MỘT THOÁNG HÀ GIANG…
Bây giờ thì những địa danh Đồng Văn, Lũng cú, Mèo Vạc… không còn xa lạ nữa. Một chuyến ngao du đó đây tương đối mãn nhãn sự đời, bớt (chớ chưa hết) vừa đọc vừa … kính nhi viễn chi mấy chú nhà báo trẻ trung… ăn không ngồi rồi vác ba lô giang hồ tận những đâu đâu ly kỳ lạ hoắc.
Vì mình đã vác ba lô trực chỉ một chuyến Hà Giang…
Khởi hành từ Hà nội.
Thành cổ nhà Mạc
Ngang Tuyên Quang, thấy cổng phía tây thành cổ nhà Mạc (còn gọi là Thành cổ Tuyên Quang), di tích lịch sử văn hóa của thành phố. Thì cứ gọi vậy cho nó “ấn tượng” chớ cái thành cổ này gồm cổng phía nam nữa, đã được “trùng tu” tốn cả chục tỉ, và cũng như hầu hết các công trình “trùng tu” khác, các vị tâm huyết với di sản Việt Nam đều kêu toáng là chẳng còn chút dấu vết di tích nào, “họ đã phá hẳn thành nhà Mạc và cổng nhà của một trọc phú mọc lên”.
Theo sử sách thì thành được xây trong chiến tranh Lê-Mạc, bên bờ sông Lô, để ngăn quân nhà Lê. Tương truyền thành chỉ xây trong một đêm. Trong thành có núi đất Thổ Sơn cao hơn 50 mét, cũng chỉ đắp trong một đêm. Cho nên đây là nơi các tiểu thư cung tần mỹ nữ từng sống qua, khi nhà Mạc sụp đổ thì ngần ấy người đẹp từ tam cung lục viện ra ngoài sống đời thường, sinh đẻ biết bao cô cậu.
Rồi vì vùng này có sông núi ao hồ, kết hợp đủ linh khí hiền hòa và hoang dã đã ban cho con người sức sống, tính yêu đời. Thêm nữa là rất nhiều tộc người với lối sống chan hòa đan xen nhau, giao thoa văn hóa và hôn nhân, dễ phát tán cái gien đẹp. Nữa là thời kháng chiến chống Pháp nhiều viên chức, trí thức và phụ nữ Hà nội sơ tán về đây rồi có người ở lại luôn lập nghiệp, nên Tuyên Quang chẳng những có gái đẹp mà còn có kiến thức nữa. Từ đó mới có câu “chè Thái, gái Tuyên”. Lại có kẻ còn dám ví Tuyên Quang là tiểu vương quốc Vénézuela nữa kia !
Ra khỏi phố, ngang qua những đồi chè như chiếc bát úp, chè xanh tươi hàng hàng uyển chuyển vòng quanh đồi. Xe dừng ở nơi đẹp nhất, một căn nhà ngói nhỏ trước sân hoa cúc vàng chen chân hoa hồng đỏ với hoa diên vĩ tím, rất thơ mộng. Chủ nhà đang dọn dẹp trong sân, hát nho nhỏ. Quen thấy khách lạ vào gần, chủ nhà vui vẻ cho phép cứ thoải mái chụp hình, Chụp chỗ hoa này cho đẹp nè, mời vào uống nước. Nhìn ra ngoài là những đồi chè gia đình, xanh tốt hơn những đồi bên cạnh. Phong cảnh thật êm đềm duyên dáng. Ở đây mà thiền thì mau đạt đạo phải biết.
Trưa, bữa cơm ở Hàm Yên có món măng ngọt xào, lạ miệng và ngon đáo để. Từ đây trở đi trong các bữa ăn thường chủ yếu ba món : gà, thịt heo và tàu hũ, nấu nướng ngon lành vừa miệng. Gà là gà đồi, gà đi bộ, thịt thơm, ngọt và chắc mềm mại. Heo là heo đen (cữ gọi heo mọi), thịt thơm, ít mỡ, ăn không ngấy.
Không nghe nói có được ăn “lợn tên lửa”, một khoảng đèo trên đường đi Yên Minh hầu như nhà nào cũng có bảng treo bán loại heo này. Chú tài giải thích sở dĩ có hỗn danh đó vì mỏ nó dài, nhọn. Cũng như trong tiệm ăn thành phố, tôm chiên bột hình tam giác thì có hỗn danh “tôm hỏa tiển” vậy mà. Ám ảnh của một thời khói lửa chăng?
Có thực mới vực được đạo, chú tài nói đạo của chuyến đi và về này khoảng 1500 cây số, một nửa là đường đèo, thấy xuống làng rồi nó lại từ từ leo lên, nhìn xuống thấy ngoằn ngoèo dưới kia có xe, mà chẳng hiểu nó theo sau hay đã xuống trước mình. Có nơi bên núi bên vực, nhìn xuống sâu hoắm đất đá cây cối. Nhất là có chỗ sương mù cách 50-70 mét hết thấy gì, mà khúc quẹo thường rất gắt, trời lại tối mịt, nhiều chỗ chạy với đèn pha.
Có khúc gặp xe tải, dịch tới dịch lui nhường đường phát ớn. Vậy mà chú tài nói các đèo này coi vậy mà không có tai nạn. Chắc là trấn an, mà cũng có thể lắm, vì biết nguy hiểm nên chẳng ai dám bạt mạng. Kinh nữa là có khúc xe quật mình ngã bên trái, chưa kịp ngóc dậy thì nó dựng bật mình lên. Liên tu bất tận. Kiểu này cái lưng có vấn đề hay có bịnh chóng mặt thì nguy tợn đây. Hoặc là hết hẳn bịnh.
Hiểu rồi, thảo nào các chú tài thường trân trọng đặt tượng Phật Bà hay Đức Mẹ ở bục xe. Ít thấy tượng Chúa và Đức Phật, chắc tại chăm con là việc của đàn bà?
Hàng rào đá
Xe chưa ngoằn ngoèo bao lâu trên vài dốc đồi thoai thoải, đã thấy những hàng rào đá bao bọc các căn nhà. Đây là đặc điểm của vùng Hà Giang.
Thấy đá cứ sắp chồng lên, chẳng vôi vữa hay xi măng, mà viên nhỏ viên to ngay hàng thẳng lối. Nghe đâu coi vậy chớ cả một nghệ thuật, chẳng dễ dàng đâu. Họ chọn khía, kẽ, ngách, cạnh từng viên đá sắp chồng chéo lên nhau, chúng bấu víu nhau vững chắc và tạo nét đẹp độc đáo. Rất hiếm, nhưng vẫn gặp một vài hàng rào tô xi măng, tức thì trông nó thô kệch vô duyên, chắc chủ nhân lười và vội, bởi nghe đâu vài ba tháng hay có khi vài ba năm mới xong một cái, tùy mức độ.
Càng đi càng thấy gì chớ ở đây không thiếu đá. Đá nằm dưới sàn nhà, bước ra khỏi cửa đã là đá, đá nằm ngồi lổm nhổm khắp khu vườn nhỏ xíu chẳng thấy đất là bao. Vì vậy đi giữa núi đá bạt ngàn, một thanh niên đang cày xới trong khoảng đất vừa đủ chỗ cho con bò và mình đứng, di chuyển lèo lách khó khăn cây cày đụng đâu cũng đá, thương lắm.
Nhiều khoảnh đất nhỏ xíu giữa núi đồi hay trên các bờ ruộng bậc thang cũng có hàng rào đá nho nhỏ. Chắc tại khi cày bừa, gặp đá, người ta nhặt sắp lên. Ruộng bậc thang ở đây thì tuyệt vời, có khi nằm thõm giữa hai bờ vách núi. Một vẻ đẹp mà người thành phố khó tưởng tượng, nhìn đến ngỡ ngàng.
Tháng ba hoa đào có nơi đã bắt đầu rụng, nhưng chưa “rụng tập thể” hết. Con đường ngoằn ngoèo giữa núi chập chùng, lên cao xuống thấp, những hàng rào đá được trang điểm bằng dãy hoa đào thanh tao, hoa mận trắng đoan trang, hoa cải vàng lộng lẫy, già trẻ bé choai gùi củi hay cỏ trên lưng bước nhào về phía trước, sương mù phủ quanh núi, lan man xuống tận nóc nhà, đẹp như tranh, huyễn ảo.
Mùa hè nắng trong, lúa chín vàng rực trên những đám ruộng bậc thang hoặc mùa thu hoa tam giác mạch tím hồng cả đất trời, đẹp kinh hoàng. Mùa tháng 3 sương mù, hình không rõ lắm, nhưng chụp bằng ống kính của mắt thì tuyệt hảo. Núi là núi, bao la hùng vĩ chìm trong sương hay đỉnh bị sương che, có vẻ đẹp khác, mơ màng buồn và hư hư thực thực, chứa đựng cái kỳ bí lôi cuốn. Nắng sáng quá đôi khi là lộ liễu thô thiển chăng.
“Con đường hạnh phúc”
Buổi chiều xe chạy qua Cổng Trời Quản Bạ, cổng đầu tiên vào cao nguyên đá Đồng Văn, điểm cao nhất của con đèo từ Hà Giang lên, từng là vùng đất tự trị của vua Mèo. Nội cái tên nghe đã… ấn tượng rồi. Nhìn xuống bên dưới là vực thẳm, trùng điệp núi non ngập trong sương mù. Không leo lên tận đỉnh cao để nhìn toàn thể thị trấn Tam Sơn lọt thỏm giữa lòng các núi, trên đèo nhìn xuống vẫn thấy một làng nho nhỏ ẩn mình giữa bảng lảng đồng ruộng núi non, và lồ lộ Núi Đôi Quản Bạ.
Gọi là Núi Đôi có lẽ vì hai núi liền nhau y hệt cái xú-cheng phụ nữ. Thông thường từng dải hoặc núi cô đơn từng quả đứng cạnh kề, chập chùng, có nơi cả dãy dài lên xuống như răng cưa. Núi Đôi hai cái đều nhau, tròn trịa, không cao lắm và đỉnh mềm mại. Cứ như bầu sữa mẹ Đất đã tâng tiu nuôi nấng đàn con. Nhìn mà tự dưng lòng nao nao xúc động.
Nơi đây cũng là đoạn bắt đầu “Con Đường Hạnh Phúc” đi vào Cao nguyên đá Đồng văn, dài khoảng 200 km. Trước kia hơn 8 vạn người Mèo vì bao đời không có khái niệm về con đường, chỉ biết đóng cọc treo dây trên đá bò qua 9 khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Dốc Chín Khoanh leo tới đỉnh Mã Pí Lèng còn gọi là Con dốc của Giàng (Trời)”…
Từ năm 1959 do hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc làm trong ròng rã 6 năm mới xong Con Đường Hạnh Phúc. Để tới Mèo Vạc phải ngang qua đèo Mã Pí Lèng này, hiểm trở nhất, là “vua của các đèo”, có nơi cao khoảng 2000 mét so với mặt nước biển. Công sức xây con đường chỗ đèo này theo Wikipedia là… “khó khăn đến mức trong giai đoạn đầu, nhằm mở một vỉa đường nhỏ mang tên “đường công vụ” rộng khoảng 40cm trên vách đá (để công nhân về sau có chỗ đặt chân trên đó thi công phá đường rộng ra), 17 thanh niên trong đội cảm tử (giai đoạn này gọi là “Đội Cơ Dũng”) phải treo mình bằng dây trên các vách đá ròng rã trong 11 tháng đục đẽo hoàn toàn bằng bàn tay trần và những phương tiện thủ công. Nhằm thể hiện lòng quyết tâm và tinh thần đối diện với hiểm nguy, các công nhân đã đặt tại lán của mình 10 chiếc quan tài và truy điệu sống trong từng ngày làm việc”.
Thật cảm động. Những thanh niên đã lặng lẽ đem sức mình phục vụ và có người đã âm thầm ra đi chẳng hề có ai biết đến họ tên. Và bây giờ chúng ta thản nhiên hưởng bình an “hạnh phúc” của con đường.
Vậy đó, mà có khi trời đã tối mịt rồi, có chiếc xe Honda một mình chạy trên đèo, sau lưng linh tinh hàng hóa chắc mua dưới xuôi về bán. Cứ tưởng tượng bậy lỡ vấp hòn đá té lăn nằm đấy, chưa kể trên vùng đèo heo này có thể sóng điện thoại không leo lên nổi, nhưng nếu leo lên nổi, liệu trong bao lâu mới có người tới cứu ?
Ngày 20-3 vừa rồi là lễ kỷ niệm 50 năm Con Đường Hạnh Phúc. Gần 400 cựu thanh niên xung phong giờ đã lên chức nội ngoại về thăm con đường xưa, nơi nhờ công sức, sự hy sinh quên mình và gian khổ của bản thân chính họ. Họ vui vẻ sung sướng thấy nhờ công lao mình đóng góp mà có nhiều đổi khác của cao nguyên núi đá và cuộc sống của dân vùng này nói riêng cùng cả nước nói chung, dễ dàng, an toàn hơn khi di chuyển.
Đỉnh cao. Sương mù. Chú tài khuyên “Cô chú tưởng tượng dưới kia là vực dốc đứng, đẹp lắm”. Khỏi cần tưởng tượng, vì nhiều đoạn trời huyênh hoang vén tấm rèm sương để khoe tài kiến tạo của mình. Vách đá thẳng đứng màu vàng, được tô điểm loáng thoáng những chùm cây hay bụi rậm. Thật hùng vĩ, hoang dã, ngoạn mục.
Đến đoạn hai bờ vực giao nhau, từ trên cao nhìn xuống chữ V cắt trời để âu yếm một dòng sông Nho Quế dịu dàng có nước màu xanh ngọc dưới kia, đẹp tưởng không có thực.
Với những công trình thiên nhiên vĩ đại đó, việc ghé vào làng văn hóa Lũng Cẩm, nơi căn nhà trong phim Chuyện của Pao được dùng làm điểm cho du khách tham quan; hay thăm Nhà Vương, ông vua vùng núi giàu sụ nhờ cây thuốc phiện; hay xe trườn lên Lũng cú, điểm cực bắc của Việt Nam, nơi cột cờ đầu tiên đã xây từ thời Lý Thường Kiệt; và phố cổ cùng chợ phiên Mèo Vạc với sắc thái dân tộc Mông, Dao…, chỉ là để thêm phần sinh động, là cách… nhắc khéo khách tham quan vẫn đang ở cõi trần.
Nói tới hoa Hà Giang, người ta thường chỉ ca tụng những dãy hoa đào, những hàng hoa mận, những vườn hoa cải và hoa tam giác mạch… Hẳn là đẹp rồi. Nhưng ít nhắc tới trong phố, nhiều con đường hai bên rực rỡ hoa Ban năm cánh trắng nõn nà, chỉ có một cánh được vẽ sọc tím hồng với mấy chiếc ngoe uyển chuyển vươn ra như níu kéo người nhìn. Hay hoa Gạo đỏ rực một góc trời, tuy hoa không thanh nhưng màu đỏ sặc sỡ giữa núi đá màu chì và cây xanh mướt, tạo một vẻ đẹp rất riêng chỉ có ở Hà Giang…
Xin tạ ơn Thiên nhiên đã tạo ra vùng đất đá này.
Xuân Sương
Tháng 3-2015