Cuối năm vừa qua, dân chúng Âu Châu xôn xao với sự ra mắt cuốn phim ‘‘Sụp Ðổ’’ (Der Untergang) về 12 ngày sau cùng của Adolf Hitler. Vừa trình chiếu, cuộn phim đã thu hút hơn 4 triệu người Ðức đi xem trong một thời gian kỷ lục và gây ra một luận chiến trên các diễn đàn ngôn luận truyền thông, không những giữa các nhà chính trị, sử gia, văn sĩ, mà ngay cả trong câu chuyện hằng ngày của thường dân. Theo báo chí, sau khi xem phim giới trẻ Ðức đã đặt nhiều câu hỏi về một thời kỳ lịch sử kinh hoàng nhất của dân tộc mình. Những thanh niên ấy có cùng khuôn mặt 19, 20 tươi sáng, cũng ở lứa tuổi háo hức nhiệt tình lao vào đời sống như chàng trai cùng giòng máu màu da với họ: Erich-Maria Remarque, hơn 70 năm trước. Tuy nhiên, họ không phải bắt đầu khoảng sống đẹp nhất của đời người giữa vũng tối tan hoang của bom đạn, điều đã khiến Remarque tuy mới tuổi hai mươi đã phải dùng con chữ để tố cáo những hủy diệt của chiến tranh, những tàn bạo của quyền lực, để rồi cuối cùng tác phẩm bị đốt và người viết đành lìa bỏ xứ sở. Sau đó số mệnh đã ban phát cho chàng trẻ tuổi Remarque ấy một văn nghiệp lẫy lừng và một cuộc sống tiền bạc giàu có nhưng lại bị chia đôi giữa hai thế giới hoang đường: một tổ quốc Ðức nazi chiến tranh tan nát và một Hollywood ly hương hào nhoáng.
Như Ernest Junger -một nhà văn đồng hương với mình và cũng xuất hiện từ các tác phẩm sôi sục lửa máu- Erich-Maria Remarque đã lao vào chiến tranh trong một đơn vị thuộc mặt trận miền Tây lúc 18 tuổi. Là một binh sĩ bình tĩnh, mấy lần dũng cảm cứu nguy cho bạn đồng đội, nhưng do trúng lựu đạn, bị thương nặng, nên chàng lính Erich được về điều trị trong bệnh viện quân đội hậu phương. Lúc sắp trở lại đơn vị thì chiến tranh chấm dứt, đó cũng là khởi điểm định mệnh văn chương của Remarque. Tuy thời gian nhập cuộc chỉ vài tháng, những man rợ, hủy hoại của mặt trận đã cho người thanh niên này hiểu được giá trị cùng sự mong manh của mỗi đời người, từ đấy đánh mất tất cả ảo tưởng về một thứ chủ nghĩa ái quốc đã chối từ con người, con người cá thể độc lập. Quay về với đời sống dân sự trong một đất nước bại trận, lung lay bởi sự sụp đổ của chế độ quân chủ, cách mạng và lạm phát, Remarque loay hoay với các công việc nhỏ trước khi phụ trách mục văn học cho vài tạp chí ở Berlin. Ðây là cơ hội khơi dậy trong Remarque ý muốn tha thiết viết ra "cuốn truyện" của mình, và ‘‘Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh’’[1] đã chào đời năm 1929 để trở thành một tác phẩm nổi tiếng của thế kỷ 20. Nếu trong sáng tác đầu tay ‘‘Bão Thép’’, Junger đã dồn hết nhiệt huyết của một chiến sĩ để tạo nên thiên anh hùng ca tán dương sự hăng hái bảo vệ chủ nghĩa quốc gia thì ngược lại, cuốn tiểu thuyết để đời ấy của Remarque là điếu ca cho một nước Ðức đổ nát vì chiến tranh. Có điều khá nghịch lý là tác phẩm đó đã được thế giới quan tâm trên vị thế một chứng từ về chiến tranh trong khi nó chính là một tác phẩm văn chương; mặc dù tác giả đã dùng ký ức và tài liệu thật để dựng truyện nhưng ý tưởng sáng tạo phong phú và văn phong xúc cảm, tâm lí nhân vật sâu sắc mới là yếu tố đưa tới thành công.
Kết quả huy hoàng không ngờ được của ‘‘Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh’’ đã đưa Remarque lên đỉnh cao của văn học Ðức. Nhưng chính quyền nazi thời đó xem đây là một tấn công vào tổ quốc Ðức vĩ đại. Không cho đó là một tác phẩm văn chương, họ vu khống Remarque là một lão già gốc Pháp – Do Thái, chưa từng nhìn thấy chiến trường, hay là một thằng con vô dụng trong một gia đình triệu phú. Tất cả đưa đến việc đốt hủy tác phẩm năm 1933, khi Hitler lên nắm quyền, để từ đó Remarque phải chấp nhận cuộc sống ly hương cho đến ngày qua đời, năm 1970. Ngoại trừ đoạn kết thật ngắn, cuốn tiểu thuyết này là tổng hợp những ghi chép của Paul Baumer, bắt đầu từ lúc chàng thanh niên ấy đăng lính và kết thúc vài hôm trước ngày đình chiến năm 1918. Dẹp bớt những chi tiết thời gian và không gian, Remarque biết làm nổi bật tất cả bạo lực của chiến tranh và nội tâm các binh sĩ. Ðối với họ, chung quanh chẳng có gì đáng kể nữa, ý thức về thời gian cũng dần dần biến mất. Mọi không gian khung cảnh không còn lệ thuộc vào thời tiết bốn mùa mà vào nhịp điệu cuộc chiến. Nếu ngay buổi chào đời cuốn truyện này chẳng những được giới sáng tác và phê bình khen ngợi, nó còn là một tác phẩm của quần chúng. Có người cho rằng, nó đi vào lòng độc giả bằng văn phong giản dị, bằng số phận của các nhân vật mẫu vốn là những con người tầm thường, và cũng nhờ không bao hàm ẩn ý chính trị hay một hệ tư tưởng nào rõ rệt. Khó khăn, chướng ngại của việc mô tả chiến tranh là lặp lại những sự kiện giống hệt nhau hay gần như thế, nhưng Remarque có biệt tài lồng quấn ý tưởng thành một chuỗi những biến khúc, tạo nên sự chờ đợi trong hồi hộp căng thẳng, khiến truyện ông thực lôi cuốn.
Tuy nhiên, dù hơn mười tác phẩm chính của Remarque đều liên quan đến hai cuộc thế chiến, người đọc vẫn nhận ra Remarque không chỉ chú trọng về đề tài chiến tranh trận địa như Junger mà còn ba khía cạnh khác nổi bật trong văn chương ấy: thân phận những con người ly hương vô xứ sở, và tình bạn, tình yêu.
Từ cuộc đời tha hương gần như tự chọn của chính mình, Remarque đã trở thành người bảo trợ bạn bè và các công dân Ðức bị đuổi ra khỏi nước, biến ngôi nhà ở Tessin – Thụy Sĩ làm nơi tạm trú cho họ, giúp đỡ vật chất và phương tiện để họ có thể rời Âu châu. Nhà văn đã cất giùm họ tiếng kêu lo âu khắc khoải mệt mỏi nhất: "Những kẻ lưu vong"[2](1941) và "Khải hoàn môn"[3] (1945) là sự chống đỡ để sống sót của loại người không có quốc tịch. Tác phẩm Remarque như thế còn là những bản hành ca về thân phận biệt xứ. Ðầu mùa hè 1935, ông tham dự hội nghị những nhà văn lưu vong tổ chức tại thủ đô Pháp, và Paris đã khởi đầu phần đời quan trọng trong cuộc sống lang bạt của Remarque. Paris, biểu tượng của khoan dung độ lượng trong mắt những người Ðức theo khuynh hướng dân chủ, là chỗ trú ẩn của nhiều trí thức bị phát vãng. Paris với dinh thự, hiệu ăn, khách sạn sang trọng và những nơi vui chơi phồn hoa cũng đã ban tặng khung cảnh lý tưởng cho mối tình lao đao của Remarque và cô đào điện ảnh nổi tiếng Marlène Dietrich.
Có lẽ Remarque là nhà văn ngoại quốc viết về Paris hay nhất. Từ kinh nghiệm sống cá nhân, Paris hiện ra trong tiểu thuyết Remarque với ánh sáng xuyên qua những con phố đi về thân thuộc, với không gian xao động của trạm ga mùa đông và quán rượu đêm khuya. Tác giả đã đem hết nỗi hoài nhớ cùng tình cảm dành cho thủ đô này để làm sống thực các khu Montmartre, Champs-Elysées, hiệu ăn Fouquet's, các quận 8 và 17 của Paris được tả từng chi tiết. "Những kẻ lưu vong", mà một dịch giả miền Nam VN vào thời kỳ trước 75 đã dùng cái tựa ‘‘Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống’’ nghe đẹp nhưng thảm khốc, nói lên thân phận của ba nhân vật chính phải bỏ trốn khỏi nước Ðức: Steiner, một người theo phái dân chủ, Kern, chàng thanh niên con một kỹ nghệ gia Do Thái và Ruth Holland, người yêu cùng gốc Do Thái của Kern, họ đã phải trốn vòng qua các nước Áo, Tiệp… trước khi đến được Paris. Tại mỗi nơi, họ bị đe doạ, xem như tội phạm, thậm chí bị nguời bản xứ chửi rủa. Cho nên, Paris đỉnh cao của văn minh Âu châu, thành trì của trí thức kháng chiến chống lại khối phát xít là điểm đến của mơ ước, là biểu tượng của tự do và nhân quyền. Khung cảnh Paris càng được khai thác rộng hơn trong "Khải hoàn môn" xuất bản thời kỳ tác giả đã sang tạm trú ở Hoa Kỳ. Thành phố Paris chẳng phải chỉ là hậu cảnh mà còn tác động đến các nhân vật bằng chính không gian ăn chơi và thừa thãi hoàn toàn trái ngược với định mệnh điêu đứng, không tiền và vô nghề nghiệp của nhóm dân di tản, vì thế nó càng làm tăng bi tính của tác phẩm.
Nhân vật chính của "Khải hoàn môn" là Ravic, một bác sĩ lưu vong chuyên khoa mổ xẻ, không có quyền hành nghề nên Ravic làm việc lén lút cho một đồng nghiệp Pháp khá tốt bụng nhưng kém tài. Ravic bản thân không phải là phần tử chính trị chống đối phát xít mà chỉ là một người tiêu biểu cho khuynh hướng nhân bản, nhưng đến một ngày tình cờ trên đại lộ Champs-Elysées Ravic gặp lại Haake một thành viên nazi quan trọng, kẻ đã tra tấn mình vào những năm xưa đưa đến cái chết tức tưởi của người Ravic yêu. Haake qua Paris với mục đích tận hưởng thú vui và tin rằng đây sẽ nơi cung cấp rượu chè xác thịt hạng sang cho những người chủ tương lai của Âu châu. Gặp gỡ này đã biến viên bác sĩ từ bấy lâu chỉ muốn sống yên thành một kẻ mưu toan cuộc hạ sát để trả thù. Ravic tìm cách thân thiện, lấy lòng Haake, dẫn đưa giới thiệu chốn ăn chơi ngon lành nhất đồng thời sửa soạn thật kỹ lưỡng phương án giết người hoàn hảo. Sau cuộc hạ sát này, Ravic trở thành một người chống nazi hữu hiệu. Remarque đã chẳng ngại biện minh cho hành động của Ravic: Ðây chỉ là cách diệt trừ một căn cứ bệnh hoạn nguy hiểm cho nhân loại. Tuy thế, đối với tác giả: Hoàn tất sự tiêu diệt ấy không có nghĩa là chiến thắng, con người luôn luôn phải đề phòng. Thông điệp đó được nhấn mạnh qua hình ảnh cuối cùng của cuốn truyện: Khải hoàn môn Paris biểu dương các anh hùng chiến thắng của Nã Phá Luân đang bị đêm đen dần xâm chiếm, báo hiệu những năm tháng sẽ bị ngoại bang khống chế; và ngày tuyên bố mở màn cuộc thế chiến thứ hai cũng là thời điểm những con người di dân này, cả Ravic, bị chính quyền Pháp mang đến một nơi vô dịnh. Riêng phần mình, ở ngưỡng cửa đệ nhị thế chiến, Remarque quyết định di tản sang New York, ông từ giã Paris một ngày tháng tám năm 1939 dưới một vầng trăng bạc hiu hắt trên thành phố mệnh danh ánh sáng đã bắt đầu chập chùng bóng tối chiến tranh. Từ 1939 đến 1942 sống ở Hollywood, Remarque lọt vào thế giới nghệ sĩ lừng danh, không kể Greta Garbo, Marlène Dietrich, Charles Chaplin còn cả Ernest Hemingway… về sau ông đã cưới cô đào điện ảnh Paulette Godard quen nhau trong khoảng thời gian này. Khi bắt đầu mỏi mệt với đời sống hào nhoáng của Hollywood, ông chia thời gian giữa New York và Porto Ronco, rồi Rome và cuối đời chết ở Locarno –Thụy Sĩ năm 1970. Suốt thời lưu vong tại Hoa Kỳ, tuy được vào quốc tịch Mỹ dễ dàng nhưng ông vẫn cảm thấy nhục nhã vì bị tước quyền công dân Ðức. Bản án thương tâm lớn nhất cho gia đình Remarque là cô em gái Elfriede Scholz của ông đã bị chính quyền nazi chém đầu năm 1943.
Tuy thế, không phải con người chỉ xót xa phận lưu vong khi ở ngoài xứ sở mà vẫn có thể cảm thấy thất lạc trên chính đất nước mình, nếu họ phải sống giữa một xã hội đã bị mất đi các giá trị đích thực. Từ mặt trận trở về, những chiến sĩ của Remarque tìm thấy gì ở thành phố hậu phương, tìm thấy gì sau khi cuộc chiến đã tàn? Hai bạn đồng đội trước kia, dù tuổi còn rất trẻ nhưng đã già đi nhanh chóng qua bốn năm chiến tuyến, gặp lại nhau bên ngôi mộ một đồng đội khác đã cắt gân máu tự vẫn khi vừa hoà bình vì khám phá ra chiến tranh để lại cho mình quà tặng là chứng bệnh vô phương cứu chữa, họ đều mất phương hướng: ‘‘Vừa bước hắn vừa lấy gậy hất những ngọn cúc gai phơn phớt. ‘‘Tao đã xem xét tất cả, Ernst ạ: địa vị, lý tưởng, chính trị; nhưng tao chẳng còn thích hợp với những bận rộn kiểu này nữa. Trong mọi thứ ấy, chỉ chứa đựng tư tưởng con buôn, ngờ vực, vô tình và sự ích kỷ vô biên…’’. Tôi thấy cuốc bộ đã hơi mệt nên chúng tôi ngồi xuống một băng ghế ở Klosterberg. Những toà nhà nhạt màu lấp lánh trên thành phố, khói bạc toả bay. Georg chỉ về hướng đó. ‘‘Họ như lũ nhện, đang mai phục nghe ngóng trong các văn phòng, cửa tiệm, trong nghề nghiệp, sẵn sàng để hút máu người bên cạnh. Cả cái đám ngồi trên họ cũng thế: gia đình, hiệp hội, quyền chức, luật pháp, chính phủ! Chỉ là những mớ mạng nhện xếp lớp lên nhau! Dĩ nhiên, người ta có thể gọi đó là sự hiện hữu và hãnh diện luồn bò dưới đó trong bốn mươi năm. Nhưng tao đã học được ở mặt trận là thời gian không thể dùng làm đơn vị đời sống’’ [4]. Chiến tranh có chấm dứt thật nhưng nếu hậu quả là một xã hội đổ vỡ đầy nghi kỵ, bại hoại và không nhân bản thì chẳng thể nào đem lại cho con người niềm tin. Riêng Remarque, ông đã thử quay về nước Ðức một thời gian thực ngắn vào tháng 7 năm 1952, và rồi ghi lại trong nhật ký:‘‘Kurfurstendamm, dạo quanh thành phố buổi tối (…). Như trong một vở tuồng của E.T.A. Hoffmann và E. Wallace. Như dưới mặt nước. Những con người hoàn toàn xa lạ. Những bóng ma chăm chú rình chừng. Không có mối quan hệ nào. Một cái gì xa lạ đang trình diễn trên một sân khấu ngoại lai. Tất cả đi qua tựa giấc mơ; mỗi lần ai đó lên tiếng nói với tôi, ngay cả là nhân viên khách sạn, như các thứ ấy không có gì là thực – không cả giọng nói, không cả con người -, như thể mọi điều rồi sẽ biến đổi hay mất đi trong giây lát’’.
Cũng may, không chỉ có sống và chết, không chỉ có ẩn trốn trong nhục nhằn. Giữa muôn vàn điêu linh, nhân vật Remarque sống sót được là nhờ tình bạn và tình yêu. Ðối với đời lính tráng, nhân tình duy nhất mà chiến tranh để lại chính là tình bạn. Trong văn chương Remarque, tình bạn đồng đội không chỉ để chia sẻ với người kia, một cách hoàn toàn theo bản năng, sự đe dọa bị hủy diệt. Nó là nơi trú ẩn an ủi giữa cõi ta bà đen tối, tuyệt vọng. Nó dâng tặng hơi nóng mà thú vật tìm kiếm khi chúng quần tụm với nhau để chống trọi với hiểm nguy và đương đầu với sự tàn phá không thể trốn tránh, đang chờ đợi. Trong tiểu thuyết ‘‘Bạn hữu’’[5] (còn được dịch là ‘‘Chiến Hữu’’) xuất bản năm 1937, những người lính từng trải chung thời kỳ sinh tử trước đây bây giờ, giữa bao tán loạn của thời hậu chiến, phải sống nương nhờ tinh thần lẫn vật chất vào nhau để vượt qua ám ảnh và sự tàn phá tâm hồn mà chiến tranh để lại. Tình bạn ở đây lắm khi trở thành giới hạn tuyệt đối của tình người, ngay cả tình yêu khi đi đến sự chia sẻ đau đớn tột cùng thì xét ra cũng chỉ là cái tình bạn ấy. Robby trong truyện này khi quá xót thương Pat -người thiếu nữ anh yêu bị nan y, căn bệnh nghĩ cho cùng cũng là hậu quả của chiến tranh-, đang chênh chao giữa hai cõi sống chết, đã không còn có thể gọi nàng bằng một tiếng gì thắm thiết hơn là hai chữ ‘‘Bạn thân’’:
‘‘Tôi hôn lên môi nàng khô và nóng. Khi ngửng lên, tôi thấy nàng khóc. Khóc không thành tiếng, mắt mở lớn và cả gương mặt nàng bất động. Chỉ giản dị là những dòng nước mắt trào tuôn.
- Trời ơi, Pat…
- Em đang hạnh phúc, nàng đáp.
Tôi nhìn nàng. Ðó chỉ là một câu nói, nhưng là thứ tiếng mà tôi chưa từng nghe thốt ra như vậy. (…) Ðó là một điều có thể xé rách và biến đổi chúng ta toàn diện. Ðấy là tình yêu, nhưng lại là cái gì thực khác. Một điều để cho người ta có thể sống. Con người không sống cho tình yêu. Con người sống cho một con người khác.
(…) Tôi muốn nói nhưng chẳng nên lời. Thật khó tìm ra câu chữ khi thực sự có điều muốn nói. Và dù có biết nên dùng thứ tiếng nào đi nữa thì khi thốt ra người ta cũng xấu hổ ngượng ngùng. Tất cả những lời này thuộc về các thế kỷ trước. Thời chúng ta chưa có chữ dành cho tình cảm. Chỉ có thể là tình bạn… còn các thứ khác đều không đúng.
- Pat! Người bạn thân yêu can đảm của tôi….’’
Trong đêm tối tận cùng của đời sống, Kern và Ruth của "Những kẻ lưu vong" đã vượt qua tất cả nhờ tình yêu. Ðó là điều hiếm hoi còn có thể loé lên ánh lửa trên khuôn mặt tuyệt vọng chán chường. Nhưng chính nó đã dẫn giắt người bạn hay đúng hơn đàn anh của Kern là Steiner đi vào cái chết tự nguyện: Khi nghe tin vợ mình ở lại Ðức đang hấp hối, Steiner đã rời Paris trốn về xứ gặp người thương yêu lần cuối dù biết như thế là đi vào tử lộ. Tình yêu đã được thắp sáng tuyệt vời dưới đốm lửa nhỏ nhoi của từng ngọn diêm phù du mà Steiner đánh lên trong bóng tối hè đường, cho người vợ sau cửa sổ căn phòng bệnh viện trên cao nhận ra và cố sống thêm vài phút vài giờ khi biết chồng mình chưa bị lính bắt, hãy còn đứng đó, dưới hàng cây kia.
Ðặc điểm của tình yêu trong tác phẩm Remarque là hiếm khi loạn cuồng sôi nổi tung hô, chúng mang nặng hoài nhớ, đằm thắm và ngây ngất như loại rượu thẫm đặm mà tất cả vị ngọt vị thơm trái chín ngay cả vị đắng chất nồng chỉ toát ra lặng lẽ nhưng ở lại bền bỉ dưới chân lưỡi và trong cổ họng. Như thể chúng chuyển tải ước muốn của tác giả cho chính mình, khi đời sống tình cảm của cá nhân Remarque vốn dĩ ồn ả, chao động nhưng buồn bã. Tình yêu càng là cứu rỗi giữa thế giới tiêu điều đổ nát dưới bom đạn chiến tranh, vì thế chẳng lạ gì khi ''Thời để yêu'' đã nghiễm nhiên được dùng thay thế cho "Thời để sống"[6] trong định mệnh Graber, chàng lính trẻ được nghỉ phép vui mừng trở về thành phố quê hương, nhưng nào ngờ nó cũng đang tan hoang dưới những trận oanh tạc của máy bay địch. Thành phố ấy là nơi anh ta vẫn tin tưởng rằng nó phải được bảo vệ nguyên vẹn trong lúc mình vật lộn sống chết ở chiến trường. Thiên đường tuổi thơ của Graber, một người lính Ðức bình thường, can đảm nhưng không khát máu, trong "Một thời để sống và một thời để chết" (1945)vi, bỗng chốc sụp đổ trong tro bụi gạch hồ. Niềm tin vào một nước Ðức hùng mạnh, vào chiến thắng vốn đã bị bôi đen bởi sự tàn bạo man rợ của chém giết trận địa và bởi nỗi thống khổ của con người, bây giờ hoàn toàn tắt ngấm trong mất mát cuối cùng này. Ðược nghỉ phép trở về tỉnh Osnabruck của mình, Graber rời một mặt trận để rơi vào chiến địa khác. Cha mẹ thì đã thất lạc, ngôi nhà gia đình chỉ là đống gạch trên đó vài kẻ còn sống đào bới thu nhặt những gì sót lại. Khi quanh quẩn tìm tin cha mẹ, Graber đã gặp Elizabeth, người thiếu nữ có cha bị giam cầm trong trại tập trung. Hai kẻ bơ vơ gặp nhau, rồi tình yêu nảy sinh giữa bóng đêm và thây người ngập ngụa. Họ cưới nhau trước ngày Graber trở về đơn vị chiến đấu. Vốn là người lính có tinh thần tôn trọng kỷ luật nên tuy đã mất hết niềm tin Graber cũng quyết định bỏ lại bên sân ga người vợ mong manh, nàng đang mơ ước hoài thai một đứa con với hi vọng một thế giới mới sẽ khởi đầu. Nhưng Graber, bị ám ảnh bởi kinh nghiệm đời lính chỉ có hủy diệt cho đến giờ, chẳng đủ sức để tin vào một đời sống tốt đẹp khác, dù đấy là nguồn sáng lôi cuốn thúc đẩy con người đang ngụp lặn trong hiện tại tan hoang tăm tối đứng dậy và đi tới tương lai.
‘‘Elizabeth bảo:
- Mỗi ngày đều có những đứa trẻ ra đời.
Graber nghĩ đến bọn thiếu nhi‘‘Tuổi trẻ Hitler’’ và những đứa con đã tố cáo cha mẹ với Gestapo.
(…) Graber ngồi lại một mình trong vườn. Bầu trời ươm bao vầng mây đỏ. Một ngày đã chấm dứt. Một ngày bị tước đoạt. Anh đã được gia hạn nghỉ phép thêm hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Ðêm đang xuống, chỉ còn một tiếng nữa là phải ra đi.
(…) Anh nghe ra giọng Elizabeth. Anh lại nhớ lúc nàng nói về đứa con của hai người. Bức tường bỗng nhiên rơi vỡ bày ra mảnh tương lai vô định giống như một góc vườn. Chưa bao giờ anh có đủ sức và táo bạo vượt qua giới hạn này. Thực thì Graber có ao ước để lại sau mình một cái gì thật sự thuộc về và mang tên anh – nhưng ý nghĩ ấy không bao giờ dám phiêu lưu xa hơn. Anh ngước nhìn bóng chiều đang xuống chậm trên những nhánh tử đinh hương. Ôi dự tưởng về các thế hệ sắp tới lôi kéo con người ta vút đi và xa quá! Trước đây anh chỉ nghĩ đến một chút hạnh phúc vụng trộm, ăn cắp của chiến tranh, giữa hai con tàu chở lính nghỉ phép. Rồi bây giờ hạnh phúc này chứa đựng một lời hứa sẽ trở lại, lời hứa về sự sở hữu an lành và tràn trề thoả mãn, về thứ tương lai trinh nguyên mà một đứa bé có thể đi vào với những bước chân tín cẩn. Một tình cảm dịu dàng vô hình chụp lấy Graber trước khoảng bao la đầy ảo ảnh, và anh cảm thấy mình dù muốn dù không đang nhận lời hứa hẹn khốn khổ và phĩnh phờ về sự kéo dài đời nọ sang đời kia ấy.’’
Và Graber đã gặp lại mặt trận trong tình trạng thê thảm hơn cả lúc đi nghỉ phép, quân Ðức phải rút lui toàn diện trước tấn công vũ bão của quân đội Nga. Cuối cùng, do lòng nhân đạo Graber cứu sống một tù binh Nga, nhưng sau đó Graber lại bị một trong đám người này bắn chết vì đã không chấp nhận lời dụ dỗ đào ngũ, từ bỏ binh chủng Ðức. Kết cục này có chút gì làm người đọc chưng hửng và đặt câu hỏi: ''Tại sao bắt Graber phải chết?'', ''Vì anh ta không xứng đáng khoác áo anh hùng hay sao?'' Có người đã trả lời, biện hộ cho tác giả rằng: Ðây chẳng phải là chuyện anh hùng hoá một nhân vật hư cấu mà chủ ý là làm thế nào đụng tới lương tâm độc giả Ðức ở thời điểm đó; Remarque hẳn không thể không tự đặt câu hỏi ấy, nhưng để tranh đấu cho hoà bình ông phải cáo giác những ý tưởng mạo xưng anh hùng.
Không như Junger đã cho rằng chiến tranh là quy luật của thế giới và chống đối lại nó là vô ích, Remarque luôn luôn có cái nhìn gay gắt về thái độ chối từ sự ‘‘cùng gánh trách nhiệm và cùng chịu tội’’ của độc giả Ðức – ‘‘Một thời để sống và một thời để chết’’ bản tiếng Ðức khi được phát hành năm 1954 đã bị nhà xuất bản cắt cụt, vì họ e ngại các đoạn tả lính Ðức như những kẻ từng giết bao người dân vô tội một cách lạnh lùng không thương xót, sẽ khiến chẳng ai mua sách. Và ngay cả khi hai cuộc thế chiến đã chấm dứt, thì đối với Remarque: ‘‘Thế giới đã được chiếu sáng trở lại bằng thứ ánh lờ mờ mặc thị, mùi của máu và bụi mù của những sụp đổ mới đây chưa kịp tiêu tan nhưng để gìn giữ hoà bình, các phòng thí nghiệm và các nhà máy đã được sử dụng không ngừng trong hoạt động chế tạo những vũ khí có thể làm nổ tung cả hành tinh. Hoà bình cho thế giới! Chưa bao giờ người ta nói về nó nhiều thế và cũng chưa lúc nào họ làm thật ít đến vậy để duy trì hoà bình, như ở thời đại chúng ta’’ (1952).
(tháng 1, 2005)
[1] A l’Ouest rien de nouveau, nxb Poche, Paris, 1973.
[2] Les Exilés, nxb Omnibus, Paris, 2001.
[3] Arc de Triomphe, nxb Stock, Paris, 2001.
[4] Après, nxb Gallimard, Paris, 1977.
[5] Camarades, nxb Gallimard, Paris, 1938.
[6] Un temps pour vivre et un temps pour mourir, nxb Mémoire du livre, 2001.