SongTrungThuc

 

SỐNG TRUNG THỰC, ĐƯỢC GÌ ?

 

Câu hỏi tưởng chừng giản dị này vô tình mở ra cả thế giới bao la. Câu trả lời có thể là : chẳng được gì cả, ngoài tiếng khen! Mà “lời khen thì như nước hoa, chỉ ngửi được chớ không nuốt được”, “có tiếng mà không có miếng”, con người lại không thể sống chỉ bằng lời nói, bởi vì “lời nói gió bay”, vật chất mới là cái còn lại, cái nuôi sống. Ví dụ trong phòng thi, gian dối cóp bài thì chắc chắn đậu hơn là trung thực cắn bút bỏ giấy trắng để rớt. Làm nhỏ, gian dối hùa theo ý sếp vẫn hơn là trung thực phê bình khiến sếp mất lòng có thể mất việc như chơi. Làm to, vui vẻ nhận hối lộ hạ bút cho một chữ ký chắc chắn có thêm của cải hơn là trung thực từ chối để sống với đồng tiền lương thiện mỗi tháng. Vậy mà tại sao xưa nay sự trung thực luôn luôn được tôn trọng?

 

Nhớ hồi mới sang Pháp, ở lớp mỗi lần làm bài viết tôi phải chêm tiếng Anh.  Khi thi chứng chỉ về văn minh Trung hoa, tôi xin lỗi giáo sư là mình không làm được. Ông hỏi tại sao. Sẵn cây bút chì trong tay, tôi dựng nó lên giải thích rằng cái học của sinh viên VN giống hệt như vậy, thẳng tuột, khô khan, nghĩa là chỉ biết những gì thầy giáo dạy cho, không như sinh viên các nước tân tiến phải đọc gần chục quyển sách mỗi tuần, hay hơn cả chục cho mỗi đề tài, dù là đề tài nho nhỏ trình bày trong lớp, chẳng khác cái cây sum suê cành lá. Thầy giáo cười, bảo tôi ví von hay quá, tử tế khuyến khích vous thử làm dàn bài xem. Tôi làm. Thầy sửa. Và tôi bắt đầu tìm tài liệu. May làm việc ở Thư viện là kho tàng, tôi đào tìm, càng đào càng ra, càng ra càng thú vị, càng thú vị càng tự tin. Giáo sư cảm kích “Cho một chứng chỉ mà vous có tài liệu như một luận án”. Đến ngày nộp bài, thầy lướt qua trố mắt : “Viết như vầy sao vous bảo viết tiếng Pháp không thông?”. Tôi nói đã nhờ chồng sửa. Ông gật gù “Cám ơn vous đã rất thành thật”. Đến phiên tôi trố mắt.

 

Cùng lúc một cô người Hoa, người Hoa lại đi học cử nhân Hoa ngữ là đã chơi cha thiên hạ rồi, nói tiếng Pháp không rành, mà bài thi nộp thì quả là người viết giỏi Pháp văn và kiến thức. Ông thầy xem qua, hỏi nhiều lần ai làm cho cô, cô ấy nhất định chính mình làm. Ông lắc đầu, nói thẳng là không tin.

 

Sự trung thực ở đây, trước mắt chỉ là một cái chứng chỉ nhỏ giữa bao nhiêu chứng chỉ khác trong đời quan trọng gấp nghìn. Thêm vào đó được cái nhìn quý mến của thầy. Vậy mà tôi vô cùng hân hoan, không phải chỉ vì được đậu, mà trong chừng mực nào đó, ít nhất trong mắt ông giáo sư người Pháp này, tôi đại diện cho “người Việt Nam thành thật”. 

 

Trong đời sống thường ngày, ví dụ chuyện mua bán, giữa hàng nói thách và hàng không thách, mình muốn trở lại hàng nào? Giữa một người bạn giả dối và người bạn trung thực, mình thích gần gũi ai hơn? Xin phân biệt rõ ràng trung thực và khờ khạo. Ta thường nói “thiệt thà là cha đứa dại”.  Được tiếng thiệt thà một cách nào đó là bị chê, dầu được yêu mến nhưng cũng ngại: nói gì với nó, nó thiệt thà phun hết cho người khác nghe, có khi mang họa. Nhưng người khôn ngoan quá thường lại bị dè chừng vì chẳng hiểu hư thực ra sao. Lòng trung thực càng ngày càng mất đi bởi ta đang sống trong thời đại chạy đua với vật chất, nó thành cái gì xa xỉ nhiều khi tai hại, không phải ai cũng biết quý nó khi không ích lợi gì cho họ, ngoài sự bực bội và nể nang âm thầm.

 

Câu hỏi của em Lê Nguyễn Minh Châu (*) ngây thơ là thế, đã khiến người lớn phải bình tâm suy nghĩ. Chưa kể đến lương tâm, ta có thể dạy con cháu phải trung thực được không khi nó thấy chính ta không trung thực? Vì e sợ thế này thế nọ mà gian dối kế tiếp gian dối, rồi gia đình sẽ đi tới đâu, xã hội sẽ đi tới đâu? Trong mọi trường hợp người trung thực và người chấp nhận sự trung thực của kẻ khác là người can đảm, tự tin và lương tâm nhẹ nhàng trong sáng, dẫu không phải có thể áp dụng với bất kỳ ai và bất cứ lúc nào. Chúng ta phải lựa chọn, và sự chọn lựa nào cũng có thiệt thòi mất mát. Ý thức của mỗi cá nhân luôn luôn quan trọng, và giáo dục học đường luôn luôn chủ đạo trong việc rèn luyện con người.

 

Xuân Sương

Paris, Juillet 2009

 

(*) Báo Tuổi trẻ ngày 15-7-2009