NgoiNhaThoHoXuanDai

NGÔI NHÀ THỜ HỌ

Truyện ngắn Xuân Ðài

 

Ðã quá thời hạn quy định trả cả lãi lẫn vốn cho ngân hàng nhưng Hồ Thanh Long, thường gọi Út Long, không xoay đâu ra tiền. Số tiền quá lớn. Ngân hàng sẽ đến niêm phong nhà thờ và đưa ra đấu giá như mọi tài sản khác đã thế chấp. Không còn cách nào khác, Út Long điện thoại cầu cứu Hồ Thanh Hiểu, thường gọi Hai Hiểu, trên Sài Gòn. Hai Hiểu kiên nhẫn nghe út trình bày về sự phá sản cuả công ty. Hai Hiểu: lại cầu cứu thằng Ba. Tao nhục lắm, tụi bây làm như thằng Ba là cái mỏ vàng để đào… Út Long: em chẳng biết trông cậy vào ai ngoài anh Ba. Chỉ có anh Hai nói, anh Ba mới nghe, còn lời nói của em không có một kí lô nào. Hai Hiểu: mày để từ từ tao tính. Gần một tỷ bạc, thằng Ba làm sao lo nổi, mày làm như bên Úc dễ hốt tiền của thiên hạ, nó cũng phải làm sặc gạch mới nuôi nổi vợ con, mày có hiểu điều đó không?

Gia đình Hai Hiểu – Hồ Thanh Hiểu – có ba anh em trai. Ngày Hai Hiểu tập trung ở một làng ven biển, chuẩn bị đi tập kết ra Bắc, thằng Ba từ quê nhà lội bộ đến tìm anh, năn nỉ cho nó đi cùng, Hai Hiểu phải giải thích đầu đuôi xuôi ngược, Ba Phước nhớ nhất câu này: nhà có ba anh em trai, Út Long còn quá nhỏ, ba má đã già, nay ốm mai đau, em phải ở lại chăm sóc, đi theo anh thế nào được… Nghe lời anh, Ba Phước lúc đó mới mười lăm tuổi, gạt nước mắt quay về quê. Thời gian trôi nhanh như nước sông Cửu Long. Ngày đất nước thu về một mối, Hai Hiểu trở về quê, Ba Phước đã di tản sang Úc, Út  Long cũng gần ba mươi tuổi. Hai Hiểu nguyền rủa Ba Phước sao nỡ bỏ xứ mà đi.

Ba Phước – Hồ Thanh Phước tốt nghiệp Ðại học Y khoa Sài Gòn, về tỉnh nhà làm bác sĩ dân sự, chưa đầy ba năm bị động viên vào lính làm bác sĩ quân y. Ðầu năm bảy lăm anh đã là đại úy, phụ trách quân y một tiểu đoàn biệt động quân. Dưới mắt Hai Hiểu, đã là lính của đối phương thì đứa nào cũng cầm súng chống lại cách mạng, chống lại nhân dân. Ðã có lần Út Long tranh cãi với Hai Hiểu về quan điểm này. Út Long cho anh Hai là người cực đoan, không phải bất cứ ai đã đi lính cộng hòa, đều là phản động hết, lấy anh Ba làm ví dụ. Nhiều lần anh Ba kể lại, anh đã từng chạy chữa cho binh lính giải phóng dù bị thương nặng hay nhẹ, không hề phân biệt chiến binh bên này hay chiến binh bên kia. Ðó là đạo đức ngành y. Hai Hiểu ngồi yên một lúc, rít mấy hơi thuốc, nhả khói ra khắp nhà.

- Cứ cho những lời mày nói là đúng sự thật về thằng Ba. Tao hỏi mày, tại sao thằng Ba không vào cứ tham gia kháng chiến như nhiều thanh niên đã làm. Ngày thằng Ba làm bác sĩ dân y, từ miền Bắc tao đã lội bộ vào Nam. Những ngày ở rừng, nhiều lần tao nhắn nó, bỏ mọi thứ, kể cả vợ con vào cứ hoạt động. Thằng mất dạy đã lờ đi…

- Anh Hai không nên nặng lời xĩ vả anh Ba là thằng mất dạy – Út Long phản đòn một cách yếu ớt – chưa bao giờ em nghe anh Ba nói lại việc anh Hai nhắn tin về. Em biết, nếu nhận được tin anh Hai, anh Ba sẽ nói lại, ít nhất là với em, anh Hai nhắn anh Ba hồi nào?

- Tao nhắn nó hai lần tất cả. Nếu tao nhớ không lầm, đó là trước và sau năm Mậu Thân.

Út Long ngồi im nhớ lại tất cả: ra trường chưa đầy một năm, Ba Má đã cưới vợ cho anh Ba, vợ anh có sạp buôn bán trong chợ tỉnh. Hai vợ chồng sống hòa thuận, tiêu pha tằn tiện để nuôi con. Cứ hai tuần, anh lại đưa chị và cháu về quê thăm ba má, họ hàng. Người như vậy mà anh Hai lại gán cho hai chữ mất dạy, thật oan uổng. Hồi ba chết vì tuổi già, đơn vị anh ba đang tham chiến ở cao nguyên Trung phần, nhận được điện tín, anh tức tốc về ngay, một tay anh lo đám tang cho ba chu đáo, cả xã ai cũng khen. Ngày trở về đơn vị, anh để lại một số tiền lớn cho Út để Út thay mặt hai anh vắng nhà, chăm sóc sức khỏe má. Số tiền là bao nhiêu Út Long không nhớ nữa, chỉ biết nếu số tiền đó mua vàng thì không dưới hai mươi cây. Ba chết, má sống phiền muộn, thương ba, ngày ngày chờ mong anh hai ở trong cứ mau về, chờ mong tin tức anh Ba không biết đang hành quân trong lửa đạn ở chốn nào và chờ tin thằng con Út đã lên Sài Gòn chui nhủi trốn lính. Lòng má ngổn ngang.

Bây giờ anh hai về, với tư cách người chiến thắng, ba má không còn nữa, làng xóm bom đạn tan hoang, nhà thờ Họ rách nát vì năm tháng và vì trúng pháo kích mấy lần. Anh Ba may mắn di tản đem được vợ con sang định cư bên Úc, nếu ở lại xây dựng quê hương như cách nói của anh Hai, bây giờ đã mút mùa cải tạo ngoài Bắc. Nhiều bác sĩ quân y, cấp bậc đại úy như anh đi cải tạo đến bây giờ đã gần năm năm vẫn chưa thấy được về. Còn anh Ba, cứ sáu tháng một lần, gửi quà cho Út và anh Hai, phần lớn là thuốc tây, để hai anh em đem bán lấy tiền trang trải cuộc sống khó khăn trong thời bao cấp. Mặc dù thiếu thốn, giữ lòng tự trọng, pha chút tự ái bề trên, nhiều lần Hồ Thanh Hiểu gửi thư cho em ở Úc, nói không cần gửi quà cho anh, dành dụm được chút nào gửi về cho Út Long vì Út Long thất nghiệp, lông nhông nhậu nhẹt tối ngày, vợ con sống nheo nhóc. Dù vậy, ba Phước mỗi lần gửi quà về vẫn chia đều cho cả hai người, không theo lời dặn của anh Hai. Anh Hai nhận, không viết thư trả lời chỉ xui Út Long phúc đáp. Cho đến khi bà con trong họ bàn chuyện sửa sang lại nhà thờ họ thì hai Hiểu mới ra bưu điện phone cho ba Phước, nói đầu đuôi xuôi ngược. Họ Hồ ở quê có bốn chi. Chi của anh em hai Hiểu là chi trưởng, hai Hiểu là tộc trưởng. Sau năm bảy lăm, hợp tác xã làm ăn phập phù, nhà nhà đều nghèo, muốn tu sửa nhà thờ Họ nhưng lực bất tòng tâm. Mọi người nhòm qua gia đình hai Hiểu, hy vọng vào sự giàu có và tấm lòng của ba Phước đang sống cách xa vài nghìn cây số. Bà con đã không nhầm. Nhận được phone của hai Hiểu nói đầu đuôi xuôi ngược, thương quê, thương dòng họ Hồ trong cơn túng quẩn, ba Phước vay mượn khắp nơi, không chỉ bà con người Việt mà cả bạn bè người Úc, người Hoa…gửi về được hai mươi nghìn đô để tu sửa nhà thờ họ trước mùa mưa. Bà con họ Hồ ai cũng mừng, cũng cảm động, mọi người cứ ngỡ sang bên đó ba Phước hành nghề bác sĩ nên có thu nhập cao. Sự thật không phải vậy. Cái bằng bác sĩ tốt nghiệp ở Sài Gòn không có giá trị ở nước Úc, nếu muốn hành nghề phải học lại từ đầu, nghĩa là phải thi vào năm thứ nhất… Học sáu năm là thời gian quá dài đối với một người luống tuổi nên ba Phước chuyển sang học nghề điện trong một thời gian ngắn rồi ra làm thợ. Ðiều này ở quê không ai biết. Ðã mấy năm nay, ba Phước là thợ điện giỏi, tay nghề cao, làm cho một hãng Ðại Hàn trên đất Úc, thu nhập gần bằng người có bằng cấp chuyên khoa ngoại của ngành y. Tiền anh gửi về sửa nhà thờ xong còn dư chút đỉnh, hai Hiểu dùng làm lệ phí đi ra Bắc tìm nguồn gốc họ Hồ của mình. Anh đã về làng quê một tỉnh bắc miền Trung, tìm đến ngôi nhà thờ họ đã xây dựng từ đầu thế kỷ XV. Tộc trưởng họ Hồ ở đây đưa gia phả cho anh coi. Cuốn gia phả dày cộm, Hai Hiểu phải đọc mất một ngày mới xong. Dịp đó, may mắn có một nhà sử học người họ Hà về đây nghiên cứu lịch sử những làng cổ, Hai Hiểu đặt một câu hỏi đường đột với nhà sử học: có phải họ Hồ chúng tôi có từ thời Hồ Quý Ly không? Nhà sử học: tôi không phải là chuyên gia về gia phả các dòng họ nên không trả lời cho ông chính xác được. Chỉ biết con cháu họ Hồ sống khắp từ Bắc chí Nam, không chỉ vùng Tiền Giang quê ông mà nhiều vùng quê Nam Bộ đều có nhà thờ họ Hồ, cũng giống ông, người ta lục tục về đây tìm nguồn gốc xuất xứ. Tìm về nguồn cội, theo tôi là điều tốt, rất nên làm. Nhà sử học họ Hà đột ngột hỏi một câu: ông đã đến nhà thờ họ Hồ ở Hà Nội, Sài Gòn, Quảng Nam, Quãng Ngãi… chưa? Hai Hiểu lắc đầu: tôi cũng đã định đi, nhất là đến các nhà thờ họ Hồ ở miền Tây và miền Ðông Nam Bộ, nơi bà con người Việt lập nghiệp mới hơn ba trăm năm, nhưng lấn bấn công chuyện và tài chính eo hẹp, chưa cho phép, nên chưa đi được. Mấy năm trước đây, đại hội họ Hồ toàn quốc, tổ chức ở Hà Nội, tôi có ra ngoài đó, còn ở Sài Gòn, nơi tôi đang cư ngụ, cũng có người đề nghị mau chóng lập hội họ Hồ nhưng đến nay vẫn chưa được lập – Hai Hiểu hạ giọng – dù tuổi đã già, sức đã yếu nhưng nhất định tôi phải đến những nơi có người họ Hồ sinh sống. Tôi muốn tìm hiểu về dòng họ của tôi, giáo sư có thể giúp đỡ tôi không? Nhà sử học: tôi sẽ giới thiệu ông với bạn tôi, một tiến sĩ chuyên nghiên cứu gia phả các dòng họ, ông phải mất công khăn gói ra Hà Nội gặp ông ấy…

Nhà thờ họ Hồ ở quê được tu bổ lại khang trang, đẹp nhất làng, hơn hẳn mấy nhà thờ họ khác, bằng tiền của anh “bác sĩ thợ điện”, bây giờ thằng út mở công ty Xuất khẩu lao động cầm cố nhà cửa của nó, thế chấp mấy gia đình trong xã cho nó mượn giấy tờ nhà, và không quên thế chấp nhà thờ Họ. Tất cả được hơn ba tỷ đồng. Bà con ở quê gọi công ty của thằng Út là công ty lừa. Nó nhận tiền tùm lum, hứa hẹn trên trời dưới biển, đưa người ta đi Malaysia, Ðại Hàn, Nhật Bản… cuối cùng đưa người lao động lên Sài Gòn, thề thốt này nọ, rồi trốn luôn, mặc cho bà con lao động sống vật vờ trên đó vài ngày, đói, uất, ba mươi sáu chước chỉ có chước chuồn về quê tìm út Long đòi lại tiền. Công ty Xuất khẩu lao động vỡ nợ. May mà út Long còn chuộc lại được nhà của mình và những nhà của bà con trong dòng họ, trong làng. Chỉ nhà thờ Họ là Út Long không còn tiền. Tu sửa nhà thờ Họ, cầu cứu ba Phước, anh đã gửi tiền về. Bây giờ cầm nhà thờ Họ, lập công ty Xuất khẩu lao động, thực chất là công ty lừa, vỡ nợ, ngân hàng đòi hóa giá thu hồi cả vốn lẫn lãi, đường cùng, út Long lại nghĩ đến người anh bên Úc, nhờ hai Hiểu viết thư và điện thoại cầu cứu. Ðược tin nhà thờ Họ có thể bị ngân hàng hóa giá đúng luật định, hai Hiểu nằm vật ra giường, bỏ cơm, lôi rượu ra uống một mình, anh nốc hết ly này đến ly khác, giận, buồn vẫn không nguôi, rồi lăn ra sàn nhà ngủ thiếp đi… Trời sáng bạch, vợ mới đánh thức dậy, hỏi: có chuyện gì khúc mắc mà hôm qua anh uống dữ vậy? Vợ anh là người tốt tính, vốn là cán bộ giảng dạy trường Ðại học Giao thông đã nghỉ hưu. Hai vợ chồng đều là trí thức được đào tạo bài bản không chỉ ở trong nước mà cả hai còn được học hành ở nước ngoài. Anh học trường Ðảng cao cấp ở Liên Xô, chị học ngành xây dựng ở Ba Lan. Về nước, ban đầu anh công tác ở Viện triết học, ít lâu sau chuyển về một trường đại học, dạy triết. Thời dạy triết ở Hà Nội, học trò lắng nghe, ghi chép cẩn thận. Sau mỗi tiết học, anh đều yêu cầu sinh viên, thắc mắc gì cứ hỏi thoải mái. Sinh viên các tỉnh miền Bắc, thời ấy ngoan lắm, không em nào hỏi lại một điều gì. Còn những năm gần đây, khi anh đã già, làm giáo viên thỉnh giảng, sinh viên là thế hệ 8X, năng động, những gì chất chứa trong lòng, đều đem ra hỏi. Anh không bao giờ quên, câu hỏi cắc cớ của một nam sinh viên: thưa Thầy, chủ nghĩa xã hội ưu việt như thầy giảng, vậy tại sao Liên Xô và các nước Ðông Âu sụp đổ nhanh chóng như vậy? Anh bình tĩnh trả lời: do một số phần tử lãnh đạo ở Liên Xô và các nước Ðông Âu phản bội mới dẫn đến thảm trạng như các em đã biết. Tưởng giải thích như vậy là ổn, em sinh viên lại hỏi tiếp: bác Tư, nguyên là thủ trưởng của ba em có lần trao đổi với ba, bác nói, Liên Xô sụp đổ là vì ngôi nhà xã hội của họ không có chân móng, họ xây trên cát nên mới đổ. Thưa Thầy, bác Tư nói như vậy có đúng không? Anh cau mày, không nghĩ ngợi nhiều, trả lời ngay: nhận định của bác Tư nào đó là vô căn cứ, không phải là lời nhận định chính thống. Các em, dù còn ít tuổi phải thống nhất với nhận định của Ðảng ta, thông qua các Nghị quyết của Ðảng, chứ không nghe những lời ong tiếng ve của kẻ xấu phát ngôn bừa bãi. Thầy biết, các em vẫn vào mạng đọc tin tức và những nhận định của thời cuộc, không may là gặp những kẻ xấu nói tầm bậy. Thầy khuyên các em chỉ nên vào mạng của Ðảng Cộng Sản, Chính phủ Việt Nam và các báo trong nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng để đọc. Nói rồi, anh cầm phấn viết lên bảng một số website cho học sinh chép. Anh quay xuống, chậm rãi từng tiếng một: có ai thắc mắc gì nữa không. Sợ Thầy, sinh viên ngồi im re. Về nhà nghĩ lại những điều sinh viên thắc mắc, anh băn khoăn nhưng sau vài tợp rượu với bạn bè là anh quên hết: đã là Thầy, cũng giống ông chủ, không bao giờ sai…

Chị dạy Ðại học Giao thông, làm trưởng khoa chủ chốt nhất của trường, dạy thêm môn sức bền vật liệu. Hai vợ chồng về hưu, anh và chị vẫn đi dạy thêm kí hợp đồng giáo viên thỉnh giảng ở các trường đại học trong thành phố. Cuộc sống hai vợ chồng già, không giàu nhưng cũng là dư sức để chị sắm sửa nữ trang, quần áo, làm đẹp trước mặt mọi người, ít nhất là với các đồng nghiệp, sinh viên và thừa tiền cho anh nhậu nhẹt lai rai với bạn bè suốt đêm…

Ðứa con gái lớn của anh chị là giáo viên piano trường nhạc, có gia đình riêng, đã sinh cho ông bà một cháu ngoại. Thằng con trai út du học ở Úc, được vợ chồng Ba Phước lo cho mọi điều, lâu lâu vợ chồng Hai Hiểu có gửi cho nó chút đỉnh gọi là. Nhờ vả Ba Phước như vậy là quá nhiều, lắm lúc anh cũng áy náy, bây giờ lại cầu cứu viện trợ cho út Long, anh thấy kỳ quá… Nhưng ngoài Ba Phước, không ai có số tiền lớn như vậy để chuộc lại nhà thờ. Thằng Út Long quá lắm! Anh nói lại sự tình với vợ. Nghe xong, chị thở dài: Út Long đúng là thằng con trời! Chỉ phá là giỏi, lần này không khéo mất đứt nhà thờ Họ chứ chẳng chơi. Thôi chúng ta đành chiều chú Long lần cuối, ngoài chú ba, biết trông cậy vào ai nữa, họ Hồ chúng ta rặt một lũ nghèo, trên răng dưới dép…

Hai Hiểu đánh bài liều, cắn răng điện thoại cho ba Phước. Nhìn thấy số phone của anh, ba Phước tắt máy, gọi lại cho anh đỡ tốn tiền, nghĩa cử này, lặp đi lặp lại nhiều lần trong mấy năm liền, làm hai Hiểu cố quên từ “mất dạy” mà anh đã nói về chú em dạo nọ, song vẫn không quên được. Còn biết ân hận là tốt rồi… Hai Hiểu nói lại đầu đuôi sự vụ Út Long gây ra. Nghe xong, Ba Phước chỉ nói một câu: anh để em tính, chứ không để mất nhà thờ Họ vào tay người khác được. Hai Huê nhận ra giọng Ba Phước lần này yếu ớt, thở phều phào như giọng người đang đau nặng… Tính là tính sao, ba Phước không nói rõ làm Hai Hiểu băn khoăn, giả thuyết thế này, giả thuyết thế kia, rối mù đầu óc…Vừa lúc, Út Long lại phone cho Hai Hiểu. Hai Hiểu nói như gắt: mày đang ở đâu nói thiệt đi, chứ tao biết mày không gọi ở quê, vì mày đang trốn nợ, họ bị mày lừa nên không buông tha mày, của đau con xót, họ phải đòi cho bằng được. Ðang ở đâu, nói thiệt đi Út? – Em đang ở Long An – út Long đáp. Ðừng xạo nghe mày! Tao biết mày đang ở Long Xuyên với con vợ bé, thật hết biết! Tao đã cầu cứu thằng Ba cho mày, nó bảo sẽ tính nhưng tính cách nào nó không nói rõ. Ðành chờ chứ biết làm sao…

Lại nói về những cô vợ bé, cô bồ của Út Long. Vợ út khóc lên khóc xuống, than vãn với vợ chồng Hai Hiểu, Út Long là người vô trách nhiệm với gia đình, ăn chơi trác táng, bồ bịch khắp nơi, không chỉ có một vợ bé ở Long Xuyên, còn hai cô nữa, một ở Bến Tre, một ở Cà Mau, có con rơi con vải với người ta, bao nhiêu tiền gom được của người lao động mang đi chơi bời hết… Vợ Út Long nói vậy, vợ chồng hai Hiểu biết vậy, chứ không thể nào lôi út Long ra khỏi trò chơi mây mưa của nó được. Ðành chào thua sản phẩm xã hội đương đại! Loại út Long và đồng bọn đang nẩy nòi khắp nơi trong nước, không sót một vùng quê nào. Mấy ngày sau, Hai Hiểu nhận được phone từ Úc gọi về, lần này là của vợ Ba Phước. Thím ba cho biết, chồng cô bị ung thư cổ trướng giai đoạn cuối đang nằm viện. Dù đang nằm chờ chết, Ba Phước bảo vợ thu xếp bán ngôi nhà mua trả góp trong nhiều năm (vừa mới trả xong mấy tháng nay), lấy tiền gửi về cho út chuộc lại nhà thờ Họ, rồi cả gia đình đi mướn nhà nơi khác. Thím ba cho biết, bán nhà không thể làm lẹ được nhưng nhất định sẽ bán, mọi người ở Việt Nam yên tâm chờ đợi.

Hai Hiểu ngồi đừ ra nghĩ ngợi, thương vợ chồng Ba Phước quá, càng nghĩ càng uất thằng Út. Nói cho cùng, thương Ba Phước cũng chỉ là thương trong lòng, tình ruột rà máu mủ, chứ chẳng có cách nào cứu em khỏi thần chết bệnh ung thư. Và có uất ức, tức giận thằng Út cũng chả giải quyết được gì. Cung cách này, mất nhà thờ Họ là cái chắc. Nếu nhà thờ Họ bị ngân hàng tịch thu, đưa ra đấu giá công khai, đúng luật định, nhà thờ sẽ rơi vào tay đại gia nào đó, họ sẽ đập đi xây nhà hàng ăn nhậu hoặc cải tạo lại làm nhà kho chứa phân bón… coi như từ đây không còn nơi thờ phụng tổ tiên ông bà nữa!

May mắn quá, trời còn thương dòng họ Hồ của hai Hiểu. Sáng nay, một buổi sáng trời u ám, Hai Hiểu nhận được tin vui, một công ty dịch vụ kiều hối điện cho biết sẽ đến tận nhà giao tận tay số tiền từ Úc gửi về. Số tiền bao nhiêu họ không nói, nhưng Hai Hiểu biết Ba Phước đã gửi nhất định sẽ thừa tiền chuộc lại nhà thờ. Nhân viên công ty kiều hối đến giao tiền, vợ chồng Hai Hiểu đang đếm từng tờ đô la còn thơm mùi giấy trên tay, đang hí hửng thì phone của Hai Hiểu reo. Ðầu dây bên kia giọng vợ Ba Phước nức nở: anh Hai ơi, anh Ba đã tắt thở cách đây mười lăm phút!… Chỉ nói được vậy rồi nức nở khóc…

Từ bên kia cách xa hàng nghìn cây số, thím ba vừa mất nhà, vừa mất chồng. Không biết sẽ sống ra sao? Vợ Hai Hiểu quẳng xấp đô la dày cộm tung tóe ra giường, ngồi phịch xuống đất ôm mặt khóc nức nở. Hai Hiểu nâng vợ đứng dậy, không kìm được nước mắt, anh cũng khóc như một đứa trẻ con…

 

***

Nhà thờ đã chuộc đúng ngày bên Úc làm đám ma Ba Phước. Vui và buồn. Út Long đã trở về quê với vợ con và đã làm tờ trình lập công ty mới. Lần này Út lập công ty quảng cáo. Út thuê chuyên viên kinh tế tận Sài Gòn làm dự án. Xôm trò lắm, nào quay phim quảng cáo cho các công ty, xí nghiệp, nào quay phim quảng cáo sản phẩm, in tờ rơi, tuyển người phát tờ rơi cho các công ty tư doanh và quốc doanh… Công ty Út có trụ sở ở thị xã. Liệu Út có chịu làm ăn thật lòng hay vẫn là công ty lừa dưới dạng quảng cáo? Hai Hiểu lo lắm. Hai Hiểu định bỏ Sài Gòn về quê tự mình quản lý nhà thờ Họ. Về quê buồn cô quạnh, không có bạn chịu nghe anh giảng giải một triết học tiến bộ nhất nhân loại… Và các sáng tác ca dao hò vè của anh, thì chán lắm.

Thiếu bạn, thiếu “học trò” chịu sao thấu. Cuối cùng Hai Hiểu tặc lưỡi: mặc sự đời!

Bao giờ Út Long cầm cố nhà thờ lần thứ hai? Có trời biết. Thiếu vốn, nhất định Út sẽ cầm cố và lúc nào nhà thờ họ lọt vào tay người khác, họ cải tạo biến thành nhà hàng ăn nhậu hay kho chứa mắm muối, cá khô hay phân bón như Hai Hiểu từng nghĩ tới?

***

Ðiều bất ngờ. Hồ Thanh Hiểu thay đổi ý định, giả từ Sài Gòn xô bồ, khăn gói về quê làm đúng chức danh Tộc trưởng. Ông thu lại giấy tờ nhà thờ Họ đã ủy quyền cho Út Long mấy năm trước.

Út Long buồn, uất, suốt ngày lè nhè trong quán nhậu, nguyền rủa Hai Hiểu.

Liệu Hai Hiểu có giữ được nhà thờ Họ, hay chỉ ít lâu sau anh lại dẫm phải lối mòn của út Long, rồi cầm cố nhà thờ để lấy tiền in sách triết học anh đã viết 3 tập, hơn hai nghìn trang và vài tập ca dao, hò vè sáng tác mấy chục năm nay. Sách và “thơ” ế là cái chắc. Ba Phước mất rồi, lúc đó cầu cứu ai để chuộc nhà thờ lần hai?

Thế sự nhiễu nhương, xoay vần, làm sao đoán trước được điều gì sẽ xẩy ra.

Chờ xem.

Xã Nam Liên 2000