Nguyên nhân (Khái niệm)

C2

BỐN LOẠI NGUYÊN NHÂN

Tác giả: Aristotelês*

Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Khi Athenai nhường chỗ cho Alexandreia* như trung tâm văn hóa của thời cổ đại, mọi trước tác của Aristotelês đều được tập trung tại thư viện Alexandreia, và được Andronikos* ở đảo Rhodos (Hiệu trưởng của trường Lykeion* từ năm 58 đến năm 47 tCn) xuất bản tại đây, vào thế kỷ thứ I tCn. Lý thuyết của ông về nguyên nhân được trình bày chủ yếu trong hai tác phẩm mà đời sau người Âu gọi tóm tắt là Physikê* (Physics = Physique, t. II, ch. 3)[1] và Metaphysika* (Metaphysics = Métaphysique, t. V, ch. 2)[2], đồng thời cũng được đề cập tới trong Peri zôôn moriôn* (The Parts of Animals = Les Parties des animaux, t. I, ch. 1 ), một chuyên đề nghiên cứu về các bộ phận của thú vật (đây là quyển sách đầu tiên về sinh học, viết năm 350 tCn).

Về nội dung, hai đoạn văn liên quan đến nguyên nhân trong Physikê và Metaphysika hoàn toàn tương đương về ý tưởng, chỉ khác nhau ở một số câu chữ. Các đoạn chúng tôi trích dịch dưới đây được rút ra từ cuốn sau. Để «chuyển ngữ», chúng tôi đã dùng các bản tiếng Pháp của Jules Barthélémy Saint-Hilaire (1838) như bản gốc, có đối chiếu với các bản Anh ngữ của Benjamin Jowett (1892) và của William D. Ross (1908). Mỗi khi thấy cần làm rõ ý của Aristotês hơn nữa, chúng tôi cũng thêm vào, ở nhiều đoạn trong bản dịch tiếng Việt này, một số câu hay chữ rút ra từ một trong hai bản Anh ngữ sau, tất cả đều đặt trong […]. Hy vọng sáng kiến thoạt nhìn có vẻ rườm rà này, rốt cuộc, sẽ giúp bạn đọc có thêm thông tin về tình trạng thuật ngữ triết học và khoa học đương thời, và qua đó, thông cảm hơn với nỗi trăn trở vẫn thường xuyên ám ảnh mỗi người làm công việc biên dịch: «chuyển ngữ», phần nào nhưng luôn luôn, là diễn dịch.     

*

[Bây giờ (…) chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân[3], tính chất và số lượng của nó. Hiểu biết là đối tượng của cuộc điều tra của chúng ta, và người đời không nghĩ rằng họ biết một vật gì cho đến khi họ đă nắm bắt được cái «tại sao» của nó (nghĩa là nắm bắt được nguyên nhân cơ bản của nó). V́ vậy, rơ ràng là cả chúng ta nữa cũng phải tìm hiểu vì sao một vật tồn tại và mất đi, cùng với những thay đổi tự nhiên khác của nó[4], để một khi đã biết mọi nguyên lý của đối tượng, có thể quy chiếu về chúng cho mỗi vấn đề cần được giải thích].

 

§ 1 - Trong nghĩa đầu tiên, nguyên nhân là cái yếu tố bên trong từ đó một vật được làm ra [từ đó một vật tồn tại và vẫn c̣n hiện diện trong nó][5]; trong nghĩa này, ta có thể nói rằng đồng là nguyên nhân của bức tượng mà nó là vật liệu, rằng bạc là nguyên nhân của cái cốc được làm ra từ nó; và có thể nói như thế về mọi trường hợp cùng một loại [các loại mà đồng và bạc là hai thứ loại].

§ 2 - Trong một nghĩa khác, nguyên nhân là cái hình thức và nguyên mẫu[6] [định nghĩa bản chất…] của một vật, nghĩa là yếu tố khiến nó tồn tại, làm cho nó là như thế, với tất cả những loại khác nhau mà nó biểu thị [… và các loại của nó]. Thí dụ, trong âm nhạc, bản chất của quãng tám (octave) là cái tỷ lệ 2/1; và nói một cách tổng quát, là con số nói chung, và những phân số khác nhau tạo ra tỷ lệ [các phần bao gồm trong định nghĩa].

§ 3 - Nguyên nhân còn là cái căn nguyên [đầu mối] của sự thay đổi của một vật, hay sự tĩnh tại của nó[7]. Trong nghĩa này, kẻ đã lấy một quyết định là nguyên nhân của những gì xảy ra sau đó, cha là nguyên nhân của con; nói tóm lại, vật tác động là nguyên nhân của động thái, vật biến đổi một vật khác là nguyên nhân của sự thay đổi mà vật kia phải chịu đựng.

 

§ 4 - Một nghĩa khác của từ nguyên nhân, đấy là cái để làm gì của nó, là mục đích của một vật[8]. Sức khỏe là mục đích của sự đi bộ, chẳng hạn. Tại sao người đó đi bộ? Chúng ta trả lời: để giữ gìn sức khỏe. Và qua câu đáp, ta cho rằng đã chỉ ra nguyên nhân. Trong nghĩa này, ta cũng gọi là nguyên nhân mọi trung gian dẫn đến cùng một mục đích qua tác động của một nhân tố khác. Thí dụ, ta cũng xem là nguyên nhân của sức khỏe sự kiêng cữ, thanh tẩy, thuốc thang, và y cụ dùng cho việc chữa trị, và ta không thể phân biệt gì khác giữa chúng, ngoài sự kiện một bên là dụng cụ, một bên là hành động của y sĩ.

§ 5 - Đấy là hầu hết mọi nghĩa từ nguyên nhân được dùng[9]. § 6 - Nhưng do từ nguyên nhân có nhiều nghĩa khác biệt như vậy, hệ quả là, một mặt, có nhiều nguyên nhân cho cùng một vật, và không có nguyên nhân nào là hoàn toàn ngẫu nhiên hết. Như vậy, bức tượng có nguyên nhân là, cùng một lúc, vừa nghệ thuật của nhà điêu khắc, vừa chất đồng từ đó nó được làm ra, mà chẳng nguyên nhân nào có tương quan gì khác với nó, ngoại trừ nó là bức tượng. Dù đúng là không cùng một cách thức tác động, vì cái sau là chất liệu, trong khi cái trước là đầu mối của chuyển động đã tạo ra bức tượng. § 7 - Nhiều khi giữa các nguyên nhân, thứ này còn là nguyên nhân của thứ kia. Chẳng hạn thể dục là nguyên nhân của tình trạng thân thể khỏe mạnh; ngược lại, tình trạng thân thể khỏe mạnh cũng là nguyên nhân của thể dục, bởi nó cho phép làm thể dục. Tuy nhiên, ở đây cũng vậy, chúng không tác động đồng nhất trong cách thức, một cái như mục đích, một cái như đầu mối của chuyển động. § 8 - Đôi khi một sự kiện duy nhất còn là nguyên nhân của hai tình huống trái ngược. Khi một sự kiện nào đó, bởi sự có mặt của nó, là nguyên nhân của một tình huống chẳng hạn, thì bởi sự vắng mặt của nó, là nguyên nhân của tình huống trái ngược. Nếu sự vắng mặt của hoa tiêu là nguyên nhân của tai nạn đắm tàu, thì sự có mặt của anh ta có thể đã là nguyên nhân của sự an toàn. Hơn nữa, sự có mặt hay vắng mặt của hoa tiêu đều là nguyên nhân, như đầu mối của chuyển động.

§ 9 - Mọi nguyên nhân liệt kê cho đến nay đều rơi vào bốn tập hợp  trên, là những loại hiển nhiên nhất[10]. Các con chữ là nguyên nhân của âm tiết, vật liệu là nguyên nhân của vật được tay người chế tác, lửa và đất và các nguyên tố tương tự là nguyên nhân của vật thể, các bộ phận là nguyên nhân của cái toàn thể, các tiên đề là nguyên nhân của kết luận,… theo nghĩa là từ những đơn vị trước mà các tập hợp tương ứng sau hình thành. § 10 - Trong số các nguyên nhân này, có thứ là nguyên nhân như cơ sở vật chất (những bộ phận của một toàn thể), có thứ là nguyên nhân như ý niệm cốt yếu [bản chất] của vật thể (cái toàn thể, cái kết cấu [tổng hợp] các bộ phận, cái hình thức của chúng). § 11 -  Những nguyên nhân như hạt giống của cây, y sĩ chữa bệnh, cố vấn cho một dự tính, nói tóm tắt là mọi tác nhân bất kỳ nào, đều là từng ấy nguyên nhân như đầu mối của chuyển động hay của sự tĩnh tại. § 12 - Các nguyên nhân còn lại là nguyên nhân như mục đích của các vật liên hệ, và như sự tốt đẹp cho mọi vật. Bởi vì điều mà chúng nhắm tới là tốt đẹp nhất đối với chúng, và được mọi vật hướng tới như cứu cánh thực sự, dù rằng đấy là điều tốt đẹp chân chính hay chỉ có vẻ là tốt đẹp, một sự phân biệt không cần được quan tâm ở đây.

 

§ 13. Đấy là các loại và số lượng của nguyên nhân. Nhưng những thứ loại có vẻ đa tạp của chúng có thể được thu gọn, giảm bớt[11]. Ngay cả bên trong một loại như nhau, nguyên nhân còn có thể được nói đến theo nhiều nghĩa, chẳng hạn cái này là nguyên nhân trước, cái kia là nguyên nhân sau. Thí dụ: nguyên nhân của sự lành bệnh là người y sĩ, nhưng cũng là người thợ đã chế tạo ra dụng cụ mà người y sĩ dùng; nguyên nhân của quãng tám là tỷ lệ 2/1, nhưng cũng là con số; và loại nguyên nhân nào bao gồm các nguyên nhân đặc thù luôn luôn là nguyên nhân sau của những kết quả đặc thù. § 14. Mặt khác, nguyên nhân còn có thể chỉ là ngẫu nhiên, với tất cả những thứ loại mà cái ngẫu nhiên có thể có[12]. Thí dụ, nguyên nhân của bức tượng đúng là Polyklitos theo một nghĩa, nhưng nói cách khác cũng là người  đúc tượng, bởi vì chỉ tình cờ mà Polyklitos là người đúc tượng. Ta  có thể đi xa hơn nữa, và xem là nguyên nhân tất cả những tập hợp bao gồm cái ngẫu nhiên: như vậy, nguyên nhân của bức tượng là con người, và tổng quát hơn nữa, là sinh vật, do Polyklitos là người, và con người là sinh vật. Trong số những nguyên nhân tình cờ[13] được xem xét ở đây, có thứ xa, có thứ gần; và ta còn có thể cho rằng không phải chỉ có Polyklitos và con người, mà cả «Màu trắng» và «Văn hóa» nữa cũng có thể được gọi là nguyên nhân của bức tượng. § 15. Tất cả mọi nguyên nhân, cả nguyên nhân đúng nghĩa lẫn nguyên nhân tình cờ, còn có thể được phân biệt như nguyên nhân tiềm năng, hoặc nguyên nhân tác năng (hiệu năng)[14]. Nguyên nhân của căn nhà là người thợ đang bận rộn xây nhà, nhưng cũng là người thợ có tiềm năng xây nhà.

 

§ 16. Các sắc thái ngôn ngữ khác nhau như ta vừa chỉ ra có thể được áp dụng cho những hệ quả của các nguyên nhân; nghĩa là cho pho tượng này, hay cho một pho tượng bất kỳ nào, hay cho hình tượng nói tổng quát, hoặc cho khối đồng này, cho chất đồng nói chung, hay cho vật liệu nói tổng quát. Và chúng cũng có thể được áp dụng một cách tương tự cho những hệ quả tình cờ.  § 17. Đôi khi, nguyên nhân trực tiếp [đúng nghĩa] và nguyên nhân gián tiếp [tình cờ] cũng được kết hợp, chẳng hạn như khi ta không nói Polyklitos, và cũng không nói người đúc tượng, mà nói rằng nguyên nhân của bức tượng là người đúc tượng Polyklitos. 

 

§ 18. Dù sao, số lượng của những sắc thái ngôn ngữ này là sáu tất cả, và mỗi thứ đều có thể được nói theo hai cách. Đấy là nguyên nhân hoặc như cá thể hay như cái loại mà cá thể là thứ loại; hoặc như tình cờ hay cái loại mà tình cờ là thứ loại; và trong sự tách biệt hay kết hợp với nhau. Sau cùng, cả sáu sắc thái đều có thể được xem xét như nguyên nhân tác năng (hiệu năng) hay chỉ như nguyên nhân tiềm năng thôi. § 19. Về hai sắc thái cuối cùng, có sự khác biệt này giữa chúng với nhau. Đó là nguyên nhân tác năng (hiệu năng) và các nguyên nhân đặc thù tồn tại và chấm dứt cùng một lúc với các đối tượng mà chúng là nguyên nhân. Chẳng hạn như người y sĩ hiện đang chữa trị cho bệnh nhân, ông ta là thầy thuốc cùng lúc với người bệnh, và hết là thầy thuốc cùng lúc với người [lành] bệnh; người thợ xây nhà là thợ xây và hết là thợ xây cùng lúc với ngôi nhà anh ta làm. Nhưng nguyên nhân tiềm năng thì không có tương quan này với các nguyên nhân đặc thù, bởi vì ngôi nhà và người thợ có thể xây nó không biến mất cùng một lúc.

Aristotelês,  

Trad. de Jules Barthélémy Saint-Hilaire

Métaphysique (Siêu hình học)

Paris : Ladrange, 1838

t. V, ch. 2

 



[1] Tên trước kia của cuốn sách này là Bài giảng về Tự nhiên (Φυσικὴ ἀκρόασις, Physikê akroasis), khi xuất bản gồm có 8 tập theo sự phân chia xưa. Cần tránh ngay ngộ nhận sau: đây không phải là một giáo trình về vật lý học như khoa học thực chứng, mà là tập hợp những suy nghĩ về tự nhiên và hiểu biết về tự nhiên của tác giả, tương đương với một tác phẩm về Triết lý của các khoa học tự nhiên theo nghĩa hiện đại, và có lẽ đã được dùng như phần dẫn nhập vào toàn bộ các khoa học chuyên biệt được truyền dạy đương thời tại Lykeion, như một trong ba lĩnh vực khoa học lý thuyết (toán học, tự nhiên học, và triết lý căn bản). Nói chính xác, như tác phẩm triết học tự nhiên, Physikê nhằm nghiên cứu mọi đối tượng có thể tự chuyển động theo một nguyên lý nội tại, như sinh vật và vật thể tự nhiên (trong khoa học của Aristotelês, ngoài trường hợp hiển nhiên của sinh vật, cả vật thể cũng có thể tự chuyển động: để tự nó, hòn đá nặng sẽ luôn luôn rơi xuống, khói nhẹ sẽ luôn luôn bay lên – xem thêm, ở đây, trích đoạn: Aristotelês, Vật thể rơi xuống hay bay lên theo định hướng tự nhiên), nhưng không phải chỉ để mô tả chúng, mà chủ yếu nhằm khám phá ra những nguyên lý và nguyên nhân tổng quát nhất về sự chuyển động hay biến đổi của chúng.

[2] Cuốn này trước kia thường được giới học giả đương thời gọi là Ta Meta Ta Physika (Tὰ Mετὰ Tὰ Φυσικά, có nghĩa là «phần sau phần Physikê»), và có thể được hiểu theo nghĩa đen là nhóm trước tác đặt trên kệ ngay sau, hay theo nghĩa bóng là phần học thuật được soạn để dạy sau, những Bài giảng về Tự nhiên. Như vậy, cái tựa Metaphysika không phải do chính Aristotelês đặt ra, mà do Andronikos gọi tóm tắt theo thói quen, khi ông quyết định xuất bản vào năm 60 tCn những bài giảng của thầy mình trong 14 tập sách gộp chung dưới cái tựa trên, và còn được lưu truyền cho đến nay với ý nghĩa là phần căn bản nhất của triết học, đúng như trong tư liệu gốc của tác giả và như ta vẫn hiểu («triết lý thứ nhất», theo tên gọi của Aristotelês). Chủ đề chính của Metaphysika là «hữu thể như hữu thể» nghĩa là nó nhằm tìm hiểu xem ta có thể khẳng định gì, về bất kỳ hiện hữu nào, chỉ vì nó tồn tại chứ không vì một phẩm chất nào khác. Tuy nhiên, Metaphysika cũng bao gồm nhiều đề tài khác nữa, ngày nay có thể được xếp vào triết lý khoa học (nguyên nhân, hình thể, vật chất, sự tồn tại của những «vật thể» toán học) hay thần học (Thượng Đế như «nguyên động lực»).

[3] Từ aitia (αἰτία) mà Aristotelês dùng ở đây có lẽ đã ra đời trong bối cảnh luật pháp, và do nhằm xác định «cái gì» hoặc «ai» phải «chịu trách nhiệm» về một sự kiện gì đó trước hết (và thường là nhằm kết tội hơn là để khen thưởng), nên từ gần với công dụng của nó trong đời sống hàng ngày nhất có lẽ là «giải thích» hay «giải trình» hơn là «nguyên nhân» theo nghĩa khoa học. Trong bản dịch này, chúng tôi vẫn dịch aitia là «nguyên nhân» như vẫn được chuyển ngữ cho đến nay. Dù sao, độc giả cần biết thêm rằng hai đoạn văn liên quan trong tác phẩm của tác giả đều nhẹ tính khoa học theo nghĩa hiện đại, nghĩa là còn đậm tính siêu hình cổ đại thậm chí là tính dân gian theo bình luận của một số nhà nghiên cứu. Bởi vì đúng là cái aitia mà Aristotelês phân loại ở đây chỉ là bốn cách trả lời cho các câu hỏi «cái gì đây», «làm bằng gì», «do đâu», «để làm gì», như một sự tìm hiểu gốc gác ngọn ngành mọi khía cạnh đã khiến cho một vật nào đó thành hình, hay một biến cố nào đấy xảy ra trong bối cảnh đời sống hàng ngày, trước khi được chuyển lên bối cảnh nghiên cứu khoa học vốn không phải là nôi sinh của nó. 

[4] Nếu học thuyết về Hình thể, Ý thể, và cái bất biến nằm ở trung tâm triết lý của Platôn (ảnh hưởng của Parmenidês), thì học thuyết về Chuyển động, Biến đổi (kinesis) cũng chiếm một vị trí tương đương trong triết lý của Aristotelês (ảnh hưởng của Hêrakleitos), vì theo ông, chuyển động cũng tuân theo những quy luật, và do đó, ta hoàn toàn có thể tiếp cận vũ trụ bằng giác quan và hiểu biết nó. Ở Aristotelês, chuyển động không chỉ là sự thay đổi nơi chốn, mà còn là phát sinh và tan rữa, hay bất kỳ một hình thức biến đổi nào; và biến đổi này có thể là tương đối (thay đổi nơi chốn) hay tuyệt đối (phát sinh hay tan rữa: khi vật biến đổi không có cùng một thể chất như trước nữa). Một quan điểm như trên tất nhiên sẽ đòi hỏi người nghiên cứu phải tìm hiểu bao quát mọi khía cạnh của đối tượng đã hay đang chuyển động, biến đổi: trước một pho tượng chẳng hạn, ta không thể tránh tự đặt cho mình một số câu hỏi: bức tượng này được làm bằng gì, nó tượng hình ai, do nghệ sĩ nào làm ra, nhằm mục đích gì?    

[5] Nguyên nhân vật chất (hylê = material cause = cause matérielle). Nguyên nhân vật chất là cái khía cạnh của chuyển động hay biến đổi do thứ vật chất đã tạo ra vật chuyển động hay biến đổi quy định. Như đồng, bạc, và kim loại là cấp loại (genus = genre) mà đồng và bạc là hai thứ loại (species = espèces) trong các thí dụ trên. Đây là thứ nguyên nhân có vẻ hiển nhiên nhất nhưng lại khó xác định nhất, bởi vì ở đây vật chất và hình thức quyện vào nhau trong một hợp thể, và nếu trí tuệ con người có thể tách nguyên nhân hình thức ra khỏi chất liệu, chúng ta lại không thể nhận thức nguyên nhân vật chất một cách riêng biệt và thuần khiết. Trở lại thí dụ bức tượng bằng đồng: chất đồng được xem là nguyên nhân vật chất của bức tượng, nhưng đồng không chỉ là nguyên nhân của sự thay đổi, mà còn là vật đã gánh chịu sự thay đổi để trở thành pho tượng, bởi nó đã bị nấu chảy và đổ vào khuôn đúc thành một hình thù (của con người chẳng hạn), và rốt cuộc được đưa vào việc giải thích sự tồn tại của bức tượng như nguyên nhân hình thức.

[6] Nguyên nhân hình thức (eidos = formal cause = cause formelle). Theo Aristotelês, đây là cái khía cạnh của chuyển động hay biến đổi do sự sắp xếp, tạo hình thù của vật đang chuyển động hay biến đổi gây ra. Nhưng nó không đơn giản chỉ là những đường nét của một vật theo nghĩa hình học, mà là thứ khiến cho vật đó trở thành một vật có thể định nghĩa được, là định nghĩa của chính vật đó. Khi có mặt, nguyên nhân hình thức là cái đã biến chất liệu (đồng) thành một vật đặc thù, và khiến ta phải công nhận chất liệu (khối đồng) đó như thuộc về loại hình đặc thù này. Như vậy, nguyên nhân hình thức của bức tượng người là hình tượng con người trong đầu người nghệ sĩ, là dạng người ở khuôn đúc, rồi pho tượng đồng trong công viên, khiến ta có thể xác định: đây là một pho tượng người chẳng hạn.

[7] Nguyên nhân khởi động (kinêsan = moving cause = cause motrice). Đây là cái khía cạnh của chuyển động hay biến đổi do tác động của một nhân tố bên ngoài vật đang chuyển động hay biến đổi gây ra. Aristotelês xem nó là cái đầu mối đã khiến cho một vật chuyển động hay thay đổi, hoặc giữ nó ở thế tĩnh tại hay không biến đổi.  

[8] Nguyên nhân cuối cùng (telos, final cause = cause finale). Đây là khía cạnh của chuyển động hay biến đổi do cái mục đích mà chuyển động hay biến đổi nhắm tới quy định. Quan niệm nguyên nhân cuối cùng này đặt ra nhiều vấn đề. Phải chăng nó hàm ý rằng Tự nhiên có mục đích riêng, ngoài những cứu cánh của con người? Một mục đích có thể tồn tại mà không cần có hình thái ý thức, thông minh, bàn bạc nào chăng? Phải chăng nó chỉ đơn giản là cái ta gọi là hậu quả? Dù sao, trong sự tìm hiểu bốn loại nguyên nhân, Aristotelês cho rằng nhà khoa học không thể bỏ quên nguyên nhân mục đích, vì nó là thứ, rốt cuộc, cai quản mọi thứ khác. Nguyên nhân hình thức có thể được quy giản vào nguyên nhân mục đích, trong chừng mức là mục đích của một hữu thể luôn luôn là đạt tới bản chất đích thực của mình, trong khi nguyên nhân khởi động là chuyển động để vươn tới cái bản chất đích thực đó, chỉ có nguyên nhân vật chất là không thể bị rút gọn vào nguyên nhân mục đích (Xem thêm, ở đây, trích đoạn: Aristotelês, Nguyên nhân mục đích).  

[9] Ở đây, Aristotelês chỉ xác định rằng nguyên nhân có thể được hiểu theo bốn nghĩa, hay khẳng định rằng mọi vật đều phải có cả bốn nguyên nhân? Ở một đoạn khác trong Métaphysique, ông viết như sau về nguyệt thực: «Khi tìm hiểu nguyên nhân của nguyệt thực chẳng hạn, ta có thể tự hỏi vật chất của nó là gì? Nhưng mà ở đây không có vật chất, chỉ có Mặt trăng hứng chịu hiện tượng này. Cái nguyên nhân đã khiến ánh sáng chuyển động và che khuất nó là Trái đất; còn về mặt  vì sao hay để làm gì của hiện tượng, thì có lẽ cũng không có nữa = Par exemple, en cherchant la cause de l'éclipse, on demande quelle est sa matière? Mais là, il n'y a pas de matière; il n'y a là que la lune subissant ce phénomène. La cause qui met ici la lumière en mouvement et qui la dérobe, c'est la terre; et quant au pourquoi du phénomène, il n'y en a peut-être pas» (1044b 12).

Nhìn tổng hợp, quan điểm của Aristotelês có thể được diễn dịch đại khái như sau: trong mỗi trường hợp đều có một nguyên nhân căn bản mà người nghiên cứu phải tìm cho ra để có hiểu biết tường tận về đối tượng, và mỗi khi nguyên nhân hình thức/mục đích có mặt, thì đấy chính là thứ nguyên nhân ta cần phải biết, nhưng nếu không có thì nguyên nhân khởi động có thể thay thế nó ở vị thế này (Xem thêm, ở đây, trích đoạn: Aristotelês, Nguyên nhân mục đích.) 

 

[10] Tiếp nối Aristotelês, chủ nghĩa Kinh viện lưu truyền học thuyết về bốn loại nguyên nhân bổ túc nhau này suốt thời Trung cổ, dưới các tên là causa materialis, causa formalis, causa efficiens, và causa finalis. Tuy nhiên, nguyên nhân khởi động của Aristotelês từ đây sẽ mang thêm một ý nghĩa sâu xa hơn. Nó không chỉ đơn giản là nỗ lực giải thích sự chuyển động và biến đổi của mọi sinh thể, vật thể tồn tại nữa, mà là ý muốn giải thích ngay chính bản thân sự tồn tại của vạn vật: mọi vật hiện hữu như được phơi bày, bởi vì Thượng Đế chẳng những đã ban cho chúng sự tồn tại, mà còn an bài mọi việc từ cõi trên. Nguyên nhân khởi động trở thành nguyên nhân thực hiệu (causa efficiens), và nguyên lý đầu mối của chuyển động thành nguyên nhân đầu tiên (Thượng Đế).

Từ thế kỷ XVI-XVII, với sự sụp đổ của chủ nghĩa Kinh viện, khoa học hiện đại mở ra nhiều thay đổi trong quan niệm về nguyên nhân. Một mặt, vật lý học chỉ giữ lại nguyên nhân khởi động, nhưng với một nội dung khác, và trong một định nghĩa nghiêm ngặt hơn (nguyên nhân không còn được hiểu như cái đầu mối, mà như cái tác động trong khuôn khổ của một định luật), đồng thời bác bỏ 3 nguyên nhân còn lại: nguyên nhân vật chất và nguyên nhân hình thức, vì chúng không thực sự là nguyên nhân theo nghĩa mới (chất ngà không đóng vai trò nào trong định luật va chạm giữa các hòn billards bằng ngà cả; tam đoạn thức là một hình thức lý luận, không phải là nguyên nhân của lý luận); và nguyên nhân cuối cùng, vì nó trái với nguyên lý khách quan (nhà vật lý không cần biết lực hấp dẫn xảy ra nhằm mục đích gì) và nguyên lý trước sau (nguyên nhân tồn tại của một hiện tượng đã xảy ra không thể nằm nơi một hiện tượng sẽ xảy ra). Mặt khác, riêng về nguyên nhân mục đích, khoa học nói chung hầu như bị chia thành hai lĩnh vực, một nghiên cứu về «nguyên nhân» theo nghĩa vật lý học, một về những «lý do» theo nghĩa quen thuộc trong sinh hoạt con người (cf. triết lý các khoa học «tinh thần», và triết lý sinh học).

[11] Nguyên nhân vật chất và nguyên nhân hình thức có thể được gọi là những nguyên nhân nội tại, bởi vì chúng luôn luôn có mặt trong pho tượng chẳng hạn cho đến khi nó không còn tồn tại nữa; mặt khác, pho tượng cũng không còn tồn tại, khi một trong hai nguyên nhân này không còn nữa. Ngược lại, nguyên nhân khởi động và nguyên nhân mục đích là những nguyên nhân ngoại tại: pho tượng vẫn tiếp tục tồn tại khi người làm ra bức tượng, hoặc khi cái mục đích khiến nó thành hình không còn nữa (một tượng thần không còn được thờ phụng nữa, nhưng vẫn có thể được lưu giữ trong viện bảo tàng như di vật).  

[12] Ở đây, như với aitia, Aristotelês cũng bắt đầu từ ý kiến phổ thông, xem số mệnh hay tình cờ là nguyên nhân. Ông cho rằng những trường hợp khác thường trong tự nhiên biện minh cho sự tồn tại của cái ngẫu nhiên, nên ta phải tìm hiểu chúng trong tương quan với các loại nguyên nhân khác. Do kết quả của ngẫu nhiên là những biến cố không đều đặn, thường xuyên, mà thường là các sự kiện hiếm hoi, bất ngờ (không cần thiết), nên ngẫu nhiên không thể là một nguyên nhân tự thân, bởi nó không thiết yếu: nó xảy ra khi một nhân tố bên ngoài và khác với mục đích ban đầu can thiệp vào quá trình chuyển động hay thay đổi, và đem tới một kết quả bất ngờ. Đối với Aristotelês, số mệnh hay ngẫu nhiên là   nguyên nhân tình cờ, chúng không sản sinh ra cái gì tự nhiên và thông minh cả.

[13] Ở trường hợp bức tượng, tác nhân này có thể, một mặt, là cá nhân Polyklitos, (là thợ đúc tượng, là con người, v. v…), hoặc mặt khác, là nghệ thuật khuôn đúc đồng. Đối với Aristotelês, đấy là nghệ thuật khuôn đúc đồng. Chắc chắn là thứ nghệ thuật này nằm trong tay của cá nhân người thợ có nhiệm vụ đúc nên pho tượng đồng. Nhưng Aristotelês cho rằng tất cả mọi thao tác của người này đều là biểu hiện của một tri thức đặc thù, và chính thứ tri thức này, chứ không phải người thợ đã học biết nó, mới là nhân tố giải thích sâu sát mà ta phải chỉ ra như nguyên nhân khởi động (Physique, 195b 21–25). Bằng cách chọn nghệ thuật hơn là nghệ nhân, có lẽ ông muốn đưa ra một giải thích khách quan về sự hình thành của bức tượng (không tùy thuộc vào ham muốn, tin tưởng, và ý đồ của con người), đồng thời cho ta thấy những bước cần thiết để làm ra pho tượng.

[14] Một phân biệt căn bản khác trong triết thuyết của Aristotelês (Metaphysique, t. 9): tiềm năng (δύναμις, dynamis = potentiality, potency = puissance) là «cái nguyên lý thay đổi ở một vật khác hay trong tự thân qua một vật khác (= le principe du changement dans un autre en tant qu'autre, St Hilaire = an originative source of change in another thing or in the thing itself qua other, W. D. Ross)» và tác năng (hiệu năng) (ενέργεια, energeia hay ἐντελέχεια, entelecheia = act, acting = acte, en act) là trạng thái đã hoàn thành của một vật có tiềm năng được hoàn thành. Ví dụ: khối đồng chỉ là một nguyên nhân tiềm năng khi nó chưa được đúc thành tượng, nó sẽ trở thành nguyên nhân vật chất thực hiệu một khi pho tượng đã thành hình. Nói đơn giản, tương quan giữa tác năng (hiệu năng) và tiềm năng là tương quan giữa người thợ đang xây nhà so với người thợ có đủ hiểu biết để xây nhà, của người mở mắt nhìn so với người có thị giác nhưng nhắm mắt, của vật được làm ra từ một chất liệu so với chất liệu đó. Nó là tương quan giữa hình thức và vật chất, nhìn dưới khía cạnh thời gian là yếu tố được thêm vào: nói cách khác, đối lập vật chất / hình thức là một phân biệt đồng đại (synchronic = synchronique), đối lập tiềm năng / tác năng (hiệu năng) là một phân biệt lịch đại (diachronic = diachronique).