BanCuVoDinhMn

 

 

“Truyện” hay “chuyện” của Võ Đình thường là những cái viết cho tôi nhiều cảm xúc, vì đấy là những dòng văn không cố tình dùng chữ nghĩa để phô trương, chúng tự nhiên mà sâu đậm ý nghĩa. Sự quyến rũ của văn chương ấy một phần đến từ những bắt gặp lắm khi bất ngờ trong dòng sống - sự tình cờ vốn hiện diện thường xuyên trên con đường chúng ta đi nhưng chừng như không thể thoát ngoài quy luật của một thứ định mệnh nào đó. Đọc Bạn Cũ, càng ngấm thêm cái viết về con người và đời thường thật thấm thía của Võ Đình.   

Mai Ninh

 

 

 

Võ Đình

 

 

 

Bạn Cũ

 

cho Linh Giang

 

Tìm được số điện thoại của Văn, tôi gọi ngay. Đằng kia giây nói, giọng Văn vồn vã, ấm áp. Vẫn gọi bạn bằng tên và xưng là mình: “Vậy thì gặp nhau ở Contrescarpe đi. Quên đường rồi à? Trời, tụi mình xưa kia ngày nào không cuốc bộ ngả ấy! Để mình chỉ lại cho. Qua Cujas nhé. Xưa Thạch ở ngay đó mà. Ừ, cứ đi thẳng, quá Panthéon thấy nhà thờ St Etienne du Mont. Tiếp tục trên Clovis nhé. Rồi rẽ phải ở Descartes. Nhớ rồi hả? Tốt. Hai phút là tới Contrescarpe. D’accord. D’accord. À demain. 10 heures

Buồn cười. Mấy chục năm khiến cho người ta thay đổi đấy chứ. Trái tim vẫn đó, nhưng tiếng nói có chiều đổi thay. Ở Mỹ thì OK, Ô kiếc. Ở Pháp thì đắc-co với lại xà-va.

Văn và tôi ngồi uống bia ngoài sân lộ thiên ở cái brasserie cũ nhìn ra đường Mouffetard. Bàn ghế lóc chóc. Mấy cây dẻ tây khẳng khiu. Hai con chó gầy chạy loanh quanh, sục sạo chỗ này, hít hít chỗ nọ. Hàng quán bên kia công viên lao nhao, rào rào: tiệm bánh mì, bánh ngọt, thịt thà tôm cá, tiệm đồ nguội, rau cỏ, trái cây. Mùi choucroute chua chua đâu đây. Lại có cả mùi xúc xích un khói.

Văn vẫn hút Gitanes. Vẫn cầm điếu thuốc giữa ngón cái và ngón chỏ, ba ngón kia khum khum. Vẫn thói quen hớp một ngụm bia rồi khịt khịt cái mũi. Trần quang Tú Lưu Văn. Người có tên năm chữ. Được biết đến hơn: Văn Măng-đen-xon.

 

*

 

Dạo ấy chúng tôi còn trẻ lắm, ngày nào cũng túm tụm gặp nhau đấu hót. Đứa mơ làm họa sĩ, đứa “làm thơ”, đứa “viết văn”. Thằng Hiếu-hạt-tiêu cương quyết một ngày sẽ hiên ngang bước vào Hàn-lâm-viện Pháp quốc: “Tao sẽ mặc áo đuôi tôm, đeo kiếm có ngù!” Bạn bè cười chế diễu, Hiếu thản nhiên: “Ừ, thì tao nhỏ con. Nhỏ con như Napoléon!”

Văn, Văn học kéo vĩ cầm ở Viện Quốc gia Âm nhạc. Thuở đó, những Perlman, những Du Pré, nếu đã ra đời thì còn đi học mẫu giáo. Đó là thời của Stern, của Oistrach, của Menuhin. Văn nói: “Thằng” Menuhin sư vậy mà mỗi ngày mỗi luyện. Ba ngày không luyện, thính chúng biết. Hai ngày không luyện, tụi phê bình biết. Một ngày không luyện, chính mình biết”. Lại nói: “Trước khi xách đàn ra sân khấu, hắn trồng cây chuối, asana yogique, ba mươi phút để định tâm. Khiếp!”. Chuyện “Milstein cướp đàn”, Văn kể nhiều lần, không chán. Đang réo rắt ngon trớn, giây đàn đứt phựt. Milstein đặt ngay đàn mình xuống chân, giựt cây đàn trong tay đệ nhị vĩ cầm và tiếp tục cho đến hết bản nhạc. Cả một Salle Pleyel đứng dậy. Chưa bao giờ tiếng vỗ tay kéo dài đến thế. Tuy ngưỡng mộ Milstein như vậy Văn lại được biết đến như Văn Măng-đen-xon.

Ngồi quán, đi ngoài đường, hứng lên là Văn quên hết mọi người chung quanh. Cây đàn tưởng tượng kê dưới cằm, tay trái bấm liên tục trên phím, tay phải kéo cây cung vĩ cầm, miệng huýt sáo Concerto en E mineur của Mendelssohn. Người lạ có dừng lại nhìn con người quái gở, Văn không để ý. Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa. Suzanna lắc đầu, vờ ngán ngẩm. Lắc đầu nhưng hoan hỉ, hãnh diện, chiêm ngưỡng. Suzanna là bồ của Văn. Cha Parisien, mẹ Corse. Năm thứ nhất trường Thuốc. Một nhan sắc chìm chìm, tối tối, nhưng con người cung cách, óng ả. Tóc dài và dày. Lông mày lông mi đen, rậm. Văn khoe: “Rậm lắm. Đen lắm.” Và chúng tôi, những anh con trai tuổi hai mươi, cười hô hố.

Uống hết mấy chai Carlsberg với hai dĩa đậu phụng rang, chúng tôi chia tay. Văn nằn nì: “Thạch phải đến nhà ăn cơm với tụi mình. Suzanna bảo kéo cho được bạn về đấy. Ừ, tối mốt nhá!”

 

Hai hôm sau, tôi lấy métro đến nhà Văn. Khu Neuilly. Đại lộ Augier nhiều cây lớn, toàn những ngôi nhà bề thế xây lên thời dân bourgeois... làm vua. Kín cổng cao tường. Ban-công sắt rèn. Tam cấp đá hoa cương. Vào cửa chính phải có tín hiệu. Tiền sảnh nền cẩm thạch. Thang máy lát gỗ anh đào êm ru. Tôi bấm chuông nơi có gắn bảng đồng sáng loáng: Dr. Suzanna Ségrin Tran. Người mở cửa là một thiếu nữ xinh xắn, tóc vàng, áo váy đen tuyền, cổ và tay đính nẹp ren trắng. Tôi nghĩ thầm: Lại có cả thị tì. Thằng Văn sống ở đây được à!

Chuông reng, có tớ gái trang phục đúng kiểu gia nhân thượng lưu mở cửa đón khách trong khi ông chủ lại lúi húi sau bếp. Văn bước ra, còn mang tạp-dề, nắm lấy cánh tay tôi:

- Thơm không? Thơm quá chứ lị!

Văn nấu bún riêu. Quay sang cô tớ gái, sai dọn rượu khai vị, Văn kéo tôi ngồi xuống ngay ở cái bàn nhỏ trong bếp:

- Mình bây giờ là homme à tout faire*. Con nhỏ mở cửa cho Thạch là để làm cảnh. Suzanna ở phòng mạch về ngay bây giờ.

Chúng tôi vừa chẻ rau muống vừa uống apéritif*, nói chuyện. Văn khoe rổ rau kinh giới và hũ mắm ruốc Việt nam. Bạn cũ gặp lại nhau sau nhiều năm, thường chóng chán. Hân hoan vồn vã được một hồi, hết chuyện. Văn và tôi nhìn nhau nhiều hơn là nói. Nhìn không chán. Một cái gì lâu quá không thấy, nay bỗng nhiên tìm ra lại. A, nó đây. Nó đây này. Văn bảo tôi:

- Già đấy. Râu Thạch bạc hết rồi.

- Ừ, già chứ. Văn không râu nhưng tóc bạc phơ. Mới hăm mấy, Văn đã có dăm sợi bạc. Tụi mình thèm lắm. Đứa nào cũng ước có mái tóc bạc bạc. Ra cái điều từng trải mà...

Văn nhấp một hớp rượu, khịt khịt mũi:

- Mới đấy...

- Ừ, mới đấy...

Chúng tôi ngẩn người, ngơ ngác; ba bốn chục năm đã trôi qua. Từ đâu trong chung cư thoảng vọng ra: Tì tì, tị ti ti, tì tí ti, tì tị ti tì...

Tôi hỏi:

- Brahms?

Văn gật đầu.

Đúng lúc ấy, Suzanna bước vào. Bà bác sĩ tuổi sáu mươi đẹp hơn hồi còn đi học. Bộ pantsuit màu sô-cô-la rất đậm, giản dị nhưng sang trọng. Xắc và giày da kỳ đà nâu nhạt hơn tí xíu, óng vàng. Khăn lụa choàng cổ trắng, đen, cam, đường nét tượng trưng. Rất Paris 16ème*.

Không như Văn, bà vợ có khác đi nhiều. Thân ái, tự nhiên, nhưng nghiêm trang, kín đáo. Ngày xưa, khuôn mặt trắng ngần và mái tóc đen mướt ấy đã phảng phất cái bóng chìm chìm, tối tối. Bây giờ, ở đuôi mắt và khóe môi... Không phải chỉ là nét tuổi tác. Người Pháp gọi một khuôn mặt như vậy là “marqué”. Nét hằn... Tôi sực nhớ câu thơ Xuân Diệu: “Hoa thu không nắng cũng phai màu/ Trên mặt người kia in nét đau”.

Chúng tôi bưng mấy tô bún riêu ra bàn ăn. Văn khui chai vang trắng. Bún thật ngon. Bà bác sĩ cầm đũa rất thạo nhưng ăn chưa hết Văn và tôi đã làm sạch tô bún riêu. Văn liếc đồng hồ tay rồi xòe cả mười ngón ra:

- Xin lỗi, xin lỗi. Suzanna ma chérie... Bậy quá, vui quá suýt quên. Xem cái này nhé. Nhất định phải xem.

Văn đứng dậy, mở la télé. Cuộc trình tấu đã bắt đầu. Yehudi Menuhin.

Tiếng vĩ cầm quằn quại, nức nở. Rồi từ từ, từ từ, trở nên thôi thúc, quyết liệt. Rồi bung lên trận pháo bông hào quang ngời ngời. Rồi chìm hẳn xuống, rì rầm, thê thiết. Tiếng đàn xoáy vào đầu, tuôn tận phèo phổi, xuống tới ruột gan. Mặt Suzanna bâng khuâng, xa vắng. Trong khi Văn rướn người về phía màn truyền hình, chăm chăm nhìn bậc thầy gồng mình kéo hết bản nhạc. Những giai điệu cuối cùng xoắn tít, quyện lấy nhau, thủy triều dâng lên, chồm lên, sóng bạc đầu điên cuồng dựng đứng rồi lao lên bờ cát, tuôn trào, lan tràn, lăn tăn, li ti...

Menuhin khom mình tạ từ thính giả: mắt Văn chớp chớp, long lanh. Môi Văn run run.

Tiếng vỗ tay mới bắt đầu rào rào, Văn đứng phắt dậy, tắt máy, đi ngay vào bếp để làm tô bún mới cho cả ba. Suzanna không muốn ăn thêm, xin rút lui đi nghỉ, “để hai anh nói chuyện với nhau”. Nàng bảo tôi:

- Tuần sau anh rời Paris rồi à? Phải đến với tụi này ít nhất lần nữa. Hứa đấy nhé! Nhé?

Đã quay lưng đi, Suzanna ngoái lại nhìn chồng, thật nhanh. Cái nhìn thương yêu. Ẩn nhẫn. Ái ngại. Người cựu sinh viên trường Y cẩn trọng quá.

Đến gần mười giờ đêm, tôi mới quyết tâm đứng dậy ra về. Văn mặc thêm áo ngoài, nói để đi bộ một đoạn với tôi.

Đại lộ Augier giờ ấy rộng thênh thang. Cuối tháng chín, trời đêm Paris đã se lạnh. Những mảng trắng loang lổ trên thân dãy bạch phong sáng ngời trong ánh đèn. Tiếng gót giày nện lên lề đường một thoáng cho tôi cảm giác năng nổ của thời trai trẻ. Tôi hích cùi chỏ vào Văn:

- Nghe tiếng giày kìa. Vui hả?

- Ừ, vui. Lâu lắm mình mới được nghe tiếng giày như thế này. Thạch biết không? Lúc nãy, không có Suzanna mình đã khóc rồi!

- Mình biết. Còn vướng cái vĩ cầm đến mức ấy à?

- Còn, còn chứ. Thế mới kẹt. Xưa, hồi còn học ở Conservatoire...

- Mình nhớ... Tụi mình gọi Văn là Văn Măng-đen-xon...

Văn đứng hẳn lại. Tôi cũng dừng chân. Văn nắm lấy hai tay tôi ở ngay cùi chỏ. Nắm cứng ngắc:

- Ừ, mê lắm. Thế mà... Thế mà... Thạch đi rồi, rời Paris rồi, mình cũng ít khi về Quartier*. Hồi đó mình có cái phòng con ở tận mãi quận 20, gần nghĩa trang. Père Lachaise, nhớ không, có mộ của Modigliani đó. Mình ham luyện đàn quá, lắm bữa ăn tối qua loa chi đó rồi tiếp tục đàn. Đến cái giờ ai về nhà nấy rồi mình mới rời Viện. Từ đó về đến phòng trọ, phải đổi xe ít nhất một lần. Ấy vậy mà trên nẻo métro nào mình cũng thấy một ông già áo đen lụng thụng, ôm cái “rương” vĩ cầm. Chắc là kéo đàn thuê đâu đó về. Kéo đàn mua vui ấy mà. Người ta tiệc tùng say sưa xong xuôi rồi mới được ôm đàn về. Có bữa mình đổi hướng đi, lấy xe khác, vẫn thấy một ông già ôm vĩ cầm trong métro. Cả Paris có bao nhiêu “nghệ sĩ” như vậy? Hàng ngàn? Hàng vạn? Mình sợ quá. Cặm cụi kéo đàn ở Conservatoire để làm gì? Để một ngày nọ, đêm hôm khuya khoắc ôm đàn lủi thủi dưới lòng đất Paris như thế à? Mình sợ. Sợ quá. Đàn vẫn kéo nhưng lòng tin cứ long ra, rã dần, rơi rớt dần. Càng ngày mình càng thưa đến Viện. Rồi dứt hẳn. Xoay qua một hai hướng khác. Chẳng đi đến đâu cả. Rồi Suzanna tốt nghiệp. Mình chưa nên trò trống gì Suzanna đã nằng nặc làm đám cưới. Rồi mở phòng mạch. Rồi hai đứa con song sinh. Cuộc sống ngày càng phức tạp. Và mình làm homme à tout faire*  từ đó. Giấc mơ tiêu hao như điếu thuốc lá. Khói bay đi. Chỉ còn cái tàn lạnh và tanh. Tối nay nhìn Menuhin kéo đàn mà nước mắt cứ chực trào ra. Hèn. Mình là một thằng hèn...

Tôi ôm lấy hai vai người bạn cũ:

- Ừ, hèn. Nhưng Văn nấu bún riêu rất ngon. Nghe Menuhin đàn mà muốn khóc lại càng ngon. Rứa là tốt. Rứa là tốt.

Văn cười lớn:

- Pas vrai*? Này, đến métro rồi đó. Lấy ngả Sèvres, xuống Michel-Ange Monitor, đổi về Austerlitz. Nhớ xuống Maubert là vừa.

Tôi bước đến cấp cuối cùng, ngoái lên, Văn còn đứng trên miệng hầm. Văn kêu vói:

- Rứa là tốt , hí!?

 

*

 

Thuở ấy tôi đã được nghe tiếng kèn nọ rồi mấy năm sau mới quen Văn. Chưa bao giờ có dịp kể cho Văn nghe. Phải chi trạm métro xa hơn, chúng tôi cùng đi bộ với nhau một đoạn đường nữa có lẽ tôi sẽ nhớ lại tiếng kèn và kể cho bạn nghe.

Phòng tôi ở từng năm. Một cửa sổ hẹp và cao: nhìn xuống thấy cái sân tráng xi-măng dưới xa, sâu và mát như lòng giếng. Đêm đêm réo rắt tiếng hắc tiêu trên cao, đoán chừng từng bảy, từng cuối. Có thể trên cả từng cuối, trên mansarde *.

Tiếng hắc tiêu âm u, thê thiết. Có bữa nét uất nghẹn biến đi, thế vào là tiết nhịp thôi thúc đặc thù châu Phi xích đạo. Hay âm hưởng thống hận da đen châu Mỹ. Rồi lại quay lui về với những giai điệu ray rứt đau đớn cũ. Tôi mê tiếng hắc tiêu hàng xóm hồi nào không hay. Đêm đêm, tôi chờ đợi, tôi lắng nghe tiếng kèn, bồi hồi thương xót.

Một hôm lấy chìa khóa phòng ở quày mụ quản gia, tôi mới tình cờ biết mặt người thổi kèn. Mụ Lancôme giả ngọt, rầy rà khéo anh hắc tiêu:

- Monsieur Kwame, ông thổi kèn hay đáo để. Đêm nào cũng được nghe. Có bữa đã ngủ rồi giật mình tỉnh thức vì tiếng kèn của ông đấy. Clarinette há? Hay quá. Mấy người ở tầng trên tầng dưới đều nghe ông cả. Đêm hôm khuya khoắc ngủ cả rồi mà vẫn được nghe!...

Monsieur Kwame lúng búng gì đó trong miệng, cầm chìa khóa phòng rút lui. Cà nhắc, cà nhắc. Một anh thọt. Lên cầu thang vừa hẹp vừa dốc, anh lết bết cái chân như một con chó què.

Từ bữa đó, tiếng hắc tiêu có vẻ co rút hẳn đi. Vẫn đắm say, vẫn thê thiết, nhưng có lúc nhỏ rí như một vết cứa rỉ máu. Chưa có dịp làm quen thì không nghe tiếng kèn khuya nữa. Mụ Lancôme nói Monsieur Kwame đã rời Paris, đã về Cameroun, quê anh, miền Phi châu xích đạo.

Tôi chưa bao giờ kể Văn nghe tiếng kèn của anh da đen thọt chân. Trước kia, tôi không kể vì với tuổi hai mươi tiếng hắc tiêu trên tầng cuối một khách sạn tồi có là gì khi đem so cùng tiếng đàn các nghệ sĩ lẫy lừng thế giới chơi những bản nhạc thượng thừa cổ kim. Ngày nay tôi cũng không kể làm gì khi Phi châu xích đạo đã và đang trải qua bao cuộc đổi đời khủng khiếp: “cách mạng”, đảo chánh triền miên, hạn hán, lũ lụt, đói khát năm này qua năm khác, AIDS, LUPUS, những đại nạn hủy diệt hàng triệu, hàng triệu người vô tội. Anh thọt thổi hắc tiêu, biết đâu, có thể đã trở thành... bộ trưởng văn hóa của xứ anh. Cũng có thể anh đã chết cùng đồng bào anh, chết dấm chết dúi, chết bờ chết bụi, chết mà không biết rằng tiếng hắc tiêu của mình, đêm đêm trong “kinh thành ánh sáng”...

Tôi chưa bao giờ kể Văn nghe tiếng kèn của anh da đen thọt chân. Nhưng trước  khi rời Paris, tôi sẽ gọi thăm người bạn già. Tôi sẽ bảo hắn là ngày nào không làm homme à tout faire *  nữa thì có thể mở quán bún riêu. Nấu đặng như vậy, ắt sẽ đắt khách. Với lại, Văn này, xá “thằng” Menuhin một xá chứ thật ra kéo một bản đàn, dù là Symphonie No.1 của Brahms đi nữa, chưa chắc đã hơn gì nấu được nồi bún riêu ngon quá là ngon.

Võ Đình

2000

-----------------------------------------------

CHÚ THÍCH

Truyện ngắn mà lại có “chú thích” là một điều kỳ cục, không nên làm. Tuy nhiên, hoàn cảnh đặc biệt của “văn chương hải ngoại” với bạn đọc tứ tán nhiều nơi, sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đòi hỏi phải có “chú thích”.

 

homme à tout faire: ở Pháp, cô gái giúp việc trong nhà gọi là bonne, rút ngắn của bonne à tout faire, (sai) việc gì cũng làm. Khi Văn gọi mình homme à tout faire là có ý tự trào, cho rằng ở nhà, lo mọi việc, mình là một thứ con sen... mày râu.

apéritif: rượu nhẹ khai vị.

Paris  16ème: quận 16, khu giàu sang nhất Paris.

Quartier: gọi tắt Quartier Latin (Xóm La Tinh): quận 5, quận 6, trường ốc, sinh viên,  v.v...

Pas vrai!?: Thế à!? Thật đấy à!?

mansarde: tầng cao nhất, ngay dưới mái; chỉ những ai ít tiền nhất mới thuê ở: thấp, hẹp, lạnh mùa đông, nóng mùa hè, thiếu tiện nghi... Vị kiến trúc sư vẽ kiểu đầu tiên: Francois Mansard, thế kỷ 17.