Trương Thị Kim Dung
Rơi bao mặt nạ nỗi mình
Lên núi xem cuộc cờ Thiên định
Nắng bên Đông chiếu bóng bên Đoài
Ai từng vượt sông mê tìm lại
Ngọc Thông linh hoá kiếp Thị Mầu
Ngực trinh trong phơi phới tuổi Rằm
Vẫn chị đấy em đây say đắm
Sương khói vờn pho tượng tiền thân
chiều lắng đắng
Em đứng giữa rừng già và biển cả
Ngàn kiếp cũng chim trời cá nước chẳng riêng ai
Hòn đất ném đi hòn chì quăng lại
Cha thứ lỗi
con xin tráo lá bài số phận
Tình đã thuộc Sơn Tinh vẫn thầm xót Thuỷ thần
Sơn Tây mùa Thu
Đời đã nhàu mọi ngả
Ta thả mình về đất Sơn Tây
Chiều nay như gió đang chằm bặp
Nước lớn ngoài sông bến Trung Hà
Vì cây dây quấn thành xưa ấy
Mưa nắng ăn mòn mặt đá ong
Những biết đường đồi thì lắm dốc
Rừng đã lụt xanh xuống bóng mình
Một ngõ hai vua*
ừ chuyện lạ
Thần Thánh yêu đương động đất trời**
Gốc Duối buộc voi giờ ai buộc
Tóc mây vương lọng chốn Cổ Bồng
Người bảo ta rằng người đã học
Tay ngà tay ngọc bóc mía nương
Vườn tược thuộc làu như kinh kệ
Hoa quả lừng thơm cả giấc suông
Muốn đưa lên mạng bao la sự
Ngơ ngẩn chùa Thày một hồi chuông
*Đường Lâm- quê hương của Bố cái đại vương Phùng Hưng và Ngô Quyền
** Huyền thoại Sơn Tinh -Thuỷ Tinh
Mưa đền Rồng*
Mưa chi trôi lũa đất trời
Xiết đau muôn loại kiếp đời tang thương
Ngôi cao bão lớn là thường
Đế vương âu cũng đoạn trường tìm nhau
Còn đây áo lụa khăn chầu
Chưa phai sắc thắm đã nhàu cơn mơ
Đền Rồng bong bóng tuổi thơ
Chiêu Hoàng chợt nhớ thuở chưa lấy chồng
Thảo thơm trái thị trái hồng
Ngai vàng cũng tặng cầu vồng cũng cho
Mênh mang non nước cơ đồ
Chàng tu cửa biển thiếp thờ non cao
Những Ngâu duyên phận thuở nào
Đắm đò lỡ bến chiêm bao má hồng
*Đền Rồng : ở Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh) thờ Lý Chiêu Hoàng - vua nữ duy nhất của vương triều Lý và quốc gia Đại Việt
Nào ai quạt lá Bồ Đề
Cho xin một chút gió thế gọi trăng
Hẹn hò ngàn kiếp xa xăm
Về đây xanh mộng cỏ nằm bên nhau
Lâu đài trên nước* là đâu
Còn nguyên tiếng hát nương dâu tảo tần
Hoa xuân đã độ bao lần
Bến Thương khéo giặt trong ngần hồn chưa
Dầm mình bên mái đền xưa
Đỏ lay bông súng thêu mùa ao son.
* Thủy lâu đài: Nhà Lý dựng thế kỷ XII ở Ghênh sủi (Như Quỳnh- Văn Lâm) xứ Kinh Bắc để Nguyên phi ỷ Lan về tu hành và dưỡng sức khi 71 tuổi.
Chùa Dạm
Về đây với nước với non
Chon von đá mẹ đá con bế bồng
Gió nào đợi ngã ba sông
Xui con thuyền vượt dòng không mái chèo
Hội làng áo lụa khăn điều
Có bao ánh mắt ướm theo dấu hài
Còn duyên trời đất sánh vai
Quên đau cỏ dại rạc dài hoang vu
Những là sương khói âm u
Lối thiêng vẫn nhớ mùa xưa Xuân chờ
Ngàn gian còn mấy ngôi thờ
Mõ câm kinh nát chuông trơ bóng hình...
Lênh đênh ân oán tội tình
Dìu nhau trở lại cõi mình nguyên sơ
Chùa Dạm ai dạm nắng mưa
Cho ta dạm cả tuổi chưa lên Rằm
(*) Chùa Dạm - di tích nổi tiếng của xứ Kinh Bắc (nay thuộc Nam Sơn - Quế Võ - Bắc Ninh), được xây dựng từ thời Lý, thế kỉ XI.
Ta lại đến cùng ai thuở trước
Đỉnh Phù Vân chợt toả sáng trời
Những trinh nữ áo màu tre trúc
Sóng sánh cười trong cỏ ướt chiêm bao
Rừng Tùng nào từng qua kiếp bão
Người đã Trần sương khói vẫn lên Non
Đâu bến bờ khúc đoạn của dòng son
Con nước lớn và con nước cạn
Đời vỡ ván triều tan thuyền nát
Trăng sa bồi phủ mát mặt mùa hoang
An Kỳ Sinh* ơi
linh dược đại ngàn
Có tìm thấy trong đêm chiết gió
Trầu một lá** ngã nắng ngày huyền sử
Bỏ ngai vàng Vua*** đã đi tu
* Một đạo sĩ tìm lá thuốc ở Yên Tử để luyện đan trường sinh
** Một biệt dược của Yên Tử
***Xuất gia , Trần Nhân Tông trở thành Đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm
Núi cao đồng rộng sông dài
Chờ ai đã héo nhành Mai xuân thì...
Công danh áo rách tứ bề
Tiếc gì còn vá u mê cho dày
Tình suông ăn gỏi tháng ngày
Muối lòng nén lại chua cay trò đời
Bao giờ hết nẻo luân hồi
Mây trinh bọc vía ta thời thật ta