- Bok Rơ ! Bok Rơ…
Giữa tiếng mưa giận dữ đập trên mái tranh và cây lá quanh nhà, giọng gọi bok Rơ thất thanh vọng tới, giật phắt Riêng đang gục đầu trên mớ củi lửa sắp tàn. Riêng ngơ ngác gióng tai rồi vụt đứng dậy, chạy ra đầu hồi kéo toang tấm phên. Ngoài trời chỉ mưa là mưa, đục, khít, ứ đầy không gian. Riêng đưa tay vắt nước chảy ròng từ tóc, vén gấu áo chùi mặt để có thể nhìn xuyên qua mưa, tìm bóng một người. Marie đã trở về, Marie đang lần mò trượt vấp trên đoạn dốc lầy lội cuối cùng để vào đến đây. Marie gọi bok Rơ ra đón hay đang cầu cứu? Rõ ràng là Marie, không thể nào khác.
- Riêng, sao đứng ngoài mưa. Cho thêm củi vào … Lạnh quá.
Cô gái không trả lời mẹ. Nước bây giờ đã lọt giữa môi, trào ngược lên mắt. Riêng vẫn đứng lặng, chờ đợi. Chẳng còn tiếng gọi, chỉ gió rừng vật vã. Một lúc sau cô mới quay người, nâng phên cửa khép lại rồi lặng lẽ ngồi xuống cời đám tro xám, bỏ thêm khúc cây khô. Một tia lửa bừng lên. Bà mẹ nằm trên chiếu, nghiêng người sang, bắt gặp giọt nước long lanh trên gò má ram hồng của con gái, chép miệng khẽ khàng:
- Còn mong gì nữa hả Riêng.
Chẳng thấy con đáp, bà lại trở mình qua bên. Vừa kéo mảnh vải dù đắp lên vai vừa than :
- Giờ này mà con Mua và mấy đứa nhỏ chưa về. Mưa gió thế, cũng bắt chúng đi !
Riêng vẫn im lặng. Lửa đã bén to, nổ tanh tách. Cô ra góc nhà đổ thêm nước vào cái ấm nhôm đầy nhọ đen, đặt lên bếp. Rồi lại ngồi xuống âm thầm, nhìn lửa. Tại sao dưới lửa là tro xám xì buồn bã. Tại sao ánh sáng, hơi nóng ấy bao lâu nay là sự sống, là nước là cơm là rượu, là tiếng hát của mẹ và anh Rơ chị Mua, là giọng cười hồn nhiên của mấy đứa cháu, nay không xua đuổi nổi cái lạnh lẽo này ? Riêng thèm biết bao chỉ đốm sáng nhỏ bé nhưng lung linh, ấm áp. Riêng thèm lòng mắt long lanh muốn nói vạn lời của Marie qua lửa nến.
Ngày bỏ mả cho em Pia, Marie cùng cả nhà xuống khu mồ trong thung lũng, cầm theo mấy cây bạch lạp đã nhờ Tô, người đàn ông vẫn theo hướng dẫn và hỗ trợ bà trên các chuyến đi lùng dân ca làng Hồ, trở ra thị trấn tìm mua. Marie gắn chúng dưới chân những tượng gỗ mà Rơ đã đẽo gọt mấy tháng trời để trồng bốn góc nhà mồ cho Pia. Tối ấy trở về, Marie lại đốt nến. Chị Mua và các con nằm quanh bếp lửa, họ thiu thiu ngủ. Chỉ còn Rơ ôm cây đàn thỉnh thoảng búng vài âm tăng tăng rời rã, rồi ngừng tay, với cái cần rượu cho vào miệng. Mẹ ngồi bên kia ngọn nến của Marie. Mẹ ngừng khóc, bà gấp tấm áo sợi đen viền chỉ tím cho vào gùi. Cũng cái áo này bà đã mặc ngày nghe tin cha Riêng tan xác dưới lằn bom rà sát mặt đất. Chúng nẩy tạch tạch y như pháo vui ngày Tết của người Kinh, trước khi nổ toang trên tấm thân cường tráng của cha. Không còn lại gì để đem về chôn, mẹ chẳng thể bỏ mả cho cha, nên cha nằm mãi trong đáy mắt vẩn bóng chiều của vợ. Và trong tiếng hát mẹ rung lên, cao ngất, khi đã ngà ngà men rượu với Marie : “Mười năm em yêu anh trong giấc mơ, có lần đi qua chỗ anh đứng năm xưa, đâu có bóng người…”*.
Riêng thu lu trong góc nhà, co hai đầu gối ngó chăm vào ngọn bạch lạp gắn trên sàn tre. Cạnh đấy, một chiếc ly nhựa trắng tinh, Rơ đã rót nốt rượu vào đó mời Marie, trước khi châm nước thứ hai. Riêng chưa từng thấy thứ ánh sáng, hình ảnh nào sống động, trang trọng đến thế trong không gian đơn điệu ủ ê này. Lửa nến nhỏ nhoi, thế mà đủ rọi nửa gương mặt yên ả sáng láng của Marie, đem bình an lọt vào tim Riêng. Mái tóc bạc của mẹ cũng nhờ nó bớt khô. Từ khe hở phên tre, lá rừng xao xác.
Marie đã lạc đến tận nhà sàn heo hút này lúc Riêng mười ba, chạy lon ton, phóng qua các ngạch suối, đi hái rau bắn chim về cho anh Rơ đãi mấy người tới giúp gặt lúa. Bỗng thấy trước mặt một cô bé Ba Na áo quần lỡn cỡn, trán quấn một tua vải xanh đỏ, chu môi huýt sáo gọi chim, Marie vội nâng ống kính. Cô bé khựng ngay lại khi bắt gặp một phụ nữ vóc dáng lạ lùng, tóc nâu màu lông se sẻ, vầng trán phẳng phiu và những chiếc răng trắng ngời. Bà cao hơn ông người Kinh đứng đằng sau cả cái đầu. Chỉ một giây, cô nhỏ lút vào hai lòng mắt xám có sắc gì óng ánh như hòn bi mà cha đã đem về cho con.
Sau đó Marie trở lại mỗi năm, gắn bó với gia đình Riêng bằng những câu nói nửa Kinh nửa Ba Na, pha trộn dấu hiệu bằng cách múa hai bàn tay, đảo mắt máy môi. Tất cả rộn ràng vui, cả cây rừng, mấy con heo và gà cũng ụt ịt, tong tóc hớn hở khi bóng dáng uyển chuyển của Marie xuất hiện ở đầu kia con dốc vào rẫy. Mẹ lăng xăng quét sàn, giục chị Mua và Riêng hái là mì, lá é và chặt nứa tép về nướng cơm lam. Riêng vội lấy tù và, chu miệng như anh Rơ đã dạy để hú gọi anh đang cuốc đất ở hai triền đồi cách đấy. Đường mùa mưa lầy sình, cây đổ chắn đường nhưng Rơ chạy băng băng. Vậy mà lúc về tới trước mặt Marie, anh chỉ biết nhe vội mấy chiếc răng vàng ố, lỗ chỗ, rồi quay ngay người xuống suối quạt ào ào từng mảng nước lên thân. Rơ rất ít nói chuyện với Marie, ngồi xa xa anh mới nhìn thẳng vào người đàn bà, nhưng Rơ thích mời rượu và hát vào lúc bóng tối tràn về theo tiếng cú gọi đêm. Marie ngồi thật im, lắng nghe tiếng hát Rơ bay khỏi nóc rạ, chạm vào các bờ đá, hoà cùng giọng suối. Marie thường mặc bộ quần áo trắng tuyền lúc ấy, thật thanh thoát, bà bảo đó là nghi lễ. Rơ nghe thế nhìn sững Marie, da mặt nâu khẳn đã đầy vết gấp của người đàn ông ba mươi quần quật nương rẫy chợt dãn ra, rạng ngời.
Mấy mùa mưa qua sạt lở sườn đồi, và em Pia đã lìa đời trong vật vã quằn quại. Bây giờ thì cơn nghiện không hành hạ nó nữa. Mẹ chẳng còn phải rúm ró sợ hãi đứa con trai duy nhất thiếu thuốc, dí dao vào mẹ đòi tiền. Một lần, Riêng trở lại đất nhà mồ, mấy cây nến trắng đã vùi trong đất cát. Ngày bỏ mả Pia, cô mười bảy tuổi và em Pia sống được mười sáu năm. Trước hôm Marie rời rẫy, Riêng vẫn xuống suối cọ lưng, rưới nước xả tóc cho bà. Đấy là lần đầu và cũng là lần cuối Marie bảo Riêng hãy để bà cũng làm việc đó cho cô. Chẳng thể nào quên, chao ơi cảm giác này. Trong những đêm mà mưa bị hãm trên cao, gió nhốt trong đáy rừng, không khí nặng chĩu, chương, căng, chỉ muốn nổ ra cho vỡ tan trời đất, Riêng xốn xang nhớ cái mát rượi, mềm dịu của bàn tay Marie vuốt nước trên sống lưng mình. Marie cười khanh khách khi Riêng hinh hích kêu nhột.
- Mẹ sắp cưới chồng cho mi rồi đó.
Riêng giật bắn người, quay nhìn Marie. Ngày chị Mua cưới anh Rơ về nhà, tối đến mẹ bảo con rể quây tấm nứa chia hai. Riêng nghe chị mình nghiến răng rồi rên cùng với anh Rơ hồng hộc, ngay trên lũ lợn ủn ỉn cọ quẹt miết dưới sàn, bất kể.
- Không! Marie! Riêng không muốn như chị Mua, nằm xuống và đẻ con. Riêng muốn được đi học tiếp. Riêng muốn đọc báo, Riêng muốn ghi chép, làm cái việc gọi là nghiên cứu gì đó như Marie. Riêng muốn sống mà không co cụm, nhỏ nhoi, sợ hãi.
Quơ cái áo vất trên hòn đá, Riêng chạy một mạch lên núi, bỏ Marie bên bờ nước cuống cuồng gọi với. Đến chỗ cao ít ai lần tới, Riêng mới đứng lại, thở. Dở chứng gì mà thốt ra một tràng những điều như thế, có khùng điên không? Sao dám mở miệng nói với Marie như cầu xin ân huệ. Nếu mẹ nghe được ! Không thể nào ! Dáng ai đó gầy guộc như mẹ, đang giã gạo ngoài sân căn nhà sâu dưới vực. Phải ở lại đây thôi. Phải ở lại để ôm lấy mẹ vào những hôm trời bão, gió muốn bứng hết cây rừng. Mẹ khẳng khiu nhăn nhíu, một trời một vực khác hẳn cánh tay săn muốt và bầu ngực nở Marie. Sương lửng lơ trôi ngang núi, la đà và hoá trắng những chùm hoa thầu đâu tím trên nương. Núi đồi là một bao vây kìm giữ, nhưng thân thiết và đẹp chừng nào. Thế giới mà Marie đã kể, đã chỉ Riêng xem trong các tạp chí bà đem đến cuốn hút kỳ bí, lẫn phơi phới bao nhiêu cũng chỉ là huyễn hoặc.
Buổi tối về, khi Marie bỏ nốt vật dụng vào ba-lô, mẹ đến ngồi gần, cầm bàn tay :
- Hẹn gặp năm sau. Lần tới, xin cho Riêng về thành phố cùng bà. Tôi ước nó học được những gì nó đáng.
Riêng giật mình, ngạc nhiên nhìn mẹ, rồi Marie. Giơ nắm tay, Marie nheo một con mắt, mỉm cười :
- Tôi sẽ trở lại. Quyết chí nhé.
Nhưng Riêng đã chờ Marie suốt hơn hai năm. Sáp nến đọng trên sàn tre mòn mất dấu từ lâu. Mọi người nơm nớp lo âu. Chị Mua bảo Marie đã quên chúng mình. Rồi một hôm ông Tô xuất hiện báo tin Marie đã lâm bạo bệnh sau khi rời rừng lần ấy, phải về nước chữa trị nhưng không thoát khỏi. Marie qua đời đôi tháng trước đây. Ông Tô lẩm bẩm một mình mấy câu như thế rồi quay ngược con dốc. Mọi người nhìn theo, im thinh. Ngay cả đứa cháu lên ba cũng đứng lặng, quên tật mút hai ngón tay đen choắt. Nhưng chẳng lâu sau, họ lại bình thường. Chị Mua và mấy đứa nhỏ vẫn tung tẩy hân hoan khi bẫy được chuột trong rẫy về hun khói. Mẹ từng ngã bệnh cùng với thời Marie phải hồi hương, nhưng nay vụt đứng dậy, lúc túc với đàn gà. Anh Rơ vẫn tụ tập rượu ghè mừng lúa chín. Thỉnh thoảng lúc mọi người say giấc, chỉ còn Riêng với đêm khuya, cô đem mấy mẩu nến Marie để lại ra đốt trong chốc lát. Nhìn ánh lửa chao qua kẽ gió, nghe hơi thở mẹ đều đều và tiếng ngáy ồn ào vô tư của Rơ tự dưng Riêng nghẹn ngào bức xúc. Chẳng có ai quay quắt với mất mát này. Họ quên nhanh chóng, vô tình đến thế sao? Nhất là Rơ. Cái cười bày hàm răng đã gẫy vài chiếc mỗi bận Marie trở lại và ánh mắt nhuộm buồn Rơ nhìn theo lúc Marie quay về thành phố hoá ra nhất thời, hời hợt. Vậy mà Riêng cứ tưởng…
Chiều tối hôm qua, ngày Marie bỏ rừng cách đây ba năm, Riêng đem hai mẩu nến cuối tới nơi mà Marie cùng cô thường đến, nhìn xuống một mặt hồ xanh ngắt và cả rừng dã quỳ vàng thắm bao quanh. Chỗ ấy hiếm người nhưng có một cổng rào dựng mấy cây nêu phất bay trong gió. Riêng bảo đấy là Cổng Trời, Marie gật đầu đáp : Bên kia là thế giới an nhiên. Chim muông thường tụ về đấy líu lo. Một vài tiếng rống gầm gừ mơ hồ từ xa. Chắc không phải là voi. Mẹ bảo chúng hờn người phá rừng, đã bỏ đi, sâu lắm, nhưng hẳn có ngày sẽ trở ra đòi quyền sống. Trăng đã cao khỏi núi, chiếu lung linh. Riêng đảo mắt nhìn cây cỏ, bỗng nhận ra ở chân rừng phía đông không xa, bóng người đàn ông đang loay quay bên một thân cây trụi, cao quá đầu. Gã đến gần giơ tay đập đập gõ gõ vào đấy từng nhát, xong lại lùi xa ngắm nghía. Rồi gã cúi xuống chấm cái gì đó vào một cái chậu, vuốt lên khúc giữa thân cây. Những mảng trắng tinh hiện ra ma rợn dưới ánh trăng. Riêng đứng dậy men theo đường mòn xuống gần hơn. Vừa lúc cô nhận ra người đàn ông có vẻ thân thuộc thì một tiếng rú hút lên, cao vót. Gã dựng tượng ưỡn ngực lên trời, hai tay ôm đầu, lắc lư. Trút hết mấy tiếng đau thương thì gã bắt đầu hát.
Riêng giật bắn người, bật kêu : Rơ, Rơ ! Giọng ca ấy rút hết bụng và phổi, tốc ra mạnh mẽ thống thiết, chẳng còn chút luyến láy uyển chuyển vốn là tài nghệ bất hủ của Rơ. Rồi bất ngờ Rơ buông người quỳ xuống, vòng tay áp đầu vào thân cây quệt trắng, và Rơ chuyển giọng : “ai đó từ đâu đến đây…sẽ không bao giờ quên… sao đi mãi mãi và mãi mãi mang đi…”*. Tiếng hát để rơi dần xót xa ẩn ức, chỉ còn là nỗi đau dịu dàng sâu thẳm của rừng khuya.
(sau Tây Nguyên, 2010)
* Lời ca của Hơ Ben, trích từ “Làn điệu dân ca các dân tộc Gia Rai và Ba Nar”.