TuongNhoNamSon

 

Tưởng nhớ Sơn Nam

Tin trên Việt Nam net :

‘’ Nhà văn Sơn Nam vốn từ lâu đã phải bỏ thú ngao du, lang thang phố xá Sài Gòn và nằm liệt một chỗ hoặc ngồi xe lăn vì một tai nạn giao thông vào năm 2005. Sau tai nạn này, sức khỏe của nhà văn Sơn Nam cũng vài lần lâm vào tình trạng nguy kịch, dù vậy, ông đều vượt qua trong sự vui mừng của bạn bè, người thân. Nhưng trong lần nằm viện cuối cùng, ông đã từ biệt cuộc đời ở tuổi 82. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình cho rằng, sự ra đi của Sơn Nam đã để lại một khoảng trống lớn trên văn đàn phía Nam’’.

Bồi hồi nhớ lần cuối gặp Sơn Nam, một năm trước khi anh gặp nạn, còn cà phê với nhau ở quán sáng  nào anh cũng ghé. Thời đó, anh mới được nhà xuất bản Trẻ và công ty Phương Nam mua bản quyền toàn bộ tác phẩm. Đùa : ‘’ Anh triệu phú rồi…Trả tiền cà phê nghe!’’. Đáp : ‘’…bị mấy bả trấn lột hết rồi, lấy chi mà trả’’. Chợt nhớ, anh lãng đãng tài hoa, thì  cũng đành mang cái nghiệp tình, có vay tất có trả, ông bà đã nói vậy là vậy. Chụp với anh một tấm hình, lại đùa : ‘’ có lấy tiền bản quyền không anh?’’. Anh cười, móm mém, vẫy tay kêu chủ quán ‘’ bàn này tui trả nghen!’’. Hôm nay, anh không còn nữa. Thay vì thắp một nén hương, tôi xin giới thiệu truyện ngắn Mùa len trâu của anh, và một tùy bút của Hà Văn Thùy về anh, một nhà văn, một đứa con chí tình của đất nước Nam Bộ.

Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tày, sinh ngày 11/12/1926, tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ông có nhiều tác phẩm như: Chuyện xưa tích cũ; Tìm hiểu đất Hậu Giang; Hương rừng Cà Mau; Chim quyên xuống đất; Hình bóng cũ; Bà chúa hòn; Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Bến Nghé xưa, Xóm Bàu Lá ...

Nam Dao

 

SƠN NAM

MÙA LEN TRÂU

 

 

Nước tràn bờ sông Hậu chảy qua. Nước trên trời tuôn xuống. Gió biển triền miên thổi lộng về. Từ Sáng đến chiều, mặt trời biến dạng sau lớp mưa: ánh nắng pha loãng đều đều không làm chóa mắt kẻ ưu tư đang ngồi hút thuốc mà ngắm mấy lượn sóng chạy dài tiếp lưng trời. Núi Ba Thê bên này, núi Cấm trước mặt, hòn Sóc, hòn Ðất bên kia bình thường xem hùng vĩ, thơ mộng thì nay trở thành lè tè, bé bỏng trong cảnh bao la trời nước.

 

Chú Tư Ðinh lại vấn điếu thuốc thứ nhì, mỉm cười khi thấy từ chân trời một cơn mưa to hơn sắp kéo đến.

- Ừ! Mưa hoài đi. Ông trời năm nay biết điệu, thuận mùa, thuận tiết...

Thiếm Tư như phản đối ý chồng:

- Mưa vài đám nữa thì có môn leo lên nóc nhà mà ở. Ba cái lu, ba cái hũ trôi lểnh nghểnh trong nhà rồi, ba nó chưa hay sao? Gạo hết, tiền hết.

- Mình đừng trách trời. Hồi nào tới giờ, trời cứ vậy hoài, hết mùa hạn thì phải tới mùa nước lụt chớ.

Chú Tư muốn giải nghĩa sự lạc quan của mình dài dòng hơn để thiếm Tư nghe. “Ðàn bà giỏi tài chú ý lặt vặt chuyện bếp núc. Nhìn ra đồng thì họ chỉ thấy những chuyện trên mặt nước, hơi đâu mà cãi”. Nghĩ vậy, chú im lặng, vấn thêm điếu thuốc nữa. Giờ này, dưới đáy nước, sát mặt ruộng, mớ đất cày mềm nhũn, trở mình trắng phau. Gió thổi mạnh, trôi nhà trôi cửa nhưng lúa một tấc; thân lúa đuối sức cố nằm dài trên mặt nước vừa hấp hối ngột thở là nhánh non nứt ra trong nháy mắt để chào đón cuộc sống.

 

Sau hè nhà, nước dậy đùng đùng, sóng gợn từng lượn lớn, vỗ lát chát vào vách. Chú Tư bước nhè nhẹ trên sàn tay vịn mái nhà, tay che mắt rồi cau mày; thằng Nhi đứa con trai của chú đang cưỡi trâu về.

Ðôi trâu bước lên nền chuồng trâu lúc trước, tuy đã đắp cao thêm gần một thước vậy mà nước leo lên lé đé.

Chú Tư chờ thằng Nhi vào nhà. Nó cổi cái áo ướt mem quăng trên sân:

- Xung quanh đây hết cỏ rồi. Làm sao bây giờ hả ba? Trâu đói nữa, con mắt nó đổ ghèn hoài.

Chú nói:

- Bên giồng cát Sóc Xoài... Mày có qua tới đó không?

- Có. Mà hết cỏ rồi. Mấy lõm cỏ sau chùa không đủ cho trâu bò ở đó ăn, đâu có dư tới mình. Trâu mình ốm nhiều. Từ đây tới nước giựt còn trên ba tháng nữa, làm sao chịu nổi?

- Hồi đầu mùa, tao biểu giao trâu mình họ len đi miệt khác kiếm cỏ. Má mày ngăn cản. Bây giờ tới nước này rồi...

Thiếm Tư trầm ngâm suy nghĩ, nhìn đôi trâu đã mòn sức, be sườn lòi rõ rệt từng hàng như vòng cung. Ðể ở nhà, trâu chết đói; giao cho thiên hạ len đi thì làm sao bảo đảm được? Trâu của trăm chủ khác nhau gom lại chung một bầy, tha hồ lấn hiếp, chém lộn bầy trâu gần bốn trăm con mà chỉ có năm sáu người chăn giữ.

 

Ðường dài thăm thẳm, lội nước băng rừng, rủi khi bịnh hoạn thì trâu đành bỏ mạng nơi xứ lạ quê người. Thật là tấn thối lưỡng nan! Ðôi trâu nhà đứng khúm núm đó, trên nền chuồng, như hai pho tượng bằng đồng đen dựng lên mặt nước. Thiếm nói:

- Ba nó tính sao thì tính. Tôi rối trí quá rồi.

Chú Tư chép miệng:

- Không nên cãi mạng trời. Muốn cãi cũng không được. Không lẽ họ giết trâu mình? Trăm con, chết chừng đôi ba con là nhiều. Muốn vững bụng hơn, mình cho thằng Nhi theo coi chừng.

Thằng Nhi há miệng ngạc nhiên không dè mùa nước năm nay nó lại được đi du lịch bất ngờ như vầy. Chú Tư hỏi:

- Muốn đi không mậy? Chặng đầu, họ mới len trâu tới chân núi Ba Thê, mình đuổi theo nhập bầy còn kịp, đây qua đó chừng nửa ngày đường. Lấy cái nóp mới của tao mà đem theo. Dọc đường muỗi mòng, mưa gió nhớ đi theo sát hai con trâu của mình, đừng ham chơi lêu lổng. Nói với tằn khao (đầu nậu, cai thầu) rằng mình chịu đóng cho y mười giạ lúa tiền công len trâu, mùa này.

 

*

 

Mưa cứ mưa trút xuống. Gió cứ dậy sóng lên. Từ lúc thằng Nhi dẫn trâu đi, nhà cửa lần lần trở nên vắng lạnh. Thiếm Tư cằn nhằn:

- Giao sanh mạnh hai con trâu cho họ, ba nó chưa vừa bụng sao? Lại còn bày đặt cho thằng Nhi đi theo! Rủi bề gì...

Chú Tư nói:

- Má nó khéo lo thì thôi! Trâu hễ tới số thì dẫu cầm ở nhà nó cũng không sống. Tôi buồn lắm. Trâu giúp mình tạo ra hột lúa; bù lại, mình không kiếm đủ cỏ cho nó ăn no. Như vậy là mình bất nhân . Còn thằng Nhi... dịp này để nó học nghề với người ta.

Thiếm Tư hơi giận:

- Nghề gì? Nghề chăn trâu mà cũng học nữa à? Tôi không ham cái nghề đó.

- Má nó nói giỡn sao chớ! Chăn trâu còn khó hơn điều binh khiển tướng. Ðời xưa, nhiều người nhờ lúc nhỏ chăn trâu mà tới lớn được làm vua. Con nít chăn trâu ca hát nghe bậy bạ nhưng nhiều khi linh nghiệm như sấm truyền, đoán trúng những chuyện quốc sự. Tôi nhớ coi... Trong truyện Phong Thần gì đó nhắc cái tích ông Nịnh Thích ngồi trên lưng trâu, gõ sừng mà hát công kích vua đời... Liệt Quốc Ðông Châu! Vua giựt mình, mời ông Nịnh Thích về làm quân sư. Nghe đâu lúc về hưu trí, ông Nịnh Thích lại cữi trâu mà du sơn ngoạn thủy. Như, tiều, canh, mục là bốn điều quan trọng mà.

Thiếm Tư vẫn chưa nguôi cơn buồn:

- Ba nó nói chuyện đời xưa. Chăn trâu theo kiểu ở xứ mình có khác, tối ngày đeo đuôi trâu mà lặn hụp dưới nước, ăn không no, ngủ không yên...

- Nhưng mà học khôn nhiều chuyện. Mà nó hồi nào tới giờ chưa từng tới núi Ba Thê, vậy mà bây giờ thằng Nhi nó rành đó! Cảnh núi non thanh lịch, trâu ăn cỏ ngẩng đầu coi mây bay lui tới; ngứa lưng thì trâu cọ mình vô cột của đền vua chùa mà gãi sốn sột. Má nó biết không? Ở núi Ba Thê, trâu len ăn cỏ trên đền vua đời xưa... Vua chùa mất hết, trâu đời đời kiếp kiếp còn đứng dửng dưng trên mặt đất này hoài!

Thiếm Tư bực bội:

- Ðói, không đủ cỏ ăn mà cũng sang trọng. Thôi ông ơi! Ðừng nói nữa.

- Hết cỏ thì qua chỗ khác, má nó đừng lo. Từ Ba Thê cả bầy trâu len qua miệt Bảy Núi. Oai vệ lắm kìa! Voi đi một lần đôi ba chục con là cùng, cọp đi hai ba con là nhiều; cảnh đó ở miệt rừng ai cũng thấy. Ðằng này, trâu lội nước năm ba trăm con, đen đầu, đặc nước. Kiếm bạc trăm là dễ chớ muốn thấy được cảnh đó không phải dễ, giống như hồi thiên hạ sơ khai, càn khôn hỗn độn... Mấy ông thầy chùa, bà vãi ẩn mình trong cốc trên núi, chán cảnh trần tục vậy mà họ còn bước ra ngóng mắt theo bầy trâu len dữ dội...

 

Càng nhắc tới, chú Tư càng thích chí, thiếm Tư trái lại ngồi buốn xo, không tin nơi lời chồng , cho rằng đó là kiểu an ủi gượng của kẻ túng cùng. Chú Tư lại vấn thuốc, hỏi vợ:

- Má nó ngủ hay thức? Nãy giờ có nghe không? Sao không ừ hử gì ráo, hay là ngủ rối...

- Tôi nằm nghe đây mà. Nghe bằng lỗ tai chớ nghe bằng miệng sao mà phải ừ hử từng chập?

Chú Tư lại nói tiếp:

- Ở Bảy Núi thanh khiết hơn ở Ba Thê. Trâu ăn toàn cỏ lạ hoa thơm; lắm thứ cỏ phảng phất mùi gì giống như vị thuốc Bắc. Ban đêm, muỗi mòng cũng ít, tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh gõ mõ thì nhiều... Mặc dầu ăn cỏ ở dưới chân núi, trâu cũng được phong làm chúa sơn lâm. Cọp beo trên núi quì xuống mà đầu hàng chớ không dám xáp lại.

Bên kia sàn nhà, thiếm Tư bắt đầu thở nhẹ rồi ngáy pho pho. Chú Tư mỉm cười, không chút hờn giận. “Vợ mình chán không thèm nghe nữa vì nãy giờ mình nói toàn những chuyện vui tươi, sung sướng, giấu giếm những nỗi cực nhọc trong nghề chăn trâu. Nhưng cần gì? Cốt ý là mình nhắc lại cuộc đời len trâu của mình hồi thuở con nhỏ cho riêng mình nghe mà thôi”. Chú lại vấn thuốc hút. Bên ngoài trời vẫn mưa, sóng nước vẫn chạy ùa tới đập vào vách nhà. Khói thuốc phun mờ mờ, bay thoảng lên cao. Chân trời lại hiện ra, lúa nằm dài xanh rờn, nhấp nhô trên ngọn sóng. Và... Ðằng xa kia là Bảy Núi, nơi mà giờ này thằng Nhi và hai con trâu của chú đang tung hoành, sắp lội nước hằng mươi cây số để vượt ra mé biển đến vùng rừng tràm miệt Linh Quỳnh.

 

Rừng tràm xanh đậm, rọi xuống mặt nước đỏ ngầu, rung rinh. Nhứt là về đêm khi trăng chiếu, đom đóm bay về đậu khắp nhánh tràm như họp chợ phiên! Hồi thuở nhỏ, chú đến đó nhiều lần. Cảnh ấy bây giờ thay đổi vì nhà nước đã đào thêm con kinh Xáng Rạch Giá – Hà Tiên và đắp xong con lộ đá. Trâu vượt qua lộ xe hoặc ngủ tạm trên lộ cho tới sáng. Lội dưới nước lâu ngày, móng trâu trở nên mềm, đứng trên đá, trâu đau chân. Chú Tư bỗng hình dung trước mặt một cảnh tượng oai hùng, khi mặt trời vừa lố dạng, đàn trâu phải rút vào rừng tìm nơi ăn nằm. Nhà nước đắp lộ xe nào phải để cho trâu đứng, phá hoại... Trâu chạy ầm ầm. Không mấy chút, tràm gãy rôm rốp ngã liệt xuống, lõm rừng trở thành một cái đầm rộng lớn. Người len trâu tạm nghỉ ngơi vài ngày. Mấy “tay riều” đốn củi gần đó tụ họp lại làm quen, đánh bài cào, uống rượu, đốt lửa lên bàn chuyện tiếu lâm. Lắm khi họ sắp đặt công việc đi ăn cướp, ăn cướp kẻ khác và ăn cướp lẫn nhau. Mấy tay len trâu giựt tiền của tay riều; mấy tay riều xúm nhau giựt trâu của mấy tay len. Rừng lại đẫm máu... Trong cuộc xô xát dao búa đó, sanh mạng của con người như con kiến, hà huống chi đứa trẻ bé bỏng như thằng Nhi, con trai chú!

Chú Tư giựt mình, e ngại.

Trong giấc mơ, có lẽ thiếm Tư không tưởng tượng được tới cảnh chém giết rùng rợn đó. Thiếm nói lảm nhảm rồi lại trở mình, ngáy khò khò.

*

Tháng mười, nước giựt xuống. Ðến cuối tháng, mặt ruộng lộ ra, cỏ non nhú mọc xanh tươi đến tận chân trời. Mưa dứt sớm. Núi non lại trở nên hùng vĩ. Suốt mùa, lúa nương theo nước mà vươn lên đến bốn năm thước; bây giờ lúa nằm rạp xuống đất, chồng chất cao ngùn ngụt. Cái sàn nhà của chú Tư cũng hạ xuống. Cuộc sống trở lại bình thường.

Ðêm ấy, quá canh ba, có tiếng kêu vang dội:

- Ba ơi ba! Má ơi má! Trâu mình nè...

Chú Tư, thiếm Tư mừng quýnh, tốc mùng chạy ra: Thằng Nhi về đó, coi dị hợm hơn mọi ngày, máng trên vai một đống gì cao nghệu. Chú Tư xanh mặt. Nó thảy đống ấy xuống đất:

- D.m. chết hết một con. Ðem cặp sừng bộ da của nó về nè! Nặng gần chết. Ð.m. không lẽ bỏ luôn.

Thiếm Tư mếu máo, mừng vì gặp được con, buồn vì mất hết phân nửa gia sản:

- Mô Phật. Mạnh giỏi hả con? Trời ơi! Con đi theo coi chừng mà làm sao nó chết? Dọc đường con có đau ốm gì không... Con, Con...

 

Chú Tư im lặng, buồn buồn. Mừng con, tiếc của là một lẽ. Nhưng còn lẽ khác đáng lo ngại hơn... Hồi nào tới giờ, thằng Nhi ăn nói đàng hoàng mà chuyến về này, trong câu nói hồi nãy, nó pha vô hai lần chửi thề mà nó không hay.

Thiếm Tư nhìn cặp sừng và bộ da trâu mà rơi nước mắt:

- Thôi! Lần này lần chót. Năm tới bán con trâu còn lại, không làm ruộng nữa. Ðất nước gì kỳ cục quá, cái xứ này...

Chú Tư nghiêm mặt:

- Nói bậy nữa đi. Ðất của mình, nước của mình mà bà dám nguyền rủa hả? Hồi nào cúng vái, bà nói bà phục ông bà đất nước lắm mà...

Thiếm Tư đi ra sân lo đốt lửa để un trâu. Chú Tư cũng đến vuốt ve con trâu còn lại rồi trở vô thấy thằng Nhi đang chụp gói thuốc rê trên bàn; nó mở ra, xé giấy vấn hút phì phà một cách tự nhiên, ngon lành.

- Ghiền rồi hả mậy? Chú hỏi.

- Hai ba bữa rày, hút có mấy điếu. Ở rừng, họ hút kịch liệt lắm kìa... ba.

Chú Tư đem chai rượu đế ra, rót vào chén. Chú thấy thằnh Nhi hít mũi lia lịa.

- Nhậu thì nhậu một chút cho ấm đi! Cỡ này mày sanh nhiều tật lạ.

Rồi chú day ra sân mỉm cười:

- Bà nó ơi! Coi thằng con của bà nè! Nó giống hệt tôi hồi nhỏ quá chừng.

Thiếm Tư chạy vào, không hiểu rõ đầu đuôi. Thiếm lau nước mắt rồi nấu cơm cho thằng Nhi ăn, dọn mùng cho nó ngủ... Chú Tư thức mãi tới khuya, thỉnh thoảng hé mùng dòm thằng Nhi. Mùng rộng rãi nhưng nó vẫn co rút như hồi nằm trong nóp chật hẹp. Tay và bụng của nó xăm đầy những chữ nho, chữ quốc ngữ. Không cần đọc kỹ, chú đoán đó là “ngũ hồ tứ hải giai huynh đệ” hoặc “ái tình vạn tuế” mà một tay hảo hớn nào đã xăm cho nó.

- Mình không lỗ lã gì đâu! Chú Tư lẩm bẩm một mình.

 

Chuyến đi len trâu này, đứa con của chú mhiễm nhiều tật xấu nhưng nó khôn lớn hơn, nghe thấy được nhiều việc mà ở nhà chú không nghe thấy. Chú ra sân. Dưới ánh trăng suông, con trâu Pháo bước tung tăng, nhịp móng xuống lớp phù sa mát rượi, đứng trên mặt đất hôm nay mà sao thấy hơi khác lạ hơn mặt đất hôm nao, cũng ở chốn này. Nó hinh hỉnh lỗ mũi như cố phân biệt mùi thơm của cỏ núi hoa rừng với mùi thơm của mùi lúa sạ đang độ chín.

 

 

KHỀ KHÀ CÙNG NHÀ VĂN SƠN NAM

HÀ VĂN THÙY

     

Nước nổi. Con xuồng nhỏ bồng bềnh trên sóng đi hái bông điên điển, chài cá, dăng câu, đặt lọp. Trên xuồng là cặp vợ chồng lam lũ, bầy trẻ cùng con chó phèn... Không hiểu sao mỗi khi nhìn cảnh tượng đó của miền Tây, tôi lại nhớ tới nhà văn Sơn Nam. Phải chăng vì đời ông dân dã? Phải chăng hồn dân dã hiện về trong văn ông?

    Nhiều năm gắn bó với miền Tây, tôi hiểu Nam Bộ bằng sự trải nghiệm của mình. Và cũng nhờ Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Văn minh miệt vườn, Hương rừng Cà Mau... Những trang văn bình dị của ông cho tôi thấu cái chiều sâu, cảm nhận được hồn vía của một vùng đất. Nếu thiếu đi những cái đó, chắc tâm trí tôi sẽ mù mờ cạn cợt.

 

     Tôi gặp Sơn Nam lần đầu vào mùa mưa năm 1979. Ông về Tà Niên thăm mẹ già. Tôi hỏi ông: "Vì sao anh lấy tên Sơn Nam?". "Có gì đâu, giọng thuốc lào thuốc lá của ông khàn khàn, xứ mình mà, ở lộn ở lạo với dân Miên, mình đặt tên Miên cho vui!" Vậy đấy, thật đơn giản, ông muốn hòa vào những bà con họ Sơn, họ Thạch nơi xóm Tà Niên của mình.

    Từ Hội Văn nghệ ở số 10 đường Tự Do, Rạch Giá, chúng tôi ra đình thờ Nguyễn Trung Trực. Chỉ bậc thềm rêu, ông kể ngày nhà thơ Nguyễn Bính tá túc ở đây. Nhìn thảm rêu xanh, nhà thơ bảo Kiên Giang và ông dừng lại, đừng bước lên. Rồi Nguyễn Bính lấy cái que nhọn viết lên tờ giấy xanh:

     Những phường giầu có xin đừng đến

     Hãy để thềm ta xanh sắc rêu.

Sau này, nhà thơ sửa thành những phường bất nghĩa.

    Ðặt tay lên bệ tượng bán thân cụ Nguyễn, Sơn Nam nói khẽ khàng, giọng chân tình đến mủi lòng: Anh thương mấy em lắm! Ðây là quê anh mà anh không ở được, mấy em từ mãi đâu lại đến! Liệu sống được không?

Hiểu lòng nhà văn già, tôi nắm tay ông, nói: Nay khác rồi anh Ba, sống trung thực hết mình, em sẽ trụ được!

Ông nhìn tôi không nói nhưng trong mắt là sự hoài nghi. Mười năm sau tôi gặp nạn. Một buổi chiều đang nằm nhà đọc sách, ông lội bộ tới thăm:

- Về đây tao phải đến thăm mày trước đã!

Uống với tôi chén trà rồi ông đi. Chỉ thế thôi, cái tình của ông in dấu lại suốt đời.

 

     Sơn Nam là ông già kể chuyện xưa, lối kể cũng xưa. Văn ông ngắn gọn giản dị có khi cộc lốc. Ông nói cho người ta hiểu chứ không cốt làm văn. Ðấy là cái chất của ông. Cũng có thể hiểu đấy là con người ông: ông bươn bả viết để sống! Có lẽ cái nghề duy nhất trong đời ông là viết. Ông kể: "Ngày trước, văn còn có giá, ra được tập truyện, có tiền để sống lai rai trong một năm, vô thư viện, vô kho lưu trữ lục lạo viết tiếp." Nay chữ nghĩa rẻ, ông sống chật vật đến mức bị căng ra trên trang viết. Mỗi bài viết là tiền mướn nhà, cơm bụi, cà phê sáng và những cuốc xe ôm đi đây đi đó... Sơn Nam luôn thiếu tiền. "Nghèo nhưng Sơn Nam giữ danh dự nghe, chưa hề ăn quỵt ai! Làm sao bà con vẫn vui lòng cho uống cà phê thiếu thế là được!" Ông nói rồi cười ha ha. Có người chê nhiều bài viết ông bổn cũ soạn lại. Không sai. Cũng là lẽ thường tình, làm sao luôn mới được? Có điều, ngay cái bổn cũ của ông cũng buộc người ta phải đọc vì trong đó luôn có những phát hiện mà nếu bỏ qua, anh sẽ thiếu hụt. Người ta cũng hay mời ông đến nói chuyện. Họ ưa những câu chuyện dí dỏm riêng ông biết, được kể bằng cái duyên của riêng ông, không lẫn với người khác. Cũng có khi ông mang vạ vì những câu chuyện đó. Có lần ông bảo: "Cần Thơ là đọc trại từ tiếng Khmer, có nghĩa là con cá sặc rằn chớ không phải cần thơ cần văn gì ráo trọi."  Vậy là người ta la lối đòi kiện ông tội nói xấu địa phương.

 

    Sống và viết theo cách riêng của mình chẳng lẫn với ai, Sơn Nam cũng là hiện tượng riêng của văn chương đương đại. Chúng ta có quá nhiều nhà văn công chức. Họ mập mạp thỏa thuê, từ quần áo đến da dẻ cứ bóng lưỡng lên như cái lư đồng ngày Tết, nhất là khi họ hiện hình lên màn ảnh nhỏ. Chẳng rõ đó là phúc hay họa cho văn minh Giao Chỉ? Có lẽ Sơn Nam là người cuối cùng còn lại của dòng Tản Ðà, Vũ Trọng Phụng. Ông lặng lẽ sống cuộc đời dân dã dân gian. Bươn bả viết rồi quên đi, ông không tự ngắm tượng mình. Phải chăng vì vậy cả dân dã vốn hời hợt, cả quan chức vốn quan phương đã nhìn ông thiếu đi sự công bằng. Bù lại, không ít người nghĩ rằng, như rượu nồng, như đồ cổ, văn ông càng để lâu càng có giá. Với sự đảo lộn ghê gớm của cuộc sống hiện đại, văn ông sẽ là bảo tàng chữ mà con cháu mai sau tìm về để biết một thời mở đất và hiểu về văn hóa lưu dân. Có lẽ đó cũng là sự công bằng của tạo hóa!

 

    Sơn Nam là kẻ nghệ sĩ đa mang nên cũng đa đoan. Có lần tới thăm ông ở gần Lăng Ông - Bà Chiểu. Căn nhà khá khang trang. Sân rộng có chậu kiểng, non bộ. Bàn viết của ông là chiếc bàn xưa gỗ gõ lên nước bóng ngời, có nghiên mực Tàu và những chồng sách dày. Trên nóc tủ là tượng sứ Tam đa, những bình, chóe cổ, những bài minh, câu liễn chữ Hán sơn son thiếp vàng.  Nơi đây cổ kính và lịch lãm xứng đáng để Sơn Nam tiếp tao nhân mặc khách. Chỉ ít lâu sau, ông đã thành công tử không vòm ở đậu, bạn bè phải kiếm ông qua địa chỉ liên lạc. Rất ít người biết nơi ẩn cư của nhà văn lớn Nam Bộ là cái hang-nếu muốn gọi đúng tên sự vật-rộng khoảng mười mét vuông mướn của ai đó!

 

    Dân dã thế nhưng Sơn Nam lưu giữ trong mình bề sâu của văn hóa Việt. Một thời ông là cố vấn lễ tân cho Lăng Ông. Khi cần những gì về văn hóa, phong tục tập quán Nam Bộ, người ta lại hỏi ông. Một bữa nọ, ông được mời dự đám cưới Việt-Nhật. Chàng rể cực giàu từ đất Phù Tang sang làm ăn. Cô dâu Việt cực đẹp. Nhà trai bao riêng chuyến máy bay bay sang, đem theo cả rượu sakê trong thùng gỗ. Trong lễ cưới, người ta dùng búa gỗ cũng từ Nhật mang sang, đập vào vách thùng cho tới khi bật nút. Cái sự sang trọng của người giàu khiến ta phát ngợp. Ðến lượt mình, thay mặt cha cô dâu, Sơn Nam trong quốc phục khăn đóng áo dài đứng lên, nhân danh cha chú dặn cô dâu về lễ đối với nhà chồng. Họ nhà trai nghiêng mình bái phục!

 

     Quý Sơn Nam, thương ông nhưng chúng ta còn giận còn buồn ông nữa. Nhưng biết làm sao? Ông đã sống là mình. Trải mấy trào, ngoài tuổi 70, nhiều điều được và mất. Nhưng cái được lớn nhất của Sơn Nam là được là mình.

     Không thể hình dung một Sơn Nam với mũ cao áo dài trịnh trọng. Phải chăng đó là điều may mắn còn lại với chúng ta ở cuối thế kỷ này.

Cuối năm Rồng 2000