VIỆT NAM : CÁC BÃI TẮM CÓ... VẤN ĐỀ
Nha Trang
Năm 2006, Nha Trang được Unesco chấm là một trong 29 bãi biển đẹp nhất thế giới. Nhưng hồi tháng 11-2010, báo National Geographic chê dơ, quản lý kém, không tôn trọng sinh thái... Điều đó khiến quan chức Khánh Hoà rất giận và dân Việt khắp nơi trên thế giới chép miệng. Những 340 chuyên viên đủ mọi ngành - từ khảo cổ, bảo tồn lịch sử, đến du lịch bền vững - mà viết về du lịch, thì sự đánh giá các mục trên hẳn cũng phải có cơ sở. (Dựa vào 6 tiêu chuẩn: môi trường và phẩm chất sinh thái, tính nhất quán về xã hội và văn hoá, điều kiện lịch sử và khảo cổ của địa điểm, sự đẹp đẽ hấp dẫn của đối tượng, chất lượng quản lý du lịch, và tầm nhìn về tương lai).
Gần đây khu Hòn Chồng lại bị báo động là có nhiều cống thải nước dơ làm ô nhiễm. Tết năm kia, bãi biển cũng bị báo chí chê là một bãi rác khổng lồ...
Chuyện National Geographic phê bình thì cao xa lâu dài, chuyện rác rến thì từ năm ngoái, nhiều thùng rác 2 ngăn đã được đặt dọc theo đường tản bộ trên bãi, và đội ngũ vệ sinh làm việc cả 3 ca, ngày đêm. Bất kỳ giờ nào trong ngày, những cây chổi quơ cào từng gốc cây, từng ụn cát. Tết năm nay hay các ngày lễ vừa qua là một bằng chứng, bãi biển tinh tươm không chê vào đâu được. Vấn đề vệ sinh coi như giải quyết khả quan. Chỉ còn mong ý thức của mỗi du khách.
Điều đáng lưu ý là các trò chơi từ ca nô. Chẳng có bến bãi riêng, ca nô cứ tùy tiện vào bãi tắm lấy khách bay lên không trung. Hết vòng thì thả xuống nước cạnh người đang tắm, hoặc trên bãi cát cạnh người đi dạo hay ngồi. Mấy chiếc Jet Ski ào ào qua lại xịt khói khét lẹt vào không khí, nhả xăng dầu xuống nước, có khi phóng luôn lên bãi đầy con nít. Lúc đó ai đang lặn bên dưới dám đứt đầu, con nít chạy bậy lúc Jet ski phóng lên bờ thì hết cứu. Ngộ là bà con chỉ lo sợ rú lên vội kéo con chạy tránh, chẳng phàn nàn gì. Nguy hiểm này đã được phản ánh, và câu trả lời là có quy định mà không tôn trọng. Có quy định rồi mà không áp dụng thì cứ để nguy hiểm rình rập người tắm biển, chờ tới khi có tai nạn thực sự mới kêu trời hay sao? Hay nên khoanh vùng khai thác trò chơi này như ở các nước khác, và phạt nặng mọi vi phạm?
Nhiều du khách cũng than phiền bãi tắm Nha Trang thường gập ghềnh chỗ nông chỗ sâu, dễ hụt chân. Dầu vậy, bãi tắm Nha trang không nguy hiểm như một số bãi dưới đây.
Bãi Dài
Thuộc xã Cam Hải Đông, Cam Ranh. Bờ biển bãi Dài thoai thoải cả chục cây số, ra rất xa chỉ mới ngập nửa người, cát trắng, nước trong xanh thơ mộng. Có cây dương và dây leo xanh tươi dễ chịu, là khoanh rừng nhỏ nằm bên mé nước giữa thiên nhiên trong lành. Nó chỉ mới được chú ý thời gian gần đây, khi sân bay Cam Ranh được xử dụng vào năm 2004. Người ta giật mình khám phá ra vẻ đẹp còn hoang sơ, rồi chẳng bao lâu cũng hãi hùng về cái nguy hiểm giấu dưới vẻ nhu mì mời mọc của nó. Bởi dưới mặt nước phẳng lặng êm ả kia là những con nước ngầm đã cuốn đi nhiều sinh mạng. Vậy mà không một tấm bảng cảnh báo, không một ai trong các lều bán thức ăn uống trên bờ cho biết cái nguy hiểm tiềm tàng có thể đang rình rập. Nhóm chúng tôi may mắn bình yên, hỉ hả ca tụng bãi Dài đến khi được người quen cho biết số người chết đuối ở bãi tắm này vượt xa bãi biển Nha Trang trong nhiều năm cộng lại, mới hú vía mình chưa tới số.
Bãi Bình Tiên
Bãi Bình Tiên thuộc Ninh Thuận, cách Ninh Thuận 30 km, là ranh giới giữa Ninh Thuận và Khánh Hoà, được xem là một trong những bãi biển đẹp nhất miền Trung. Dài khoảng 3km và được nhiều núi che chở nên rất yên ả thanh tịnh. Sơn thủy hữu tình.
Có điều nó rất giống Bãi Dài, không những ở chỗ nước cũng trong xanh, cát trắng, phong cảnh còn hoang sơ tuyệt đẹp... lại cũng giống luôn ở sự nguy hiểm của những luồng nước ngầm. Một anh bạn từ xa về thường chạy xe ra bãi Bình Tiên vì gần nhà, đến khi tận mắt chứng kiến nhóm bạn 6 người từ Đà Lạt vừa xuống tắm đã bị cuốn, chỉ 1 người còn sống sót, mới kinh hồn.
x
Đây là những bãi tắm có dự án phát triển quy mô, nhưng cả hai nơi không hề có biển cảnh báo nguy hiểm, hay có mà bị dân tại chỗ gỡ đi? Quyền lợi làm ăn của họ là câu khách. Quyền lợi của người đi chơi là về nhà an toàn. Và quyền lợi của đất nước là có nhiều dân khắp nơi thăm viếng. Tiếng dữ đồn xa. Có nên đặt (hay đặt lại) bảng cảnh báo, khoanh vùng những chỗ nguy hiểm (vì chỉ có một số nơi chứ không phải toàn bãi) và trừng phạt thật nặng mọi ác ý tháo gỡ các bảng này, hay đợi sự gia tăng số người chết trôi làm quảng cáo xấu cho các bãi tắm Việt Nam? Chưa ai quên vụ xe ca đổ đèo làm chết 10 du khách Nga hồi tháng 3-2009, vụ chìm tàu làm chết 12 du khách nhiều quốc tịch ở Hạ Long hồi tháng 2-2011, đã quảng cáo không hay cho ngành du lịch nước ta rồi.
Dốc Lết
Ngoài mối nguy hiểm giết người lẻ tẻ như hai bãi biển trên, Dốc Lết có nguy cơ sẽ giết nhiều thế hệ.
Địa phận Ninh Hoà, cách Nha Trang 50 km về phía Bắc, Dốc Lết bắt đầu gây chú ý từ năm 1994. Cũng nước trong xanh sạch sẽ nhìn thấu đáy, không có sông đổ vào nên nước bảo đảm “chất lượng”, cát trắng mịn, bờ thoai thoải ra rất xa mới chỉ ngập tới eo, độ dài khoảng chục cây số. Dọc bãi là hàng dừa vượt lên đám dương thấp hay hoa dại dưới chân, tươi mát duyên dáng, rì zọt nằm trong rừng dương ngăn cách đường cái...
Tên Dốc Lết vì có nhiều cồn cát cao cả chục mét, phải “lết” qua nó chớ cát trì chân đi không nổi, hoặc như các cụ nói thời xưa phải dùng mo cau trượt xuống các đụn cát này, để ra biển. Có điều những đụn cát đó bây giờ không còn cao nữa, không nguyên vẹn nữa. Người ta đã xẻ thịt nó đem bán. Dân địa phương nói từ năm ngoái, vụ xúc cát này không còn là “ăn cắp” nữa vì lúc đầu còn len lén ban đêm, giờ thì người ta xúc công khai giữa thanh thiên bạch nhựt. Các bãi cát càng ngày càng nhiều lỗ hổng, các đụn đồi bị san bằng, cây cỏ bị tàn phá. Người hiểu biết sinh thái lo rằng với cái đà này, nước mặn sẽ xâm nhập vào các mạch nước ngầm, sẽ tạo ra nước phèn làm hư môi trường, tai hại cho thiên nhiên và nhịp sống của dân.
Dốc Lết gần vịnh Văn Phong, được đánh giá cao về tiềm năng khai thác du lịch trong tương lai. Nhưng nếu cứ cái đà thiên nhiên bị phá hoại này thì liệu cảnh quang quyến rũ như hiện nay sẽ còn gì để hấp dẫn du khách, chưa nói đến vấn đề sinh thái ?
Xuân Sương
Paris, Mai 2011