1DoiMo-amvc

1

Đội mồ

Trước mặt căn nhà ẩn trong lõm đất bờ tây kênh Sắt, chiếc quan tài bằng gỗ thô nằm trơ trọi. Mặt đất khô cằn nứt toạc vết chân những con ó thuở lập địa khai thiên.  Mặt trời trên đỉnh ngọn tre đổ một chảo lửa xuống đầu thế gian.  Cạnh gốc cây sung, hai con chó thè lưỡi thở hồng hộc.  Đàn gà chúi vào hàng dậu cạnh giàn mướp, thỉnh thoảng kêu chiêm chiếp.  Dưới nắng chang chang, hai người đàn bà ngồi bất động, bóng đổ như ngã chúi xuống.  Người có tuổi, mắt sưng vù, miệng thỉnh thoảng lẩm bẩm một điều gì.  Người kia còn trẻ, đâu khoảng mười sáu mười bảy, mặt căng cứng, môi mím lại.  Chỉ có tiếng đập cánh vo ve của ruồi, của nhặng.  Những con ruồi trâu trùi trũi to  bằng đầu ngón tay chúc đầu lao vào nắp quan còn đậy hờ.  Nhặng xanh, bụng chấm trắng, sà xuống những vũng nước vàng nhợt rỉ ra từ khe gỗ, mùi thối hoắc thốc lên đâm xộc vào mũi.

 

Đồ Cửu từ trong nhà bước ra. Đi về phía quan tài, Cửu chợt khựng lại, đưa tay bịt miệng.  Ruồi, nhặng vù vù  bay tóe lên.  Đồ Cửu phẩy tay xua, hấp tấp đi vào, gọi con.  Lát sau, Cửu cùng hai đứa trẻ tuổi chạc lên chín lên mười mang ra một chiếc màn tuyn màu cháo lòng. Lầm lì đóng bốn cái cọc, ba cha con buông màn phủ chiếc quan tài.  Đến bên hai người đàn bà, Đồ Cửu trầm giọng :

- Mẹ nó với cháu vào nhà đi.  Ngồi nắng thế này thì ốm mất!

Hai người đàn bà vẫn trơ trơ như tượng.  Đồ Cửu lặng lẽ bước ra cổng, nhìn về phía bãi tha ma.  Cách nhà không đầy trăm thước là mộ cha mình. Cạnh lỗ huyệt đã đào sẵn, đất hất lên xung quanh thành mô, cuốc xẻng còn ngổn ngang.  Trên trạc cây ổi gần đó, một con chim chào mào cất tiếng ríu rít.  Nó về đậu ở đấy đã hai ngày, từ khi Cửu nhận cái xác người nằm trước sân và đang đợi phép chôn cất.  Hương tuần cùng Xã trưởng đến căn dặn, quan Tây trên Huyện sẽ về giảo nghiệm, không được chôn ngay, phải đợi.  Hết ngày thứ nhất, mùi hôi thối bay từ thôn Bùi Chu lan ra khắp vùng khiến giáo dân Giáp Đoài đến cầu cứu Cha Xứ.  Người ta kháo, xác nổi trên sông Cả, vớt lên đã trương sình, phải hai cái chiếu mới bọc được mang về.  Cứ xem cái áo quan rộng gấp rưỡi khổ thường thì đủ hiểu. Cha Xứ cũng bó tay, chỉ cùng giáo dân đọc kinh Vực Sâu, rồi kinh Kính Mừng.

 

Vừa đọc Kính mừng Maria ...thốt nhiên mùi hôi thối không bay vào nhà Chung. Khi xướng Đức Mẹ Chúa Trời…  hương thơm tỏa ra từ tượng Đức Mẹ.  Đến câu  cầu cho chúng tôi là kẻ có tội ... thì con chim chào mào trên trạc ổi bay vào đậu dưới chân tượng.  Một đứa gái đồng trinh thưa với Cha Xứ rằng nó đã hứng được một giọt nước mắt nhỏ từ mắt Đức Mẹ lúc giáo dân đồng xướng  Amen.  Giọt nước mắt trắng tinh đọng lại thành một vì sao bay tít tắp lên trời vào đúng nửa đêm.  Bọn trẻ con rêu rao, mỗi vì sao trên trời là một giọt nước mắt Đức Mẹ.

*

 

Bà già ngồi trên mô đất bờ kênh. Bên cạnh, một đứa bé tóc để chỏm, quần trắng, áo trắng, đầu buộc một giải khăn sô. Bà già gầy gò trong chiếc áo thụng màu vàng tươi,  tóc bạc phơ,  miệng ngậm, môi căng như một sợi chỉ chăng ngang khuôn mặt còm cõi. Nắng chói, sáng hoa mắt. Hai bà cháu im lặng đưa mắt nhìn về phía chiếc quan tài đã buông màn phủ quanh. Không một ai để ý đến họ. Trừ Nguyễn Trường Văn. Nó lấy tay che mắt hấp háy nhìn lên bờ kênh, ngạc nhiên nhưng chẳng nói gì. Một cánh diều trắng từ cuối trời bay vút lên. Tiếng sáo diều đâu đó xa đưa, vẳng lại, dập dìu.

 

Một đám người nhấp nhô đi trên đê. Bóng ai đó cao lêu nghêu như chực ngã xuống bờ kênh. Họ đi ngang mô đất, nơi bà già và đứa bé ngồi. Bà già nhổ nước bọt. Đứa bé ngước lên nhìn trân trân, nhưng chẳng một ai có vẻ gì để ý đến họ. Đằng xa, gió bỗng thốc lên xoay tròn. Chiếc màn tuyn trắng phủ quan tài theo gió vờn trong khoảng không một điệu múa lạ thường. Ruồi nhặng lại đập cánh bay, tiếng vo vo chói tai. Hai bà cháu đủng đỉnh đứng dậy. Lúc ấy mới thấy thằng bé ôm trong tay một con chim chào mào. Đi theo đám người, chân hai bà cháu đạp vào không khí thành những vết bước rói sáng. Nguyễn Trường Văn trố mắt. Nó cố nhớ nhưng không nhận được hai bà cháu kia là lạ hay quen. Một anh lính khố xanh trượt chân loạng choạng sắp ngã, bà già chìa cây gậy ra đỡ. Anh lính lấy lại thăng bằng, lẩm bẩm chửi.

 

Xế trưa, tiếng phèng la nổi lên đầu xã.  Lý trưởng đi đầu, theo sau là thầy Thông, vị quan Tây, hai người lính khố đỏ, cuối cùng là đám hương tuần và thầy Lục-sự do quan Huyện phái đến. Cha Xứ cùng thầy Tứ ra đón đoàn người ở đoạn giữa con đê cạnh bờ kênh sắp cạn, nước nhờ nhợ trên bùn trông như máu đang đông lại.  Căn nhà Đồ Cửu cuối chân đê thấp thoáng sau rặng cây xanh rì.  Từ xa, chiếc màn trắng buông quanh áo quan nhìn như một ngôi mộ lát cẩm thạch im lìm dưới nắng.  Đàn ruồi, đàn nhặng vẫn vo ve bay vòng, túa lên rồi văng ra tứ phía khi đám người đến gần.  Mùi thối lúc một nồng nặc. Vị quan Tây rút chiếc mùi-xoa ra bịt mũi, mặt nhăn, bước tới. Đồ Cửu nghiêng mình chắp tay khẽ vái. Vị quan Tây xì xồ với thầy Thông.  Nhìn Đồ Cửu, thầy dịch :

-  Ông là cha của Nguyễn Trường Võ?

 

Đồ Cửu gật đầu.  Trên xác chết dạt vào bờ sông Cả, người ta tìm được giấy tùy thân có ghi tên tuổi và nơi cư ngụ, mang trình lên huyện trước khi đem về Giáp Đoài.  Quan Tây lại xì xồ.  Thầy Thông lắng nghe, rồi  hỏi :

-  Ông có biết Nguyễn Trường Võ đi đâu, làm gì và chết ra sao không ?

 

Đồ Cửu lắc đầu.  Quan Tây phất tay.  Hai người lính khố đỏ và một  anh hương tuần quấn khăn bịt mũi bịt mồm đến kéo cửa màn.  Đàn ruồi, đàn nhặng ùa vào, bu lại.  Quan Tây lại gần, mặt lại quay đi, nhổ phì phì rồi gập mình nôn thốc nôn tháo.  Thầy Thông bị quan Tây xô lưng đẩy vào.  Nắp áo quan mở ra.  Thầy Thông xua tay, vội vã lùi lại, nói xì xồ với quan Tây.  Ông ta buột miệng ‘’ Oh mon Dieu…! [1]‘’.  Con chim chào mào không biết từ đâu bay tới.  Nó kêu chíu chít, chao qua liệng lại khiến ruồi nhặng tản ra, nhưng rồi lại chúi đầu xông vào xác người đã thối rữa.

 

Lúc ấy, người đàn bà đứng tuổi đứng lên.  Bà chậm rãi đi từng bước.  Đồ Cửu nắm nhẹ lấy vai bà, nói nhỏ :

-  Mẹ nó, đừng !

 

Bà gạt tay, thốt từng tiếng, giọng lạnh băng :

-  Cho tôi thấy mặt con tôi !

 

Người con gái nãy giờ ngồi cạnh bà vùng lên chạy ào vào nơi đặt áo quan.  Người ta nghe tiếng gào, ối anh ơi là anh ơi, rồi cô ta ngã vật xuống ngất đi.  Có tiếng hai đứa trẻ bật miệng khóc i ỉ.  Cha Xứ làm dấu thánh, ghé vào tai quan Tây nói nhỏ.  Quan Tây gật đầu.  Bấy giờ, cái xác chết trôi mới được phép trở về cùng cát bụi.

 

*

 

Bà già và đứa bé trên bờ kênh im lặng đứng  nhìn từ góc vườn. Nguyễn Trường Văn đến bên đứa bé, hỏi :

- Sao mày lại để đại tang ? Có phải bố mày đâu !

 

Đứa bé ngước mắt, giọng buồn bã :

-  Bố tao đấy !

 

Bà già miệng mấp máy, quết trầu ứa thành vệt nhiễu xuống cằm, ngửa mặt nói vào thinh không :

-  Không là bố thì sao lại chết cho chúng mày ! Rõ hay…

 

Văn ngắt, giọng bực tức :

-  Cụ ơi, anh Võ nhà cháu đã bao giờ vợ con gì đâu…

 

Bà già xua tay, nghẹn ngào :

-  Mày thì biết gì ! Có ai biết được…

 

Đứa bé vùng mình đứng dậy, gào, bố ơi! bố! Nhưng hình như chẳng ai nghe thấy tiếng gào. Tất cả tiếp tục đi, đứng, khóc, kẻ lạnh lùng, người nghiêm trang. Lạ một điều là không ai tỏ vẻ gì ngạc nhiên. Trong ánh nắng mỗi lúc một chói chan, bà già và đứa bé nhòa dần vào sắc cầu vồng từ phía chân trời ngút mắt. Văn giụi mắt. Tai vẫn văng vẳng tiếng khóc và tiếng gọi bố, Văn thấy bà già và đứa bé lượn vào những sợi khói bay từ đầu bó nhang ai đã cắm trên mặt đất.

Con chào mào cắm đầu lao vào lỗ huyệt khi vố đất đầu tiên rào rào rơi trên áo quan chôn Nguyễn Trường Võ. Lúc đó, chớp loé sáng nhoá chân trời.  Cha Xứ dõng dạc, ơn Thiên Chúa trên trời, cho sống cho chết, quyền lực vô biên.  Tiếng ầm ì đục vỡ khoảng không chợt đổ sập xuống.  Cơn giông thổi tốc những vòm cây rạp mình oằn oại;  lát sau mưa ào xuống trắng xoá bãi tha ma hiu quạnh.  Đồ Cửu vuốt nước mưa trên mặt, miệng giục lấp đất.  Những nhát xẻng vung lên vội vã.  Hai tay Đồ Cửu nhấn lên nấm mồ mới đắp cây thánh giá bằng gỗ sơn trắng, món quà cuối cùng nhà Chung xã Đoài gửi đến một Kitô hữu về nước Chúa. Cha Xứ làm dấu thánh rồi chậm rãi bước về phía bà Đồ và người con gái còn phủ phục dưới đất. 

 

 Người con gái lăn vào quan tài trước khi hạ huyệt tên Xoan, con gái út bà Phó, nằng nặc xin với vợ chồng Đồ Cửu cho chít khăn để tang người quá cố.  Đồ Cửu không nỡ nói không, cũng không nỡ nói có.  Dẫu đã gắm ghé, nhưng Xoan và Võ đã cưới hỏi gì đâu.  Xoan  nắm tay ông, khóc :

-  Con lạy cha, cha cho con làm vợ anh ấy, sống cũng như chết, nghĩa tử là nghĩa tận.

 

Bà Đ khẽ gật, miệng sụt sịt, đưa tay lên chùi nước mắt.  Đồ Cửu chít vành khăn trắng lên đầu Xoan, biết mình vừa chôn đời một  đứa con gái.  Giọng chua xót, ông thở dài :

- Từ nay, con là dâu nhà này !

 

Xoan sụp xuống lạy.  Bà Đồ ôm Xoan đỡ dậy, vẫn không một lời, mắt nhìn trừng trừng vào lỗ huyệt.

 

*

 

Sau khi chôn cất Võ, bà Đồ kiệt sức, nằm liệt giường liệt chiếu.  Đồ Cửu đau đớn trong bụng nhưng bề ngoài bình tĩnh tiếp những người đến viếng. Có kẻ phao lên Võ rủ đồng bọn đi ăn cướp. Có người đồn rằng Võ đã nổi nghĩa quân đánh Pháp. Xã Đoài chia làm hai phe, phe nào cũng có chứng cớ, nhưng không một ai cậy được răng Đồ Cửu. Lạnh lùng, Cửu nhắc lại chỉ một câu, tôi không biết !

 

Ba ngày sau, Xoan xin phép đáo qua nhà mình thu xếp rồi về làm dâu để trọn phận vợ góa của cái xác chết đã vùi sâu chôn chặt.  Người xấu miệng trong xã thì thào, con bé nó có chửa, thà là lấy người chết còn hơn là bị gọt đầu bôi vôi.  Xoan nghe, nhếch miệng cười khỉnh, không hé răng.  Chỉ khi bà Đồ hỏi, Xoan mới lẳng lặng lắc đầu, nước mắt ứa ra. Bà Đồ nắm tay Xoan thủ thỉ :

-  Mẹ mất đứa con trai, nhưng ơn Chúa, lại được đứa con dâu. Chỉ có điều là thương cho con chẳng được như vợ như chồng người ta. Con như con gái thày mẹ, ở đây được lúc nào thì ở, khi muốn về nhà mẹ con, con cứ về…Sau này dù có thế nào…thì con vẫn cứ là con gái nhà họ Nguyễn này!

 

Nghe bà Đồ nói, Xoan động lòng ứa nước mắt. Dẫu chẳng sắc nước hương trời nhưng nàng cũng xinh đẹp, lại hát dặm nổi tiếng khắp một huyện Hưng Nguyên, cứ lẽ thường thì chẳng có lý gì để nàng suốt một đời phải chung thủy tiết trinh với một cái bóng ma. Nắm tay bà Đồ, Xoan nhẹ nhàng thưa :

-  Con đã phát nguyện với Đức Mẹ là suốt đời con chỉ có anh con là chồng…Mẹ đừng suy nghĩ chi thêm cho nhọc lòng cả mẹ lẫn con…

 

Bõ công trang điểm má hồng răng đen, Xoan nghĩ thầm, cũng  có năm bẩy đường. Đêm đêm Xoan nằm trên chiếc trõng xưa Võ đã từng nằm, gối trên chiếc gối Võ đã từng gối, đắp tấm chăn đơn Võ đã từng đắp. Nghe tiếng mọt kọt kẹt, áp mặt tìm hơi, Xoan thiếp đi, và Võ vẫn đó, ôm ấp vuốt ve, thì thầm to nhỏ với nàng những câu hát đêm nao. Đêm hôm ấy là đêm hai đứa trốn ra bờ kênh Sắt, trước ngày Võ lên đường vàoVinh. Chớm thu, gió se se mơn trớn.  Dưới ánh trăng non lấp lánh, những thửa ruộng mạ mới trổ màu xanh mơ huyền ảo. Nhìn vào mắt Xoan, Võ âu yếm đọc,  Trăng vàng trăng bạc trên cao, hỏi em biết ánh trăng nào của em? Khúc khích cười, Xoan lẳng lơ, đối, Trăng nào chẳng mọc về đêm. Xin chàng mở cửa em đem trăng vào. Võ lẳng lặng ôm lấy vai Xoan. Cuối tầm mắt là nghĩa địa xã Đoài, ánh lân tinh yếu ớt chập chờn bay lượn   những linh hồn còn thao thức. Xoan thở dài  ‘’anh  đi Tết mới lại về nhỉ?’’  Võ không đáp, tay ghì lấy Xoan. Nhìn lơ đãng lên trời, Xoan hỏi ‘’Học xong anh làm gì? ‘’. Võ ngỡ ngàng. Chính câu này, người bạn chí thiết của Võ là Nguyễn Hữu Loan cũng đã hỏi hè vừa qua. Làm gì? Thành ông Thông, ông Phán? Tệ hơn, ông Ký ga xe lửa? Chẳng nhẽ tương lai lũ chúng mình, Hữu Loan than, lại chỉ là làm đầy tớ cho người ta sai!  Nhìn Xoan, Võ thở dài ‘’... anh cũng chưa biết. Xoan muốn anh làm gì ?’’ Lắc đầu, Xoan ứ hự rồi bảo muốn làm gì thì làm, miễn cứ gần nhau là đủ. Nắm tay Võ, nàng đưa lên miệng, hôn dịu dàng rồi hé răng cắn nhè nhẹ vào đầu những ngón tay sần sùi mạnh bạo. Võ xoay người Xoan, nhìn vào khuôn mặt nàng sáng lên dưới ánh trăng, tay vuốt nhẹ bờ môi. Xoan ngả đầu rúc vào lòng Võ, mặc cho Võ thò tay giựt giải yếm, mân mê hai đầu vú căng mọng, cong lên nưng nức sức sống chỉ chực bật ra ngoài thân xác. Xoan nóng như phải bỏng, châu thân ứa bốc lên một mùi hương hoi nồng như mùi sữa. Không kìm lại được, Xoan cất tiếng rên, ôm nghiến lấy đầu Võ kéo. Ngoạm vào bầu vú Xoan, Võ mơn trớn, há mồm áp vào bú mớm như một đứa trẻ thơ tìm thấy sữa nguồn, sữa nuôi nấng, sữa mến yêu biến cái thế giới đơn lẻ thành đôi, thành lứa.  Bây giờ, lạy Chúa lòng lành, Võ vẫn đấy. Trong chăn gối có hơi có mùi Võ, chàng vẫn đêm đêm ngậm đầu vú Xoan, vẫn vuốt ve, vẫn thầm thì những câu hát dặm, những lời yêu thương. Xoan vẫn biến thành chất lỏng bốc mùi sữa thần tiên, tiếp tục hưởng ân phúc của thứ khoái lạc huyền diệu không cần một Võ bằng da bằng thịt, nhưng chỉ một Võ trong tâm tưởng của Xoan, là đủ. Bà Đồ thình lình cất tiếng ho khan. Xoan vội vàng rót nước bưng lại. Bà nhấp, dằn cơn ho, nhỏ nhẻ :

-  Xoan này, bà Phó mẹ con cũng có tuổi. Lúc nào con muốn thì con cứ về thăm nom mẹ con, con nhé…Mà lạ lắm cơ, đêm hôm kia mẹ mơ thấy thằng Võ. Nó có vẻ vui  lắm, chẳng buồn rầu chút nào! Thế là sao, hả?

 

*

 

Nhận trát huyện đòi, sáng sớm Đồ Cửu cùng Văn lên đường.  Đến quá ngọ, hai cha con mới đến công đường huyện Hưng Nguyên.  Quan Huyện, vốn cũng là lớp khoa bảng xứ Nghệ, gọi Đồ Cửu vào.  Nhìn Đồ Cửu vái chào, Quan Huyện phất tay, gằn giọng :

-  Bác có biết con bác nó làm gì không ?

 

Đồ Cửu lắc đầu.

-  Nó cầm đầu một bọn đầu trâu mặt ngựa, cướp đồn Nam Đàn, giết chết Đội Tây Lama và ông Cai…

 

Đồ Cửu vẫn im lặng.  Quan Huyện vỗ án :

-  Tôi với bác vốn tình đồng môn, cùng đeo đuổi chữ nghĩa Thánh hiền, nên nể tình mới nói thẳng với bác, tội này là tội trọng, liên lụy đến cả gia đình…  Trên Nam Đàn, người ta đã thu thập chứng cớ, không chối vào đâu được!

 

Đồ Cửu chắp tay, trầm tĩnh :

-  Bẩm quan lớn, con dại cái mang đã đành.  Nhưng điều duy nhất tôi biết, là xác con tôi trôi sông, Huyện cho mang về chôn cất.  Còn nó làm gì, chết thế nào, tôi không hay biết gì hết…

 

Quan Huyện chìa ra một mảnh giấy cho Đồ Cửu.  Đồ Cửu chăm chú nhìn, đưa lại, thủng thỉnh :

-  Tờ truyền đơn này hô hào quang phục đất nước của Tân Việt đảng thì dính dáng gì đến con tôi ?

-  Con bác làm giặc !

-  Làm sao tôi biết được.  Chứng cớ thế nào, bẩm quan lớn ?

 

Quan Huyện cười nhạt vẫy tay.  Một người mặc áo dài, đầu đội khăn, vội vàng tiến đến bên, đầu ghé xuống nghe Quan Huyện thì thào.  Đứng lên, Quan Huyện đi ngang Đồ Cửu, ngừng lại quát :

-  Có sao thì khai cho thật, sẽ có cơ mà giảm khinh, nghe chưa !

 

Đồ Cửu ngước lên, nghe Quan Huyện hừ to một tiếng rồi quày quả đi thẳng. Thầy Ký lục khăn đóng áo dài lúc đó mới vẫy Đồ Cửu.  Theo chân thầy, Đồ Cửu lẳng lặng bước, hai bên là hai tên lính khố xanh.  Đi qua một khoảnh sân, họ tới giãy nhà tạm giam bọn trộm cắp bị bắt.  Đẩy Đồ Cửu vào một căn phòng khá rộng, thầy Ký bảo ngồi đợi.  Lát sau, thầy ra với một mụ đàn bà và một người đàn ông mặt mũi tái nhợt, tay cứ đưa lên gãi tai.  Thầy gọi.  Người đàn bà bước đến trước mặt.

-  Nhà chị có mặt ở tại Nam Đàn ngày giặc đến cướp không ?

 

Người đàn bà gật đầu.

-  Bọn chúng nó độ bao nhiêu người ?

-  Bẩm thầy, đông lắm, dễ đến năm, bảy chục.

-  Hừ, chị có biết thằng nào là thằng cầm đầu không ?

-  Dạ có…  Cái thằng cao lớn có râu, tay sách mã tấu.

-  Tên nó là gì ?

-  Bẩm thầy, là Võ ?

-  Sao nhà chị biết là Võ…

 

Người đàn bà lấm lét nhìn người đàn ông mặt tái nhợt, lí nhí :

-  Dạ, nhà cháu nghe loáng thoáng người ta gọi thế…

 

Thầy Ký quay sang người đàn ông :

-  Còn nhà anh, anh là nghĩa dũng Nam Đàn, lại là người xã Đoài, anh biết mặt Nguyễn Trường Võ ?

 

Người đàn ông gật rồi lại đưa tay lên gãi tai.  Đồ Cửu nhận ra đó là thằng Chắt, con nhà Cả Hoạt ở cuối xã.  Thầy Ký hỏi tiếp :

-  Mấy hôm giặc cướp trại, anh ở đâu ?

-  Bẩm thầy, nhà cháu ở Nam Đàn…

-  Lúc trại bị giặc đến cướp, anh có trong trại không ?

-  Dạ bẩm thầy, không !

-  Ba ngày trại bị giặc chiếm, anh có vào trại không ?

-  Dạ bẩm không, nhà cháu sợ lụy, dám đâu héo lánh…

-  Hừm… thế làm sao anh lại bảo Nguyễn Trường Võ làm giặc, thậm chí Võ là thủ lãnh bọn giặc ?

 

Người đàn ông tay xoa vào nhau, miệng lí nhí điều gì không ai nghe hiểu.  Thầy Ký vuốt ria mép, hắng giọng :

-  Nhà anh biết Võ làm giặc, sao không báo cho Huyện biết ngay mà lại đợi đến mươi hôm sau khi có cái xác trôi sông kéo vào bờ, biết là xác Nguyễn Trường Võ rồi,  thì nhà anh mới đến Huyện khai bẩm. Có phải vì cái khoản hai mươi đồng tiền thưởng không ?

 

Người đàn ông đưa tay gãi đầu :

-  Bẩm thầy, nhà cháu thề, trên có trời dưới có đất chứng giám cho, là…

 

Thầy Ký quát ngang :

-  Thôi, thề bồi làm gì!  Đừng làm mất thời giờ nữa!  Thế nhà anh có tận mặt thấy Nguyễn Trường Võ giết Quan đội Lama và ông Cai  không ?

 

Người đàn ông lắc đầu.  Trừng mắt, thầy Ký ra lệnh phạt những kẻ  cáo gian mỗi người mười hèo.  Người đàn bà lúc đó mới nước mắt nước mũi, tay xỉa xói vào mặt người đàn ông, tru tréo :

-  Mày lại xui dại xui khôn làm khổ bà rồi…

 

Đồ Cửu dắt Văn ra khỏi công trường như một cái bóng.  Trên đường về, khi hai cha con đi đến bờ đê sông Cả thì một người xưng là người nhà của Quan Huyện đã đứng chờ.  Người ấy cúi chào, tay đưa lên một cái gói, miệng thưa :

-  Đây là quà của bà nhà con gửi bà nhà, trong lúc tang ma này !

 

*

 

Đêm hôm ấy, trời oi như chực mưa, không mây không gió.  Trăng  tù mù phủ xuống xã Đoài một màu vàng nhợt nhạt.  Đầu giờ Tuất, tiếng chó sủa lâu lâu quấy phá thế gian đang chực lắng vào cõi tịch mịch .  Gian bên cạnh, hai thằng bé đã ngủ yên.  Đồ Cửu trằn trọc, vén mùng quơ tay tìm điếu. Lẳng lặng vê thuốc lào bỏ vào nõ, ông châm đóm rồi rít sòng sọc. Ngả người ra sau, ông lim dim phà khói, mơ màng nghĩ đến những người bạn thiết đã từng chia nhau đắng cay.  Phan Bội Châu, hiệu Sào Nam, đậu Giải Nguyên năm Canh Tý, tác giả của Lưu Cầu huyết lệ tân thư  vang vọng một thời, bằng hữu thường gọi là Giải San. Cũng xứ Nghệ, Giải San là bạn Đồ Cửu từ thuở thiếu niên, chung việc sách đèn và nhất là cùng đam mê hát ví, hát dặm. Theo gương cha là Nguyễn Trường Tộ, Cửu không đi thi, học thông chữ Pháp và La-tanh với các linh mục Kitô nhưng đồng thời cũng trau dồi kinh sử và nổi tiếng là chữ nghĩa thâm sâu.  Khi San khởi sướng phương sách Ám Xã, lập hội kín lấy đấu tranh vũ trang là phương tiện giành độc lập,  Cửu tham gia tổ chức Quang Phục trong địa hạt Nghệ-Tĩnh. Thuở Võ lên sáu, lính Khố Đỏ thình lình đột nhập Giáp Đoài một buổi sáng tinh mơ. Gà gáy chưa hết tiếng, từ đầu thôn chân người nện trên đất thình thịch. Chó sủa. Rồi bọn hương dõng cất tiếng  gọi Đồ Cửu ra đầu thú.  Chúng xô vào đạp cửa, tay giáo tay mác, sừng sộ dọa nạt. Ngoài cửa, tên Đội Martinet chỉ huy lính đứng sừng sững, ria ghếch trên mép, tay rút khẩu súng lục ra thị uy. Đồ Cửu chỉ kịp mặc vội cái quần thì bị hai tên lính áp vào, một tên bẻ quặt tay, tên kia chẹn lấy họng. Martinet hỏi :

- Nhìn kỹ xem có phải là Cửu không?

 

Tay làm chỉ điểm cho đội lính đến gần nhìn vào mặt Cửu, rồi quay về phía thầy thông ngôn gật đầu. Lúc ấy Martinet mới bước qua bậc cửa vào nhà. Bà Đồ đã dậy, tóc xổ tung, mặt mũi hốt hoảng. Chạy ra phục xuống đất lậy như tế sao, miệng kêu Chúa tôi, bà đưa hai tay ra nắm lấy áo chồng giằng lại. Martinet đến gần, tay gí nóng súng vào đầu Cửu, cao giọng : 

- Thì ra mày định làm loạn à?

 

Cửu đáp, bằng tiếng Pháp :

- Mon Sergent[2], ông có bằng chứng gì mà bảo tôi làm loạn?

 

Martinet ngạc nhiên khựng lại. Hắn không ngờ cái thằng nhaqué[3] trước mặt nói được ngôn ngữ của hắn. Nó lại hoạnh họe bằng chứng, cứ như là đám cư dân đất bảo hộ cũng có cái thứ quyền mà chỉ người dân gốc chính Pháp mới dám đòi hỏi. Martinet có cảm tưởng không thể để những thằng nhaqué thế này thách thức mình. Hắn cười khẩy, rồi bất ngờ quay tay đập  cái báng súng vào mặt Đồ Cửu, miệng gằn :

-Bằng chứng đây!

 

Cửu thét lên đau đớn. Lúc đó sợ quá, Võ hả họng buột ra thứ âm thanh bức bách của những  con thú  đường cùng. Nó nhe răng, hai tay cào vào khoảng không, chân giậm bành bạch. Bà Đồ thất thanh gào, tay cuống quít lau những giọt máu từ gò má Cửu chảy thành giọt loang lổ trên mặt, miệng lại van xin Chúa lòng lành cứu giúp. Lính lôi Cửu ra ngoài, bà lăn xả vào túm lấy chồng giằng lại. Martinet chẳng nói chẳng rằng, thò cánh tay hộ pháp nhấc bà Đồ đẩy về phía sau. Bà lại xông lên. Merde! Martinet quát. Hắn co chân đạp thẳng vào ngực bà Đồ.  Bà hự lên một tiếng, ngã vật ra sau, mắt dại đi, miệng sùi bọt. Võ rú lên, lao vào ôm lấy mẹ. Và cứ thế, Võ rú cho đến khi ngất đi vì kiệt lực.

 

Khủng bố của thực dân Pháp khiến liên lạc giữa San và Cửu thưa thớt đi, và sau, Giải San tìm được đường sang Nhật. Thời gian bị tù, Cửu ngẫm nghĩ về phương sách Ám Xã, thấy những bất cập, và dần dần gần gũi với phương sách Minh Xã của Phan Châu Trinh, hiệu là Tây Hồ, người Tam Kỳ, đỗ Phó Bảng năm Tân Sửu.   Trinh cho rằng con đường bạo động vừa thiếu thực tế vừa lại lỗi thời.  Đề xướng ‘’chấn dân khí, hưng dân trí, hậu dân sinh’’, Trinh lập Đông Kinh Nghĩa Thục, chủ trương đấu tranh hợp pháp, đòi hỏi cải cách từng bước dân trí dân sinh. Đánh động về tình trạng suy đồi của đời sống tinh thần trong nước, Trinh cho rằng ở hoàn cảnh dân trí thời bấy giờ, không canh tân thì có độc lập cũng vô nghĩa. Treo ấn từ quan, Trinh ra khỏi vòng cương tỏa của triều đình Huế, xuất bản  báo cổ động canh tân. Sau vụ dân biến ở Trung Kỳ năm 1908,  Trinh bị kết tội đã xúi giục chống phá nhà nước Bảo Hộ và bị đày ra Côn Đảo.  Nhờ sự

can thiệp của những người Pháp trong Liên Minh Nhân Quyền, ông được trả tự do. Sang Pháp năm 1911, Trinh cùng Phan Văn Trường làm hết kiến nghị này sang kiến nghị khác gửi Chính phủ Bảo Hộ, Nội Các và Quốc Hội Pháp… Thành lập hội Đồng Bào Thân Ái tại Paris, Trinh tiếp tục đòi độc lập, giải ách nô lệ thực dân  qua đấu tranh chính trị và ngoại giao, rồi lại bị bắt cầm tù ở Pháp. Được thả, Trinh về nước năm 1925, chín tháng sau thì chết, khắp nơi làm lễ truy điệu mặc dầu Nhà Nước bảo hộ ngăn chặn. Dạo trước Tết, học sinh trường Vinh biểu tình trong dịp truy điệu Phan Châu Trinh bị đàn áp thẳng tay. Nhà nước bảo hộ đã không ngần ngại hạ lệnh bắn vào họ, bắt giam những kẻ cầm đầu, và sau rồi đuổi học một số người tham gia cuộc biểu tình. Võ trốn về nhà, mặt mũi thâm tím. Chỉ nhìn bộ dạng, Đồ Cửu đoán được những thôi thúc trong lòng con. Võ đi đi lại lại, khi cau có, lúc trầm ngâm, mím môi nhìn về phía giải núi xanh lơ cuối tầm mắt. Đồ Cửu trầm ngâm, lẳng lặng gõ nhẹ tay xuống mặt phản. Mái tóc chớm bạc xõa cạnh những nét nhăn đuôi con mắt, Đồ Cửu trạnh lòng nhớ người bạn vừa mới vừa vĩnh biệt cõi đời sau bao nhiêu năm vào tù ra khám. Chiêu một ngụm trà, Đồ Cửu nhìn Võ, chậm rãi :

-  Sau vụ biểu tình ở Vinh vừa rồi,  các anh định làm gì ?

 

Không thấy Võ tỏ thái độ, Đồ Cửu hạ giọng :

- Anh biết đấy, bác Giải San bị bắt ở Thượng Hải, nay đang bị Tây nó quản thúc ở Huế.  Kinh nghiệm cụ Phan Đình Phùng, cụ Đề Thám... cho thấy rõ chuyện tự lực dấy quân chống Pháp không thể thành công nên bác mới bôn ba đông du để cầu viện.  Rút cục cả Nhật Bản lẫn Trung Hoa đều kiểu nói trăm voi nhưng chẳng có lấy một bát nước sáo…

Võ ngước lên.   Giấu hoang mang, Võ c vẫn giữ vẻ lầm lì, nhìn cha, chờ đợi. Đồ Cửu vươn tay với bát nước chè xanh, đưa lên miệng uống, rồi nhỏ nhẹ :

-  Cha cùng anh vào Kinh thăm bác Giải San. Anh hầu chuyện bác và cha, nghe được cái gì thì nghe, hiểu được cái gì thì hiểu!

 

*

 

Hai cha con Đồ Cửu vào Huế. Viện tình đồng học và đồng hương, Đồ Cửu xin đến thăm Giải San, phải đợi suốt một tuần mới được phép. Lúc ấy, Giải San bị quản thúc  trong một căn nhà ba gian trên bến Ngự, trông già hẳn đi, tóc bạc, râu cũng bạc, mắt hấp háy sau tròng kính trắng. Nhìn bạn, Đồ Cửu trạnh lòng. Niềm thương mến và cảm phục khiến Đồ Cửu quên cái tình thế có mật thám kềm kẹp, ôm lấy bạn, nghẹn ngào :

-  Bác còn đây là tôi mừng lắm !

 

 Đẩy Giải San lùi lại, Đồ Cửu ngắm rồi thốt :

Người còn, tóc bạc, cái râu bạc…

 

Giải San  cười xòa, đối :

Chí giữ, đèn xanh, sông núi xanh.

 

Cuộc hàn huyên vui vẻ diễn ra dưới mắt một nhân viên mật thám được phái đến canh chừng. Giải San làm như hắn không có đấy, nhìn Võ, cười :

-  Trưởng nam nhà họ Nguyễn ở Giáp Đoài đấy phỏng?

 

Cửu đáp thay con :

-  Ngày bác đi, nó mới sanh! Vù một cái, nó sắp trưởng thành, đến chào bác, nhân dịp học hỏi mong nên người.

 

Giọng có chớm buồn, Giải San đáp :

-  Con chim già gẫy cánh, làm sao dạy cho con chim non bay ?

 

Võ cúi đầu, chắp tay thưa :

-  Bẩm bác, chim bay là do tự nhiên. Vả lại, tiếng đập cánh của con chim đầu đàn vẫn đánh động được đất trời…

 

Mỉm cười, Giải San ngó chăm chăm vào mặt Võ, buột miệng :

-  Nếu tre già mà có ngay măng mọc thì việc gì phải lo. Chỉ sợ lệch đường chim bay, định một đằng lại về một nẻo.

 

Giải San ngậm ngùi kể về kẻ mới khuất mặt. Thì ra chính San đã lo cho Phan Châu Trinh đi Nhật. Họ phối hợp với nhau, rằng một mặt San cứ tìm sách giải phóng bằng võ trang bạo động, mặt kia Trinh tiếp tục hô hào đòi cải cách dân trí dân sinh, hai bên mở hai mặt trận tùy trường hợp mà hành động, gặp thời cơ thì liên kết với nhau. Giải San cho biết kết hợp đấu tranh chính trị và võ trang để giải phóng những dân tộc nhược tiểu bị áp bức hiện nay được Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản  hỗ trợ. Đồ Cửu hỏi :

-  Nhưng hỗ trợ như thế thì với điều kiện gì ?

 

San đáp :

-  Thì người ta bảo…theo tinh thần Quốc Tế Vô Sản, làm Cách Mạng Thế Giới, đưa mọi xã hội lên Đại Đồng…

 

San giảng giải rằng quá trình vận động xã hội qua hình thái đấu tranh giai cấp là tất yếu và sẽ cải tạo tới gốc rễ tập hợp những quan hệ sản xuất. Nói đến đấy, mắt sáng lên, San nắm tay :

- Cùng thời cơ Cách Mạng ấy, ta lợi dụng vùng lên để giành độc lập và giải phóng dân tộc khỏi cái ách thực dân Pháp. 

 

San tiếp tục giảng giải luận thuyết đấu tranh giai cấp. Chỉ khi đề cập

đến vai trò tiên phong của công nhân, Đồ Cửu mới buột miệng :

-  Nước ta làm gì có giai cấp công nhân ? Muốn có, phải qua giai đoạn tư bản, có sản xuất công nghiệp, thì mới đúng lý thuyết chứ!

 

Giải San chép miệng:

-  Đành rằng thế…Nhưng muốn giành độc lập mà chỉ tự lực thì không xong. Hiện chỉ có Đệ tam Quốc Tế  là có đường lối rõ rệt ủng hộ những nước bị áp bức. Hội Á-tế-Á tập hợp người Nhật và người Tàu tiến bộ gây thế liên hoàn ỷ dốc với ta để cùng nhau đuổi bọn Tây dương. Vận hội đã có cơ khai mở…

 

Thở nhẹ, San nói như than :

- … thời gian cứ qua, mà tôi thì già mất rồi ! Một đời tôi bươn trải cũng chỉ vì độc lập. Rã họng cầu viện Đông Kinh rồi Trùng Khánh mà nào có xong...

 

Giải San ngưng nói, tay với ly nước, nhìn ra khu vườn ngập nắng rồi lẩm bẩm :

-  Nay thân mình vào vòng cầm tỏa, và Tây Hồ thì đã lìa cái cõi này, để lại bao nhiêu dang dở... 

 

Nhìn người bạn già đã suốt một đời bôn ba, lòng chùng xuống, Đồ Cửu nhẹ nhàng :

-  Nhưng thế nào là độc lập ? Ngày nay, cái xu thế tương quan trên thế giới này ...

 

Khoát tay, San chặn, giọng thình lình quyết liệt :

-  Giành độc lập trước mắt là cuộc chiến giành quyền làm chủ để không bị bọn thực dân bóc lột và sai khiến như nô lệ…

-  Đã đành, nhưng giành rồi thì phải giữ độc lập. Như vậy, thắng hay thua tùy vào con người sau cuộc chiến đó sẽ định hình thế nào và làm người ra sao. Giữ được độc lập, phải có kiến thức và có kỹ thuật tân tiến …Nghĩa là phải mạnh lên và cố mà bắt cho kịp những kẻ có khả năng xâm lăng ta. Ta yếu, ta lại là thứ mồi ngon cho chúng. Vì thế, đưa dân trí đi lên là điều kiện đủ để cuộc đấu tranh giành độc lập có ý nghĩa... 

 

Đồ Cửu  nhìn Võ, giọng dò hỏi :

-  Dân ta vừa mất một Tây Hồ và giờ đây là lúc phải có thêm năm, bảy Tây Hồ khác!

 

Hiểu cha muốn biết ý mình, Võ mím môi. Hình ảnh mặt cha  dập nát máu me, và mẹ miệng sùi bọt ngã sóng soài trên nền nhà thuở nào bỗng dưng hiện ra nguyền rủa. Bao nhiêu năm sau, Võ thỉnh thoảng vẫn nằm mơ thấy Martinet. Trong mơ, có những lần chàng đạp hắn, băm vằm hắn, thậm chí có cả một lần chàng xẻ thịt hắn ra rồi bốc lên ăn với con Cún, con chó nhỏ lẽo đẽo theo chàng khắp thôn. Máu hừng hực bốc lên mặt, Võ cố tự kiềm chế, đáp :

-   Bẩm bác, thưa cha… nhưng vẫn cần thêm những tiếng bom Sa Điện, và hàng chục hàng trăm Phạm Hồng Thái để khơi dậy hồn thiêng sông núi, đánh thức lương tri, và chấn động tim gan những kẻ lang chạ đánh đĩ với quân ngoại xâm !

 

Nhìn Võ, Đồ Cửu lặng thinh, biết mình không thay đổi được ý con.   Ngửng mặt nhìn trời, Đồ Cửu buồn bã, hỏi Võ :

-  Cứ cho là các anh giành độc lập và đánh đuổi được bọn thực dân đi. Nhưng sau đấy, các anh tạo ra gì? Một ông vua mới ? Một Triều đình mới và các ông quan tân thời? Hay một xã hội mới ? Dân ta đa phần là nông dân. Các anh mang lại được gì cho những người chân lấm tay bùn, đó mới là vấn đề!

 

Võ im lặng. Nhưng câu cha hỏi vang vọng trong tâm hồn Võ suốt một đời.

*

 

Đồ Cửu thình lình bị tiếng mõ đánh thức giữa đêm.  Nghe tiếng chân rậm rịch bên ngoài, ông bật dậy.  Bà Đồ ở gian bên châm ngọn đèn lạc, lục đục khuơ chân tìm guốc.  Chó trong xã tru lên sủa, rồi tiếng gõ cửa.  Mở ra, đám lính khố xanh lố nhố đứng.  Cai Thìn bước vào chào Đồ Cửu rồi hỏi :

-  Thầy có nghe tiếng động tịnh gì không ?  Bọn phiến hình như có đứa về xã ta !

 

Nhìn Đồ Cửu lắc đầu, cai Thìn vái, tay vẫy lính tiếp tục cuộc lùng sục.  Chó ở cuối thôn kêu ăng ẳng.  Dăm ba ngọn đèn lạc thắp lên, và lúc trăng chênh chếch quá đầu, đám lính và hương tuần kéo nhau trở về điếm canh.  Bà Đồ đun nước, bóng in lên vách đất còm xuống mang nặng nỗi đau của người mẹ vừa mất con.  Bà thở dài, nhón một nhúm trà bỏ vào tích nước.  Đồ Cửu im lặng nhìn vợ, khẽ bảo, ‘’mẹ nó đi nằm đi’’.  Ông vừa dứt lời, bà Đồ bưng mặt, ấm ức.  ‘’Mẹ nó khéo lại đánh thức hai đứa bé đấy’’,  Đồ Cửu thốt lên, buồn bã.  Hai vợ chồng ngồi, không ai nhìn ai cho đến lúc tờ mờ sáng.

 

Khi gà đầu ô cất tiếng gáy, thày Sáu ở nhà Chung đến gõ cửa.  Cha Xứ nhắn mời Đồ Cửu lên ăn cơm trưa.  Thày Sáu tần ngần :

-  Chủng sinh gửi lời chia buồn cùng gia đình, và đã cùng nhau cầu nguyện cho người được về nước Chúa.

 

Đồ Cửu lên đường đến nhà Chung khi mặt trời vừa cao quá hai sào.  Chân bước, Cửu ngẫm nghĩ, tai ương sẽ còn nhiều.  Thực dân áp bức, bóc lột phu phen, chăm chăm cướp đoạt tài nguyên, lại hống hách khinh thị đám nhà nho thất thế.  Giải San trương ngọn cờ Cần Vương, phò Cường Để cốt để cầu ngoại viện từ Nhật Bản, thất bại nên phải quay sang cậy cạnh Trung Hoa. Nhưng chẳng phải Giải San muốn hưng chấn chế độ quân chủ. Chính Đồ Cửu là kẻ đã chép lại sách của Rousseau, của Montesquieu do ông mình là Nguyễn Quốc Thư  dịch từ thời Minh Mạng cho Giải San đọc trước khi Tân Thư được phổ biến bên Trung Hoa thời Cách Mạng Tân Hợi.  Và chính Giải San đã chuyển lại những sách ấy cho Phan Tây Hồ rồi mới bôn ba qua Nhật hơn hai mươi năm trước.  Qua chuyến đi thăm Giải San ở bến Ngự, Đồ Cửu hiểu San và Trinh lập hai mặt trận theo thế ỷ dốc tương trợ  cho nhau. Nay,  San bị quản chế,  hoá kiếp con chim chỉ  được bay trong ba gian nhà bên dòng sông Hương. Còn giấc mơ hoà hoãn nhằm tạo thời cơ để cải cách dân trí dân sinh thì phải chăng đã đóng quan hạ huyệt hệt như  khi người ta mới đây lấp đất  chôn Tây Hồ?

 

Đồ Cửu ngước mắt nhìn lên đám mây trắng lững lờ trong bầu trời trơ lì.  Chúa ơi, kẻ tôi Chúa đây đã già mất rồi mà bao nhiêu chuyện còn dang dở.  Làm thế nào cho tư tưởng dân quyền bám rễ vào cái xã hội An Nam nghìn năm nay bị  tam cương, ngũ thường ngấm vào đến xương đến tủy ?  Tề Nhân Thế Đạo, cuốn sách cố tổ Cửu là Nguyễn Trọng Thức thời Tây Sơn khởi biên, đến Quốc Thư  thì sao chép thêm một ít về tinh thần luật pháp theo Montesquieu, và sau này, Cửu không biết vì lẽ gì Nguyễn Trường Tộ lại không tiếp tục. Tề Nhân, là ai cũng như ai. Chỉ nói thế, mấy người nghe cho thủng khi họ mở miệng ra là quân – sư – phụ. Cố tổ kể lại, khi người Tây Dương phẩm bình, họ cho rằng  xã hội An Nam chỉ là một bầy cừu có thứ bậc !  Bây giờ, phá cái thứ bậc đó từ cơ sở nào? Và từ đâu ?  Phá gia đình?  Không ! Phá là phá cái tinh thần gia trưởng, áp đặt từ trên xuống dưới, không cho bất cứ ai tự do nói lên những điều mình suy nghĩ. Phá làng, phá xã ? Không! Phá là phá cái cơ cấu chức quyền, mua sắc bán phẩm, tạo ra một lũ cường hào ác bá với những thứ lệ làng nô dịch con người.  Như thế, ta vừa phá những thứ truyền thống lạc hậu cản bước tiến thủ, ta vừa đồng thời lại phải đánh đuổi thực dân.  Kẻ thù này thâm hiểm, có quân đội, có kỹ thuật, nắm kinh tế, tài nguyên, và nay tìm cách chi phối cả văn hóa.  Dồn ta vào cái thế ‘’ông Nghè, ông Cống cũng nằm co ‘’ để cho bọn thất phu dưới sân ‘’ngỏng đầu rồng’’ trong khi trên trướng  cao ‘’bà đầm cong đít vịt’’, bọn xâm lăng đã tước sạch vai trò và địa vị  của tầng lớp cựu học.  Nay, chúng dẹp thi cử, bỏ chữ Hán thay bằng chữ Quốc Ngữ,  khiến lớp cựu trào mất luôn khả năng quảng bá tri thức, không còn mảy may ảnh hưởng gì đến lũ con em trong tương lai. Xã hội đang hình thành một tầng lớp tân học, từng bước chặt đứt với quá khứ.  Nhưng họ đi  đâu ?   Họ về đâu ? 

 

Lính Tây đã nổ súng gây thương tích cho đám học sinh trường Vinh trong tang lễ Tây Hồ, sau lại lùng bắt bỏ tù một số. Nhìn ánh lửa toé lên trong mắt Võ thuở đó, Đồ Cửu biết con mình và những kẻ đồng trang lứa đã bị đẩy đến chân tường.  Câu hỏi Cửu đặt ra dạo nọ ở nhà Giải San, Võ không trả lời được ngay, nhưng sau Võ thưa, bây giờ là lúc phải hành động.  Đồ Cửu hiểu Võ nói gì, hỏi theo lẽ đúng sai, bao nhiêu phần trăm đúng thì hành động. Bao nhiêu phần trăm sai thì chờ, sửa soạn và đợi thời.  Võ nghiến răng, năm mươi phần trăm đúng là đủ để hành động.  Nghe con nói, Đồ Cửu chua xót than, đại sự chứ có phải là chuyện may rủi đâu !  Cứ sai ba mươi phần trăm mà làm, thì chỉ là manh động!

 

Đến thềm nhà Chung lúc nào không hay, Đồ Cửu vuốt lại áo, sửa lại khăn rồi đi về phía Chủng viện.  Cha Xứ nắm tay, lôi vào, vui ra mặt.  Đồ Cửu đang ngạc nhiên thì Cha kéo Đồ Cửu xuống tầng hầm.  Trên chiếc bàn con, một mâm cơm với hai cái bát, hai đôi đũa.  Cha bật lửa, châm đèn.  Ở góc phòng, một người đứng dậy.  Anh ta bước lại, giọng nghẹn ngào :

-  Bẩm cha, con đây !

 

Lúc đó, Cha Xứ khép cửa phòng đi lên tầng trên, bỏ lại đàng sau một tiếng cười.

 

Đồ Cửu giụi mắt, miệng há hốc :

-  Võ đấy à !  Cha cứ tưởng…  Lạy Chúa tôi danh hằng cả sáng.  Thì ra…

 

Nắm bàn tay gầy guộc của cha, Võ thì thào :

-  Cha với mẹ tha tội cho con làm cha mẹ phải đau lòng.  Nhưng con chẳng thể làm gì khác được!

 

Ôm lấy Võ, Đồ Cửu nghẹn ngào, sờ  sờ nắn nắn như xem có phải thật là Võ hay không. Đúng, đúng là Võ, máu thịt của mình mà Cửu ngỡ đã thành nắm xương chôn trong nghĩa địa xã Đoài. Hai cha con kéo nhau ngồi xuống. Đồ Cửu thì thào :

- Anh kể đi, kể cho cha nghe làm thế nào anh sống lại được thế này!

*

 

Trận đánh chiếm trại lính Nam Đàn, Võ kể, có ba mươi người, trang bị bằng một khẩu súng lục Mo-gie và bốn viên đạn.  Đồn Nam Đàn nằm cạnh sông Cả do một trung đội lính khố đỏ trấn đóng, dưới quyền chỉ huy của Trung sĩ người Pháp tên là Lamarre.  Quan đội Lama, theo cách gọi của lính, lấy vợ An Nam, có một đứa con gái mới chập chững biết đi, rất thích rượu và đàn bà, nhất là vào giờ nghỉ trưa.  Vào giờ đó, quan cấm không được ai quấy rầy, để quan ngủ yên, dĩ nhiên là ngủ một giấc có chia chăn xẻ gối với phu nhân, một người đàn bà mới cặp kè đôi mươi.  Khi ấy, lính thường đánh bạc với nhau, lúc thì chắn cạ, lúc tài bàn, ăn thua nhỏ nhưng cũng đủ cay cú để mê mẩn.  Nghĩa quân có nội ứng tên là Thước, biết rõ sinh hoạt của trại binh, cách bố trí phòng thủ, phương thức canh gác, kho súng và chỗ gia binh ăn ở.  Ngang cổng ra vào, cứ trưa trưa lúc quan Đội ngủ là đám lính canh sát phạt nhau, súng để dựa trên tường.  Phía nghĩa quân, ngoài khẩu súng Mo-gie, anh em cho đẽo mười khẩu súng gỗ, chục quả lựu đạn cũng gỗ, sơn bóng nhoáng, lưng dắt thêm dao găm.  Thước tình nguyện dẫn Phan Thượng Chính, một trong hai người chỉ huy nghĩa quân, đột nhập vào trại với khẩu súng thật duy nhất.  Chính bất ngờ rút súng, kề vào tai tên Cai, quát khôn hồn thì ngồi hết vào một góc, tay để lên đầu.  Bọn lính ngơ ngác rồi len lén làm theo.  Sáu thanh niên đột nhập, cướp lấy súng của đám lính gác.  Một người  ra hiệu cho toán thanh niên khác đang hờm  chờ bên ngoài tiến vào.  Họ trói gô bọn lính canh, đút giẻ vào mồm.  Toán có súng thật đi về phía nhà kho, đến nơi mới chưng hửng vì không có chìa khóa.  Võ đi cùng với Thước đến nhà tay hạ sĩ  trách nhiệm coi kho. Anh này có vợ, một con, căn nhằn vì dở giấc trưa.  Khi Võ gí súng vào cổ anh thì vợ anh ở đâu xồ ra, kêu ầm lên, con cắn rơm cắn cỏ lạy ông, nhà con nó chẳng tội tình gì.  Trại gia binh ồn lên như ong vỡ tổ.  Phan Thượng Chính cùng hai thanh niên xông vào. Cũng lúc đó, quan Đội Lama chạy ra, lưng trần, ngực lông lá, dưới chỉ mặc độc cái quần đùi.  Chính giơ khẩu Mô-gie lên bóp cò, nhưng bắn trượt dẫu Lama chỉ cách Chính có ba bốn thước.  Lama ngoắt người chạy ngược lại.  Chính đuổi theo, sau là Thước, tay lăm lăm thanh mã tấu.  Vào đến nhà trong, Chính quát bằng tiếng Pháp, hàng đi, chúng tôi là những người Cách Mạng, không phải là cướp.  Lama vẫn chạy.  Chính bắn.  Lại trượt.  Lần này, Lama lao về nơi có móc bao súng ngắn hắn treo trên tường.  Thước ào đến, vung mã tấu chém xuống.  Lama thét, máu bắn tung tóe.  Hắn đã với được khẩu súng.  Chính lại bóp cò.  Lần này, chỉ nghe thấy một tiếng cách vang lên.  Lama rút được súng khỏi bao nhưng Thước đã vung tay lên.  Lưỡi mã tấu xoẹt ngang. Lama gục xuống, đầu lất lửng ngật về phía sau, hai con mắt xanh lè trợn trừng, miệng phì phì hớp không khí.  Người đàn bà làm vợ Lama ôm đứa con, quì gối, lạy như tế sao.  Mặt tái mét, Chính nhìn xác Lama đầu gần lìa khỏi cổ, người ngây ra.  Còn Thước, anh ta ngửa mặt cười khành khạch.

 

Nguyễn Trường Võ tập hợp đám lính tay không dồn vào một góc sân.  Lấy được chìa khóa kho súng, toán thanh niên anh nào anh nấy  được phát một khẩu, tay lăm lăm, nhưng có anh sợ răng lập cập đánh vào nhau.  Võ móc túi, lấy ra một mảnh giấy, đọc to: ‘’… chúng tôi là Nghĩa quân, Tân Việt đảng, có nhiệm vụ đuổi Tây, cứu quốc, xin bà con làng nước cứ yên tâm’’.

 

Xác Lama bị bêu một ngày.  Thước hân hoan vì trả mối thù bị cướp vợ.  Số là người đàn bà buộc làm vợ quan Đội trước kia đã phải lòng Thước, đến trại thăm Thước thì Lama bắt gặp, rồi đòi lấy về.  Cha mẹ cô ta sợ nên đành chịu, bảo cô cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.  Hai năm qua, Thước sống cảnh phải ngậm miệng, nín nhịn khi đồng đội chòng ghẹo, và  ôm bụng theo Nghĩa quân. 

 

Sau khi chiếm trại binh, Nghĩa quân hạ cờ tam tài xuống, họp gia binh lại, khuyên đám lính rằng nếu không theo Cách mạng cứu quốc thì hãy về quê cấy cày.  Võ   giảng giải thế nào là Cách mạng, là yêu nước thương nòi, và mang phổ biến tài liệu ‘’Bản án thực dân Pháp’’ đã được in bằng thạch bản.  Tên Cai trước kia có thói hạnh họe, hay tác oai tác quái, cứ mỗi lần có dịp lại sỉ nhục Thước để làm vừa lòng quan Đội,  nay im như thóc. Nghe Võ nói xong, hắn giơ tay kêu gọi anh em ‘’lính nhà’’ nên về quê mà đi cầy đi cấy.  Thước quát, thằng này là thằng Việt gian.  Bất ngờ, Thước kê súng độp một phát vào đầu tên Cai. Tên này chỉ kịp kêu ối giời ơi,  ngã  vật xuống đất, người giãy đành đạch, óc phọt ra trắng hếu.  Chẳng phải chỉ dân sợ mà ngay cả mấy anh nghĩa quân cũng xanh mặt.  Thế là, phụ họa với gia đình tên Cai, đàn bà trẻ con cất tiếng cùng khóc như  ri.

 

Buổi tối hôm đó, Võ và Chính bàn bạc. Tên Thước giết người như giết ngoé, dân ai cũng sợ Cách Mạng chỉ đi cách cái mạng người, rất thất nhân tâm. Họ họp nghĩa quân lại, nói :

-  Chúng ta là người làm Cách Mạng chứ không phải quân cướp hiếu sát muốn giết ai thì giết! Việc bắn phòi óc tên Cai trưa nay là việc chúng ta phải xét xử…

 

Thước vừa chồm lên thì Chính hờm trước liền ấn cho ngồi xuống, tay kê nòng súng vào thái dương. Sau đó, hai thanh niên trói gô Thước lại, mặc cho Thước vừa gào vừa chửi. Nghĩa quân quyết định loại Thước ra khỏi hàng ngũ và giao lại cho đám gia binh để họ muốn xử  thế nào thì xử. Công lý trong một tòa án nhân dân  đơn giản đến lạnh người : giết người, một mạng đổi một mạng. Vợ tên Cai bị thảm tử tay vỗ bành bạch, miệng tru tréo như lợn bị chọc tiết, tay kia lăm lăm một lưỡi lê.  Thước quay sang Võ, miệng cầu cứu, quan Cách mạng cứu lấy con, con sẽ đái công chuộc tội. Vợ tên Cai ngửng mặt lên trời hét rồi thọc lưỡi lê vào ngực Thước. Yếu sức, lưỡi lê vào không đủ sâu, Thước giẫy đành đạch, kêu, đau quá bà con làng nước ơi! Một mụ đàn bà giọng the thé, quát để đấy, tôi giúp cho.  Hai tay, mụ nắm lấy đốc lưỡi lê, kêu..hò dô ta nào, rồi ẩn cả người vào. Lần này, máu phụt ra có vòi bắn đầy sân trại lính. Người xem hò lên như ngày có hội hè đình đám. Thước ngước mắt nhìn quanh tìm người tình, kẻ bị ép duyên lấy Quan đội Lama, đứng khuất trong một góc. Thước thều thào gọi, nhưng người đàn bà ấy im lìm, ngoảnh mặt quay đi.

 

*

 

Mới đầu giờ Thìn, chợ Đồn đã tan.  Người hàng chợ nhốn nháo, kháo nhau Tây Lê Dương từ hai ngả đang kẹp Nam Đàn vào cái thế gọng kìm.  Đám lính khố đỏ từ Vinh kéo qua Hưng Nguyên rồi thẳng đến Nam Đàn khá đông, ước ra có đến cả trăm.  Đám từ Thanh Chương xuôi sông Cả vây phía tây thì chưa lượng được bao nhiêu, nhưng phần lớn là bọn khố xanh.

 

Đó là ngày thứ ba sau khi Nghĩa quân chiếm được trại binh.  Họ cướp được súng ống, đã tạm biết cách sử dụng, bóp cò đì đùng vừa để thị uy, vừa là tập bắn.  Tin Tây đi càn khiến họ làm ra vẻ hào hứng, ưỡn ngực đi đứng, cười cười nói nói như chẳng có gì đáng quan ngại.  Phan Thượng Chính và Nguyễn Trường Võ họp nghĩa quân lại.  Ở cái thế trứng trọi đá, phải rút hay phải đánh?  Chiếm trại binh Nam Đàn, Võ bàn, là một cách chấn dân khí, chứng tỏ rằng người Việt có thể đánh và thắng.  Nhắc lời Sào Nam, Võ nhấn mạnh bạo động như thế là làm sống lại hồn nước, làm mất vía lũ giặc, phấn chấn người nhu nhược. Nghĩ đến cha mình, Võ tiếp, rút đi tức tránh voi chẳng hổ mặt, không  tổn thất, giữ lực lượng để đi đường dài.

 

Đám thanh niên xôn xao.  Trần Mộng Hà,  cháu gọi Đảng trưởng Tân Việt đảng bộ Nghệ Tĩnh là Trần Mộng Bạch bằng chú, đứng lên nói :

-  Rút có nghĩa là chạy, chạy tức thua.  Thua thì làm dân khí nhụt.  Ta giữ Nam Đàn, giữ càng lâu, càng khiến cho người người nhìn vào mà lên tinh thần…

 

Võ khoan thai :

-  Nhưng giữ, thì rồi cũng mất.  Ta một, chúng đông gấp mười.  Ta mới tập tành quân sự.  Chúng là lính Lê Dương thiện chiến.  Mất Nam Đàn, tiêu hao lực lượng, người người nhìn vào không thể lên tinh thần được…

 

Hà vùng vằng :

-  Làm trai, phải có danh gì với núi sông!  Không thành công, nhưng thành danh. Sống khôn, chết thiêng thì còn mãi với núi sông…

 

Đám thanh niên lại nhao nhao, kẻ đòi đánh, người đòi rút.  Có kẻ hô, đồng sinh đồng tử, đánh hay rút phải có nhau.  Chính nói, giọng nghiêm trọng :

-  Ai rút, sang bên phải.  Ai định đánh, qua bên trái.

 

Đám thanh niên lục tục đứng dậy.  Đếm ra, những kẻ định đánh có bảy người, là thiểu số.  Hà quát :

-  Tôi ở lại !  Một mình tôi cũng ở lại.  Các anh chạy, cứ chạy !

 

Đám thanh niên ngơ ngác.  Võ đến bên Hà, trầm giọng nói nhỏ :

-  Ở lại là tự tử…  Cách mạng cần anh sống, chứ không cần anh chết.  Thình lình, Võ cao giọng – nguyên tắc là thiểu số phục tùng đa số.  Như vậy, Nghĩa quân sẽ rút để bảo toàn lực lượng.  Có ai muốn nói gì thêm không ?

 

Đám thanh niên im lặng.  Hà giấu mặt, nuốt nước bọt ừng ực cố kìm tiếng khóc. Nghĩa quân bàn cách rút, chia làm hai toán.  Toán thứ nhất vượt sông Cả, đi về phía Võ Liệt.  Toán thứ nhì men đường 15 tới Đức Thọ, thuộc Hà Tĩnh.  Cả hai toán hẹn nhau đến cuối tháng sẽ tụ họp ở núi Ba Mu,   giáp Trường Sơn sát biên giới Lào. Trước khi đi, họ lại họp gia binh và dân chúng sống quanh vùng. Võ đứng trên một cái bục, tay cầm tờ giấy viết sẵn, đọc từng chữ: ‘’…Hỡi quốc dân đồng bào, sông  là sông của ta, núi là núi của ta, của cải ta làm  ta ăn nên chẳng có cái lý nào để thực dân Pháp chiếm sông đoạt  núi, rồi sưu cao thuế nặng, ăn cướp cơm chim. Chúng tôi, Nghĩa quân Tân Việt đảng, dấy lên để cứu sơn hà, đuổi bọn cường bạo xâm lăng, đòi quyền sống và phẩm cách chúng đã tước đoạt của ta bằng sức mạnh. Khí thiêng sông núi còn đó, hồn dân tộc quật cường còn đây, thời cơ vận hội sớm muộn cũng đến. Mai mốt này, chúng tôi sẽ triệt thoái khỏi Nam Đàn, tránh cho đồng bào bị giây họa đao binh, nhưng thách thức bọn Lê Dương một trận sống mái ở nơi đồng không mông quạnh…Cách mạng sẽ thành công, chúng ta sẽ chiến thắng’’.

 

Võ ngừng lại, nhìn khắp lượt, giơ nắm đấm hô to :

- Việt Nam muôn năm!

 

Mọi người  đồng thanh hô theo ba lần.

 

*

 

Nghĩa quân lên đường vào lúc trời sụp tối.  Toán thứ nhất có Võ, Chính và nửa số đội viên.  Qua đến bên kia sông Cả, họ điểm lại, thấy sót mất hai người.  Đội viên lạc hay trốn ?  Lúc ấy, Võ thấy rõ sự sơ xuất của kế hoạch rút quân.  Khều Chính ra một nơi, Võ nói :

-  Đội viên đều biết rõ đường ta rút.  Giả dụ hai người kia bị bắt hay làm phản thì sao ?  Phải đổi hướng !  Và phải bảo mật…

 

Võ bàn, toán thứ nhất lại chia làm hai, một theo đường về hướng Võ Liệt như hoạch định nhưng sẽ đổi đường đi về Hà Tĩnh.  Còn lại, Võ dẫn theo hai thanh niên xuôi sông Cả để đón đầu toán thứ hai, tùy cơ ứng biến, và không về núi Ba Mu như dự tính mà đi sâu xuống rặng Vũ Hợp lập căn cứ ở biên giới Lào ráp gianh Hà Tĩnh.

 

Nón mê trên đầu, súng ngắn giắt bụng, Võ men sông Cả đi ngược về phía Nam Tân.  Lính khố xanh và bọn nghĩa dũng hôm đó đã chặn đường bộ hành hỏi giấy tùy thân, nghi ngờ ai là bắt giam vào những điếm canh nằm rải rác dọc những trục giao thông.  Thế là bọn Võ cứ ngày tìm bụi tìm bờ để nghỉ, đêm lại mò mẫm đi, nhằm đường 15, thấp thỏm chẳng biết có kịp gặp toán Nghĩa quân kia không.  Đến sáng ngày thứ tư sau khi rời Nam Đàn, họ quyết định vào ẩn trong một bãi lau ven sông.  Hết sạch lương khô đã hai ngày, họ chỉ  uống nước cầm chừng,  đói đến chân tay run lẩy bẩy. Một đội viên còn chút sức xin vào làng mua thức ăn, miệng kêu cứ đói thế này, cũng chết.

 

 Đồng ý, Võ nằm mọp, và chỉ biết đợi. Áp mặt xuống bãi, Võ nhìn dòng sông lấp lánh nắng.  Trời không một cơn gió.  Lau trắng ven bờ bất động, và nếu không có dăm cánh vạc bay lửng lơ cuối mắt thì thế giới ngoại cảnh chẳng khác gì một bức tranh thủy mạc. Cơn đói tự dưng biến mất.  Ba ngày làm Cách Mạng, cướp đồn, hạ sát tên Đội Lama, đọc Bản án của Thực dân Pháp, không hiểu sao nay chỉ còn là một nét sổ ngang mờ nhạt.  Trí nhớ giãn ra như những thớ thịt thiếu năng lượng, Võ bỏ cho rơi mình vào thiên nhiên,  hệt cái vỏ sò chìm vào đáy nước, hay một cơn gió thoảng vươn lên mây cao. Nhắm mắt, Võ đột nhiên nghe văng vẳng câu hát dặm, giọng ai nghe như giọng Xoan.  Câu Xoan hỏi, học xong anh làm gì, thình lình âm vang trong Võ. Nay câu hỏi  được trả lời dứt khoát. Nguyễn Trường Võ làm cách mạng. Cuộc phiêu lưu bắt đầu bằng trận đánh Nam Đàn.  Bây giờ, Võ không thể về nhà giữa thanh thiên bạch nhật như một anh học trò trọ học ở Vinh.  Võ không thể nghĩ  đến ngày xin với cha mẹ cưới Xoan làm vợ. Võ không còn dành cho mình hai bầu vú Xoan để bú để ngoạm như tối hôm nào trên bờ kênh Sắt. Nghĩ đến ngày Xoan sẽ thuộc về một người đàn ông khác, Võ xót xa, gọi thầm Xoan ơi. Trong thinh không, thỉnh thoảng dăm ba tiếng chim trời bay ngang rồi bỏ lửng cái im lặng khắc khoải của những giây phút lê thê chờ đợi.

 

Võ nằm như thế, rất lâu.  Người đội viên đồng hành đã thiếp đi, thỉnh thoảnh lại cất tiếng ú ớ nói mê.  Thình lình, có tiếng lội nước bì bõm, vội vàng.  Người đội viên vào làng mua thức ăn tay ôm vai sũng máu,  hớt hải chạy tới.  Văng vẳng có tiếng trống đánh như trống báo cướp, tiếng hò hét của nghĩa dũng và tiếng chó sủa.  Võ hiểu ra.  Tiếng chân đạp nước dồn dập mỗi lúc một gần.  Nhìn vai người đội viên vừa về, Võ chẳng hiểu anh ta bị chém hay bị bắn.  Nắm tay người đội viên vừa tỉnh ngủ, Võ dặn, cả hai hãy chạy về phía Nam, hướng Hà Tĩnh.  Phần Võ, Võ ở lại chặn hậu.  Nói xong, Võ rút khẩu Mo-gie, kiểm lại và nhét xạc-giơ đạn vào.

 

Khi thấy bóng người thấp thoáng, Võ giơ súng bóp cò.  Tiếng nổ chói tai khiến một đàn bìm bịp nấp trong lau trắng thất thần bay lên kêu quang quác.  Tiếng người quát, chúng mày cẩn thận, chúng nó có súng !  Võ lại bắn về phía có tiếng nói.  Đám lính sợ đạn, không dám tiến lên, gọi nhau í ới.  Lát sau, đồ chừng hai người đội viên đã đi được một quãng xa, Võ liền bắn ba phát súng nổ như liên thanh.  Men bờ sông Cả, Võ cắm đầu chạy miết.  Cứ thế, chẳng còn biết đói biết khát, Võ chạy cho đến khi mặt trời ngả bóng về tây, mặt sông Cả nay loang lổ màu máu đang từ từ đông lại. Kiệt sức, Võ ngã  chúi xuống, đầu kê lên một mô đất, thân nằm trong bùn,  nước ngập nửa người. Không biết bao lâu sau, khi nước lên, Võ mới hồi tỉnh, chệnh choạng cố đứng dậy. Võ bỗng ngửi thấy có mùi thôi thối đâu đây thoảng lại. Trong đám lau sậy ven sông dập dờ một cái xác chết, chẳng hiểu là xác người hay vật.

 

*

 

-  Lúc ấy, Võ nói, cái xác đã trương phềnh lên như xác một  con nghé. Mặt mũi cũng chẳng nhận được, nhưng vì vai có quàng một khẩu mút-cơ-tông, con biết là một đồng chí anh em. Lục túi, con mới biết đấy là xác Phan Thượng Chính. Tính chôn cái xác,  nhưng một mình, con không đủ sức lôi cái xác vào một lỗ huyệt đào nông bên bờ.  Con đành thả xác trở lại dòng sông Cả.  Đổi giấy tùy thân, cái xác thành xác Nguyễn Trường Võ, dân Nam Đàn đã biết vì con ra ăn nói trước công chúng.  Con nghĩ, Nguyễn Trường Võ chết thì bọn Pháp không có cớ gì làm phiền cha mẹ…  Con tìm đường về xã, nhưng phải ẩn.  Đêm hôm kia, bọn lính dõng nghe tin phong phanh về đây lùng, con trốn vào nhà Chung…

 

Đồ Cửu đưa tay lên, ngắt lời Võ :

-  Thôi, đã thế thì đành thế vậy !

 

Trong bóng đèn dầu hắt hiu, Đồ Cửu đưa tay vuốt mặt thở dài. Nhìn con, Cửu tự hỏi, nếu mình cũng ở cái độ thanh xuân như nó, mình sẽ làm gì ? Thời Cửu mới đôi mươi khác hẳn. Phong trào Văn Thân cuối thế kỷ 19 loang ra hai vùng Thanh- Nghệ, lửa bạo động bắt vào mái gianh cháy bùng khắp giáo xứ, giáo dân bắt buộc tổ chức thành những đoàn tự vệ, vô hình chung thành những kẻ theo Tây. Máu cả người lương lẫn người giáo lại đổ ra. Nhưng ngay đầu kỷ 20, giáo dân có người đã lớn tiếng bài Tây, cố lập lại với người lương những quan hệ tương ái tương thân, tránh để cho lũ thực dân lợi dụng tôn giáo làm kế chia để trị. Sau này, tình thế thay đổi. Lớp trẻ được đi học đã nhìn ra dẫu là con chiên Chúa họ cũng vẫn mang thân phận dân một nước bị trị.  Hít một hơi thật sâu, Cửu nghĩ ngợi rồi thuật chuyện Xoan xin làm dâu và để tang Võ.  Nghe cha nói, Võ ứa nước mắt. Đồ Cửu hạ  giọng :

-  Cha thì cứ tưởng anh chết và để cái Xoan mới mười bảy tuổi làm góa cho một nấm mộ thì quả đau lòng.  Nhưng trước làng trước xóm, cái Xoan cứ nằng nặc xin, chẳng làm khác được.  Trong bụng, cha  định để ba năm mãn tang, cha rồi sẽ lấy chồng cho nó.  Nhưng bây giờ, anh lại sống, chẳng biết làm sao đây !

-  Bẩm cha, con xin phép cha mẹ để Xoan đi với con…

 

Đồ Cửu bật cười :

-  Nó đi, thì còn ai tin là Nguyễn Trường Võ đã chết, hử ?  Chỉ nội thế, bọn mật thám thế nào lại chẳng về đây tra xét lại, và rồi sẽ liên lụy đến nhà Chung và Cha Xứ !

 

Ngẫm nghĩ, Đồ Cửu tiếp :

-  Mẹ anh đã khóc con, cái Xoan để tang chồng, tức là anh đã chết một lần.  Nay, nếu báo anh sống lại, và rồi anh tiếp tục cái việc Cách Mạng của anh, thì cả mẹ anh lẫn cái Xoan suốt đời phập phồng lo anh chết lần thứ hai.  Lo thế, khổ lắm.  Và có chết, thì lại thêm một lần tang, thêm một lần khóc, vậy hơn được gì ?  Thôi, cứ ba năm nữa mà nếu anh còn, lúc đó anh đã mang tên mang họ khác, cha sẽ đem cái Xoan kín đáo gả cho anh làm vợ, lập lại cái chuyện châu về hợp phố…

 

Võ nghe cha, ngần ngừ rồi khẽ gật.  Đồ Cửu với chén nước trà, nhấm nháp, đặt xuống rồi nhẹ nhàng :

-  Việc chiếm trại binh Nam Đàn anh vừa kể, cha nghe và thấy các anh làm Cách Mạnh cứ như đùa. Có súng trong tay mà không biết bắn, lúc rút thì chẳng có phương án bí mật gì !  Anh biết, lực yếu chọi mạnh thì phải sửa soạn kỹ, chiếm tiên cơ bằng trí, bằng mưu.  Lần này, anh đội mồ sống lại, nhưng thế là một cuộc phục sinh...

 

Đồ Cử nghẹn lời. Một lúc lâu sau,Võ nghe cha thì thào như nói một  mình :

-...  Đã phục sinh, thì chỉ có thể phục sinh từ một đống tro chưa tàn hết lửa. Và tự cổ chí kim, sự chết là điều duy nhất đáng nghĩ đến khi đang sống.  Nấm mộ chôn xác người khác, nhưng vẫn là nấm mộ của anh. Để anh như con chim lửa bay lên từ tro than, sống và tạo ra đời sống!  Cách Mạng là đổi đời để sinh ra một thời mới, đẹp và đáng sống hơn.  Anh hiểu cha chứ ?

 

*

 

Những ngày trốn trong nhà Chung Xã Đoài, Võ chỉ chạm mặt mỗi ngày với một người thường đưa cơm xuống cho Võ là Phêrô Phạm Xuân Phương. Cả hai học với nhau lúc thiếu thời. Sau cao đẳng sơ học, Phương được nhận học trong trường Lý-Đoán với các cha. Nay vừa học xong nên dẫu Phương tuổi mới chỉ hơn đôi mươi,  người theo đạo gọi là thầy già. Phương mảnh khảnh, da mặt xanh mướt, môi lúc nào cũng sẵn một nụ cười ngượng nghịu. Khi còn bé, Phương nhỏ bé, nhút nhát, bị bọn trẻ cùng trường trêu tròng bắt nạt. Chúng phao rằng Phương là gái giả trai, đè xuống tụt quần khám. Túm chặt lấy cạp quần, Phương thút thít, mồm van…cho con lậy các ông. Các ông được dịp, hò, các ông là lính Lê-dương, mày là bà già, mà «bà già mắt kẻm kèm kem…hễ gập ông tây là mắt sáng như đèn ô-tô». Rồi đứa giữ tay, đứa đè chân, đứa nắm hai ống quần Phương kéo, vừa kéo vừa reo. Phương khóc inh ỏi. Lúc ấy Võ đi ngang. Nó xông lại, rút cây thước kẻ gí vào mặt thằng đầu têu tên là Tẹo, hét, không buông thằng Phương ra thì tao chọc mù. Tẹo cười sằng sặc, gân cổ, tiên sư mày, có giỏi thì chọc thử cho ông xem. Võ ngần ngừ, rồi lại hét, bỏ nó ra. Tẹo hô hố nhưng thình lình rú lên, ngã ngật ra sau. Đầu thước kẻ, máu ròng ròng, giọt nhỏ xuống đất. Tẹo giãy đành đạch, la ối giời ôi, thằng Võ nó giết tôi ! Nhưng Tẹo không chết. Võ bị cha đánh một trận thừa sống thiếu chết. Cha mẹ thằng Tẹo được đền một đôi gà và năm lạng thịt lợn. Còn Tẹo, nó suốt đời mang cái tên Tẹo-chột, mấy năm sau còn hăm he, thế nào rồi mày cũng biết tay ông mày, Võ ạ!

 

Quyết định đợi đến tối rồi lên đường, Võ nhờ Phương xin phép và chuyển lời cầu an đến Cha Xứ. Phương bịn rịn, ngập ngừng mãi rồi thốt, anh cho tôi đi với anh. Võ ngạc nhiên, nhìn Phương chằm  chằm :

-  Anh sắp vào Đại Chủng viện, mai này gánh vác đỡ đần phần hồn cho giáo hữu. Đó là phúc phận của anh, không phải ai cũng được như vậy, sao lại đem đi đổi lấy một cuộc sống của kẻ đi làm giặc ? 

 

Phương buông sõng :

- Con Chúa cũng là những người có Tổ Quốc. Phục vụ Tổ quốc  cũng là phục vụ con người, tức cũng là vì Người !

-  Khi kẻ thù anh tát má bên phải, phúc âm bảo, hãy đưa má bên trái ra vì đó là ý Chúa. Nhưng đã đi làm Cách Mạng, không thế được ! Máu trả bằng máu, con Chúa có làm thế không ?

-  Có chứ ! Cuộc Thánh chiến thời Trung cổ chẳng hạn. Cứ coi bọn Tây dương là quỉ Satăng…Và lại, phải nói thật, tôi chẳng chắc gì ở cái ân phúc làm tôi Chúa,  anh cho tôi theo…

-  Không ! không được ! Cha Xứ giúp tôi, chẳng lẽ bây giờ tôi mang tiếng về nhà Chung ăn cháo đá bát đi dụ dỗ người nhà Đạo ! Giọng lạnh lùng, Võ tiếp – Với lại, tối nay tôi sẽ đến viếng mộ Nguyễn Trường Võ mới đắp. Dù là ai nằm dưới thì Võ cũng đã chết. Còn như tôi, một người làm Cách Mạng, tôi hiện không quá khứ, chỉ có tương lai trước mặt trong đó sống và chết như nhau, thậm chí phần chết nhiều hơn, làm sao tôi có thể đèo bồng gì thêm…

 

Phương ngậm ngùi.  Nhét vào tay Võ một mảnh giấy ghi địa chỉ một người chú trên Hà Nội, nơi Võ sẽ đi đêm nay. Chẳng nói thêm, Phương lẳng lặng bước lên thang, không ngoái lại.

 

*

 

Buổi tối hôm ấy, không hiểu sao Xoan cứ nôn nao ngồi đứng không yên.  Chiều nay, Bố chồng từ nhà Chung về, gọi nàng rồi bảo, bây giờ chị thay anh Cả chép sách ra chữ Quốc Ngữ cho cha.  Làm cái việc anh ấy làm dở là trọn nghĩa phu thê trước, báo hiếu cho cha là sau.  Bà Đồ ngạc nhiên.  Xưa nay chẳng có một ông bố chồng nào lại xử với con dâu như vậy.  Bà lại càng ngạc nhiên khi biết Xoan mù tịt, Đồ Cửu phải dạy nàng dâu chữ Quốc Ngữ rồi mới chép sách được. 

 

Sau những ngày xao động, giờ đây gia đình Đồ Cửu đã bắt đầu vào lại nền nếp cũ.  Bữa cơm tối xong, hai đứa bé, Văn và Triều, tắm rửa rồi đi ngủ. Bà Đồ xếp đặt lại bếp núc, ngồi vá mấy cái áo, lẳng lặng nhai trầu.  Đồ Cửu khêu đèn, lúc đọc sách, lúc viết lách.  Thỉnh thoảng, tiếng rít thuốc lào sòng sọc, điểm vào tiếng ngáy, tiếng nói mê chẳng biết là của Văn hay Triều.  Từ ngày chôn cất Võ, chúng sợ, ít héo lánh, ít chuyện trò trước mặt cha mẹ.  Vào quãng giờ Hợi, vợ chồng Đồ Cửu đọc kinh rồi đi ngủ.  Chỉ còn mình Xoan, nàng thao thức nhìn ánh trăng hắt qua cửa sổ bóng cây dạ lan. Không gian choãi ra theo chiều bay của hương đêm thoang thoảng lan xa.  Xoan kêu thầm, anh Võ ơi, bây giờ chắc anh đã về Thiên Đàng, nơi lúc nào cũng có tiếng thánh ca véo von ngợi ca tình yêu bất diệt.  Anh nào ngờ em đã thành vợ anh, và dẫu anh không còn trên thế gian này, em vẫn cảm thấy anh gần gũi đâu đây, như ngày nào, bên bờ kênh Sắt, anh ôm lấy em, sưởi ấm cho em khi gió thu trở lạnh.  Chúa đã an bài như vậy, nên dù không anh, em vẫn là một con người hạnh phúc. Thứ hạnh phúc em dứt khoát chọn lựa,  thứ hạnh phúc chỉ tìm được ở những nơi đã in hình bóng, hơi thở, và tiếng nói của anh.

 

Chó sủa. Văng vẳng trong tiếng côn trùng rên rỉ có tiếng líu lo.  A, lại chào mào, thứ chim mỏ đỏ, nhưng lạ chưa,  sao nó hót về đêm.  Hôm chôn Võ, cũng một con chào mào không hiểu thế nào mà nó đã lao vào nắp áo quan khi lấp đất.  Hay đây là con chim cái, nó gọi con đực.  Chim ơi, ta cùng số kiếp chăng ?  Dưới nấm mộ mới đắp mấy hôm trước chỉ có phần xác của những kẻ dấu yêu. Nhưng phần hồn họ, phải chăng ở cao trên kia, lẫn trong muôn vàn những vì sao trong cái vũ trụ này sinh thành từ phép lạ ?  Tiếng chim vẫn líu lo.  Xoan vùng người ngồi dậy.  Nàng nhẹ nhàng lách cửa, đi ra bãi tha ma.  Tiếng chim lúc một gần, như hẹn hò, với gọi. Ngôi mộ mới đắp đây. 

 

Chẳng biết ai ra mộ thắp ba nén hương giờ này. 

 

Trên trạc cây ổi, đúng là một con chim chào mào.  Thấy Xoan bước tới, nó im hót.  Xoan vén áo, ngồi xuống cạnh mộ.  Thấp thoáng,  một đàn đom đóm to bằng ngón tay cái bay ngang.  Xoan nhắm mắt, khuôn mặt Võ hiển hiện.  Trong không trung, tiếng kinh văng vẳng đong đưa :

Lạy Chúa tôi, tôi ở vực sâu kêu lên Chúa tôi, xin Chúa tôi hãy lắng nghe tiếng tôi cầu xin, nếu Chúa tôi chấp tội nào ai cứu rỗi được, bởi Chúa tôi hằng có lòng lành cùng vì lời Chúa tôi phán hứa… 

 

Xoan nằm sấp người ôm lấy ngôi mộ.  Hơi ấm thấm vào thân thể Xoan như vuốt ve, bảo bọc.  Nàng cảm thấy những ngón tay Võ sần sùi, lúc nhẹ nhàng mơn trớn, lúc đam mê mạnh bạo.  Bụng nàng nóng lên như bốc lửa.  Hai đầu vú nàng căng ra, đâm vào lòng đất mịn màng.  Xoan mê mẩn, hai tay xiết xuống, mặt áp vào cây thập tự màu trắng nổi lên giữa đêm đen.  Cứ thế, cho đến khi có tiếng gọi :

-  Chị Cả, vào nhà đi.  Nằm thế này sương xuống thì cảm hàn mất!

 

Đồ Cửu đứng cạnh ngôi mộ từ lúc nào Xoan không hề hay biết.  Xoan ngồi lên.  Nàng cất tiếng dạ trong nước mắt, lẳng lặng đứng dậy đi về.  Đợi cho Xoan khuất bóng, Đồ Cửu lơ lửng :

-  Nhớ đọc hai câu ghi trên mộ chí của ông !  Làm sao thế hệ các anh cũng phải thành công.  Cái thời thất bại phải qua…

 



[1] Ô, trời ơi !

[2] Ông Đội.

[3] Nhà quê