NhoBien

“NHO BIỂN” và v.v.

quà sinh nhật cho TTLH

Nói là “đất” chứ thật ra là cát, hay đúng hơn, “đất cát”.  Cách biển chỉ hai ba chục cây số, đất này, theo cách suy của ông Bình Nguyên Lộc, “sau mấy đời tràm [...] cây ăn trái mới mọc được”.  Ông già nhà quê trong truyện “Rừng Mắm” nói với thằng cháu nội:  “Ðời con là tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi.  Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau.”

Vùng này có những cánh rừng tràm thật đẹp.  Từ xa, lá tràm xanh bạc, loang loáng dưới nắng.  Ðến gần, thân tràm thẳng, vỏ trắng, bong ra tơi tả; rờ thấy khô, mịn như giấy quyến.  Ngứt một lá, vò, thơm mùi khuynh diệp.  Thả dăm chiếc lá vào nồi, thêm vài tép sả, đun nóng, dù không cảm cúm mà “xông” một phát cũng sướng!

Tràm, ông Bình Nguyên Lộc nói đến rồi.  Không biết ở Cà Mau, ông có thấy chăng mấy thứ cây cỏ miền “đất cát” như ở đây.  “Nho biển”, “hồng nương”...  Những cái tên thật xa lạ. 

Xa lạ vì không phải tên Việt mà là được dịch chơi từ Anh ngữ.  “Nho biển”, chẳng qua là seagrape.  Lần đầu tiên thấy cây “nho biển”, giật mình vì cái dáng đẹp đẽ của nó.  Cây mọc như trường thành, chen chúc rậm rạp trên bờ biển, luôn luôn xao xác vì gió thổi ngày đêm.  Thân cây mảnh nhưng u nần, quằn quại từ gốc lên đọt.  Lá to bản, tròn trịa, cứng và dày, màu lục xám, gân lá đỏ rực, những đường son sắc nét.  Gió biển thổi, lá “nho” xoay qua xoay lại, lấp lánh muôn ngàn chiếc quạt ngọc thạch.  Mơ hồ nghe như có tiếng khánh...

Ðến cuối hạ thì trái đã đùm đề.  “Nho biển”, tên gọi không ngoa.  Những chùm “nho” nặng trĩu.  Trông thật ngon lành tuy không ăn được, chim chóc cũng không màng!  Rụng xuống, vùi trong cát cả mùa đông để xuân sau trở thành vô số cây “nho biển” con.  Những rừng “nho” trên bờ biển dài!  Seagrapes!

“Hòe” không phải là tên được dịch ra từ Anh ngữ, như “nho biển”.  “Hòe” là tên đặt cho một thứ cây nguyên có cái tên vừa trúc trắc khó nói, vừa nghe không... sướng.  Có những chữ  khó viết khó đọc nhưng nói lên nghe...sướng tai, thì thôi đành chịu nhận.  Như Albuquerque, N.M., như, ở gần đây, Loxahatchee, FL.

Cây “hòe” này dáng dấp kỳ khu, loại cây trồng trong sân rất hợp, mang nét trang trí vừa gọn ghẽ vừa sắc sảo.

Năm ấy, ngụ tạm trong một trại cây, được làm quen với nó.  Ngủ trưa dậy, chợt thấy đầu hồi sáng rực, vàng óng.  Cái cây đã đơm hoa khi nào mà mình vô tâm không hay không biết!  Vậy mà nhìn những chùm hoa ngời ngời, bỗng dưng lòng bồi hồi, rộn rã.  Nghe như có âm vang thúc dục, như một “lên đường” (*)  Thế rồi, hai câu thơ cổ từ đâu, từ một xó xỉnh hóc hiểm nào đó, thoắt hiện về: 

                           Hòe hoa hoàng

                           Cử tử mang

Hoa hòe nở vàng, lòng người học trò (đi thi) bận bịu.  Bận bịu cái con khỉ!  Già rồi, thi cử chi!    Tuy vậy, vẫn thấy vui lâng lâng.  Gặp hoa vàng, chưa kịp nghĩ ngợi xa xôi, từ đâu sâu thẳm trong lòng đã gợi lại hoa hòe, rồi từ hoa hòe phăng tới “hòe hoa hoàng”.  Nghĩa là ngược chiều với thường tình:  thay vì “đối cảnh sinh tình” thì lại đi từ tình đến tượng...

Hỏi quanh mới biết cái cây quí ấy, dân địa phương gọi là tabebuia (ta-bây-bui-da)  Nghe như một thổ ngữ có âm hưởng Tây-ban-nha hay bộ lạc Da Ðỏ nào đó thuở xa xưa.  Thôi, chúng ta hay bọn bây gì thêm rắc rối, cứ gọi nó là hòe cho được việc.  Cho vui.  Biết đâu nó lại bà con gần xa gì đó với cái cây mới nghe tên thôi đã đem lòng cung kính.  Kim Kiều tái hợp, đoạn “chung” có câu:

Một cây cù mộc, một sân quế hòe

Biết đâu!

Thiên hạ nhiều người yêu chuộng cây phong lùn Nhật bản –Red-leafed Japanese Maple.  Tại trại cây con, có chậu để giá mấy trăm đô.  Ngày xưa, các cụ yêu hòn đá đẹp dám bỏ ra ngàn vàng, nay, phong lá đỏ này mấy trăm đô một cây nhỏ không có gì quá đáng.  Ấy là nói người có tiền.  Kẻ không tiền thì ở đây có một thứ cây, thật ra không cao sang như phong lá đỏ nhưng lại có...duyên ngầm.  Nếu phong lá đỏ là một công chúa thì cây này chỉ là một gái quê.  Dĩ nhiên, gái quê cũng năm bảy thứ.  Gái quê giặt lụa như Tây Thi.  Gái quê hái chè như Ðặng thị Huệ.  Gái quê bán chiếu như Nguyễn thị Lộ.  Gái quê như roselle này.  Lá cũng năm ngón như phong đỏ, cũng huyết dụ như phong đỏ, gió thổi cũng rung rinh mềm mại như phong đỏ.  Chỉ thua phong ở chỗ nó là một thứ bụi –bush--, không phải một thứ cây –tree. Là giống nhiệt đới, nó tươi tốt quanh năm.  Xuân, trổ hoa.  Hoa màu hồng, luôn nghiêng về mặt trời buổi sáng, kiểu “hướng dương lòng thiếp như hoa”.  Hoa tàn, những búp khô dưới đài nặng trĩu hạt.  Hạt rơi xuống , đến hạ đã thấy mặt đất la liệt cây con.  Những cây “phong” con nhỏ xíu, màu huyết dụ.  Có người, vẫn tự hào là gốc nông dân, đã dám tưởng lầm là... rau dền tía!!!

Cái tên roselle, nghe tầm thường.  Rose là hồng. Roselle..., ờ, thì cho nó cái tên:  Hồng Nương!  Hồng Nương như tên cuốn tiểu thuyết không bao giờ xuất bản của ông Nhất Linh.

***

“Nho biển”, “quế hòe”, “Hồng Nương”, chúng sinh ra và lớn lên ở đây, những cây cỏ địa phương.  Sống với đất cát, lắm khi cả hơn tháng không một giọt mưa, thế mà chúng nhởn nhơ, tươi tốt.

Lá “nho biển” là những tuyệt phẩm của đất trời.  Khi còn ẩn náu trong chồi, chúng mang dáng dấp một động vật:  co quắp mà lại căng phồng, óng ánh chất nước.  Chỉ một hai hôm sau, chúng lấp ló chui ra, chui ra từ chồi cây như cái đầu tí hon của đứa sơ sinh (tưởng tượng thôi, chưa từng được thấy) chui ra từ cửa mình mẹ nó.  Chui ra, lòi ra, rồi hé mở, bung ra, tỏa ra thành chiếc lá non:  một phiến ngọc thạch màu hồng đào phảng phất vàng gạch, với những đường gân thắm đỏ.  Chiếc lá non lớn dần, to dần ra, cứng cáp dần, và từ từ đổi màu, từ hồng đào phảng phất vàng gạch chuyển qua một màu lục phơn phớt bạc xanh.  Phiến đá quí trở thành cái lá bích ngọc với những đường gân đỏ càng tươi, càng sắc nét.

Còn “hòe”!  Cả một thân cây lớn, sum suê như vậy mà nó vẫn tươi tốt khi nạn thiếu nước đến hồi trầm trọng.  Nắng lửa đổ trên đầu, rễ cái rễ con vùi trong cát nóng, vậy mà cũng ráng trổ hoa vàng làm rộn lòng một người không còn trẻ mà cũng chẳng bận đường công danh!

Và “Hồng Nương”.  Ôi, sân cỏ nhà người ta xanh rờn, cắt xén đúng tiêu chuẩn, sân cỏ này lại lốm đốm những chấm “dền tía” vô tội.

Lấy tên Hồng Nương đặt cho một thứ cây cỏ khiêm tốn như roselle, ông Nhất Linh biết được e không vừa lòng.  Trong “Viết và Ðọc Tiểu thuyết” (**) có đoạn ông viết:

“Tôi còn nhớ một lần viết truyện “Hồng Nương”.  Tôi viết xong một câu rồi đứng lên, đi đi lại lại trong phòng, trong lòng vui sướng mê man, thỉnh thoảng lại ngừng lại đọc to câu ấy lên:  ‘Hồng Nương!  Hồng Nương! Sao đêm nay ta đọc đến tên nàng’ và tôi quên cả đi ngủ”

Ðó là thời trước Ðoạn Tuyệt, Bướm Trắng, Nhất Linh còn “mê man” viết lối văn nhịp nhàng, cân đối mà về sau ông nhất quyết từ bỏ...

“Hồng Nương”, “Nho Biển”, “Quế Hòe”, chúng chính gốc địa phương, đích thị là một đám “nây-ti-vơ” (natives)

 

 

Chỉ có mình, vâng, chỉ có mình mới là đến từ xa.  Rất, rất xa.

2001

____________________________

 *   Ce bruit mystérieux sonne comme un départ.  (Chant d’Automne), Baudelaire

 **    Ðời Nay, Sài Gòn, 1961