Giữa tuyết rơi trắng giá phố phường ngày đông tháng chạp, tôi nhận được tùy bút Hương Lá Mùi của Vi Thùy Linh. Một món quà cuối năm, một đột ngột trở về với mùi thơm quê hương tôi chưa từng biết, chỉ nghe ai đó kể. Nhưng kể hay tả chưa đủ, cái hay là làm sao hương ấy ngấm vào tâm cảm của người nghe người đọc. Cảm xúc đó tôi vừa được gặp, khi đọc tùy bút này của Vi Thùy Linh.
Mai Ninh
Vi Thuỳ Linh
hương lá mùi
Xuất hiện như tín hiệu mùa vào tháng Mười âm lịch, khi những chiếc xe đạp chở phía sau xanh um những bó mùi hương quyến luyến các ngả đường, len vào từng ngõ phố. Loài cây như cô gái mảnh mai nói với tạo vật bằng hương thơm từ khi mới lộ trên mặt đất lá mầm xanh biếc, mùi hương làm nên ý nghĩa sự tồn tại của loài cây ấy, từ tên gọi: Cây Mùi.
Từ lúc xanh non đến khi già, mùi luôn được bó mớ. Lúc xuân thì, nó là rau sống, là gia vị mà ai cũng có thể ăn, thứ rau thơm kèm được với nhiều món mà không e khắc vị. Như gia vị, người ta bó mớ mùi ấy bằng sợi lạt nút mỏng; bằng bàn tay, thân mùi chừng 10 đến 13cm, để nguyên đoạn rễ (cả rễ cũng có mùi thơm), những chùm rễ trắng còn vương chút đất. Rau mùi không bao giờ thiếu trên quầy rau thơm, mẹt rau góc chợ, gánh hàng rong gánh phố trưa khê ngủ hay lúc buông chiều.
Như những loài cây gieo trồng bằng hạt, cây mùi có thời gian sinh trưởng ngắn, chẳng khi nào người trồng nhổ hết. Những luống mùi già, cao chừng bằng hai gang tay chi chít những quả nhỏ như hạt đỗ, cũng ngào ngạt mùi hương, như lá, như thân mùi. Đây chính là thứ “đặc sản” không thể thiếu trong những ngày Đông giá hay khi he hé Xuân về. Những vùng ven đô hay bãi phù sa sông Hồng quanh năm trở mình mùa vụ, vào độ cuối năm lại thơm một mùi thơm toả lan và khoáng đạt. Mùi của hoa, của đủ thứ rau thơm, mùi của phù sa ngàn năm bồi lở, mùi lá và hoa mùi cắt mình lên khơi luống lan chảy vào không gian trong giác quan cảm xúc của người.
Từ lâu lắm rồi, người phụ nữ Việt Nam vẫn gội đầu bằng bồ kết. Quả bồ kết nướng thơm, cho vào nồi đun sôi có thể đum thêm cả vỏ bưởi, rồi gội với chanh. Các cô cầu kỳ thích gội lá hương nhu hay đun nước cỏ mầm trầu cho tốt tóc, lại rắc thêm vài bông hoa bưởi vào độ tiết Xuân. Thời hiện đại, có biết bao loại dầu gội đầu: Sunsilk, Pantene, Essential, Enchanteur, Sifone, Clear, Head and Shoulders, Lux, Lifebouy, Mỹ Hảo, Daso.. nhưng bồ kết và hương lá mùi vẫn là loại “dầu gội” tốt nhất cho tóc, hiển lộ xuyên thời gian bằng việc vượt qua một cách ngạo nghễ bởi sự yêu thích của các cô, các bà. Mùi hương xuyên qua những thế kỷ như một trong những biểu hiện của đồng bằng Bắc bộ, của văn minh lúa nước sông Hồng, của chốn thôn làng qua bao biến thiên vẫn giữ được phong tục cổ truyền, đất lề quê thói.
Những cô gái đua nhau cắt tóc tém mà tôi thấy, bỗng nhiên lại nuôi tóc dài. Dường như mái tóc dài vẫn là mốt của mọi thời đại, người con gái nuôi tóc dài, để thấy mình nữ tính hơn trong gợi cảm mềm mại, dịu dàng. Nhìn những cửa hiệu gội đầu, những đầu tóc được chăm sóc bởi những ngón tay mơn trớn, bỗng thèm được thấy cảnh bến nước giếng làng...
Cây đa, bến nước, sân đình là ba hiện diện của làng quê vùng đồng bằng ngàn năm, nơi phản ánh đời sống tụ cư, tính cộng đồng gắn kết của người nông dân với quê hương, xứ sở. Hình ảnh những cô thôn nữ mặc yếm ra bến làng gội đầu chiều tất niên, bỗng thấy như huyền thoại, khiến ta như trở về ấu thơ với niềm tin một ngày được gặp những cô tiên giáng trần thường tắm gội vui đùa rồi thay xiêm y mới. Còn những-cô-tiên-tóc-đen trong tiềm thức ấy của tôi, thì đang bay khắp trần gian suốt mùa Xuân cùng hương lá và hoa quả quyến rũ. Quyến rũ, với những cảm giác thánh thiện, mơ mộng và ngọt ngào hơn tất cả những loại nước hoa đắt tiền, sang trọng. Tắm tất niên bằng nước đun với lá mùi gắn với tâm thức người Việt như một nghi thức tất yếu. Người muốn tắm gội nước lá hoa mùi, đã được thoả mãn vào cữ tháng Mười, nhưng hầu hết tất cả mọi người đều thấy cần phải tắm gội thứ nước ấy vào chiều cuối cùng của năm (âm lịch). Cùng với việc dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, ai cũng muốn thân thể mình sạch sẽ. Và nước lá hoa mùi, không chỉ cho người ta được sạch sẽ, gột rửa bụi trần, mà còn được tắm rửa tinh thần, để cả tâm hồn và toàn thân thể được tinh khiết, thơm tho, thanh thản trong cảm giác bay bổng, yên bình. Mùi hương của mùi ngấm vào thịt da, như thể con người vừa làm nghi lễ cho mình. Tôi cho rằng việc tắm gội lá mùi chiều ba mươi Tết là nghi lễ thuộc về văn hoá tinh thần. Nó tồn tại không nhất thiết phải hiện hữu trước mắt, mà trong ý nghĩ, hồi ức và hoài niệm của chúng ta. Hoài niệm về những cái còn, cái mát. Như những ngôi nhà cổ cuối cùng và những bức tranh phố cuối cùng còn lại ở Việt Nam của Bùi Xuân Phái. Như những khuôn mặt già nua của các bà hàng xén, hàng rau với mẹt rau có những mớ rau thơm bé xíu “lướt” vào chiều không gian xa ngái khi mà các siêu thị đang tới tấp mọc lên. Như bóng dáng ông đồ viết câu đối mừng năm mới. Như tiếng pháo nổ giòn trong truyện, thơ và ký ức...
Người với người gần nhau hơn, thân ái hơn, khi tắm lá mùi mùa Xuân và hương thơm làm người ta tĩnh tâm sau bao mệt mỏi của cuộc mưu sinh và vòng quay bon chen, tham vọng... Hình như khi một cô gái mang hương lá mùi trên thân thể, ai cũng muốn gần cô hơn. ý thức bản năng và giới tính trước mùi hương gợi cảm và tinh khiết, được bao bọc bởi niềm đam mê thanh sạch.
Tôi như thấy các mẹ, các bà trẻ lại, khi tắm gội nước lá mùi và hong tóc trước sân. Những sợi lá mùi vương vào mái tóc nhiều muối tiêu của bà gội xanh người về thời son trẻ
Tôi vẫn tin ở sự bền vững của những tình yêu lớn lao và cao cả. Như vẫn sung sướng với niềm tin vào nghi lễ tắm gội lá mùi, một nghi lễ linh thánh gắn kết vĩnh viễn những cặp uyên ương, những cặp vợ chồng mãi là người yêu của nhau nhờ mùi hương vượt qua mọi giới hạn khi phu thê quấn quýt tắm gội cho nhau bằng nước lá mùi, để tình yêu không bao giờ có tuổi, lại thăng hoa trong cảm xúc tươi mới, hồn nhiên, đằm thắm vô bờ.
V.T.L