Con Non

                                                                           Thay một nén thương trước Làng Quạ

 

Con sợ súng. Nhà con treo một khẩu súng, của ông. Con chưa từng chơi súng, chưa một lần trầy da bởi đạn giấy ná chun. Thấy súng là con ôm đầu chạy thật xa, có lúc chui trong chăn, không có chăn thì chui xuống gầm giường, cuộn tròn ngoan ngoãn. Gia đình con không bận tâm về triệu chứng này của thằng quý tử. Theo họ thì đứa trẻ nào sợ súng, sẽ hứa hẹn cho một hiền nhi.

     Trong nhà con là út, ngoài con ra trong nhà không có ai. Mẹ con từng mang thai nhiều lần. Các anh chị con đều qua đời trước ngày lâm bồn. Sảy thai, cái ách thường gặp ở bất cứ đời sinh đẻ nào của đàn bà. Lý do không cẩn thận, thiếu kiến thức về chăm sóc và bảo vệ thai nhi. Lắm khi một trận cuồng hoan không kiểm soát khiến hỏng bào thai. Cha con thường đi xa. Mỗi lần về nhà, rồi ra đi mẹ lại có bầu. Cũng nhanh thôi, hung tin cái thai hỏng được gửi đến cha. Cha về. Mẹ buồn, và chẳng có đám ma. Không ai làm tang cho đứa trẻ chưa ngoài cuộc sống, cũng chẳng thể gọi đấy là một đứa trẻ-Nó, mới chỉ là một sinh vật trong lốt con người.

     Lần sảy thứ nhất không ai nhớ. Cha mẹ con kết hôn chưa đầy năm. Giọt trinh tiết vấy trên tấm voan đỏ. Gia đình con không hủ tục phong kiến nhưng vẫn muốn chọn xử nữ làm dâu. Ông con đã mất, di vật của ông là cây súng trường trong tủ kính. Lúc đầu người nhà đã chuẩn bị một cái nệm màu trắng. Cha con đã thay nệm trắng bằng nệm đỏ, chăn cũng đỏ. Gối đỏ, tường bọc giấy đỏ, đèn phòng cũng đỏ, gạch lát sàn đỏ, mọi vật dụng bàn ghế, cái quạt cây cùng rèm kéo cửa, đến tượng người gầy trên thập giá cũng đỏ. Phòng the là bí mật của lứa đôi. Con không được biết. Ai trong nhà cũng biết và không được phép bén mảng. Mấy người làm trong nhà từng thì thầm với nhau rằng, trong buồng cưới có treo một khẩu súng. Súng có đạn và đạn sẵn lòng cắn thịt, miễn là có cớ. Lúc đấy, con tò mò muốn nghe thêm. Mấy người làm cứ lắc đầu, bảo rằng họ đang bàn nhau nên làm món gì cho bữa chiều.

     Căn phòng màu đỏ không còn nữa. Cha con không nói gì về nơi này. Mẹ con cũng thế. Ông chú nói rằng phòng cưới chỉ tồn tại một ngày. Đêm tân hôn, thời khắc xuân sắc của đời người. Mẹ con vấy máu trong màu đỏ. Không thể biết có phải máu mẹ không, nhưng đỏ. Cặp người lợ đi, biến sắc trong buồng cưới. Như hai con ong giao phối trong bông hoa ăm ắp mật, hai mũi kim đâm vào bụng nhau, tiêm độc khoái lạc…

     Mẹ mang thai sau ngày cưới. Hai người đã tình tự thêm nhiều lần và không có máu. Trinh tiết là thứ chỉ một lần. Kinh nguyệt thì nhiều lần nhưng chỉ là máu uế. Cái thai được siêu âm là con trai mất chỉ sau một lần ra máu trong quần. Con cố tưởng tượng xem nếu ngày đấy anh cả chào đời sẽ có khuôn mặt thế nào. Anh có giống con không, ở cái mũi cao, mắt một mí với lông mày lá liễu. Cằm anh có nhỏ, hơi nhọn như con không, tóc có xoăn hay mỏng và dễ đứt như con. Da con trắng, thứ trắng phếch ảm đạm bởi thể chất yếu. Còn anh con chắc chẳng trắng đâu. Da anh có lẽ ngăm ngăm, nhìn rắn rỏi, lông mày rậm che ô cho con mắt sâu. Anh hai, con nghĩ chắc chẳng anh hai, nếu lần mang bầu này là một Goria (1). Chị con có thể giống con và cá tính hơn. Con ẻo lả nhưng không yếu đuối đến mức chỉ cú ngã nhẹ là khóc toáng lên. Con lành tính, chị con hẳn cũng lành và trầm hơn. Không chơi đồ chơi bao giờ, kể cả siêu nhân. Rất nhiều lần con tìm vui trong trò xếp giấy. Bởi vụng về, thiếu hoa tay khéo nên con không gấp được gì. Máy bay giấy con gấp luôn nhàu nhĩ, chẳng cân xứng. Khi ném từ trên cao, phi cơ rụng, đâm thẳng xuống đất. Nếu bàn tay nõn nà của con là của chị, người sẽ sinh trước con từ lần thụ thai thứ nhì, ắt máy bay sẽ đánh nhiều vòng cung. Vòng sang trái, đảo bên phải và mắc trên một cành cây còn mát mùi mưa. Gió thổi đôi cánh giấy cao thêm, vút hết tầm mắt.

     Không có người chị nào. Vẫn là sự vã máu bất thình lình, thế rồi khối thịt hoặc là anh hai, hoặc chị hai mất cuộc đời. Chưa một lần mẹ nói về công việc của cha. Đám người làm cả già lẫn trẻ trong nhà cũng mù tịt. Con hiểu rằng cha kiếm tiền rất được, công việc của cha bộn bề, luôn quá tải với sức người thường. Cha thường đi khỏi nhà từ lúc mặt trời chưa mọc, cũng không biết ông về nhà lúc nào. Những chuyến công tác liên miên khiến ấn tượng về người cha luôn nhạt nhòa. Hiếm lắm một vòng ôm, cái xoa đầu. Người lớn rất giỏi giấu cảm xúc, đàn ông càng ranh ma hơn trong việc khoác mặt nạ cho trái tim, đấy là lời con nghe lỏm được từ một bà góa sống cuối đường cái.

     Mấy người lạ hay đến nhà, vẫn thường khen con đẹp và cho quà cả cha lẫn con rất lạ, cứ khúm núm và đi rón rén. Họ như mấy đứa bạn con hồi học chung cấp một, luôn sợ cô chủ nhiệm có cái thước kẻ làm mông đít quắn máu.

*

Biệt thự của gia đình con đóng khép với bên ngoài. Các chấn song đen nhẻm, nhà năm tầng, mỗi tầng chia rất nhiều phòng. Nhà có người hầu, những kẻ chẳng bao giờ nói chuyện, chỉ cần mẫn làm việc như nhện chăng tơ. Con từng lạc sang hết phòng này đến phòng kia nhằm tìm cho ra căn phòng màu đỏ. Mỗi phòng sơn bằng nhiều thứ màu, trừ màu đỏ. Ông chú không sống trong biệt thự, chỉ thi thoảng vào đây thăm mẹ rồi về. Con không ấn tượng lắm với người chú gầy nhẳng, nước da sậm cùng lối trang phục hắc ám từ gót giày đến cổ áo. Như hết thảy người con từng gặp, chú thường hay cho con kẹo bánh, đồ chơi, luôn khen con dễ thương. Vòng ôm của chú hờ hững lắm, chỉ một cái quàng tay lỏng lẻo và hễ con lách là có thể chui ra. Trước giờ, chỉ mẹ con có vòng tay ấm.

     Căn phòng màu đỏ tồn tại chỉ một ngày, chú con nói thế. Đấy không phải là phòng riêng của cha mẹ con. Đám người làm đã suỵt con rằng trong căn phòng đỏ có treo súng, thứ con sợ nhất. Một cái run, quần con sẽ ướt nhẹp nếu trong dòng tưởng tượng khi đấy có một tiếng nổ vang, là pháo hoặc tiếng vỗ tay.

   “Nhìn nó thương quá.” – Chú nói với mẹ.

   “Con nó là một thiên thần. Đợi khi nó lớn hơn, em sẽ rửa tội.”

   “Được không? Anh nghĩ nó đã có một cái tên rồi, nếu em đã muộn trong việc đặt dấu lên mình nó lúc chào đời.”

   “Nó là con của cha, cũng như em và anh, đều là con cha.”

     Chú gật, mẹ con cũng gật. Nhìn họ phát ngán, con muốn tìm căn phòng màu đỏ. Một ngày trời, con loay hoay hết phòng này đến phòng kia, Tầng nào cũng nhiều phòng, lắm nhà vệ sinh. Tầng ba, dãy phòng thứ sáu tính từ ngoài vào và tính từ trong ra, có rất nhiều tiêu bản động vật. Không có khẩu súng, những đầu hươu, sừng voi, tê giác, rồi cái sọ trâu rừng, thảm hổ trắng treo khắp nơi. Trên nóc cái tủ làm bằng gỗ gụ với cửa kính sáng sủa, con thấy một tiêu bản có cánh. Con thú không có đầu, có thể là ưng hoặc đại bàng. Sải cánh trắng khiến con nghĩ đến loài hải âu biển. Cái bóng tiêu bản đổ xuống con run rẩy. Nếu còn đầu, hẳn con vật sẽ gầm ghè, mắt trợn trừng lườm nguýt xuống đứa đích tôn của tay súng đã giết đời mình. Thấy khó thở, con chạy khỏi phòng tiêu bản. Trong phút bất cẩn, con ngã, trượt một lèo xuống tầng dưới. Tiếng khóc của con như như chuông báo cháy, người làm chạy xộc tới. Họ hốt hoảng cõng con xuống, một cú điện đường dài với những cái vâng dạ rằng có nên gọi xe cứu thương.

     Hôm đấy, bồ câu đến với con. Lúc con bị cáng đi, những chiến binh có cánh kéo bầy quanh biệt thự. Nhà cửa tường đồng vách sắt. Cánh tay với mười ngón vẫy trẻ nhỏ không thoát nổi những cánh cổng niêm kín ngày cũng như đêm.

     Mọi chuyến đi xa của cha, đều vì công việc. Hợp đồng, các cuộc họp cùng bao hoạch định để từ đấy cưỡi lên mình chim phượng với cái túi ba gang ăm ắp mỗi lúc về nhà. Những anh chị em của con, của mẹ ra đi cùng những lần cha ra ngoài. Con nghe lỏm rằng, đã có một thầy bói bảo rằng khi mẹ mang thai, cha không được đi đâu. Cha đã tín, và con vẫn mất anh, cũng là chị. Lần ấy mẹ đã không sảy. Thai đủ chín tháng mười ngày và mẹ đã hạ sinh. Rặn đẻ, cái đau đớn như rạch mổ nội tạng không gây mê. Ai đó từng nói rằng sự đau đớn của người mẹ khi sinh con đồng thuận với tình yêu của người mẹ với đứa con. Sự rặn máu, như rút tủy, nhổ cây tận rễ để lại một vết thủng lớn bên trong. Chỗ hổng này khó lành, và chuyển sinh thành nguồn điện năng vô tận, thứ dây rợ liên kết người mẹ với đứa con, cả khi nó trên nôi hay lớn lên và vùng thoát bằng cuộc đời của riêng mình. Tình mẫu tử. Tình mẹ chỉ mất khi người mẹ chết và càng vô tận nếu hài tử kia chết yểu với mái đầu xanh. Con ra đời như thế. Sau những cú rặn hết lực, khối thịt đùn ra từng chút một. Con mất đi nguồn dinh dưỡng lẫn sự nâng niu trong vùng nước ấm được liên kết bằng dây rốn. Con ra ngoài, buộc phải nhập cuộc vào môi trường mới, nơi con sống.

*

Lần sinh trước, anh, cũng là chị con thoát khỏi cái hộp yêu thương và ngoẻo khô khi đón tia nắng đầu tiên của ngày. Đứa đích tôn có cái cổ trụi phẳng. Dường như đứa trẻ đã chết, cũng dường như khó thể sống vì khuyết tật quá lớn, hài nhi được ân huệ một cái chết. Con nghe từ loa rằng, người đời thường giết sống những dị thai. Cha bảo, bởi vì người Mỹ. Cô giáo cùng những người lớn khác cũng nói điều tương tự, người Mỹ và nòi Việt theo đuôi giặc Tây. Mẹ con thì bảo rằng đừng ghét người Mỹ, cũng đừng ghét ai cả, con người sinh ra để yêu thương. Con không hiểu, con chỉ nhớ chỉ biết mình nhớ thế bởi chẳng hiểu gì. Trong trí con, người Mỹ cao và rất trắng. Lâu lâu cha lại sang nước họ và mang về cho con biết bao đồ chơi và áo quần, người Mỹ có siêu nhân và anh hùng, những anh hùng không một lần đánh bom giữa chợ, con lại nhẩm, bởi vì người Mỹ…Ôi, con nghĩ lạc đâu rồi…những dị thai thường giết sống người đời, đúng rồi, đời này đâu thiếu những cuộc nạo, hủy khi đứa nhỏ đã vào khuôn người, cũng nhan nhản ra đấy số thai nhi vừa ra đời đã bị ném vào sọt rác, vứt xuống cống làm mồi cho chuột, lâu lâu, lại một đứa rớt trong bụi rậm, phần bị chó hoang ăn, phần nuôi sâu bọ, chẳng thiếu những mẩu ngón tay xinh, cái tai nhỏ được chàng bọ hung lăn đi cùng chất thải nhằm dinh dưỡng cho thế hệ côn trùng thứ hai…anh/chị trước con đã mất, con chỉ biết thế bởi con đã nghe lỏm thế. Con không thể hỏi thẳng người lớn. Vết thương này không lành. Cú choáng mất con khiến mẹ trầm cảm, không ăn uống nhiều tuần. Cha con im lặng và cái trật tự (ngoan, như cô giáo đã nói mỗi khi lớp học không tiếng người) này dâng lên mèo mun (2) một tên thầy bói.

     Sau đấy ít năm, con ra đời. Con sống, con được cắt rốn, được tưới lớn bằng sữa mẹ.

     Ngày con sinh ra, bồ câu nhòm qua cửa sổ. Con khóc như mọi đứa trẻ. Con yếu hơn mọi đứa trẻ. Đứa nối dõi tổ tông và luôn sợ súng.

     Sau con, không còn ai nữa đi ra từ bụng mẹ. Cha mẹ con chẳng biếng chuyện gối chăn những đã không còn tiếng khóc oe nào. Con là con, cả và là út trong gia đình. Nam nữ kết hôn để sinh con và vì sinh con, nam nữ kết hôn. Thể tạng con yếu, thường ốm vặt. Gặp gió lạnh hay nắng lớn là ngã bệnh. Cha không thiếu tiền, luôn chu tất được mọi thứ đồ bổ quý hiếm nhất. Vì con, cha sẵn lòng rút đi túi mật của con gấu cuối cùng trên hành tinh, lấy đủ ba giọt máu ở trăm đồng nam trăm đồng nữ rồi ném hết vào lò hơi ngạt. Mỗi bác sỹ đến chữa bệnh cho con đều phải gánh trách nhiệm phải chữa khỏe cho con. Nhiều lần con nằm trên giường thấy họ vừa khám vừa run rẩy, cầm bút viết đơn thuốc cũng run. Lúc lục trong túi cứu thương lọ thuốc, bác sỹ đánh rơi thuốc và phải chui xuống gầm giường nhặt lại. Con nghĩ họ lạnh, con đã lây bệnh cho họ.

     Mẹ con, bà luôn bắt con đi nhà thờ cùng mình vào mỗi chủ nhật. Trong nhà thờ chẳng có mấy bồ câu nhưng rất nhiều người mặc áo cánh bồ câu. Ông chú không đi cùng mẹ, chỉ lâu lâu đưa con vào nhà thờ, khi mẹ đã ở đấy. Con thấy lại người gầy, người ta đúc tượng, vẽ ông lên tranh và treo ở khắp nơi. Người trong nhà thờ gọi người gầy là cha. Mẹ cũng gọi thế và bắt con gọi theo. Tiếng cha thật cưỡng cầu. Con chỉ có một người cha, ông có súng trên đầu. Người gầy không mang theo súng, cũng không mang theo thứ gì ngoài cái vải khố te tua. Và rồi con cười, tiếng sặc sụa. Ông gầy khổ quá, chẳng có cơm ăn, áo mặc, nước mắt con ướt dẫm, bóng người gầy nhòe đi.

     Mẹ vẫn bảo con là thiên thần. Bằng chứng là khi sinh con, bồ câu trắng đứng trước cửa sổ. Con chẳng thiết biết về thiên thần. Nhưng con tin, rằng bồ câu đã có mặt khi con chào đời. Từ bé con đã thường thấy bồ câu. Chỗ con sống rất nhiều bồ câu. Không một gia đình nào nuôi loài chim này, bởi con không thấy tổ chim. Ông già bảo vệ, phụ trách khoản dắt, trông xe nhà con từng làm một cái chuồng gỗ dành cho chim. Gạo sống, lương khô và vụn bánh mỳ sẽ dụ khị được bồ câu. Loài lông trắng thật đẹp. Chúng thường bay lượn quanh thành phố, đậu trên nóc nhà, đứng trên một cột báo đèn đỏ nhìn xe cộ đi lại. Mỗi sợi lông vũ rơi dưới đường giúp con biết đã có bồ câu liệng ngang qua. Những mảnh sân rộng, vắng con người luôn có bồ câu. Công Viên thì rất lắm bồ câu. Con vẫn thường ra đấy để ngắm loài chim trắng từng nhìn con lúc chào đời.

     Tiếng gù gù nghe dịu tai. Con mến bồ câu và bồ câu cũng khoái con. Con có thể gần chúng mà không cần phải làm quen bằng gạo sống với vụn bánh mỳ. Ngồi ở ghế đá, bồ câu đáp cánh xuống chỗ con. Những con chim lớn và hoàn toàn trắng, ôi, màu sứ trắng trong, màu của mây loãng neo mãi bầu trời. Con vuốt lông bồ câu, từng con một. Lũ chim nhảy lên vai, ngồi lên đùi đón lấy từng nắm gạo sống con rắc xuống.

     Mẹ con biết chuyện và thường thì thầm về con dưới tượng người gầy. Cha con không thích thấy mẹ cứ đan các ngón tay rồi lẩm bẩm đọc cái gì đấy. Vòng tay của cha rất lớn, thường xiết chặt khiến con không thở được. Vòng tay mẹ nhẹ và êm. Lúc mẹ bế, con vẫn thấy mình bị quên đi. Con yếu, cơ thể thường bị lạnh nên luôn cần một vòng ôm với sức nóng vừa đủ sưởi. Áo nhiều lớp là một vòng ôm không hết người. Nhiều lần con tự ôm mình nhưng cũng chẳng đỡ lạnh hơn. Cái lạnh từ bên trong và khi con tìm đến bầy bồ câu ngoài Công Viên, con khỏe hẳn. Bồ câu bay thành đàn trước mắt con, hết một vòng, rồi thêm một vòng. Lông vũ trắng cả vòm trời. Thế rồi, con rải gạo. Gạo tám thơm vãi như mưa bụi. Bầy câu mổ sạch hạt gạo, tiếng gù gù reo vui và cảm ơn con. Con hay thấy mẹ con đặt ngón tay lên mình trước bữa ăn. Con bắt chước và chỉ một lần. Cha lườm, khẩu súng trên đầu cha chĩa xuống. Con sợ, nấc tiếng, nuốt nước bọt. Mẹ dạy con phải biết tạ ơn cha trước lúc ăn. Cha thì bảo rằng “Không cần. Hãy ăn cho đầy bụng.” Mẹ bảo con nghe mẹ. Cha bảo nghe cha. Con chạy biến đi. Ra Công Viên, con đổ gạo xuống đất, bồ câu sà xuống. Các anh chị em mổ gạo ăn, con cũng bắt đầu bữa của mình.

*

Ngày lấy cha, mẹ hết đồng trinh. Con không sợ cha, chỉ sợ khẩu súng, của ông. Con được nghe kể, ông con là một thợ săn giỏi. Khẩu súng kia đã giết bao đời thú rừng. Hoẵng, nai, dê, lợn rừng, sói hay báo gấm, hổ vằn…cũng ngã xuống sau đường đạn của ông. Trong nhà không có tiêu bản lưu lại. Bà giúp việc lâu năm bảo rằng không hề thấy tiêu bản gì trong nhà, một số người khác hùa vào, một ông bác đoán rằng ông con đã bán số thú rừng săn được cho cửa hàng thuộc da. Người chú bảo rằng ông con không phải thợ săn. Không là thợ săn nhưng thường vào rừng săn bắn, xửa xưa vua chúa cũng có sở thích này. Ông con cũng như các tay câu cá mỗi buổi chiều, chẳng ai là thợ câu giỏi. Họ đi câu vì thú vui. Con vẫn sợ khẩu súng, của ông. Con sợ súng sẽ bắn đi đàn bồ câu ngoài Công Viên. Anh chị em rụng xuống không kịp bay, cất cánh một quãng ngắn thì bị bắn tan tác trên không. Tiếng “đoàng” đáng sợ, âm hưởng của bánh xe tang cút kít trong sương. Thần Chết không chơi súng, chỉ vác lưỡi hái nhưng tiếng đạn bắn hay tiếng chém hái đều giống nhau: đều là tiếng gặt linh hồn khỏi thể xác. Nhổ chiếc bóng ra ngoài, cơ thể người chẳng còn gì ngoài một khối thịt nguội dần chờ kết đá. Mẹ con từng nói rằng sau khi chết linh hồn sẽ lên Địa Đàng, cha con thì bảo khi chết hồn sẽ xuống Địa Ngục. Con chả tin, linh hồn không lên trên cũng chẳng xuống dưới. Gục xuống, con sẽ chuyển sinh thành ánh ma chơi ngoài hoang địa. Lúc nào nhỉ, mẹ từng nói thầm rất lớn vào tai con về tiếng nói ngoài hoang địa, tiếng đấy có đúng là linh hồn sau khi chết, theo lời cái ông tẩy giả khó nhớ tên…

   “Khi chết linh hồn sẽ về với cha.” mẹ nói, vừa đủ con nghe. Mẹ không bắt con thuộc lòng như những ghi chép đóng khung trong sách giáo khoa, mẹ chỉ nhắc con phải nhớ khi đã hiểu, mẹ tốt hơn trường học. Con hỏi rằng ông con trên Địa Đàng hay dưới Địa Ngục. Mẹ lưỡng lự một câu trả lời, còn cha im lặng. Hành lang chết điếng. “Khi chết cha có về với ông không?” – Dường như con đã nói, mang máng thế. Vẫn sự lặng yên. Và rồi mỗi người đi một hướng, mẹ lên phòng mình, cha ra ngoài. Mẹ đi chậm, khẽ từng bước. Tiếng chân cha nặng và êm. Một cái run, lạnh toát người con trong ý nghĩ cha vào phòng ông lấy súng. Ông ấy sẽ nổ đạn hay đập báng súng vào đầu con, nhưng không. Cha đã rời khỏi nhà. Lúc nhìn xuống nhà, định mở cửa sổ, lấy một chút mát con thấy một bóng người. Cửa kính không mở được, nhà này cửa kính đúc đặc, chẳng mở được. Bóng người quen thoắt cái đã lủi khỏi con đường sau nhà.

     Con từng ốm nặng, li bì nhiều tuần. Con tắt thở, mơ, hoặc con nghĩ mình mơ. Khi đấy con vẫn nhìn thấy mọi vật, vẻ nghiêm khắc của cha, người mẹ ít nói mải lẩm bẩm với chữ thập giấu trong hai tay đan ngón vào nhau. Họ bảo con chết. Và mỗi chữ chết vụt khỏi miệng, một thân người ngã xuống bởi cha. Quả đấm lớn, cha đánh họ như luyện cơ bắp với cái bao tải đầy cát treo trên sân thượng. Khẩu súng của ông vẫn treo trên tường. Con sợ, nếu súng khạc đạn, con sẽ trắng và trắng mãi, như cục tẩy sau khi ăn hết nét chì sẽ ăn chính nó. Thế rồi, con thấy mình bị kéo xuống. Thấy rằng mình như con mèo, vừa chạy đi liền bị sợi dây buộc cổ giữ lại. Bàn tay khỏe kéo lùi mình về sau. Sau một cái ho khan, con hết bay, con mở mắt và thấy cha với mẹ. Khẩu súng vẫn lấp ló trên cao, nhìn lùi xuống là thấy đầu cha, nhìn quá đầu cha lại thấy súng. Con sợ, người ông chưa một lần biết mặt.

     Con đã khóc, tiếng òa vỡ như lúc bị trục xuất khỏi bụng mẹ. Không có nước mắt, cơn khóc này chỉ bằng những âm thanh ngấn lên ngấn xuống. Mẹ ôm con, vỗ về. Con tìm thấy trong nắm tay một sợi lông bồ câu. Con nín cùng bàn tay nắm, giữ chặt quả đấm cùng sợi lông vũ. Dường như mẹ thấy, và mẹ cười, nắm chặt bàn tay mình vào bàn tay con đang nắm.

*

Công Viên hoang phế đã lâu. Các ghế đá đổ nát, đầy bụi. Gạch đá ngổn ngang khắp nơi, lùm cây ngày một rậm lên cùng cỏ dại nhú cao. Những cây lớn, thuộc đại thụ như sao đen, xà cừ, bàng rồi phượng đã chết yểu  bởi thời gian và bởi các trận mưa bão lớn. Cây đổ ngổn ngang, chắn khắp đường đi lối lại. Một số cây lớn bị chặt ngắn, chất đống lên xe tải đem đi. Số khác thì sau khi bị chặt khúc, những phần rỗng, mục nát, không giá trị kinh tế thì bị bỏ lại. Người trong thành phố quá bận, cũng quên luôn rồi một công viên rợn ngợp xà cừ và sao đen. Sự vỗ về dưới những tán cây lớn, che nắng che mưa, gảy hòa âm trong tiếng gió tiếng mưa giờ chỉ còn trong trí nhớ. Từ ngày Công Viên ngổn ngang bởi những khúc cây lớn bị hạ sắt, nằm chất đống khắp nơi, chỉ con hay ra vào. Dân cư quanh đây buồn bã ít lâu rồi cũng quên cả, họ bận rộn mà, trẻ con phải đến trường còn người lớn phải đi làm, người già ru rú trong nhà chờ tiếng gõ bàn tay xương.

     Con luôn phải thật cẩn thận để không vấp ngã mỗi khi đi lại trong Công Viên. Bồ câu không vấp ngã, chúng bay. Sải cánh chẳng còn gì ngáng trở. Con vẫn luôn thích được đập cánh trên bầu trời.

     Bồ câu, ruột rà con đây. Mẹ con bảo rằng khi con chào đời, bồ câu đứng trên cửa sổ nhìn xuống. Con xòe hai cánh tay, đứng trên ghế tam cấp và nhảy. Con vỗ tay, vài cái trước khi đo đất. Lần bay thứ hai cũng thế, đến lần thứ ba, thứ tư…mãi đến khi con đau đến mức phải lịm đi. Cha con phát điên khi thấy cơ thể con bầm dập. Không ai có trách nhiệm với những vết đau này, con đã không biết quý trọng cơ thể mình. Con nghĩ mình lên cao không phải trong sự tưởng tượng. Mỗi chú bồ câu khi thấy con đãi ăn, liền sà xuống. Cái mỏ nhỏ xinh gắp hết hạt gạo rơi, và khi no bụng bồ câu sẽ cảm ơn con bằng việc tung cánh. Những sải cánh trắng muốt, xòe rộng. Con ngồi một chỗ nhìn từng cặp cánh vút lên vút xuống. Hôm trước, cha mẹ con cãi nhau to. Người cha to lớn quát tháo, đập tan hết đồ đạc trong nhà, mấy người giúp việc thập thò ngoài cửa cũng vạ lây. Ông tát tai, đấm rồi đá từng người một, trừ mẹ con.

   “Sao nó cứ thế.” – Cha nói to.

   “Con nó, thiên thần.” – Mẹ nói, và đan từng ngón tay lại.

   “Chẳng có thần thành quái gì ở cõi đời này. Con là dòng dõi nhà này. Nhà ta không biết thần thánh là cái gì cả.”

   “Anh cần phải rửa tội và có một cái tên khác.”

   “Dẹp đi, chỉ ngôi sao trước ngực đã quá đủ.”

     Con lấp ló phía ngoài, sau cánh cửa dẫn vào phòng. May mắn không ai phát giác ra con. Con ngồi xổm sau cửa, thu người thật gọn như con rắn cuộn mình và rời đi cũng thật khẽ, theo thế bò của loài mèo.

     Trong nhà không có bồ câu. Con cần bồ câu hơn mọi thứ. Khẩu súng đáng sợ của ông đang đâu đấy trong nhà. Cha con đã bàn đến việc sẽ đưa con vào nơi có nhiều súng ống để con phải quen với việc ra trận. Theo lời cha, đấy là cách để con khỏe hơn. Súng, ôi, lại súng. Con vã mồ hôi mỗi khi thấy súng. Tiếng súng đinh tai nhức óc, ở đâu có súng là có người chết. Bộ đội cầm súng, công an cầm súng, cơ động có súng, thợ săn vác súng, nông dân chế súng, đến người cầm thẻ đỏ cũng giắt súng bên mình…Đánh nhau to rồi, con run lập cập, vãi thêm gạo xuống đất. Một chàng bồ câu đáp xuống, mổ gạo ăn. Con nói với bồ câu rằng “Nhiều súng quá, có biến rồi, chiến tranh rồi, làm sao bây giờ…”

     Bồ câu mổ thóc. Con với tay thì nó vỗ cánh bay mất. Một sợi lông rơi trên đất. Lông vũ đen, một con bồ câu đen. Con thích lông trắng, ngày con sinh ra, ngoài cửa sổ, bồ câu trắng.

*

Hai người không thấy đâu nữa. Mẹ và cha.

     Trong nhà chỉ còn con và đám người làm. Chú không thấy đến. Mẹ con trong nhà nhưng không ra ngoài. Họ nói vậy.

     Cha con không trong nhà, ông đi công tác. Không ai nói, con biết thế. Con muốn dắt mẹ ra Công Viên, cùng con cho bồ câu ăn.

*

Pằng pằng, giơ tay lên, pằng pằng…

     Lũ bạn con vẫn thường cầm một khẩu súng đồ chơi, hoặc giơ ngón tay chĩa vào nhau mà hô. Những lúc thế, con bủn rủn tay chân. Chúng bạn thích chí, nhè từng viên đạn miệng nã vào con. Có lúc chúng lôi con ra, đứa ôm ghì đằng sau, đứa giữ chân. Một cuộc hành quyết không tiếng súng khiến con thiếu chút là đái ra quần. Con yếu hơn chúng nhiều quá. Mọi sự gượng mình đều vô ích, cơn đau đầu giáng như búa bổ. Con ho khan, thấy hụt hơi và (có lẽ) đã ngất lịm trước lúc tỉnh dậy trong căn phòng màu trắng. Mẹ trước mặt, mẹ áo trắng. Không phải bồ câu.

     Trên vô tuyến rất nhiều chương trình về súng đạn. Phim tây, phim tàu, chương trình Điện Biên Phủ trên không, đại thắng mùa xuân. Con lấy làm lạ rằng những phim cấm trẻ con chẳng mấy khi có súng đạn còn phim dành cho trẻ nhỏ thì quá nhiều chiến tranh. Siêu nhân, anh hùng, quái vật, tội phạm, sinh vật hành tinh khác bắn nhau nát sọ tan thây. Một lần, con xem Tây Du Ký, thấy con khỉ phóng một đòn là yêu quái tan xác, con ngờ rằng chàng khỉ thần tượng này đã dùng súng. Chuyển kênh rồi chuyển kênh, con tắt béng tivi. Mở sách giáo khoa thấy đầy ra những cảnh lính Mỹ hành quyết bộ đội và ngược lại, bộ đội bắn tan đầu quân địch. Trước lúc xe tăng húc đổ tường thành, bánh xe đã nghiền bao xương bao thịt, nòng xe tăng chẳng ráo đạn đâu, nó ăn người còn gớm hơn khẩu súng của ông. Con biếng học bởi những bài thuộc lòng diệt giặc diệt thù. Con bỏ học bởi những khẩu súng nóng rực hung hãn trong sách vở. Ngoài đường, hàng dãy những băng rôn khẩu hiệu với khẩu súng của ông. Loa phường ngày lại ngày vanh vách mãi chuyện tổng tuyển cử, tổng tấn công, diệt địch diệt thù…kiến thức con chẳng đủ để hiểu những khẩu ngôn lạ hoắc chốn giảng đường. Lựu đạn chết quân mình là phi nghĩa, bom nổ tan lòng địch là công lý. Con ngơ ra, con nhớ đến một ngày cuối tuần nọ. Một người áo xanh đứng trong nhà thờ nói rằng Mọi sinh mạng trên đời đều bình đẳng. Thế sao người lại ném thuốc nổ vào mặt nhau?

     Cô giáo trong lúc nóng giận, định tát tai con nhưng rồi lại thu tay, cô hiền dịu như nàng Tấm. Vào trường học đã bao năm, con viết còn vụng nhưng đọc vẫn tốt. Con từng như con rùa nhỏ, bị chúng bạn lật ngửa lên, tứ chi vùng vẫy chẳng thể bật dậy. Những cái nhéo tai của cô bảo mẫu từng khiến con đau, rát như thể bị vặt mất cái tai. Một ngày bầm mình, cha thấy và lại ra ngoài. Một chuyến công tác ngoài nhà. Phép màu nào chỉ sau một đêm không ai còn nạt nộ con nữa. Người trong trường thấy con là cúi mình chào, họ lẩn đi chỗ khác mỗi lúc thấy con. Đám bạn thường đánh con cũng lấm lét. Mặt mũi đứa nào cũng bầm hơn vết thâm nhỏ xíu trên người con. Bồ câu không có trong lớp, con đã cố lục tìm anh chị em mình trong sách, trong vở. Không gì hết, khi ai nấy trong lớp cũng ngồi lì một chỗ, hí húi đọc bài rồi hí hoáy viết.

     Cửa sổ đóng kính mỗi lúc tiết học bắt đầu. Con mở rộng từng cánh cửa trong sự nhốn nháo, những cần cổ quay lưng khỏi bảng đen cùng tiếng vụt thước kẻ đen đét. Con đã lầm tưởng mảnh mây vừa võng qua là gục gù. Lá bàng chưa một lần trắng, chúng xanh trên cành, khi ngả vàng thì trút khỏi cây. Thằng kia cầm tinh con gì…lũ bạn xì xào sau lưng con. Từng có đứa chỉ tay và mặt con, một tiếng hét lớn và cái bịt tay che miệng, nó chạy biến đi. Con lọt lại phía sau. Bạn gái đi cùng bạn gái, bạn trai đi cùng bạn trai hoặc xen kẽ từng cặp đôi, một nam một nữ cầm tay nhau dung dăng dung dẻ. Con lũi mình sau lưng, có lúc chạy thẳng, xuyên qua đám người khi nom thấy một cánh bồ câu vẫy mình đằng xa. Con tìm vào Công Viên.

     Con bỏ học. Nhà trưởng gửi thư, viết rằng con không cần đến trường.

     Những ngày vắng mẹ và cha, bồ câu cũng đi đâu mất. Công Viên còn đó, con còn qua lại nơi đó và chẳng thấy một bóng ai. Số gạo sống con mang đi, rải quanh ghế đá, sàn gạch, rắc trắng những thân cây bị đoạn ngắn, bị rút khỏi đất thành hố thủng. Giờ cơm con vẫn về. Đám người làm đã ăn trước, chỉ còn con với mâm cơm ê hề. Món chim quay khiến con xây sẩm đầu óc. Con chẳng chắc về chủng loại cậu bạn bị giết thịt rồi quay vàng bày trên mâm. Con không muốn biết và chẳng muốn nghe. Con bỏ ăn món thịt và tìm đến cháo rồi vứt luôn cháo khi xúc thấy một cái cổ chim non.

     Con chạy vù đi, lăn và ngã. Cơ thể con bầm rất nhanh, hơi thở gấp gáp. Không một tiếng khóc và không giãy đành đạch như con chuối bị ném khỏi mặt nước. Con cố bò dậy, đi bằng chân không nổi thì chống tay mà đi. Người lớn người nhỏ thấy con thì dừng lại. Họ lầu bầu gì đấy, ánh sáng của máy ảnh khiến con nghĩ đến tấm ảnh cô giáo bắt cả lớp chụp cùng nhau, cấm cười, cấm nói, chân tay duỗi thẳng, lưng cũng thẳng, như chào cờ mỗi đầu tuần. Hồi nảo nao, con nghe lỏm được từ một chú lái xe ba gác, biển số 27.7 rằng “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc…con mẹ nó…bài hát chẳng khi nào lỗi thời, nước này lúc nào cũng cần cứu mà càng cứu càng loạn…” Một chú khác cười, nhổ nước bọt rồi chỉ trỏ khắp nơi “Đời này, thằng chó nào cũng là thương binh, cái dân tộc này không què chỗ nọ thì cụt chỗ kia.” Hai chú còn nói gì đấy, thế rồi chợt khóc tu tu, ôm nhau mà hu hu, đúng như lời mẹ nói vòng tay sinh ra để ôm lấy những vòng tay.

     Một cái xe phóng thẳng, đáng lẽ đâm trúng con nhưng lại quẹo. Tiếng vật cứng húc vào nhau. Hai thân mình ngã lộn nhào, máu lầy mặt đất. Tiếng hò reo, tại con kia, tại con kia. Con là trai, người ta gọi con trai là thằng và bạn nữ là con. Một vài người đổ xuống đường, nối những người khác nhào theo xuống. Họ ngước mắt chỉ vài giây về phía đống đồng nát cùng hai người đang chỉ trỏ, đấm vào mặt nhau. Con là mục tiêu họ săn. Con hiểu thế bởi những con mắt hau háu. Khác cái miệng nhỏ, hiền của mẹ, những người này miệng gớm ghiếc như bẫy chim. Chắc chắn họ chẳng mạ lị gì con, tiếng họ lúc khẽ lúc ông ổng. Tiếng hòa vào tiêng, số miệng người khiến con bất an. Thế rồi con chạy, bằng hai chân, bằng hai tay.

     Mẹ không ở đây, ông chú không ở đây, cha đã vắng, mấy người giúp việc không ở bên con. Chỉ một mình, chỉ một con.

*

Công Viên, không một ai, cánh trắng rợp tầm mắt. Con vui lắm hễ vào đây. Người lớn, những người vào tuổi cha hoặc ông đem gạo cho người ghèo với tiếng cười, cái bắt tay và ép ai cũng phải cúi thấp. Con lấy gạo trong bếp, không chất trong bao tải mà nén vào mọi túi áo và quần. Người trên tivi phát gạo cho người áo rách, con tặng gạo cho bồ câu. Gạo trắng, bồ câu trắng, con trắng bợt từ bẩm sinh. Trắng là trắng, trắng với trắng dịu trắng thơm.

     Băng qua con đường, con chạy thắng vào Công Viên. Mọi lần, sẽ luôn là vòng tay thật rộng của con. Đúng như lời mẹ con người sinh ra để yêu thương, vòng tay sinh ra để ôm lấy những vòng tay. Những cánh trắng không thấy đâu. Đi mấy vòng liền cũng chẳng thấy bóng bồ câu. Con nhìn quanh, thấy những cái cây còn cành lá đã bị chặt. Cây lớn lẫn nhỏ đổ nhào khắp nơi. Ghế đá tan tành. Đất ẩm sau mưa lầy bùn bẩn. Con gọi bồ câu, tiếng gù gù nhỏ rồi vống lên như con chim câu thực sự. con chạy thêm một vòng, rẽ trái rồi phải, lách sang ngang, cái vấp chân làm con suýt ngã. Thấy một người đi lại, con hỏi bồ câu đâu rồi. Một cô cùng một chú nhìn con, cười với nhau rồi bỏ con lại. Chạy một vòng, thêm một vòng, con trải hết gạo sống xuống đất.

   “Gạo ngon đây, gạo tám thơm.”

     Gạo dính xuống đất, chấm những giọt nhỏ như hạt châu. Và không hề có cặp cánh nào sà xuống. Chạy một vòng, con mệt lử rồi vấp chân. Lần này con ngã xuống chỗ gạo mồi bồ câu. Gạo trong túi áo đổ xuống. Con mệt lử, con nằm đấy. Mắt lim dim, lim dim. Trong tiếng thở hắt vụn vỡ, con nhớ đến lời ông chú.

     Nó sinh ra là một oan trái. Mẹ con luôn khó sinh. Những trận đau ốm ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Ta đã cầu nguyện bao nhiêu lần, và mọi thứ chỉ là ảo tưởng. Chẳng có phép màu nào trong gia đình súng ống. Con à, con yếu, con à, con thiện bởi dòng sữa mẹ. Ta lấy làm ân hận khi đã nhiều lần trong lúc cầu nguyện đã mong con không ra đời. Đâu thể mãi là bào thai, nhưng sự ra đời có phải phúc phận không hay chỉ là sự trả giá cho những phát súng trong thành phố. Trong căn phòng màu đỏ, máu xử nữ đã hòa cùng huyết thống của kẻ kế thừa gia đình này. Ta sợ con sẽ cầm súng. Ta rủa con đừng ra đời, hãy ra đi như mọi anh chị em trước đó của con. Bởi sự can thiệp lấm lét của ta. Ôi thánh giá, ta đáng lắm bị treo lên và đâm thủng sườn. Sẽ không có lời nhắn nào hướng lên Thiên Đường. Đấy là hình phạt. Ngày con ra đời, không có bồ câu trước cửa sổ. Chính ta, thằng xấu xa đã khoác áo tang, thứ áo ta đã sớm chuẩn bị cho mình. Và con đã thấy, đã ấn tượng cái bóng trắng khi cặp mắt tiếp nhận hình ảnh đầu tiên của thế giới. Thật xấu hổ và xấu xa, thế giới này đã nhiễm mùi thuốc súng…

     Sao lại súng, ắt không phải súng. Con với tay lên và cố gọi vẫy bồ câu. Những chú chim xinh xắn, là bạn và cũng là anh chị em của con. Lời ông chú không đáng tin, nhưng sao nó lại trong đầu con và cứ thùng thùng như tiếng trống làm chết điếng sân trường. Chữ viết đầu tiên của con là hình vẽ chú bồ câu con con, hình vẽ đầu tiên cũng một chú bồ câu. Mọi giấy bản bị gạch bỏ, bị xé trước lớp cùng tiếng cười, vỗ tay của chúng bạn. Vào sinh nhật lần thứ…cha đã lôi hết mọi hình vẽ bồ câu, những origami hình hạc trắng mà con vẫn cố tình coi đấy là chim câu. Gom giấy, gom đồ chơi bồ câu, hàng vạn chàng câu con cắt ra từ sách giáo khoa, bách khoa toàn thư, tạp chí màu, tất tần tật bị chất cứng vào những cái lồng bằng gỗ. Cha châm lửa ngay trước mắt con. Bồ câu cháy hết. Lửa nướng hết, khói thuốc súng cay xè con ngươi. Bay là ân điển của bồ câu. Con vỗ hai cánh tay mỏi nhừ vẫn cứng đơ dưới đất, có nhảy lên cao thì cũng rơi ạch xuống. Đường bay của con còn thua chú gà trống. Con sợ súng, khẩu súng của ông. Người ông chưa từng bế con chưa từng nựng vuốt và con cũng chẳng một lần nhìn thấy. Cha chỉ kể rằng mình có cha và con có ông. Súng là di vật của ông, thứ súng đã kết liễu bao mạng sống, hóa chúng thành tiêu bản. Gạch ngón tay làm dấu cộng dài chân, con bỏ luôn. Ngày hôm trước con đã đánh đổ thùng rác ngoài sân. Con cũng đã ngã. Giờ đây, lúc này, cha đã đi khỏi nhà. Cha lại vác theo súng hay đã giắt súng bên hông như bữa tiệc nọ. Mẹ chẳng vui gì. Cha nhìn quyền uy, và bởi uy quyền, trông cha khó gần, thấy lạ lẫm. Mấy người khách cụng ly, cứ chúc tụng đủ thứ. Con chẳng biết chơi với ai. Chạy vòng vòng, con vấp ngã trước một cặp chân lớn. Người đấy không để ý. Trên túi, cạnh thắt lưng ông ta có cái gì đấy. Lần tay lên, con sờ và nhấc nó khỏi bao. Một khẩu súng, đen ngòm ngòm. Lúc ông ta phát hiện ra, con cũng hoảng. Con, súng trong tay, ngón trong cò. Người kia đòi súng, những người khác cũng nói rất to. Tiếng họ làm ngón tay con ấn chặt cò súng. Đạn nhả đoàng. Hôm trước con vấp chân làm cái thùng rác đổ ào, toàn lông vũ trắng là lông vũ trắng. Lông từng túm từng túm dày như suối như tuyết phủ Paris.

*

Gạo sống phủ trên người. Con gạn hết gạo thành một đống nhỏ. Với tay lên cao, cố gù gù. Bồ câu không xuống. Công Viên hoang rồi. Vươn cánh tay lên cao, vẫy vẫy. Có tiếng chân rầm rập. Tiếng đoàng hôm đấy. Cái thùng rác đổ văng nắp. Trong thùng là những cổ tích những huyền thoại. Chúng chồng lớp trong con mắt ráo hoảnh của con. Ngón cò súng nắm tối đa như hãm phanh xe đạp. Tiếng đoàng. Đạn phóng khỏi ổ, bồ câu rụng đầy đất lạnh. Máu lấm từng chân tóc, từng kẽ ngón tay ngón chân và ăn nheo mười ngón tay, mười ngón chân, đánh son cả miệng lẫn bộ hàm đã qua kỳ răng sữa.

   “Kia kìa.” Tiếng bước chân gần và vang. Người nhiều vô kể. Họ đến để đưa con về. Con người sinh ra để yêu thương. Con lẩm bẩm. Không. Dứt khoát thế. Hôm đấy, lông vũ bật khỏi thùng rác và con đã giẫm lên, tương tự như khi con đã bóp vào ngón cò súng. Nòng súng hướng vào cha. Mẹ gục xuống.

     Đám người đứng quanh con, lưỡng lự chưa biết làm gì. Con ngồi dậy, phủi hết gạo, phủi sạch gạo. Lúc con đánh mắt, họ bước lùi. Vòng vây giãn ra, mở một lối sáng thông ra ngoài.

   “Đám sẽ bắt đầu sau một tiếng nữa.” – Tiếng họ.

   “Đỏ hay trắng?” – Lời con.

    “….”

     Đỏ hay trắng? Hết trắng thì đỏ, còn trắng thì còn đỏ. Nòng thép chĩa vào cha, tiếng đoàng, mẹ ngã xuống. Đạn không trúng ai. Và mẹ ngã xuống. Mẹ tắt hơi trong lúc quỳ trước tượng người gầy. Bàn tay mẹ chắp vào nhau. Mười ngón tay đan vào nhau, giữ cái gì đấy bên trong. Phòng trắng quét vôi đỏ.

      Con sợ súng. Con đi về hướng có súng. Kháng sinh.

 

 

9.6.1017

(1) Gorgon và Maria : Nhân vật nói sai

(2) Trong truyện ngắn “con mèo đen” của Edgar Poe, tên con mèo đen là Pluto, tiếng HyLạp là Hades