ChiecBanhChungNgayTet

 

CHIẾC BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT VÀ TẤM LÒNG LƯƠNG THIỆN

 

Mỗi năm có dịp ăn tết tại quê nhà, thường đêm 29 hay có năm thêm đêm mồng 2 nữa, chúng tôi lại theo các Frères Lasan đi phát bánh chưng cho người nghèo, chủ yếu  cho người lượm rác hay nhân viên quét rác, hoặc người khuyết tật hay trẻ con vẫn còn cầm trên tay những tờ vé số rao bán, mà lẽ thường vào giờ đó chúng được ăn mặc đẹp dạo chơi hay tiệm tùng cùng bố mẹ như bao trẻ may mắn khác.

 

Chúng tôi chia nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm 2 xe Honda là 4 người, phụ trách  từng khu chạy vòng vòng các đường phố trong ngoài Nha Trang. Tiêu chuẩn  mỗi gia đình 1 bánh chưng và 1 hoặc 2 bao lì xì, là tùy nhà hảo tâm có kịp bỏ chung vào phong bao của các Frères hay không. Đi, mới biết là có nhiều người cả gia đình vợ chồng con cái lượm rác, hoặc anh chị em, hoặc 3 thế hệ bà-mẹ-cháu cùng lúc hành nghề cầm chổi hoặc đã lục lọi thùng rác từ 3 đời, và mới thấy rất rõ mỗi cá nhân chớ không phải người giàu-nghèo nào cũng tham lam hay thiếu lòng tự trọng.

 

Trong phố sáng đèn còn đỡ, nhiều con đường vắng xa phố đèn mờ, và càng khuya thì người ta càng ngại, vậy mà thấy ai đang lui hui cạnh đống rác chúng tôi sà đến, thắng xe. Người bươi rác hoảng chẳng hiểu chuyện gì. Hoặc có người đang đi bộ hay xe đạp với bao rác, chúng tôi sà đến chận đầu. Thì chẳng biết làm cách nào khác cho người ta đừng hoảng, chỉ vội nói nói “Chị / Anh / Cháu ơi, chờ chút, có quà đây” cho họ an tâm. Chúng tôi thay phiên nhau “đại diện” trao quà, nói vài lời chúc tết. Qua giây phút bỡ ngỡ họ nhìn hết lo ngại, nụ cười nở ra. Và chính nụ cười của họ đã đem lại niềm vui bao la cho người đi phát. Có người mau mắn cười tươi chúc lại, có người chỉ nói cám ơn với nụ cười rất chân tình, có người thì cầm bánh và hơi ngẩn ngơ chẳng biết nói gì ngoài vẻ cảm động ngầm cám ơn - bởi vì có lẽ họ chỉ chờ đợi nhặt nhạnh được những món quà cáu bẩn nằm trong đống rác từ người khác vất đi, không chờ đợi những món quà trao tận tay trân trọng.

 

Nhưng họ có biết đâu chính họ mỗi cuối năm đã vô tình cho chúng tôi nỗi cảm động cực kỳ, với niềm tin là đời vẫn còn nhiều kẻ tốt. Chả là rong ruổi tìm, trao quà xong chúng tôi vòng đi phố khác. Tất cả mọi người lượm rác đều mang khẩu trang. Đèn đường dù sáng cũng không giúp nhận ra mặt người mới gặp một lần trong chốc lát, lại thêm khẩu trang thì khó nhận ra ai. Vậy mà hầu hết mọi người, bất kỳ nam phụ lão ấu, khi chúng tôi sà tới, họ ngước lên khỏi đống rác “Cháu có rồi, cô chú vừa cho ở đường bên kia”. Hoặc chúng tôi chận xe lại nói có quà, có người trả lời “Nhóm các cô chú khác đã cho cháu rồi”,  tay lật miếng giấy che chiếc bánh chưng nằm trong giỏ xe. Lại có người lắc đầu khi thấy 2 bao lì xì, nói “Sao cho nhiều vậy cô, cháu lấy một cái được rồi”, ép thế nào cũng không lấy nữa. Cũng có người đặc biệt chở trên xe đạp nguyên cái gìan các loại lon sắp xếp ngăn nắp như trong tiệm, hai bên đèo thêm hai bao to. Ông này lớn tuổi từ chối nhận quà với lời lẽ vô cùng đáng cảm kích kèm nụ cười thánh nhân: “Cám ơn, nhưng các anh chị để cho người khác đi. Tui một thân một mình đủ ăn, nhờ có mấy tiệm nước để dành lon cho tui. Coi nè, tui có nhiều lon mà không cực khổ đi bươi lượm từng cái như họ”.

 

Những hình ảnh đó khiến mình suy nghĩ : ai là người phát quà ? Mấy chục nghìn lì xì trong bao, tằn tiện thì họ đi chợ được vài ba bữa, cái bánh chưng cả gia đình ăn là hết ngay chưa chắc đủ. Chút quà vật chất đó trôi qua nhanh chóng chẳng còn lại gì nhưng những nụ cười, những lời từ chối mới thực sự là những món quà cuối năm hay đầu năm dành cho chúng tôi, những kẻ… tưởng đi phát quà, và nó là niềm hạnh phúc giản dị ngọt ngào còn mãi trong tâm khảm mỗi lần nhớ đến.

 

Người ta thường nói trong giới “anh chị” tình bạn thường keo sơn, cũng như chỉ người nghèo mới hiểu thấm thía cái nghèo và biết người nghèo khác cũng cần có cái bánh chưng như mình. Những cơn gió trái mùa se se mùa xuân không khiến chúng tôi bị lạnh, mà nó thổi cao lên những ngọn sóng thương yêu.  Nhờ những người này mà chúng ta thấy đời còn có chữ tình và trong nghĩa nào đó, những chiếc bao hay xe phế thải chứa đựng những tấm lòng không bốc mùi rác rến. Rõ ràng con người thường làm lơ bỏ qua  nhiều  điều đáng trân quý hằng ngày...

 

Xuân Sương

Fév. 2011