TroVeChuCuXuanDai

TRỞ VỀ CHỦ CŨ

Truyện ngắn Xuân Đài

 

1

 

Lão đánh tiếng bán nhà chứ không đăng quảng cáo trên báo như mọi người vẫn làm. Lão thừa biết ngôi biệt thự của lão trong tầm ngắm của nhiều người, bán rất dễ. Theo giá thị trường hiện nay, giá nhà trên đường phố này là sáu mươi cây vàng một mét vuông, theo lão, cần nâng lên giá cao hơn. Nói là làm. Nhiều đại gia đã lân la đến trả giá, lắc đầu ra về. Không cần bán vội vì lão đâu có thiếu tiền. Từ ngày về hưu tới giờ lão đã mua thêm được ba căn nhà ở trung tâm thành phố, đều nằm ở mặt tiền, còn đất đai ở ngoại ô, không ai biết là lão có bao nhiêu, trừ lão. Lão giàu lên nhờ thời đương quyền, chuyên “nghề”… bán chữ ký. Nhiều người cùng thời với lão, chức quyền ngang lão, tuổi tác cũng sàn sàn vì bán chữ ký không kín kẽ, vội vàng, tham lam phải vào tù. Cơ quan lão cũng bị thanh tra lên thanh tra xuống, đều thoát. Bí quyết của lão chẳng có gì ghê gớm, ăn bẩn phải biết cách chùi mép, chùi mép bằng cả một ê kíp, trên dưới một lòng, đồng nhất. Tất cả những người trong ê kíp của lão đã hạ cánh an toàn.

Lão có hai đứa con, một gái một trai. Chúng nó đều du học từ thời phổ thông trung học. Cô con gái chẳng biết học hành ra sao, lấy một thằng Mỹ lai, sang Mỹ theo diện con lai, nói rành tiếng việt, anh chàng đã từng về Việt Nam, gặp lão, khoe là có bằng tiến sĩ ngành xây dựng, khoa sức bền vật liệu. Bịp lão đâu dễ, qua chuyện trò ngày này sang ngày khác lão biết tỏng trình độ dưới đáy của thằng con rể. Vợ chồng con gái lão chỉ muốn moi tiền. Vậy thì lão xí cô hồn vài chục ngàn đô, cuốn gói sớm cho lão nhờ. Nghề bịp lão đã bậc thầy. Quê lão ở Hà Đông, nhà không có ruộng. Bố lão và anh chị em lão, sống qua ngày bằng nghề cày thuê cuốc mướn và đánh dậm. Sống không nổi ở nhà quê, gia đình lão kéo nhau lên Hà Nội làm đủ các nghề vặt vãnh để kiếm ăn. Mẹ lão ngày ngày quang gánh buôn bán đồng nát, lông gà lông vịt. Bố lão sau khi làm đủ các công việc quét chợ, đổ thùng, phụ nề, cuối cùng làm nghề móc cống.

Hà Nội giải phóng, lão vừa tròn mười sáu tuổi, học hết lớp ba trường làng. Từ khi ra Hà Nội, túi bụi kiếm miếng ăn, không học hành gì được thêm. Cái lý lịch ba đời móc cua cộng với nghề móc cống của bố lão đã giúp lão tiến thân. Ngẫm lại sự đời thấy vừa vui vừa lạ. Bố lão chẳng mấy chốc trở thành cán bộ lãnh đạo của ngành vệ sinh, gia đình được phân một ngôi nhà ở phố Huế (nhà này trước đây của một thương gia đã di cư vào Nam) còn lão được vào Trường bổ túc công nông, một năm nhảy mấy lớp, chẳng mấy chốc lão có mảnh bằng tốt nghiệp phổ thông trong tay. Bố lão kéo lão về làm việc cùng với mình. Ban đầu lão làm văn thư, ghi ghi chép chép, công văn đến công văn đi. Hơn một năm sau với bản lý lịch của quý của một thời, lão được cử đi học tại chức trường Đại học giao thông. Tại chức là một năm học ba tháng, chín tháng còn lại làm việc thì ít mà rong chơi thì nhiều. Dân gian có câu “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”, nói vậy cũng oan cho nhiều người học chuyên tu và tại chức, trong số họ, rất nhiều người chịu khó học hành và thành đạt thật sự. Câu dân gian nọ chỉ đúng với lão và một số bạn bè ngưu tầm ngưu mã tầm mã của lão. Lão đã tiến thân bằng cái bằng đại học và cái nhân thân con ông móc cống, từ phó phòng nhảy vọt lên cục trưởng trong vòng chưa đầy tám năm. Như các bạn biết đấy, lúc còn tại chức, bán chữ ký kiếm tiền tỷ, dư tiền mua đất mua nhà, lão đã không còn chỉ ở mức cục trưởng.

Bây giờ lão lại bán biệt thự được phân phối từ cuối thập niên bảy mươi. Chắc lão bán nhà không phải vì cần tiền. Lão thiếu gì tiền. Tính toán của lão cũng đơn giản, dễ hiểu. Hai đứa con bên Mỹ nhiều lần điện thoại, gửi thư yêu cầu lão viết di chúc, chia tài sản cho chúng. Con chị lấy Mỹ lai như đã kể ở trên, thằng em, học hành ba chớp ba nháng, chẳng có bằng cấp gì, ở lại nhập quốc tịch Mỹ lấy cô ca sĩ phòng trà. Ca sĩ là một nghề lương thiện, hát phòng trà vì chất giọng nhàng nhàng không thể biểu diễn ở sân khấu lớn được.

Lão bán biệt thự, tài sản mà hai đứa con lão biết để chia tiền cho chúng, khỏi di chúc lằng nhằng. Xong mọi việc, lão sẽ lấy vợ. Vợ lão qua đời đã hơn một con giáp vì bệnh ung thư dạ con, cắt lên cắt xuống. Ở cái đất Sài Gòn này, thừa tiền như lão, khó gì không lấy được vợ trẻ. Loại đàn bà con gái xưa nay lão vẫn tiếp xúc đều trẻ trung, xinh xắn, làm gì có tình yêu, gạ gẫm ăn nằm với lão chỉ là để moi tiền. Lão biết thừa, song vẫn không thoát được hai bàn tay “vàng ngọc” của các em làng chơi. Lần này lão đã quyết xuống Miền Tây, Vĩnh Long, Đồng Tháp gì đó, kiếm một em con nhà lành, nông dân càng tốt. Sau khi đứng trước gương cười nhạt, không được xúc phạm nông dân! Nông dân như lão đây là quân chủ lực, đội quân hùng hậu cho mấy cuộc kháng chiến thành công. Lão và những người như lão được hưởng thành quả là lẽ thường tình, chỉ có bọn thối mồm, chửi bóng chửi gió sau lưng lão, hạng người như lão là quân ăn cướp. Lão không thèm chấp…

Về miền Tây, “sắm” một cô vợ tốn vài chục triệu là cùng, đứa nào rỗi hơi chửi lão, già chơi trống bỏi, nó chửi nó nghe, lão cóc sợ. Hai đứa con bên Mỹ chỉ cần tiền, có tiền gửi vào tài khoản là chúng im mồm, mặc xác lão muốn sống thế nào thì sống. Lão có chết, chúng cũng không thèm về chịu tang, lão biết thừa điều này.

Tự cứu lấy mình, với lão, câu nói hay nhất của một thời, đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.

 

2

Dân Sài Gòn cứ như ma xó, đến mua nhà, xem nhà thì ít mà chuyện trò rong dài thì nhiều. Cũng lạ, toàn dân nói tiếng bắc, bắc chính hiệu Hà Nội và bắc trọ trẹ…,biết rất rõ gia thế nhà lão. Có người còn bảo trước đây cũng ở phố Huế với lão, biết căn nhà của lão hồi trước có bốn hộ, hai hộ bỏ đi kinh tế mới, nhờ khéo chạy chọt với cơ quan chức năng mà lão chiếm được luôn, hộ còn lại thân cô thế cô, bị gia đình lão ép, cuối cùng phải sang lại cho lão với giá bèo bọt, tìm đường về quê sinh sống. Thằng cha phố Huế này còn biết rõ bố lão nhờ xuất thân thành phần cốt cán, móc cua móc cống mà tiến nhanh trên đường quan lộ, mua hàng cung cấp ở Tôn Đản[1], ăn một phần, phần còn lại lớn hơn, mấy đứa em gái lão tuồn ra chợ Hôm bán cho con Phe. Nói chuyện với thằng cha phố Huế, bực cả mình, chỉ muốn ném chiếc dép vào mặt nó. May mà nó không trả giá, ra cổng, lên xe chuồn thẳng. Có một người nữa, không bao giờ quên, đến bảo mua nhà cho công ty làm trụ sở, nhận là ngày xưa từng là nhân viên dưới quyền của lão. Lão không nhớ hắn, dù hắn nhận là ở tổ lái xe. Lão đi làm, đi công tác, đi chơi rong ruổi nơi này, nơi khác có xe riêng chỉ một mình lão sử dụng, lão không nhớ ra anh ta là lẽ thường tình. Vừa nói giá ngôi biệt thự, hắn đã trợn tròn mắt kêu đắt, không đúng với giá thị trường.

Lão vỗ vai hắn:

- Giá thị trường bao nhiêu tôi không thèm biết. Anh muốn mua, cứ đúng giá bảy mươi lượng vàng một mét vuông.

- Thôi đi ông ơi, tham vừa vừa chứ. Báo vừa đăng, nhà đất ở đường phố này không có giá như ông hát đâu…

- Thôi, ông đi đi cho tôi nhờ, giá của tôi là của tôi, không dài dòng. Người mua nhà không hề nổi cáu, còn cười cười:

- Nhà là của người ta, mồ hôi nước mắt gì của ông mà đội giá quá trời. Cả cái nhà ngoài Bắc nữa… vừa phải thôi ông.

Lão gắt:

- Đổ xương đổ máu ra, chúng tôi mới được hưởng cái lộc nước này.

Người mua nhà không vừa, gắt lại:

- Máu xương đổ ra là của bọn tôi, chứ làm gì của các ông.

- Anh vừa nói với tôi là từng công tác cùng cơ quan tôi, sao bây giờ lại đưa máu xương ra dọa.

Vừa đi ra cổng, người mua nhà vừa ngoái lại nói như dằn mặt lão:

- Trước đây, tôi là lính bộ binh, đánh đấm khắp các chiến trường mới được cử đi học lái xe. Bị thương nhẹ, từ Trường Sơn mới về làm quân cho ông. Ông hưởng quả thực cũng một vừa hai phải thôi. Chào, tôi dông.

Hôm nay lại có người đến hỏi mua nhà. Ông ta còn trẻ, ăn mặc lịch sự, nói năng nhẹ nhàng. Bước vào cổng, không vội hỏi giá, ông xin phép cho đi xem nội thất. Lão thấy dễ chịu với người khách mới này. Xủng xẻng chùm chìa khóa trong tay, lão dắt khách đi từng phòng. Lão ca ngợi công dụng của hướng mặt trời chiếu vào từng phòng một giờ nhất định.Khách không hiểu lão nói như vậy để làm gì, thời buổi máy lạnh với lò sưởi, mặt trời cũng cần đó song không cần như cách lão… ba hoa. Khách chỉ tủm tỉm cười, gật gù. Lão đâu có biết khách đã từng sinh sống trong ngôi nhà này thời thơ ấu. Khách thông thạo ngôi nhà còn hơn cả lão. Phòng ba má, chị hai, anh ba, anh tư, bé út là những phòng nào, khách còn nhớ rõ. Quá khứ bỗng chốc được gọi về, khách chỉ nhăm nhăm quan sát các phòng có gì đổi thay khác trước. Không có gì khác, chỉ khác nước sơn, quét đi quét lại nhiều lần, màu sắc không đồng nhất, phòng xanh lam, phòng xanh lá cây, phòng đỏ thẩm như tiết gà. Đó là gu của chủ nhà mới. Phòng nào cũng khai khai, thoang thoảng mùi mốc, chứng tỏ không có người ở, trừ phòng ông chủ mới thoang thỏang mùi nước hoa. Lão cũng biết chơi sang đấy chứ. Khách lại rảo quanh ngoài vườn. Hai cây khế sau biệt thự vẫn còn, đang mùa ra hoa. Phía trước, gần cổng ra vào, cây táo không còn như ngày xưa, già nua, kiến làm tổ khắp các cành. Hồ bán nguyệt, không trong xanh mà đục ngầu, không một con cá lượn lờ… Khách nghĩ sẽ cải tạo tất cả khi đã về lại tay gia đình mình. Ông nhớ lời dặn của ba má khi ông về Việt Nam đầu tư: giá nào con cũng cố mua lại cái nhà, coi như mình chuộc, mất rồi chuộc là lẽ thường tình. Lấy lại được nhà bốn đời nhà mình đã cư ngụ là phúc lắm. Bao nhiêu kỷ niệm của ông bà cố nội, ông bà nội, các bác các cô… của ba má và các con nữa.

Hơn cả giờ đồng hồ vào hết phòng này phòng khác, lên lầu xuống trệt ông không còn nhìn thấy cái trang thờ ngày xưa có hình những người đã quá cố của gia đình. Chủ nhà mới, lạ thật, không thờ một ai, kể cả vợ mình. Không sao cả, tin vào thế giới bên kia, hay không tin là quyền của con người. Ông tôn trọng họ, những người không theo một tôn giáo nào cả.

Nhìn ngắm ngôi nhà một lúc ông nhớ lại tất cả những điều ba má kể. Cố nội ông là người đặt viên gạch đầu tiên cho ngôi nhà này cách đây đã hơn hai trăm năm. Ban đầu, cũng xềnh xoàng, vừa gỗ vừa gạch đủ che nắng, che mưa. Thời đó Sài Gòn và cả Nam Bộ còn hoang dã, làm được vậy là sang rồi. Tới đời ông bà nội, nhờ biết kinh doanh trên các vùng sông nước miền Tây mới có tiền đập phá ngôi nhà cũ xây thành biệt thự ba tầng. Theo ba ông, ông bà nội thừa sức xây bốn năm tầng, các cụ không làm vậy bởi còn dành tiền để nuôi bầy con học hành trường Ta trường Tây. Bác ông, chú ông là kiến trúc sư, công trình sư nổi tiếng một thời, bây giờ nhắc lại nhiều người còn nhớ. Ba ông không nổi tiếng như bác và chú, song cũng là nhà nông học một thời lăn lộn từ miền trung đến miền đông, miền tây. Trước bảy lăm, cụ làm việc ở Bộ sắc tộc, giúp đồng bào thiểu số xây dựng lại buôn làng nên mới dính vào vụ ra miền Bắc học tập cải tạo. Ba ông ra Bắc được một năm, mấy má con giao nhà cho chính quyền, về Long Khánh làm rẫy. Má anh nuôi hy vọng, gia đình tự nguyện như thế, chính quyền sẽ chiếu cố cho ba anh sớm về đoàn tụ. Hy vọng chỉ là hy vọng, ba vẫn biền biệt ở núi rừng Yên Bái, dăm bảy tháng má mới khăn gói ra thăm ba một lần. May mà má còn lận lưng được vài chục cây vàng. Còn rất nhiều vàng nữa má giấu đâu, con cái trong nhà không dám hỏi mà có hỏi chắc cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Má là người kín miệng. Ở Long Khánh làm rẫy cho có việc, trồng sắn trồng khoai, mấy năm liền chẳng thu hoạch được gì, anh thuộc câu hát vui theo nhạc bài Nam Bộ kháng chiến: mùa thu này ngày hăm ba, theo bác tư về khu Long Khánh/Trồng khoai mì, trồng khoai lang/ Ba năm sau đéo có củ nào/ sút chiếc dép, chân đi không/ Mà lòng đầy hăng hái… Nguồn sống chính vẫn là của cải má giấu được. Dịch sốt rét, gia đình kinh tế mới nào cũng dính, chẳng riêng gì gia đình ông. Má ông rụng hết tóc, đầu tròn long lốc cứ như quả dừa, mấy anh chị em chẳng ai khác má. Cực chẳng đả, cả nhà lên xe đò quay về Sài Gòn. Ở đâu bây giờ, câu hỏi này đặt lên vai má. Lúc đó ở Sài Gòn, bên nội bên ngoại còn đông, có thể tá túc bất cứ nhà ai, dòng họ ông toàn những người nhân ái, người dưng nước lã còn quý, còn thương, còn che chở, huống chi là người ruột thịt. Má ông không dắt con cái về bất cứ nhà ai mà đến trước ngay chính nhà mình bây giờ đã thuộc về người khác – chính là ông lão bán nhà hôm nay - dựng lều ngay sát cổng. Lều bằng vải bạt chẳng biết má mua ở đâu. Suốt mùa khô, Sài Gòn như chảo lửa, má con ông vẫn lụp xụp thổi nấu lấy ăn. Thỉnh thoảng má còn dắt lũ con đi nhà hàng ngồi máy lạnh. Má hay thiệt. Khổ nhất là việc vệ sinh cá nhân, cùng tắc biến, biến tắc thông, ông bà mình vẫn dạy vậy. Mọi việc rồi cũng qua. Điều may mắn, ông không bao giờ ngờ tới. Bà chủ nhà, thời đó còn trẻ là một người tốt bụng, nhiều lần bà gọi thằng út vào nhà tắm rửa đi vệ sinh. Phải nói thêm việc này, hai người con ông bà chủ, thời đó cùng trang lứa với mấy anh chị em nhà ông, dễ kết thân bè bạn. Nhờ vậy mà mọi người  có thể vào vườn ngồi ghế đá, nhặt quả táo rụng.

Mùa mưa tới đột ngột, lều bạt nhiều lần bị tốc mái, mấy má con ướt như chuột lột. Một hôm mưa như ném đá vào mặt, mấy má con la hét cũng chẳng biết la hét ai cụ thể. Bà chủ nhà động lòng, cầm dù chạy ra mở cổng:

- Bác và các cháu vào nhà xe mà ngủ.

Ngày xưa nhà ông có xe hơi, bây giờ ông chủ mới không sắm xe riêng, nhà xe thành nhà trống. Một điều kỳ lạ đã xảy ra trong đêm ấy. Mưa xối xả, kéo dài mấy giờ liền, má bảo ông và các con ngồi sát vào nhau, che cho má. Các con làm theo như lính nghe lời chỉ huy. Rút con dao giấu sẵn trong bị lác, má cạy gạch. Thằng út tò mò, thì thầm, má kiếm gì vậy. Má giơ tay làm hiệu, im lặng không được hỏi. Lúc sau, má moi đất, lôi lên một bọc nilon nặng trĩu. Vàng. Đó là “tiền chợ” đã giúp má con ông vượt biển đến vùng xa lạ, hòn đảo của Mã Lai, từ đây, chị hai và anh ba (những người đã du học trước năm bảy lăm) nhanh chóng bảo lảnh sang định cư ở Mỹ. Từ đấy đến nay đã gần ba chục năm, tất cả thành viên trong gia đình ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, theo lời dặn, qua thư từ nhiều lần của ba: chúng ta là người Việt Nam, mãi mãi là người Việt Nam.

Lão chủ nhà đưa ra mức giá khá cao về ngôi biệt thự. Ông thót mình, nghĩ bụng tham quá, nhưng thôi, nhẹ nhàng hỏi:

- Bác lấy vàng hay đô la?

- Nửa vàng, nửa đô la. Vàng tôi giữ lại, đô la chuyển vào tài khoản cho hai đứa con ở Mỹ, đó là của hồi môn của chúng nó. Ông đã chuẩn bị tiền nong đầy đủ rồi chứ?

- Thưa bác, đủ. Ngay ngày mai, bác và cháu ra phòng luật sư làm thủ tục ký hợp đồng mua bán. Mọi việc luật sư sẽ lo. Bây giờ bác cho cháu đặt cọc trước ba mươi nghìn đô.

- Hơi “bị”… ít – lão dùng ngôn ngữ đường phố, làm ông phì cười – bác muốn đặt cọc bao nhiêu?

- Ngoài số đô la ông vừa nói, thêm ba mươi cây vàng nữa.

- Ok. Xin bác nhận vàng và đô la rồi viết cho cháu giấy biên nhận

Chỉ hơn mười ngày sau, nhờ phòng luật sư tận tình, mọi thủ tục mua bán nhà hoàn tất, hai bên ra ngân hàng giao vàng và tiền. Tiền ông chuyển cho hai con, vàng ông gửi vào sổ tiết kiệm đã có sẵn. Ngân hàng đã làm rất nhanh thủ tục này vì vàng và đô la không có thứ nào là đồ dỏm như lão hằng lo lắng…

Trước lúc giao nhà, ông mời lão ra nhà hàng cùng gia đình ông đã từ Mỹ và nhiều quốc gia khác tụ tập đông đủ ở Việt Nam. Lão từ chối dù ông nài nỉ nhiều lần. Chắc là ngượng hay lão có bệnh đau bao tử chẳng biết…

Từ nay, ngôi biệt thự đã trở về chủ cũ, việc đầu tiên là gia đình lập bàn thờ tổ tiên ông bà, nâng cấp vài tầng nữa nếu như nhà nước cho phép.

 

Còn lão, đúng như dự định sẽ xuống miền Tây nhờ bà mối (mụ này buôn bán gái quê chuyên nghiệp cho khách nước ngoài) tìm cho lão cô gái nông dân đúng tiêu chuẩn lão đề ra theo cách mô tả của dân xây dựng: mặt tiền khang trang, nội thất bắt mắt, nở hậu, điện nước đầy đủ…

Mụ cò gái, vốn là siêu lừa các gã đàn ông Đài Loan, Nam Hàn, Hồng Kông… Liệu mụ có lừa lão không? Lừa kẻ từng trải như lão, khó đấy. Biết đâu sự đời…

Sài Gòn mùa khô 2003



[1] cửa hàng cung cấp hàng hóa trong thời bao cấp cho các VIP