Lễ Vật
Gửi chị Miêng, những ngày NT.
Sấm bưng trên ngọn đảo lúc gần sáu giờ sáng. Không có nó, vị sư già còn thiếp mê man, mấy hôm trước ông thầy Tàu sang chùa biếu sư thang thuốc gia truyền giảm đau xương cốt. Phải một hai phút, sư mới nhận ra trời đang chuyển giông. Không chỉ tiếng sấm ùng ùng mà bọn chó cũng đương thi nhau sủa rần rộ không ngừng ngoài sân. Sư ngạc nhiên, sao không ai trong chùa quát chó? Có khách nào viếng chùa giờ này? Mỗi sáng thức dậy, chú Tư lái xuồng chuyên chở khách sang đây còn phải đưa vợ ra làng chài lấy cá. Vị sư già lồm cồm chống tay vào tường ngồi dậy, ngước nhìn mặt đồng hồ tối lờ mờ, rồi với đẩy cánh cửa sổ. Mây đen đóng thành trên đầu những cây xoài lá đang xoay trong gió. Sư chợt nhận ra lũ chó không sủa mà tru lên sợ hãi. Con mực đầu đàn nghe tiếng động biết sư đã tỉnh, đập chân cào từng lát dữ dội vào liếp cửa. Mãi sư mới xỏ xong đôi dép, tìm được cây gậy chống đi ra. Con mực đã chực ngay bên ngoài, nó không lại liếm tay mừng như thường lệ mà vội vàng chạy xa vài bước, đầu và đuôi ngỏng cứng, hai con mắt trợn trừng. Bỗng nó xoay thân chạy ra phía rìa đảo có tượng Quán Thế Âm đứng nhìn ra biển. Lũ chó còn lại cuống quýt đằng sau. Con mực chợt dừng, quay ngó đăm đăm vị sư già, mõm tru cao, ý giục mau theo chúng.
Trước khi lần bước theo bầy chó, sư ngó qua chánh điện, lại càng ngạc nhiên trước cánh cửa đóng kín, trái với thông lệ giờ này đã mở và hương đèn sẵn sàng cho thầy trụ trì tụng kinh khoá sáng. Thầy trụ trì là đồ đệ của sư, luôn thức dậy lúc năm giờ cùng chú điệu, mở cửa sau ra vườn tĩnh toạ rồi tập khí công dưới chân Bồ Đề Đạt Ma. Không lẽ bây giờ thầy vẫn còn ngồi đó? Sư gọi chú điệu, chẳng ai trả lời. Trời chưa mưa nhưng mây xà thấp, không gian đục vì thiếu mặt trời, sương muối đêm còn đọng trên cây cỏ, đất đá. Hương thơm hoa lá vẫn thoảng khắp cảnh chùa từng sớm mai, vậy mà hôm nay ngột ngạt nặng nề, chùng mùi biển. Đàn chó nhảy phom phom qua các tảng đá. Thỉnh thoảng chợt nhớ vị sư già gầy ốm đang lần dò từng bước khó khăn, chúng ngừng lại chờ, miệng tiếp tục sủa liên hồi làm đầu sư căng bức. Sư muốn mắng chúng im nhưng chẳng cất được tiếng, nỗi lo sợ có việc gì nghiêm trọng đã xảy ra trên đảo muốn cắt đứt hơi thở và làm đôi chân yếu ớt càng xiêu chênh trên đá ẩm gập ghềnh. Khi vị sư già biết mình không thể bước thêm được nữa thì cũng là lúc lẫn trong âm sóng ồ ạt tiếng người văng vẳng. Cách mấy thước xa, tà áo trắng của Đức Quán Thế Âm bay trong gió.
Lúc sư mở mắt ra, thầy trụ trì và ông Tạo đang xốc vai ôm chân, khó nhọc gấp rút khiêng lên một thân người quần áo ướt đầm đìa, cái đầu tròn gục cằm xuống ngực, hai bàn chân co rút tái tím. Mấy con chó hết sủa, leo đá chạy trước hai người một khúc. Ni cô Tâm Phước đang xoa bóp thái dương cho sư, miệng lầm rầm tụng kinh. Sư ra dấu cho cô đỡ mình dậy, đi theo thầy trụ trì và ông Tạo. Khi họ lên đến nơi đã có ba người cứu thương do thằng con trai ông Tạo, vẫn đưa cha qua chùa sáng sớm, trở sang kia bờ gọi tới. Họ đang gấp rút cáng nạn nhân xuống thuyền vào đất liền. Sư chỉ kịp nhìn thấy, trên khuôn mặt người thanh niên gắn cái chụp khí ốc-xy, vành mắt khép và một vầng trán tươi phẳng lạ lùng.
***
Chú điệu vào tu ở ngôi đại tự của thành phố được bốn năm thì về hòn đảo này. Chùa trên đảo xây cách đây mấy mươi năm, không cổ cho lắm nhưng lụp xụp, tuy mấy cây cột vẫn vững chắc mà mái ngói xênh xao, cửa cổng xiêu xiêu trong gió biển. Chánh điện chỉ đủ chỗ cho chừng mươi mười lăm thiện nam tín nữ vào lạy Phật, hậu liêu càng nhỏ xíu. Nhưng hai bên chái rộng hơn, một bên là chỗ ngủ của ni cô Tâm Phước, cô đã già nhưng vẫn ngày hai buổi lo cơm nước và xôi chè những ngày viá Phật. Bên kia ngăn làm hai phòng cho Ôn và Thầy. Trước kia Ôn nằm gian trong để yên tĩnh nhưng một năm nay ngồi dậy đi đứng quá khó khăn, ông Tạo đã bồng Ôn ra phòng ngoài. Người ta ngó dáng Ôn cong queo quay mặt vô vách im lìm, đoán là Ôn ngủ, nhưng chẳng ngờ thỉnh thoảng Ôn thốt lên bất chợt :
- A Di Đà Phật, lâu nay không thấy ra chùa, mấy cái xuồng đã đủ tiền sơn sửa lại chưa?
Người đi ngang vội vàng chắp tay lạy rồi ghé xuống thì thào bên tai Ôn mấy tiếng. Ôn giơ tay đập đập trên chiếu ra chiều an ủi. Những ngày đầu mới tới chùa, chú điệu cứ chăm bẳm vào hai bàn tay lớn quá khổ, nhất là so với thân hình bé nhỏ của Ôn. Bây giờ Ôn gầy cheo choắt, chúng lại càng xương xẩu, treo lủng lẳng ở đầu hai cánh tay dài quá đầu gối. Ngày nhỏ, cha đã chỉ cho chú nhìn tay và tai Phật Thích Ca, chú cho đó là dấu hiệu của những con người thấu hiểu nhân sinh, từ bi bác ái và đã lén sờ hai dái tai dầy của tượng Phật.
Sáng nào chú điệu cũng thức dậy đúng năm giờ, cô Tâm Phước kêu chú là đồng hồ báo thức. Chú rất thích chỗ mình nằm trong một góc hậu liêu, dưới khuôn cửa tò vò, bên ngoài là cây mộc lan. Con trăng hạ tuần thường ngả xuống trên những đài hoa tím lung linh. Từ ngày về chùa, chú được giao nhiệm vụ quét dọn chánh điện, châm đèn châm trà sáng sớm, còn lại suốt ngày là chăm sóc cả khu vườn trên đảo. Cuối chiều cơm nước xong, nếu Thầy không đi vắng thì chú được nghe giảng kinh, bằng không chú ngồi học với ni cô đến chín giờ khuya rồi tắt đèn đi ngủ. Trừ ngày rằm mồng một hay Phật Đản đông đúc tín đồ từ đất liền ra, ồn ào tiếng người và chuông mõ, cuộc sống đều đặn như thế. Chỉ có hương hoa, nhang trầm cùng mùi và sóng gió của biển, nhưng chú điệu vui. Trong bộ quần áo nâu, với cái nón vải rộng vành trên đầu chú lăng quăng giữa những cây xoài lượm trái còn xanh đã rụng, hái trái ửng màu cúng Phật hay để dành trên đống lá khô chờ làm lộc cho phật tử đến chùa. Chú chăm chỉ cắt tiả lá hoa, trò chuyện với cây cỏ để chúng tươi vui đâm chồi mọc lá. Cha chú hay than:
- Quê mình đất cằn khô khốc, mạ con hồi còn sống thèm trồng mấy cây vạn thọ để có bông cúng Phật mà cây mọc lên rồi quắt lại. Nắng chang chang…
Tuy thế, chẳng biết tự lúc nào, cứ lối bốn năm giờ chiều khi con nước bắt đầu rút, chiếc xuồng máy của chú Tư không còn thể chở khách sang chùa, mọi sự trở về tĩnh lặng thì chú điệu bỏ vườn cây, nhảy qua những mỏm đá, xuống rìa đảo để đứng ngó mông lung. Dưới chân sóng đập tung bọt trắng, chung quanh đá nâu nhẵn thín óng đượm lên dưới nắng cuối ngày, và trên trời rin rít tiếng yến rủ đàn về tổ. Xa xa, hòn đảo đối diện mum múp như con rùa đen nằm giữa hoàng hôn đỏ cạch. Lúc ấy chú ưng huýt sáo nho nhỏ, một điệu gì đã nghe mấy đứa con trai huýt sau lưng các cô gái tung tăng sang chùa ngày hội Xá tội vong nhân. Ôn không ra được đến bờ đá, Thầy và cô Tâm Phước giờ ấy cũng chẳng ai rảnh để xuống chỗ này, nhưng chú điệu e họ bất thần kêu ông Tạo ra đây tìm chú. Đã một hai lần ông hiện ra sau lưng, chẳng nói gì mà mắt nhay nháy, vành môi ngậm miếng thuốc vấn trễ ra chế diễu. Cũng may ông không hỏi chú học ở đâu mấy cái điệu tây phương đó. Khi trước cha chú ưa thổi sáo, ông cõng chú lên đồi cát với con diều nan.
- Người ta thả diều sáo ở đồng quê, đồng mình nứt nẻ, diều khát nước không hát được con à, thôi để cha thổi cho con thả diều.
Hôm đưa chú từ vùng đất cỏ không sống nổi đó vào ngôi đại tự, ngó lên mạng dây diện giăng chằng chịt trên các nóc nhà thấp cao lổn ngổn của thành phố cha đã thở dài:
- Trẻ nhỏ ở đây chắc khỏi biết mặt mũi con diều.
Nhưng thằng con vội vàng kêu:
- Coi kìa! có diều đó cha.
Trên ngọn cột đèn, cánh diều giấy mắc nghẽn giữa mấy sợi dây điện, thân hình rách tươm bươm nhưng cái đuôi màu vàng bị đứt còn một khúc lất lay, khắc khoải trong gió.
Ngày ấy chú điệu đâu ngờ mình cũng mắc kẹt trong ngôi chùa đồ sộ ấy như con diều kia. Từ mười hai đến mười sáu tuổi, gọi là tu trong chùa nhưng chú chẳng làm gì khác hơn là quét sân, phụ bếp hai ba tiếng đồng hồ mỗi ngày, còn thì tha thẩn ngó những đứa thiếu niên cũng ở chùa như chú, chạy ra chạy vào chẳng biết làm gì cho hết thời gian, ngoài vài lúc tập gõ mõ và nghêu ngao học kinh mà không hiểu. Các buổi giảng kinh càng lúc càng hiếm, kể từ khi sư thầy của cha chú bị bệnh mất. Sau ngày mạ chú chết, cha thường xuyên vào làm công quả cho chùa ngoài làng, cha không tu nhưng trở thành một cư sĩ mộ đạo thuần thành. Sư thầy là người đạo hạnh, dân làng ưa đến ngồi chụm dưới gốc cây si nghe thuyết pháp. Chú cũng theo cha ngồi đó, từ năm sáu tuổi cho đến hôm cha về hỏi chú có ưng theo sư thầy vào tu ở chùa trong thành phố. Sư thầy không cho ai biết vì sao bỗng nhiên phải bỏ chùa làng, nhưng đã nhờ cha trông chừng trong khi chờ đợi có thầy khác ra thay. Cha trực nhớ tới thằng con nên xin cho nó đi theo, cha vẫn nghĩ rằng nó có căn tu.
Tiễn thầy của mình và con vào tận thành phố mất hai ngày đường rồi cha trở ra quê. Ông ở biệt ngoài đó cho đến hôm nghe tin sư thầy qua đời, mới lật đật vô chịu tang và thăm con. Chú điệu vẫn nhớ dáng cha ngồi trên bực xi măng, nhìn ra khoảng sân đất khô rang, ống quần vải rộng càng làm rõ lóng chân gầy đen sạm. Chú cũng ngồi xuống cạnh, nắng quơ lên những sợi tóc xám của cha một thứ ánh hiu hắt. Ông đã chép miệng thở dài không biết bao lần khi từ tấm ghế bố của chú điệu, ngó sang mấy đứa thanh niên đang ngủ trưa bên cạnh, chúng tu trong chùa mà sao tóc tai lởm chởm, tay chân thừa thãi. Khi chúng ngủ đã đành, ban ngày họp nhau dăm ba đứa hoặc đá cầu, hoặc làm những việc lặt vặt loanh quanh trong chùa, đầy vẻ nhàn cư thất lạc. Cha nhìn họ rồi ngó lại thằng con, ánh mắt dọ hỏi hoang mang. Đấy là cha không biết có những buổi tối mấy anh này lén rủ nhau ra khỏi chùa, trước còn đứng men men ở cổng ngó phố phường xe cộ, sau đó đi xa hơn đến gần khu chợ và bến xe. Chú điệu đôi lần không cưỡng được cũng đi theo. Mới đầu thích thú ngó ngang ngó ngửa con người nhà cửa, nhưng sau chú cảm thấy mình lạc lõng. Nhất là bữa ra tới nhà ga, người đi kẻ đến giỏ xách thùng khuân vội vã chen lấn. Quang cảnh đó không những làm chú điệu nao lòng mà cho cả bọn, đa số mấy đứa bạn tu của chú cũng từ làng quê về đây. Tiếng tàu hụ gọi kêu thúc bách, chú chỉ muốn được leo lên, con tàu sẽ ngược bao nhiêu dặm đường đưa chú trở về căn nhà nhỏ cheo heo cuối xóm. Hành khách lẫn đám người buôn bán ở nhà ga lươm lươm ngó mấy chú thầy chùa tay không lơ ngơ. Đứa bạn hơn chú hai tuổi, ngơ ngẩn không dòm chừng nên đã đâm vào thúng trái nhung rớt tung toé. Con bé bán hàng chẳng ngần ngại kêu thét lên:
- Quỷ thần ơi, mắt mũi đâu không ngó trước ngó sau, tu thì ở trong chùa thỉnh chuông gõ mõ, mắc mớ gì ra đây phá làng phá xóm...
Chú cùng các bạn vội hớt đống trái nhung lên, nhưng hơn nửa đã rơi vào vũng sình đặc quệt, chúng nằm đó như những con ruồi khổng lồ đen xịt. Cả bọn gom mấy đồng có trong người, không đủ tiền bồi thường, mặt tái mét. Tối hôm đó chú nằm ngay đơ trên ghế bố nhưng lại thấy mình vật vã như xác diều mắc giữa dây điện. Cha đứng đâu đó muốn gỡ chú ra mà mãi không xong, ông khụm xuống giữa dòng xe khói xả mịt mù.
***
Cứ vài bữa ông Tạo mới nhờ con trai cùng mình mang nước ngọt và gạo củi sang chùa một lần. Ngọn đảo không cao lắm, nhưng ông chẳng còn khoẻ như xưa, vả chăng phải hai sức trai cỡ thằng nhỏ và chú điệu mới khuân nổi mấy thùng nước uống leo từ bến lên chùa. Chứ riêng ông, hầu như ngày nào cũng qua, gặp nước ròng ông chờ xuồng chú Tư, chiều biển cạn ông xắn quần lội trở về, chẳng nhờ tới cái thuyền thúng của mấy người đàn bà ra đó bắt ốc. Dạo xưa hồi Ôn còn khoẻ, ông Tạo mê nghe cái giọng khàn khàn của Ôn cắt nghĩa chuyện thế sự. Mỗi ngày ông đọc báo, nghe đài trước khi sang chùa. Ôn mắt kém nên ít đọc, nhưng nằm trên giường với cái đài sát bên tai, vặn bắt hết làn sóng này qua làn sóng khác. Ông Tạo chẳng biết bao nhiêu nhưng sao chuyện gì ông mới hở môi là Ôn cũng đã biết rồi. Chú điệu lúc mới vô tu không quan tâm, nhưng dần dần chú cũng mong chờ những câu chuyện của Ôn vào giấc trưa, sau khi thọ trai. Ôn nằm trên võng, ông Tạo và chú điệu ngồi ghế đẩu hai bên, thỉnh thoảng có thêm cô Tâm Phước nếu cô không phải loay hoay dọn dẹp trong bếp. Sư thầy trụ trì luôn mỉm cười khi bắt gặp hai cái đầu, một đã điểm sương một tròn trơn, gục gặc lý thú.
Thực ra, chú điệu ham được nghe thầy trụ trì của chú thuyết pháp còn hơn nghe Ôn nữa. Đối với Thầy, chú tâm thành ngưỡng vọng. Khách lễ chùa gặp chú trong vườn hay dưới rìa biển, thấy chú nhanh nhẹn thường đứng lại hỏi thăm, lúc câu chuyện vãn đi xa hơn chú hứng phấn kể và đôi lần không đừng được chú thốt lên :
- Thiệt không biết nói làm sao cho hết, chứ Thầy con giỏi vô cùng, ai cũng nể trọng. Mà không phải chỉ giỏi về kinh pháp, Thầy còn biết tường tận bao điều trên thế gian.
Chú còn nhớ rành rành năm ngoái, mấy ông cầm quyền chức vị đã ra tới ngôi chùa khuất lánh này. Nhưng mỗi lần, nếu Thầy của chú đang tụng kinh hay bận nói chuyện với bất cứ một phật tử nào thì Thầy vẫn điềm nhiên làm cho xong việc rồi mới tiếp họ. Thầy không bao giờ tỏ ra khúm núm, sợ sệt, phong thái Thầy điềm tĩnh an nhiên. Đối với chú điệu, thầy trụ trì là người chân tu thông thái mà mỗi khi nghĩ đến cha, chú mơ ước mình sẽ học được ở Thầy dù một phần nhỏ thôi, để lấy đủ vốn liếng trí huệ rồi trở về trông coi chùa ngoài làng với cha. Từ hôm chú về tu ở đảo, cha an tâm hơn. Tuy thế lâu lâu thư thăm con vẫn không quên nhắc nhở : ‘‘Tu không phải là vô ở trong chùa, tu là phải học hành đạo lý’’.
Một thời gian nay, ông Tạo để ý thấy chú điệu lắm lúc tư lự, đầu óc đi đâu. Có khi trời sụp tối, cô Tâm Phước đã dọn chén đũa ra sân, còn ông quẩy cái túi vải lên vai sắp ra bến về nhà mà vẫn phải chạy ngược bờ đảo để gọi chú điệu trở lên. Từ trên chồi đá cao nhìn xuống, chú điệu đứng thẳng băng, không đụng đậy, cái nón vẫn chụp trên đầu dẫu chẳng còn một vệt nắng. Tuy vậy, vốn quá quen thuộc, ông Tạo nhìn ra cả túm tóc nhỏ, dài không quá bốn phân chú điệu vẫn giữ làm đuôi sau ót. Ghềnh đảo phiá tây này mở ra đại dương, sóng mạnh hơn các mặt khác, nó trở thành giang sơn riêng của chú nhỏ. Vứt cái xô đựng dao kéo tỉa cây, xẻng cuốc xới đất trên đá, rồi hoặc kiếm một tảng bằng phẳng nằm ngửa nhìn trời huýt gió hoặc ngồi thò chân trong mảng nước sủi bọt, tay cầm cuốn sách học kinh. Thỉnh thoảng ông Tạo thấy chú có cả vài trang nhật trình của khách thập phương dùng gói bông và trái cây đem sang cúng Phật. Nhưng cái kiểu đứng sững người, mặt hướng về hòn đảo con rùa trước mặt thế này thật lạ. Chẳng lẽ…chú ngóng sang bên đảo ấy để nhớ lại mấy lần gần đây ông và chú đã bước chân qua đó? Ý nghĩ này làm ông Tạo xốn xang, ray rứt. Gần một năm qua, khi mặt trời đỏ thắm đã lún vào biển, bóng tối chùm lên màn nước mênh mông thì cứ nhìn sang, sẽ thấy bao nhiêu sao trời dường rơi tụm hết xuống hòn đảo ấy. Mu rùa lặng lẽ, tăm tối khi xưa bây giờ chiếu ánh xanh đỏ nhấp nháy rộn ràng. Chỉ nhìn từ xa đã tưởng nơi đó là thiên đường, huống chi…
***
Khu vườn mở ra bất tận dưới bầu trời sáng rực, không một vắt mây. Chưa bao giờ chú điệu chói mắt đến thế, chịu chẳng nổi chú kéo chụp vành nón. Nhưng chỉ vài giây lại giở lên, ngỡ ngàng nhìn cảnh tượng. Bên cạnh, ông Tạo cũng đứng chết lặng, ông đã bị thôi miên. Bỗng đâu một cơn gió mạnh lốc lên, đẩy cả thân chú lao về phiá trước, vượt qua vòm cổng mở lớn. Hai chân chú hổng cao, đầu bay theo cái nón. Có tiếng ông Tạo thất thần gọi cản đằng sau, nhưng chú vẫn cứ phóng vút vào trong khu vườn. Những tàng cây lá to hơn cái rổ quạt ào ào vẫy gọi. Các con chim lông cánh rực rỡ ẩn trên ngọn vụt tung ra, đảo vòng quay lộn làm một màn luân vũ, chúng rúc lên những âm thanh chói loạn của một dàn đồng hỗn hợp tưng bừng. Cả thân thể nhẹ tênh, áo quần phơ phất, chú lướt qua bao bụi hoa. Rất nhiều loại hoa mà hình thái lẫn sắc màu cùng hương thơm ngào ngạt thật lạ lẫm, chú chưa từng biết. Có bông tròn xoe như quả cầu mà xanh biếc, có búp đứng thẳng một mình cánh tím lịm sẫm đen vừa vương quyền vừa khắc khổ yêu ma. Rồi giữa những chuốt lá cứng ngắc đầy gai, các cọng hoa vươn cao cả thước, cánh xoè nhiều lớp tua tua như váy nàng vũ nữ. Bao kỳ hoa cây cối ấy hẳn đến từ một miền đất đai rừng rậm nào xa thẳm. Tuy thế, hình ảnh quyến rũ nhất chính là thảm cỏ mịn mênh mông. Từ nhỏ xíu chú hằng ao ước được nằm thênh thang trên đồi cỏ, nhưng quê nhà chú toàn cát oằn trong nắng gió. Vô tới thành phố cỏ có mọc lên cũng nát dưới chân người, lên đến chùa trên đảo thì đá nhiều hơn đất nên cỏ mọc vài cụm loi choi nghèo nàn dù chú đã mất công tưới nước. Nhưng chú không biết làm cách nào để rớt xuống bãi cỏ, lực đẩy cứ tốc chú bay tới, lao theo hướng mấy căn nhà tráng lệ xa xa. Bờ tường trắng tinh, khung cửa sơn xanh, mái ngói đỏ thắm và bao tán dù xinh xắn mọc lên như nấm quanh cái hồ nước trong màu ngọc. Thấp thoáng những con người nhỏ chút bơi lội trong hồ tung tăng. Càng lại gần chú điệu càng thấy thế giới ấy hoang đường, nhưng chú giật mình khi nhận ra một dáng người rất quen thuộc đang cầm cây vợt dài đập những cú banh đôm đốp. Đột nhiên một quả banh nhắm vào hướng chú phóng vụt lên. Chú hoảng sợ chưa biết làm sao tránh né thì gió đằng sau đã thổi tốc chú xuyên qua khung cửa kính to nhất trên tầng lầu cao của ngôi nhà chính giữa. Triệu triệu mảng kính bắn tung, tiếng người kêu la oai oái. Chú điệu thấy cái thân thể ghim đầy miểng thuỷ tinh nhọn hoắt của mình đảo lộn mấy vòng, rồi rơi. Rơi, rơi mãi. Cứ thế. Chẳng ngừng.
Mồ hôi đầm đìa mảng lưng, chú điệu lảo đảo ngồi dậy trong bóng tối. Đêm âm u. Thõng chân ở bìa giường, hai tay ghì mép chiếu, ngực trĩu nặng, chú cố lấy lại hơi thở. Mãi lâu chú mới hơi định thần, để nhận ra đốm sáng thu lu sắp lụi của cây đèn dầu trên ngai thờ sư tổ Huệ Tôn sáng lập ra chùa. Con tắc kè thường bò tới bò lui giữa hai cây cột treo phướn ở góc kia hậu liêu, đêm nay không nghe tắc lưỡi. Mà chú cũng chẳng nghe ra được tiếng sóng lẫn lá xoài rì rầm than thở. Chú biết mình đang ngồi giữa đêm và ở đâu, nhưng đồng thời những tia sáng chói lọi và sắc buốt của mặt trời cùng miểng thủy tinh vẫn chẳng ngừng đâm nhói vào mắt và màng tang. Bụng chú quặn từng chặp, trái banh trong giấc mơ vẫn tiếp tục bắn trúng bao tử. Mỗi cú vợt của cậu thanh niên ấy vung lên là một cái đau bể ruột. Mắt chú điệu lại hoa đi, trang thờ bình hương hình sư tổ lặn dần vào bóng tối, trái lại gương mặt tươi sáng và thân thể rắn rỏi dẻo dai của cậu ta hiện dần sau mảnh phướn bạc màu. Hai con ngươi đen long lanh, môi cười nở hàm răng trắng, y hệt như lần đầu tiên chú nhìn thấy cậu ấy, hôm chú sang đảo con rùa chặt củi.
***
Ông Tạo thường nói đảo rùa chẳng những to rộng hơn đảo của chùa mà còn có rừng bao quanh, và rừng này mọc nhiều loại cây thân chắc, làm củi giữ lửa rất tốt. Ông cứ rao vậy rồi thôi, cho đến một hôm bỗng nhiên nổi hứng, ông mượn cái xuồng máy của chú Tư rồi kêu chú điệu theo ông qua đó kiếm củi mang về. Dù từng thấy bao đèn xanh đỏ nháy sáng trên đảo rùa dạo sau này, hai người vẫn không ngờ nơi ấy là một thế giới khác hẳn đời thường. Chú điệu bị cỏ xanh và các loài hoa lạ lùng ám ảnh. Chú xin ông Tạo cho mình quay lại đây để kiếm vài giống hoa đem về chùa trồng thử. Ông Tạo đăm chiêu, ậm ừ. Nhưng cuối cùng ông đã chiều ý chú vài ba lần, rõ ràng mỗi bận ông đều bị sững người dù chỉ đứng men men bên ngoài không gian huyền ảo ấy. Sau đó ông Tạo bị bệnh, chú điệu một mình sang đảo rùa lượm củi. Mới đầu chú không để ý mấy đến những con người ra vô nơi đó mà chỉ chú tâm đến thiên nhiên. Cho tới một hôm, chú vừa xuống khỏi xuồng thì một chiếc ca-nô trắng toát cũng cập vào đảo con rùa. Trên tàu có hai gia nhân và ba mẹ con. Bà mẹ mập mạp, bề thế oai quyền, tay vung vẩy, mắt đảo qua đảo lại quan sát. Người con trai độ tuổi chú điệu, da trắng tóc mềm, gương mặt tinh anh, nét hồn nhiên lộ rõ khi cậu ta nói cười dắt tay đứa em gái chừng tám tuổi leo những bậc bến trơn trượt. Chú điệu ngó trâng hai anh em cho đến khi họ đã khuất ở một khúc quanh dẫn lên khu dinh thự.
Với chú điệu, khung cảnh đảo rùa quả là hoang đường, nhưng chàng trẻ tuổi ấy thì có thực. Mấy người làm vườn cho chú biết các loài hoa kỳ dị là của bà chủ đã đem từ nhiều nơi ở ngoại quốc về. Người đàn bà giàu sang ấy đã mua hòn đảo để dựng lên một trung tâm nghỉ mát thượng hạng, có một không hai trên đất nước này. Chú điệu thoáng thấy bà ta vài lần, giọng người đàn bà rang rảng chỉ huy quát tháo đám công nhân, ồn ả chuyện trò với du khách sang trọng. Cô bé gái và người anh dường như sống ở một nơi xa khác, chỉ về đây trong những ngày nghỉ. Từ buổi đầu tiên ở bến, dáng vóc và khuôn mặt tươi tắn của cậu thanh niên cứ lởn vởn trong đầu chú điệu, lạ lùng. Nhất là một chiều chú vô tình bắt gặp cậu ấy từ một mũi đá cao, tung cả tấm thân hồng nắng vào giữa biển. Một vút bung người, rồi mấy vòng quay tuyệt diệu để cuối cùng đâm lút vào màn nước xanh thăm thẳm, làm bắn tỏa lên bao cánh hoa ánh ngời bọt nước. Hình ảnh thật quyết liệt mà cũng thật tự do, phơi phới. Chàng thanh niên bơi lặn, chàng thanh niên vung những nhát vợt điêu luyện, chàng thanh niên với thân hình cường tráng nhưng vẫn có nét gì ấu niên trên môi cười và vuông trán rạng rỡ, bây giờ mỗi chiều, chú điệu xuống rìa đá đứng lặng nhìn sang đảo con rùa và hồi tưởng. Chú bỏ cả huýt sáo, tai chú văng vẳng mấy điệu nhạc sống động, giần giật phát ra từ chiếc máy hát bên chàng ta nằm phơi nắng. Nhưng, như các nhánh cây chú xin được đem về trồng thử, cứ chớm đâm chồi rồi lại héo úa, niềm thanh thản có được từ khi về tu trên đảo rã dần như vải mục.
Đêm hậu liêu bây giờ không còn là một bóng tối đồng nhất nghỉ ngơi an tĩnh. Nó vừa là góc đen sâu nơi trang thờ sư tổ và những chiếc cột thâm nghiêm, vừa là ánh lung lay chập chờn của tấm phướn như một mảnh diều không bồng nổi gió. Rồi là hai ba vùng sáng lao chao bên khung cửa, ở đầu giường. Chú điệu nằm trên manh chiếu, hoang mang. Một khoảng sáng là cha, một là Thầy. Mảng của cha nhàn nhạt toả ra hiền lành bao bọc, còn của Thầy là một đốm xanh sắc ngời, sâu hút. Và mảng sáng thứ ba, gương mặt cậu thanh niên trong rỡ bình minh. Nó không có ánh minh quang trí tuệ của Thầy mà chan hoà một bầu trời với nắng đang rộn ràng bốc hơi, phập phồng lồng ngực. Thế nhưng, chú không thể tan theo cùng nắng, chú trăn trở giữa các mảng sáng tối ấy cứ chập chờn lấp mở, chồng xếp lên nhau.
***
Bầu trời nặng đến khó thở, mấy hôm rồi chú điệu dằn lòng để ông Tạo đi lượm củi một mình. Xong công việc hằng ngày, chú không xuống bờ đá nữa mà trở lên chùa, cố chăm chú học kinh. Gió đã dịu nhưng những con sóng vẫn đập cuồng quanh hòn đảo. Cô Tâm Phước bồn chồn, đi ra đi vào, niệm chú Đại Bi. Khắp đảo phủ một màn bụi nước xám đục, không khí u uất hai ngày trước vẫn chưa tan. Bữa đó, sau một trận gió khua biển động dị thường, Ôn bật đài nghe tin tức, hốt hoảng kể lại bao vạn người vừa mất mạng trong sóng thần vũ bão đã vùng dậy tàn phá mấy nước lân cận, bên kia vòng biển. Chiều tối hôm sau, Thầy cho bày lư hương gạo muối trà đường ra bờ đảo. Cả chùa, năm người qùi gối giữa mấy tảng đá cao che bớt gió. Trời sầm mây đen nghịt, gió quất bốn bề, đàn chim mỏ khoằm to xác từ đâu bay về vần trên mặt biển cuồng lộng. Chúng đảo lộn như không chịu nổi sức gió vậy mà vẫn chúi xuống biển rình rập. Những cặp cánh tối tăm vươn ra đập vào nhau giành giựt dữ dằn. Giọng kinh cầu siêu của Ôn và Thầy nhỏ nhoi trong tiếng sóng cồn cào. Chú điệu chỉ lo thân hình gầy nhom của Ôn không đương nổi. Tụng xong, Ôn tự đứng lên và chính tay mình rảy xuống biển những thứ đã bày cúng vong linh. Cơm gạo nổi dềnh mặt nước. Thầy và cô Tâm Phước trở lên chùa. Ôn đứng lại trên hòn đá cao, chăm chú nhìn ra khơi. Khuôn mặt lúc nào cũng bình lặng ấy đột nhiên nhúm lại, thảng thốt, xót đau. Một hồi sau, Ôn giật mình như bừng tỉnh một cơn mơ, lảo đảo. Trên mặt biển, lễ vật đã trôi di, mất hút.
Hai tuần trước buổi cầu siêu hương linh những kẻ tử nạn trong sóng thần, bà mẹ cậu thanh niên đã sang chùa cùng với ba người đàn ông. Trong khi chờ Thầy ra tiếp, bà đi quanh đảo, soi mói chỉ trỏ. Lần đầu tiên chú điệu nhìn rõ mặt bà ta, nó thật khác với người con trai. Ánh ráo hoảnh sắc sảo trong cặp mắt, nét cương quyết mím theo vành môi và vẻ tính toán nhíu lại giữa hai lằn chân mày bôi đen sậm làm chú bỗng cảm thấy lo ngại cuộc thăm viếng chẳng lành. Sau khi họ về, Thầy cho biết người đàn bà muốn mua quyền sở hữu đảo. Bà tính biến chùa thành thắng cảnh tham quan du lịch. Ba ông lớn kia cho rằng chùa đã nhỏ lại lụp xụp mà chiếm cả một trong những hòn đảo đẹp nhất của tỉnh lỵ. Theo họ, đảo này xứng đáng được tu bổ thành một vườn địa đàng như hòn con rùa. Ông Tạo nghe chưa hết đã tức tối bơi ngay vào đất liền, không thèm đợi chú Tư đem xuồng sang đón.
Chú điệu ở miết trên chùa, băn khoăn, bồn chồn, chú muốn được nghe giọng Thầy điềm đạm, trấn an, nhưng Thầy đi vắng. Mãi tới hôm ảnh hưởng sóng thần đã bớt, cô Tâm Phước than sắp hết củi và ông Tạo không chịu đi nên chú đành mượn xuồng chú Tư trở sang đảo rùa. Chú định bụng sẽ đi thẳng vào rừng lượm củi rồi về, nhưng vừa xuống bến, chân lại quẹo qua mạn biển nơi cậu thanh niên thường ra bơi lặn. Trời chưa chiều mà đầy mây xám, gió im, không khí nặng ẩm, chú tin rằng sẽ không có ai ở đó. Nhưng vừa lên tới nơi đã thấy bóng người đứng đấy. Bà chủ đảo mặc bộ đồ trắng mong manh, tóc thường bới cao hôm nay xoã rối, hình ảnh khác thường. Bỗng bà ta ngồi thụp xuống, hai tay bụm mặt, rú lên những tiếng kêu đau đớn. Không gì cản nổi, chú liền chạy tới. Người đàn bà ngửng lên nhận ra chú tiểu bên chùa, lòng mắt không còn chút sắc bén uy quyền vốn dĩ, chúng mờ mịt nước và tràn bờ thống khổ. Chú điệu còn đang lúng túng thì một đám người từ khu dinh thự đổ ra, đứa bé gái chạy ào ôm chầm lấy mẹ, khóc không thành tiếng.
Cứ thế, họ dìu người đàn bà đi trước, chú điệu lê lết theo sau. Hai lóng chân muốn gãy đôi và ngực đè xuống bụng. Những trái banh từ bốn phương liên hồi bắn tới, đập thốc vào lưng, ngực và bao tử, bụng chú vỡ toang, cả thân cứ chực nhào về phiá trước. Ông làm vườn quen biết từ một dạo nay bồng cô chủ nhỏ trên tay mà mắt ngó chú trâng trâng, ông ta chẳng hiểu vì sao chú tiểu này lại đau đớn đến thế khi ông nói cho hay cậu con trai bà chủ đã mất biến trong biển mấy ngày rồi. Bao nhiêu tàu lặn, người nhái tìm kiếm vẫn chẳng thấy dấu tích gì ngoài chiếc dép chàng thanh niên và cái máy hát nằm trên tảng đá. Người ta bàn tán cho rằng không phải tai nạn, vì ai cũng biết tài nhào lặn tuyệt vời của cậu. Đám người trở lên khu vườn, lũ chim đứng im phắc trên cành, thảm cỏ xanh nhung tối sầm màu đất ải. Không ai để ý đến chú điệu, chú cũng không ý thức mình đang bước vào nơi từng là miền đất cấm với những người như chú và ông Tạo. Họ đưa người đàn bà tới nằm trên chiếc ghế nệm đỏ tươi trong một sảnh đường rộng thênh thang. Bao nhiêu ánh đèn chiếu rực các mảng gương quanh tường cùng chai rượu, ly cốc sáng ngời. Nhưng chú điệu chẳng để tâm, chú đứng một góc khuất, chắp tay niệm kinh. Khi người đàn bà đã định thần, nhìn thấy chú liền vẫy lại. Chú điệu đến bên, trước mặt chú bấy giờ chỉ là một sinh linh khốn khổ. Chú nắm lấy ngón tay lạnh ngắt, lạnh như những đốt khô giá của mạ mà chú đã đưa bàn tay sáu tuổi nhỏ xíu của mình rờ rẫm lần cuối.
Đêm tối hôm ấy, cả đảo rùa tắt hết đèn đóm. Chỉ nơi bờ đá, nến hương nghi ngút, chú điệu gõ chuông cho một sư thầy mà người đàn bà đã bắt gia nhân tức thời vào ngôi chùa trung tâm tỉnh lỵ, mời ra đảo tụng kinh. Ngồi mọp trên mặt đá, bà ta không nghe được kinh, mắt chỉ chăm chú nhìn xuống biển đen tăm tối. Như Ôn hôm nào, mọi người đã dốc xuống biển các thứ đồ cúng. Chú không ngờ họ chuẩn bị nhiều đến thế, từng bị gạo, nếp, đường, bột, trái cây, cơ man nào mà kể. Mẹ cậu thanh niên đuổi mọi người về hết khi cuộc lễ kết thúc, để một mình bà ở lại tiếp tục cầu trời. Chú điệu đã đi một quãng xuống bến, ngửng lên thấy dáng người đàn bà in trên nền trời xốn xang quá nên quành lại cách mấy thước ngó chừng. Một hồi, thấy không có gì khác thường chú mệt mỏi nằm ngay xuống đất. Chú cứ thiếp đi, giựt tỉnh, thảng thốt canh bóng bà ta cho đến lúc vành thái dương đỏ cam nhú ở chân trời.
Người đàn bà vẫn còn ngồi đó, nếu không nhờ bộ quần áo trắng, đằng xa trông sẽ tưởng là một khối đá nhọn đầu. Khi chú chạy đến qùi bên cạnh, người đàn bà không nhúc nhích. Nhưng vừa mở miệng định nói thì khối đá nổ toang, một bàn tay giáng thẳng vào chú điệu những cái tát bôm bốp. Mái tóc hất ra để lộ một khuôn mặt tái xanh và hai lòng mắt tuyệt vọng. Chú điệu bất ngờ bị đánh chúi xuống, cũng vừa lúc ấy chú nhìn thấy từng mảng gạo, trà, thực phẩm thả trong lễ cúng hôm qua nổi như rác rưởi trên làn nước, những con sóng nhỏ từng đợt đẩy chúng ập vào bờ đá rồi lại kéo ra, lềnh bềnh vất vưởng.
***
Chú điệu về tới chùa lúc bình minh sáng trắng. Cô Tâm Phước nghe bầy chó rộn ràng, tất tưởi chạy ra, vừa mừng rỡ vừa bực bội, định la chú mấy tiếng. Suốt đêm qua, cô không thể nhắm mắt, đi ra đi vào ngóng xuống bến thuyền. Sư thầy đi vắng ngày mai mới về, cả chùa chỉ còn có Ôn và cô, nhưng Ôn đã ngủ mê từ chạng vạng tối sau khi uống thuốc của ông thầy Tàu. Lòng cô lửa đốt. Giữa bóng đêm mập mờ cây lá, thấp thoáng khuôn mặt tươi tỉnh mà hiền lành của chú nhỏ ngày đầu lên chùa, tay xách cái túi đựng vỏn vẹn hai bộ quần áo ngắn ngủn cha chú đã mua cho từ bốn năm trước. Ngày cô xin về tu ở chùa, sư thầy cũng ở tuổi chú, cùng gương mặt trẻ măng. Nhưng một anh ít nói điềm đạm, tí chút trầm tư, còn người kia tung tăng nhanh nhảu. Cô thương lời chú điệu thật thà :
- Cha ngoài làng biết con đang là con diều bay lượn thanh thản không trung, cha yên bụng lắm. Nhưng cha bảo tu không phải chỉ đi tìm an thới cho chính mình. Sao khó vậy ?
Ông Tạo hôm gì ái ngại :
- Dạo này nó hay đứng ngoài bờ, tư lự kỳ cục.
Nghĩ tới đó, cô Tâm Phước băn khoăn, phải chăng con diều đã bay tìm một khung trời khác, rộng mở mời gọi sống động hơn chốn an tĩnh này ?
Nhưng không, chú điệu đã về. Thất thểu. Cái nón rộng vành lệch một bên vai, quần áo ướt và dính trắng những hạt gạo, xác trà. Hình như chú không nhìn thấy ni cô, ngay cả đàn chó đang gâu lên mừng quýnh. Chẳng thốt một câu, chú lạng quạng đi vào hậu liêu, nơi góc giường của mình, rũ xuống. Chú điệu sốt mê man cho đến lúc ngả trưa, sư thầy về. Thầy bắt mạch rồi cho sắc thuốc, ngồi cạnh canh chừng chú mơ hoảng suốt buổi chiều. Đến khi hoàng hôn đã lịm trong không gian u tịch của một bầu trời im gió, cô Tâm Phước nghe tiếng chú tỉnh dậy, to nhỏ:
- Con không tránh né, cứ để cho bà ấy tát. Đau đớn, giằng xé, bà la hét than khóc, gào tên con trai cho đến lúc trời sáng, người trong khu vườn ào ra. Con chẳng nhớ tới xuồng của chú Tư còn cắm ở bến từ chiều hôm qua, con nhảy xuống bơi vô bờ cùng các mảng gạo.
Giọng sư thầy đáp:
- Con đã làm những gì phải làm, nhưng tinh thần con chấn động không phải hoàn toàn vì vậy.
Chú điệu lặng im giây lát, tiếng nói chậm hơn, ray rứt :
- Từ ngày con gặp người con trai ấy, sao cứ nằm mơ hoài. Khuôn mặt hiện rồi biến trong bóng lá, trong sóng biển, trong tiếng chuông. Có bận con thấy mình đang thả diều với cậu ta trên đồi cát. Cậu ấy ở trần, gương mặt thiệt hiền lành đẹp đẽ, rạng ngời ánh nắng, con diều của cậu bay lượn tung hoành trong gió. Còn con, vì mải ngắm cậu nên quên bẵng để con diều rớt xuống, mũi chúc vào cát bỏng, rồi một luồng lửa từ dưới lớp cát chợt phừng lên cháy thiêu con diều. Khi con quay lại, cậu ta đã biến mất.
Tiếng sư thầy nhẹ nhàng:
- Điều mình thấy vuột mất đi thường chỉ vì mình manh tâm cầm giữ, muốn có. Thôi ngủ một chút cho khoẻ.
Chú điệu níu lại:
- Dạ, mà thưa Thầy...Con biết người đàn bà tức giận quá đã đánh con, vì tưởng con lừa bà về chuyện cúng dường hương hồn ngoài biển cả, như chùa mình đã làm bữa nọ. Chỉ tại thấy bà ta quá đau đớn khi nghĩ con trai mình tự tử, nên con kêu phải làm vậy để cầu nguyện cho cậu ấy. Nhưng ai ngờ bao nhiêu phẩm vật vẫn còn trơ trơ trên mặt biển. Mà tại sao? Tại sao vong linh ruồng rẫy lòng bà ta, không về tiếp nhận hả Thầy? Rõ ràng Ôn đã nói…
***
Đứng trên tảng đá cao này hôm cúng cầu siêu, Ôn xoáy nhìn ra biển. Đêm ấy, ngoài khơi đẩy vào những xác thân vật vã, áo quần tóc tai nổi chìm tan tác. Họ sấp ngửa ngoi ngóp từ vùng sóng thần giạt đến, tràn tới trôi ra. Ôn kể, một hồi sau tất cả biến đi cùng lễ vật của chùa.
Biển bây giờ đang đợi cơn giông, bọt sóng trắng tinh cồn trên màn nước xanh ngắt, không một hình ảnh gì của gạo cơm trôi nổi. Không gian ba giờ sáng trĩu nặng, người còn vang váng nóng nhưng lòng bớt quặn đau, chú điệu chăm chú tìm xem đâu là chỗ xoáy nước cuộn ra khơi. Khi nghe chú thắc mắc có phải hương linh phân biệt kẻ dữ người lành, Thầy lắc đầu, nhếch nhẹ môi, gần như là một nụ cười, rồi nói:
- Giữa hai hòn đảo có một luồng nước khép, nước từ đảo chúng ta tuốt ra biển thì ngược lại nó cuộn vào đảo rùa nên vật cúng bên ấy không bị cuốn ra khơi mà giạt lại vào bờ.
Chú điệu thở ra nhẹ lòng, quả là điều gì Thầy của chú cũng giải được, cả lúc chú hoài nghi có thực cậu thanh niên tự vẫn, Thầy đã trả lời :
- Nếu con thấy từ con người cậu ta luôn phát ra ánh tươi vui trong sáng, đem đến cho người khác cảm giác an hoà, thì đó là một người biết yêu đời sống.
Hừng đông sắp lên nhưng màn sương dâng từ biển ngăn chia hai hòn đảo, lúc này vẫn chưa tan. Con rùa bên kia mù mờ xám đục. Chú điệu cảm thấy nó lại trở thành một vùng đất âm u xa lạ, như chú chưa từng bước chân sang đó. Dù mây đen và sấm đang sùng sục vần ra biển, một bình minh nữa rồi sẽ lên. Chú tự nhủ, tất cả sẽ phải giống sáng hôm qua, như bao buổi sáng trước đây, thời thiên đường chưa hiện. Mà nào có thiên đường, chú chỉ nghe Thầy nói về bờ giác. Từng sáng, chú sẽ lại châm đèn, mở cửa chánh điện, từng chiều lấy dao kéo cuốc xẻng ra vườn, trở về giữa hoa lá, và từng tối chăm chỉ trên những trang kinh. Chú sẽ lại nằm trên đá này để mơ về một cánh diều bay lượn trong tiếng sáo. Nhưng cúi xuống, vừa chạm mắt vào mặt biển sâu xanh buốt, chú chợt nhìn thấy một gương mặt long lanh, nụ cười ngời sáng, cậu thanh niên đang nháy mắt tươi vui. Mừng quýnh, chú buột miệng gọi tên cậu ta, lần đầu. Khuôn mặt ấy xoay xoay lấp lánh trong ánh nước rồi đột nhiên lặn xuống sâu hơn, hai bàn tay trắng xanh khua vẫy. Chú điệu biết chàng thanh niên đang gọi, vội vàng chồm xuống muốn nắm lấy tay. Cậu ta lại trồi lên, môi vẫn cười rạng rỡ. Chú vui sướng với người theo, và thấy mình rơi. Rơi. Nhưng kỳ lạ thay, không một cảm giác đau buốt của thân diều bị găm miểng thủy tinh, trái lại thân thể mát rượi, ẩm hơi sương muối. Chung quanh không có âm thanh kính vỡ mà là tiếng sóng ồ ạt cùng gió mơn man. Rồi chú thấy mình cũng đang xoay, đang quay bao vòng tuyệt đẹp như cậu thanh niên từ bờ đá cao tung mình xuống biển.
Chỉ trong khoảnh khắc vun vút của một cái rơi, chú điệu đã nhận ra tất cả những điều hân hoan ấy, và dưới sâu kia, một khe cát trắng mịn giữa hai kè đá.
(tháng 8, 2005)