ConDuongDoiCat

 

Mai Ninh

 

Con Đường Đồi Cát

 

Tôi rời Hà Nội vào Huế đem theo hơi sương sớm và hình ảnh màu sắc hương hoa của mấy ngày vô tình được sống một thời tiết dịu dàng như sang thu, giữa mùa hè lẽ ra nóng gắt. Phi trường Phú Bài tháng bảy đổ nắng trên đầu, những lằn nắng rực rỡ thiêu hủy trong chốc lát không gian tươi mát quấn quanh cành lá hồ Tây hai bên đường, chị PQ đã chở tôi đi vòng một lần cuối, đôi giờ trước khi lên máy bay. Hôm ấy Hà Nội đầy hoa dành thắp hương đầu tháng âm lịch. Bao gánh hoa chạy rong đường phố, sen hồng sen trắng cúc vàng và cả hoa trang mà tôi ngỡ ngàng khi biết người xứ Bắc gọi là mẫu đơn, thật khác loài hoa đài các yêu quí của nàng vương phi họ Dương thời Đường.

Một giờ đồng hồ, chỉ đủ từ Phú Bài về nhà anh chị bạn ở Nam Giao, thay vội quần áo rồi lên đường đi ngay Quảng Bình. Trên xe, chợt nghĩ mình lại trở ngược ra Bắc, ra Bến Hải, địa danh huyền thoại của ngày thơ thiếu. Đây là chuyến đi tôi biết trước sẽ không dễ dàng gì, chẳng dễ dàng cho chính tôi, không phải do con đường đưa đến đó. Dù thế, khi chị bạn hỏi mọi thứ sẵn sàng chưa, tôi đáp gọn: ‘‘Có gì đâu, em chỉ có gói này là phải đem theo’’. Gói tiền hơn mười bảy triệu đồng VN đóng góp của các bạn giao cho cầm về, đem tới huyện Lệ Thủy - Quảng Bình.

Thả người trên nệm xe, tôi chập chờn trong tiếng anh Thái Ngọc San từ tốn giới thiệu phong cảnh, nơi chốn. Anh San, đại diện báo Thanh Niên ở Huế đã vui lòng tổ chức giùm cho cuộc thăm viếng tôi từng mong mỏi làm được trong chuyến về VN lần này. Trừ một vài đoạn đang sửa chữa, quốc lộ số 1 đã mất những hố lầy, ổ voi của một năm chín ba, chín tư tôi qua đây để đến La Vang, Cửa Tùng. Xe có máy lạnh, quên hơi nóng còn hừng hực trên tàn phượng đỏ, tôi cố giữ hồn thanh thản, ngó ra mặt sông lặng, bóng núi xanh, rừng bạch đàn và nhìn lên những tán cây tìm màu tim tím của hoa bằng lăng giờ đã vào độ cuối. Tuy thế, thỉnh thoảng tôi ngồi bật thẳng dậy như bị chạm vào một lưỡi dao ký ức để hỏi về, động tới các dấu tích chiến tranh. Dẫu sao vẫn không thể quên : mình đang trên quãng đường năm nào được mệnh danh tử lộ. Rồi cố dấu dự cảm buồn nhiều hơn vui về cuộc gặp gỡ ở Lệ Thủy sáng sớm ngày mai, tôi cười với câu chuyện người đàn ông ít nhất bảy vợ sống chung đề huề khi xe ngang qua vùng ‘‘đất cằn Quảng Trị’’. Anh San bảo nói là bảy vợ chứ thực ra hơn nhiều vì số con cái cháu chắt ông ta bây giờ đủ lập thành một ngôi làng, và người đàn ông có phước này luôn luôn được vợ con nuôi nấng. Thế là tôi miên man nghĩ về chuyện đàn ông đàn bà Việt Nam cho đến khi xe dừng lại bên đường, dọc hai bờ là vài quán ăn nhà sàn dựng trên mặt nước. Một bên là sông, một bên hồ nhân tạo nuôi cá. Đặc sản ở đây là cháo cá dọn trên những chiếc bàn thật thấp, thực khách ngồi chiếu. Chàng thanh niên tài xế vội vàng ngả người xuống võng, hai ba chú bé tiến lại bắt đầu làm massage, xoa nắn thành thạo, hai bàn tay chụp vào, vỗ lên sống lưng người khách những nhát kêu răng rắc nhịp nhàng. Suốt một ngày dài di chuyển, tôi cũng thèm được đấm lưng nhưng chỉ có dịch vụ đấm bóp cho đàn ông trong các quán này. Một lần nữa, thấy phụ nữ VN thua thiệt. Tôi ngồi ngó ra bờ sông, không bóng dáng cá tôm, chỉ một ráng trời hoe đỏ của buổi chiều đang là xuống, bàng bạc mặt nước.

    Tối hôm ấy chúng tôi đến Đồng Hới, thị xã của Quảng Bình. Đồng Hới, ngày nào tượng trưng một địa danh bom lửa, với tôi, thiếu nữ Saigòn, nó xa tưởng chừng chẳng bao giờ mình đến đó. Đồng Hới trước mặt đèn đuốc đã lên, chiếu sáng những ngôi nhà lầu. Tôi ngạc nhiên khi biết mấy con đường trong thị xã trồng đầy cây hoa sữa, loài hoa cứ ngỡ chỉ thuộc về mùa thu Hà Nội, và thêm nữa : dân chúng, chính quyền địa phương đang khổ sở với mùi thơm đã đi sâu vào âm nhạc, thi ca VN đó. Cây trồng quá nhiều, đến mùa hoa, hương nồng quá độ làm dân hàng phố bị say, khó ngủ, đau đầu.

    Trao đổi sơ qua với người đại diện tỉnh đoàn thanh niên Quảng Bình, tôi được biết hiện có độ 10.000 phụ nữ cựu thanh niên xung phong (TNXP) ở đây, trong số ấy khoảng 1.000 chị sinh sống rất khó khăn. Điều chính quyền và các hội đoàn thanh niên địa phương làm được cho họ còn rất giới hạn : xây được trên dưới 200 ngôi nhà tranh (7 triệu đồng/nhà), một số chị được cấp ‘‘Kỷ niệm chương’’ tương ứng với trợ cấp 1 triệu rưỡi đồng, nhưng chỉ một lần duy nhất. Buổi tối, tôi cùng chị bạn ngồi đếm và bỏ vào 8 phong thư, mỗi phong trên hai triệu đồng. Cầm bì thư quá nhẹ trên tay, tôi ngậm ngùi, thật chẳng bao nhiêu. Bảy trong tám người phụ nữ cựu TNXP tôi sẽ gặp sáng mai ở xã Hương Thủy, huyện Lệ Thủy (một chị nay ở Hà Tĩnh) là bảy trường hợp điêu đứng nhất, theo thông tin các bạn tôi được biết trước đây.

    Con đường Đồng Hới – Hương Thủy sáng sớm đã rực nắng, 60 cây số nộn nạo trong ruột, tôi không thể xua đuổi ý nghĩ : mình sẽ gặp, nghe và thấy những gì ? Nhờ sự liên lạc báo tin trước của anh San, tôi mới được chính thức đến đây để có gặp gỡ này. Vừa bước vào căn phòng họp của ngôi trường tiểu học, tôi đã thấy ngay rằng những cảm giác dự đoán trước : sẽ buồn bã, hoá ra chỉ là bèo bọt. Bảy khuôn mặt dáng người khác biệt. Bảy khuôn mặt vô cùng giống nhau ở màu da rạm cháy, ở nếp hằn của hoàn cảnh, đời người đang ngước nhìn tôi. Phút giây, khi chạm phải màn nước long lanh trong trũng mắt người đàn bà nhỏ choắt cheo, cả thân thể run lập cập, hai cánh tay không ngừng giật giật, tôi biết mình sẽ khó nói được ra lời. Tôi vội cúi xuống, tôi là ai mà người đàn bà ấy nhìn tôi bằng cái nhìn chăm chú, sâu thẳm, u buồn đến thế ?

    Không ngờ việc thăm viếng mà khởi đầu tôi nghĩ là giản dị lại thành một đón tiếp khá thể thức. Cũng may, sau khi các lãnh đạo và đại diện tỉnh - huyện giới thiệu mục đích buổi gặp gỡ và tôi nói đôi lời về cuốn phim ‘‘Les oubliées de la piste Hồ Chí Minh’’, nguyên nhân đưa tôi thay một số bạn trong hội văn hoá Trịnh Công Sơn cùng vài người bạn khác về đây và trao phần quà, tôi đã được chuyện trò với từng chị phụ nữ bị lãng quên ấy. Những gì các bạn tôi đã thấy qua cuốn phim, ở cách lớp học này mười ngàn cây số chỉ là mảng bọt nổi trên bề mặt. Người làm phim đã tế nhị khi đưa ra hình ảnh hay chăng ?

    Lần lượt mỗi chị nắm tay tôi và kể chuyện. Trước nhất, người phụ nữ nhỏ bé gầy hao đã rưng lệ nhìn tôi khi mới đến là chị Võ Thị Cúc bị parkinson nặng, 7 năm ra chiến trường từ 1965, bom chấn thương đầu năm 68, muốn đứng phải có người nâng vịn, sống một mình và dù tình cảnh bần cùng như thế chị vẫn còn chờ xin vào chế độ, nghĩa là xin hưởng trợ cấp 1 triệu rưỡi đồng, hay may hơn nếu được công nhận thương binh sẽ có phụ cấp 100.000 đồng hằng tháng. Chị Trần Thị Đương cao lớn hơn tất cả, nhưng chẳng vì thế mà may mắn hơn : nhiễm độc tố da cam 67, 68, không gia đình, liệt chân tay, mất một mắt. Một chị khác, cũng nạn nhân của chất hoá học này là chị Nguyễn Thị Nhạn, nay bị bệnh thần kinh. Chị Võ Thị Cảnh từng lập gia đình nhưng chồng mất đã 20 năm để lại 5 đứa con, chị bảo chúng tôi sống như ‘‘hạt gạo trên sàng’’. Người phụ nữ mang tên Võ Thị Tình dáng vóc không khỏe hơn chị Cúc bao nhiêu là người kể chuyện nhiều nhất, chồng chết vì ung thư, họ có 5 con trong đó một đứa bị điên vì trúng độc da cam. Sáu mẹ con không nhà, trú ngụ chân đồi cát, nhưng chị bảo sẽ dùng số tiền hôm nay nuôi súc vật kiếm lời. Người bên cạnh nghe vậy thốt lên : ‘‘Trước hết tôi sẽ mua gạo nấu nồi cơm ăn một bữa được no đã’’. Chị Tình và chị Nguyễn Thị Liễu có chung chứng đau đầu, chị Liễu từng bị đất phủ trong những lần bom dội nên đầu ê ẩm kinh niên. Mỗi khi có tiếng động mạnh hay tia nắng chói, đầu hai chị đau điếng. Chị Liễu bảo tôi là bom đạn bung bung mãi trong tai, trong óc dù đã bao năm tháng.

Trước mắt tôi, bây giờ là những gương mặt héo hon, mái tóc muối sương khô rang thưa thớt, vành môi tái mím lại như cố kìm hãm không để thoát ra nhiều hơn lời than thở và nỗi lo âu dằng dặc. Nhưng sao trong tôi, ngay lúc này vẫn còn hiện ra các nụ cười sáng rỡ của tuổi trẻ một năm nào, 65, 66 hay 69 của đoàn TNXP mà cuốn phim đã ghi lại. Thời ấy, khi các chị lao ra chiến địa cũng mười bảy mười tám tuổi như tôi ngày nhận học bổng của chính phủ Pháp, rời quê nhà du học. Miền Nam tôi sinh ra và lớn lên khoảng độ đó cũng có các thanh niên xung phong. Bên này hay bên kia vĩ tuyến 17 đều là máu và nỗi đau của những người mà đa số hy sinh mạng sống và tuổi trẻ cho một niềm tin. Tôi viết đa số vì bảy phụ nữ ngồi đây khi trả lời câu hỏi của tôi có người xác nhận : Nếu lịch sử lập lại chị vẫn sẵn sàng tình nguyện ra chiến trường khuân đạn đắp mô, nhưng cũng có chị bảo rằng chỉ do hoàn cảnh đưa đẩy: Lấy chồng vừa hai ngày, anh lên Cao Bằng học tập, ở nhà mẹ chồng hành hạ, thế là chị đi xung phong.

Rồi cuối cùng tôi cũng phải đứng lên. Dù thế nào cũng chẳng thể hỏi han cho đủ về trước kia, về sau này. Lao khổ của các chị trước và sau có khác nhưng họ vẫn phải tiếp tục bước trên con đường không có được một chút bóng râm. Nắng mười giờ chói chang trên sân trường đang vắng bóng học trò. Bỗng dưng tôi thèm nghe đến kỳ lạ tiếng trẻ thơ cười. Chuyến xe trở ra Đồng Hới quành sát chân Trường Sơn để cho tôi biết đoạn đường Hồ Chí Minh mới mở, sau này nó sẽ chia sẻ số lượng xe cộ cùng quốc lộ 1. Xe vào làng Lệ Thủy với đồng lúa xanh đầy sông rạch mà chị bạn và anh San không ngớt khoe rằng đây là nơi sơn thủy hài hoà, đời sống sung túc so với nhiều nơi khác. Dẫu tôi nghe nói, trong cuộc chiến vừa qua, sau mỗi cuộc oanh tạc máy bay dù ở đâu cũng đảo về dội bom xuống Lệ Thủy một lần. Hình như hai người bạn còn kể về con người và quê hương họ nhiều lắm, cả về tục lệ đua thuyền sau mùa gặt mỗi năm vào ngày 2 tháng 9 trên sông Kiên Giang, với người phụ nữ đa mưu can đảm có một không hai, dám làm tất cả để bảo vệ danh dự làng mình nên được thờ trong miếu Bà thuộc thôn Anh Xá. Trong một mùa hội đua xưa, hai làng địch thủ đồng tài đồng sức khó phân thắng bại, nên Bà phải nghĩ mưu kế hạ địch thủ : Bà bèn mặc quần rộng, cột thắt lưng thật lỏng rồi ra đứng giữa sông, quay về hướng thuyền địch, khi thuyền chèo gần tới, liền tháo băng dây quần. Nghe đâu làng Bà chiến thắng vinh quang nên tôi đoán ngày ấy Bà còn xuân sắc lắm. Lại một típ người phụ nữ VN.

Hơn cả bận đi, con đường trở về Huế chao rung trong hơi nóng của ngọn gió Lào, thứ nóng làm cháy cong cả những tàu lá chuối. Lòng mắt tôi lạc đi trên đồng ruộng cây cối. Chẳng còn nhìn ngắm màu phượng, chẳng ngó tìm hoa bằng lăng, không cả thả mắt chạy trên ngọn bạch đàn xanh bạc lung linh, như hôm qua. Nắng lỏng mặt đường, nắng phá hồn tôi, chừng như cơn gió Lào đang hất tung cát bụi vào mặt. Con đường xe chạy không hề ngang qua ‘‘chang chang đồi cát nắng trưa Quảng Bình’’, vậy mà tôi nhìn thấy chị Tình đang gánh chổi gồng người leo dốc, chân lún trong cát xoáy. Chị đã cho biết, mỗi ngày chị gánh chổi dằng dặc băng đồi đem bán, 5 cây thì lời một ngàn đồng, phải bán được 30 cây mới đủ 6 ngàn mua gạo nuôi 5 đứa con. Nhưng chẳng quản gió, không ngại nắng vã trên lưng, chỉ là ánh sáng gắt trên nền cát lại lóe cháy vết thương trong cặp mắt mảng đầu vốn chẳng lành lặn của chị.

Khi xưa, tôi thích những bức hình của các nhiếp ảnh gia VN hay chụp người đàn bà quang gánh giữa đồi cát bao nhiêu. Họ bước đi trên những lượn cát uốn vòng mềm mại, bóng in chân trời. Bây giờ tôi sợ, đấy chỉ là nghệ thuật không là thực tế, ít nhất thực tế tôi vừa để lại, sau tôi.

Mai Ninh

Tháng 8, 2004.