HonTheCuaBien

 

Chương 3.

 

 

KÝ ỨC THỜI GIAN

 

 

Bà cụ ngưng lại húng hắng trong cổ họng, cô phóng viên vội vàng trao cho bà ly nước. Một lát ông cụ ông lắc đầu:

- À ờ, anh chị thấy đó, đời sống tự nhiên như khép lại, rắc rối lợn cợn sao sao. Mỗi cuối tuần chúng tôi lại tụ họp về nhà Dương Cúc vì “không muốn bỏ cu Hải một mình”, và ăn chay. Muốn mọi việc như xưa không thể nào được nữa. À ờ hồi giờ Cúc Dương thương yêu trẻ nhỏ như con, nhưng bây giờ cũng đâm ra hơi xa cách một chút. À ờ, hiểu được thôi, chúng nó gợi nhớ hình ảnh cu Hải quá mà.

 

 

Bà cụ lật album, ngừng lại ở tấm hình bốn đứa nhỏ bận đồng phục do Thúy sắm, mỉm cười:

- Anh chị coi nè, trẻ nhỏ như anh em. Tụi này cứ chọc bà Thúy, nói bà cho chúng nó ăn bận như trong trại mồ côi. Mà ăn bận gì đi nữa thì thằng Hải với bé Ti cũng luôn luôn nổi bật, hai đứa con chúng tôi thua xa.  Khác với bố, cu Hải lém lỉnh dễ thương lắm, ai gặp cũng thương ngay. Nó có cái đẹp buồn buồn nhưng tánh tình lại vui nhộn, thông minh đáo để. Vì vậy thiếu nó căn nhà giữa rừng cây như chìm xuống, hoang vắng sao sao. Chúng tôi vẫn tụ họp nhau nhưng cứ phải dè chừng, ngại âu yếm con trước mặt bạn. Trẻ nhỏ thì theo thói quen, lúc nào cũng kéo ra căn nhà gỗ của cu Hải và chơi trên mộ, như cùng chơi với Hải. Cúc Dương rất vui về điều đó.

- Thưa, cụ nói bà Cúc trồng lan ạ?

- Phải, vì vậy bà Cúc hầu như suốt ngày ngoài đó, chuyên trồng lan mà, lúc nào chẳng ở ngoài vườn tỉa lan, tưới lan. Đã nhiều năm bà Cúc đoạt giải quốc gia có lan đẹp nhất. Thì cũng là do bạn bè trong lục địa xúi giục, bà Cúc mới biết đem lan dự thi. Ối, bà ấy rành lan như các anh chị rành máy móc quay phim vậy. Khi có mộ cu Hải thì coi như bà ấy chỉ vào nhà ăn và ngủ thôi. Đó là sau này, chớ lúc đầu cứ ngủ ngoài căn nhà chòi cu Hải. Còn ông Dương đi dạy thì cố gắng lắm mà cũng vật vờ.

 

Ông cụ tiếp lời:

- À ờ, có khi ông ấy đòi bỏ dạy. Tụi này sợ quá, đi dạy còn cố gắng bận bịu rồi có thể lướt qua, chớ ngồi nhà ôm ngôi mộ thì chết mất. Nói mãi ông ấy mới bỏ ý định. Mà coi bộ học trò cũng cảm thấy là ông thầy lơ đãng hơn xưa nhiều, nhưng tội nghiệp chẳng ai trách móc gì. À ờ, có hôm đang giảng bài, tự nhiên ông Dương khựng lại, sững sờ, quên béng đang nói gì. Ban đầu học trò không hiểu, vài lần rồi hiểu ra, tội nghiệp, học trò thời đó còn ngoan, chúng nó im thin thít không dám thở nữa. Chớ phải chi bây giờ thì chúng nó cự nự nhỉ?

- Dạ thì...

- Cứ nghe bị thầy cô la mắng là hôm sau học trò đã chận đường đánh, hay bị điểm xấu thì bọc dao đâm thầy cô. À ờ, thời buổi gì mà ghê gớm nhỉ. Các anh chị có con cả chứ? Cô này với anh  này chưa à? À ờ, vậy thì khi nào có con các anh chị sẽ thấy. Nó là cả cuộc đời mình đấy. Cô này bao nhiêu tuổi rồi mà chưa có con? Kiêng à?

- Dạ cháu ba mươi, chưa con tại cháu chưa có gia đình.

- Thú vị nhỉ, tuổi này cũng cứ tự do phất phơ như lụa đào giữa chợ. Mới vài chục năm chớ mấy mà cũng thấy xa vì thay đổi nhanh quá. À ờ, thời chúng tôi, biết họ gọi cô là gì không?

- Là gái già phải không ạ? Thì bây giờ vẫn còn gọi vậy chứ cụ, nhưng càng ngày càng bớt trầm trọng rồi ạ.

 

Mọi người lại cười. Bà cụ từ tốn:

- Mỗi thời mỗi khác. Hồi xưa không có con họ cho là gái độc. Cây độc không trái, gái độc không con mà. Cũng ác hả. Mà có con gái không thôi cũng không được, coi như không có con. Trọng nam khinh nữ khổ vậy đó. Cho nên không sinh nở được nữa, bà Cúc khổ tâm lắm, ông bà ấy coi cu Hải là cả gia tài mà. Họ tính xin đứa con gái nuôi cho có trai có gái, nhưng gặp chuyện đó rồi họ lại bỏ ý định, cứ như muốn dứt hết chuyện con cái vậy. Du thuyền của Tuấn Thúy thì hầu như chúng tôi không dùng đến nữa, chỉ dùng khi nào cần kíp lắm mà không có thuyền khác thôi.

- Thưa, hai cụ có hai cô chú, và ông bà Tuấn Thúy có được bao nhiêu cô chú ạ?

 

Hai cụ lại nhìn nhau. Mắt họ nói điều gì đó, êm dịu mà buồn. Một khoảnh khắc im lặng rồi bà cụ lắc đầu:

- Thôi ông kể đi. Cho tôi nghỉ một chút…

 

Nhóm làm phim nhìn nhau thầm hỏi. Họ tin lại có gì nữa rồi, và chắc chắn là không vui. Nhân lúc hai cụ uống trà, một anh nhướng mắt nói nhỏ bên tai bạn:

- Sao các cụ biết toàn chuyện buồn mà sống thọ thế này được nhỉ?

 

Bà cụ đóng quyển album, mắt không rời nhưng có vẻ không nhìn thấy nó. Chiếc áo bà ba trắng óng ánh nắng khiến da mặt cụ sáng rỡ hồng hào. Con chó nhỏ vẫn nằm ngoan bên chân cụ, lim dim nghe chuyện…

 

 

X

 

 

Khi chuyện cu Hải xảy ra, Thúy có bầu đã hơn ba tháng. Lúc đó vào cuối tháng mười, mùa đông bắt đầu dọ đường bằng những cơn mưa trái mùa dai dẳng và gió hiu hắt lạnh sớm hơn thường lệ. Những cơn gió lang thang chẳng rõ điểm dừng, cứ quét rác tận đâu đâu dồn vào phố đảo, cứ dán lên mặt người những nét lo âu vô cớ. Tết, Thúy vẫn sắm sửa quần áo cho mọi người, đặt lên mộ Hải bộ quần áo mới, và cả nhóm đứng ngồi chung quanh mộ trong bộ cánh đón xuân. Nụ cười Cúc Dương gượng gạo khiến chẳng ai dám cười thực sự, Thúy chỉ canh chụp vài tấm rồi thôi. Về sau Tuấn bảo “Đó đúng là những tấm ảnh sum họp cuối cùng với cái cười không phải là cười”. Rồi họ quây quần đổ xâm hường là trò chơi Cúc thích và cu Hải dù không chơi, cũng thích. Tiếng súc sắc rơi loảng xoảng trong tô sứ rất thanh, sắc sảo mà hiền, vang vang nghe rất vui tai, phấn khởi. Thường giật được Trạng, Thúy  đùa:

- Trạng mê tui quá rồi nì! Ông Tuấn coi chừng mất vợ tới nơi nghe!

 

Rồi:

- Ối Trạng ơi đi mô dẫn tui theo với, bỏ đám bạn dở ẹc ni cho rồi. Chán quá!

 

Tháng tư, Thúy trở dạ trong một chiều êm ả. Mặt trời rất mềm nấn ná ánh mật ong trên cây cối và chim nhẩn nha chưa hối hả gọi nhau. Bầu trời trong vắt rất cao, thỉnh thoảng mới lửng thửng  vài cụm mây đi lạc. Biển tĩnh lặng bao la màu xanh dịu dàng đầm ấm, nhưng tại nhà Thúy Tuấn nhốn nháo bắt đầu. Bác sĩ chẩn đóan Thúy sẽ sinh ít nhất một tuần sau đó, và ông vào lục địa vài ngày, hứa sẽ về trước khi sinh chăm cho Thúy. Nhưng hôm nay nước ối đã vỡ và một lần nữa, thai bị ngược. Y tá  với bà mụ trên đảo làm mọi cách  có thể, nhưng bà mụ lắc đầu, xoay đầu đứa bé xuống được chốc lát nó lại nhất định quay lên, chưa gặp trường hợp nào lì lợm như lần này. Và cổ tử cung chưa chịu mở. Cường đôn đáo liên lạc kiếm trực thăng, hy vọng dù không phải ngày ra đảo nhưng họ có thể phóng ra một chuyến vì khẩn cấp. Cúc và Hiền túc trực bên cạnh, chịu đựng cái đau do Thúy gồng người bấm từng cơn, nhưng cũng không chia sẻ được cơn đau của bạn mà người ta gọi là qua ải một mình. Bạn bè vây quanh chăm lo, nhưng Thúy đang cô đơn vượt cạn. Giây phút này không cô độc mà cô đơn đến tận cùng. Thực sự cô đơn. Trong phòng khách Tuấn đi tới đi lui như có cái gì vướng chân, không ngồi yên mà cũng không bước ra xa được. Dương  đưa đám trẻ nhỏ về nhà mình cho đỡ rối chân người lớn.

 

Thúy đau đớn lả người. Lần sinh nở nào đối với Thúy cũng cực nhọc khó khăn. Thúy thường bảo có đứa thứ hai là chừa luôn, giã từ bầu bì, ông Tuấn muốn có con nữa thì cứ tậu phòng nhì mặc sức. Lần sinh con Ti xong bình an, cả bọn xúm chọc, bảo bà Thúy ích kỷ cứ muốn giữ riết con trong người. Bây giờ ai cũng lo toáng. Phải đưa Thúy vào lục địa mổ thôi, không thể kéo dài cơn đau được nữa. Mặt Thúy đầm đìa nước mắt và mồ hôi, nhăn nhúm, xanh xao.

 

Hơn tám giờ tối cổ tử cung mở. Thấy hành hạ mẹ đau đã đủ, đứa bé muốn chào đời. Vì vẫn cứ ngược, bà mụ khuyên Thúy khoan rặn, nhưng cơn rặn chực sẵn rồi, Thúy đẩy mạnh ra. Hai chân ra trước. Bà mụ cùng cô y tá với kinh nghiệm và tận tụy, cố nhẹ tay nương gượng kéo nó. Hiền sợ quá bước ra ngoài, vì trong tích tắc đứa bé như níu lại đổi ý chẳng muốn ra nữa. Hiền lẩm nhẩm cầu nguyện, bất cứ đạo nào xẹt ngang đầu, từ kinh Lạy Cha những ngày ở cư xá mấy bà xơ, đến Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật rồi trở về Kính mừng Maria đầy ơn phước, chạy qua cầu khấn ông Địa chủ đất khu nhà… Và Hiền nghe ngóng, chờ đợi tiếng khóc thét của đứa bé, chờ đợi tiếng bà mụ kêu vui báo “con trai” như bác sĩ chẩn đoán, như dáng dấp  bầu bì  của Thúy đã cho biết trước. Nhưng vẫn chưa. Lâu lắm, như cả nghìn năm, Hiền đứng không muốn vững, vừa thương bạn vừa lo sợ, nước mắt nhòe nhoẹt, hai tay chắp lạy khắp nơi. Rồi Cúc tuông chạy ra lạc giọng:   

- Bà Hiền đâu, ông Tuấn đâu, vào đây!

 

Máu lênh láng, máu như suối ngầm từ thân thể Thúy ứa ra. Mùi tanh của sắt xông lên. Dưới ánh đèn nê ông chói chan, mặt Thúy trắng bệch chẳng khác cố ý hóa trang, tóc tai rũ rượi, một tay thỏng xuống mép giường. Đứa bé bị sợi dây nhao quấn quanh cổ tím ngắt. Bà mụ mất công cố vỗ vào mông nó, móc chất nhờn trong miệng nó, vẫn không có gì thay đổi. Và Thúy nằm im thít không rên la đau đớn nữa. Tuấn nhào đến lay gọi, Thúy he hé mắt rồi lại nhắm. Cường vừa về chạy bổ vào phòng nói đã liên lạc được với trực thăng, họ sẽ có mặt trong năm mười phút nữa. Bà mụ lặng lẽ quấn khăn gói đứa trẻ sơ sinh, miệng lẩm nhẩm với ánh mắt trang trọng. Cô y tá lui cui thu dọn, mắt đỏ hoe. Chẳng ai còn thần khí. Hiền  lấy nhanh một ít áo quần Thúy bỏ vào xách, cùng lúc điện thoại reo trực thăng đang đáp xuống ở khoảng đất trống trước nhà…

 

Bình thường mười lăm phút bay vào lục địa vèo một cái là tới ngay. Vậy mà đêm nay thời gian như đọng lại, như dài ra, và gió níu cánh máy bay không cho rời đảo. Cường liên tục nhìn đồng hồ. Mỗi một phút trôi qua mang Thúy về gần lục địa, mang Thúy cách xa hay cận kề nguy hiểm. Cường liếc nhanh, thấy bạn vẫn im lặng dửng dưng. Tuấn và Cúc Hiền kèm hai bên chiếc băng ca lắc lư nhè nhẹ. Chiếc trực thăng gầm gừ. Mấy cánh quạt ngập ngừng chém màn đêm, xẻ gió… 

 

Khi chiếc trực thăng đáp xuống bãi đất cạnh sân banh sát biển trong đất liền, khi nó không còn tiếng máy nổ dòn dã nữa thì trên bãi đêm người ta chỉ nghe tiếng lao xao vọng ra, không nhìn thấy máy bay sẽ tưởng từ biển vọng lên tiếng gọi của cô hồn. Không ai rời khỏi máy bay, không ai nhìn thấy gì khác ngoài phần thân dưới Thúy ướt đỏ im lìm với khuôn mặt xanh mét ngủ một giấc dài sau cơn mệt mỏi. Mọi người xúm lại gọi, hình như có lúc Thúy he hé mắt, rồi im lặng hoàn toàn. Tay chân Thúy mềm nhũn mặc cho Tuấn kéo lên thả xuống, lay gọi hụt hơi. Tuấn lạc giọng cuống quýt:

- Gọi Thúy dậy đi mấy bà, gọi đi!

 

Và Cúc với Hiền gọi, không ra lời vì nghẹn, chỉ có tiếng nấc thoát ra nên Thúy vẫn chẳng nghe. Giờ phút này, một Thúy mau mắn nhiệt tình mang gương mặt khác, gương mặt dửng dưng an lành, quay lưng với mọi vui buồn nhân thế. Những sợi tóc lòa xòa trước trán mà Cúc vừa gạt qua một bên để lộ gương mặt trắng xanh xao của bạn, như gạt hết mọi màu mè đã dính vào trong ngần ấy năm hiện diện cõi người. Bây giờ Thúy vĩnh viễn vừa khép mình lại với thế gian vừa mở rộng cánh chập chững bay vào cõi vĩnh hằng. Đôi mắt khép hờ muốn nhìn thân nhân lần cuối, như nói lời từ giã cho một chuyến đi xa. Vẫn đôi môi đầy đặn khôn ngoan đang bắt đầu chuyển màu  tái tím mà lời lẽ nào lúc này cũng kìm lại, cố giữ một tình yêu thầm kín. Và Thúy đã ra đi như vậy đó. Thúy không còn cơn đau xé thịt hành hạ nữa, không còn để tay chồng lên bụng âu yếm bảo nói chuyện với con đi anh. Rồi Thúy sẽ nuôi thằng bé một mình, bên kia cánh cửa nơi Tuấn và con Ti không tham dự được. Và bây giờ khi không còn níu kéo cuộc đời được nữa, Thúy ra đi nhưng tấm lòng còn ở lại...

 

Cúc gục đầu bên chiếc băng ca, nấc từng cơn, không để ý là Hiền đã xỉu tự lúc nào. Cường ôm xốc vợ bước xuống khỏi trực thăng. Anh đặt vợ nằm trên đám cỏ mềm mại còn nồng nàn hơi nắng. Anh bấm thật mạnh vào nhân trung cho vợ tỉnh lại, chẳng biết từ đâu những giọt nước mắt như những dòng mưa mùa đông trên đảo, lăn dài trên khuôn mặt đàn ông thường vẫn vui cười. Và khi Hiền cựa mình tỉnh lại, Cường trở ngược lên đứng canh chừng Tuấn.  Ánh đèn vàng vàng hiu hắt của máy bay buồn ơi là buồn. Mặt Tuấn như nặn bằng sáp, hai hốc mắt trũng sâu tối đen. Bên kia đường hai người từ xe cứu thương chực sẵn, bước tới với chiếc băng ca. Nhưng họ chợt dừng lại, hiểu ra, yên lặng. Đêm như tấm màn úp chụp xuống nhân gian ngột ngạt nặng mùi tang tóc. Người ta nghe được cả tiếng gió chép miệng, chầm chậm quay đi.

 

Cường lại xuống bãi đậu, ngồi bệt lên cỏ vùi mặt vào hai tay. Mọi việc xảy ra nhanh đến chóng mặt khó tin. Bữa cơm trưa gọi các bạn đến ăn chung, Thúy nhai ngấu nghiến dưa chua thịt kho, phòng khi sinh xong chỉ được ăn cá  kho tiêu. Mới hồi chiều này giữa các cơn rên ư hử Thúy còn đòi ăn thêm xoài, bảo nếu không phải chờ hai tháng sau khi sanh mới được ăn thì hết mùa. Một sinh vật khả ái, ham sống, sinh động bỗng chốc thành kẻ bỏ đời sau lưng, bỗng chốc tất cả chỉ là quá khứ, bỗng chốc tất cả chỉ là một trò đùa của tạo hóa, đến đó rồi đi, yêu hay ghét đời đều sẽ cùng về một cõi. Cường nghĩ đến Tuấn, đến bé Ti. Và nhắm mắt lại, anh thấy mình chơi vơi bị số phận đẩy đưa tùy hứng… Chẳng biết bao lâu, viên phi công ngần ngại ngồi xuống cạnh Cường, e dè đằng hắng:

- Ơ… Tôi rất áy náy phải nhắc anh, nhất là trong hoàn cảnh này, nhưng anh thông cảm giùm, tôi phải đem trực thăng về.

 

Cường uể oải gật đầu;

- Cám ơn anh. Chờ tôi tìm tàu.

- Tôi đi với anh.

 

Người ta chuyển thi thể Thúy xuống tàu về đảo, như thể chuyến bay vừa rồi là cho Thúy nhìn thấy đất liền lần cuối trước khi vĩnh viễn từ giã nơi này. Tuấn ôm xác vợ ngồi như pho tượng suốt cuộc hải trình. Ánh đèn trên tàu vàng vọt bủn xỉn cũng thấy lồ lộ tấm ra trắng không trắng nữa, phần đẫm máu lặng lẽ thấm vào quần áo Tuấn như thể hiện lòng quyến luyến. Tuấn ngả đầu ra sau tựa đầu vào mạn thuyền nhắm mắt, Thúy nằm gọn trong tay chồng cũng nhắm mắt, hai người như đang say ngủ, như mơ chung một giấc. Hình ảnh đau đớn này mang vẻ lộng lẫy hơn phim ảnh. Bi đát mà hoành tráng. Cả hai vợ chồng đều là xác chết. Một còn thở mà không biết mình còn thở, một không thở nữa cũng chẳng cần tìm hiểu mình có thở hay không. Biển yên tĩnh đến lạ lùng, như tận thủy cung cũng đang đau xót. Trời cao vút màu  đen bí hiểm, không một ánh sao, không một cánh chim đêm. Trong bầu không khí u tịch, tiếng máy tàu dập dềnh mặt nước rồi tan loãng vào không gian mênh mông không bờ bãi. Và trên tàu im ắng như chiếc tàu ma. Chẳng còn sinh khí. Vợ chồng Cường Hiền và Cúc áp sát bạn, mặt ngơ ngác trống rỗng. Chẳng ai khóc, như thể chuyện trước mắt là đoạn phim không có thực, như thể con tàu chở toàn tượng đá từ lục địa ra khơi. Màu đậm áo quần lẫn vào lòng thuyền, lẫn vào lòng đêm, lẫn vào cõi hư vô…

 

Rồi cũng trong đêm, đoàn người lại rắn rồng dọc bãi. Tuấn cõng vợ trên vai, Cường đi bên cạnh dìu bạn bước thấp bước cao những vùng cát trũng. Trên bãi này, những khuôn mặt này, lúc thì sôi nổi cười đùa, lúc thì im lặng não lòng. Chỉ có thế nhân thay đổi, cát và biển và bầu trời vẫn vậy…

 

 

X

 

 

Ông cụ ngừng kể, bà cụ vừa lau nước mắt vừa mỉm cười mà không phải cười. Mọi người lại lặng im, không dám thở mạnh. Một lát ông cụ thở hắt ra, rung cái chuông nhỏ. Chị người làm đến, cụ bảo:

- Châm thêm đi con, coi bộ tốn trà dữ.

 

Lại được chút cười. Cô phóng viên cầm tay bà cụ nói như mếu:

- Cụ ơi, chuyện của hai cụ hấp dẫn quá.

 

Ông cụ tủm tỉm:

- Nhà báo các anh chị thích xác chết nhỉ?

 

Nhóm làm phim nhìn nhau chưng hửng, cụ bảo:

- À ờ, thì đấy, nghe đến cái xác thứ hai là cho rằng hấp dẫn rồi, đâu có thấy buồn. (Mọi người cười) Đám nhà báo các anh mà, người ta sống cũng xẻ thịt ra bán, chết cũng xẻ thịt ra bán. À ờ, đấy, các anh ra đây là để xẻ thịt hai già này chớ còn gì nữa?

- Thưa cụ đâu dám ạ.

 

Lại cười. Chị người làm mang trà ra, bà cụ hỏi:

- Các anh chị trưa nay có chỗ nào ăn cơm chưa?

 

Họ chưa kịp trả lời, cụ bảo:

- Thôi chả mấy thuở, cứ dùng cơm với chúng tôi. Sẽ có cá thịt, không ăn chay như nhà ông Dương bà Cúc đâu mà lo. (Cụ dặn chị người làm) Thế con nhé, lo nấu nướng mời các anh chị. Phải trổ tài khéo đấy, không dân lục địa lại bảo dân đảo chẳng biết nấu ăn.

- Thưa hai cụ, có phiền cho hai cụ không ạ?

 

Cụ ông cười to:

- Khách khí hão, thì phiền quá chớ sao không, nhưng muốn trở lại phải chờ năm sau nhé, chớ tuần sau là chúng tôi đuổi đấy.

- Vâng. Thế chắc mình gần xong rồi hả cụ? Chúng cháu dọn dẹp, cơm nước xong xin rút lui để hai cụ nghỉ ạ.

- Thế không muốn nghe nữa à?

- Dạ có chứ ạ, nhưng cháu đoán chắc sắp hết rồi?

- Anh nhầm. Đó chỉ mới là khởi đầu câu chuyện. Khi nào chán thì bảo ngừng nhé.

 

Nhóm làm phim nhìn nhau ngạc nhiên thú vị, chỉ mới là khởi đầu? Họ như thấy mỏ vàng đâu đó mỉm cười:

- Ôi tuyệt quá! Không phải để làm phim, chỉ nghe thôi là chúng cháu đã thấy là may mắn lắm rồi ạ.

- Chuyện, anh chị nào làm siêng viết thành tiểu thuyết hay quay phim được đấy, chuyện còn dài lắm. À ờ, mà buồn lắm, rất buồn. Chịu nổi không?

- Dạ nổi ạ. Càng bi đát càng thấm thía cụ a.

 

Bà cụ gật gù:

- Còn dài, rất dài, rất buồn. (Mơ màng) Mà lạ lắm, tấm hình ngày tết đầu tiên sau khi cu Hải chết, đi rửa không ra hình thù gì cả anh chị ạ. Nó nhòe, mờ mờ chẳng rõ, trừ, lạ lắm, chỗ bia mộ thì đọc thấy rõ ràng. Mà bà Thúy là tay chụp hình rất nghề, có bao giờ sơ sẩy cái nào đâu. Chẳng hiểu.

- Thưa cụ, cũng chẳng thấy hình đám tang bà Thúy?

- Ấy vậy, ông Tuấn không chịu chụp, ông nói bà ấy đi chơi đâu đó rồi về. Ông ấy như điên rồi ấy mà. Sợ quá.

 

Cô phóng viên trầm ngâm:

- Những ngày đó chắc các cụ sống khập khiễng lắm nhỉ. Tự nhiên mất hai người thân.

- Đó chị thấy, chỉ trong vòng nửa năm thôi chớ lâu ly gì cho cam! Nếu đám con nít cu Hải làm lãnh tụ, tôi dùng chữ vậy có đúng không? Cánh đàn ông, ông Dương làm lãnh tụ, thì nhóm đàn bà chúng tôi là bà Thúy. Bà Thúy mau mắn lanh lợi cũng như bà Cúc, nhưng tận tụy chăm sóc cả nhóm hơn bà Cúc và nhiều sáng kiến. Tôi thì lờ xờ, tự thấy là mình ngu nhất trong các bà. (Thở dài) Bởi vậy bà ấy đi rồi, nhiều khi tôi thấy mất mát ghê gớm. Có lẽ cũng do thói ỷ lại xấu xa của tôi.

- Thưa cụ đâu phải cụ ỷ lại, vì rồi cụ cũng cai quản được mọi việc mà. Có lẽ do quý bạn nên cụ nghe theo thôi.

 

Cụ ông chen vào cười:

- Tán khéo nhỉ. Nhà báo có khác. À ờ, thế anh chị có thứ tình bạn như vậy chưa? Chưa à? Thời buổi bây giờ có khác đấy, rắc rối lắm, chớ thời chúng tôi đời sống giản dị hơn nhiều. Cho nên cái chết của bà Thúy lại kéo ông Dương bà Cúc trở về với chúng tôi. À ờ, buồn cu Hải thì có bao giờ hết, nhưng bớt gượng gạo hơn trước nhiều. Bà nhỉ?

 

Bà cụ chặm mắt, đôi mắt có nhiều nếp nhăn trông rất hiền như tên bà thời con gái, mỉm cười nhẹ nhàng:

- Tội nghiệp ông Dương bà Cúc, vậy là lại quay sang chăm chút ông Tuấn nhiệt tình, chăm hơn chăm con Ti mới tức cười. Mà cũng ngộ là con Ti có vẻ không lảo đảo như bố. Nó đâm chững chạc hơn mà ông Tuấn lại có vẻ trẻ con ngơ ngác hơn. Tội quá, bây giờ nhớ tới hồi đó mà vẫn thấy đứt ruột.

- Lúc đó Ti lên mấy… à, lên chín cụ nhỉ. Mà lại chững chạc được ạ.

- Vậy mới lạ lùng chị ạ. Tự nhiên nó như bà cụ non mới kinh, làm sao mà thay đổi được vậy thì chỉ có trời biết.

 

Con chó Nhật chạy ra chạy vào rồi ngoan ngoãn nằm dưới chân cụ bà. Bà đưa tay vuốt ve đầu nó, cho nó miếng bánh ngọt và quay sang chồng:

- Ông hả, con Ti lúc đó lạ ghê hả.

- Nó như bà Thúy nhập ấy mà, nói thế đừng cười nhé, chẳng phải mê tín dị đoan đâu, nhưng thật là lạ...

 

 

X

 

 

Giữa đêm, tiếng điện thoại reo vang trong căn nhà yên tĩnh có rừng cây bao bọc đánh thức Dương bật dậy. Vừa thiếp đi trong tâm trạng nặng nề, tiếng reng thình lình, dữ dội như sét đánh giữa đỉnh đầu khiến anh bỡ ngỡ tê liệt vài giây. Trống ngực đập hối hả, Dương lạng quạng ra phòng khách. Vừa đến bàn điện thoại thì bà người làm cũng ngái ngủ bước ra, nhìn anh dò hỏi lo âu. Dương lụp chụp cầm ống nghe, bên kia Cường báo tin Thúy mất như giọng từ cõi đời nào, yếu ớt ngắt quãng dù chỉ một câu rất ngắn. Buông máy, Dương vào phòng làm việc ngồi ôm đầu trong bóng tối, câm nín.

 

Đầu óc trống rỗng đau buốt, Dương âm thầm tưởng có thể ngồi đó hoài với nỗi bàng hoàng hụt hẫng. Nhưng ánh đèn từ mộ cu Hải len lỏi vào tận cửa sổ lung linh lao chao gọi anh đứng dậy. Dương vào phòng nhìn trẻ nhỏ đang say ngủ rồi dặn dò bà giúp việc, lái xe như ma rượt đến nhà Tuấn Thúy. Ở đó đèn đuốc sáng trưng, kẻ tới người lui, rộn ràng câm lặng. Giữa phòng khách Cường đang lúi húi bày bàn thờ. Trong phòng ngủ Cúc và Hiền đang tắm rửa thay đồ cho Thúy, bà giúp việc loay hoay chờ sai bảo. Vài người dân chài thân tín cũng dáo dác túc trực. Tuấn ngồi lặng lẽ bệt dưới đất góc phòng, ngơ ngác. Dương rón rén đến ngồi cạnh bạn, không nhìn nhau và không nói lời nào. Không biết bao lâu, Hiền bước ra ngồi khóc rấm rứt ở xa lông, thỉnh thoảng lại nắm tay đập vào đầu. Cúc vẫn còn trong phòng ngủ, khe khẽ sai bảo chị người làm ra vào dọn dẹp. Rồi Cúc cũng ra ngoài, mặt cúi gầm, hai tay run run. Giống như từ lúc xuống tàu trở về đảo, chỉ bây giờ người ta mới ý thức là cả đám đã bị Thúy bỏ rơi, là Thúy đã ra đi thực sự.

 

Dương lặng lẽ vào phòng, Thúy xanh xao bình thản nằm, trên bụng là thằng con được quấn khăn trắng toát. Hai mẹ con đang say ngủ. Sạch sẽ tinh tươm. Tất cả đều sẵn sàng cho một chuyến đi vào cổ tích. Mọi thứ im lìm bất động, chỉ cái chao đèn phòng ngủ rung rinh… Dương nhìn, có lúc như thấy cánh mũi Thúy phập phồng, cánh mũi mà mỗi lần Thúy hát nó cứ nhịp nhàng theo điệu nhạc. Dương đã bao lần đệm đàn cho Thúy hát, và hai cánh mũi ấy như hai cánh bướm nhỏ e ấp duyên dáng âm thầm phà hơi cho đời Dương thêm sinh khí. Không ai biết, và chính Dương cũng không biết lòng mình đã quyến luyến Thúy tự bao giờ, câm nín ngọt ngào và giữ niềm yêu quý. Bây giờ hồn Dương có thêm vết cắt, thấm thía ngỡ ngàng… Dương nhìn, bờ mi khép hờ như còn ráng nhìn chồng con bạn bè lần nữa, như ngầm bảo tôi vẫn còn đây. Dương tự hỏi nơi Thúy đến có bao giờ Thúy sẽ hát, và người may mắn đệm đàn có cùng tâm trạng như mình?

 

Dương cầu nguyện nho nhỏ rồi ra ngồi góc hiên nhà. Trăng non đầu tháng lửng lơ trên cao, dửng dưng xa lạ. Hàng cây bờ rào thì thầm chỉ trỏ lao xao. Gío rin rít ngập ngừng trên mái nhà. Tiếng dế vang rền trong vườn đêm yên tĩnh. Dương ngồi đó cảm giác tròng trành nhớ năm nào xa lắc ba đứa khăn gói du học xứ người. Trời đêm năm đó gần đến cảng Marseille không ấm áp như đêm nay, nó lạnh buốt. Tuấn và Cường lấy dầu cù là xát khắp người Dương, nhiều đến nỗi hôm sau  lưng Dương  bị phồng rộp.  Những năm đại học, Dương được gái thường để ý, đặc biệt cô Catherine cùng lớp. Biết là bạn không tình ý gì nhưng Tuấn và Cường  cũng trêu mày mà vác đầm về là bà già bất tỉnh nhân sự đó nghe. Khi biết chuyện ấy, Thúy cười phá ra trẻ trung:

- Chẳng biết bây  chừ  thay vì bà Cúc mà là bà đầm thì nhóm tụi mình ra răng he?

- Nếu là bà đầm thì chắc  đâu có nhóm tụi mình, mà thằng cha Dương  chắc chọn quê hương vợ nói tiếng Tây lốp bốp, dám quên hết tiếng Việt rồi. Đầm mà, nó đâu chịu về đây làm chi.

 

Tuấn vừa nói vừa đấm lưng Dương.

- Rưá thì phải cám ơn hay trừng phạt ông Dương hả qúy vị?

 

Cúc cười tươi:

- Còn hai ông, có con đầm nào không?

- Tụi tui bị đầm chê. Ông Dương ôm cây ghi ta búng búng mới bắt mắt các em được chứ.

 

Thúy lại cười:

- Ghê hỉ, lụt lịt rứa mà cũng biết tán gái bằng đàn như dân Tây Ban Nha.

 

Bây giờ  Thúy nằm trong đó. Các bạn rải rác khắp nhà. Dương ngồi đây lòng trùng xuống, trống trải lạnh băng và không có thứ dầu nào trên thế gian có thể giúp lòng anh ấm lại. Cơn bão thét gào đang bước qua đây trong thinh lặng...

 

 

Thúy luôn luôn thích biển,  người ta chọn mô đất trên ngọn đồi gần bãi để từ đó mỗi chiều, cha con Tuấn ra thăm mộ rồi cùng Thúy ngồi nhìn biển lao xao. Bé Ti như lớn phổng kể từ ngày mẹ mất. Sáng hôm sau trong khi Dương lật bật trở về, ngồi ở bàn ăn điểm tâm anh không biết phải nói như thế nào tránh cho Ti bị sốc. Vậy mà trong khi anh vụng về ấp úng lựa lời, nó chấp nhận nỗi đau một cách bình tĩnh khác thường:

- Con hiểu rồi. Nghĩa là mẹ chết như cu Hải, là không bao giờ về nữa hả bác?

 

Lòng Dương thắt lại, anh âu yếm cầm tay con bé:

- Bác hy vọng mẹ sẽ về cách nào đó. Hum… Điều làm mẹ vui là con đừng buồn, con ráng giữ gìn sức khỏe, học hành ngoan ngoãn, săn sóc bố, chắc chắn mẹ ở đâu đó sẽ nhìn thấy những việc con làm.   

 

Tự nhiên một con bé chưa đầy chín tuổi lại có khả năng xử sự như người lớn, là một người đàn bà, ngây thơ mà rõ ràng, nó như được mẹ hướng dẫn phải sắp xếp việc nhà cách nào ổn thỏa nhất. Không phải Tuấn lo chăm con, mà bé Ti chăm cho bố. Giọng nó lúc nào cũng như ra lịnh, và lạ, ai cũng vâng lời. Đi học, các trẻ khác thường giành ôm cặp cho nó, ở nhà bà người làm bình thường coi Ti cũng chỉ như các trẻ khác, giờ đâm ra nể nang, bất kỳ việc gì cũng hỏi ý. Tự nhiên Tuấn nghe con mọi việc, chính nó ép bố ăn uống ngủ nghỉ, bắt bố ăn bận chỉnh tề, làm việc. Và tự nhiên nó có biệt danh “cô công chúa nhỏ”.

 

Công chúa nhỏ mang hoa  cho mẹ mỗi chiều. Từ hành lang căn nhà mới của Thúy, cả gia đình yên ả ngồi nhìn mông lung ra khơi, không nói gì với nhau nhưng con tim cả ba cùng đập cùng một nhịp, thương yêu. Có lần Tuấn hỏi:

- Có bao giờ con mơ thấy mẹ không?

- Hầu như mỗi đêm bố ạ.

- Hầu như mỗi đêm? Sao không nghe con nói bao giờ?

- Bởi vì mẹ về, đứng ở cửa nhìn con mỉm cười rồi đi. Ban đầu con không biết là con mơ. Còn bố?

- Bố thèm được thấy mà mẹ không về với bố. Lần sau thấy mẹ, con nhớ nói với mẹ cho bố gặp với. 

- Gặp chi hả bố, mẹ chết rồi mà.

 

Tuấn nhìn sững con:

- Nhưng con gặp được mẹ, vậy thì cũng gặp làm chi vì mẹ chết rồi.

- Con còn bé, mẹ về thăm con. Bố người lớn, bố tự lo được mà.

 

Những lời đó khó lòng tin đã thoát ra từ miệng một đứa bé tuổi này. Tuấn nghẹn, cứ như Thúy nhét vào mồm con những lời khuyên khéo khiến Tuấn đăm chiêu suy nghĩ. Đã mấy tháng qua anh như kẻ mộng du, tâm trạng luôn bàng hoàng hư hư thực thực. Anh cứ nghĩ vợ đi đâu đó, vào đất liền hay đi thăm người nghèo hay đi mua sắm, rồi sẽ về, sẽ hóm hỉnh bảo đi không báo trước là để xem chồng có lưu tâm đến mình không. Nhiều khi làm gì đó, anh nói cho Thúy nghe như chị còn đứng bên cạnh, như xưa kia chị bàn ra tán vào những điều anh bày tỏ. Nhiều khi rõ ràng anh đã sống bên lề cuộc đời, hờ hững với mọi điều và phó mặc cho con cai quản. Anh đã tự buông xuôi, không phấn đấu, không ý chí. Tất cả đã theo vợ chui vào lòng đất, nằm im lặng chờ anh gọi dậy. Bây giờ những lời từ miệng con thốt ra là tiếng chuông gọi đàn cừu trong chiều, phải về nhà, phải về nhà trước khi quá trễ.   Chợt anh nghiệm ra mình phải can đảm chấp nhận cuộc đời quan phu và lưu tâm hơn tới cuộc sống, muốn vui hưởng tận cùng những ngày còn lại với con…

 

Về phần Dương Cúc thì từ ngày Thúy mất, nỗi đau của họ dịu đi, họ hiểu thêm và chấp nhận cho mình ý nghĩa của vô thường, nhìn cuộc đời với ý tưởng “thiền” hơn, là không gia đình nào không có nỗi đau mất mát. Vô tình, như cái bất hạnh của bạn là niềm an ủi của mình. Họ nghĩ bây giờ phải dẹp nỗi đau riêng để chia sẻ với Tuấn, giúp Tuấn đứng lên và lo cho  bé Ti. Thấy các bạn có vẻ thanh thản hơn, một hôm Hiền kể chuyện bà nọ có đứa con nhỏ chết, ôm đến kêu xin Đức Phật cứu con sống lại. Đức Phật đồng ý với điều kiện xin cho được một hạt đậu của gia đình nào chưa từng có ai chết bao giờ. Bà đi suốt ngày trở về tay không, chợt hiểu là nỗi đau của mình là nỗi đau thường tình nhân loại. Bà ngộ ra.

 

Cường nói thật chân tình cảm động:

- Bây giờ, đến phiên tụi này chờ điều gì xảy đến. Chuẩn bị tinh thần như vậy, tụi mình sẽ nhìn thẳng vào sự thật và chấp nhận với lòng bình an.

 

Và từ đó, nhóm bạn bè trong cơn hoạn nạn thường gặp nhau tại Dương rồi nhà Tuấn, giờ trở lại như xưa mỗi cuối tuần gặp ở một nơi. Dù bị hai người thân bỏ đi, dần dà họ tìm lại hay tạo lại tiếng cười...

 

Sinh nhựt Ti chín tuổi cũng là ngày giỗ đầu cu Hải, cả bọn họp tại nhà Cúc Dương. Một năm trôi qua đã thay đổi tâm trạng mọi người, bây giờ họ chững chạc hơn, trầm tĩnh hơn và xả thân hơn. Cánh đàn ông làm việc thực sự, như xưa. Cúc và Hiền tiếp tục các chuyến viếng thăm giúp đỡ gia đình nghèo trên đảo như thuở trước ba bà cùng làm. Và Cúc trở nên nhũn nhặn, săn đón tận tụy với mọi người. Lại nữa, người ta cũng bảo Thúy đã trao lại cho Cúc tấm lòng mình...

 

 

X

 

 

Trong quyển sổ nhỏ nằm trong ngăn kéo, Dương viết:

 

“Thời gian dù trôi nhanh cũng có ký ức riêng của nó, miệt mài chung thủy, an tịnh không thay đổi. Nó có khả năng giúp ký ức của người gạn lọc nhiều chi tiết góc cạnh nhất để mọi thứ trở nên tròn trịa êm ái dễ sờ mó hơn. Không ai đụng được ký ức thời gian để so sánh với ký ức mình, làm sao biết có điểm nào sai sót nên người ta hài lòng với những gì còn nhớ, và nỗi đau luôn luôn có hương vị ngọt ngào mỗi khi hồi tưởng. Sáu năm, quá ngắn để quên một con người và quá dài để duy trì nỗi khổ. Không ai quên người thân dù thời gian đi qua bao nhiêu lâu, nhưng nỗi đau thì có lúc cũng dừng tay hành hạ con người. Thiên hạ vẫn nói thời gian là liều thuốc nhiệm mầu xoa dịu những vết bỏng, là người bạn trung thành kín đáo biết lựa lời...”

 

Vì vậy nhóm bạn có thể nhắc lại những gì đã xảy ra từ mấy năm qua vào ngày giỗ cu Hải và sinh nhựt bé Ti lên mười bốn, với tất cả lòng trìu mến. Và lần đầu tiên họ nhắc đến mà cười, tiếng cười không gượng gạo, tiếng cười hào sảng với đời, tiếng cười hạnh phúc. Và họ hy vọng ở đâu đó trong nhà hay ngoài vườn, các người đã vắng mặt  hẳn cũng chung vui, có thể Thúy còn hát theo tiếng ghi ta của Dương đã bỏ quên từ dạo đó. Biết đâu Thúy cũng đã thâu cảnh vui cười trong ống kính.

 

Cô công chúa nhỏ lớn nhanh hơn các bạn cùng lứa, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Ti già dặn trước tuổi, điềm tĩnh, chín chắn, uy quyền. Con bé rất ngoan, đi học về chỉ luẩn quẩn trong nhà nghe nhạc, đọc sách, học đàn, vẽ vời, những thú vui tao nhã, khác mẹ. Ti cũng không bao giờ tha thiết chuyện cưu mang dân chài nghèo nên không đi theo Cúc Hiền như Trinh, cũng khác mẹ. Cách Ti cư xử rất nhỏ nhẹ quý phái như thể tự nhiên là mọi người phải cung phụng mình, và mình ban tặng cho họ cái may mắn được hàm ân. Hay là tự mọi người đối đãi với Ti có chút e dè cả nể, có chút tự ý đặt mình ở dưới, không thắc mắc. Mỗi lần đến Hiền học vẽ, con bé thường trêu Trung mặt dậy thì đầy mụn. Chúng nó vẫn thân nhau như xưa, và Ti nghiễm nhiên làm sếp Trung, Trinh. Chuyện gì chúng cũng kể và chờ Ti cho ý kiến, như các bạn ở lớp. Và lạ, luôn luôn Ti có câu trả lời hợp lẽ cho mọi vấn đề, nhất là chuyện tình cảm, bởi vì dù mới lên mười bốn, hình như Ti đã có linh cảm của cô gái trăng tròn. Bắt đầu từ bữa sinh nhựt bé Châu cùng lớp, Ti đến dự và gặp  anh Dũng của Châu, mười sáu tuổi. Trong tích tắc Ti thấy lòng có cái gì thay đổi sau một bắt gặp tình cờ giữa hai ánh mắt, dù rất ngắn nhưng có điện giăng rũ khắp trời. Vài ngày sau hai trẻ hẹn trên đồi hôm Ti đi thăm mộ mẹ, và cái hôn đầu tiên đã vội vã trao nhau để đêm về cả hai cùng mất ngủ.

 

Một sáng chúa nhật, nhóm trẻ được tự do dùng du thuyền ra khơi trong khi người lớn vào lục địa. Ngoài ba anh em Ti Trung Trinh, thêm mười cô cậu choai choai thường gặp, dĩ nhiên có cả hai anh em Dũng. Chú lái tàu theo lời Tuấn dặn không ra xa quá, thả lưới câu hờ cho đám trẻ tham gia. Trời rất đẹp, nắng trong mát dịu, câu chán chúng ngồi quanh sân thuyền hát vang vang cả một vùng biển. Dũng và Ti kín đáo nhìn nhau. Khi chia hai đội đọc sách, Ti ngồi trên ghế cao làm giám khảo, đội nào cốt truyện hay, đọc không vấp váp,  biết ngừng đúng chỗ, giọng rõ ràng dễ nghe, biết diễn tả tâm trạng… Giữa chừng, bé Như đang đọc chỗ mô tả tình yêu của Paul dành cho Virginie, tình cờ nó ngước lên giữa hai đoạn để nhìn phản ứng của Ti giám khảo về giọng đọc của mình chắc chắn là diễn cảm. Chợt nó sững lại, nhìn trân trân người ngồi trên ghế. Các bạn khác chờ hơi lâu, hối. Nhìn theo mắt Như, cả bọn cùng há hốc sững sờ: dưới ánh nắng rực rỡ, Ti như lột xác thành một mệnh phụ xinh đẹp uy nghi, nắng lung linh trên giải băng tóc chẳng khác chiếc vương miện nữ hoàng, sau lưng như có hào quang. Và chiếc áo trắng rộng thùng thình phất phơ dãy nút óng ánh như những viên hồng ngọc… Không phải bé Ti thường ngày, mà là một cô công chúa thực sự trên ngai. Giữa nền trời xanh lơ lửng ít mây trắng, Ti lồ lộ, lộng lẫy. Có cái gì lạ lắm, rất lạ toát ra từ tấm thân mảnh dẻ ấy, có cái gì vĩ đại, cao quý,  thần thánh bao bọc hình hài xinh tươi ấy. Vậy là cả bọn cứ nhìn, mải nhìn, như mê như say. Hay là tại nắng đã lên cao và cái nóng bắt đầu làm cho lũ trẻ hụt hơi. Không hiểu thái độ các bạn, Ti mỉm cười khoan thai đưa tay ra dấu bé Như đọc tiếp, chẳng khác cử chỉ vương giả chốn cung đình. Lũ trẻ chớp chớp mắt bước ra khỏi cơn mơ hoang mang lạ lẫm. Nhiều đứa không nín được, ấp úng:

- Lạ quá… Ti lạ quá!

- Ti đẹp quá!

- Không phải chỉ là đẹp, mà có cái gì lạ quá, khó nói quá.

 

Biết các bạn khen mình, Ti vui vẻ mỉm cười và tình cờ hướng mắt nhìn ra khơi, một vòng hào quang rất to lung linh lung linh đang chìm dần xuống nước. Huy hoàng quá, Ti hối các bạn nhìn, mọi cái đầu hướng về phía đó với ánh mắt dò tìm, nhưng không ai thấy gì. Ti cười:

- Vậy là biển có cái gì đó đặc biệt chỉ dành cho Ti thôi.

 

Chiều chưa sụp xuống nhưng chú lái tàu nhất định quay về đúng giờ theo lời Tuấn. Đám trẻ nhao nhao xin ở thêm chút nữa, nhìn Ti. Ti luôn nguyên tắc, lắc đầu liếc lên trời:

- Thấy đám mây kia không?

 

Chỉ thế thôi đủ để không ai vòi nữa. Và trong cái nhốn nháo của các bạn chơi ráng với biển trước khi vào bờ, Dũng với Ti đi dần về phía mũi thuyền. Ti kể cho Dũng nghe trò chơi của bố mẹ bắt chước trong phim, dang tay bay bay giữa biển. Và không bảo nhau, hai đứa cùng diễn cảnh đó, nhưng chưa kịp bay vì hai đôi môi đã quắn quýt tìm nhau. Mặt biển lung linh hai khuôn mặt chập chờn rồi tan loãng… Ti vội quay về với các bạn. Dũng giả vờ nhìn xuống nước. Chú lái tàu tăng tốc độ, chân vịt quạt mạnh tạo những con nước quay cuồng. Dũng vui vẻ gọi các bạn đến nhìn.

- Đến xem này mấy đứa ơi, hay lắm, nước đang múa.

- Nước mà múa!

- Ừ, nhỏ Châu nói anh Dũng nghệ sĩ lắm mà.

 

Một luồng xoáy nổi cao lên vừa lúc Dũng cúi xuống. Và các bạn nghe tiếng gọi chạy đến chơi, để vừa kịp nhìn thấy thân hình Dũng đang tuột đứng dọc thân tàu. Cả nhóm hoảng hốt phẫn nộ, đây không phải lúc nhảy xuống bơi, cũng không phải chỗ bơi được. Họ đứng trên boong tàu hò hét, Dũng vẫn thản nhiên trồi lên trụt xuống nhìn sững đám bạn. Rồi Dũng đưa tay vẫy gọi, kêu cứu, trên thuyền vừa kịp hiểu ra thì ùm một cái, Dũng lặn chìm.  Tiếng thất thanh hoảng loạn khiến chú lái chạy lên boong và khi biết chuyện,  phóng nhào xuống nước. Ti tắt máy, con tàu hục hặc tiến thêm một quãng quanh do Ti bẻ lái, rồi dừng lại giữa mênh mông. Mặt trời vừa đâm xuống chỗ chân trời mặt biển giao nhau. Và đám mây đen trên cao sà xuống, che mất chút ánh sáng dè xẻn còn lại cuối ngày. Trời sụp tối…  

 

 

X

 

 

Ông cụ ngừng lại trước những đôi mắt sững sờ, gỡ kính dụi mắt, mỉm cười:

- Thêm một xác nữa nhé, lại thấy hấp dẫn rồi phải không?

 

Cả bọn bàng hoàng cũng mỉm cười, cô phóng viên thở dài;

- Thương quá hả cụ! Thật kỳ cục!

- Đã nhằm nhò! Hồi đó làm gì có điện thoại cầm tay líu lo cả ngày. May có thuyền dân chài đi ngang, hai ông nhảy xuống mò tìm, còn một ông lái tàu về kêu cứu. À ờ, thế là dân chài lại cũng hăm hở chạy thuyền con ra nhào xuống kiếm. Nhưng trễ quá rồi. Cái xác cũng hai ngày sau mới tìm thấy bà nhỉ?

- Cũng hai ngày. Anh chị ạ, nó cũng… như cu Hải…

- Thưa cụ, nghĩa là cũng… bị…

 

Bà cụ ngán ngẩm lắc đầu:

- Đúng vậy. Và đó là lý do dân làng từ đó về sau đâm ra thù ghét con Ti.

- Ủa, sao thế ạ?

- Vì cách chết đó là do bị trừng phạt.

 

Nhóm truyền hình ngỡ ngàng hỏi dồn:

- Ai trừng phạt hả cụ? Trừng phạt cái gì ạ? Mà tại sao Ti lại bị ghét?

 

Bà cụ lại lắc đầu:

- Tội nghiệp con bé, nào phải nó muốn vậy đâu. Chẳng là anh chị biết không, các bô lão kể rằng, thiệt tình ai cũng chỉ nghe kể lại thôi, rằng trên đảo có điều kỳ dị lắm. Từ cả bao nhiêu trăm năm hay nghìn năm trước, hình như cứ mỗi trăm năm lại trở lại một lần, mà lần nào cũng từ người không phải dân gốc gác trên đảo, chỉ là dân lục địa ra lập nghiệp.

- Nhưng trăm năm trở lại cái gì hở cụ?

- À, chẳng là, nghe nói thủy cung muốn một cô trinh nữ. Thường là dân lục địa ra vì đẹp. Đã chấm cô nào rồi mà thanh niên đụng tới là chết thôi.

- Trời ơi chuyện hoang đường!

- Đó!

- Nhưng cu Hải hay cậu Dũng chỉ là con nít mà…

- Thì vậy, nhưng dân đảo nói thủy cung có phân biệt như mình không? Bởi vì chúng nó có hôn nhau, vậy là bị quở rồi.

 

Nhóm làm phim nhìn nhau nhíu mày nghi ngờ. Ông cụ cười:

- À ờ, khó tin nhỉ. Hồi đó chúng tôi cũng chả tin đâu, có khi còn bực mình nữa. Khổ thế, có những chuyện trên trời dưới đất cứ can thiệp vào đời sống của mình.

- Thưa cụ, nhưng nếu quả thế thì bé Ti là nạn nhân chớ đâu phải cố tình?

- Thì thế. Mà dân đảo phần đông là dân chài ít học, mê tín dị đoan một phần, một phần đời sống họ thấp hơn mình. Bình thường thì tử tế thôi, nhưng đụng chuyện thì họ cũng có máu phân biệt gốc gác. À ờ, nội việc chúng tôi đều có xe hơi, vào thời đó là hiếm ngay cả trong đất liền huống chi ở đảo, và nhà có điện thoại, đối với họ là lạ lắm, giàu sang xa hoa lắm. Cho nên bữa đó thuyền vừa cập bờ kè, biết thằng Dũng và con Ti có tình ý với nhau, họ nổi cơn thịnh nộ ngay.

- Tội nghiệp bé Ti quá! Thưa, thế hai cụ có tin lời đồn đại ấy không ạ?

 

Cụ ông cười:

- Không. Nhưng tin hay không cũng thế thôi chị ạ. Họ nói phải dân lục địa không ra sinh sống ở đảo thì có thể thủy cung không đòi ai nữa. Nhảm thế. À ờ, họ cũng bảo là cô nào thủy cung chấm rồi thì được ban cho đặc ân tự nhiên có uy quyền ngầm, như trường hợp con Ti. Cô đó chắc chắn nhan sắc hơn người và khôn ngoan cung cách hơn người, như trường hợp con Ti.

- Đã hẳn đâu cụ nhỉ. Có người trời sinh ra vậy chứ ạ.

- Thì đấy. Mà tự nhiên là con gái như thế thì cậu nào chả ao ước, chả thương. Mà thương thì mang họa vào thân.

- Cũng lạ cụ nhỉ.

 

Bà cụ nói như phân bua:

- Như vầy anh chị ạ, hai hôm sau tìm thấy thi thể thằng Dũng y hệt thi thể thằng Hải, thì họ quyết đoán rằng đúng là con Ti mang tai họa. Bởi vì xác còn lại kiểu đó là kiểu của mỗi trăm năm…

- Trời ơi, chuyện vu vơ. Đảo toàn chuyện buồn cụ nhỉ.

 

Ông cụ tròn mắt:

- Làm gì bi quan thế, nơi nào mà chẳng có chuyện buồn chuyện vui. Chúng tôi chỉ kể chuyện buồn vì nó liên quan trực tiếp đến nhóm chúng tôi làm đau lòng khó quên. Còn chuyện vui thì nhiều chứ. À ờ, ví dụ mỗi năm tết, đảo tổ chức nhiều trò chơi hay lắm, như rước kiệu hai bà Trưng. Con Ti năm mười hai  tuổi làm bà Trưng đấy. Còn nhiều trò bà nhỉ?

- Nhiều. Ví dụ rằm tháng giêng tết Nguyên tiêu, trời sụp tối là cả làng chèo  thuyền ra cửa biển thả đèn. Cho nên còn gọi là tết Hoa Đăng. Tục này của Tàu ấy mà, mình bắt chước chơi cho vui. Cả một vùng biển bao la đen ngòm, óng ánh trăng vằng vặc, đèn nổi trên nước đẹp vô cùng. Gì nữa hả ông, à, Tết luôn luôn có đánh cờ người. Vẽ bàn cờ trên sân tòa thị trưởng, mỗi quân cờ là một người. Trước khi quân nào thua, cũng múa may đánh kiếm hùng hồn lắm rồi mới chịu té xuống chết chớ. Dân đảo thích trò này lắm. Hay là Trung thu, huy hoàng lắm, con nít người lớn rước đèn cả cây số đi vòng gần hết đảo. Hay là mùa cua, dọc dài bãi biển cả cây số đèn đuốc sáng trưng, dân đổ ra đi bắt cua chỉ để ăn chơi thôi, họp hành nấu nướng bài bạc vui cười, suốt đêm! Những dịp đó vui lắm anh chị ạ. Còn tết thì bài bạc xóc đĩa thì kéo dài cả tháng.

- Giờ còn không thưa cụ?

- Còn chớ. Đó là các sinh hoạt quan trọng của đảo mà. Mặc dù nhiều cái cũng thay đổi rồi. Lại nữa hồi mới sau bảy lăm, chuyện ăn chơi cũng giới hạn bớt. Sau này mới trở lại, chơi bù (Cười).

 

Bà cụ vịn tay ghế đứng lên, đến tủ lấy quyển album khác. Những tấm hình lễ lạc vui chơi được Thúy ghi vào ống kính, sống động hân hoan như đời sống trên đảo luôn luôn là những cuộc vui.

- Làm gì cũng dân cả đảo hưởng ứng ạ?

- Hưởng ứng hết. Họ ham vui lắm. Vậy đó. Vui chơi thì càng đông càng vui, chuyện chẳng may càng đông càng sợ. Lạ lắm, có một người nào nêu ý gì ra là như cả làng đồng thanh nghe theo hết, dù dở dù hay. Nên đêm đó, tội nghiệp con Ti quá…

 

 

X

 

 

Dân làng rất đông dưới bãi. Họ tụ thành nhóm nhỏ gần mép nước, bất động chờ đợi dù biết là hão huyền rồi, chỉ mong cánh đàn ông về bến an lành. Trên biển đêm lặng lờ, ánh đèn du thuyền lung linh xa xa ngoài khơi như con đom đóm nhỏ, như ánh ma trơi trong nghĩa địa. Không một hạt gió. Cái nóng thất thường đổ xuống đảo mấy hôm nay ngột ngạt nặng nề. Ngoài bãi biển mà trên mặt những pho tượng người lấm tấm mồ hôi, của oi bức, của lo âu. Những chiếc áo lấm láp đen xỉn dân chài xen kẽ những chiếc áo màu dân khá giả, nhìn thoáng qua như tấm vải sọc không đều, lung lay lung lay. Riêng mẹ và mấy chị em của Dũng thì quỳ trên cát, bù lu bù loa sấp ngửa lạy ra phía biển. Đứa bé nhất đứng vịn lưng mẹ đang gục xuống rung giật từng cơn.

 

Mãi rồi sức người cũng thua. Cuối cùng chiếc du thuyền và thuyền con trở về, không ai nói lời nào, mắt đỏ hoe, mặt  đăm chiêu. Nhóm trẻ lặng lẽ bước lên bờ kè, đã có nhóm dân làng chờ trên ấy. Mẹ Dũng hớt hải:

- Có thấy nó chưa? Nó đâu?

 

Không đứa nào trả lời. Em gái Dũng nhào vào lòng mẹ khóc tức tưởi, lập bập:

- Con thấy ảnh đứng ở mũi thuyền với chị Ti rồi… hôn chị Ti, con tính tới lêu lêu thì mấy đứa kêu con phụ dẹp đồ đạc… Rồi nghe anh Dũng gọi tụi con tới nhìn nước xoáy, con vừa chạy tới là ảnh đã nhảy ùm xuống nước rồi.

 

Mẹ Dũng té bệt xuống bờ kè. Thiên hạ vực lên, bỗng có người buột miệng:

- Lại cũng từ du thuyền của người đất liền hết cả!

 

Mọi khuôn mặt chợt quay về phía Ti, trong đêm cũng nhận thấy màu da trời biển của đám đông đỏ rựng. Trong ánh sáng chập chờn đuốc biển, Ti đảo mắt nhìn mọi người vẻ kẻ cả, thách thức và thương hại. Tự nhiên thiên hạ lấm lét quỵt xuống hoặc nhìn chỗ khác và Ti hờn dỗi bỏ đi. Bước chân Ti in trên nền cát ẩm lung linh ánh đèn đêm chẳng khác những con sò rùng mình trong  vỏ. Trung và Trinh chạy theo kèm hai bên. Tiếng lao nhao phía sau chợt nổi lên như không bao giờ dứt, bảng lảng giữa mênh mông bờ bãi…

 

Hai hôm sau tìm ra xác Dũng cũng đau đớn như tìm thấy xác cu Hải. Cả dân làng tụ họp bàn bạc thì thầm, mọi người đều giữ im lặng, cái im lặng đáng sợ. Nó làm cho người ta nổi gai, lạnh xương sống, nó khiến người ta co ro cúm rúm liếc láo đảo điên, nó ngầm bảo người ta biết rằng tai họa đang để mắt xuống đây. Và đó là điều im lặng ồn ào nhất của đảo. Ai cũng có vẻ thất thần. Điều gì đó từ lâu nay hầu như quên bẵng giờ sống lại, dữ dộị. Cứ mỗi trăm năm. Bây giờ đã đúng thời điểm cho sự ghê gớm ấy trở về với đảo, một hòn đảo nhỏ yên lành nằm thỏm giữa trời biển mênh mông với cư dân chất phác.

 

Lại cũng có người bàn nhau : mẹ thằng Dũng ấy mà, bán quan tài. Thỉnh thoảng không có khách, mẹ nó “đốt phong long”, cầm tờ báo cũ với ngọn lửa ì xèo huơ qua huơ lại dưới dãy hòm nằm ngang dọc cửa hàng, miệng lầm rầm xua đuổi oan hồn tưởng tượng nào ám ảnh chuyện bán buôn.

 

Đốt vía đốt vang

Đốt thằng lú gan

Đốt con lú ruột

Vía lành thì ở,

Vía dữ thì đi...

 

Rồi cuối cùng vất tờ báo cháy gần hết ra sân. Thế là y như rằng sẽ có người tới mua áo quan. Đây là tiệm quan tài duy nhất của đảo. Bà chị Cả của mẹ Dũng hầu như ngày nào cũng ghé chùa, ngôi chùa cũng duy nhất, làm công quả, cầu siêu cầu an cho mọi người, thì bà em làm điều ngược lại. Trên đảo, ai bịnh ai chết mà chẳng có tiếng cầu kinh của dì Cả  góp vào. Và ai đột ngột từ trần người ta cũng nghĩ là do… mẹ Dũng đốt phong long, nhất là những ngày mưa bão, hòn đảo nhỏ chìm trong nước, dưới nước. Nước trên trời dập dồn đổ xuống, nước ngoài khơi ào ạt dâng lên, nước là nước, dầm dề, buồn thiu, vắng vẻ. Mọi sinh hoạt ngừng trệ, dân chài không ra biển, phố xá lặng ngắt không một bóng lại qua.

 

Bố mẹ Dũng dành chiếc quan tài đẹp nhất cho con, gỗ cẩm lai bóng láng chạm trổ tinh vi. Bên trong lót lụa trắng tinh, chèn thân thể đã nát của Dũng bằng những gói thuốc thơm của ông thầy lang độc nhất trên đảo.  Ông thầy này theo bố mẹ từ lục địa ra, ban đầu dân đảo nhìn họ với con mắt nghi ngờ muôn đời,  luôn luôn tị hiềm, cách biệt. Từ thời còn để chỏm, ông thầy đã dắt đám trẻ con của đảo đi tìm nấm mỗi mùa mưa, nhiều vô kể, rất nhiều loại nấm lạ. Có lần gia đình kia ăn phải nấm độc xùi bọt mép suýt chết, may là còn một người đi chài về chưa ăn nên cấp tốc mời thầy lang cha đến, cứu kịp. Từ đó gia đình ông mới được dân đảo quý trọng tin cậy. Rồi cứ thế thầy lang con lớn lên nối nghề và cũng được lòng dân đảo. Ông đã cứu được nhiều người nhờ đám cây thuốc hái trên rừng. Người thì bảo chẳng qua chỉ chưa tới số, chớ tới số thì thuốc gì cũng chết, phước chủ may thầy. Chính ông bảo phải chèn nhiều thuốc cho thân thể Dũng thơm tho, linh hồn cũng nhẹ nhàng siêu thoát.

 

Hôm tẩn liệm, mẹ Dũng can đảm tham dự suốt từ đầu tới cuối, từ lúc bao bọc bộ xương lom mom đó đây vài mẫu thịt tím ngắt, đến lúc đậy nắp quan tài và đóng sáp hình con cá. Một nửa mặt Dũng còn sót lại bằng miếng thịt tái ngắt rung rung mỗi lần cuộn vải luồn qua bọc bộ xương nguyên vẹn, không bị mất chân như cu Hải. Khác là xương sườn nơi con tim e ấp bên trong dập nát như bị đánh tàn nhẫn khiến ngực sụp xuống, nhưng không mất miếng nào. Và con tim không còn nữa, người ta xầm xì chắc cá ăn mất rồi. Gan ruột lòng thòng ngoằn ngoèo luồn qua bộ xương, bây giờ đã  cuộn gọn gàng, nhưng bữa khiêng Dũng về nhìn trông kỳ dị. Không phải người cũng chẳng phải là vật gì cả. Chỉ là gớm ghiếc. Bất hạnh. Mẹ Dũng không khóc, mặt đanh lại, mắt long lanh sòng sọc dễ sợ, răng nghiến trèo trẹo từng hồi nghe rợn cả người. Nhìn bà, người ta thấy kinh hơn là thương cảm một người mẹ mất con.

 

Hôm đám tang Ti lặng lẽ giữa Trung Trinh, đi tụt phía sau, chìm lẫn  trong đám bạn học. Nhiều cái đầu quay lại xì xầm rồi cô của Dũng đi ngược lại nói với Ti giọng cứng rắn:

- Cháu đi đi, chỗ này không phải của cháu.

- Cháu muốn tiễn bạn…

- Cháu đã tiễn hôm trước rồi, nó đi luôn đó thấy chưa. Đáng lẽ cháu  chết thì tốt cho mọi người biết mấy.

 

Ác quá. Tội nghiệp, Ti đẩy Trung Trinh cứ bước. Nhưng Trung can đảm nhìn thẳng vào mặt cô của Dũng:

- Thưa cô, đây chỉ là tai nạn.

- Ờ thì tai nạn, nhưng do ai đem tai nạn tới?

- Cô không tin vào số mạng như bữa trước cô nói rằng vợ chồng cô gặp nhau là do số mạng à?

- Đó là chuyện khác. Mà thôi, các cháu khỏi đi đưa.

- Dũng sẽ hiểu cho tụi cháu. Còn cô, trời sẽ trừng phạt cô về tôi ngăn cản tình bạn của tụi cháu.

 

Lần đầu tiên thấy Trung phản ứng cứng rắn can đảm, Ti kéo tay Trung. Bà cô Dũng hét lên:

- A, vậy chưa đủ sao, tụi bây còn muốn trù ẻo cả dòng họ tao à?

 

Mọi người quay lại, có người tới lôi cô Dũng đi. Ba anh em Ti dừng sững lại giữa đường, nắng đổ xuống khuôn mặt trẻ thơ chưng hửng ngơ ngác. Nắng đảo mùa hè quái ác không làm khô nổi nước mắt của gia đình Dũng nhưng làm khô quắt hồn Ti. Đám  áo tang trắng lung linh lao chao di chuyển chậm chạp như con rùa nằm ngửa, tiếng kèn bát âm réo rắt chát chúa lan dài trên đường, những tờ giấy vàng bạc âm phủ tung rải dọc đường,  tiếng khóc của đám đàn bà, tru tréo, thảm khốc rờn rợn cả một quãng đường. Môi run run kìm nén, Ti nhìn theo đám rước rắn rồng quẹo qua góc phố rồi quày quả ra về, nằm vật ra giường vùi mặt vào gối. Sau nhiều năm thiếu mẹ, đây là lần đầu tiên Ti khóc thực sự, không rõ khóc vì thương nhớ Dũng hay bị gia đình Dũng vô tình  ghét bỏ. Trinh nằm bên cạnh vụng dại quàng ôm Ti, cũng sụt sùi. Trung ngồi ngoài phòng khách giận dữ lật qua lại tờ tạp chí mà mắt chẳng thấy chữ nào. 

 

Lời nói ác đó chẳng khác chiếc gai nhọn cào sướt tâm hồn trong trắng của Ti. Nó rướm máu.  Nhìn đâu cũng thấy lòng bất mãn của người khác dành cho mình, rất ít bạn còn dám giao thiệp vì bị cha mẹ cấm, Ti thu mình trong chiếc vỏ cô đơn với ý nghĩ dân đảo không ưa dân lục địa và nó giúp Ti quên Dũng dễ dàng hơn. Con trai thì tuyệt đối nhìn Ti như nhìn một sản phẩm nghệ thuật đặt trên cao và cấm sờ mó, chỉ chiêm ngưỡng từ xa.

 

Càng ngày nhan sắc Ti càng lạ, có cái gì mơ huyền trong mắt với cái nhìn xa xôi hờ hững mà quyến rũ,  khiến người ta băn khoăn hồi hộp. Thường, đám con gái vừa thèm thuồng vừa cố bắt chước mọi cử động ơ hờ rất quý phái của Ti. Vẻ cao sang của Ti khiến người ta vừa kính trọng vừa sợ, kháo nhau rằng nó che giấu bên trong cái gì bí hiểm khó lường. Mọi người đều có vẻ âm thầm tôn trọng dè chừng, Ti như sở hữu thứ quyền lực ngấm ngầm nào đó có thể sai khiến và người ta không có lựa chọn. Đầu Ti lung linh kín đáo hào quang, rọi xuống gương mặt lúc nào cũng rực nét thông minh, cương trực.

 

Ti lớn lên như cấy cối giữa rừng, mạnh mẽ hiên ngang đối chọi gió mưa sấm sét, vượt cao lên bất cứ chướng ngại nào. Và giữa rừng bao la, cây Ti sừng sững cách biệt, nhìn xuống đám cây rừng như vua chúa nhìn đám thần dân.

 

Chiếc du thuyền gia đình từ bấy giờ mới thực sự nằm im một chỗ, không bao giờ được dùng đi chơi hay sinh nhật nữa. Nhóm Tuấn bàn nhau không nên gợi cho dân đảo chơn chất quê mùa nỗi ganh ghét vô ích. Họ thường nhỏ to về tai họa mà dân đảo lấm lét bàn tán. Thời gian này nhóm bạn Tuấn rất lo ngại, không biết hư thực ra sao, nếu kéo dài thì tội nghiệp con Ti bị gièm xiểm cả đời. Họ bàn bạc và hai năm sau nhân dịp linh mục Thuần đổi về đất liền, Ti được gửi vào trọ học tại nhà chị ruột của ông. Bà này độc thân, từng muốn nhập vào đoàn thê thiếp của Chúa nhưng không được chọn. Bà sống âm thầm, cực kỳ ngoan đạo, cực kỳ khó tính.

 

Ban đầu mỗi tuần Tuấn vào thăm con, khi mọi việc an ổn thì gặp mùa mưa bão nên có khi cả tháng mới vào, thường với hai gia đình Dương và Cường. Ti chỉ về đảo vào dịp lễ lạc và hè, như thể đảo và đất liền cách nhau xa xôi lắm. Bây giờ trong căn nhà rộng rãi mọi sinh hoạt của Tuấn thu hẹp lại nơi phòng khách. Tuấn làm việc ở một góc, ăn ở xa lông và ngủ luôn trên ghế dài. Vắng Ti, bà giúp việc càng chăm nom Tuấn hơn, từ miếng ăn giấc ngủ như con mọn, thường ép Tuấn ăn uống kẻo con Ti về nó lại trách tui không chăm sóc chú. Căn nhà vẫn ngăn nắp tinh tươm nhưng thiếu sinh động. Vẫn giữ lệ cả nhóm gặp nhau mỗi tuần một nhà, nên cứ ba tuần một lần bà giúp việc mới trở nên hoạt náo.

 

Mỗi lần về, Ti chạy rông khắp nhà gọi tíu tít bố mẹ như thể Thúy còn sống, hái hoa bày biện khắp nơi, đổi bức hình chỗ kia, bức tranh chỗ nọ. Tuấn lăng xăng để con sai bảo đóng thêm cái đinh chỗ này, dịch lại cái bàn hướng khác. Thúy như hiện diện đâu đó trong nhà. Những tấm hình chụp chung cả bọn không muốn nằm yên trên tường mà lay động, tung tăng. Dây phơi sân sau phất phới chăn mền quần áo. Thế nào Ti cũng soạn ra cái gì đó để cho,  để hong nắng “cho không có mùi buồn thảm bám vào”. Ti mở hết cửa sổ cửa cái, kéo màn – những tấm màn mẹ may mỗi phòng một màu hoa mà bố con Ti vẫn thường trêu mẹ pha màu như họa sĩ. Ánh sáng chan hòa. Để căn nhà thêm sinh khí, Ti mở nhạc ồn ào, mặc dù đây không phải loại nhạc Ti ưa thích. Và buổi sáng chim hót giòn dã rộn ràng hơn, bữa ăn đậm đà hương vị đầy ắp tiếng cười. Bà giúp việc  hớn hở trông thấy, tất bật rộn ràng, nhanh nhẹn trẻ trung chạy ra chạy vào, gọi Ti ơi Ti hỡi dù chẳng chuyện gì, chỉ để thấy là căn nhà ngập tràn sự sống…

 

 

X

 

 

Mùa hè năm mười bảy tuổi, Ti về nhà trước khi lên đại học. Vào đón con, Tuấn mời cô Hai cùng ra đảo nghỉ ngơi, cô hứa sẽ ra khi đứa cháu trai học ở Sài gòn thi xong về,  đến trông nom nhà. Thằng cháu sinh viên y khoa năm thứ tư này lần trước đến thăm cô, gặp Ti, nó  bị hớp hồn. Trước một con bé Ti hồn nhiên tươi tắn như đóa hồng mà có cái gì xa cách, cậu ta mất cả tự chủ, chỉ biết lòng vòng phụ Ti xách nước. Hoa hồng vườn cô Hai chăm bón mỗi ngày và Ti lãnh nhiệm vụ cho uống nước, xách cái bình đi dọc ngang, thích thú tưới xuống mảnh đất hút nắng khô khan gặp nước liền nhả ra từng hơi nồng nồng và làn khói mỏng lan tỏa, rồi đất im lìm thưởng thức cái mát mẻ do nước ngấm lịm vào thân thể. Cậu lăng xăng chạy lấy cây kéo khi Ti bảo đáng lẽ cành này cô Hai phải cắt bỏ; hay lấy cái xẻng nhỏ khi Ti muốn vồng chỗ đất cao hơn để nước khỏi tràn ra. Nhìn Ti say sưa ngắm mảnh đất bấy giờ có vẻ thư giãn, mềm mại, tay Ti thoăn thoắt lướt nhẹ trên nụ, trên lá hồng nõn nà sinh lực, cậu muốn gợi chuyện mà chẳng biết nói gì, ngập ngừng mãi mới hỏi được một câu:

- Ti… yêu loại hoa nào nhất?

- Hoa hồng. Còn anh Quý?

- Quý cũng yêu… hoa hồng nhất. Nó sang trọng và có gai tự bảo vệ, như Ti vậy.

 

Ti cười dòn dã:

- Anh thấy Ti có gai à?

 

Quý thành thật phân bua:

- Thì… đó là cách nói vậy mà. Trông Ti vui vẻ mà nghiêm khắc.

- Thật à? Mâu thuẫn quá.

- Ừ thật, nhưng rất thu hút.

- Lạ quá, Ti chưa hề nghe ai nói như vậy.

- Thì bây giờ nghe rồi đó.

 

Và tối đó trong bàn ăn, Quý cũng mau mắn phụ dọn bàn, xới cơm, so đũa. Cô Hai tinh ý thấy ngay, e hèm:

- Thằng Quý cứ như giẫm phải lửa.

 

Ti nhìn Quý cười cởi mở. Hơn Ti những năm tuổi mà trông Quý lại già dặn đĩnh đạc không bằng, cứ như Ti chỉ cần búng ngón tay là Quý sụm. Cô Hai lại kể chuyện những buổi hát lễ ở nhà thờ, giọng người đàn bà vừa bị chồng bỏ cao ngất ra sao, trong veo, như thần thánh nhập vào. Những nốt nhạc khó hát nhất chỉ một mình bà ta diễn được, vậy mà chuyện tầm thường trong đời sống vợ chồng là bớt cằn nhằn tra khảo những lần chồng về muộn để anh ta có thể vui sống an lành thì bà ta không thể. Cho đến một ngày như dây đàn căng quá, anh đứt phựt để không còn âm thanh phối ngẫu nào du dương được nữa. Và thế là giọng bà vợ cứ cao vút lên, vút lên tận trời, như báo cho trời biết, như trút hết cái giận dữ cái chua ngoa đanh đá với chồng biến thành nốt nhạc gửi cho trời. Chuyện thằng bé giúp lễ áo xống xênh xang trắng tinh bỗng dưng ngã đùng bất tỉnh trong khi đang theo gót linh mục làm phép rải hương. Vào bịnh viện, nó bỗng nhiên trầm tĩnh khác thường, không nói năng hoạt bát vui vẻ như xưa mà tỏ ra đăm chiêu suy tư như người lớn, mắt lại cứ nhìn mãi vào khoảng không mà chẳng diễn cảm gì. Câu chuyện này Ti đã nghe cô Hai nói đi nói lại nhiều lần, và lần này cũng chưa có thêm chi tiết gì mới mẻ. Nhưng Quý thì há hốc mồm kinh ngạc hay giả vờ kinh ngạc, bởi chắc chắn cô Hai đã kể cho cậu rồi. Kiến thức bốn năm y khoa chưa giúp Quý hiểu được hay giải quyết được tình huống lạ lùng này. Người lạc quan kháo nhau thằng nhỏ được Ơn trên chọn làm điều gì đó, người nghi ngờ bi quan thì e nó bị quỷ ám. Mà quỷ sao dám cả gan ám ngay giữa lúc nó ở nhà thờ, như vậy là thắng Chúa rồi. Chịu, bàn mãi chẳng đi đến đâu và thằng bé thì cũng chỉ nằm dài, chưa chịu bước một bước hay có vẻ trên đường hồi phục. Cứ nằm thỏng tủm tỉm bâng quơ, miệng chỉ dùng cho việc ăn uống. Tịnh không một lời.

 

Trước khi về đảo một tuần, vườn hồng cô Hai thi nhau tặng Ti những nụ cười rạng rỡ, hí hửng nở nang. Chiếc máy hình bố mới thưởng lên chức cô Tú bấm lia từng luống rồi từng cánh hoa tuổi dậy thì. Ti mang về đảo, nghĩ những kỷ niệm này rồi sẽ có lúc nhạt phai. Thật ra Ti là người chẳng mấy lưu tâm đến kỷ niệm. Mỗi lần có gì cần suy nghĩ Ti cứ hẹn để lúc khác, rồi ngày mai ngày kia sẽ không như lúc này, mọi suy nghĩ sẽ đằm xuống, chín chắn bình tĩnh hơn, và kỷ niệm thường mờ nhạt sau một thời gian mà trí nhớ mình không thể giữ hoài mọi chi tiết. Chi tiết cũng sẽ thay đổi, gai góc cũng sẽ tròn trịa, niềm vui nỗi buồn cũng sẽ phôi pha không rõ nét. Kiều bảo cái tâm của Ti chọn lọc quá nhiều để giúp Ti không bị lung lay ủy mị, mà  biết đâu đó cũng là một mất mát, một khiếm khuyết cuộc đời. Nhưng cứ thế, Ti vững vàng, sừng sững giữa các dao động đời con gái...

 

Nên trong khi Ti thản nhiên về đảo nghỉ hè, bạn bè đã có đứa sướt mướt lụy tình. Khúc quanh trí tuệ này không ảnh hưởng gì nhiều về tâm lý của Ti, có chăng là cô bạn thân cùng lớp sắp lấy chồng. Ti cho là sớm quá với tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, còn ham chơi bay nhảy và ngây thơ. Nhưng cô bạn Kiều bất ngờ đang chờ làm mẹ, điều mà Ti rất khó tưởng tượng có thể xảy đến cho mình, trừ phi tai nạn. Mà tai nạn thì khó thể xảy đến với một Ti nghiêm túc và trọ trong nhà một bà già nghiêm khắc. Vì cô Hai ở chỉ cách nhà thờ hai dãy phố, hầu như chiều nào linh mục Thuần cũng ghé thăm, với khẩu hiệu xem Ti học hành thế nào, thỉnh thoảng hỏi riêng Ti có chịu nổi cô Hai không, Ti chỉ cười, nói Cha đừng lo, lớn lên bằng cô Hai, có thể con còn khó hơn cô Hai nữa.

 

Hôm Kiều rủ đến nhà, sau bữa cơm trưa hai đứa nằm loay hoay nghe nhạc, chợt Kiều nhảy phắt khỏi giường tắt máy, ngập ngừng hỏi Ti:

- Mấy bữa nay… tụi trong lớp  nói gì tao lắm phải không?

- Đừng để ý.

 

Kiều sôi nổi, mắt sáng rực nhìn Ti thẳng thắn:

- Mà đúng rồi Ti à.

- Đúng cái gì?

- Tao… tao mất trinh rồi!

- Cái gì?

- Ừ.

 

Và hai đứa cùng hét lên, ôm chầm lấy nhau. Kiều khóc, da Ti nổi gai. Nắng buổi trưa ào qua cửa đổ lên giường, nung nấu câu chuyện thành nỗi hãi hùng. Chưa bao giờ Ti run đến thế, ngay cả khi nghe cái chết. Vậy mà bây giờ Ti có cảm giác như một phần thân thể mình bị đụng chạm, bị cướp đi, bị dày xéo làm đau đớn cả tâm hồn. Ti chưa hiểu chuyện đó, chưa bao giờ quan tâm đến chuyện đó, chưa sẵn lòng chia sẻ điều bí mật về chuyện đó. Trong chốc lát Ti thấy mình hoảng loạn ù tai, mặt đất trũng xuống sâu hoắm, chiếc giường kéo dài thênh thang và chỗ hai đứa con gái nhỏ nhoi đang nằm bỗng nứt ra, toác hoác. Ti bấu víu bờ giường suýt sụp, mong ước mơ hồ điều đã nghe là không thật, là Kiều chẳng thố lộ gì, chẳng thay đổi gì… nhưng chỉ là Ti bấu bờ vai Kiều tròn trịa, mạnh mẽ vừa mới “biết đời”.

 

Mẹ mất sớm, không ai dạy Ti điều gì phải giữ gìn, bố thì không dám nói đến những điều nhạy cảm đàn bà. Cô Cúc cô Hiền hay cô Hai, nhiều lần đã cố gắng giải thích khéo léo cách nào đó. Như năm kia, lần có kinh nguyệt đầu tiên nhằm cuối tuần mọi người từ đảo vào thăm, tình cờ trong lúc đánh vũ cầu với Trung và Trinh bỗng quần Ti rỉ máu. Các ông làm như không thấy, các bà bắt đầu săn đón dạy bảo. Những câu chuyện chỉ giữa đàn bà to nhỏ với đàn bà được ba bà cô tế nhị đề cập đến, xa xa gần gần, kín kín hở hở. Cũng từ đó mỗi lần có dịp, các cô luôn luôn gợi ý nói đến vấn đề quan hệ với người khác giới, nhưng Ti cứ lướt bỏ qua đổi đề tài bởi vô tình mà tận thâm tâm, Ti thấy đó là điều đương nhiên phải biết mặc dù thực sự Ti chẳng biết gì cả.

 

Bực vì Ti cứ cười cười lảng sang chuyện khác, có lần vừa ngồi vào bàn ăn trưa, cô Hai thẳng thừng dù chẳng phải lúc nói về vấn đề giao tiếp:

- Nè, con phải lưu ý dè chừng bọn con trai nghe chưa, thằng nào có rủ rê đi chơi phải cho cô biết, thằng nào cho cái gì không được ăn nghe chưa, nó bỏ bùa mê đó.

 

Ti cười cười:

- Cô không sợ chính con mới bỏ bùa mê cho nó sao?

 

Vì đã nghe linh mục Thuần kể những chuyện xảy ra ngoài đảo, cô Hai trợn mắt:

- Con không được đùa đó nghe. (Hạ giọng dỗ dành) Thời buổi này bọn con trai ghê lắm, dụ dỗ ngọt như mía lùi, khéo mà giữ mình. Lỡ con bị gì cô biết ăn nói làm sao với ba con và các cô chú. Ăn đi. Như con Thuận con chú Kiểm thấy chưa. Mũi dại lái chịu đòn là vậy đó. Có con dại cha mẹ khổ lắm. Khôn ba năm dại một giờ con à, nó dụ ngọt quá mình xiêu lòng là chết.

 

Ti thấy thương cô Hai quá, nhận cho Ti ở trọ cô đã lăng xăng nấu nướng, tìm những món ngon cho Ti vừa miệng. Bữa nào Ti lười ăn là cô đã buồn lòng rồi, cứ theo hỏi con thấy trong người ra sao, có khó ở không..., nên Ti luôn ráng ăn bình thường cho cô vui, ăn nhiều hơn cô càng thích, nhịn cả phần mình cũng được. Lại thêm nỗi lo cho tư cách số mạng Ti nữa. Mà có lẽ các nỗi băn khoăn về Ti khiến cô rộn ràng bận bịu mà vui. Cả đời cô chưa hề lo lắng săn sóc cho ai, chỉ được mọi người trong nhà o bế. Bố mẹ mất khi cô ở tuổi không chồng con được nữa, duy nhất cậu em trai thì đã vào trường dòng từ bé,  có ai để cô thực hành tình mẫu tử. Cô lại không thích theo các bà trong nhà thờ đi chăm nom trẻ mồ côi hay người lớn tuổi neo đơn, vì cô mắc … bịnh cực kỳ vệ sinh, nhìn đâu cô cũng thấy dơ bẩn đầy rẫy vi trùng, nhìn cái gì của ai cô cũng thấy cần phải rửa lại, lau lại, sắp xếp lại… 

- Mà này, thằng nào có tặng quà cũng không được nhận nghe. Tụi đàn ông bỏ cái gì ra thường chờ đợi lấy lại cái gì. Cái gì đó nó nằm trên người mình, tụi nó muốn lấy như vậy đó.

 

Ti bật cười nắc nẻ. Cô Hai làm như thể có kinh nghiệm sống cả mấy kiếp dù từ nhỏ chỉ biết đi nhà thờ đọc kinh cầu nguyện. Ngay cả áo quần, cô chỉ biết mỗi hai màu đen trắng. Hai màu này nếu điệu đàng có thể  rất sang trọng thời trang, nhưng trên người cô Hai nó chỉ là sự đơn giản hầu như quê mùa. Và cả đời cô chỉ biết nhìn thẳng phía trước, không hề một cái liếc mắt, không hề ban phát một nụ cười dễ dàng cho người khác huống gì cho bọn con trai, vậy thì từ ai mà cô tin chắc là bọn họ thường đòi nợ bằng những gì nằm trên thân thể đàn bà? Bằng sách vở ư? Cô Hai chỉ đọc Thánh kinh và loại sách học làm người. Các loại này không hề nói đến cách “đòi nợ” của đám nam nhi. 

 

Cô nhướng mắt nhìn, Ti nuốt vội, lúng búng:

- Con xin lỗi cô Hai. Cô yên trí đi, con không nhận gì của bọn con trai đâu. Mà cô Hai coi, ở trường hay ở đâu, tụi con trai cũng có vẻ sợ con như sợ cọp.

- Ừ vậy càng tốt. Cô chỉ con sợ trẻ người non dạ, lỡ gặp thằng nào khôn khéo con bị lụy thì khổ thân.

 

 

Và cho đến bây giờ Ti chưa bi lụy. Ti cảm thấy có một người vô hình nào đó luôn luôn bảo vệ che chở mình và ngăn chận những điều xấu nhất. Ti nghĩ đó là mẹ, người mà Ti luôn luôn tâm sự không phải chỉ mỗi lần về đảo ngồi bên mộ, mà là mọi lúc mọi nơi…

 

Một lát Kiều nói:

- Anh ấy xin, ban đầu tao không chịu. Rồi sau thấy thương quá. Vậy là mất trinh. Khi tụi tao vừa bước ra khách sạn, con Nhi đi ngang thấy. Tụi tao tránh không kịp. Nó nhìn tụi tao ngạc nhiên, rồi quay đi tủm tỉm. Tao lạnh cả người mà làm gì được nữa. Liều. Chịu chết thôi.

 

Im lặng. Ti nhớ nét mặt Nhi buổi sáng hôm đó nháy nhó với mấy cô khác và cả bọn kéo ra ngoài. Khi họ vào lớp, vẻ hỉ hả mấy khuôn mặt non trẻ kia có nét gì độc ác. Thì ra là thế. Ti thấy rụng rời, có cái gì tạt mạnh như người chịu đựng cơn mưa bất chợt ồ ạt xuống, lạnh thấu xương và cô độc giữa trời. Ti cứ nhìn sững Kiều, cô bạn lúc nào cũng tươi cười mau mắn với đôi mắt thật to trên khuôn mặt tròn, nước da ngăm. Nhớ câu “nước da mầng quân cởi quần không kịp”, tự hỏi nó nghĩa là gì, là chính người da mầng quân hay người khác... cởi quần không kịp? Bây giờ Ti thấy nhỏ bạn đã bước vào một thế giới khác, thế giới của người lớn trong khi còn bé, thế giới của hiểu biết trong khi vẫn ngu ngơ, thế giới của bất chấp trong khi còn sợ hãi. Bây giờ Ti thấy bạn không còn đồng hành với mình nữa, bạn đã rẽ ngang, bước qua ngõ tắt và không gì hứa hẹn bên kia đường sẽ sáng sủa. Đôi mắt to thường cười rạng rỡ giờ đã có lớp mây mỏng phủ lên, áy náy. Và chiếc miệng với đôi môi hơi dày thường chu cong cong mỗi lần nói bây giờ hơi mím lại, chịu đựng. Ti thương bạn quá.

 

Nghĩ bụng Kiều ngu, nhẹ dạ, như cô Hai vẫn nói. Rồi còn gia đình bố mẹ Kiều sẽ phải chịu lời ong tiếng ve của xã hội, và Kiều ở trường… Trong đám bạn có Tâm là bạn thân nhất của Kiều, từ nhỏ. Ngược lại với Kiều, mắt Tâm nhỏ xíu, ti hí, môi lúc nào cũng đỏ tươi mỏng dính, mặt dài xương xương, da trắng trẻo. Và cũng chính cô bạn thân nhất này mấy hôm nay đã rỉ rả cùng các cô bạn khác, to nhỏ liếc xéo Kiều. Cô này từ bé bịnh suýt chết nên miệng nuốt thuốc nhiều hơn nuốt thức ăn, ngay cả kí ninh cũng nhai rào rạo. Lớn lên hình như miệng cô dành nhiều vào những câu chuyện mà cách nói phải là rì rầm, thỏ thẻ ngược với tiếng thuốc bể nát ồn ã trong miệng ngày xưa. Hôm trước Tâm đã mơm mớm với Ti về chuyện này, nhưng Ti lờ đi như không hiểu, lảng sang chuyện khác. Câu ngạn ngữ “Một người bạn trong khi cần thiết là một người bạn thật sự” lởn vởn trong đầu, Ti ôm chầm lấy Kiều như bảo vệ, như giúp bạn thêm sức bước đi mặc dù biết bạn vừa tách khỏi tuổi thơ như tằm tách khỏi cái kén, đang tách ra khỏi vòng tay bấu chặt của mình:

- Đau lắm mày ạ. Nhưng thương vô cùng.

 

 Ti tỉnh người, chiếc giường không có khoảng trũng nào, không có vết toác nào, chỉ có lo lắng:

- Bây giờ làm sao?

- Tao sợ tao có bầu rồi.

- Làm sao mày biết?

- Thì gần đàn ông con trai là có bầu rồi chớ gì nữa!

- À đúng rồi. Vậy thì làm sao?

- Tụi tao phải lo làm đám cưới, càng sớm càng tốt, trong dịp nghỉ hè.

- Mày đã bàn bạc với ảnh chưa?

- Rồi, liền bữa đó. Nhưng ảnh chưa bàn với mẹ.

- Còn gia đình mày thì sao?

- Chắc chắn phải lo cho nhanh, ai mà muốn có đứa con gái chửa hoang hả mày.

 

Ti lại im. Bỗng dưng thấy bạn già dặn hơn hôm qua, hơn mình tưởng. Bỗng nhiên thấy bạn cứng cáp, quyết đoán, biết mình muốn cái gì chớ không lơ ngơ như mình tưởng. Có phải chỉ cần một bước từ con gái sang đàn bà là bước đi vạn dặm? Kiều liếng thoắng khẳng định:

 

- Mày về nghỉ hè rồi vào ăn cưới, tao sẽ gửi thiệp mời.

 

Hình như thố lộ điều ghê gớm ấy rồi là trút được tảng đá nghìn cân, Kiều hoàn hồn lại, kể chuyện lòng mình với giọng say sưa, mắt long lanh cười. Lúc nhanh nhẩu hổn hển đứt hơi, lúc mơ màng chậm rãi. Ti im lặng lắng nghe, thấy những cơn thủy triều lên xuống, thấy giông bão và gió hiu nhè nhẹ, thấy hoa trái nở tưng bừng và cũng có những chiếc lá rơi… Rõ ràng tình yêu vừa là vị thần mầu nhiệm vừa là vị thần tai quái. Ti nhìn bạn đắm đuối trang trải nỗi lòng, thoáng chốc như thoát tục, như thăng hoa trong thứ tình mà con người không thể sống thiếu. Chỉ là Tình Yêu, một thứ tình giới hạn viết hoa giữa hai người nam nữ. Đừng như các ông bà thi sĩ muốn bỏ hơi sức ra tìm hiểu và định nghĩa nó là gì. Cái gì còn định nghĩa được là còn có bàn chân của lý trí bước vào, còn mở mắt ra nhìn vểnh tai lên nghe. Kiều chỉ diễn tả giản dị là  “Đau lắm mày ạ. Nhưng thương vô cùng”. Sau đó không có gì thắc mắc hối tiếc, không biết cả đoạn đường trước mắt sẽ dẫn đến đâu, không còn lời nào nữa. Bởi vì mọi ngôn từ diễn tả nó chỉ là thứ ba hoa văn vẻ, có định nghĩa nào hay ho và hàm súc bằng sống qua với nó, dù chỉ một lần để rồi tưởng nhớ trọn đời?

 

Đã gặp anh bạn ấy và qua lời kể của Kiều, Ti thấy rõ hơn lừng lững trước mặt mình một thanh niên hào sảng, có trách nhiệm và sinh động. Trong thâm tâm Ti mong bạn được an vui hạnh phúc. Điều duy nhất Kiều sợ là anh ta con một, sẽ phải ở với bà mẹ chồng góa bụa từ tuổi thanh xuân chỉ biết làm lụng chăm con, và sẽ không phải là người mẹ chồng dễ dãi. Ti an ủi:

- Sao mày biết bà ấy khó tính? Biết đâu bà ấy thương mày nhiều hơn vì mày thương con bà.

- Ảnh dẫn tao về nhà, bả nhìn tao từ đầu tới chân từ chân ngược lên đầu, khinh khỉnh, im lặng. Lúc đó tao có cảm giác mình là con bò, người mua định xem có đáng giá để xẻ thịt không. Tao nhột.

- Thì bà ấy nhìn đâu có nghĩa là chê?

- Có chứ. Rồi bả nói với ảnh là tại tao mà ảnh mất vợ. Bởi vì bả đã nhắm một đám khác cho ảnh rồi, mà ảnh không thương.

- Thời buổi này mà còn chuyện đó nữa!

- Bà này độc quyền thằng con duy nhất mà mày.

- Có chuyện gì, mày cứ nói như thường thấy trong phim ảnh, là “chúng ta cùng thương một người”, như vậy bả sẽ tỉnh ngộ.

- Tỉnh ngộ hay xúi con bả bỏ tao?

- Bậy bạ, có mẹ nào lại muốn con khổ.

- Bả hay làm tuồng làm tịch lắm, nhiều khi ảnh sợ. Ví dụ bả dám doạ nếu không bỏ tao thì bỏ bả, hay bả tự tử, thì sao?

- Bộ ảnh nghe lời mẹ lắm hả?

- Ảnh rất thương mẹ và nghe lời mọi thứ, trừ chuyện này thì chưa.

- Vậy thì còn lo gì? Mày là mối tình đầu của ảnh mà.

- Giỡn hoài, bây giờ vậy chớ lấy về ở chung sẽ khác, trước mắt chỉ thấy cơm gạo mắm muối chớ tình đầu tình cuối gì nữa, ai biết được.

 

Ti cười, tiếng cười dòn dã như chuyện vừa nghe không phải chuyện buồn:

- Mày nói như đã bao nhiêu năm kinh nghiệm với các ông chồng và mẹ chồng vậy!

 

Và Ti lại nhìn bạn. Liệu Kiều có chịu mười lăm năm đoạn trường vì bà mẹ chồng không?

       - Con cười gì vậy?

 

Giật mình, quên là đang rúc vào nách bố như thuở xưa còn được ẵm bồng mà lòng chợt nhớ đến chuyện của Kiều, Ti ngồi thẳng lên nhìn vào mắt bố:

- Bố à, nếu con lỡ có bầu với ai đó, bố làm sao?

- Con nói gì vậy?

 

Nghe giọng bố, Ti cười, thương vô hạn. Những nếp nhăn đã nhiều trên khóe mắt, làn da sạm nắng mạnh khỏe ngày nào đã bắt đầu có nốt đen, xệ xuống. Ôm mặt bố, mắt ngân ngấn lệ, cô con gái nói với cha bằng giọng trìu mến ngọt ngào như vỗ về con mọn:

- Bố đừng lo, con chỉ chọc bố thôi. Con sẽ không làm gì để bố lo âu đâu, bố đã khổ nhiều rồi. 

- Bố luôn cám ơn trời về sự ngoan ngoãn của con. Và cám ơn con nhiều lắm.

 

Xa xa hiện mờ mờ trong nắng lung linh hơi nước, ngọn đảo nơi mình lớn lên với bao nhiêu vui buồn khiến lòng Ti như trầm xuống cùng khúc nhạc uể oải dịu dàng. Lần này nhìn chăm chú đảo từ xa Ti thấy khác, hình như nó không cao lớn lắm như xưa. Ngọn hải đăng sừng sững trên đỉnh đảo cũng khiêm nhượng hơn, im lìm nhìn biển bao la, nó thấy hết, ghi nhận hết mọi điều, ngay cả nỗi lòng Ti  bị bạn bè tránh né sau cái chết của Dũng. Ti đã kể cho ngọn hải đăng muôn đời kín đáo nghe nỗi lòng mình, rằng bạn bè vẫn mời mọc nhau nhưng không ai vồn vã ngoài vài lời xã giao chào hỏi, rồi Ti thường ngồi lặng lẽ một góc nhìn bạn bè hân hoan nhảy nhót, không cậu nào mời Ti cả. Những buổi họp mặt sinh nhật như thế trôi qua cho đến khi cảm nhận thực sự cái không cần thiết mình phải tham dự, Ti bắt đầu từ chối lời mời và giam mình vào cô đơn như chưa bao giờ. Và ở lớp, Ti có hai cô bạn thân nhưng chúng có vẻ giấu giếm mọi người. Ti thông cảm nhưng không hiểu, nó đã khiến Ti nhiều đêm mất ngủ, rồi tự nhủ thôi đừng suy nghĩ nữa, chờ xem hôm sau ra sao. Cứ thế nhiều hôm sau trôi qua cho đến khi Ti vào sống trong lục địa. Ngọn hải đăng đêm đêm thao thức nghe ngóng mọi sinh linh trên biển, một cách vô tình đã hướng dẫn Ti cư xử với đời như nó hướng dẫn thuyền bè về bến: sự thinh lặng ban ngày và tỏa sáng ban đêm. Với Ti, đêm là việc sách đèn chăm chỉ và thổ lộ lòng mình một cách ngây thơ trên trang giấy học trò…

 

Thuyền vẫn lướt đi gập ghềnh trên sóng nhỏ. Bất ngờ lòng Ti thanh thản hơn, như vừa bước vào thính phòng với ánh đèn êm dịu và bản nhạc du dương mềm mại. Theo nhịp tròng trành nhè nhẹ con tàu, Ti nhắm mắt và thấy mình đang mê man khiêu vũ, một vũ điệu lạ lùng kỳ diệu mà Ti không dám mở mắt ra sợ chỉ là ảo giác. Trong tay một người đàn ông, chắc là bố rồi vì Ti đang ngồi trong vòng tay bố, nhịp đong đưa thân hình theo tiếng nhạc hư như thực, có cái gì huyễn hoặc cực kỳ quyến rũ. Hình như có ai nói gì vào tai, êm ái  nhẹ hẫng như ru những lời trai gái nên Ti chợt hiểu người đàn ông nào khác, không phải bố. Mắt cứ nhắm, Ti để lòng mình thong dong hư hỏng dạo chơi, một thứ tình cảm mới mẻ như truyền vào Ti niềm hân hoan cao cả…

 

Nắng tròng trành đổi chỗ, gió mơn man uốn éo, và hai bên thân tàu nước vấp váp vỗ đều tanh tách. Ti nghĩ đến lúc về nhà, ra bãi tắm, rủ bạn cùng bơi ra xa, thật xa đến khi ủ rủ mệt mỏi thì nằm thả lỏng người cho nước nâng niu. Mỗi lần nằm trong nước Ti luôn luôn sảng khoái, cảm giác tuyệt diệu như được âu yếm, được ru. Chẳng có gì chạm vào người mà toàn thân được ôm ấp vỗ về. Không một vòng tay thịt xương, mà toàn thân mình được gói trong cái bao la mềm mại. Và tất cả khiến Ti quên hết mọi thứ trên đời, những lo âu tuổi dậy thì, những buồn phiền không còn mẹ, những bận rộn học hành… Tất cả chỉ là bên lề không bắt lòng Ti vốn ít băn khoăn,  suy nghĩ nữa.  Cứ thế, Ti nhắm mắt trôi nổi giữa dòng, cho đến lúc bạn réo gọi mở mắt ra thì đã về gần đến bãi.

 

Từ ngày vào đất liền, mỗi lần về đảo đối với Ti là niềm vui, dù không cố giữ nhưng những kỷ niệm ấu thơ luôn luôn đâu đó một góc tâm hồn và chỉ cần một khơi gợi nhỏ lại trồi lên, sống động. Như chút bấp bênh ở bờ kè đủ cho cái chết cu Hải mười năm trước hiện về, cơn xoáy bánh lái du thuyền đủ thấy hình ảnh Dũng đang tuột xuống, biệt tăm. Và tiếp theo, tiếp theo là cơn khủng hoảng những đôi mắt thất thần, những giọt nước mắt như không bao giờ ngừng chảy, những than thở như không bao giờ im tiếng. Kỷ niệm đau buồn sao dai dẳng, có ký ức lì lợm bất thường dù Ti chẳng cố tình ghi nhớ. Nhưng bây giờ nó bớt gai góc, nó không cứa vào con người ở đảo những cơn đau xé ruột. Máu cũng ngừng, vết thương khép lại, lành da.

 

Với thời gian, dân đảo cũng quên đi sự hiện diện phiền hà của người được thủy cung chọn lựa. Bạn bè xưa thoải mái với Ti hơn không còn áy náy lo âu. Nhóm con trai thì nhiều cậu cũng vào lục địa học hành, phần còn lại nhìn Ti như người ngoại quốc, xa lạ bí hiểm gợi tò mò hơn là mơ tưởng.  Nên bây giờ mỗi lần về đảo đối với Ti và mọi người là một dịp vui, tiệc tùng mời mọc thân tình. Ti vẫn giữ thói quen lên thăm mộ mẹ mỗi chiều. Hai cha con huyên thuyên kể hết chuyện nọ chuyện kia với hy vọng Thúy cùng nghe cùng chia sẻ, bởi vì bố con hầu như gặp nhau mỗi vài tuần thì chẳng có chuyện gì là mới, nhưng họ vẫn vui vẻ nhắc đến như chỉ mới hôm qua. Chuyện Ti có nhiều chú chàng theo đuổi là bố Tuấn thích nghe nhất, là cách kín đáo theo dõi kiểm soát con mình. Mà đó cũng là điều Tuấn lo ngại nhất: lỡ đúng như dân đảo vẫn tin là có thủy cung? Bởi vậy việc đưa con vào đất liền ít nhất cũng tránh cho con trai đảo điều rủi ro, nhưng Trung đã vào đất liền năm trước, thì sao, biết đâu lỡ chúng phải lòng nhau? Tuấn dọ dẫm:

- Lần này vào bố không gặp anh Trung. Chừng nào ảnh về hả con?

- Tuần sau bố ạ. Bố biết tại sao ảnh về trễ không? À mà con gọi Trung là anh từ bao giờ hả bố? Tại bố cứ hỏi anh Trung anh Trung, chớ hồi nhỏ con gọi là thằng Trung mà?

- Ờ, tại anh Trung lớn hơn con gần hai tuổi mà. Hồi nhỏ thì gọi sao cũng được. Mà tại sao ảnh về trễ?

- Ảnh có hẹn bố ạ.

 

Tuấn an lòng, phấn khởi:

- Hẹn với ai mà quan trọng vậy? Chuyện học hành à?

- Dạ không. Chị này dễ thương lắm bố. Ảnh giới thiệu với con rồi.

 

Tuấn thở phào:

- Sao không nghe con nói?

- Tại ảnh biểu giấu. Ảnh nói tuần sau ảnh về rồi rủ chị ấy ra chơi. Bố cho con rủ chị ấy ở nhà mình không?

- Được thôi. Như vậy cô Hiền cũng chấp nhận dễ dàng hơn. Con cái nhà ai?

- Con nhà tiệm sách bố à, con chỉ biết vậy. (Ti cười cười) Coi bộ anh Trung kết chị này lắm, cứ khen hoài. Có bữa con nói phải ở chung cái đã mới biết, thỉnh thoảng gặp nhau ăn ly kem uống ly nước ngọt thì đã biết gì mà khen. Ảnh nói con ác miệng. Con có ác không bố?

 

Tuấn cười khoan khoái:

- Ông bà bảo trung ngôn nghịch nhĩ con ạ. Ai cũng chỉ thích mình nói điều họ muốn nghe. Ví dụ anh Trung chỉ thích nghe con cũng đồng ý lời ảnh khen bạn gái thôi, không thích nghe lời ngược lại dù con có lý.

- Cho nên con bảo rủ con đi ăn kem chung với chị ấy, ảnh không chịu, nói lâu lâu mới gặp nên để hai người tự do trò chuyện linh tinh, có con thành phá đám mất. (Cười to) Con nói tại chị ấy có gì đáng chê nên ảnh muốn tránh con. Ảnh nói Ti mà ác quá vậy hết có chồng nổi đó nghe. Con nói con có hoàng tử thủy cung, lo gì.

 

 

Tuấn giật thót người. Cứ tưởng lớn lên ở đất liền, Ti không còn nhớ kỷ niệm  lăng quăng hồi xưa nữa. Vậy mà… Anh chợt lo sợ vu vơ, cảm thấy nỗi bất an xâm chiếm lòng mình, mạnh mẽ dữ dội  như chưa bao giờ. Con đã bước vào tuổi có thể lập gia đình, mà chuyện ban đầu bọn anh nghĩ là tào lao lại hình như thật đối với mọi người. Và bây giờ chính miệng Ti gợi lại, vào lúc này, trên mặt biển, biết đâu ở… dưới đó “họ” nghe? Lòng Tuấn thắt lại, rất buồn. Tay anh vuốt tóc con mà đầu óc lan man vô định. Nắng chan hòa cũng không đổi được màu đen u ám chợt bám đôi mắt đã nhiều nếp nhăn, sụp xuống. 

 

Hai cha con nhìn biển yên lành nô giỡn với cát dưới chân đồi, màu xanh nước thành những cụm bông trắng tinh táp vào bãi cát ngà muôn đời không mệt mỏi… Nhưng lòng Tuấn chợt rã rời. Có cái gì vừa vỡ toang văng mảnh  tứ tung trong người khiến anh dại đi, câm nín…