BỨC MÀN
« Curtain », Jim Phelan
« Nhà tù Fenfield, bên phải ». Chiếc xe ca chạy chậm lại và du khách dán mắt vào cảnh tượng quái dị : giữa phong cảnh xanh tươi dễ chịu của đồng quê, một toà nhà khổng lồ bằng gạch đỏ sừng sững đứng chen mấy dãy nhà nhỏ san sát nhau càng làm nó tăng thêm vẻ bao la.
« Tù khổ sai, bên trái ». Hướng dẫn viên du lịch biết rõ việc mình làm, biết đúng chỗ nào có gì đáng xem trên con đường anh ta đi qua mỗi ngày. Khoảng hai chục cái đầu quay từ nhà tù sang tù nhân, đúng y như những du khách khác đã làm trong các cuộc hành trình khác. Họ há mồm ra nhìn với vẻ ngỡ ngàng, nhíu mày hay rùng mình quay mặt đi tùy tính khí mỗi người, trong khi chiếc xe ca từ từ lăn bánh xuống đồi.
Vài trăm người đang làm việc rải rác trên đồng và đường làng. Trang bị bằng cày, cuốc, rìu và bay thợ nề, người của nhà lao đang bù đầu với công việc khổ sai của họ. Chỗ này một nhóm người kéo cây đã đẵn, chỗ kia một nhóm khác đang cố kéo cái xe mà chính họ bị móc vào đấy. Nhiều nhóm khác, mỗi nhóm có một người bận đồ xanh trông chừng, đang xây một bức tường sắp xong. Gần đó một đứa con nít chơi đùa và một cô gái đứng bên đường cái, nhìn du khách đi qua.
Thỉnh thoảng một du khách bình phẩm rằng Fenfield đã đổi khác. Họ luôn luôn chờ thấy một bức tường, một bức tường cao khép kín cái im lặng và điều bí ẩn bên trong nhà lao. Các hướng dẫn viên biết rõ điều ấy, nên luôn luôn giới thiệu nhà tù trước, rồi sau mới cho du khách cái cảm giác rờn rợn với câu « Tù khổ sai, bên trái ». Thông thường du khách bị xúc động mạnh khi nhìn thấy tù nhân lác đác khắp nơi - phía bên ngoài bức tường kinh dị đó.
Xe ca vừa chạy nhanh vừa rít lên và du khách hướng cái nhìn về chỗ khác. Tù nhân các nhóm làm việc hơi ngẩng đầu lên. Mấy cái trò đó đã quen thuộc quá rồi. Mỗi ngày, nhiều xe ca chạy qua với cùng một thứ khẩu hiệu « Nhà tù Fenfield, bên phải. Tù khổ sai, bên trái ». Mỗi ngày, du khách dán cái nhìn vào tù nhân đang làm việc trên đồng, nhìn vào những người cai tù, nhìn vào bức tường chưa hoàn thành.
Bức tường bao một vòng thô ráp chung quanh nhà lao. Có lẽ dài khoảng một dặm. Hàng trăm năm nay, nơi đó vẫn mở ngỏ cho mọi người. Tù khổ sai làm việc trên đồng cỏ hay trên đường, trong khi cư dân quanh vùng chăm lo công việc của mình, không ai để ý ai. Rồi từ mấy năm nay, bức tường được bắt đầu xây lên. Chậm chạp trong cái vòng tròn bất thường, nó bò dài ra tới các đầu ranh giới của nhà lao. Cuối cùng, bây giờ nó hầu như gặp lại điểm khởi đầu. Cái vòng tròn gần như toàn vẹn.
« Fenfield... bên mặt... Tù khổ sai... bên trái ». Cô gái đứng gần đường cái quay bỏ đi khi một chiếc xe ca khác đang chầm chậm xuống dốc. Cô đi ngang qua trước nhóm người đang làm việc chỗ bức tường và tiến về phía một căn nhà lớn nằm cạnh cửa nhà lao. Nhóm người lo việc xây cất không để ý gì đến cô, có lẽ cô là người qua lại thường xuyên. Cô gái có vẻ người giúp việc, mang giỏ thức ăn và tờ báo ; cả cô cũng vậy, cô cũng có vẻ quen thuộc với khung cảnh này lắm rồi.
Khi đi qua lỗ hổng bức tường, cô chậm bước. Viên cai tù quay lại nói chuyện với tù nhân. Một gói nhỏ từ tay cô gái rớt ra trên đống đá. Rồi cô quay trở lại lối đi dẫn về nhà.
Lỗ hổng trên tường nhỏ, rộng khoảng hơn hai mươi bộ, hai mươi bộ cuối cùng của một dặm. Một con đường nhỏ băng qua đó, dùng cho cả cư dân quanh vùng và tù nhân. Sắp tới, khi bức tường hoàn thành, cư dân sẽ phải tìm một lối đi khác và sẽ không thấy tù nhân xuất hiện nữa. Nhưng hiện tại con đường cũ vẫn còn đó, điểm tiếp xúc cuối cùng giữa hai thế giới - tù tội và tự do.
Khoảng hai mươi người làm việc trong nhóm xây cất, đang nâng từng tảng đá to, trộn vữa, đẩy xe cút kít. Xa hơn, một người làm việc một mình với cái bay và cái bàn xoa. Chàng thanh niên có lẽ vào khoảng hai mươi bảy tuổi, cao lớn, tóc hoe vàng, mang nẹp xanh trên tay áo và con số thêu xanh trên mũ cát két. Khi cô người làm đi ngang qua, anh không ngẩng đầu lên. Nhưng khi cô vừa đi khỏi, anh đặt cái bay xuống và băng qua lỗ hổng của tường.
Viên cai tù không để ý gì. Ngay cả cư dân vùng đó cũng thừa biết là một người « mang nẹp xanh » có thể di chuyển đó đây không hề bị theo dõi. Người tù khổ sai nâng vài tảng đá trong đống đá bỏ lên xe cút kít rồi đẩy đi qua lỗ tường. Sau mấy phút anh lại trát vữa với vẻ chuyên cần, nhưng bàn tay cầm cái bay có dấu một gói con con. Lén lút, nghe ngóng như một con chim hoảng sợ, anh chọn lúc người cai và các tù nhân khác đang bận bịu, nhét nhanh cái gói nhỏ vào dây nịt.
Vài phút sau, cô gái ra khỏi lối đi và bước chầm chậm xuống đường. Cô ngần ngừ một giây rất ngắn gần đống đá, lấy lại tờ báo rơi dưới đất rồi rảo chân rời xa sau khi liếc một cái tới « anh chàng mang nẹp xanh ».
Trên băng đá gần lối đi công cộng, trong khi những du khách đi ngang qua, cô đọc mảnh giấy mà anh đã thả rơi trên đống đá, anh viết : « Maeve yêu quí, vì Chúa, xin em đừng lo lắng quá như vậy. Ngay cho dù anh có bị ở đây suốt đời chăng nữa thì mình vẫn còn có thể gặp nhau kia mà. Em yêu, khi thành hôn, mình không hề nghĩ rằng chưa đầy một năm sau anh lại bị tù. Tuy vậy sáu năm nay anh cảm thấy gần như sung sướng ở đây, nhờ vào tình yêu và lòng can đảm của em. Sẽ có, sẽ phải có cách nào đó để mình gặp nhau ».
Cô gái làm một cử chỉ sốt ruột rồi vẫn ngồi, với cái nhìn trống vắng, đầu óc cô chú mục nghĩ tới câu chuyện đã xảy ra. Sáu năm trước, đang ở tột đỉnh hạnh phúc thì tai hoạ giáng xuống đầu họ. Buổi tối liên hoan ai cũng uống nhiều, rồi cãi cọ, một tiếng súng nổ và cuộc điều tra tiến hành. Vụ kiện xử qua loa và được án giảm khinh nhờ lòng khoan hồng. Rồi những năm tinh thần bị dằn vặt với giải pháp tuyệt vọng là đi làm con sen cho người ta để được gần anh.
Họ rất cẩn trọng. Không bao giờ, chưa một lần nào dám liều lĩnh. Một mẩu giấy vứt xuống đất hay một lời nói nhanh ; đôi khi nếu tình hình thuận lợi, họ trao nhau vội vã một cái hôn nồng nàn. Chỉ thế thôi. Tuy nhiên như anh đã nói, là anh hầu như hoàn toàn sung sướng. Nhưng bây giờ - cô làm một cử chỉ nhỏ lần nữa rồi chụp vội mảnh giấy trên đùi, với vẻ bứt rứt.
Trở lại gần bức tường mọc cao dần lên, người tù mang nẹp xanh quỳ trong một góc vắng để đọc mảnh giấy anh vừa nhặt khi nãy. Maeve viết : « Jack, anh phải nghe em. Ðây là cơ hội cuối cùng của anh. Anh không có gì để mất cả, bởi nếu anh bỏ qua dịp này, chúng ta sẽ xa nhau vĩnh viễn. Nếu anh nắm lấy cơ hội và thất bại thì điều tệ nhất có thể xảy ra là sự xa cách thôi. Chiều nay, trước khi mọi người đi về thì anh đến nhé. Thật là tuyệt vọng, em biết, nhưng chúng ta cũng đang tuyệt vọng lắm rồi ».
Người tù khổ sai nhìn quanh một cách lén lút với vẻ gì còn nặng nề hơn là nỗi lo âu trong mắt anh. Anh loáy hoáy viết vội vã trên mảnh giấy còn giữa chừng, rồi ngừng lại, thở dài rít lên và bắt đầu viết tiếp. Còn đủ thời gian vừa đúng cho một lần chuyển đá nữa trước khi các nhóm làm việc đi ăn trưa. Mấy phút sau, tù khổ sai về từ các cánh đồng và bià đường, nối tiếp nhau vượt qua lối đi của bức tường ; người ta nghe một tiếng gầm nặng nề, tiếng xì xào nổi lên trong nhà lao lớn rồi sự im lặng của buổi trưa rơi xuống Fenfield.
Trong sự yên tĩnh của bữa ăn trưa, Maeve nhặt mảnh giấy thứ hai không khó khăn gì, trước khi nhanh chân trở về với những bận rộn thường ngày trong căn nhà bên cạnh. Nhiều lần trong suốt buổi chiều, những khi nghỉ chốc lát giữa các việc làm, cô cố kềm chế tiếng nức nở khi đọc lại mảnh giấy cuối cùng. Anh viết : « Maeve yêu quí, anh tin chắc là em có lý. Nhưng không cần gì phải vội em ạ. Gượm đã, Maeve ạ, hãy gượm đã. Vẫn còn ngày mai, hay một ngày nào đó, trước khi bức tường hoàn thành. Liều lĩnh hấp tấp có khi là điên rồ. Ngày mai - hay ngày kia - nói với các anh ấy hãy sẵn sàng. J. »
Chiều xuống, khi xong mọi việc, Maeve trở lại chỗ lỗ hổng nơi con đường băng qua. Cô nhìn thẳng phía trước, không hề liếc về phía các tù nhân đang làm việc. Rồi, thình lình, cô dừng lại, nhìn sững, kinh hãi.
Phía bên trong lỗ hổng có rất đông người đang làm việc. Tất cả nhân sự tù khổ sai của Fenfield đều ở đó, một đám đông khổng lồ đang ở gần lỗ hổng. Không một người bận đồ xám nào có mặt trên đồng hay trên đường. Mọi người đều ở bên trong và bức tường mọc lên rất nhanh. Lỗ hổng khép lại.
Jack ở đó. Cô thấy anh bên kia thành lũy đang mọc dần lên trong khi anh đang làm việc giữa đám đông. Nơi lỗ hổng đã cao lên khoảng bốn bộ rồi, một bức tường dựng lên trước mắt cô. Số người làm việc đông hơn trước gấp năm lần và những tảng đá được đưa lên như có phép lạ.
Maeve nhìn chồng, đưa tay lên giữa chừng rồi buông thõng xuống. Cô kêu lên cục cục ngớ ngẩn vô nghĩa, trong khi chính anh đẩy tảng đá cuối cùng vào chỗ. Hàng cuối cùng trải dài ra hết sức nhanh đến khi chỉ còn một khoảng trống nhỏ, chỉ một ô vuông vừa đủ lồng khuôn mặt anh trong chốc lát. Anh nhìn không nói gì, nhưng đôi mắt như bật lên một tiếng kêu thảng thốt. Rồi tảng đá bịt kín khoảng trống cuối cùng và Maeve im sững, chết lặng trước bức tường khổng lồ khép kín muôn đời sự im vắng và bí ẩn bên trong.
MIÊNG
Paris, Aout 1995
PHELAN, Jim (1895-1960)
Viết truyện và tự truyện. Sinh trong một gia đình nghèo ở Dublin, Jim Phelan lần lượt làm diễn viên, thợ rèn, nhân viên nhà băng, ký giả... Ông sống cuộc đời lang thang, đôi khi phải vào tù. Từ kinh nghiệm sống này ông đã viết « Letters from the Big House » (London, Cresset, 1943) một tuyển tập truyện ngắn miêu tả thế giới lao tù với một cái nhìn sắc bén của thảm cảnh đôi khi xen lẫn khôi hài đen, như trong truyện « The Curtain » ở đây. Jim Phelan cũng viết « Bog Blossom Stories » (London, Sidgwick & Jackson, 1948), nhiều tiểu thuyết, và một quyển tự truyện « The Name's Phelan » (London, Sidgwick & Jackson, 1948).