HỶ AN

Thương tặng chị An

 

 

Đáng lẽ chị phải mang tên Hỷ An. Vừa vui tính vừa an lành. Chưa nghe nói đã nghe cười, chưa thấy đi đã thấy chạy nhưng không phải người vô duyên. Có ai mau mắn vui vẻ, lăng xăng lo hết chồng con đến cháu mà vô duyên bao giờ!

- Phải ăn mì gói nghe em, dằm ớt thiệt cay ăn mới hạp. Nó ăn mì mình cũng ăn mì, ăn côm hổng hạp. Ố mài gad, nó ngon gì đâu em ơi!

Giọng Nha Trang dòn dã  mắt đằm thắm nhìn thẳng người đối diện. Tôi thấy từng cộng mì vàng sẫm thơm lừng, nghe lưỡi cay xé hít hà, từng mẩu ớt kim ửng đỏ lượn lờ trên mép nước loáng chất béo ngậy mùi hành tiêu thịt thà bột ngọt… Bất chợt tôi nuốt ực cái gì đang trào trong miệng, lưỡi thèm nhấm nháp, sống cái cảm giác của chị những ngày mới rời Việt Nam, anh đi làm, chị và các con với mẹ chồng ngày ngày ôm cái truyền hình xem phim bộ. Ba thế hệ cùng một đam mê. Không ai coi, mà sống. Hết mình. Đắm đuối.

- Cái khổ nhứt là lúc gần giờ ảnh đi làm về. Ố mài gad, mỗi lần đang say mê mà trẻ nhỏ nói mẹ ơi, còn một tiếng nữa ba về là chị rầu hết sức. Tại phải nấu cơm cho ảnh chớ ảnh đâu ăn mì gói. Mà biểu tụi nhỏ ngừng thì nó đâu chịu. Tụi nhỏ coi tiếp rồi kể chỗ đó cho chị nghe. Mê dứt hổng ra em ơi. Ố mài gad!

Trong mắt chị long lanh tôi thấy Vi Tiểu Bảo đang đè lên người Khang Hy say sưa nện, thấy gã bị em gái Khang Hy khoái trá đốt từng đốm nát người trước khi lịm mắt lả lơi với từng cơn rên rỉ gợi tình, thấy Triệu Minh nũng nịu nhíu mày ghen tuông Vô Kỵ, tà áo xanh thắt lưng tía phất phơ giỡn gío chiều trên đồi bạt ngàn hoa dại,  thấy cô gái Đồ Long nhún người phi thân từ đỉnh núi đầy tuyết trắng xuống cạnh bờ sông rồi băng băng lướt trên mặt nước tìm đuổi kẻ thù,  thấy áo Thiếu Lâm đẫm mồ hôi đang tranh hùng với áo lụa phơm phức Nga Mi, khí công vèo vèo xẻ gió và đao kiếm long lanh dưới trời rực nắng hay đường gươm sít sao đến nỗi không một giọt mưa giọt gió lọt vào… Mỗi người một tô mì cay xé sì sụp húp theo phim. Một tháng đi đứt tám thùng thì đáng lẽ hãng mì phải tặng huy chương tiêu thụ.

    Một lần anh thay chú em đưa chị đi mua thức ăn, vừa bước vào, bà chủ tiệm đon đả:

- Bà ơi, có bộ này mới qua hay lắm!

Bịt mồm bà không kịp. Anh và người em trai giống hệt nhau, ai biết được mà dè. Mọi lần bà hàng vẫn thấy ông này đưa chị đi mua sắm và thuê phim mà. Thế là hỏng chuyện. Anh gây dữ dội, làm sao trẻ nhỏ học. Mà chúng nó chưa  muốn học, chưa sẵn tinh thần để học. Xứ gì lạnh lạ lạnh lùng. Nhà cách nhà chẳng nghe động tĩnh. Bước ra đường phải mang trên người cả chục ký lô quần áo như  lính hành quân, mà không có bố thì nào dám bước chân khỏi cửa. Chẳng thấy tiệm tùng để mua cái kẹo. Chẳng tiệm sách để mua hoạt hình. Chẳng rạp xi nê xem đánh nhau dù chẳng hiểu mô tê cũng phân biệt phe ta phe địch. Ngày đầu bố chẳng nói chẳng rằng về con vật quái dị nuôi dưới hầm nhà, thỉnh thoảng lại rống lên phát khiếp. Con gì mà khoẻ thế, rống rung chuyển tường nhà, rung đồ đạc, rung mấy mẹ con ôm chầm nín thở, mắt lộn tròng. Chị cầu nguyện nó đừng sổng chuồng đánh hơi người lạ mò thăm. Nghĩ phải đòi chồng bỏ con vật dị hợm đó đi, mười năm xa vợ con cô đơn quá đỗi nhưng sao không nuôi con chó nhỏ có phải dễ thương không. Tiếng kêu gì rền vang kéo dài ão não, dữ dội. Hơn cả tiếng rống từ nghĩa địa Mạc Đỉnh Chi xưa kia.  Mà cũng chỉ nghe nói, chưa được nghe bằng chính tai mình như hiện tại. Mấy đứa nhỏ phát khóc, run lập cập. Thằng Nô tính bụi đời, hảo hán đứng lên:

- Để con xuống coi là con gì.

Chị hoảng hốt vội níu tay con:

- Đừng con ơi, mình lạ nước lạ cái, lỡ con gì nó chụp cắn rồi con biết nói tiếng Mỹ ra sao cho người ta hiểu.

Thế là chiều đó anh phải về sớm hơn thường lệ, vì buổi trưa điện thoại thăm, mấy mẹ con hổn hển mô tả con quái vật khiến anh hoang mang. Nghe, anh cười ha hả, thương vợ con đứt ruột đã sống trọn ngày lo sợ. Dẫn thằng Nu thằng Nô xuống chỉ con quái vật, chỉ cách bật cái nút nào cho nó rống lại nếu bỗng dưng nó đình công, bởi vì nếu nó đình công thì nhà sẽ lạnh như băng. Úi dào, hiểu rồi, tưởng gì! Mà hết nỗi sợ đó thì suốt ngày chẳng còn cảm giác gì hấp dẫn nữa. Nỗi nao nức sum họp gia đình giờ đã nguội. Cái lo âu không được đoàn tụ với chồng với bố đã hết. Cái ham muốn đặt chân lên đất Mỹ đã mãn nguyện. Giờ bắt đầu tìm hiểu vị trí nơi mình đang ở.

- Ba nói sau nhà có cái vườn cây đẹp lắm, là chỗ nào đâu mẹ?

Mấy mẹ con xúm xít nhìn ra cửa sổ, chỉ thấy tuyết ngập trắng rừng, ngập trắng sân, ngập trắng cầu thang. Trời thả xuống từng đàn chim bông gòn đậu đầy cửa sổ. Con Na hé cửa bắt chim. Một đứa la lên lạnh quá, đóng lại! Luồng hơi lạnh tuôn vào kéo theo dăm ba cánh chim mỏng lờ lửng vài giây rồi chỉ là giọt nước trên sàn. Sau nhà, rừng cây khẳng khiu trụi lá cứng đơ không sinh động. Chị chép miệng:

- Chắc cây chết hết rồi con. Thân cây đen thui rồi kia kìa.

Vậy thì chúi mũi vào đâu nếu không vào cái truyền hình, mà truyền hình nói tiếng Mỹ. Nỗi niềm này chỉ chú em hiểu lòng mẹ, chị dâu và các cháu. Trong hai tháng trời chú lo đưa chị chợ búa và thuê phim bộ, đồng loã dấu anh, cho đến ngày bà chủ tiệm vô tình rứt màn bí mật.

-  Chú nó giống ảnh gì đâu nên bả lầm em ơi, ố mài gad!

- Cũng là cái may đó chị, nếu không biết kéo dài đến bao giờ.

Trong ánh mắt dịu dàng khi chị ờ biểu đồng tình, thấy Vi Tiểu Bảo đã lên máy bay về Tàu, bị không tặc buộc đáp xuống Ấn Độ, thấy Vô Kỵ bẻ kiếm ngồi vẽ lông mày cho Triệu Minh rất vụng, ngoằn ngoèo chạy mãi xuống trái tai, thấy cô gái Đồ Long không phi thân mà thảnh thơi bước dọc bờ suối hái hoa cài tóc, thấy Thiếu Lâm-Nga Mi chôn đao lấp kiếm, tay bắt mặt mừng làm đám cưới tập thể cho nhiều cặp uyên ương… Cũng thấy những sợi mì gói nở to đã khô cứng thành củi thổi chín bữa ăn tươm tất hương vị Nha Trang đằm thắm mùi nước biển từng quyện vào tóc, mùi cát trắng ngà thơm tho từng dính gót thời con gái… Ngay cả đàn sóc sau nhà cũng được hưởng mùi vị châu Á nồng nàn, chị xào nấu ngon lành mời sẵn ngoài sân hay còn để nằm tủ lạnh, đi vắng quên dặn anh lại tưởng phần đó vợ chuẩn bị cho mình, ăn dành của sóc.

Thằng Nu thằng Nô thường dòm chừng, mùa xuân nhởn nhơ trổ hoa rồi mùa hè tươm nắng mà chẳng thấy đứa nhỏ nào đá bóng ngoài đường.  Chẳng lẽ khu này toàn người lớn tuổi suốt ngày im ỉm trong nhà. Hồi chưa đi, lãnh cái thùng to tướng bố gửi về ai cũng mừng giùm được quà nhiều tha hồ mua gạo thay vì nhai bo bo cứng ngắt, mấy trái banh bôm sẵn đã chiếm gần hết cái thùng King size kiểu Mỹ.

- Ai cũng nói sao ông này cưng con dữ vậy. Mà từ ngày có mấy trái banh em ơi, hổng ngày nào hổng có người méc vốn. Lúc đá bể cửa kính, lúc đổ hàng cháo người ta, đền chết luôn, ố mài gad…

Cười dòn như cốm rang.

- Ảnh dẫn tụi nhỏ đi ăn Mac Do, nó ăn không được nói hôi mùi Mỹ, ăn tiệm Việt Nam cũng nói hôi mùi Mỹ, ố mài gad, chịu thua!

 

Chị đáng yêu chi lạ. Ánh mắt linh hoạt nồng nàn và tiếng cười bắp nổ còn mãi trong tôi nỗi nhớ. Bây giờ mẹ chồng đã bình an phiêu diêu cõi khác, các con đều đã thành tài, anh về hưu chuyển qua nghề họa, vẽ lông mày và chân dung hiền thê,  chị vẫn bôn ba chia xẻ thời gian và sức bà cho các cháu…

 

MIÊNG

Paris 2004-2009