Thu Thảo
http://golog.nifty.com/archives/images/080910_genji3/01.jpg
Từ ga về nhà Y có hai lối. Khi đi cùng với con thơ Y thường đi đường có trạm xe buýt, vì lối này có vỉa hè rộng rãi. Còn lối đi dọc theo đường rầy không rộng lắm, có đoạn còn không có vỉa hè, người ta chỉ vạch một đường sơn trằng cho xe hơi biết chừng mà nhường đường cho người đi bộ. Thật ra đây là khu phố ở phía trên một triền đồi, xe điện chạy dưới thấp, bên kia đường rầy là một công viên lớn trải dài xuống chân đồi. Nhưng đi theo lối này có thể nhìn được bầu trời thoáng đãng không có nhà cao cửa rộng hai bên đường, nhìn thấy cả công viên. Và nhất là quanh năm - chỉ trừ mùa đông giá rét- từ xuân sang thu, được ngắm triền đồi hai bên đường rầy luôn xanh tươi với nhiều loại cỏ hoang và trổ đầy những bông hoa dại.
Khi mới dọn về đây, Y thường bắt gặp một bà cụ già loay hoay trồng một loại hoa huệ màu vàng cam trên triền đồi, bên đoạn đường rầy trước mặt nhà bà cụ. Gốc rễ của những bụi hoa ấy hình như đã lan ra khắp triền đồi, năm năm cứ đến mùa hè lại thấy hoa huệ màu vàng cam nở khắp nơi, tuy rằng bà cụ đã ra người thiên cổ từ lâu lắm rồi. Khi những bông hoa huệ cuối cùng, cũng như những bông hướng dương, dạ quỳ vàng tươi cùng hoa phấn đỏ màu cánh sen đã úa tàn, đó cũng là lúc hoa lau trắng nở khắp đổi, Y thường đem kéo theo cắt vài ngọn lau về bày cỗ trông trăng. Lau nở nhiều thế nhưng chỉ thiếu một vài bông, có lẽ vẻ đẹp này sẽ không còn được toàn vẹn nữa, nên Y cũng chỉ dám cắt những cành còn thấp bé và lẩn khuất giữa bụi lau.
Một buổi sáng đầu thu năm nay, những bông hoa tím nhạt màu sương khói của dây yugao ( hoa bìm dại nở về chiều ) nở khắp triền đồi trong nắng mai khiến Y phải dừng lại, và hái vài cọng cùng vài nhánh cỏ. Những lá cỏ thật đẹp. Lâu nay Y thường ao ước có ngày sẽ vẽ cho được một bức tranh cỏ trên triền đồi, và đã toan đem giấy bút ra dọc đường rầy, thế nhưng về đến nhà thì trước mắt lại chỉ còn thấy toàn việc nhà, khiến Y quên khuấy chuyện cỏ hoa trên đồi. Lần này thì chiếc giỏ cắm hoa yugao và những cọng cỏ đặt trên bàn đã khiến Y không thể quên được. Thế mà cũng phải một tuần lễ sau, khi hoa tàn yugao đã tàn, cánh hoa đã khép chặt lại lâu rồi, và các lá cỏ cũng sắp héo úa, Y mới có được một ngày rảnh rỗi để đạp xe ra cạnh đường rầy, với hộp bút và tập vở đem theo trong giỏ xe. Vừa ra tới nơi, mùi thơm đồng nội của cỏ cây thật dễ chịu thoang thoảng trong không khí. Y hít một vài hơi thật sảng khoái, vừa hơi thắc mắc tự hỏi vì sao mọi hôm đã không nhận ra mùi hương đồng cỏ nội này. Nhưng rồi Y đã có ngay câu trả lời cho mình, khi đưa mắt nhìn xuống triền đồi để tìm vạt cỏ ...
Ôi thôi !
Y đã hiểu ra ( chợt nhớ ra ) nguyên ủy của mùi hương đồng nội này rồi. Ấy là hàng năm cứ vào khoảng này các nhân viên đường rầy thường tới dọn dẹp, phạt quang làm sạch cỏ dại mọc hai bên đường. Đến cuối ngày họ chất đầy mấy xe tải toàn các túi dồn đầy cỏ, chở đi, để vương lại mùi hương ngào ngạt suốt con đường và còn phảng phất suốt mấy ngày sau đó. Có năm họ đến dọn rất sớm, nhưng cũng có năm lại rất muộn. Tuy nhiên hầu như chẳng khi nào họ đến quá muộn khi cỏ đã héo khô, có lẽ là vì sợ hỏa hoạn, bởi cỏ khô dễ cháy. Năm nay như vậy là họ đã đến sớm quá chăng.
Y quay về , thẫn thờ hồi lâu bên cạnh giỏ hoa may mắn đã thoát ..chết của mình. Người và hoa bên nhau, nghẹn ngào thổn thức bởi những nỗi niềm không biết từ đâu và từ bao giờ cùng ùa cả về một lúc. Khi bóng chiều buông, rồi các nhà trong xóm lên đèn, Y mới đứng lên lo sửa soạn cơm chiều, lòng thầm hẹn “Thôi chờ đến sang năm, sang năm vậy nhé..”
*
http://www.geocities.jp/s_yonex/z2005/pa0823_1.jpg
-Cây hoa gì thế hả cô ?
Y bước vào toa tầu, vừa mới ngồi xuống, còn đang loay hoay đặt chiếc túi có cây hoa mới xin được xuống sàn xe trước mặt mình, sao cho cây khỏi ngã, thì bà cụ ngồi bên cạnh đã cất tiếng hỏi.
-Thưa Cụ, hoa phù dung ạ.
Chiếc cây con vừa được nhổ trong vườn lên và trồng lại vào chậu hoa nhỏ cho dễ đem đi. Thế nhưng có lẽ vì khi bứng cây lên, phần vì đất trong vườn mềm quá, phần vì Y vụng về, đã làm đất bám vào rễ cây rơi rụng gần hết chỉ còn trơ lại mớ rễ cây. Khi trồng trở lại vào trong chậu, dĩ nhiên là phải xúc đất đổ vào và tưới nước, nhưng có lẽ vì thế mà mới được chừng mười phút có nhiều chiếc lá trên ngọn đã rũ xuống nhìn thật thảm hại. Điệu này có lẽ chưa đem về tới nhà thì cây đã chết khô mất chăng.
Y lo lắng nói với bà cụ ngồi bên cạnh như thế, thì được bà an ủi:
-Cô cứ thành tâm chăm sóc cho cây thì thế nào cây có chết rồi cũng sẽ sống lại mà.
Bà cụ đội chiếc mũ nỉ kiểu cách, chân đi một đôi giầy đẹp trang nhã, và mặc một bộ váy áo bằng nỉ nền vải mầu nâu có vẽ những chùm hoa lá tím đỏ vàng sẫm, trông nền nã ra vẻ mùa thu lắm. Bộ váy áo này chắc chắn là được đặt may theo đúng kích thước của bà cụ chứ không phải là quần áo may sẵn. Hẳn là một bà mệnh phụ . Nhưng bà cụ không trầm lặng nghiên trang như đa số các bà mệnh phụ người Nhật, mà lại vui vẻ bắt chuyện ríu rít suốt dọc đường với Y. Bất giác Y nhận ra là bà cụ đã có tuổi mà da mặt căng mịn hồng hào không một nếp nhăn, trông bà cũng tươi đẹp như một đóa hoa phù dung. Bà cụ kể:
-Hôm trước tôi đi thăm bà kia, muốn mua hoa tặng mà không biết bà ấy có thích hay không, nên mới đem thử một chậu hoa tới. Vài ngày sau lại ghé thăm xem thử, thấy bà ta đã tưới hoa cẩn thận , thì mới yên tâm, vì thế là mình biết bà này thích hoa . Thế là lần sau mình có thể tặng hoa cho bà này được rồi. Cô biết vì sao không ? Người không yêu hoa thì họ coi tưới hoa là một công việc, người yêu hoa thì coi đó là niềm vui.
-Bà ơi, nhưng mà mỗi hoa một tính, có cây thích tưới nước luôn, có cây lại không. Có lần cháu chăm chỉ tưới mỗi ngày thì cây bị úng gốc mà chết, tiếc ghê vậy đó.
Bà cụ gật đầu bảo:
-Ừ, thì người ta bảo trồng hoa cũng phải mất ba năm mới hiểu được hết tính nết của hoa, mà lại !
Vừa lúc ấy, con tàu đã tới ga Shinjuku, thế là Y phải xuống xe.
Bà cụ vẫn mỉm cười thật tươi nói theo
-Chúc cho cây hoa phù dung của cô tươi lại.
Y khẽ cúi đầu và nói thay lời chào từ biệt bà cụ không quen:
-Bà yêu hoa lắm phải không ạ.
Bà cụ gật đầu hai ba cái và giơ tay vẫy chào.
Ra khỏi cửa ga đường tàu ngầm để chuyển sang tuyến đường về nhà, Y mới giật mình tự hỏi không biết có phải đó là Thần hoa Phù Dung đã đi theo mình mà căn dặn hay không.
*
Cây phù dung đem về trồng trong chậu đã sống lại, nhưng cũng đã rụng gần hết lá. Nếu không còn hai chiếc lá xanh tươi bé tí còn sót lại trên ngọn hai cành nhỏ, có lẽ Y tưởng cây hoa đã chết mất rồi.
Cây lá trong các vườn nhà trong xóm đã bắt đầu trở mầu, sắp đến mùa lá rụng.
Khi mới dọn vào ngôi nhà này, trong vườn đã có trồng sẵn nhiều cây, nhưng toàn các loại cây lá xanh quanh năm như thông tùng bách hay hoa trà, hoa hải đường. Sau mùa thu đầu tiên, mùa xuân năm sau đó Y bèn cho trồng thêm các loại cây thay lá và đổi mầu lúc thu sang. Đa số cây cối trồng ở xứ này thường rụng lá về thu, nhưng muốn có loại lá trở màu thật đẹp thì phải chọn những loại cây lá sẽ trở màu tươi như phong lá đỏ, bạch quả lá vàng. Lá anh đào, hanamizuki hay mai, cũng trở màu, nhưng có màu đồng thau hay nâu đỏ, hơi sẫm. Sang mùa thu thứ hai, lá thu đã trải thảm xuống con dốc bên hông nhàđã được Y đặt tên là Dốc Hoa, bởi lúc nào dốc cũng được rải hoa từ trên vườn bay xuống. Từ xuân sang hạ, những cánh hoa như đôi cánh bướm vàng từ bụi yamabuki trồng dọc theo dọc hàng rào hết đậu trên cành lại sà xuống lòng đường. Để rồi sang thu lại đến lượt muôn vàn chiếc lá yamabuki hình quả tim hơi nhọn cũng trở màu vàng tươi, sẽ lần lượt rời cành nhẹ nhàng đáp xuống, hay theo gió thu bay đi phiêu du đâu đó.
Tuy vậy những hôm trời mưa lá yamabuki mỏng dính đẫm nước dễ bám chặt vào mặt đường. Sau mưa phải quét dọn ngay, bởi nếu chậm trễ, những gót giầy đi qua sẽ nghiền nát lá, và dán những chiếc lá đã bị nghiền nát ấy khắp mặt đường thành những mảng sơn loang lổ nhem nhếch vàng ối. Lá thu thật đẹp nhưng mà khi dọn dẹp cũng mệt thật.
Và đôi khi còn gây ra những chuyện phiền nhiễu không ngờ.
Số là vào mùa thu năm thứ ba sau khi dọn nhà tới đây, cũng vào một ngày cuối thu, Y đang đứng trên dốc lơ đãng nhìn hàng cây bên rào đã trụi lá, bỗng thấy ông cụ hàng xóm ở dưới dốc lớn tiếng gọi mình:
-Ôi ! Okusan ! ( Này ! Cô chủ nhà !)
Nghe ông cụ gọi, Y chột dạ không biết lại chuyện gì nữa đây. Ông cụ này nổi tiếng khắp xóm là khó tính. Thân hình cao lớn như tượng thần hộ pháp ở cổng các đền chùa, giọng nói oang oang như lệnh vỡ. Nhà ông cụ ở ngay sau vườn nhà Y, cho nên hễ cây kiwi hay cây nho nghịch ngợm thò tay thò chân bò sang bên ấy là ông lại viết giấy bỏ vào thùng thư nhắc nhở, và Y phải lấy kéo cắt cành ngay tức khắc. Sang thu, lá cây chưa kịp rụng Y cũng đã phải đang tay ngắt trụi hết các cành lá mọc cạnh hàng rào sau vườn để lá khỏi rơi xuống vườn nhà ông cụ, kẻo lại phải nhận thư khiển trách. Từ đó Y mới hiểu tại sao mà nhà Y và mấy ngôi nhà khác trong xóm (do cùng một công ty xây dựng đã xây sẵn để bán) chỉ trồng toàn các loại cây không rụng lá. Vườn sau của mấy nhà kia cũng tiếp giáp với nhà ông cụ, hễ ai trồng thêm cây gì loại lá rụng cũng bị ông cụ ở dưới chân đồi bỏ thư cằn nhằn khiển trách vào thùng thư.
http://dadakone.cocolog-nifty.com/photos/uncategorized/2008/12/16/dsc_0003_2.jpg
Hôm đó nghe ông cụ gọi, Y còn đang ngơ ngác chẳng hiểu có chuyện gì, thì ông cụ đã phán tiếp:
-Kochi ni kite chodai ..( Cô sang đây ..)
Ông cụ mời Y vào phòng khách, mời uống trà- không biết có ai đã dọn sẵn từ lúc nào - , rồi đi thẳng vào vấn đề ngay. Ông cụ vừa chỉ ra ngoài vườn vừa nói:
-Cô thấy đấy, vườn nhà tôi có mấy cây hồng, nhưng tôi đã gọi thợ đến cắt cành ngắt hết lá từ lâu trước khi lá rụng. Tất cả lá trong vườn này đều là lá từ vườn nhà cô bay sang. Mấy nhà kia họ đã cắt hết cành rồi, cô thấy không.
( Những quả hồng và một vài chiếc lá vàng còn sót lại trên cành là một trong những cảnh đẹp mùa thu ở Nhật, nhưng mấy cây hồng trong vườn nhà của ông cụ này đã bị vặt trụi, chỉ còn trơ lại những cành đã bị cắt cụt ngủn. )
Y sững sờ, bối rối, rồi rụt rè đáp lại:
-Thưa Cụ, cháu cũng đã ngắt hết lá cây sau vườn cho khỏi rụng xuống vườn nhà bên này rồi ạ.
Ông cụ dằn giọng:
- Cô phải đốn luôn hàng cây bên hông nhà cạnh dốc. Hễ trời gió là lá trên ấy bay xuống dốc, bay vào vườn nhà tôi.
Y nghẹn lời. Lát sau chỉ biết lí nhí đáp lại
-Sumimasen, ki ga tsukimasen deshita ( Cháu xin lỗi Cụ, cháu vô ý không biết )
Về nhà Y tấm tức khóc một buổi. Phải chặt cây bên hàng rào cho vừa lòng hàng xóm ư ? Biết làm sao bây giờ ?
Nào ngờ sáng hôm sau lại thấy bà cụ sau nhà lò dò sang bấm chuông, và đem theo một hộp bánh để tạ lỗi . Bà cụ bảo:
-Hôm qua tôi đang ở dưới bếp, mà không dám thò đầu lên nhà trên. Ông nhà tôi khó tính lắm cô ạ. Ông là dân cơ khí máy móc, ở trong xưởng sạch như lau như li, không được có một hạt bụi . Khi tôi mới lấy ông, tôi trồng hoa trong vườn, thế mà ông bảo là cỏ dại ông dẫm gẫy cả ngọn cây hoa của tôi,tôi mới biết là ông thích ở sạch quá, nên không thích trồng hoa cỏ gì cả chứ nói gì đến lá rụng. Nhưng ông nhà tôi nói gì thì nói, cô cứ giả lơ đi. Quanh đây nhà nào chả có vườn, và gió thì thổi muôn chiều chứ đâu chỉ có một hướng từ trên dốc thổi xuống đâu.
Bà cụ nhân đức nói thế, xong rốt cuộc Y cũng phải nhổ thưa bớt những bụi hoa yamabuki , và thường phải rung cây cho lá vàng rụng ào ào xuống, thu dọn sạch sẽ , không còn dám để lá rụng tự nhiên nữa. Có năm bận rộn quá, Y còn lấy lưới trùm lên những cây còn lại ..nhốt lá lại trong chiếc lưới, cho gió không còn thổi lá bay đi đâu được nữa.
Sau khi xảy ra chuyện lá rụng này thì từ đó (từ mùa thu thứ tư) ông cụ hàng xóm tỏ ra vui vẻ, thân thiện hơn. Hễ gặp Y ngoài cửa là ông cụ hỏi thăm chuyện này chuyện kia (thằng cháu năm nay thi vào trường nào rồi, chồng cô đi đâu xa hay sao mà lâu rồi tôi không gặp, ông bà cụ thân sinh cô lâu rồi không thấy sang chơi nhỉ v.v.), hễ đọc được bài báo nào viết về Việt nam là ông cụ cũng cắt ra và đem bỏ vào thùng thư cho Y, còn cẩn thận ký tên Iwabuchi, để cho Y biết là do ông cụ gửi.
Mới hôm rồi, gặp lúc ông cụ đi dạo về , Y cất tiếng chào:
-Thưa Cụ đi dạo về ạ. Cụ vẫn khỏe chứ ạ.
Ông cụ lắc đầu, tuy giọng nói vẫn sang sảng:
-Năm nay tôi 88 tuổi rồi cô ạ. Không nhờ có mấy thằng con bác sĩ thì tôi đã chết từ mấy tháng trước cơ. Sắp tới mà bị một lần như thế nữa thì chắc là không thoát.
-Xin Cụ cẩn thận cho ạ.
Ông cụ vẫn lắc đầu:
- Đời người có sinh thì phải có tử thôi . Xuân Hạ Thu rồi Đông..
Nói rồi ông cụ quay lưng đi xuống dốc.
Ngọn đồi bên kia cũng đã trơ trụi, chỉ còn vài chiếc lá khô trên cành.
Quỳnh Chi (18/11-15/12/2010)