Chuyện đêm tuyết rơi
Hôm ấy tuyết rơi từ sáng ạ. Chiếc quần phồng may bằng nỉ cho cháu Tsuru vừa xong, nên hôm ấy ở trường về em ghé nhà dì ở Nakano để đưa cho dì, được dì cho hai con mực khô làm quà đem về. Khi về tới ga Kichijouji thì trời đã tối, tuyết đóng dầy đã hơn một thước, mà vẫn còn tiếp tục rơi tầm tã không ngớt. Em đi ủng, nên lại cao hứng, cứ tìm chỗ tuyết đóng thật dầy mà bước lên. Khi đi ngang qua thùng thư gần nhà, em mới biết là mình đã đánh rơi mất mấy con mực khô bọc trong tờ giấy báo cắp bên sườn.
Tuy là đứa đểnh đoảng chậm chạp, nhưng em chưa bao giờ làm rơi vỡ gì cả, thế mà tối hôm ấy, chắc là vì thấy tuyết rơi đóng dầy lên thích quá em đã đi tung tăng, nên mới đánh rơi. Em buồn quá đi mất. Chỉ đánh rơi có mấy con mực khô mà đã tiếc ngẩn ngơ thì thật là phàm phu tục tử, xấu hổ quá. Nhưng đó là vì em muốn đem về làm quà cho chị dâu. Mùa hè năm nay chị sẽ sinh con đấy ạ. Chị bảo là có em bé trong bụng thì hay đói lắm. Là vì phải ăn nhiều gấp đôi, cả phần của em bé trong bụng nữa. Khác với em, chị tươm tất dáng người sang trọng, từ trước đến giờ lúc nào cũng ăn uống cảnh giả, cứ như chim ăn ấy, và chẳng bao giờ ăn quà vặt. Thế mà gần đây chị than ngượng vì hay thấy đói, và chị còn bảo là có khi chợt thấy thèm ăn những thứ lạ lắm cơ. Em còn nhớ là mới đây, sau bữa cơm tối, hai chị em đang dọn dẹp, chị đã thở dài thì thầm là miệng đắng lắm, chỉ muốn ngậm cái gì như mực khô. Vì vậy buổi chiều tình cờ được dì ở Nakano cho hai con mực khô, em hớn hở nghĩ bụng sẽ đem về cho chị, thế mà rồi lại làm rơi mất, nên mới tiu nghỉu.
Em ở với anh và chị dâu, nhà chỉ có ba người. Anh em là văn sĩ, tính nết gàn bướng, đã gần 40 tuổi đầu mà vẫn chẳng có danh tiếng gì, nên cứ nghèo mãi. Anh hay than mệt, thức ngủ thất thường, chỉ được cái hay lý sự, thường kiếm chuyện cằn nhằn mắng mỏ hai chị em em luôn ấy. Nhưng anh chỉ giỏi nói suông thôi, chứ nào có mó tay vào bất cứ việc gì trong nhà đâu, tội nghiệp cho chị dâu em phải cáng đáng cả những việc cần đến sức lực của người đàn ông. Một hôm em tức mình, mới bảo anh rằng:
-Anh ạ, thỉnh thoảng anh hãy thử vác ba lô về quê lùng mua thứ gì như rau cỏ thôi cũng được xem nào. Các ông chồng ở những nhà khác họ đều làm như thế cả thì phải.
Thế là anh phùng mang trợn mắt lên:
-Đồ ngốc. Anh đâu phải là hạng đàn ông bần tiện như thế. Kimiko, (tên chị dâu em) hãy nghe đây, dù cả nhà này sắp chết đói, anh cũng không làm cái trò ti tiện đi lùng mua cái ăn như thế đâu. Em hãy nhớ đấy, đó là niềm tự hào cuối cùng của anh.
Ra thế, nghe thì oai ra phết, nhưng không biết đó là vì nhà nước cấm nên anh ghét những người đi lùng mua thực phẩm, hay chỉ vì lười nên anh ngại khó không chịu làm thế. Cha mẹ em đều là người ở Tokyo, nhưng cha làm công chức tỉnh Yamagata ở miền đông bắc lâu năm, thành ra hai anh em đều sinh ra ở Yamagata. Rồi cha mất cũng ở Yamagata, lúc anh khoảng đôi mươi, em hãy còn bé lắm, mẹ còn phải địu em sau lưng, ba mẹ con dắt díu nhau lại trở về Tokyo, rồi mẹ cũng vừa mới mất hồi năm ngoái. Gia đình em bây giờ chỉ có ba người là hai anh em với chị dâu, chẳng có nơi nào gọi là quê nhà, nên nhà em chẳng được như nhà người ta có cái ăn từ trong quê gửi ra. Anh em lại là người lập dị hầu như chẳng giao du với ai cả, nên không bao giờ có chuyện bất ngờ nhận được thứ gì của ngon vật lạ. Vì vậy, em nghĩ dù chỉ là hai con mực khô, nhưng cũng gọi là có cái làm quà cho chị dâu, chị sẽ vui biết là ngần nào. Cho dù có bị cho là bần tiện cũng mặc, em tiếc hai con mực khô ấy quá, vội quay vòng trở lại, vừa đi vừa tìm suốt dọc con đường tuyết phủ đã đi qua. Nhưng làm sao mà tìm được chứ. Tìm cho thấy bọc giấy báo màu trắng trên con đường ngập tuyết trắng đã khó vô cùng, mà hơn nữa, tuyết vẫn không ngừng rơi, đọng dầy mãi lên. Em đã quay trở lại đến gần ga Kichijouji mà chẳng thấy một mảy may nào. Em thở dài cầm lại chiếc dù, ngửng nhìn bầu trời đêm tăm tối, tuyết như hàng triệu con đom đóm đang quay cuồng bay. Ôi đẹp quá! Em nghĩ bụng. Hàng cây hai bên đường phủ đầy tuyết trên cành đã bị oằn xuống, thỉnh thoảng khẽ rùng mình như vừa cất tiếng thở dài. Em tưởng chừng như mình đang ở trong thế giới thần tiên, quên khuấy chuyện mấy con mực khô. Một ý tưởng kỳ diệu chợt nẩy ra trong lòng. Mình sẽ đem cảnh tuyết đẹp đẽ này về làm quà cho chị dâu. Món quà này hơn hẳn mấy con mực khô biết là chừng nào. Cứ mải nghĩ về chuyện cái ăn, thật là phàm tục. Thật xấu hổ quá.
Đã có lần anh bảo em rằng tròng mắt người ta có thể trữ được phong cảnh. Bằng chứng là cứ đăm đăm nhìn bóng đèn điện một lát rồi nhắm mắt lại, thì vẫn thấy rõ mồn một hình ảnh chiếc bóng đèn điện ấy trên mặt trong của mí mắt, phải không nào? Anh bảo ngày xưa ở Đan Mạch có một truyện cổ tích về chuyện này, và đã kể cho em nghe một mẩu chuyện thật thi vị. Chuyện anh kể bao giờ cũng toàn là những chuyện trên trời dưới đất, không biết đằng nào mà tin được. Thế nhưng chuyện anh kể hôm ấy, cho dù là chuyện bịa do anh đặt ra chăng nữa, em vẫn thấy là một chuyện hay hay đấy ạ.
Truyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, ở Đan Mạch, có một vị y sĩ, khi giải phẫu cơ thể cho một người thủy thủ chết vì bị đắm tàu, đã lấy kính hiển vi soi vào nhãn cầu của anh ta, thì thấy trên võng mạc có in hình ảnh đẹp đẽ cảnh gia đình sum họp. Y sĩ bèn thuật lại cho bạn mình là một nhà văn, tức thì nhà văn này liền giải thích hiện tượng kỳ lạ đó như sau:
Người thủy thủ này bị đắm tàu và đã bị cuốn theo đợt sóng lớn đưa anh ta trôi dạt vào bờ. Chỗ mà anh ra sức cố bám vào được chính là thành cửa sổ của một ngọn hải đăng. Cả mừng, anh toan kêu to lên cầu cứu, thì chợt thấy qua khung cửa sổ quang cảnh trong nhà của gia đình người gác hải đăng, đang rộn ràng sắp sửa bắt đầu bữa cơm tối, tuy chỉ là cơm canh đạm bạc. Anh nghĩ bụng “Ồ, không được, bây giờ nếu mình hét thật to lên mà kêu “ Cứu tôi với”, thì cảnh sum họp của gia đình này sẽ tan nát mất”. Những ngón tay đang bấu chặt vào thành cửa chợt buông lỏng ra, và một đợt sóng lớn ùa tới, đã cuốn đưa thân xác của người thủy thủ ra tận ngoài khơi. Nhà văn đưa ra giải thích cho rằng người thủy thủ ấy quả là một người cao thượng nhân từ nhất trên cõi đời này, vị y sĩ cũng tán đồng, và thế là cả hai đã lo chôn cất người thủy thủ thật chu đáo.
Em muốn tin vào chuyện này. Cho dù về mặt khoa học đó là điều không thể có được, em vẫn muốn tin. Tối hôm trời tuyết, em đã chợt nhớ lại câu chuyện này, bèn in hình cảnh tuyết rơi đẹp đẽ cất vào đáy mắt để đem về nhà. Em định sẽ bảo chị dâu :” Chị ơi, chị hãy thử nhìn vào trong mắt em mà xem. Cho em bé trong bụng sẽ được xinh đẹp”.
Mới hôm trước, khi nghe chị vừa cười vừa dặn:
-Mình hãy dán tranh những hình người đẹp đẽ lên tường trong phòng cho tôi nhé. Vì tôi muốn hàng ngày ngắm tranh ấy để sinh con cho đẹp.
Thì anh cũng nghiêm trang gật đầu bảo:
-Phải rồi, dậy con từ khi còn ở trong bụng là điều quan trọng đấy.
Rồi anh dán lên tường hai bức ảnh mặt nạ tuồng nô cạnh nhau, một bức là ảnh chiếc mặt nạ Magojiro (*)thật đẹp tạc gượng mặt người thiếu phụ, cạnh đó là ảnh chiếc mặt nạ thiếu nữ khả ái. Như thế đã đẹp rồi, nhưng sau đó, hỡi ôi, anh lại dán ngay chính giữa hai bức ảnh ấy thêm tấm ảnh mặt mày cau có của anh, thế là hỏng hết.
Chị dâu em hiền là thế mà cũng không nhịn được, đã phải khẩn khoản xin với anh rằng:
-Mình làm ơn hạ tấm ảnh của mình xuống cho tôi nhờ. Nhìn tấm ảnh ấy thì tôi đến tức ngực mất.
Có thế anh mới bỏ tấm ảnh ấy xuống cho chị. Chị mà cứ phải nhìn ảnh của anh mãi, đứa bé sinh ra không khéo sẽ giống như anh chàng đeo mặt nạ khỉ. Anh của em trông mặt buồn cười lắm, nhưng biết đâu là anh vẫn tưởng rằng mình cũng khá điển trai không chừng. Người chán thế đấy.
Quả thực lúc này chị dâu em đang nghĩ vì đứa con trong bụng, chị chỉ nên ngắm nhìn toàn là những cái đẹp nhất trên đời. Vì vậy, em in hình ảnh tuyết rơi hôm nay vào đáy mắt rồi cho chị xem, chắc hẳn là chị sẽ vui mừng gấp mười mươi, hơn là được làm quà cái thứ mực khô này.
Em bèn bỏ mặc mấy con mực khô, suốt dọc đường về chỉ vừa đi vừa cố nhìn rõ thật nhiều cảnh tuyết rơi đẹp đẽ chung quanh, cố cất cảnh tuyết trắng xóa đẹp đẽ vào không chỉ trong đáy tròng mắt, mà còn cả tận trong đáy lồng ngực. Về tới nhà, em liền gọi chị dâu:
-Chị ơi, chị hãy nhìn vào mắt em, trong đáy mắt em có in đầy phong cảnh đẹp lắm chị ạ.
-Gì thế ? Em làm sao thế?”
Chị dâu em vừa cười vừa đứng lên, đặt tay lên vai em, bảo:
-Mắt em làm sao rồi hả?
-Chị có nhớ đã có lần anh bảo như thế này không nào? Đó là cảnh vật mà mình vừa nhìn thấy vẫn còn sót lại trong đáy mắt, chứ không bị mất đâu.
- Ôi, chuyện gì bố nó kể, chị quên rồi. Đại thể là chuyện bịa ra ấy mà.
-Nhưng riêng chuyện này thì có thật đấy chị ạ. Chỉ riêng chuyện này thôi, em muốn tin lắm. Vì vậy chị ơi, chị hãy nhìn vào mắt em đi. Vì em vừa mới trông thấy bao nhiêu là cảnh tuyết tuyệt đẹp. Chị hãy nhìn vào mắt em đi. Thể nào chị cũng sẽ sinh được một em bé da trắng như tuyết đấy ạ.
Vẻ mặt ra chiều buồn bã, chị lặng lẽ đăm đăm nhìn vào mặt em.
-Này!
Đúng lúc ấy, anh từ trong căn phòng rộng sáu chiếu bên cạnh bước ra, bảo:
-Thay vì nhìn vào mắt chán chết của cái Shunko (tên em), hãy nhìn vào mắt anh đây này, sẽ công hiệu gấp trăm lần đấy.
-Tại sao? Tại sao?
Em thấy anh dễ ghét đến độ chỉ muốn đánh.
-Chị đã bảo là hễ nhìn vào mắt anh thì chị sẽ tức ngực mất, cơ mà.
-Chưa chắc đã thế. Mắt anh là mắt đã nhìn cảnh tuyết đẹp đẽ trong suốt hai mươi năm. Vì anh đã sống ở Yamagata mãi cho đến độ tuổi đôi mươi.
Shunko chưa đến tuổi nhớ được gì thì đã lên Tokyo rồi, có biết cảnh tuyết tuyệt đẹp ở Yamagata đâu, nên vừa thấy cảnh tuyết rơi mới có một tí ở Tokyo đã kêu ầm cả lên. Mắt anh ấy à, đã được trông thấy nhiều cảnh tuyết đẹp hơn thế, nhiều gấp trăm nghìn lần, nhiều đến phát ngấy lên được ấy chứ. Vì thế, nói gì thì nói, mắt anh vẫn hơn hẳn mắt Shunko.
Em tức quá suýt khóc òa lên mà xem, thì đúng lúc ấy, chị dâu đã đỡ lời cho em. Chị mỉm cười khẽ bảo:
-Nhưng mắt của bố tuy đã nhìn thấy cảnh đẹp nhiều gấp trăm nghìn lần, xong cũng là mắt đã nhìn thấy những cái xấu cũng nhiều gấp trăm nghìn lần.
-A!...Phải rồi, đúng rồi. Cái xấu vẫn nhiều hơn hẳn cái tốt. Nên mắt mới vàng khè, đục ngầu như thế đấy!
-Hừ, hỗn láo!
Anh vùng vằng giận dỗi, rút lui vào căn phòng sáu chiếu bên cạnh.
Nguyên tác :“Yuki no yoru no hanashi”của Dazai Osamu
(Tháng 5 năm 1944)
Quỳnh Chi dịch (2/4/2014)
Chú thích
(*) Magojiro là tên người thợ tạc mặt nạ tuồng nô, và cũng là tên của chiếc mặt nạ tương truyền đã được tạc theo gương mặt người vợ quá cố của ông.