CuaDua

 

 

 

 

CUA DỪA

 

 

Cua, ghẹ bình thường đã là món hải sản ngon lành. Chim cút chim sẻ chim gì gì cũng được con người say sưa chiếu cố. Giống bò ngang này lại có loại tên dừa chỉ ăn toàn dừa, giống bay lượn có chim mía chỉ ăn sâu từ cây mía, thịt thơm ngon vô kể.

 

Đi chùa trên đảo, ngồi ngoài bãi đá uống dừa nhìn mây trắng rải rác, nước xanh thẫm dập dềnh chân đá và xa xa, hòn đảo trụi bé xíu gặp nắng chiều rọi vào ửng thành màu vàng rực rỡ đẹp lạ lùng. Chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi rồi mặt trời bị núi đá che khuất, hòn đảo nhỏ xa xa đã lấy lại màu xám trên làn nước thẫm buổi chiều.

 

Thủy triều bắt đầu lên, nước tạt vào rồi kéo ra nhanh như trêu ghẹo, như chọc lét mấy nách đá chất chồng. Cua nhỏ bò lổm ngổm trong hốc đá, bà con bàn nhau cỡ này làm mắm cua hoặc rang muối ăn với cơm sẽ ngon lắm, dòn rụm, vỏ mỏng, mềm. Chúng tất tả chạy ra chạy vào, bị sóng đánh tới đánh lui phát chóng mặt mà người ta chỉ thấy nó trong chum trong vại với muối, trên chảo trên lửa với dầu. Hình như người yêu đời và người thiếu đói nhìn đâu cũng thấy cái ăn được, và ngon. Một anh kể lại thời ăn uống thiếu thốn, mắm còng với cơm nguội cũng đã say sưa hạnh phúc. Rồi cùng cười với nhau : ngồi nơi chay tịnh mà nói về thức ăn phàm tục. Và câu chuyện hướng về giống nhiều chân bò dưới biển. Được ăn món gì hạp khẩu vị là hạnh phúc, là một trong “tứ khoái” theo quan niệm sống của người Trung quốc, nên đang ăn dừa, thịt vừa vặn hết non chưa già, độ dày vừa phải, độ mềm dòn vừa phải, rất ngon, bèn nghĩ đến loài may mắn cũng biết nhấm nháp món này để sống. Một chị nói về cua dừa miền Trung, vùng Khánh Hòa Phan Thiết. Lần đi chơi, dân chài dặn bọn chị không nên ngồi gần mấy cây dừa, sợ trái rụng, do cua dừa hái mà chưa đứt, gió thổi đong đưa sẽ rớt. Họ bảo nó to bằng trái dừa, màu đỏ, thịt rất ngon vì chỉ ăn toàn dừa. Để mưu sinh, nó phải lao động cực nhọc lắm, leo lên dùng cặp càng mạnh mẽ vặn qua vặn lại cho đến khi cuống dừa đứt ra. Trời sinh lạ, nó chỉ hái ở những cây dừa bên dưới có đá, như vậy khi rớt xuống dừa sẽ bể. Mà vỏ dừa dày cộm cứng cáp thế, dễ gì bể ngay, nó phải cặm cụi ôm leo lên cao thả xuống cho đến khi thấy mặt thịt dừa, có khi nhọc nhằn cả nửa tháng mới được no nê!  Cũng thì kiếm ăn mà ông thiên coi bộ thử thách loài bò ngang này kỹ quá.

 

“Người ta thường nghĩ rằng cua dừa hái dừa trên cây và thả xuống đất để ăn. Nhưng thực tế chúng khoét lỗ quả dừa và ăn tại chỗ. Kĩ thuật của cua dừa: nếu dừa còn vỏ, chúng sẽ dùng 2 càng để nạo đi, bắt đầu từ phía có ba lỗ mọc mầm đặc trưng ở cây dừa. Khi những cái lỗ đó lộ ra, cua dừa sẽ dùng càng bóp nát. Sau đó, chúng xoay lại và dùng càng nhỏ để lôi cùi dừa ra. Công đoạn cuối cùng là làm vỡ thành từng mảnh nhỏ cho dễ ăn. Quả là phương pháp độc nhất vô nhị.”

 

Trên internet, đại khái cua dừa là thức ăn chính của nhiều đảo trên Ấn độ dương và  tây Thái bình dương. Ít nhất hai màu, đỏ và xanh nước biển. Và thức ăn không chỉ dừa, chuối, đu đủ, dứa dại, mà còn trứng rùa, cá chết, chuột bị bẫy, chộp được chuột sống thì ngon hơn nữa! Thỉnh thoảng thiếu thức ăn, chúng ăn cắp thức ăn trong nhà dân rồi mang về hang. Họ còn bảo chúng có thói quen ăn cắp những vật sáng bóng nên còn có hỗn danh “cua ăn cướp”. Ăn cắp thì đúng hơn chứ, nó có giật trên tay người đâu mà gọi là cướp. Cẩn thận kẻo mất hột xoàn. Thông thường chúng ăn buổi tối, lúc trời âm u hoặc trong bóng râm. Sống trong nước đến năm 3 tuổi, chúng giã từ biển và dần dần mất khả năng hô hấp trong nước, lúc này coi như đã trưởng thành, có thể sống cách xa biển khoảng 6 cây số và có đời sống lứa đôi vào khoảng 5 tuổi. Và đâu phải chỉ con người mới có khẩu hiệu “Sea-Sex-Sun” vào mùa hè, chúng cua này phải lòng nhau cũng bắt đầu dịp đẹp trời,  từ tháng 5 đến tháng 9, thịnh nhất vào tháng 7 và 8. Có lẽ chúng mang loại bịnh “bạo” như Vi Tiểu Bảo với em gái Khang Hy, trước khi hôn nhau phải quần đánh nhau tơi bời khoảng 15 phút. Ouf !

 

“Ngay sau đó, con cái đẻ trứng và gắn vào dưới bụng. Những quả trứng được thụ tinh sẽ được cất ở đó vài tháng. Trong giai đoạn ấp trứng (tháng 10 - 11), cua cái thả trứng vào nước trong lúc thủy triều lên. Ấu trùng thuộc loại giáp xác. Người ta nói rằng tất cả công việc này được làm chỉ trong một đêm!

Ấu trùng cua dừa trôi nổi trên đại dương trong 28 ngày, và rất nhiều trong số đó bị ăn thịt. Sau đó, chúng sống ở thềm đại dương hoặc bờ biển, dùng những vỏ ốc rỗng để trú tạm tiếp 28 ngày nữa. Thỉnh thoảng chúng cũng ghé thăm đất liền. Ấu trùng đổi vỏ liên tục khi lớn dần lên, giống như các loài “mượn hồn” khác. Cuối cùng, chúng rời bỏ biển cả vĩnh viễn và mất khả năng thở trong nước. Cua con không thể tìm được vỏ sò, ốc, hến nào vừa vặn nên thường dùng vỏ dừa vỡ. Đến khi vỏ dừa cũng không phải là nơi trú ẩn nữa, chúng mới phát triển phần giáp bụng. Sau khoảng 4 năm tuổi, cua dừa có thể sinh sản tiếp. Đó là giai đoạn phát triển dài bất thường đối với loài giáp xác.”  Mà như vậy thì gọi là loài “mượn xác” chớ sao lại mượn hồn? Đúng là ngang như cua.

 

Không giỏi bơi lội, chỉ ít tiếng là chìm, nhưng cần giao lưu với biển để quân bình lượng muối. Khác giống cua bình thường, chúng có thể dùng ăng ten như côn trùng, có thể phân biệt mùi từ vị trí rất xa, nhất là mùi lương thực. Chiếc áo không làm nên thầy tu, to xác kềnh càng tướng tá oai phong vậy mà nhút nhát nên rất nhạy cảm với sự hiện diện người dòm ngó, vì vậy việc nghiên cứu chúng đâm khó khăn. Nặng khoảng 4, 5 kí,  đường kính lồng ngực có khi đến 40 xăng ti mét, và chân cẳng kéo dài thẳng thớm ra thì hơn cả thước (có chỗ lại nói nó dài bằng cua nhện Nhật Bản có thể đến 4 mét). Đời cua dừa dai dẳng, nếu không bị người đánh chén thì trung bình thọ khoảng 30 năm. Thịt chúng không là sản phẩm thương mại và chẳng mấy khi được bán mặc dù được xem là loại thức ăn kích dục. Nghe vậy khoan ham, coi chừng, cũng có khi bị ngộ độc.

 

Theo hình, chúng chỉ có 8 chân thay vì cua thường là 10 chân. To bằng quả dừa thì còn thấy ngon, thấy ham, to cỡ cái mủng cái thúng thì chắc khiếp lắm, như quái vật rồi còn gì, và với cặp càng vĩ đại như vậy, nó kẹp người ta vài phút là gãy xương như không. Tưởng tượng thấy bò chừng năm bảy con là đã lo chạy, còn đâu ngồi nhìn cười nói nghĩ đến lúc nó lèo xèo dầu mỡ. Nhưng may, không nghe nói nó tấn công người. Ấy vậy mà nhớ trên truyền hình, có lần thấy làng nào tận đâu đâu cả bầy cua khổng lồ thênh thang nghễu nghện trên đường, có ai sợ đâu, chắc họ nhìn chúng và nghĩ đến chai dầu chiên hay hũ muối tiêu vơi đầy trong chạn. Vừa thấy không kịp nghe nói gì thì bản tin đã hết, thì chắc là chúng nó rồi. Tha hồ xơi nhé. Bon appétit.

 

Nhìn lên, Phật Bà từ bi đứng tay cầm nhành liễu, tay cầm bình nước cam lồ dõi mắt ra biển nam, mặt nước thẫm màu chiều lao xao theo nhịp gió ru. Vòng qua dãy đá bên kia, Đức Phật Dược sư ngồi an nhiên dưới tàn lọng nhìn mông lung ra biển đông. Thôi, thảy lũ dừa ngọt lịm lên cây, lùa đám cua ngon lành xuống biển, lên chùa bái Phật cho lòng thanh tịnh. Nam Mô  Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kẻ viết bài này tuy không ngang như cua, nhưng mỗi lần dù ăn cơm chùa, cũng làm dấu Thánh.

 

Xuân Sương

Paris-NT, août 2009