Tchekhov

 

GẶP GỠ

Anton Tchekhov, 1887.

Efrème Denissov mơ màng nhìn vùng đất trơ trụi chung quanh. Cái khát hành hạ, lão quằn quại vì đau đớn khắp châu thân. Con ngựa cũng có vẻ mệt lả, kiệt sức dưới cái nóng thiêu đốt, và không được ăn uống từ lâu, rũ đầu buồn bã. Con đường dốc lài lài xuống khu rừng thông mênh mông. Những ngọn cây tan loãng tới tận xa tít, cùng màu xanh với bầu trời. Người ta chỉ thấy chim uể oải bay và bầu không khí run rẩy trong những ngày hè oi bức nhất. Khu rừng nổi lên như những ụ đất, càng lúc càng cao và cái thảm xanh quỷ quái kinh dị này dường như vô tận.

Efrème tới từ làng sinh quán, thuộc tổng trấn Koursk, để quyên tiền cho ngôi nhà thờ bị cháy. Trong xe (1) đặt một tranh thánh vẽ trên gỗ, Ðức Mẹ Kazan, mà nắng mưa đã làm phồng hở và dộp vảy. Trước bức tranh là hộp quyên tiền bằng sắt trắng, thành vách lồi u lên, hé một khe khá rộng có thể nhét cái bánh bích qui vào không khó khăn gì.

Một tấm biển trắng đóng đinh sau xe, viết lớn bằng chữ in ngày nào, tháng nào, năm nào, ở làng Malinovstsy, « Do thánh ý Chúa, ngọn lửa hoả hoạn đã thiêu hủy nhà thờ », rằng với sự cho phép và ban ơn của những vị có thẩm quyền, cộng đồng đã quyết định phái « những người tình nguyện » đi quyên tiền về xây lại thánh đường. Bên cạnh xe treo cái chuông buộc vào một thanh ngang, nặng khoảng mười kí lô.

Efrème không định được mình đang ở đâu và khu rừng mênh mông không hứa hẹn có cư dân nào ở gần. Lão dừng một lát, sửa lại đai mông ngựa và cẩn trọng đi xuống con đường dốc. Chiếc xe rung rinh, chuông phát ra những âm thanh làm gián đoạn cái im vắng chết người của một ngày nóng thiêu nóng đốt.

Trong rừng, bầu không khí ngột ngạt mùi nhựa gai thông, mùi rêu và mùi lá mục rực lên đón khách. Người ta chỉ nghe tiếng vo ve nhè nhẹ,ï vang vang, quấy rầy của muỗi và bước chân điếc tai của Efrème. Xuyên qua rừng xanh, các tia nắng lướt mình dọc thân cây và những nhánh chồi bên dưới, rồi tạo nhiều vòng tròn nhỏ trên nền đất râm chồng chất gai thông. Ðó đây một cây dương xỉ hay cây mận còi chĩa lên bên cạnh thân cây ; chung quanh chẳng có gì khác.

Efrème vừa bước bên cạnh xe vừa vỗ về con ngựa. Ðôi khi bánh xe vấp vào rắn rễ cây bò ngang qua đường, cái chuông kêu leng keng phàn nàn như thể ngay cả nó cũng mệt bở hơi.

Một giọng cứng ngắc chối tai bỗng vang lên cạnh Efrème :

- Chào ông nội ! Chúc đi đường bình an !

Một nông dân khoảng ba mươi, cặp giò dài, đang nằm cạnh đường, đầu gối lên tổ kiến. Gã bận chiếc sơ mi vải và chiếc quần bó không phải kiểu nhà quê, hai gấu nhét vào ủng đỏ, thấp. Cạnh đầu gã là cái mũ cát-két của nhân viên nhà nước, dơ tới nỗi chỉ một cái dấu nhỏ của chiếc phù hiệu mới cho phép đoán được màu nguyên thủy. Giấc nghỉ ngơi của gã nông dân có vẻ không yên tĩnh : trong khi Efrème quan sát thì tay chân gã quơ quậy không ngừng như thể bị muỗi xé xác hoặc bị bịnh ghẻ hành hạ. Nhưng mặt mày gã thì coi còn dị hợm hơn quần áo hay cử chỉ nữa. Cả đời, Efrème chưa gặp ai như vậy bao giơ. Xanh xao, tóc thưa thớt, cằm vểnh ra, một nhúm lông điểm phía trên trán, nhìn nghiêng trông mặt gã như vầng trăng lưỡi liềm. Mũi và hai tai nhỏ dị kỳ, mắt không linh động và nhìn chằm chặp vào một điểm trong không như mắt kẻ đần hay người kinh ngạc điều gì. Và để cho sự kỳ dị được trọn vẹn, cái đầu gã bẹp dí xuống hai bên làm lộ nửa vòng tròn bên dưới của sọ. Efrème hỏi :

- Này con chiên, nói nghe, từ đây tới làng còn xa không ?

- Không, không xa lắm. Tới thị trấn Maloié chừng hơn năm cây số thôi (2).

- Tôi khát không chịu nổi.

Gã nông dân lạ lùng nói với một nụ cười :

- Làm sao không khát được. Trời nóng khủng khiếp ! Nóng tới năm mươi độ hay hơn... Người ta tên gì nhỉ ?

- Efrème, anh bạn ạ.

- Còn tớ tên là Kouzma. Ðằng ấy có biết câu ngạn ngữ của mấy mụ mai không : « Tôi có Kouzma trong tay, ngày mai sẽ là ngày cưới ».

Ðặt chân trên bánh xe, gã leo lên, chu môi hôn bức tranh thánh, hỏi :

- Ðằng ấy đi xa hả ?

- Xa, anh bạn ạ !... Tôi ở tổng trấn Koursk, tận Moscou, mà bây giờ thì vội vàng tới Nijni cho kịp bữa hội chợ.

- Ðằng ấy đi quyên cho nhà thờ hả ?

- Cho nhà thờ, anh bạn ạ. Cho Nữ Hoàng Kazan của cõi trời... Nhà thờ chúng tôi cháy rụi rồi !

- Sao mà bị cháy ?

Lưỡi dày cộm lên vì mệt, Efrème bắt đầu kể hôm trước ngày thánh Elie, sấm sét đã đánh xuống nhà thờ Malinovstsy như thế nào. Chẳng hẹn mà như có định trước : hôm ấy cả dân làng và các tu sĩ đều ở ngoài đồng !

- Những người còn ở trong làng thấy khói, muốn đánh chuông báo động, nhưng phải tin là nhà tiên tri Elie căm phẫn gì chúng tôi : cửa nhà thờ khoá, và như vậy là cả gác chuông làm mồi cho lửa, không cách nào tới chỗ cái chuông được... Chúng tôi từ đồng trở về thấy toàn thể nhà thờ bị thiêu hủy. Chúa ơi, thấy mà sợ, không ai dám tới gần !

Kouzma vừa nghe vừa đi theo người khách. Gã chưa ăn uống gì mà bước chân thì như người say : hai cánh tay đong đưa, khi thì bước bên cạnh xe, khi thì đi phía trước... Gã dò hỏi :

- Vậy thì họ trả lương cho đằng ấy hay sao ?

- Lương gì ? Vì linh hồn mà tôi làm. Cộng đồng gửi tôi đi...

- Vậy thì đằng ấy làm miễn phí à ?

- Bạn muốn ai trả công tôi ? Tôi không đi tự nguyện, cộng đồng cử tôi đi, rồi chính cộng đồng sẽ gặt hái, sẽ gieo mạ và sẽ trả thuế cho tôi... Như vậy thì đâu có miễn phí !

- Ðằng ấy sống bằng cái gì ?

- Tôi nhân danh Chúa xin của bố thí.

- Còn con ngựa thiến này, nó cũng của cộng đồng à ?

- Thì chớ sao...

- Này, này... Ðằng ấy có thuốc lá chứ ?

- Tôi không hút thuốc bạn ạ.

- Nếu con ngựa kiệt sức thì đằng ấy làm sao ? Làm sao đằng ấy di chuyển ?

- Sao lại kiệt sức ? Nó không kiệt sức đâu...

- Còn nếu... rủi kẻ cướp tấn công đằng ấy thì sao ?

Kouzma còn ba hoa đặt cả lố câu hỏi nữa : tiền và con ngựa sẽ ra sao nếu Efrème chết ? Nếu cái hộp đầy tới miệng thì người ta bỏ tiền vào đâu ? Rủi cái đáy hộp sút ra thì sao ? Efrème không trả lời được và chỉ vừa thở vừa nhìn người bạn đồng hành, rất đỗi ngạc nhiên.

Kouzma nắm tay đẩy cái hộp và liến thoắng :

- Ê, nó đầy quá nè ! Nặng cách gì ! Chắc chắn là nó có cả đống tiền bằng bạc trong bụng, nhỉ ? Chà, nếu chỉ toàn những đồng bằng bạc ! Này, đằng ấy gom góp được nhiều chớ hả ?

- Tôi không đếm, tôi không biết. Người cho tiền đồng, kẻ cho tiền bạc. Nhưng bao nhiêu thì tôi không thấy.

- Còn bạc giấy, có chứ hả ?

- Nhà giàu có cho bạc giấy, cả quý tộc và nhà buôn nữa.

- Những tờ giấy bạc đó, đằng ấy cũng để trong hộp à ?

- Ðâu được ! Bạc giấy mỏng manh, dễ rách... Tôi bọc trong túi trước ngực.

- Và đằng ấy có được bao nhiêu ?

- Khoảng hai mươi sáu rúp (3).

- Hai mươi sáu rúp, Kouzma vừa nói vừa so vai, quê tớ ở Katchabrov - muốn hỏi ai thì cứ hỏi đi - nội mấy cái đồ án nhà thờ mà người ta đã cúng ba ngàn rúp rồi ! Tiền của đằng ấy không đủ để mua đinh ! Thời buổi này, hai mươi sáu rúp chỉ đáng khạc một cái ! Bạn già ơi, nội giá trà đã là một rúp rưỡi nửa kí lô rồi, mà người ta còn không muốn bán... Ðằng ấy thấy thuốc tớ hút đây không ? Với tớ thì được, vì tớ chỉ là nông dân, một người giản dị. Nhưng với một sĩ quan hay sinh viên...

Kouzma thình lình chặp hai tay lại và luôn luôn tươi cười :

- Tại bót cảnh sát, cùng lúc với tớ có một người Ðức làm việc ở sở hoả xa. Cái gã ấy, ô bạn già ơi, gã hút xì gà mỗi điếu giá mười kô-pếch (3). Hả ? Mười kô-pếch ! Họ đốt dễ dàng cả trăm rúp mỗi tháng như không. Ông nội nghĩ sao về chuyện đó ?

Gã suýt nghẹt thở vì kỷ niệm dễ chịu này, và cặp mắt bất động bắt đầu nhấp nháy. Efrème hỏi :

- Vậy là bạn đã nằm bót cảnh sát à ?

- Gì mà họ chỉ mới thả tớ ra hôm qua thôi, Kouzma vừa nói vừa nhìn lên trời, tớ ở đó một tháng tròn.

Chiều xuống. Mặt trời đã lặn rồi mà cái nóng ngộp thở vẫn không giảm. Kiệt sức, Efrème ơ hờ nghe người bạn đường. Họ gặp một nông dân và biết là thị trấn Maloié chỉ còn cách xa chừng hơn cây số. Lại thêm một đoạn đường nữa rồi chiếc xe ra khỏi rừng ; một khoảng rừng trống hiện ra, và như được tạo nên bởi quyền năng ảo thuật, một bức tranh sống động tràn ngập ánh sáng và tiếng ồn xuất hiện trước mắt hai người bộ hành. Chiếc xe đụng một đàn bò, cừu và ngựa bị xích chân. Phía sau đàn thú vật là đồng cỏ, lúa mì và đại mạch xanh ngắt, hoa mạch ba góc nở trắng toát. Xa hơn, thị trấn Maloié và ngôi nhà thờ thấp như sát tới đất. Bên kia làng là một khu rừng khác hầu như đen kịt, trải dài ra xa tít. Kouzma nói :

- Moloié đây rồi. Nông dân ở đây sướng như công tử bột, nhưng toàn là một bọn cướp cả đấy.

Efrème bỏ mũ ra và rung chuông. Hai nông dân ở gần giếng bìa làng bước tới cạnh xe. Họ hôn tranh thánh và hỏi những câu quen thuộc như bạn đi đâu, bạn từ đâu tới...

- Này bà con ơi, phải cho người của Chúa uống cái đã, Kouzma bắt đầu liến thoắng vừa vỗ vai hai người, nhanh lên !

- Làm sao mà tao họ hàng với mày được ? Từ bao giờ ?

- Giáp trưởng của anh với của tui là bà con cô cậu. Bà ngoại anh đã kéo râu ông nội tui từ làng Krasnoié !

Suốt thời gian chiếc xe tới làng, Kouzma không ngừng tía lia và níu kéo người qua kẻ lại. Gã giằng cái mũ của người này, thụi vào bụng người kia, kéo râu người nọ. Gã gọi các bà các cô nông dân là cưng, là nhỏ, là mẹ thương yêu của gã. Ðối với các ông thì tùy theo điểm đặc biệt bên ngoài của họ, hoặc là anh tóc hung, chàng ngựa hồng, cậu mũi lõ, thằng chột... Cách pha trò này gợi được tiếng cười vui nhộn thẳng thắn. Chẳng bao lâu gã gặp mấy người quen. Nhiều tiếng kêu nổ ran : « À, bồ đấy hả Kouzma Chkvorenn ! Chào thằng bị treo cổ ! Ra tù bao giờ vậy ? »

- Cho người của Chúa uống cái đã, các bồ ơi, Kouzma vừa lặp đi lặp lại vừa đong đưa hai tay. Nhanh lên ! Nhanh hơn nữa !

Gã làm vẻ quan trọng và hét thật to, tự cho mình vai trò che chở hay hướng dẫn « người của Chúa ».

Người ta chỉ định Efrème qua đêm trong căn nhà gỗ của bà cụ Avdotia, dân hành hương hay bộ hành thường trú ngụ ở đấy. Efrème thong thả tháo ngựa rồi dẫn tới máng nước gần giếng và tán gẫu với mấy người nông dân cả nửa tiếng đồng hồ. Rồi đi nghỉ. Kouzma đã đợi lão trong căn nhà gỗ.

- A ông bạn đây rồi ! Gã nông dân kỳ dị kêu lên vui vẻ. Tới quán uống trà không ?

- Trà hả ? Tốt quá, Efrème vừa nói vừa gãi, tốt quá, hẳn rồi, nhưng tôi không có gì cả bạn ạ. Bạn mời tôi hay sao ?

- Mời đằng ấy à... tiền đâu ?

Thất vọng, Kouzma dậm chân tại chỗ, rồi ngồi xuống, nghĩ ngợi. Về phần Efrème thì vừa thở dài vừa gãi gãi với cử chỉ vụng về, lão đặt bức tranh thánh và hộp quyên tiền trong « góc đỏ » (4) của căn nhà, rồi cởi bỏ quần áo giày vớ, ngồi xuống. Một lát, lão đứng lên, đặt hộp tiền lên ghế dài, ngồi xuống lại và bắt đầu dùng bữa. Lão nhai chậm chạp như bò cái và húp nước sì sụp.

- Mình nghèo quá ! Kouzma thở ra. Bây giờ mà uống được miếng vodka hay miếng trà thì tuyệt...

Hai cửa sổ nhìn ra đường chỉ để lọt vào chút ánh sáng dè xẻn. Bóng tối bao trùm cả làng, những căn nhà gỗ trở nên tối tăm, đường biên của ngôi nhà thờ đã mờ nhạt, trải rộng ra và dường như chui vào lòng đất... Một ánh đỏ yếu ớt của mặt trời lặn phản chiếu lại, lấp lánh nhẹ nhàng trên chiếc thập giá gác chuông.

Xong bữa, Efrème ngồi bất động hồi lâu, tay đan trên gối, dán mắt vào cửa sổ. Lão đang nghĩ ngợi gì ? Trong cái im lặng của chiều, khi người ta chỉ thấy trước mặt mình một cái cửa sổ mờ đục và phía sau là thiên nhiên đang từ từ dịu xuống, khi người ta nghe tiếng sủa khàn khàn của những con chó lạ và tiếng đàn xếp the thé, thì khó lòng mà không tưởng nhớ tới gia đình. Chỉ những kẻ sống lang thang, những kẻ phải cách xa người thân, vì sự khốn cùng, một điều bất đắc dĩ, hay một sự gàn dở nào đó, mới hiểu thấm thía là buổi tối yên tĩnh ở một vùng quê xa lạ mới dài dằng dặc và kinh khủng cỡ nào.

Rồi thì, Efrème, đứng trước tượng thánh, ân cần đọc kinh thật lâu. Vừa ngả lưng lên băng ghế để ngủ, lão thở ra một hơi dài và thốt lên, như thể không giữ được :

- Cậu rõ là một người buồn cười... Chỉ có trời mới biết cậu được cấu tạo như thế nào !

- Tại sao vậy ?

- Tại vì... Cậu chẳng giống ai. Cậu cười ngớ ngẩn, cậu nói không lý do, cậu vừa từ bót cảnh sát ra ...

- Ðằng ấy chỉ chực có vậy thôi ! Có khối tay bảnh bao ở bót cảnh sát đấy ! Ðằng ấy này, bót cảnh sát chẳng là cái quái gì cả, tớ ở đó cả năm cũng được, nhưng mà nhà tù thì hoàn toàn khác hẳn. Thiệt tình là tớ đã vào tù ra khám ba lần rồi, và không tuần nào mà ở toà án nông dân, người ta không quất cho tớ một trận... Tụi nó đều chống lại tớ cả, mấy thằng khốn ấy... Cộng đồng muốn đày tớ đi Sibérie. Họ đã tuyên án rồi đấy.

- Chắc hình phạt đó cũng chẳng oan uổng gì !

- Tớ cóc cần ! Người ta có thể sống ở Sibérie như ở mọi nơi khác.

- Còn bố mẹ cậu, còn sống chứ ?

- Ổng bả rầy rà tớ quá. Ừ, ổng bả còn sống, chưa ngoẻo...

- Thế còn điều « phải thảo kính với cha mẹ », thì cậu làm gì ?

- Tớ cóc cần... Ðối với tớ thì bố mẹ tớ là kẻ thù ghê gớm nhất của tớ, chính ổng bả đánh mất tớ ! Ai đã xui khiến cộng đồng chống lại tớ ? ỔÂng bả chớ ai, với cái ông chú Stéphane của tớ... Không có ai khác vào đấy cả...

- Làm sao cậu biết được, hả đồ ngốc ? Cộng đồng đâu có cần tới ông chú Stéphane mới biết cậu là người như thế nào... Còn tại sao mấy người nông dân ở đây lại gọi cậu là « thằng bị treo cổ ? »

- Tại vì, khi tớ còn trẻ, thiếu chút nữa là mấy cha nông dân giết tớ rồi. Họ đã treo cổ tớ lên cây, mấy thằng chết tiệt đó. Tạ ơn Chúa, mấy người nông dân Ermolinsk đi ngang qua thấy, đã cứu tớ...

- Một phần tử có hại cho xã hội !

Efrème vừa nói vừa thở ra. Rồi lão quay mặt vào tường, chẳng bao lâu đã ngáy.

Giữa đêm, khi lão thức dậy ra thăm ngựa thì Kouzma không có đó. Một con bò cái trắng đứng trước cửa mở toang, êm ả nhìn vào lối đi và cạ sừng vào khung cửa. Mấy con chó đang ngủ say. Bầu không khí bình yên tĩnh lặng. Xa xa trong bóng tối, giữa cái im vắng ban đêm, một con gà nước gáy to lên và con chim cú nức nở từng tràng dài.

Tới bình minh, khi Efrème tỉnh dậy lần thứ hai thì Kouzma đang ngồi ở bàn, trên chiếc băng dài, vẻ trầm ngâm. Một nụ cười ngây ngô của người say rượu đông cứng lại trên khuôn mặt xanh xao của gã. Những ý nghĩ hân hoan và đầy kích động chắc đang chao lượn trong cái đầu bẹp dí ; gã hổn hển như thể vừa leo núi.

- A, người của Chúa ! Gã nói khi thấy Efrème thức dậy, rồi tiếp theo với nụ cười ngượng nghịu. Ðằng ấy ăn bánh mì trắng không ?

- Cậu đi đâu về vậy ? Efrème hỏi.

- Hi-i-i, hi-i-i.

Kouzma làm như vậy cả chục lần mà không bỏ nụ cười đông cứng trên mặt, rồi cuối cùng người lảo đảo vì cái cười co giật :

- Tớ uống... trà...trà, và rượu...vodka.

Rồi gã bắt đầu dông dài kể trong quán rượu, gã đã uống trà và vodka với những người chạy xe hàng ghé qua như thế nào. Vừa nói, gã vừa rút trong túi ra mấy que diêm, một phần tư gói thuốc và vài cái bánh mì trắng nhỏ...

- Ðây là diêm Thụi Ðiểng, cầm này ! Pxi... Vừa nói gã vừa lần lượt đốt mấy que diêm và châm thuốc. Thuốc lá Thụi Ðiểng chính cống ! Xem này !

Efrème vừa ngáp vừa gãi, rồi thình lình như bị chích, lão nhảy dựng, vén sơ mi lên và rờ rẫm chiếc ngực trần. Rồi cứ dậm chân tại chỗ như gấu, lão cầm từng cái quần cái áo cũ mèm lên khám xét, nhìn dưới chiếc ghế dài, mằn mò vào ngực...

- Tiền biến mất rồi !

Lão nói, bất động trong nửa phút nhìn sững cái ghế với vẻ ngơ ngác, rồi bắt đầu tìm kiếm.

- Thánh Nữ Ðồng Trinh, tiền biến mất rồi ! Cậu nghe không ? Lão nói với Kouzma. Tiền biến mất rồi !

Kouzma chăm chú ngắm nghía hình vẽ trên hộp diêm, im lặng.

- Tiền đâu ? Efrème vừa hỏi vừa bước tới phía Kouzma.

- Tiền nào ? Kouzma hờ hững hỏi giữa hai kẽ răng, không rời mắt khỏi hộp diêm.

- Thì tiền... mà tôi giữ trên ngực đấy !

- Tại sao đằng ấy quấy rầy tớ vậy ? Nếu mất tiền thì tìm đi chứ !

- Tìm ở đâu ? Tiền đâu ?

Kouzma nhìn khuôn mặt đỏ rựng của Efrème và bất giác mặt gã đỏ theo :

- Tiền gì ? Gã vừa la to vừa đứng lên.

- Thì hai mươi sáu rúp ấy !

- Chắc là tao lấy hả ? Mày làm tao bực quá, thằng khốn !

- Chẳng có ai là khốn nạn cả. Chỉ cần nói cho tôi biết tiền đâu ?

- Tao lấy hả ? Tao ? Nói nghe : tao lấy hả ? Tao sẽ làm cho mày thấy tiền, đồ chết tiệt, sau đó thì mày sẽ không còn nhận ra bố mẹ mày nữa !

- Nếu không phải mày thì tại sao mày che mồm ? Nhất định là mày chứ ai ! Chớ tiền nào mà mày tiệc tùng suốt đêm ở quán, rồi còn mua thuốc lá bằng cách nào ? Mày chỉ là một thằng ngốc, một thằng lố bịch ! Có phải mày gây thiệt hại cho tao đâu. Không, mày gây thiệt hại cho Chúa đấy !

- Tao... tao lấy tiền hả ? Hồi nào ? Kouzma la lên với giọng chát chúa.

Gã đưa tay lên và giáng quả đấm vào ngay mặt Efrème.

- Này, cho mày đấy ! Muốn nữa không ? Tao đếch cần mày là người của Chúa hay không.

Efrème đành lắc đầu, và không nói không rằng, bắt đầu mang giày.

- Ðồ bịp bợm. Kouzma la to, càng lúc càng kích động. Nó uống hết tiền rồi bây giờ đi buộc tội người khác, cái con chó già này ! Tao, tao sẽ đi kiện ! Mày sẽ vào tù vì tội vu khống và đừng có hòng được thả ngay !

- Nếu mày không lấy tiền, thì thôi im đi . Efrème bình tĩnh nói.

- Này, mày cứ soát tao đi.

- Tại sao mày lại muốn tao lục soát mày, nếu mày không lấy gì cả ? Không phải là mày thì thôi, được rồi... La lối vô ích : mày không la to bằng Chúa đâu.

Efrème mang giày xong và ra khỏi nhà. Khi lão trở lại, Kouzma mặt vẫn còn đỏ rực, đang ngồi bên cửa sổ, châm một điếu thuốc với hai tay run run. Gã gầm gừ :

- Quỷ già à, bọn chúng mày la cà ở đây rất đông và đánh lừa thiên hạ. Có điều, với tao, mày vô phước, quỷ già à. Mày không bịp được tao đâu. Tao biết rõ mấy trò này quá rồi. Ði tìm người đại diện đi (5).

- Ðể làm gì ?

- Ðể lập biên bản. Cứ đem ra xử trước toà án nông dân !

- Xét xử chúng ta vô ích. Tiền không phải của tao, nó là của Chúa. Hãy để Chúa phán xét chúng ta.

Efrème đọc kinh, rồi mang tranh thánh cùng hộp quyên tiền ra khỏi căn nhà gỗ.

Một giờ sau xe lão vào rừng. Làng Maloié, ngôi nhà thờ thấp, khu rừng thưa cùng ruộng đồng lùi xa dần và biến mất trong màn sương sáng. Mặt trời đã lên nhưng còn ẩn mình sau khu rừng, chỉ ửng vàng các bià mây hướng về phía đông.

Kouzma lẽo đẽo theo xe cách một quãng. Gã có vẻ như người bị xúc phạm nặng nề và bất công. Bị cái háo hức muốn nói gặm nhấm nhưng gã cố làm thinh, chờ chính Efrème phá tan bầu im lặng.

- Gây chuyện với đằng ấy chẳng thú vị gì cho tớ, nếu không tớ sẽ cho đằng ấy nếm đủ mùi, gã nói như nói với chính mình, tớ sẽ dạy đằng ấy vu khống người khác, đồ quỷ sói...

Nửa giờ trôi qua trong im lặng. Người của Chúa vừa đọc kinh vừa bước, làm dấu thánh vội vàng, thở ra thật sâu và bắt đầu tìm bánh mì trong xe.

- Tụi mình sắp tới Telibéievo rồi, Kouzma bắt đầu, toà hoà giải ở đó. Ðằng ấy cứ việc kiện đi.

- Cậu cứ nói để chẳng nói gì cả. Chuyện đó ăn nhằm gì tới ông toà ? Có phải tiền của ổng đâu ? wTiền của Chúa. Cậu phải biện minh trước Chúa mà thôi.

- Thằng chả chỉ biết lải nhải : Chúa ! Chúa ! Cứ như con quạ. Như vầy nè : nếu tớ ăn cắp, phải xét xử tớ. Nếu không thì đằng ấy phải trả lời về tội vu khống của mình.

- Làm như thể tôi có thì giờ chạy theo mấy cái toà án !

- Vậy thì đằng ấy không tiếc tiền à ?

- Tại sao tôi lại tiếc ? Không phải tiền của tôi, tiền của Chúa mà...

Efrème miễn cưỡng trả lời, không xao động, và mặt lão lạnh lùng thản nhiên như thể không tiếc tiền hay đã quên sự mất mát rồi. Vẻ lạnh lùng này làm Kouzma bối rối và kích động, bởi đối với gã, đó là điều khó hiểu.

Ðáp lại tội lỗi bằng mưu mẹo hay hung bạo là chuyện thường tình, chớ lăng nhục bằng sự thản nhiên như vậy gây nên một nỗi dày vò làm kẻ xúc phạm trở thành người bị xúc phạm. Nếu Efrème phản ứng như mọi người, nghĩa là nếu lão giận dữ, gây gổ với kẻ phạm tội, nếu lão đâm đơn kiện và quan toà kết án tù Kouzma hay xếp vụ án lại vì « thiếu bằng cơ », thì hẳn Kouzma đã được yên lòng ; còn bây giờ, bước theo chiếc xe, gã có vẻ như người thiếu thốn một cái gì.

- Tớ không lấy tiền của đằng ấy ! Gã nói.

- Cậu không lấy thì thôi, đừng nói tới chuyện đó nữa.

- Khi tới Télibéievo, tớ sẽ gọi người đại diện. Ông ta sẽ làm sáng tỏ vấn đề !

- Không có gì phải làm sáng tỏ cả. Ðâu phải tiền của ông ta. Còn cậu, anh bạn ạ, tốt hơn là cậu để tôi yên. Hãy đi đường của cậu đi ! Tôi chán nhìn thấy cậu rồi.

Kouzma nhìn trộm người bạn đồng hành hồi lâu, bối rối, cố tìm hiểu những ý nghĩ trong đầu và cái ý đồ khủng khiếp mà chắc là lão ta phải đang che dấu trong lòng ; cuối cùng gã quyết định đổi giọng :

- Ðồ láu cá, ngay cả cười với thằng chả cũng không được nữa, nổi nóng tức thì... Ê đây này, tiền của ông đây này ! Ðùa chơi thôi mà !

Gã rút túi ra mấy tờ bạc một rúp và chìa cho Efrème.

Như thể chờ đợi chuyện này, không biểu lộ chút ngạc nhiên hay vui vẻ, Efrème cầm tiền và lẳng lặng nhét vào túi.

- Tớ chỉ muốn đùa một tí, Kouzma vừa tiếp lời, vừa dò xét nét mặt dửng dưng của người kia, tớ muốn làm cho đằng ấy sợ. Tớ tự nhủ ê, mình sẽ làm cho ông già hoảng lên, rồi sáng hôm sau thì trả lại. Có hai mươi sáu rúp tất cả, còn lại chín hay mười... Mấy thằng cha xe hàng lấy hết của tớ... Ðừng giận nghe, ông nội ! Không phải tớ uống đâu, mấy thằng ôn dịch xe hàng đấy... Tớ thề trước Chúa !

- Tại sao tôi phải giận ? Tiền của Chúa mà. Cậu xúc phạm Nữ Hoàng của cõi trời chứ có phải tôi đâu...

- Tớ chỉ uống có một rúp thôi, thiệt như sự thật mà...

- Ăn thua gì tới tôi cơ chứ ? Cậu có thể xài hết cho việc nhậu nhẹt, tôi cũng cóc cần. Là một rúp hay một kô-pếch, đối với Chúa cũng như nhau. Cũng cùng một giá.

- Thôi đừng giận mà, ông nội ! Nói thiệt rồi, đừng giận. Thiệt mà !

Efrème giữ im lặng. Kouzma nhấp nhấp mí mắt, khuôn mặt gã có vẻ ngây ngô và thảm hại.

- Tha lỗi cho tớ, vì tình yêu Chúa, gã nói và nhìn vào gáy Efrème với vẻ van nài. Ðừng giận, ông nội à. Chỉ là đùa chơi thôi mà !

- A, cuối cùng thì cậu quấy rầy tôi quá, Efrème bực dọc nói, tôi đã nói với cậu rồi, không phải tiền của tôi. Hãy xin Chúa tha tội cho cậu, còn tôi thì chẳng can hệ gì vào đấy cả.

Kouzma nhìn bức tranh thánh, bầu trời, cây cối, như thể tìm kiếm Chúa, rồi mặt gã co lại trong nỗi khiếp hãi. Trước sự im vắng của khu rừng, sắc màu khô khan và nghiêm nghị của bức tranh, sự thản nhiên khác thường và vô nhân đạo của Efrème, gã cảm thấy lẻ loi, vô phương tự vệ, như bị giao cho một Thượng đế độc đoán và giận dữ phán xét.

Gã chạy vượt lên trước Efrème, rồi nhìn thẳng vào mắt lão như để tin chắc rằng gã không phải một mình :

- Tha lỗi cho tôi, nhân danh Chúa, gã nói, toàn thân run rẩy, tha lỗi cho tôi đi, ông nội !

- Ðể tôi yên nào !

Kouzma nhìn một lần nữa lên trời, cây cối, chiếc xe, bức tranh thánh, rồi sụp xuống chân Efrème. Trong cơn hãi hùng, gã bập bẹ cái gì không đầu đuôi, đập trán xuống đất, ôm ghì lấy chân ông lão và oà khóc như một đứa bé.

- Ông nội thân yêu ! Bạn thân yêu ! Người của Chúa !

Lúc đầu lúng túng, Efrème lùi lại đẩy kẻ van xin ra, rồi tới phiên lão lặng ngắm bầu trời, lo sợ. Cảm thấy lo âu và tội nghiệp đứa ăn cắp, lão thuyết giáo :

- Khoan đã nào, anh bạn, nghe tôi đây ! Nghe những điều tôi sắp nói đây này, đồ ngốc ! Ê, gì mà tỉ tê như đàn bà vậy ! Này, nếu cậu muốn Chúa tha tội cho, thì ngay khi về tới làng, hãy đi tìm ông giáp trưởng... Cậu nghe không đấy ?

Và lão bắt đầu giải thích cho Kouzma nghe phải làm gì để xoá bỏ tội lỗi : trước hết là phải thú tội với ông giáp trưởng, làm phép giải tội, rồi thì thu góp và gửi tới Malinovsty số tiền đánh cắp uống rượu ; và trong tương lai thì phải cư xử trong sạch, chân thật, phải nhã nhặn không say sưa đúng như con chiên. Nghe mấy lời đó, Kouzma dịu dần ; chẳng bao lâu gã có vẻ như quên mất nỗi buồn ; gã lại chọc phá Efrème, lại liến thoắng... Không một phút ngừng nói, gã lại lôi ra chuyện những công tử bột, chuyện ở bót cảnh sát, chuyện người Ðức, chuyện trong tù - tóm lại, những gì gã đã kể hôm trước. Rồi gã cười dòn tan, chập tay lại, bước lùi vẻ nghiêm trọng như thể đang kể điều gì mới mẻ lắm. Gã diễn tả một cách thoải mái, kiểu kẻ từng trải đã mài nhẵn gót giày khắp nơi, điểm câu chuyện bằng những câu khôi hài hay châm ngôn ; coi vậy chớ nghe thì khiếp lắm, bởi vì gã lặp đi lặp lại, thường ngừng giữa chừng để bắt lại ý nghĩ đã lạc lối, rồi nhíu mày, xoay vòng, vung vẩy cánh tay... Và toàn là những điều huênh hoang láo lếu !

Ðến trưa, khi xe dừng lại ở Télibéievo, Kouzma vào quán rượu. Efrème nghỉ ngơi suốt hai tiếng đồng hồ mà gã kia vẫn chưa rời khỏi quán. Người ta nghe tiếng gã thề thốt, khoe khoang và đập tay lên quầy, trong khi những nông dân say sưa thì xúm lại chế giễu gã. Và khi Efrème rời làng, một trận xô xát bắt đầu xảy ra trong quán : Kouzma hăm dọa ai đó với giọng chói tai và la to lên là gã sẽ cho gọi cảnh sát.

 

MIÊNG

Dịch theo bản tiếng Pháp của Génia Canac

« Une Rencontre »,

Paris, Mai 1998-Aout 2000

_________________________

Chú thích của người dịch :

(1) Bản tiếng Pháp : la télègue : xe ngựa 4 bánh ở Nga.

(2) Năm verstes ; 1 verste = 1067 mét.

(3) 1 rouble ăn 100 kopecks, tiền Nga vào thế kỷ 17.

(4) Trong một góc, người ta đặt tranh thánh và ngọn đèn nhỏ, gọi là « góc đỏ », nơi thiêng liêng của căn nhà. Ăn cắp đồ đạc để chỗ này là nghịch đạo.

(5) Tiếng Nga : Starosta, là người đại diện nông dân, trung gian giữa chủ đất và tá điền.


 

 

TCHEKHOV, Anton Pavlovitch (1860-1904)

Viết truyện và kịch. Anton Pavlovitch Tchékhov là một trong những tiểu thuyết gia Nga tiêu biểu của thế kỷ 19, đồng thời cũng được xem là nhà văn cởi mở nhất trước ảnh hưởng của các trào lưu quốc tế. Tốt nghiệp y khoa, ông đã từng hành nghề tại nhiều bệnh viện, cho đến cuối đời. Song ngay từ thời còn đi học, ông đã viết cho nhiều báo trào lộng để kiếm tiền giúp gia đình. Sau đó, ông chuyển từ truyện ngắn sang viết truyện dài và kịch, từ báo trào lộng sang cộng tác với các tạp chí văn học. Về chính trị, ông cũng đổi hướng từ phía bảo thủ sang cánh tả. Vào Hàn Lâm Viện năm 1899, ông từ chức năm 1902, để phản đối việc trục xuất Maxime Gorki. Từ 1896, bệnh lao trở nặng, ông phải sang Pháp và Ðức nhiều lần để chữa bệnh, và cuối cùng mất tại vùng Rừng Ðen ở Ðức. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng. Truyện : « La Steppe », « L'Ile Sakharine », « Douchetchka », « Le Récit d'un inconnu », « Le Moine noir » ... Kịch : « Ivanov », « La Mouette », « L'Oncle Vania », « Les Trois soeurs », « La Cerisaie »...