MỘT THẾ GIỚI KHÔNG THUỐC LÁ ?
Với con số 5500 tỉ điếu thuốc đốt mỗi năm, 1 người chết vì nó mỗi 6 giây, giết 100 triệu sinh linh trong thế kỷ 20 tức gấp đôi số thương vong trong Thế chiến thứ II, và theo OMS nó sẽ giết 1 tỉ người trong thế kỷ này - là một vấn đề khiến nhiều nước trên thế giới đang tìm cách cải thiện. Đáng lo là trong buổi họp của Global Adult Tobacco Survey mùa thu vừa qua tại Hà nội, Việt Nam là nước chiếm kỷ lục toàn hành tinh với 47,4% người hút. Dù đầu năm ngoái đã bị cấm ở một số nơi cộng cộng , sỉ số người “bị hút” do khói người nhà là 67,6 %, ở văn phòng 49%, tại quán bar, cà phê 92,6%, tiệm ăn 84,9% và đại học 54,3%. Theo Cơ quan quốc tế sức khoẻ, nếu Việt Nam không áp dụng biện pháp cứng rắn trước tình trạng này thì năm 2020, 10% dân số sẽ tử vong do thuốc lá.
Người ta cố gắng hạn chế nó bằng cách tăng giá hay gợi ý cho người hút sợ, nhưng thực tế cũng chẳng thay đổi được gì vì thuốc lá là một loại gây nghiền, khó bỏ. Thuốc lá giết 60 nghìn người mỗi năm tại Pháp. Mới đây các bao thuốc lá in hình ảnh rùng rợn đầu tiên được bày lên quầy, chủ yếu là hiệu Gauloises, loại ít được hút, nhất là giới trẻ. Hình ảnh bàn chân người chết với ghi chú “người hút chết sớm”, hình lá phổi ung thư ghi chú “hút thuốc gây ung thư”, hay cái miệng đen đúa không răng..., với hy vọng gây lo sợ cho giới trẻ, bởi vì khẩu hiệu viết trên bao “Hút thuốc giết người” từ 2003 hay những bài diễn giảng về nguy hiểm sức khoẻ chẳng hiệu nghiệm gì, mà hình ảnh sẽ gây chú ý hơn với hy vọng sẽ kéo đám trẻ 13-15 tuổi đi chơi chỗ khác. Những hình ảnh gây sốc này sẽ bắt buộc từ ngày 20 tháng 4, nhiều nhà sản xuất phải lo đẩy cho hết số dự trữ hiện tại để cấp tốc in bià thuốc mới. Có khoảng 20 quốc gia sẽ áp dụng biện pháp này. Từ tháng 10 năm qua, bao thuốc American Spirit đã có hình gây sốc. Các hình ảnh này nằm sau lưng bao thuốc, mặt trước vẫn không thay đổi.
Mới đây Jacques Attali, kinh tế gia và là cựu Cố vấn đặc biệt của cố tổng thống Mitterrand đã khởi động cuộc tranh luận trên blog của ông “Còn nguy hơn mediator : Thuốc lá”, đã gây sôi nổi. Ông sẽ đặt câu hỏi cho tổng thống tương lai: sẽ ngăn cấm thuốc lá không? Bởi vì điều kinh khủng là không ai đặt câu hỏi tại sao không cứng rắn với sản phẩm hoàn toàn vô bổ này, được 1 tỉ 3 người tiêu thụ mỗi ngày và gây tử vong cho 5 triệu người hằng năm, nhiều hơn là bịnh sida và sốt rét cộng lại. Việc tiêu thụ thuốc lá kéo theo sự tiêu hao sức khoẻ và giảm sức sản xuất trong xí nghiệp vì nhân viên có lúc ngừng việc để tự đầu độc một cách hoàn toàn hợp pháp. Vậy mà người ta để cho nhà sản xuất tự do bán khắp hành tinh, và hầu như khắp nơi còn làm quảng cáo rùm beng cho nó. Điều mỉa mai là việc tăng giá chỉ mang lợi nhuận về nhiều hơn cho xí nghiệp, và nhà nước được thu thuế nhiều hơn nên có thể hiểu tại sao thuốc lá vẫn nhởn nhơ sản xuất.
Các nước Uruguay, Canada hay Úc rất tích cực trong việc này, tại Úc chỉ còn 15% dân hút trong khi Pháp có 30%. Irlande và Anh quốc tăng cường trợ giúp cho những người muốn bỏ hút và có 1 tuần lễ phát không những miếng chống nghiền dán lên người. Mùa thu vừa qua Phần Lan đã bỏ phiếu cho dự luật đáng ca ngợi “hoàn toàn cấm hút ở mọi nơi và mọi tình huống” từ đây đến năm 2040. Đầu tháng 2 này Nữu Ước đã cấm hút trong công viên, bãi biển và những nơi công cộng ngoài trời. Tây ban nha tuyên bố sẽ ra đạo luật mới sau nhiều năm khoan dung thái quá, là cấm hút thuốc trong quán ba, nhà hàng, khách sạn, sân bay và ga xe lửa...
Đủ mọi hình thức làm nản lòng người hút ở Châu Âu, nếu Hy Lạp có sự cấm đoán ảo thì ở Đức là một cuộc tranh đấu thực sự. Một ngoại lệ là thuốc nhai bên Thụy điển là cái mốt tiêu thụ hàng loạt, và khắp nơi cũng có khi xảy ra điều hiếm hoi là phạt vạ để cố đẩy lùi việc bỏ thói quen hút thuốc - điều mà thế lực thuốc lá ở nhiều quốc gia hành động để mọi quy chế trở thành mơ hồ khiến việc cấm đóan không được tôn trọng triệt để và khiến cho lực lượng chống thuốc lá kiệt sức. Từ 3 năm qua Pháp đã 3 lần tăng giá, mỗi lần 6% thay vì 10% như dự định đã làm vui lòng nhà sản xuất, vì với mức tăng đó không làm số tiêu thụ giảm đi.
Bên châu Âu, hút nhiều nhất là Hy Lạp, ở Á châu thì Việt Nam, Đại Hàn và Trung quốc được xem như “thiên đàng thuốc lá”. Nếu ở một số nơi công cộng bị cấm đóan thì lại chẳng nói gì đến tiệm ăn nên dân phì phò vẫn nhả khói vào đĩa thức ăn của thực khách. Đặc biệt số đàn bà hút thuốc tăng lên vì để lôi kéo giới tiêu thụ mới này, các hãng thuốc quảng cáo rằng hút thuốc “được chấp nhận về mặt xã hội, thời thượng và quyến rũ”. Theo OMS, nếu cái đà này tiếp tục thì năm 2025 sẽ có 10 triệu người chết vì thuốc lá mỗi năm mà 70% là dân các nước đang trên đà phát triển. Giá chăm sóc bệnh nhân vì thuốc lá tốn tới 200 tỉ đô la hằng năm, tức nhiều hơn tổng sản lượng bình quân của Mã Lai và Singapore cộng lại. Nhiều nhà nghiên cứu khoa học tìm thấy 4000 chất hoá học khác nhau trong khói thuốc mà hơn 50 thứ là gây ung thư, ví dụ như chì, bèzene, arsenic và dioxine... Ngoài ung thư phổi, thuốc lá còn gây ra ung thư miệng, xoang, bộ óc, vú, bàng quang, thận, máu... Ngoài ra còn linh tinh bịnh nguy hiểm khác nữa. Người ta dự trù có 10 triệu người chết hằng năm vào năm 2025-2030, tức cứ mỗi 3 giây đồng hồ thì 1 người chết vì thuốc lá.
Theo thăm dò trên 100 người hút và 100 không hút, «bạn có dùng thuốc chống trầm cảm không ?» thì kết quả là số người hút trả lời có 4 lần nhiều hơn người không hút. Bởi vì số người hút có vấn đề trầm cảm, lo âu, không thoải mái 4 lần nhiều hơn người không hút. Vậy thì một thế giới không thuốc lá là một thế giới dùng thuốc ngủ 4 lần ít hơn. Mọi kỹ thuật thiền định và xả hơi đều đặt nền tảng trên việc thêm oxy vào bộ óc và sự thư giãn. Không ai khuyên muốn cảm thấy khoẻ khoắn thì nên ra sau xe hơi đang nhả khói mà hít vào...
Trung quốc có 300 triệu người hút thuốc và 738 triệu “bị hút” do khói người khác, với hơn 1 tỉ người bị liên quan vì ác tính của thuốc lá. Phần đông vì dân chúng thiếu thông tin, bác sĩ không đề cập đến vấn đề hoặc không được khuyên ngưng hút, và 90% có tập bỏ nhưng không được chỉ dẫn nên thất bại. Câu ghi chú “hút thuốc có hại cho sức khoẻ” ghi trên bao thuốc không đủ để khiến dân hút bất kỳ đâu lưu ý.
Xuân Sương
Paris, fev. 2011