Dép nhôm và du giả
truyện ngắn: Trần Hạ Tháp
1/
Trải năm mươi dặm về phương nam từ chân ngọn Bản ngã sơn trần trụi, vùng đất chỉ còn lại sỏi đá, cây khô và những đám cỏ vàng. Sự sống ở đây là thế. Từ trước 1975, cảnh sắc vùng Bản ngã sơn còn xanh tươi thoát tục. Suốt bốn mùa lồng lộng tiếng ngàn thông.
2/
Bây giờ là tiếng kéo lê đôi dép nhôm trên mặt sỏi. Khô đanh, ken két. Đôi dép đục lỗ, quai tận dụng từ dép tông hư nát. Người tới từ đâu? Không ai biết, lão già cứ tự mình khai nhận:
-Một “du giả” lang thang, ta không hề hành khất.
Ngoài cái gậy, lão không mang bình bát hoặc vật dụng nào khả dĩ để tha nhân cúng dường phẩm vật. Vẫn không có dấu hiệu nào là đạo sĩ, nhà tu. Lão chỉ cười khẩy khi tiếp nhận mãi các thông tin nhầm lẫn. Hết thảy, chung quy về một ý:
-Không có gì cho lão đâu. Thấy không? Ai ở đây cũng toàn khốn khổ. Thợ đẽo đá, tiều phu và lại thêm…hạng người như lão.
Một người thực tế, chỉ đường:
-Thị trấn không quá xa về phương bắc. Cố đi lần đến đó, họa may náu thân hoặc có cái cho ngài.
-Còn chúng tôi thì cầu xin ai? Có bữa trưa, cũng phải chừa bữa tối.
-Ông thầy ơi, ăn còn chưa no sao dư gì làm phước?
Một bô lão khác xòe hai bàn tay chai sạn:
-Tạ ơn trời. Còn chút sức theo thằng con phụ việc. Thời điêu linh mạt pháp ai cũng biến thành “thợ đụng”.
Gã trên tuổi trung niên mang lưng cây guitar mòn vẹt, đứng nhìn đầy tếu táo:
-“Bất tác, bất thực” Bách Trượng nói sai đâu?
Những người còn lại không mở miệng một câu. Họ xăm xăm bước đi muốn húc luôn người lão.
3/
Ngoài tiếng kéo lê đôi dép nhôm ven chân núi, lâu dần không còn ai bận trí một lão già lang thang tự coi mình “du giả”. Lão chỉ còn nói chuyện với con nít thập thò chung quanh. Chúng ngày nào cũng tụ tập kiếm củi, nạy đá hoặc đào bới gốc cây bán cho người buôn kiểng.
Thật tài. Hình như trời sinh chúng cho thấy khả năng tạo việc không quá khó như người lớn thở than. Ít nhiều, chỉ cần rau dưa qua cơn “đói ngu người”. Chúng chả so đo lời lỗ quái gì. Không eo sèo, cũng quên luôn việc chối từ giá bèo trả công sức bỏ ra. Làm “hộc xì dầu” cũng như “trâu lăn lấm” nhưng vẫn may mắn hơn lúc “ngồi đồng” hay liêu xiêu làm “con ma cà thọt”. Trước tất cả, để khỏi phải đói vàng con mắt. Ở đây, khó ai ngồi không để “tìm ra chân lý”, ngoài kẻ bệnh tật, già nua phải nương nhờ kẻ khác.
Ấy vậy, bọn nhóc chưa đến nổi phải cần nghe giảng đạo, kiểu: con người ta đói chết cũng đừng nên ăn cắp. Giữa quần thể hổn mang điên đảo hôm nay: thiện-ác-huyền-cơ-và-thế-sự, vẫn tồn tại độc lập phần siêu hình của tánh-linh-nhỏ-nhiệm. Phải chăng? là lý do tương-cảm-bất-khả-thuyết khiến lão “du giả” kia chưa rời bỏ xứ nầy. Nơi: dường như không-còn-gì-để-nói.
4/
Địa hình cách ly hẳn với thị trấn ở mặt bắc Bản ngã sơn. Nơi đây đâu khác gì một ốc đảo chênh vênh, chết chẹt. Môi trường sống đã bạc màu hóa từ lâu, khốn nạn và vô danh ngay dưới ánh mặt trời. Điều đáng nói nhất, tương đối ở đây: còn chút-vốn-người mang tâm thức thuần nhiên. Lý do? ngoài những kẻ cố cựu sống chết gì vẫn trụ lại vùng đất thời cha sinh mẹ đẻ. Chẳng có ma nào ngu xuẩn, hoặc bản lĩnh cỡ nào mò đến đây lập nghiệp. Kể cả loại khốn cùng đang phân-hủy-phận-đời, lênh đênh: “kinh tế mới”.
Lũ trẻ không như đồng lứa ở các nơi xa khác. Chắc chắn chúng dại khờ, thiếu đói kinh niên và mất đi nhiều thứ, kể cả cái gọi là “tri thức ưu việt”. Chúng chưa kịp thời lai tạp. Vẫn không đủ điều kiện để hội nhập xã hội mới. Nơi “cái mới” đang ra sức đăng quang cho dối trá, ranh mương và lường đảo “lên đời”.
5/
Lúc thưa thả, lũ trẻ ngồi xa xa nhìn lão. Coi là cách giải trí riêng tư cho bọn chúng. Nhìn ngó, chúng chưa bao giờ lân la với con người âm u, phiền toái ấy. Còn lão? Lão cũng không cần nhìn đứa nào, nói trổng:
-Có những ban phát từ chính ta mà các ngươi vẫn chưa hề hay biết. Vô thức. Ban phát ấy không thể thấy qua các con mắt nghiệm-thu-đồ-đạc. Thật sự, các ngươi mới chính là hành khất của ta.
Lũ nhóc nghĩ không ra công việc lão là gì? Tá túc nơi đâu? Làm thế nào để sống? Đúng ra, tất cả những thắc mắc kia không khiến chúng tò mò nhiều hơn bộ dạng dị kỳ của lão. Đôi dép nhôm chẳng hạn. Tại sao? Chúng mãi tranh cãi nhau vô cùng hào hứng:
-Dép mềm thì đi trên đá mau mòn.
-Dép nhôm có khi để cạy đá làm hang.
-Lấy dép đào đất. Trồng khoai sắn. Hay không?
-Còn chặt được củi khô nữa.
-Ngủ một mình không sợ. Cầm dép nhôm thủ thế.
-Gõ lên thật to, voi về phá mía là nhức tai bỏ chạy.
-Chơi bia dép ăn hết tụi bây ơi.
-Chạy thi, chậm thua mình cái chắc.
Có đứa còn đoán ra tư cách đạo đức lão già:
-Bị đi dép kêu ồn ai cũng thấy. Không phải kẻ gian ăn trộm.
-Nhưng giàu thì lấy nhôm làm dép, không đem bán chai bao.
Lão già lim lặng. Mỗi lần lũ nhóc bàn cãi là mỗi lần lão nhắm mắt ngồi yên, tuyệt không khai khẩu. Chúng đâu hay đây là lúc lão sợ: Lũ nhóc thường bỏ đi bất tử. Lần kia, chúng trố mắt nhìn thấy lão quỳ lạy mình như đang ở trước phật đài. Lũ nhóc dáo dát tưởng sau lưng có hiện ra phật thánh?
6/
Bàn mãi, rút cuộc chúng chỉ còn biết chắc một điều: lão già ưa nói năng bất kể người nghe, cũng chẳng cần ai hỏi. Lão hay giả bộ la hét, lảm nhảm tiếng tây tiếng tàu, hát hò chẳng ma nào lường được. Có lúc lại đăm chiêu hàng giờ. Chi nhỉ? Lượm đá sỏi, lá vàng, cành khô đem sắp bày ngay trên lối đi qua… Đầu là lạ, mãi cũng thành nhàm. Những trò bày vừa phong phú vừa nghèo nàn của lão. Duy một điều chắc thật như đinh đóng cột, lão vẫn thường lập lại mỗi khi có người lớn vãng lai, xuống lên triền núi:
-“Tôi là tự do”. Quãng diễn chân lý giữa cõi u mê nầy là cao cả của đời ta. Chân lý ấy không cần nhiều hơn 4 chữ. Có ai ngộ nhập vào cơ duyên huyền nhiệm ấy hay chưa? Du hí cùng cô độc, cuộc lữ hành chính ta đang tận tụy. Du giả.
Lão xuất hiện bất cứ nơi đâu, lúc nào tùy hứng? Tất nhiên, cũng chỉ giới hạn quanh quẩn ngay dưới chân miền Bản ngã sơn đổ bóng.
7/
Ngày kia, một nhóm người đi ngang hốc đá lão ngồi. Bọn nầy ngó quanh, nhìn mặt trời chiều và dựng trại. Lại tiếng guitar. Lão dựa lưng ngữa mặt lên trời nhìn trăng non sắp ló. Miệng lẩm nhẩm tụng Kim Cương kinh. Hai tay cầm hai tấm dép nhôm, lão gõ liên hồi vào hốc đá:
“...Nhất thiết hữu vi pháp”
“Như mộng huyễn, bào ảnh”
“Như lộ, diệc như điện”
“Ưng tác như thị quán…”
Sáng hôm sau, nhóm người bắt đầu khai hoang trồng khoai sắn. Cũng chả vun quén gì nhiều, mặt trời lặn là xong đám rộng nằm cheo leo, thoai thoải. Bọn ấy khum người bòn từng giọt nước dưới khe. Ba cục đá nấu ăn. Xong bữa phủi tay, đàn hát. Họ cởi trần, áo cuộn kê đầu lên đá và, “Hương xưa” Cung Tiến:
“…Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ
hoài một giấc ai mơ
Dù đã quên lời hẹn hò
Thời Hoàng Kim xa quá chìm trong phôi pha
Chờ đến bao giờ tái sinh cho người
Đời lập từ những đêm hoang sơ
Thanh bình như bóng trưa đơn sơ
Nay đời tan biến trong hư vô,
chết đầy từng mồ oán thù.
Máu xương tơi bời nhiều mùa thu ...”
Một đám khói tuôn lên giữa trời chiều, vật vã. Nhìn ngược, đỉnh Bản ngã sơn trụi trần, lở lói. Nơi đây, rỗng không về ý niệm 4 mùa và thời-gian-đứt-rễ.
Lúc nầy ngay hốc đá nhìn xuống là các mắt sắn đã được giăm, chỗ nhô lên nơi hụp xuống theo địa hình lồi lõm. Dẫu hình ảnh khô khan kia còn biệt tích màu xanh nhưng chút hơi người đã vướng vất trong gió.
Hoàng hôn buông, giọng khản đục của lão già đột ngột cất vống lên, âm u như loài hoang sói. Không kinh Kim Cương, mà là Somewhere một trong những khúc trémolo bất tử, Barbra từng hát:
Someday,
somewhere
We'll find a new way of living
Will find a way of forgiving
Somewhere...
There's a place for us
Somewhere a place for us
Peace and quiet and open air
Wait for us
Somewhere
There's a time for us
Someday there'll time for us
Time together and time to spare
Time to learn, time to care…”
8/
Nhóm người tận dụng đất bỏ hoang, xong việc cuốn trại chuẩn bị ngược dốc lên triền núi. Cây guitar cũ mèn đeo sau lưng kẻ vẫn chuyên nghề đùa cợt. Lão già ngồi trong hốc nhìn ra. Đám thợ đá cũng chẳng lạ lùng gì lão. Bọn “chạy làng” từ những vùng “kinh tế mới”. Họ rày đây mai đó sống phiêu linh “đâu dám hỏi ngày mai”. Vẫn may mắn, còn ít cơ bắp để cõng tháng ngày đi quanh giữa cõi trời nghiêng ngã.
“Giang hồ trầy trụa” bọn tự nhận đã khác xa giang hồ thời “khoát áo chinh y”. Những kẻ “phải buộc lãng quên đời”, lẩn lút gió nắng bốn mùa, đá núi, mồ hôi và chuỗi lữ hành không hẹn gì ngẫng mặt.
Một vài người trong nhóm bước đến gần hốc đá:
-Chào ông lão. Còn loanh quanh đây đến khi nào?
Tên đeo guitar nói như trả lời dùm:
-Cũng chọn nơi nầy làm quê hương. “Quê hương thứ ba”. Một loại lạc đà của Neitzsche.
Hắn lại chăm chăm vào đôi dép nhôm, hỏi bâng quơ giọng tếu:
-Sao lại thế? Muốn trượt ngã nhiều hơn chắc.
Lão chỉ cười khẩy:
-Ngã nào? Ngã kiến, ngã chấp, ngã mạn, ngã đường, ngã ngũ, ngã ngớn, ngã bàn đèn, ngã ngữa, ngã ngựa. Lẽ nào chưa học xong về té ngã?
Hắn bình thản bập điếu thuốc rê:
-Ngã hoài. Trường-ca-ngã. U đầu mẻ trán vẫn chưa từng ngã mũ.
Lão chỉ ngay ngọn núi:
-Bản ngã sơn mũ nón đều không. Tìm đâu ra ngã mũ?
Gã guitar viết bằng chân lên mặt đất: ngã. Hắn lại xóa chữ đi, chỉ còn dư phần dấu:
-Văn tự huyễn rồi cũng sẽ “tiêu diêu miền cực lạc”. Trên đầu nó, ai bảo tuyệt không còn lưu mũ nón? Xóa chữ ngã-vẫn-còn-lưu-dấu-ngã.
-Chỉ tự biết rồi thôi đâu khác gì cóc nhái?
Hắn bật cười làm văng luôn điếu thuốc:
-Ý rằng, rất khoái kẻ khác biết ta khi ta cóc cần biết đến một ai.
Lão già liệng bay đôi dép nhôm, trân trân nhìn vào hắn. Đột nhiên hai người cùng chỉ mặt nhau: “Láo”. Họ cười rộ lên như những kẻ khật khùng. Cười mãi, cười vô cùng tương đắc.
9/
Người đeo guitar nói như đùa cợt:
-Chỉ còn lão “thường trú”. Chưa dễ gì chết ngang xương hốc núi. Một nửa công sức giao về người lo coi ngó nơi đây. Không cần ai phải xin, cho ai cả. “Cưa đôi” đám hoa màu nầy với lão, bọn “giang hồ trầy trụa” vẫn phân minh “ơn đền, oán trả”. Ê, lão già “chịu chơi”! Cả bọn nếu chưa rời Bản ngã sơn, hy vọng thỉnh thoảng còn hát hò và nổi lửa qua đêm…
Hắn nói trổng trước khi bỏ đi, không từ biệt:
-Ốc đảo, các lạc đà của Nietzsche và “quê hương thứ ba”: miền bản ngã.
(vườn tượng - 08/03/2016)
Trần Hạ Tháp