HÒN KẼM ĐÁ DỪNG
Việt Nam ta có nhiều thắng cảnh ít ai biết. Ví dụ có thể chẳng mấy người đi đến, nhưng dân Quảng Nam không ai xa lạ câu ca dao Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng, thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi. Dừng đây không phải là ngưng, là stop, mà là dựng, dựng đứng, là vách. Và theo Đặng Tiến, nhà Quảng Nam học và phê bình văn học, thì đây là lời than thở của người kháng chiến chống Pháp trong phong trào Văn Thân hồi đầu thế kỷ hai mươi.
Từ Đà Nẵng đi vào, theo quốc lộ 1 rồi qua khỏi Nam Phước, đến Trung Phước. Vòng vo qua cái đèo không ly kỳ lắm tên Le, cây cối xanh um trải ra cuộn vào ngoạn mục. Xe dừng lại, vào quán bên đường ăn gà tre nướng hay nấu cháo, thịt mềm, chắc và thơm. Dân dùng nước suối quanh năm mát rượi, trong veo, cô quán than mùa đông rất lạnh, lạnh đến bỏng tái cả tay. Xong đến bến đò, có “du thuyền” chờ sẵn, mỗi chuyến đi về nửa triệu đồng VN, chở được hai mươi người, nhóm ít hơn thì càng rộng rãi. Trời mát mẻ yên bình, thuyền sạch sẽ và vợ chồng chủ thuyền trẻ trung khả ái.
Có người cường điệu bảo Thu Bồn là… Amazone của Việt Nam, nhiều nhánh ân cần nuôi dân hai bờ. Nhiều đoạn sông rất rộng, mặt nước phẳng lờ bình an thả lỏng thuyền bè qua lại. Chúng tôi ngược một trong những nhánh chính của Thu Bồn lên thượng nguồn, nơi dòng sông thu hẹp len giữa hai hàng núi nhọn hoắc, sắc cạnh, bóng bẫy dưới ánh mặt trời. Thuyền chạy chậm cho du khách tha hồ ngắm cảnh chụp hình, nhiều nơi ẹo người sang phải sang trái tránh khúc cạn. Dọc sông có đoạn là dãy cát dài, đã có thời thiên hạ đãi tìm thấy vàng, nhưng sau bị cấm vì cát sụt nguy hiểm. Lại qua đoạn nhiều vùng nước xoáy dữ dội mà cách đây nửa năm, một thuyền con bị lật cuốn hút ngư phủ mãi 42 ngày sau mới trồi lên, thân thể thần sắc nguyên vẹn như vừa tắm sông. Thuyền lướt dưới chiếc cầu xi măng cao chót vót, nơi 18 em học sinh đã bị nước cuốn cách đây hai năm lúc chưa có cầu. Trên bờ, giữa lùm cây xanh sau lưng và bờ cát trắng trước mặt, cái am nhỏ thờ 18 linh hồn son trẻ nhìn ra dòng sông phẳng lặng ngày thường, mà mùa lũ lụt thì hung hãn đã vô tình đẩy các em qua bên kia cửa – như thể sẽ phù trợ cho kẻ qua sông không bị xui rủi như mình. Xa xa trên bờ, mấy chiếc xe chi nhánh mỏ than Nông Sơn hoạt động nơi đây đang xuống phà qua sông.
Hai bên núi đá sừng sững oai nghiêm, mặc dầu dửng dưng không lời nhưng có vẻ ân cần kể rất nhiều về phong trào Văn Thân thời ấy. Lịch sử gai góc nằm giữa thiên nhiên êm ái trữ tình đến cảm động. Nắng xiên xiên đẩy đá cúi xuống soi mình lên nước và nước âu yêm ôm đá vào lòng, dải cát trắng phau mơn man chân núi thả hồn cho nước xanh ve vãn. Dọc đường gặp ghe câu tôm cá, chị chủ thuyền mua cá chép nấu nồi cháo lơ thơ ít hạt đậu xanh, lại xuôi thêm chút nữa đến làng thuyền mua xị đế, ít cái bánh tráng và rau thơm rau sống. Bây giờ đã gần 16 giờ. Thuyền quay về, dừng lại khúc sông đẹp hơn tranh vẽ. Nơi đây hai bên núi muốn bắt tay nhau. Núi đá cao um tùm dứa dại sum suê, nước trong vắt huyền bí màu cẩm thạch như Côte d’Émeraude bên Pháp. Giữa vùng xanh lá bạt ngàn, thỉnh thoảng nhô ra sắc đỏ lựng lộng lẫy của hoa gì mà anh chị chủ thuyền cũng không biết tên. Đất trời lãng mạn bao la, lòng người chiến binh kháng Pháp có thực sự chỉ thương cha nhớ mẹ, hay qua đó muốn nhắn gửi với bậu ở nhà nỗi nhớ nhung khó nói? Phong cảnh hoang dã tuyệt vời, nước xanh mà lòng chiến binh nghĩ đến máu đỏ, núi lặng lẽ mà tai nghe tiếng đì đùng thì cũng thật buồn. Vì vậy tiếng bậu ơi như có che dấu vẻ gì thống thiết, có thể tưởng tượng nỗi niềm nam nhi bị dày vò giữa nợ nước tình nhà. Lại có câu Thương cha nhớ mẹ thì về, nhược bằng nhớ kiểng thương quê thì đừng, có người bảo đó là lời cha mẹ khuyên con đừng bao giờ trở về đất Quảng Nam (có đặc tính như nhiều vùng xứ Quảng khác), là nơi không đãi người bản địa; cũng có người giải rằng câu đó do bậu ở nhà khuyên chàng nên dốc lòng đuổi quân xâm lăng, đừng vì bậu mà về, và cha mẹ thì đã có một tay bậu lo liệu. Miếng cháo cá chị chủ thuyền khéo nấu trôi đến đâu nghe ngọt ngào đến đấy. Lịch sử lợn cợn những mẩu xương con. Một chuyến du thuyền đến địa danh ngay cả với người Việt vẫn còn xa lạ lại tuyệt vời hơn xuôi sông Nil lừng danh. Nơi đây ngoài di động thỉnh thoảng reo, đời sống văn minh chưa chạm chân đến nên vẻ đẹp còn nguyên sơ tinh khiết. Buổi chiều huy hoàng đến nỗi thuyền phải quay về mà lòng còn ở lại.
Xuôi về, thỉnh thoảng gặp những chiếc thuyền con chỉ một người, dưới bóng lờ mờ choạng vạng trông mới cô độc buồn bã làm sao. Tối, nhóm ghé lại qua đêm làng Đại Bường là Đại Bình nói trại đi vì húy kỵ cụ nào đó. Từ bãi sông bước lên 54 bậc cấp, đây là miền Nam thu nhỏ với nhiều trái cây cao cấp như sầu riêng, măng cụt… Làng rất sung túc, nhà nào cũng có vườn cây trái xum suê bọc quanh. Hôm đó ngày rằm, chúng tôi dạo làng dưới ánh trăng mềm mại. Mọi người quen biết nhau, ai cũng có vẻ chân tình thành thật tạo cho làng một vẻ an bình tuyệt đối. Đêm Đại Bường se lạnh. Có chăng là tấm lòng gia đình người hướng dẫn ân cần sưởi ấm.
Sáng ra đò sang sông về phố, chị chủ thuyền hôm qua vẫy tay mãi đến khi lũy tre làng nhất định chia cách đôi bên. Chị không ngờ hình ảnh mảnh mai của mình đã gắn liền vào thiên nhiên hùng vĩ cho chuyến đi thăm Hòn Kẽm đá dừng của du khách thành kỷ niệm hết sức ngọt ngào.
Xuân Sương
Fév. 2009