DẠO CẢNH DIU-THÀ

DẠO CẢNH DIU-THÀ

 

Nằm ở phía tây nước Mỹ, bang Utah được cho là một trong những nơi đáng ngạc nhiên nhất, đẹp nhất và có lịch sử hấp dẫn nhất nước Mỹ với huyền thoại thời Viễn Tây mang hình ảnh đàn bò ào ạt mấy nghìn con, hay từng đoàn ngựa hoang phi rào rào trên đường đá chông chênh hãy còn sống động. Không những thế, Utah còn nổi tiếng về địa thế hùng vĩ và đa dạng với núi tuyết, thung lũng, sông suối xen kẽ và nhiều sa mạc khô cháy cùng những ngọn đồi mang hình thù cực kỳ ngoạn mục.

 

Đường đến Công viên quốc gia Zion

Cháu dặn : phát âm là Diu-Thà, chớ U-ta thì không ai hiểu. Diu-Thà tương đối giàu, mùa màng ở những vùng có dẫn thủy rất tươi tốt, có mỏ vàng, đồng, chì và uranium, lại là nơi đón khách thập phương hầu như quanh năm. Tuy nhiên, khung cảnh hai bên đường từ California chạy qua bang Nevada tới đây khô khan tới mức nếu có ai chụp hình rồi ba hoa rằng đó là đường lên sao Hỏa thì cũng có người… tin. Cỏ dại lưa thưa lum lúp mặt đất cháy sém màu nâu sậm, thiên nhiên bao la trống hoác, nhìn xa xa chỉ thấy vẻ quạnh hiu. Có đoạn rẽ lối đi tới hướng khác thấy bảng chỉ đường đến Thành phố Ma, nơi ngày xưa dân tìm vàng xây dựng lên rồi sau khi hết vàng thì rời bỏ. Hai bên đường vào địa phận Diu-Thà núi non trùng điệp. Từ 60 triệu năm nay, thiên nhiên đã và đang tỉ mẩn đục khoét tỉa gọt tạo dáng độc đáo cho vùng đất này. Thi thoảng có khoảng đất bằng với dăm ba chục nóc nhà bán buôn thanh tịnh, kiểu ai ai cũng biết mặt nhau. Rồi lại núi chập chùng, có dãy cao nhọn đỉnh, có dãy bằng phẳng tựa mặt bàn, như thể trời đã đẩy đáy sông lên khỏi mặt đất. Nhiều đoạn đường lọt thỏm giữa hai dãy núi sát nhau, sát tới nỗi nhìn lên thấy ngộp, như núi đá muốn chộp lấy người. Cứ thế, cuối cùng địa phận Công viên Quốc gia Zion nằm ở Tây Nam Diu-Thà chào đón du khách bằng ngôi làng nhỏ hiền lành Springdale (từng được tạp chí Forbes Traveler chấm là một trong 20 thành phố đẹp nhất Hoa Kỳ). Ngôi làng yên bình tới nỗi tiếng xe chạy cũng êm ái. Dân chúng hòa nhã ngọt ngào. Dưới nắng trong vắt và cái se lạnh mùa thu, con đường duy nhất của làng nằm hững hờ dáng nghỉ ngơi để đến mùa hè thì tất bật. Ở đây không gọi Hotel, mà là Lodge.

Công viên Quốc gia Zion không có thảm cỏ xanh rì trải dài nhiều trăm mét, cũng không có hoa lá được tay người cắt tỉa công phu hoặc non bộ giả. Ở đây mọi thứ đều thật, cây lá thoải mái khoe màu, núi non sông suối thênh thang sừng sững, mênh mang nỗi niềm của một giống dân đã hầu như tận diệt. Để thăm viếng công viên, du khách có thể đi bộ, xe đạp,  xe hơi hoặc ngồi buýt miễn phí, mỗi chuyến cách nhau mười phút. Bác tài rất lịch sự, cứ mỗi người bước lên lại tươi cười hỏi: “Hôm nay bạn có khỏe không?”. Chắc phải khỏe thì mới đi leo núi chứ, nên hành khách ai cũng vui vẻ bảo khỏe và hỏi lại: “Còn bác thì sao?”. Không leo thì cũng phải có đôi chân kha khá để mỗi lần buýt ngừng ở trạm nào thích thì xuống ngắm cảnh chụp hình, dạo bộ...

Đường dạo công viên có tất cả tám trạm buýt. Trạm đầu tiên trước khi vòng vo lên núi là viện bảo tàng chứa 1.600 hiện vật khảo cổ, kể lại cuộc sống và hành trình những người đầu tiên đã sống ở đây. Có phòng chiếu phim toàn bộ công viên từ con sông ngọn suối, phong cảnh thật huy hoàng tráng lệ với nhiều hang động mà chỉ những đôi chân cực kỳ dẻo dai với hành lý hơn chục ký lô trên lưng, lặn lội cả ngày dài mới chiêm ngưỡng được. Khách tham quan chỉ thấy chúng trong tiệm bán quà lưu niệm qua những tấm hình nghệ thuật phóng to cùng giá cả. Có nơi núi được gọt giũa như tấm lụa uốn lượn, có nơi núi như những tháp nhỏ nằm ngồi chồng chất lên nhau, hoặc hang động mà đá cuội bóng nhẵn với thời gian và nước trong xanh như ngọc. Trạm cuối cùng là Đền Sinawava nằm nơi lối hẹp nhất của công viên, mang dáng dấp đền đài Angkor Vat. Nơi đây có khung cảnh đáng nhớ với đá đứng sát nhau như khép lối, và mây trắng tinh lững thững trên nền trời xanh vắt.

 

Những câu chuyện không lời ở công viên

Công viên được điều hành bởi Dịch vụ quốc gia các công viên thuộc bộ nội vụ. Năm 2005 Dịch vụ này nhận khoảng hơn 2,36 tỉ USD cho việc tu bổ nhiều vùng với tổng diện tích khoảng 340.000 cây sô vuông. Riêng Zion mỗi năm đón hơn hai triệu du khách với giá vé vào công viên rất ưu đãi: 25 USD cho mỗi xe hơi trong một tuần, vào ra bao nhiêu lần tùy sức. Nếu chỉ vào một vài lần thì không thể dạo hết 593km2 mênh mông. Chúng tôi cũng chỉ đủ thời gian ngao du quanh một một rẻo núi non trùng điệp màu đỏ ối. Hai bên đường núi vươn lên nhìn nhân sinh loanh quanh ở dưới, cây cối xanh tươi nổi bật trên nền đỏ. Có chỗ một bên là sông suối dạt dào, giọng buồn buồn tỉ tê kể lại lịch sử nhiều chục triệu năm hiện hữu. Dù hệ động vật ở Zion rất phong phú nhưng du khách thường chỉ gặp được sóc, thỏ hay vài ba con nai nhẩn nha gặm cỏ. Thấy thì chỉ được nhìn, chớ có tiện tay cho đứa nào xơi cái gì, ban quản lý công viên sẽ bắt buộc phải giết nó ngay để tránh hậu họa. Hậu họa đây có thể là sợ động vật bị nhiễm vi trùng thành phố mà môi trường thiên nhiên không biết cách chữa, hoặc có thể tạo cho chúng thói quen thèm thức ăn thành thị, rồi để có ăn lại phải lò mò sổng chuồng chạy đi tìm chỗ có người, mà có người là có nguy hiểm… Chiều mùa thu yên ả đượm màu hiu hắt, du khách không ai to tiếng, không chạy nhảy, đứng trong địa phận một sắc dân xa lạ mà lại thấy thương thương, với tất cả vẻ trầm lắng tưởng niệm thời oanh liệt của họ.

Hơn 900 loại cây cỏ tràn lan, ngay cả trên vách đá cheo leo cũng có hoa gì rựng đỏ nồng nàn. Mùa thu hai bên vàng rực cả vùng, gặp nắng trong veo lá lao chao nổi bật trên màu đen đường nhựa. Nhựa đường, xe cộ, máy hình, di động… những biểu hiện nền văn minh công nghệ chen chân vào thiên nhiên bao la choáng ngợp. Trên sườn núi thỉnh thoảng có vài hốc trời đục sẵn cho con cháu trú chân ngày mưa bão, thật xúc động khi tưởng tới bao nhiêu bước chân đã dừng ở đó, những linh hồn hãy còn quấn quýt đâu đây. Trong địa phận công viên, ngoài vài dãy nhà sinh hoạt ở mỗi trạm xe buýt dừng, thỉnh thoảng có vài nóc nhà cô đơn mọc lên giữa cỏ cây đất đá. Bất kỳ, từ tảng đá phẳng như mặt bàn, tròn trịa hay góc cạnh nằm kế nhau trên lớp lá vàng rượm trải đầy mặt đất, du khách cũng tìm thấy cái duyên dáng hồn Da Đỏ. Có nỗi niềm gì bùi ngùi khi những giọt nắng cuối ngày còn đậu trên đỉnh cao của núi và hơi lạnh bắt đầu tràn xuống mặt đường…

Rời vùng heo hút này ban ngày, chúng tôi bắt gặp một thân cây trơ trụi với rất nhiều chiếc giày treo trên ấy, chẳng biết là do du khách đùa chơi hay bàn chân của người xưa về thăm xứ sở? Nhưng hồn Da Đỏ chỉ còn phảng phất. Họ sống trong những khu bảo tồn dành riêng. Nhiều sắc dân da đỏ Mỹ với nền văn hóa rất khác nhau giữa họ đã tạo ra cái nghèo, mức độ giáo dục thấp và sinh hoạt bên lề xã hội, mặc dù nghe nói chính phủ Mỹ rất ưu đãi hậu duệ các sắc dân này, họ được trợ cấp cả đời, không bị đóng thuế, làm chủ nhiều casino… Có lẽ vì thế mà chẳng còn mấy ai ngẫm nghĩ đến chuyện xa xưa. Nhưng một dân tộc mà đất đai đã nhường hay bị chiếm đóng, mọi sinh hoạt bị lũng đoạn hay kềm chế thì đâu còn là dân tộc nữa!

Chợt nhớ trong phim cao bồi, những người tiên phong chinh phục Viễn Tây nếu thấy lồ lộ đỉnh núi giữa trời một anh da đỏ nghênh ngang trên lưng ngựa là đủ chạy té khói. Dân mê phim tự nhủ phải chi ban quản lý công viên cho du khách được sống lại cái cảm giác rợn người thuở ấy! Chiều xuống thấp và hơi lạnh từ núi đã nhả ra, du khách hạ sơn với nỗi buồn man mác trước phong cảnh thiên nhiên đậm tình sắc màu da đỏ...

Xuân Sương

Paris, Déc. 2011