ThaiTuan-HHTT

NHẬN XÉT

VỀ

HỘI HỌA TRỪU TƯỢNG

 

 

Thái Tuấn

Sáng Tạo, số 11, tháng 8 - 1957, tr. 40-43

Chúng ta không thể thưởng thức một bức tranh bằng tai, và chúng ta cũng không thể nghe một bản nhạc bằng mắt, trừ ra khi nào tranh làm bằng âm thanh, và những bản nhạc làm bằng màu sắc. Cho nên nói đến nghệ thuật hội họa là nói đến hình thể và màu sắc. Và nói đến hình thể, màu sắc là nói đến thiên nhiên, tạo vật trên trái đất hiện chúng ta đang sống. Tư tưởng chúng ta dù trừu tượng tới đâu, khi làm việc về hội họa chúng ta cũng bắt buộc phải biến nó thành đường nét, màu sắc. Đường nét và mầu sắc ấy phải vay mượn của thiên nhiên, tạo vật; tự chúng ta không thể có được đường cong hay nét thẳng, màu xanh hay màu vàng đều chứa đựng trong thiên nhiên.

 

Một tác phẩm hội họa phải là một sản phẩm của tư tưởng, của tinh cảm, và đồng thời cũng là sự kết luận của thị giác. Chúng ta chỉ có thể diễn đạt những cái trừu tượng, bằng những vật liệu rất thực. Một bức tranh không phải chỉ có những đường nét mơ hồ, những hình thể huyền ảo mới diễn đạt được cái trừu tượng. Có thể trong một bức họa có những hình thể rất rõ ràng, thí dụ một bức chân dung vẽ đủ cả chi tiết, nhưng nó có thể diễn tả một tư tưởng hết sức trừu tượng. Không phải muốn diễn tả một ý niệm, một tư tưởng, chúng ta phải vẽ người trong tranh chỉ có một mắt hay ba cái mũi là có thể thành công. Cũng như chúng ta muốn diễn tả một thực tế, không phải chúng ta cứ vẽ đầy đủ mọi chi tiết như một cái máy ảnh là đã nắm được hết sự thực.

 

Trong địa hạt hội họa, nói đến diễn tả không phải là chép lại thiên nhiên, nhưng không phải vì vậy mà ta có thể chối từ mọi hình thể của thiên nhiên. Chúng ta không bắt chước thiên nhiên. Nhưng phải vay mượn những hình ảnh của thiên nhiên để diễn đạt. Trong sự vay mượn, tất nhiên là có sự biến đổi. Chúng ta biến đổi thành những của cải riêng của chúng ta, biến đổi sắp đặt lại một phong cảnh tầm thường theo lý tưởng của chúng ta, theo nhận  xét chủ quan của chúng ta. Họa sĩ Gauguin suốt một đời đi tìm những cái đẹp trên đảo Tahiti, suốt một đời săn đuổi những hình ảnh hoang vu, những thơ mộng của hòn đảo. Họa sĩ đã đến và đã sống ở đó để tạo nên những tác phẩm bất hủ. Nếu họa sĩ đến trên đảo để vẽ đúng như một cái máy chụp hình, thì chắc chắn đã thất bại. Và nếu cứ ngồi nhà mà muốn diễn tả cảnh trên đảo, thì chắc chắn cũng khó lòng mà thành công. Sự tự do của nghệ sĩ cũng có giới hạn. Vì nghệ sĩ không phải là ông Trời. Tất cả vật liệu, vật chất để xây dựng tác phẩm đều do thiên nhiên (tạo vật và tinh thần) cung cấp. Chúng ta chỉ có việc nhận lấy để hoàn thành công việc với mọi thứ tư tưởng trừu tượng (nói mọi thứ tưởng tượng).

 

Giữa nghệ thuật hội họa và thực tế vẫn luôn luôn có sự liên hệ. Họa sĩ không thể xóa bỏ đến gốc rễ mọi thứ trong vũ trụ, thiên nhiên để tạo ra một cái mới. Và chắc chắn không ai nghĩ tới việc đó, vì chính một bức họa cũng đã là một thực thể, vật chất. Hiện nay, trong thế giới hội họa có những sự tranh luận gắt gao giữa hai luồng tư tưởng.

 

Một bên chủ trương: muốn diễn đạt tư tưởng trong một tác phẩm hội họa, cần phải có những hình thể thông thường, cụ thể, mọi người có thể nhận được, ví dụ muốn diễn tả một tâm trạng buồn rầu thì phải diễn tả qua một con người, hay một cảnh vật nào đó, v. v... Nhưng con người mà nghệ sĩ mượn để tả tâm trạng mình phải là một con người thường như mọi người (không phải là một quái thai ba đầu, sáu mắt), qua cái hình ảnh con người đó, nghệ sĩ phải làm thế nào cho người thưởng thức tranh thấy được cái tâm trạng buồn rầu.

 

Một phái chủ trương rằng: diễn tả một trạng thái tâm hồn, một tư tưởng là những thứ trừu tượng, thì tốt hơn hết là dùng những đường nét, hình thể không nói lên một hình ảnh nào giống với thiên nhiên (hình thể không hình ảnh). Trong bức họa người xem không cần phải thấy cây cối, nhà cửa, con người, nhưng chỉ nhận thấy một mớ màu sắc, đường nét. Và qua những thứ đó sẽ nhận thấy một tâm trạng buồn rầu mà họa sĩ muốn diễn tả.

 

Hai phái đó, phái nào có lý hơn? Thực khó mà quyết định, nhưng chúng ta thử tìm hiểu trong mỗi phái đã suy luận như thế nào khi chủ trương như vậy.

 

Phái thứ nhất, chủ trương phải mượn hình ảnh của thiên nhiên, của cuộc đời để diễn đạt những điều mình mong muốn diễn tả. Chủ trương như vậy là họ đã căn cứ vào cái nhìn của con mắt, của thị giác để mang đi từ cái vỏ vật chất bên ngoài vào cái phần trừu tượng vô hình bên trong.

 

Phái thứ hai, chủ trương rằng không cần đến hình ảnh thiên nhiên, vì họ căn cứ vào cái nhìn của tâm hồn, của bên trong tư tưởng. Họ mong muốn đi trực tiếp từ bên trong, từ cái phần trừu tượng vô hình đến tư tưởng của người thưởng thức. Khi xem một bức tranh của nhà danh họa Picasso. Dưới bức họa một dòng chữ chú thích: «người đàn bà mặc áo xanh ngồi trên ghế bành», Christian Zervos đã có thêm lời phê bình như sau: «Quái vật, người ta đã bảo như vậy, quái vật rất có thể, nhưng đẹp một cách kinh khủng và thật là nhân loại với một cách nhìn sâu sắc và tàn nhẫn. Tôi thấy bức tranh tuy vậy vẫn căn cứ vào hình ảnh của thiên nhiên để biến đổi theo ý muốn. Vì trong đó người xem tranh có thể nhận thấy mơ hồ hình ảnh một người đàn bà (dù không có mũi, vừa quay nghiêng vừa nhìn thằng) mặc áo xanh với chiếc ghế bành. Bức tranh đã làm tôi suy nghĩ nhiều. Khi sáng tác bức họa, Picasso đi từ cái nhìn bên trong, cái nhìn của tâm hồn để diễn tả. Nhưng người xem tranh vẫn phải dùng thị giác để thu nhận. Cái nhìn bằng tâm hồn của Picasso, may mắn ra mà thu nhận được, thì cũng phải xây dựng lại bằng tư tưởng một hình ảnh quen thuộc của thị giác. Nghĩa là sáng tác về hội họa, dù là trừu  tượng hay cụ thể, cũng phải dùng đến thị giác và vận dụng đến cái nhìn của tâm hồn. Con mắt là một tên gác cửa. Nó làm được việc hay không là do tâm hồn ta huấn luyện cho nó, nếu không, bất cứ một người khách nào tới, nó cũng sẽ đưa vào để tâm hồn ta tiếp chuyện».

 

Nếu họa sĩ sáng tác không cần đến các màu sắc mà chỉ dùng đen trắng để diễn tả, thì có lẽ sự lệ thuộc vào vật chất sẽ giảm bớt đi một phần nào. Có thể thu gọn một hình thể và một tâm hồn vào nét bút chì như Matisse đã làm. Sự giản dị hóa lối vẽ không phải là mục đích của nghệ thuật, nhiều khi nó chỉ là một phương tiện để giúp cho thị giác nhận thức dễ dàng, mau chóng. Nhưng đơn giản hóa trong nghệ thuật hội họa cũng có giới hạn. Không phải chỉ vẽ đen trắng, hay là dùng rất ít nét (đơn giản hóa sự vật đến một mức cùng) là họa sĩ có thể diễn đạt dễ dàng. Họa sĩ cũng không phải là một tên đầu bếp khéo cần phải nhớ những công thức pha màu thật cẩn thận để đánh thành những nước sốt đỏ, nước sốt xanh. Rồi cứ thế phết lên tác phẩm, để tạo nên những cân đối hòa hợp về màu sắc theo mốt của một thời đại, mà chẳng diễn tả nổi một cái gì.

 

Cho rằng lối vẽ trừu tượng là một cách đơn giản hóa sự vật là nhầm. Không phải chỉ có bóng tối và ánh sáng mới tạo nên được bề sâu và bề dày của mọi vật. Những đường nét không cũng gợi cho ta cảm thấy bề sâu, bề dày của sự vật. Những hình thể, màu sắc ở trong một bức họa không cốt để đánh lừa con mắt, nhưng chỉ cốt gợi cho trí tưởng tượng của người xem tranh được phong phú hơn và đúng với mức mong muốn của nghệ sĩ.

 

Hồi nhỏ tôi đã từng nghe một câu chuyện: một họa sĩ vào trọ ở khách sạn, khi đã hết tiền bèn  vẽ vào tường cái va-ly, rồi gọi ông chủ khách sạn đến chỉ cho ông ta. Ông chủ tưởng là một chiếc va-ly thật, nên để cho họa sĩ gửi lại. Va-ly vẽ mà tưởng là va-ly thật thì kể ra cũng tài tình. Nhưng như vậy có phải chăng là nghệ thuật? Theo tôi tưởng, đúng hơn nên gọi là ảo thuật chứ không phải nghệ thuật.

 

Nói đến hội họa là nói đến sáng tạo. Sáng tạo không phải là chép lại sự vật, bắt chước đúng như thiên nhiên, vì nói đến sự bắt chước là nghĩ đến chuyện «làm giả». Làm bạc giả, làm rượu giả, thuốc giả hay giả thiên nhiên thì cũng vậy. Tác phẩm hội họa nào cũng bắt buộc phải gồm có một phần rút ở sự thực và một phần lý tưởng. Vậy, cái phần thực ở hội họa là gì? Thí dụ một bức họa vẽ một người. Sự thực ở đây không phải là con người bằng xương bằng thịt nhưng chỉ là hình ảnh của con người nói chung. Nghĩa là khi họa sĩ nhìn một người, nhận lấy cảm xúc do con người đưa lại, cộng thêm vào đó phản ứng của tâm hồn mình, tư tưởng mình.   Đó là cái thực, một cái thực chủ quan. Cái phần thứ hai là cái phần lý tưởng. Khi đã thu nhận được cái phần thực của chủ quan mình, thì trí tưởng tượng của nghệ sĩ nương theo đấy, lấy đấy làm cái điểm khởi hành để xây dựng, và thục hiện một ý niệm, một lý tưởng mong muốn. Bởi vậy những ai nghĩ rằng sáng tác một bức họa theo lối trừu tượng không cần đến cái thực, bất chấp cả thiên nhiên, tạo vật là nhầm lẫn. Không phải rằng: với một số màu sắc rực rỡ, với một số dụng cụ đầy đủ, và với một đầu óc trống rỗng là có thể tạo nên được một tác phẩm trừu tượng. Một bức họa (nếu có thể gọi được như vậy) bôi bác trong trường họp như vậy chỉ có giá trị ngang với một lá bùa của một ông pháp sư.

 

Sáng tác theo lối trừu tượng cũng không phải là tách rời trái đất, cuộc sống của nhân loại để nhảy lên thượng tầng tinh khí mà làm công việc nghệ thuật, hội họa. Nghệ sĩ chân chính bao giờ cũng không quên nguồn gốc mình trên mặt trái đất. Sở dĩ họ có tạo ra một thế giới mới lạ, thì cái thế giới đó cũng bắt nguồn ở cái thế giới hiện tại họ đang sống. Những nhân vật dù có kỳ quái đến đâu do sức tưởng tượng của họ cũng không phải là những bóng hình hoàn toàn trừu tượng. Những nhân vật quái đản như của Chirico hay của Picasso thì cũng vẫn mang nặng hình ảnh của muôn loài trên trái đất. Những nhân vật đó, nghệ sĩ đã phải nuôi dưỡng bằng máu, bằng óc của mình để được nhào nặn trong một thực tế vật chất. Họ chẳng bao giờ có tư tưởng quá điên rồ là cạnh tranh với Thượng Đế để rồi phá sản trong nghệ thuật. Làm thế nào cho mình có một quyền năng như Thượng Đế, để kéo ở quãng trống không ra một thực tế vật chất, một hình thể, một màu sắc hay một tư tưởng. Giỏi lắm thì họa sĩ cũng chỉ có thể đọ tài với chính cái thế giới mà họ đang sống, và thêm cho nó những nhân vật mới lạ, gợi ý cho nó một sinh hoạt lý tưởng; dùng cái của nó sẵn có mà trả lại cho nó sau khi đã được biến đổi. Ở trong một cái thế giới mới do họa sĩ tạo ra, các nhân vật kỳ dị mà họa sĩ thả vào đấy, dù có được một số người đời hoan nghênh tới đâu, thì bao giờ cũng chỉ là câu chuyện «những mẫu mực để thí nghiệm». Tác phẩm bao giờ cũng để lại những dấu vết bất lực và cô độc cho kẻ sáng tạo.  

Thái Tuấn.