NgoCut

Mạn đàm

 

 

 

BÊN LỀ MỘT NGÕ CỤT

 

 

___________________________________________

 

Bài gửi cho Hợp Lưu sau số 36 mang chủ đề Thanh và Tục Trong Văn Chương, với lời yêu cầu chuyển đến các tác giả đã tham dự, trong trường hợp nhà báo không đăng vì đơn phương chấm dứt cuộc tranh luận.  Hợp Lưu không đăng mà cũng chẳng hồi âm, nhưng giữ im lặng không nhất thiết có nghĩa là nhà báo cũng từ khước cả lời yêu cầu chuyển giúp.

____________________________________________

 

 

 

Ðọc hết 44 trang Hợp Lưu số 36 mang chủ đề Thanh và Tục Trong Văn Chương này, tôi thực tình thấy thất vọng. Cám ơn Hợp Lưu đã cho đăng bài Literary Correctness? (bài gửi từ nhiều tháng trước khi tập san đặt chủ đề, và tựa bài của tôi có dấu hỏi; mặt khác, tôi cũng tưởng là Hợp Lưu đã bỏ qua chuyện này luôn, sau trả lời chung của Kim Thi trong số 34). Song giá đăng vào số 35 thì tốt hơn. Ðăng vào số mang chủ đề này, mặc dù vẫn có liên hệ, trên thực tế đã vô tình đảo ngược ý chính với những ý phụ của bài, và do đó, dẫn tiếp đến nhiều ngộ nhận bất ngờ ở một số bài tham luận khác, đối với chủ đích của bài viết. Tôi không có gì phiền trách Hợp Lưu cả. Chỉ thấy hơi lạnh gáy vì tự dưng lại được bốc lên làm đại diện cho một xu hướng thơ văn, để rồi phải nai lưng ra chịu đòn hội chợ. Và cũng không khỏi thấy đáng tiếc là thiện chí mở ra một cuộc trao đổi văn học mà tập san mong mỏi là nghiêm chỉnh,rốt cuộc, cũng không được đền bù. Thật tình, nếu muốn tham dự vào cuộc tranh luận trên chủ đề này, tôi đã viết một bài hoàn toàn khác.

 

Cho tôi nói rõ lại: vấn đề chính khiến tôi viết bài Literary Correctness? vừa rồi là không khí giao lưu giữa những người làm văn học với nhau, không phải là chuyện thanhhay tục. Tôi thắc mắc rằng chúng ta đã tiến (thoái?) hoá đến cái điểm mà tôi gọi đùa bằng cái tựa đề tếu trên hay chưa? «Correct» là phải tôn trọng quyền tự do sáng tác, do đó, đặt vấn đề trách nhiệm của tác giả  là «incorrect»; «correct» là phải tôn trọng quyền tự do chọn lựa của người đọc, do đó, đòi hỏi tôn trọng độc giả là «incorrect» chẳng hạn... «Tất nhiên, mọi thứ «literarily correct» đều «correct» cả, song cũng như trong chính trị, nếu áp dụng một cách cứng nhắc sẽ trở thành khôi hài. Nhà văn có quyền tự do sáng tác thật, nhưng cũng chính vì vậy mà vấn đề trách nhiệm của người cầm bút càng trở nên bức thiết, chứ không biến mất. Người đọc có quyền tự do đọc hay không đọc thật, song cũng chính vì thế mà yêu cầu tôn trọng độc giả một cách thiết thực lại càng không thể bị giản lược vào công thức «kẻ trưởng thành» giả định, xoá trắng mọi yếu tố con người phức tạp khác (văn hoá, giới tính, tuổi tác, v. v...)

 

Câu hỏi sau - «văn học Việt Nam hải ngoại sẽ đi về đâu?» - chỉ rõ nghĩa trong bối cảnh ấy. Và nếu có vấn đề quan trọng nào đáng để một tờ báo đứng đắn như Hợp Lưu đưa ra, và thực hiện đến nơi đến chốn, tôi nghĩ đó là sự cùng nhau suy nghĩ về tự do, quyền lợi và trách nhiệm của người viết, nhà báo, người đọc, nhà phê bình. Còn chuyện Thanh và Tục Trong Văn Chương, theo tôi, nó chỉ có thể là một ngõ cụt không hơn không kém: từ lâu thanh và tục đã ăn nằm với nhau trong văn thơ; vấn đề là chúng sẽ đẻ ra cái (giống) gì mà thôi! Và điều này thì hoàn toàn tùy thuộc ở phong cách, ở tài nghệ của mỗi tác giả. Có tranh luận thêm vài số Hợp Lưu nữa, rốt cuộc, có lẽ cũng chỉ để quay trở lại khởi điểm: một nguyên tắc «đã  rồi», nghĩa là một thoả hiệp về hình thức thì rất «correct», song về nội dung thì vẫn còn đầy những vấn đề phức tạp [1]. Một thoả thuận mà chẳng ai muốn bác bỏ - kể cả thằng tôi - nhưng đồng thời cũng là một trong những nghi vấn mấu chốt về mối đồng thuận mà tôi gọi đùa là «literary correctness», và tin rằng chúng ta cần phải đi xa hơn, nếu muốn thực sự tôn trọng lẫn nhau. 

 

Tất nhiên, trong bài tôi cũng phải phát biểu một hai ý kiến, về cái đẹp, về ngôn ngữ văn học, về  thơ, về bài thơ Linda Mặt Ngang của Ðỗ Kh. - đầu mối của cuộc tranh cãi. Song đó chỉ là chuyện phụ thuộc, nhằm cãi lý với tác giả rằng cái tục của bài thơ có cơ sở khách quan của nó (không khí chung của toàn bài, một số từ mà từ điển chua là «tục», và một số từ như «bú», «liếm» trong bối cảnh «động đĩ» ở Batàm), chứ không chỉ xuất phát từ sự chủ quan của người đọc. Ðọc xong các bài trong Hợp Lưu số 36, tôi có cảm tưởng (trừ phi đây là một sự ngẫu nhiên rất kỳ quặc) là ít nhất một hai tác giả, trong số bốn năm người tham dự vào chủ đề trên, đã đọc Literary Correctness? trước khi hạ bút [2], và đã suy diễn quá xa hoặc sai lạc, nếu không muốn nói là bóp méo, đôi ba lập luận mà tôi đã tóm tắt trong 8 câu «vọng cổ» ngắn ngủi ở đầu bài, từ một kỷ niệm xa xưa thời trung học (phần 1).

 

Ðúng là tôi đã đề cao «lý tưởng thẩm mỹ» thật, nhưng cũng xin đừng ém đi rằng tiêu chuẩn để nhận diện cái đẹp, đối với tôi cũng như với rất nhiều người khác ngày nay, chỉ là «cảm giác khoan khoái, đi từ niềm vui lâng lâng đến xúc động ngây ngất (mặt chủ quan) mà nhiều người cùng chia sẻ (mặt khách quan) trước một tác phẩm nghệ thuật». Ðúng là tôi có nhắc lại một kỷ niệm hồi đệ thất (lớp sáu bây giờ), nhưng tôi cũng đã nói rõ ngay rằng «ngày nay, dường như đường ranh để phân biệt ba thứ ngôn ngữ ấy (văn học, đời thường, thô tục) ngày càng mờ nhạt». Ðúng là tôi có đề cập đến «ngôn ngữ văn học» thật, nhưng đố ai tìm thấy ở câu nào cái ý nghĩ kỳ quái là thứ ngôn ngữ này chỉ gồm toàn các từ Hán Việt mà thôi! (tất nhiên là nó phải có nhiều từ Hán Việt như trong mọi ngành khác, bởi sự kiện khách quan là Hán tự vốn là ngôn ngữ gốc về học thuật của ta, và bởi cái khuynh hướng xem chữ Nho là chính xác, sang trọng hơn chữ Nôm ngày trước: «nôm na là cha mách qué») (Hợp Lưu, 36, 44).

 

Ðiều không thể chấp nhận là từ vị trí kẻ phê phán một thứ «literary correctness» trong thái độ giao lưu, tôi trở thành người chủ trương một thứ «correctness» nào khác cho ngôn ngữ sáng tạo, đòi hỏi cái đẹp phải luôn luôn thanh cao («correct»); do đó, thơ văn không được viết tục tĩu («incorrect»)! Mặc dù cũng có sở thích riêng như mọi người (cảm thức cổ điển thôi), tôi đã khẳng định: tôi không bênh vực hay chống đối một lập trường sáng tác nào cả («Tôi không hề muốn xâm phạm vào quyền tự do sáng tác của bất cứ ai. Tôi cũng không than phiền khi nhìn thấy Linda Mặt NgangBốn Sợi Lông của Cùng Một Người Ðàn Bà trong Hợp Lưu.  Song tôi thấy bất mãn trước câu trả lời trịch thượng (?) của tác giả» (về sau, ông Ðỗ Kh. đã giải thích lại rằng đây chỉ là sự «ấp úng», cho tôi gửi lời thành thật xin lỗi). Mấy dòng này trong Literary Correctness? (Hợp Lưu, 36, 46) là không có hoặc vô nghĩa hay sao, hay vì đã không được viết bằng loại chữ nổi? Cho tôi xác định thêm một lần nữa: a) Ai cũng có quyền làm thơ (siêu hình, đấu tranh, tình yêu, trào lộng, tục tĩu... đều được cả), miễn là hay (đẹp); b) Ðỗ Kh. hoàn toàn có quyền làm thơ tục, hoặc như một giá trị tự tại, hoặc như một phương tiện để nói chuyện khác, nhưng cho rằng cái tục chỉ nằm trong «tấm gương» của người đọc là trái với sự thực; c) tôi không dị ứng với bài thơ tục của ông Ðỗ, tôi chỉ dị ứng với bức thư trả lời một nữ độc giả - đồng thời là văn hữu - của nhà thơ .

 

Ðể tránh ngộ nhận với một số tác giả và độc giả nào đã đọc Literary Correctness? như một bài đóng góp cho chủ đề Thanh và Tục Trong Văn Chương, mặc dù bây giờ lại càng phải nhận thức rõ rệt hơn nữa về sự vô ích của cuộc tranh luận, tôi cũng thấy cần thiết phải trở lại một hai luận điểm BÊN LỀ ngõ cụt - hoặc đã bị hiểu sai hay xuyên tạc trong Literary Correctness?, hoặc tôi cho là thái quá trong các bài tham luận khác - về lý tưởng thẩm mỹ, về ngôn ngữ văn học, về quan hệ giữa xã hội với nhà văn, và cuối cùng, về quan hệ giữa tác giả và tác phẩm với người phê bình.

 

*

 

Về chuyện «lý tưởng thẩm mỹ chung toàn nhân loại đã chết, chậm nhất là cùng một lượt với Thượng Ðế»(Hợp Lưu, 36, 85), cho phép tôi phân biệt «lý tưởng thẩm mỹ» hay «lý tưởng cái đẹp» (sự yêu chuộng cái đẹp) với «cái đẹp lý tưởng» (cái đẹp hoàn hảo, phổ quát, đại đồng). «Lý tưởng cái đẹp» không bao giờ chết cả, và không bắt buộc phải tùy thuộc chuyện Thượng Ðế đã chết hay chưa (đừng quên rằng còn có cả một nền mỹ học duy vật!), khi nào con người - hữu thần hay vô thần - còn phân biệt trên nguyên tắc cái xấu với cái đẹp, dù trên thực tế khó định nghĩa được «đẹp» (và từ đó, «xấu») là gì. Ít nhất, nó chưa chết khi nào người nghệ sĩ còn sáng tạo với tâm niệm làm ra cái mà mình cho là đẹp (hay), người thưởng thức nghệ thuật còn muốn phân biệt một tác phẩm [oeuvre] với một đồ vật [objet], và các bà với các cô còn thiết mặc đẹp hay làm đẹp chẳng hạn. Còn«cái đẹp lý tưởng», có lẽ nó chưa bao giờ thực sự tồn tại cả, trừ phi trong triết lý của Platon («Ý thể cái đẹp»), hay của Hegel, hoặc ở một thiên đường nào khác.

 

Tất nhiên, trước khi có «mỹ học», cái đẹp đã hiện diện trong thiên nhiên và nơi một số sản phẩm nhân tạo, và ngay cả ở cử chỉ con người [3]. Nên khi đưa ra từ «mỹ học» ở Tây Phương, Baumgarten (Aesthetica, 1750) cũng đồng thời xác định một lãnh vực bao gồm cả cái tự nhiên và cái nhân tạo, nằm giữa hai khả năng nhận thức, một bên là cảm giác thuần tuý(tối tăm, lộn xộn), và một bên là trí tuệ thuần tuý (trong sáng, tách bạch). Và tôi nghĩ đấy vẫn còn là khoảng không gian của mỹ học cho đến ngày nay, dù sau này Hegel chỉ muốn giới hạn cái đẹp vào những tạo phẩm của con người, mở đầu cho xu hướng giản lược mỹ học vào một thứ «lý luận nghệ thuật» [théorie de l’art]. Nhưng đấy chỉ là một khuynh hướng mà chẳng ai có thể bắt ai phải theo, trừ phi lại muốn áp đặt một quan điểm «đại đồng»!

 

Trong nhận thức cái đẹp, một mặt, nếu chúng ta không thể loại trừ sự chủ quan và cảm tính của một kinh nghiệm cá nhân, chúng ta cũng không thể nào cá biệt hoá nó vào một cảm xúc hoàn toàn độc đoán của người nhận thức. Nói cách khác, khẳng định này: «X không cho tôi một khoái cảm nào, nhưng tôi công nhận là X đẹp (với người khác)» vẫn là một mệnh đề có nghĩa và hữu lý (và nó xác định thêm một lần nữa rằng cái định nghĩa tôi đã dẫn ra ở trên không thể bị đồng hoá với sự áp đặt một quan điểm «đại đồng», ít ra theo nghĩa đang bị lên án ở đây), bên cạnh cái kinh nghiệm trái ngược của một hiện tượng thông thường mà ai cũng có thể kiểm chứng được là sự đồng cảm. Mặt khác, nếu chúng ta công nhận «đẹp» là thuộc tính của một số sự vật cụ thể, cũng chưa ai phổ quát hoá được thuộc tính này thành một khái niệm mà mọi người đều phải chấp nhận. Vì thế, Kant đưa ra một định nghĩa nước đôi: «đẹp» là một khoái cảm phổ biến, không phải là một khái niệm phổ quát (Immanuel Kant, Critique du jugement, 1790).

 

Ngày nay, có lẽ chúng ta có khuynh hướng xem cái đẹp như một vấn đề cảm thức [gu = goût]. Song ví dù việc sáng tạo cũng như thẩm định nghệ thuật có đơn thuần là chuyện thời trang đi nữa, thì sự thay đổi cảm thức liên tục chỉ có nghĩa là: a) con người vẫn cứ khắc khoải nhìn tới một «lý tưởng thẩm mỹ» nào đó còn ở cuối tầm mắt như một đường chân trời; b) cái con người vẫn được lấy làm trung tâm điểm cho mỹ học có lẽ không chỉ đơn giản là con người của tâm lý cá nhân, mà thật ra là của tâm lý xã hội. Mỹ học có thể đang tiến đến gần bộ môn «xã hội học nghệ thuật» hơn, song tôi tin rằng nó sẽ chẳng bao giờ biến chất đến mức chỉ còn là một thứ danh mục [catalogue] về thị hiếu, trong đó ai nói sao cũng được hết cả!

 

Dù sao, đề cao «lý tưởng thẩm mỹ» không TẤT YẾU phải có nghĩa là chủ trương một «quan niệm đại đồng» về cái đẹp, trừ phi thông qua một lập luận lắt léo nào đó mà tôi còn chờ được giải thích. Hiện thời, tôi thực tình không hiểu làm sao có thể «đánh lộn sòng» hai khái niệm này, nhất là khi trong Linda Mặt Ngang (cách đấy chỉ đúng một dòng!) đã có một định nghĩa hoàn toàn tương đối về cái đẹp. Có những sự thật đáng được nhắc tới nhắc lui thật, song với tất cả sự thận trọng cần thiết. Ðọc một bài viết bằng tiếng mẹ đẻ mà còn méo mó như vậy, thì dịch từ tiếng nước ngoài sẽ ra sao? Có lẽ chỉ nên lo ngại người Việt Nam «tha hoá» khi nào họ đọc tiếng Việt mà không hiểu, chứ không phải vì họ gọi tục là «tục», hay vì họ từ chối - một cách rất ý thức - việc đưa một số từ nào đó vào thơ văn. Mặt khác, nếu thay «cái đẹp» bằng «nghệ thuật» chẳng hạn, thì đấy lại không phải là một cách «chạy nợ tạm bợ» hay sao, bởi vì trốn đâu cho thoát câu hỏi «nghệ thuật là gì?», có lẽ cũng với ngần ấy khó khăn? Có khi còn nhiều hơn: tôi nghi ngờ cả cái khả năng định nghĩa nghệ thuật [beaux-arts = fine arts] mà không cần đến sự quy chiếu về một giá trị nào! Ở đây, tôi cũng hy vọng có ngày sẽ được giải thích rõ rệt hơn .

 

*

 

Nói cho cùng, nếu quả thật «lý tưởng thẩm mỹ đã chết» vì cái lý cớ đã được cầu viện, thì có lẽ cũng nên đồng thời khai tử luôn cả «chân» và «thiện» cho đủ bộ: cùng một nguyên nhân tại sao lại không dẫn đến cùng một hậu quả? Làm gì có một quan niệm đại đồng về «chân lý» hay «thiện đạo»! Ðối với một lối nhìn nào đó, «hậu hiện đại» là mồ chôn mọi lý tưởng lớn nhỏ của nhân loại cho đến bây giờ! Khiếp đảm thật, nhưng cũng rất đáng nghi hoặc. Không đặt vấn đề nhận thức «hậu hiện đại» như thế nào vì đã có dịp phát biểu đôi ba điều trên đề tài này (Triết, số 2, 1996), cho tôi trở lui với cái «đẹp» bằng cách nhại Thánh Augustin khi bị hỏi về «thời gian»: «Nếu không ai hỏi thì tôi biết thời gian là gì chứ, song nếu phải giải thích cho ai đó, thì tôi lại hết biết nữa»!

 

Giữa «Tôi biết thời gian (cái đẹp) là gì, nhưng tôi không cắt nghĩa được», và «Thời gian (cái đẹp) không có («chết rồi»), vì tôi không định nghĩa được», chẳng có gì khác nhau, vì đàng nào kết quả cũng là sự bí tịt? Xin lỗi, có chứ! Một bên: tôi không hoài nghi tất cả, nhưng nghi ngờ sự vạn năng của lý trí. Một bên: tôi hoài nghi tất cả, trừ tính toàn năng của lý trí. Một bên là thái độ thận trọng, một bên là sự ngông cuồng. Nói cách khác, một bên là mầm mống của văn hoá «hậu hiện đại» (từ thế kỷ thứ 5), một bên là tàn dư của văn hoá «hiện đại» (1997)!

 

Ðấy chỉ mới là cái tàn dư thứ nhất. Nguyên lý Descartes: «những gì tôi không quan niệm được một cách rõ ràng và tách bạch thì không hiện hữu»! Còn một tàn dư thứ hai. Nguyên tắc Hegel: «cái hợp lý là cái hiện thực». Mọi suy diễn mà nhà văn cho là «hợp lý» đều biến thành chân lý. Ðiều không ổn là hiện thực khách quan lại không mấy phù hợp với cái lối ngoại suy «hợp lý» ấy! Ngoài những điều đã nói ở trên, sau đây là một vài ví dụ khác nữa. Nhận định một số bài thơ là «tục tĩu» (phán đoán thực tại) không tất yếu đồng nghĩa với chủ trương «văn thơ phải thanh cao» (chọn lựa giá trị): tôi đâu có quyền ngăn cấm ai làm thơ tục, dù như cứu cánh tự tại hay như phương tiện để diễn đạt chuyện khác! Chứng minh một bài thơ là «pornographic» đâu bắt buộc có nghĩa là bài bác một tác giả (tôi không chống thơ của Ðỗ Kh., dù tục hay thanh, chỉ phản đối việc chuyển cái tục từ câu chữ của mình vào đầu độc giả). Bỡn cợt về sự xuất bản một tờ báo tục tưởng tượng cũng không nhất thiết hàm ý phỉ báng một tạp chí hiện hữu (tôi thực tình chỉ nghĩ đến một cái tên tếu, vừa trữ tình, vừa độc đáo như Thôn Lờ, hơn là cái tên Thơtrên văn đàn hải ngoại, chẳng những đã cổ điển, cộc lốc, mà còn có vẻ quá nhà chung – ở đây, viết thường hay viết hoa đều được tuốt)!    

 

*

 

Một vấn đề bên lề thứ hai: sự tồn tại của «ngôn ngữ văn học» đối chiếu với «ngôn ngữ đời thường». Tất nhiên, sự phân biệt này không có tính siêu hình mà chỉ có giá trị tương đối, thực tiễn: tôi không tưởng tượng ngây ngô rằng thơ văn có thể vất bỏ ngôn ngữ hàng ngày (bao nhiêu phần trăm của một bài thơ thuộc loại ngôn ngữ này?). Nhưng đối với tôi, có một vấn đề cần được giải đáp: hoặc tất cả những gì ta viết ra đều là văn học, hoặc chỉ có một phần nào đó đáng gọi là văn, là thơ mà thôi. Một trong những tiêu chuẩn thường được dùng để phân ranh là ngôn ngữ văn học (chữ nghĩa, quy ước, kỹ thuật,...) trong sự tiến hoá bình thường của nó, nghĩa là qua các đợt lột xác của quan niệm thẩm mỹ, văn thơ. Mỗi thời đại đều có thể sáng tạo, đổi mới ngôn ngữ văn học. Do đó mà ngôn ngữ ấy không cố định, bất biến.

 

Có một thời, đã là thơ thì phải có niêm luật; nhà thơ phải vật vã uốn nắn: «đế quốc tù ta, ta chẳng tù» (Xuân Thủy). Có một thời người ta chủ xướng phải dùng ẩn dụ để nói một số chuyện đời; không nắm được ngôn ngữ văn học thời đó thì dễ tưởng tượng «với lá vàng mùa thu anh tận tụy» (câu thơ của Garcia Lorca, Ðan Tâm dịch) là việc quét công viên. Song cũng từ lâu, trong dòng thơ đấu tranh VN đã có nhiều chữ tục: «Phản thần, đù mẹ đứa cười ông» chẳng hạn (Nguyễn Hữu Huân, 1841-1875),... đâu có sao! «Ðù mẹ» là từ tục, nhưng đâu phải vì 2 chữ này mà bài thơ đấu tranh biến thành thơ tục; mặt khác, đâu phải vì viết 100 chữ «đù mẹ»mà 2 từ này hết tục, câu thơ chỉ trở thành nhàm với 99 chữ thừa, hay hoá ra khôi hài vì nó tạo cho người đọc cái cảm tưởng là tác giả chửi cà lăm ngay cả trong khi viết! [4]

 

Văn học sống với thời đại của nó. Tôi không hề nói ngôn ngữ văn học phải chết cứng trong một số quy ước và kỹ thuật, quẩn quanh trong loại chữ nghĩa của giới thượng lưu, ngăn chữ này cấm chữ nọ. Cấm sao đặng, khi trên thực tế, dốt như tôi còn biết được rằng đường ranh giữa ba thứ ngôn ngữ (văn học, ngày thường, tục tĩu) đang cứ mỗi ngày một lu mờ (câu này tôi cũng quên viết bằng loại chữ nổi!). Có người còn đi xa hơn: thời nay, «người làm thơ hậu hiện đại phải «tục» vì không thể làm khác được» (thật vậy sao? còn chi là tự do!), nghĩa là phải gọi đúng tên tục của mọi sự vật, mọi hành động (Hợp Lưu, 36, 79): lồn là «lồn», đụ là «đụ», không cần phải gọi tránh đi là tấm «lá vàng», đoá «trà mi» (ẩn dụ) hay «cửa mình» hoặc «âm hộ», «giao hoan» (từ Hán Việt). Ðúng quá! Chỉ còn một hai điều đáng thắc mắc: a) Tại sao các từ Hán Việt lại không tục nhỉ? - Tục chứ, tục tĩu không kém, nếu có chi khác chăng là sự khác biệt về giai cấp của kẻ dùng mà thôi!; b) Cái tư tưởng kỳ quái này (thay từ Việt bằng từ Hán Việt thì hết tục), không biết có hoàn toàn đúng cho các cụ ta ngày xưa chăng (theo tôi, có lẽ đối với các cụ, không phải là hết tục mà chỉ là tục kiểu thượng lưu hơn mà thôi), ngày nay còn ai chủ xướng nữa? [5]

 

Từ khuynh hướng pha trộn tự nhiên này, sự phân biệt «ngôn ngữ văn học» với «ngôn ngữ ngày thường» «một công thức không dùng được» nữa? Cho tôi trả lời ngay: tùy dùng để làm gì và do ai dùng.

 

Nếu để nghiên cứu văn học sử thì chẳng những dùng được mà còn là thiết yếu. Ðể dịch thuật cũng vậy, trừ phi muốn «hậu hiện đại hoá» câu thơ «với lá vàng mùa thu anh tận tụy» ở trên chẳng hạn thành «lồn em thu vàng anh đụ lia» cho hợp với một số thị hiếu thời đại; song như thế thì còn chi là văn, là thơ của người ta, còn chi là cái «chữ trung đáng giá ngàn vàng» lấy làm điều tâm niệm? Còn để sáng tác? Cho tôi lấy ngay một hai thí dụ trong Linda Mặt Ngang. Nếu quả thật cái chữ «tôi» ở đây có thể vừa là tác giả, vừa là ai khác, thì không thể nào nó là cái tôi của ngôn ngữ ngày thường, lại càng không thể là ngôn ngữ hành chánh được. Và cái gọi là «mưa mềm» đâu có phải là mưa phùn, dù cũng phải mặc «áo mưa» cho khỏi ướt. Những chữ ấy, bên cạnh một số từ Hán Việt đã xưa sáo, cho phép tôi kết luận: cứ mở cửa chính, đá đít ngôn ngữ văn học ra ngoài, nó sẽ nhảy trở vào qua cửa sổ!

 

Ngôn ngữ văn học không tự dưng lăn đùng ra chết (như lý tưởng thẩm mỹ!), vì có loại «nhà văng» ưa chuộng ngôn ngữ của bà hàng xóm mất gà hơn nó, hoặc vì có một hai ông (bà) Jourdain nào đó rủi có gặp nó cũng chẳng nhìn ra.  Còn «tôi» có khả năng sử dụng nó chăng, thì điều ấy chẳng mấy quan trọng! Bởi vì «tôi» chưa phải là cái rốn của văn học Việt Nam, dù chỉ là văn học Việt Nam ở nước ngoài.

 

*

 

Bây giờ đến lượt cái chữ «khác» phức tạp. Tùy chuyện và tùy người. Cũng có những trường hợp đơn giản thôi. Cho tôi lấy một vấn đề bên lề thứ ba: văn học và cuộc sống. Ở đây, chúng ta thường quên: xã hội là kẻ lập chuẩn - ở một mức độ cực lớn - trong rất nhiều chuyện, từ sự quy định đẹp / xấu đến sự phân biệt thanh / tục. Trong khi «nghệ thuật bao giờ cũng đi tiên phong» và người nghệ sĩ nào mà chẳng mơ «gây xáo trộn»?

 

Song khi nào nhà văng chỉ mới dám hiên ngang ratuyên ngôn về sự bình đẳng giữa từ «lồn» với các từ khác chẳng hạn trên trang báo, mà chưa dám hành động, nghĩa là trần truồng nhông nhông dạo phố, hay lăn lóc làm tình - «tức đ., tức đờ, tức đì, tức đếch, tức đéo, tức địt, tức đù, tức đụ nhau» (Hợp Lưu, 36, 82) - ngoài công viên, thì vẫn còn một khoảng cách vĩ đại giữa làm văn với sống thực hàng ngày [6]. Và đấy chính là chỗ để cái «Khác» uốn éo, luồn lách giữa hư cấu và hiện thực, giữa cái «Như Thật» và cái «Thật» mà tạo ra «Nghệ Thuật» vậy! (Ở đây, giới hạn vào thứ nghệ thuật mà ngôn ngữ văn học gọi là «cường điệu», và ngôn ngữ ngày thường là «khoác lác», không biết bà hàng xóm mất gà gọi là gì!)

 

Tất nhiên, Umberto Eco nhận xét rất chí lý («Nghệ thuật và tôn giáo là hai thứ dựa trên hư cấu mà lại vững tin đấy là chân lý, trong khi khoa học dựa trên chất liệu thật thì luôn tự hoài nghi, chất vấn mình»). Nhưng nếu chỉ trích dẫn mà không thử áp dụng vào đời, nhất là vào ngay chính cái ta, thì có lẽ vẫn còn thiếu một nửa - cái nửa không phải là bánh mì. Mỗi nhà văn thường vướng mắc, không phải chỉ có một mà ít nữa là hai thứ bệnh tưởng: a) tưởng hư cấu là chân lý như ở trên; và b) tưởng rằng ai cũng mắc phải cái bệnh tưởng thứ nhất ấy cả, trừ bản thân mình!

 

*

 

Một chuyện lấy hư cấu làm hiện thực khác: chuyện phê bình văn học. Có nên gán ghép cho một tác giả những ý nghĩ hay một ý hướng mà người ta có thể không có?  Tôi đã từng đọc Phạm Duy bình luận thơ Hoàng Cầm và rất thích thú (bởi vì nó hợp với quan điểm chính trị của mình). Cho đến khi Hoàng Cầm cải chính thì tôi mới bật ngửa, đặt câu hỏi. Bây giờ, đọc Về Kinh Bắc, tôi mới thấy Hoàng Cầm đã cải chính vì tôn trọng sự thật, chứ không phải vì sợ liên lụy chính trị.

 

Dù sao, tôi cho rằng Phạm Duy cũng có lý khi biện bạch: một tác phẩm, khi đã in ra, rơi vào lãnh vực công cộng và có thể sống một cuộc đời riêng, với những cảm nhận của độc giả không nhất thiết phải trùng hợp với ý muốn của kẻ đã sinh ra nó. Tôi đồng ý vì quan điểm này làm giàu văn học; chỉ xin mạn phép gọi chính danh nó là «phê bình giả tưởng», «phê bình hư cấu».

 

Vấn đề là có những hư cấu máy móc đến mức trở thành khôi hài: nàng thơ nhường chỗ cho chuyên viên thảo chương, bài thơ là cả một chương trình điện toán chặt chẽ, trong đó nhất nhất mọi chi tiết đều được tình toán kỹ lưỡng để chuyên chở một thông điệp nhất định nào đó. Có nhà thơ nào sáng tác như thế thật chăng? Người ta có thể nghĩ Linda Mặt Ngang là một bài thơ xã hội (ngay cả trong Literary Correctness?: «Nếu Ðỗ Kh. có thể tự biện bạch rằng đầu óc của anh không thô tục khi dùng những từ mà xã hội cho là «tục» để nói chuyện khác»... - một lần nữa,câu này tôi cũng lại quên viết bằng loại chữ nổi!). Ðiều chắc chắn là khi có dịp phát biểu về Linda Mặt Ngang, ông Ðỗ chẳng những đã không từ chối giải thích, mà còn cho nó một ý nghĩa rất khác: bài thơ «thực sự không hề xứng đáng với khái niệm đòi làm mới. Nội dung quanh quẩn ở «chiều mưa buồn cô đơn nơi xứ lạ / Cô đơn tôi hằn nổi một mình em» và hình thức, thi tứ cẩn thận đối chiếu rất cổ điển» (Hợp Lưu, 33, 250). Không dễ gì dung hoà các ý kiến của tác giả, người đọc, và người phê bình, dù kẻ đó là tôi hay «tôi».

 

Vấn đề như vậy đã khá rõ. Còn ai muốn sáng tác từ Linda Mặt Ngang sau đó, xin cứ tự nhiên. Chỉ nên lưu ý một hai điểm. Một, cái giả thuyết mượn chuyện Thái Lan để khuyến cáo Việt Nam có mặt đùa dai của nó, như thể là Việt Nam chưa hề nếm «sex tours», chưa có chuyện bán trinh con nít, chưa mắc hoạ «sida», chưa có thơ văn xã hội tố cáo thảm kịch đĩ điếm ở mọi thời đại (nếu chưa biết, nên tìm đọc Vùng Tủi Nhục của Thái Luân trước đây, hầu tiếp cận một khía cạnh khác của chữ tài)! Hai, từ đây, mọi điều hoặc khen hoặc chê, đều chỉ còn là tự khen tự chê.  Khi «tôi» không ưa một hai câu thơ nào đó chẳng hạn («hai câu về sự không nứng nổi, như mưa mềm của nhân vật xưng tôi»), thì điều này không nhất thiết có nghĩa là nó thế này hay thế nọ (Hợp Lưu, 36, 88), mà đôi khi chỉ đơn giản là vì nó không vừa với chiếc giường của «tôi», nó chửi nhau với cái giả thuyết «tôi» muốn đưa ra. Và khi «tôi» ca ngợi tác giả là nhân tài, thì cũng đâu nhất thiết phải là ông ta, mà rất có thể là ai khác.

 

Tóm lại, ai muốn Sờ Linda, thì cứ việc sờ. Nhưng xin đừng mạt sát những độc giả nào không thiết sờ. Bởi vì việc sờ soạng này thực chất chỉ là chuyện mò mẫm. Mò các nhà thơ và những bài thơ tục? Xin nhường lại cho khách đồng điệu, với tất cả vinh quang hoặc rủi ro. Vinh quang thì bắt được đuôi voi (có thể là bài Linda Mặt Ngang lắm, tại sao không?), rủi ro thì túm phải đuôi lợn! (tôi nghĩ đến một hai bài khác, không phải của Ðỗ Kh.)

 

*

 

Ðọc lại bài này, tôi do dự mãi không muốn gửi. Bởi vì thực tình tôi không thích năm ba câu đã lặp lại hay đối đáp: tôi thấy nó nặng nề và thô lỗ. Xin thành thật tạ lỗi với mọi độc giả, trong hay ngoài cuộc chơi. Song ít nhất cho đến khi nào những người làm văn học có thể tự tạo được cho giới này một thói quen trao đổi vừa trọng mình vừa trọng người hơn, thì chúng ta hoặc đều phải hoặc ngậm miệng, hoặc chỉ có thể tranh cãi với nhau bằng loại ngôn ngữ của các thứ «văn chương tận thế, văn chương đống rác, văn chương tự tử, văn chương cởi truồng, văn chương điên, văn chương đâm chém, văn chương cứt đái, văn chương hải tặc, văn chương rừng rú» ... này mà thôi (Hợp Lưu, 36, 84). Hiện thời và ở đây, tạm gác ngoài vấn đề nên hay không nên thay thế từ văn chương trong một số bối cảnh (bởi vì hỡi ôi, dù muốn hay không, nguyên nghĩa của «văn» vẫn còn là «vẻ đẹp», không mấy thích hợp với đống rác hay cứt đái!), và nên hay không nên du nhập các loại văn chương nói trên để bắt kịp sự «văn minh» của thiên hạ (tôi thực tình nghi ngờ tính chất văn minh của sự đâm chém và hiện tượng hải tặc), tôi chỉ muốn trao trả lại Mario chữ nghĩa và giọng điệu của Mario.

 

 

                                                             Phạm Trọng Luật

10/1997

  

 

  



[1]Một nhà đạo diễn làm phim về Chúa Jésus. Người theo đạo Ki Tô, sau khi xem phim, nhận thức là họ bị phỉ báng và yêu cầu cấm chiếu. Tự do sáng tác và tự do tín ngưỡng đều được công nhận ngang nhau trong loại hiến pháp dân chủ. Trong một xã hội muốn thanh bình và tôn trọng lẫn nhau, tự do sáng tác phải ngừng ở đâu, để tự do tín ngưỡng có thể bắt đầu, và ngược lại, dĩ nhiên? Ðây là một vấn đề mà cả «political»lẫn «literary correctness» đều thực sự không giải quyết nổi.  

[2]Ở đây, tôi đề nghị nên tôn trọng một luật chơi bình đẳng cho những cuộc tranh luận sắp tới, nếu có: a) hoặc không một ai, hoặc tất cả mọi người đều có thể đọc trước các bài tham luận; b) trong trường hợp vô tình có sự đối xử không công bằng, nhà báo phải tôn trọng quyền trả lời của bên bị thiệt, khi đơn phương chấm dứt cuộc tranh cãi.

[3]Một cử chỉ hay hành động cũng có thể được đánh giá là «đẹp» [noble] hay «không đẹp». Hai nhà văn Việt Nam chẳng hạn, một đang ngồi tù vì đấu tranh cho dân chủ, một được mời ra nước ngoài. Kẻ ra ngoài có dịp phát biểu trên đài truyền hình và được hỏi về người bị tù. Anh (chị) ta có thể lên tiếng hay từ chối phát biểu. Dám cất tiếng - dù không bị ai bắt buộc -, hay từ chối phát biểu - dù chỉ một câu -, để minh oan cho kẻ đang cùng chia sẻ cái nghiệp viết lách với mình, là một cử chỉ mà người đời có thể xem là «đẹp» hay «không đẹp», gác ngoài mọi giá trị nhân bản khác.

[4]Viết 400-500 lần một chữ lên giấy trắng? Ðây là hình phạt dành cho loại trẻ con không chăm ngoan hay loại người lớn mà cái đầu có vấn đề. Xin miễn: thí dụ tôi đưa ra ở trên đã quá đủ để phân biệt giữa cái tính tục hay không của một từ, và cái tính nhàm hay không của sự lặp lại một từ - bất kỳ là từ nào. Nếu chưa cảm thấy được thuyết phục, kẻ đã đề nghị ra trò chơi này có thể tự làm một thử nghiệm như sau. Hãy viết 100 lần chữ «âm hộ» hoặc «dương vật» chẳng hạn lên giấy, rồi mang ra chỗ đông người, chìa ra mà hỏi những ông đi qua, bà đi lại xem tục hay không tục. Tôi e rằng sẽ có một số người chỉ trả lời kẻ đặt câu hỏi bằng một cái nhìn thương hại; nhưng trong số những người chịu trả lời, phần đông sẽ nói là: «Tục! Mà sao ông (bà) viết chi tùm lum vậy? Bịnh hả?». Không tin, xin cứ thử thực hiện thách đố này thì mọi chuyện sẽ sáng tỏ.

[5] Cụ thể, trong cuộc tranh luận Thanh và Tục Trong Văn Chương trên Hợp Lưu, nếu đã nhận thấy cái ý tưởng kỳ quái,  nặng tinh thần nô bộc này trong bài viết của tác giả nào, xin vui lòng trích dẫn thật chính xác. Nếu không làm nổi, thì đây chỉ là một sự bịa đặt của chính mình nhằm bôi nhọ đối phương bằng cách gán ghép cho họ những tư tưởng ngây ngô, ngu độn. Một hành động không đẹp, phản trí thức, phản đạo lý, và bệnh hoạn.

[6]Tôi đề nghị một trò chơi thú vị hơn, rất tiếc chỉ gia đình nào có đủ 3 thế hệ mới chơi được. Cha hoặc mẹ thử viết hai câu sau lên giấy - viết hai hàng kiểu cổ điển, leo thang kiểu hiện đại, hay tạc hình kiểu hậu hiện đại đều được cả -, rồi đưa cho con nhỏ, bảo nó mang ra hỏi ông bà xem: a) hai câu này tục hay không tục; b) hai câu này có phải là thơ hay không phải thơ. Tôi tin rằng trò chơi «hai cú» này sẽ giúp ta giải quyết được khá nhiều vấn đề, từ tuổi trưởng thành của độc giả đến mộng tuyên ngôn bình đẳng giữa các từ vựng.

 

«Lồn lồn giái giái lồn lồn giái

Giái giái lồn lồn giái giái lồn»