Thư
«LITERARY CORRECTNESS»?
Ðọc bức thư than phiền của chị Trần Mộng Tú về bài thơ Linda Mặt Ngang của Ðỗ Kh. đăng trên Hợp Lưu (số 31, tr. 98-99), và thư trả lời của tác giả (số 33, tr. 248-250), tôi xin phép đóng góp năm ba ý kiến trên một số vấn đề chung.
1) Về cái đẹp, tôi vẫn được nghe thầy cô giảng từ thời trung học: «văn là vẻ đẹp, chương là bài viết; vậy, văn chương chỉ loại bài viết đẹp». Từ dạo ấy tôi vẫn nghĩ rằng ngôn ngữ văn học phải khác hơn ngôn ngữ ngày thường, nhất là với cái phần gọi là ngôn ngữ thô tục. Ngày nay, dường như đường ranh để phân biệt ba thứ ngôn ngữ ấy ngày càng mờ nhạt. Ðẹp là gì, thơ là gì? Sự định nghĩa bây giờ chắc chắn khó khăn hơn. Song tôi tin rằng vẫn có một tiêu chuẩn khách quan nào đó để ta còn có thể nhận diện cái đẹp, phân biệt nổi thơ với cái không là thơ chẳng hạn, dù rằng phần đất phải nhường cho chủ quan trong văn học thực sự có lớn hơn trước.
Cái tiêu chuẩn ấy có thể vẫn chỉ là cảm giác khoan khoái, đi từ niềm vui lâng lâng đến xúc động ngây ngất (mặt chủ quan) mà nhiều người cùng chia sẻ (mặt khách quan) trước một tác phẩm nghệ thuật. Nếu cái đẹp chỉ đơn thuần là chuyện mỗi người một ý kiến riêng, thì sẽ không còn mỹ học; nếu nó lại trùng hợp với cái không phải là đẹp thì còn kinh hoàng hơn: loài người sẽ mất luôn cả lý tưởng thẩm mỹ đã có từ bao giờ!
2) Về giới văn học Việt Nam ở hải ngoại, dường như chúng ta đang bị ngự trị bởi một thứ «political correctness», như ở nhiều giới khác. Ý thức hay vô thức, chúng ta đều đã và đang cùng chấp nhận một giả định không phải là văn học mà là chính trị: mỗi người đều có tự do, do đó, ai muốn viết chi thì viết, ai thích đọc gì thì đọc. Mỗi tác giả và mỗi độc giả đều biến thành một khuôn mẫu trừu tượng: là người trưởng thành, đủ trí khôn và biết trách nhiệm. Thử đặt vấn đề nghĩa vụ của kẻ cầm bút, anh sẽ bị chửi là «xâm phạm vào quyền tự do sáng tác»; thử đặt vấn đề tôn trọng người đọc, anh sẽ bị mắng là đã xem họ như kẻ «vị thành niên»! Thế là hết hó hé.
Nhìn dưới khía cạnh nhân quyền, đây có thể là một thắng lợi. Dưới góc độ xã hội hay văn hoá, chưa chắc. Cả tác giả lẫn độc giả đều mất đi kích thước hiện thực của mình. Thật ra, dù đặt vấn đề nào cũng đều chỉ có ý nghĩa nhắc nhở. Dù muốn dù không, mỗi tác giả là một tác nhân có ảnh hưởng trong xã hội, không phải là Robinson Crusoe trên hoang đảo. Mỗi độc giả đều có nếp sống, cảm xúc, giới tính, cùng tuổi tác của mình, và đều có quyền được tôn trọng, không phải như một khái niệm trừu tượng mà ngay trong hiện hữu cụ thể ấy.
3) Về quan hệ tác giả / tác phẩm / độc giả, có lẽ cũng chưa nên xoá trắng quan niệm cổ điển vội. Một mặt, nếu văn vẫn còn là người, thì tác giả không thể biến mất trong tác phẩm mà không lưu lại vết tích gì, ý thức hay vô thức. Và tất nhiên độc giả có thể nhìn thấy hay không, đoán đúng hay sai nhân cách của tác giả qua tác phẩm. Mặt khác, tác phẩm vẫn có hiện thực của nó, vì một lý do đơn giản: nó được sáng tạo bằng ngôn ngữ, dù đó đây đã xuất hiện loại sản phẩm «cách mạng» được tạo tác bằng nguyên liệu khác (xem Ðỗ Kh., Bốn Sợi Lông của Cùng Một Người Ðàn Bà, HợpLưu số 31). Và chữ nghĩa có tồn tại khách quan của nó: ngoài văn thơ ra, trong từ điển mọi người đều dùng.
Thời mới lớn, nhiều đứa trong chúng ta vẫn tò mò đem từ điển ra tra một số chữ thỉnh thoảng nghe được mà chưa hiểu. Trong từ điển, bên cạnh mỗi định nghĩa đều có chú thích định loại; có chữ được chua thêm «tục». Tất nhiên, có những trường hợp «tục» mà không tục, và ngược lại. Tùy hoàn cảnh sử dụng. Trong một phim truyện Mỹ, cứ mỗi lần có người lớn bước vào lớp mẫu giáo, một bé gái lại dơ tay phát biểu: «con gái có lồn, con trai có giái»; tôi không thấy tục tĩu mà thấy dễ thương. Tôi cũng đã dự một hai lớp dạy sinh lý cho trai gái mới lớn hoặc nghe, đọc nhiều từ «tục» trong giáo trình; tôi không thấy tục tằn mà thấy khoa học. Ðọc một số thơ văn Việt Nam hải ngoại, tôi thấy thô tục.
4) Bài Linda Mặt Ngang có phải là thơ chăng? Hãy lấy một tiêu chuẩn thực tiễn và gọi là thơ tất cả những sáng tác nào được các báo văn học đăng trong mục «thơ» (đây không phải là một sự dè bỉu hoặc mỉa mai, mà chỉ là ý muốn tránh mọi tiên kiến khi định nghĩa). Như vậy, Linda Mặt Ngang là một bài thơ. Chỉ xin nói thêm: đây là một bài thơ thuộc loại «pornographic», theo nguyên nghĩa của từ này: tiền tố «porno» chỉ gái điếm. Khách quan mà nói, thi nghiệp của Ðỗ Kh. bao gồm không ít thơ viết về chuyện đi chơi đĩ, nghĩa là thuộc vào thứ thơ tôi tạm dịch là «thơ lầu xanh» - hay chữ nghĩa hơn, «thanh lâu thi», cho tương xứng với «Trang Ðài âm đạo vi ti tiểu». Ðây không phải là sự đánh giá mà là một nhận định; ở mức độ này, Truyện Kiều cũng là một truyện thơ lầu xanh.
Nguyễn Du viết về chuyện thanh lâu mà vẫn thanh lịch. Hồ Xuân Hương dùng từ thanh để viết tục. Bút Tre ngắt câu ẩu tả để độc giả phải đọc chữ thường thành tục. Ngày nay, chẳng còn ai than phiền, có lẽ vì ai cũng hiểu động lực nào đã dẫn dắt mỗi tác giả. Ðọc một số thơ của Ðỗ Kh., người ta có thể xem là tục tĩu: ở đây, không có sự ngây thơ của bé gái nói ở trên, cũng không có cái khuôn khổ khoa học của lớp dạy sinh lý (dù có đo đạc hẳn hoi: «bằng hai ngón tay»); người ta cũng khó đoán thấy chủ đích nào khác, hoặc cảm nhận «nỗi cô đơn» của tác giả qua hoàn cảnh đáng thương của Linda. Thiếu vắng những thứ ấy, mà ngược lại cứ bị «overdose» về từ tục hay từ thường bị hoá tục («liếm», «bú»...), thì cái «porno» nguyên thủy dễ trở thành «porno» hiện đại, cái «soft» thành «hard», thành «crad».
5) Tôi không hề muốn xâm phạm vào quyền tự do sáng tác của bất cứ ai. Tôi cũng không than phiền khi nhìn thấy Linda Mặt Ngang hoặc Bốn Sợi Lông của Cùng Một Người Ðàn Bà trong Hợp Lưu. Song tôi thấy bất mãn trước câu trả lời trịch thượng (?) của tác giả: «Tôi hoàn toàn ghi nhận hình ảnh tục tĩu của bài Linda Mặt Ngang trong tấm gương Trần Mộng Tú, cám ơn bà đã cất công soi nó»... Có cái gì không ổn. Nếu Ðỗ Kh. có thể tự biện bạch rằng đầu óc anh không thô tục khi dùng những từ mà xã hội cho là «tục» để nói chuyện khác, thì có lẽ cũng nên chấp nhậnrằng nghệ thuật hàm ý của anh chưa thành thục. Và nếu người đọc vẫn nhận định các từ ấy là tục tĩu, thì điều này cũng không nhất thiết có nghĩa là đầu óc của họ dơ bẩn mà chỉ đơn giản là họ hiểu tiếng Việt.
Cuối cùng, tôi cho là Hợp Lưu đã trốn tránh trách nhiệm khi chỉ nhường quyền đối đáp cho anh Ðỗ Kh., mà không trả lời câu «Hợp Lưu một phần nào chịu trách nhiệm về sự coi thường độc giả đó» trong thư chị Trần Mộng Tú. Hay đây lại là một vế khác của «political correctness»? Nhà báo không trả lời vì nghĩ rằng mình chẳng nên chọn lựa bài vở để đăng: sự chọn lọc này thường vẫn bị đồng hoá với một hình thức kiểm duyệt ngầm.
6) Rốt cuộc, «political correctness» đã nghiễm nhiên trở thành «literary correctness»: nó hoàn toàn thống trị trên tất cả mọi khâu văn học. Ðể tôn trọng tự do sáng tác, tôi không được đặt vấn đề trách nhiệm của kẻ cầm bút. Nếu không xem người đọc là trẻ con, tôi không có quyền đòi hỏi ai tôn trọng độc giả. Tôi cũng không thể than vãn chi khi đọc một tác phẩm văn học, bởi vì nó đâu phản ánh gì khác ngoài cái «thằng tôi đáng ghét» của chính mình? Tôi lại càng không thể yêu cầu nhà báo chọn lọc bài vở để đăng, ai lại đi chủ trương kiểm duyệt! Mà đề nghị những nhà văn «harders» tập hợp lại trong một loại báo «for adults only» thì chẳng hoá ra là xúi bẩy «apartheid văn học» - cũng «literarily incorrect» - hay sao? Thôi, cho tôi gửi một câu hỏi đến cả làng văn: văn học Việt Nam hải ngoại sẽ đi về đâu?
Nước Pháp cũng có nhiều tự do, song chưa mắc chứng «correctness». Vì cạnh tranh nhau, các đài truyền hình chiếu đầy loại phim ảnh bạo động và khiêu dâm. Khán giả than phiền dài dài. Bây giờ phim ảnh được xếp loại và đánh dấu: phim cho toàn gia đình, phim cần có sự thỏa thuận của bố mẹ, phim dành riêng cho người lớn, v. v... Theo tôi, khán giả không hề bị xem như «kẻ vị thành niên», mà ngược lại, còn được tôn trọng tối đa: cả ở quyền có những khác biệt, lẫn quyền được thông tin đầy đủ về các loại sản phẩm tiêu dùng.
7) Một biện pháp thích hợp với phương tiện truyền thông này, không nhất thiết phải thích ứng với những cái khác. Nhưng đây là một thí dụ điển hình đáng để chúng ta - nhà báo, tác giả, độc giả, nhà phê bình - cùng suy nghĩ về quyền lợi và trách nhiệm.
Nhiệm vụ của Hợp Lưu là ... hợp lưu, giữa quốc nội và hải ngoại, giữa các dòng văn học. Cần thiết và cao cả. Ðiều làm tôi bàng hoàng là, một ngày nào, nhận được tờ báo, mỗi độc giả sẽ phải phân vân tự hỏi: có nên đưa cho mẹ, cho chị, cho em, cho con cái mình đọc chăng? Thiết tưởng đó cũng là một câu hỏi thiết yếu mà nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo nên tự đặt ra cho bản thân - với tất cả cẩn trọng và sòng phẳng.
Phạm Trọng Luật
03/1997