Tôi trở về thăm quê xưa một chiều xế nắng

QUÊ XƯA

 

 

Tôi về thăm quê xưa một chiều xế nắng. Tới chỗ chiếc cầu thuở nào đôi chân nhỏ xíu mình bước hoài không hết, hơi chưng hửng khi nghe thằng cháu nhắc “Đây là cầu bà Bút”, bây giờ không còn cầu nữa và chẳng thấy giọt nước nào. Đất đá đã nối hai bên đường lại với nhau như hai miền nam bắc. 

 

Tôi nhìn dọc theo con sông không còn là sông, khúc dưới kia ngày xưa nhà chị bạn, phải lên nhiều bậc cấp nên thơ với vườn cây xanh tươi hoa trái, một mình một cõi thanh nhàn. Bây giờ chỗ đó san bằng, nhà cửa lau nhau lúc nhúc. Và đi thêm nữa, thêm nữa nhưng chẳng còn nhận ra chỗ nào, nhà nhà san sát với chút xíu vườn bỏ túi, chẳng còn dãy tre dài vườn sắn rộng, có con chó vàng nhà anh Đông mỗi lần chị em tôi đi ngang là sợ bở vía vì nó ưa đùa mà mình sợ bị cắn, càng chạy càng bị rượt, hụt hơi. Khi đến mảnh đất nhà mình xưa kia, nơi khu vườn giáp hai mặt đường bây giờ chỉ còn giáp một, đã có sáu căn nhà và sáu mảnh vườn xum xuê nằm trong ấy. Sau lưng và bên trái vườn không còn ruộng lúa hàng xóm xanh rì, vườn dương liễu bên kia đường trước mặt chẳng còn dấu tích. Chỉ là nhà và nhà. Người ở đâu mà lắm thế, toàn dân lạ hoắc khác với Thu Xà xưa trang nhã thơ văn. Bây giờ về quê mình mà bị những con mắt xa lạ nhìn dọ dẫm, không như xưa kia vừa ra khỏi cổng là có tiếng chào, nghe sợi “dây sên” xe đạp lao xao cũng có thể biết được ai đang tới sau lưng.

 

Đi thêm chút nữa nơi bãi cát mênh mông với những chòm cỏ gai bò ra gần mép biển, giờ vẫn là bãi hoang vu, buổi chiều trông u mặc với lưới nhà chài giăng xa xa gần cửa biển. Vậy mà nghe đâu mới đây đã sừng sững mọc lên một nhà hàng trên mặt nước. Khắp mọi miền ăn nhậu. Ăn nhậu. Và ăn nhậu. Khắp mọi miền đều quảng cáo “sinh thái”. Bia bọt rượu chè vãi ra, sinh thái kiểu gì!

 

Chúng tôi ngược vào phố, quẹo xuống con đường xưa kia dẫn tới chợ, gần đó có nhà ông người Tàu cha anh Pú Dìn. Hễ đứa bé nào đau quai bị là dẫn tới, ông a tầm phù gì gì đó rồi vẽ lên cái mặt gồ ghề mấy vòng ngoằn ngoèo mực Tàu. Vài bữa thành... mặt bằng. Anh Pú Dìn ngày ngày đạp xe đạp ghé nhà chở tôi đến trường. Tứ thời tám tiết không suy suyển. Có khi còn phải ngồi chờ cho tôi xong bữa điểm tâm, có khi còn bị cằn nhằn sao không tránh cục đá để xe bị xóc! Thương quá ngày xưa!

 

Giữa đường xuống chợ, bên tay trái, chẳng nhớ bao nhiêu bậc cấp, chỉ nhớ hồi xưa thấy cao vòi vọi, là nhà ông Nguyễn Thân. Người lớn nói về ông quan này có vẻ “kính nhi viễn chi”, rằng quan ta mà cộng tác đắc lực với Tây ám hại cả các cụ Phan Đình Phùng, Lê Trung Đình... Dù thuở đó chẳng còn ông nữa nhưng mỗi lần đi ngang cứ thấy ơn ớn sống lưng. Hết các bậc cấp, sau chiếc cổng nghênh ngang kia là cả một bí mật khép kín bên trong. Chẳng nghe có ai bước qua cổng ấy. Trong Wikipedia tiếng Việt thì:

 

Trước 1975, trong Việt Nam cách mạng cận sử  của Phạm Văn Sơn cũng có đoạn: Nguyễn Thân là người hung ác, hiểm độc lắm và hay giết người. Trong lúc dùng binh, ông giết người ta không biết bao nhiêu mà kể. sau về hưu trí ở làng Thu Xà bị bệnh điên cuồng mà chết. Người ta nói ông bị những oan qủy báo oán. Và tòa nhà lộng lẫy của ông lập ngay trên một trái núi con ở Thu Xà, người ta cũng đồn cái nhà ấy nhiều ma, cho nên khi ông chết đi rồi thì nhà bị bỏ hoang.

 

Chẳng biết phải là căn nhà đó không, vì nó không bỏ hoang. Nhưng hậu duệ của ông cũng ít ra vào, một phần vì khuê các, phần nữa là thiên hạ cho rằng dù sao họ cũng “ít nhiều ngần ngại”. Họ ở đó và không ở đó. Trong các trò chuyện ngày thường chẳng bao giờ nghe ai nhắc đến.

 

Nhưng một Nguyễn Thân tàn ác không đủ sức làm người ta quên lãng quê xưa...

 

Xuân Sương

Paris-NT, avril 2014