cố có nhiệm vụ thường xuyên thăm viếng ngôi mộ để mang đến thức ăn, tu sửa những hư hỏng, và chăm lo việc thờ phụng.

Với niềm tin vào hiệu ứng ma thuật của những hình ảnh, người Ai Cập phủ lên các bức tường trong ngôi mộ những tác phẩm hội họa, khắc nổi nhiều màu, hay maket ba chiều, với các câu chữ và hình ảnh thể hiện những cảnh trí như hoạt động mỹ nghệ, nông nghiệp cần thiết cho việc sản xuất ra những vật dụng phục vụ cho cuộc sống, như lương thực, đồ dùng trong nhà, y phục, những tấm bùa... Những hình ảnh này chính là những chứng cứ vô giá về cuộc sống hàng ngày của người Ai Cập cổ.

Trong ngôi mộ cũng phải có những bức tượng của người quá cố, được thể hiện một mình hay cùng với những thành viên khác trong gia đình, bởi vì Kâ (nguyên tắc tạo nên sự sống) có thể nhập vào đó. Phần lớn các tác phẩm của nghệ thuật làm tượng tư nhân đã được tìm thấy chính trong các ngôi mộ.

Những hình ảnh được thể hiện trên một bức tường của ngôi mộ cổ của Sennedjem ở Deil el-Medina, gần thung lũng các Vị Vua, (hình 2) cho thấy, từ trên xuống dưới, những nghi thức tuần tự theo thời gian: hai khỉ đầu chó chào đón mặt trời đang mọc trên chiếc thuyền của mình; Sennedjem và vợ đang tôn vinh các vị thần Ré-Horakhty, Osiris, và Ptah; một người con trai của họ đang chèo thuyền và thần Khonsou đang tiến hành thủ tục "khai khẩu" (mở miệng) cho người quá cố; cuối cùng là đôi uyên ương đang lao động trên những cánh đồng của thế giới thiên đường.

Hình 2 - Đi về thế giới bên kia

Thần Anubis, vị thần đầu chó rừng

Anubis là vị thần Ai Cập được thể hiện với hình dạng thân người và đầu chó rừng, cũng có khi là cả đầu và thân đều là của chó rừng như trong trường hợp Anubis đang trong tư thế canh giữ "kho báu" của Tutankhamun (hình 1). Anubis được xem như vị thần sáng chế ra kỹ thuật tẩm hương thơm và chủ trì cho toàn bộ công việc ướp xác, và cùng đồng hành với người chết đi sang thế giới bên kia. Là vị thần chuyên về việc tẩm hương cho xác chết và "cân linh hồn", trước tiên Anubis là nhân vật có nhiệm vụ canh gác các khu nghĩa địa và các ngôi mộ cá nhân, và là bậc thầy của việc tẩy uế. Vị thần đầu chó rừng này được tôn vinh từ thời kỳ đầu của Cựu Vương Triều như một vị thần lớn của những người quá cố, tham gia vào việc phán xét linh hồn. Về sau, Anubis bị Osiris thay thế, nhưng vẫn giữ một vai trò quan trọng ở thế giới bên kia: đó là vị thần của nghệ thuật tẩm hương thơm, và thao tác tẩm hương thơm lần đầu tiên Anubis thực hiện, chính là trên Osiris vừa tạ thế và qua đó đã khiến cho Osiris được hồi sinh trở lại. Về sau, vị thần đầu chó rừng Anubis còn được xem là "kẻ dẫn dắt linh hồn"; và với vai trò này của Anubis, người Hy Lạp đã đồng hóa vị thần này với thần Hermès để tạo ra một nhân vật thần linh pha trộn là Hermanubis.

Du khách tham quan Ai Cập có thể tìm thấy hình ảnh của thần Anubis ở rất nhiều nơi, được khắc họa trên đá hay thể hiện trên các bức vẽ trong các đền thờ, lăng mộ. Sau đây là một vài thí dụ minh họa:

- Anubis ở bức khắc nổi nhiều màu trên đá, với Séthi đệ I. Vị vua này đang nhận từ tay của thần Anubis những chiếc vương trượng tượng trưng cho vương quyền (hình 3).

- Anubis (được thể hiện dưới dạng song đôi và đặt đối xứng) đang che chở cho Sennedjem và vợ trong nghi lễ tôn vinh mười ba vị thần của địa phủ, đứng đầu là Osiris và Ré-Horus (hình 4).

Hình 3 - Anubis và Séthi đệ I

Hình 4 - Anubis trong lăng mộ của Sennedjem

Hình 5 - Anubis, Horus và Osiris

Hình 6 - Anubis và Ramsès III

- Anubis cùng đứng với Horus sau lưng thần Osiris đang ngồi, trong tư thế đón chào vị vua vừa tạ thế, ở hình vẽ trang trí cho ngôi mộ của vua Horemheb (hình 5).

- Anubis cùng với Ramsès III, nhà vua đang mang chiếc mũ không vành màu đỏ. Sau lưng vua là vị hoàng tử trẻ với lọn tóc truyền thống của tuổi vị thành niên, tay cầm chiếc quạt nghi lễ, biểu hiện của vai trò cố vấn cho nhà vua (hình 6).

-         Anubis trong cảnh cân linh hồn của Djet-Khonsou-ioufankh, tu sĩ của Amon và Thot, minh họa cho cuốn "Tử thư" bằng giấy papyrus đặt trong ngôi mộ của người quá cố. Anubis đang chủ trì buổi lễ cân linh hồn. Linh hồn được cân nhưng thay cho quả cân thông thường là một chiếc lông đà điểu, biểu tượng của thần Maât. Thần Thot đang ghi lại kết quả trên một tấm bảng thư lại. Người quá cố đưa tay lên cao nhằm biểu lộ sự ngay thẳng của mình. Nếu trái tim nặng hơn chiếc lông, thì điều đó có nghĩa là người quá cố là một kẻ tội lỗi (hình 7).

Hình 7 - Anubis trong cảnh cân linh hồn

Ngoài ra, những tư liệu còn lưu giữ được cũng cho thấy cảnh ướp xác và tẩm hương thơm cùng những công đoạn và vật liệu được dùng cho việc ướp xác và tẩm liệm. Ở hình 8 là những người làm công việc tẩm hương thơm và những vật dụng cần thiết để chuẩn bị cho người qua đời mang sang thế giới bên kia: 1/Ở công đoạn quấn băng, người phụ trách chính công việc tẩm hương thơm mang mặt nạ hình chó rừng, tượng trưng cho thần Anubis, vị thần bảo vệ cho những người quá cố. 2/Tất cả những thành phần thuộc cơ thể người chết được quấn trong những lớp băng riêng. Ở mỗi công đoạn, người phụ trách việc tẩm hương thơm phải niệm những câu thần chú. Cũng có khi xác ướp được bọc trong một tấm vải liệm. 3/Một số tấm bùa chú mang những hình thù khác nhau được xếp xen vào các lớp băng quấn, với nhiệm vụ bảo vệ từng phần của xác chết, trong đó có những tấm bùa mang hình ảnh thần chó rừng Anubis. 4/Với những kẻ giàu có, xác ướp được đặt vào những lớp áo quan xếp chồng vào nhau được tạo nên từ vải lanh hay giấy papyrus nhúng trong thạch cao, và cuối cùng được đặt trong một cái quách bằng đá; (a)áo quan bên trong thuộc thời Tân Vương Triều, (b)áo quan thời Trung Vương Triều, (c)quách thời Tân Vương Triều. 5/Gan, phổi, dạ dày và lòng được đặt trong những chiếc bình di hài và cất trong một chiếc hộp, bên cạnh quan tài.

Hình 8 - Anubis trong cảnh ướp xác và tẩm hương thơm

Nhưng có lẽ đặc biệt và ấn tượng hơn cả là hình ảnh thần Anubis ngự trên chiếc rương gỗ mạ vàng, ở đó có những hình vẽ biểu trưng của thần Osiris và thần Isis (hình 1). Thần Anubis được thể hiện dưới hình dạng một con chó rừng (cả đầu lẫn thân), một bức tượng làm bằng gỗ, dáng uy nghi, thanh thoát. Cổ, tai và mắt được mạ vàng, nổi bật trên màu đen của cả thân hình đang trong tư thế ngồi. Khi nhà khảo cổ học Carter đã không còn chút hy vọng nào nữa trong việc tìm kiếm của mình, thì ông tình cờ phát hiện ra một bậc cấp bằng đá vôi trong thung lũng các Vị Vua... Ở bậc cấp thứ mười sáu, ông thấy hiện ra một cánh cửa niêm phong với những dấu hiệu của Tutankhamun. Có những vết tích cho thấy ngôi mộ đã bị xâm nhập và sau đó được niêm phong lại. May mắn thay, kẻ trộm chỉ lấy đi vài thứ vặt vãnh. Tấm mặt nạ bằng vàng khối tuyệt vời và lừng danh của Tutankhamun, cũng như tất cả những vật dụng dùng cho việc chôn cất, đều còn y nguyên: ba chiếc quan tài lồng vào nhau (hai bằng gỗ và một bằng vàng) nơi Tutankhamun an nghỉ, được bảo vệ trong một cái quách bằng đá, bốn nhà táng bằng gỗ mạ vàng, được chạm trổ với hình ảnh những tấm bùa, chiếc rương đựng những bình di hài. Một bức tượng của thần Anubis, vị thần cai quản các ngôi mộ, ngồi chễm chệ trên chiếc rương đựng di hài và ngăn lối vào căn phòng ngang, nơi cất giữ phần lớn kho báu đã được chôn cất (hình 9).

 Hình 9 - Anubis trong lăng mộ của Tutankhamun, vào lúc mới được Carter tìm thấy. Được khoát lên mình một tấm vải có diềm, ngồi trên một cái rương gỗ mạ vàng đặt trên một chiếc kiệu, Anubis đang canh giữ kho báu.

Phải chăng ở đây thần Anubis, vị thần mang hình dạng chó rừng của thần dân Ai Cập, vị thần của nghệ thuật tẩm hương thơm và cai quản mộ phần, đã thực hiện một cách xuất sắc nhiệm vụ được giao phó đối với lăng mộ của Tutankhamun, để bảo tồn và lưu giữ những di sản vô giá không những của các vương triều Ai Cập cổ đại, của mọi người dân Ai Cập xưa và nay, mà còn là của toàn nhân loại, từ Đông sang Tây, từ thuở xa xưa cho đến tận muôn đời.

Cũng có thể ở đâu đó Anubis vẫn đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang của mình, ở những lăng mộ, đền thờ cổ xưa nào đó hiện đang bị thời gian, đất cát chôn vùi, mà vài chục năm nữa, hoặc vài trăm năm nữa, thậm chí vào một thời điểm nào xa xôi hơn trong tương lai, nhân loại sẽ có cơ may và diễm phúc cùng nhìn ngắm, thưởng ngoạn, và khâm phục.

Tư liệu nguồn :

- L'Égypte - Histoire et Civilisation, Osiris, Cairo.

- Le Guide du Routard - L'Égypte, Hachette.

- La Vallée des Rois. Guide des meilleurs sites, ML Éditions, Paris, 1996.

--------

Abydos : thành phố thánh của thần Osiris.

Chú thích ảnh trên cùng: Hình 1: Anubis bảo vệ "kho báu" của Tutakhamun

Phạm thị Anh Nga