25XoLong

25

 

XỔ LỒNG

 

 

 

      Cửa sập lại, và như thế chút nắng ngoài kia chỉ còn hắt qua những chiếc chấn song sắt han rỉ. Người đàn bà bước đến, lông mày xếch lên, môi trề ra. Tại sao anh lại đánh ông ấy? Câu nói vừa dứt, ánh nắng chao nghiêng. Hắn giụi mắt, nhướng lên nhìn, ngô nghê, hỏi  tại sao đánh, mà đánh ai mới được cơ chứ! Người đàn bà lúc lắc cái đầu to quá khổ. Tay giơ chiếc nạng gỗ lên ngang tầm mắt, bà ta gằn, xem đây, còn dính cả máu, không phải anh thì ai quật vào đầu ông ấy. Ới giời ơi là giời, ông ấy có sao không? Sao chứ lại không sao! Chết rồi à? Chết  thì chưa, nhưng chỉ tí nữa là toi. Lạy Giời, thật là may. Ai may, người đàn bà sẵng giọng, anh hay tôi, hay ông ấy? Chắc không phải tôi đâu, bà ta mỉa mai, giọng chua như mẻ. Hắn cúi gằm mặt, hai tay đấm thùm thụp vào ngực.

 

      Đúng thế, viết đi, cứ kiểm điểm là xong. Bắt đầu, khai ra tên tôi là… Tên… tôi… là… Phan Thượng Nhân, xã…huyện…tỉnh…Người đàn bà ghé mắt nhìn, gắt, không phải thế!  Anh không phải là Phan thượng Nhân. Thế ư? Vậy tôi là ai? Là Dân, bà ta cố trấn tĩnh. Hai tay đưa lên rồi bỏ cho rơi thõng xuống, bà ta bước ra khỏi căn phòng hẹp cuối hành lang. Tiếng chìa khoá tra vào ổ. Rồi tiếng xâu khóa leng keng đập nhau nhịp cho bước chân xa dần, mất hút.  Hắn thở ra. Hắn dập chữ Nhân. Tôi tên là Phan Thượng Dân, quê ở…Khai thế này từ thuở học cấp hai, chán thế, như bát cơm vừa khê vừa nhão.  Quơ chiếc nạng, hắn lảo đảo đứng lên. Đến dựa bên cửa sổ, hắn lẩm nhẩm, Nhân chứ. Thằng Dân là đứa em song sinh của mình cơ mà. Hai anh em, chỉ khác nhau chỗ một thằng đầu có một khoáy, thằng kia tham lam, đầu có những hai khoáy. Mình nhường, một cũng được. Nhưng mình chưa bao giờ  thấy tận mắt đầu mình một hay hai khoáy. Ở với nhau được đến năm lên sáu, lẽ ra mình có thể kiểm nghiệm trên đầu thằng anh hay thằng em kia. Vì không làm, nên mình là thằng nào, Nhân hay Dân? Con mụ hoạnh họe mình ngu thật, nó nhầm chứ mình làm sao lẫn được mình với người khác. Thôi, vào xóa chữ Dân vậy.

 

      Ơ mà này, nghe đâu có tiếng ầm ì từ cuối trời vẳng lại. Gió bất chợt bốc từng cơn cuốn thốc những chiếc lá bàng từ nền sân đất nện lên trời. Lá bay, nhìn  xa tựa một đàn bướm nhởn nhơ chao lượn. Những con bướm này chẳng khác bướm bản Chênh Vênh chân Trường Sơn, bom đạn thế mà cứ ngu dại nhởn nhơ. Thời còn nằm ở địa đạo Vĩnh Mốc, thỉnh thoảng bắt được con nào thật đẹp là mình rút ruột rồi kẹp vào quyển sổ tay ép khô. Đồng đội trêu, ê này thủ trưởng, lính mà sao lại lãng mạn ủy mị như đàn bà con gái thế hả. Chúng nó nào có biết, xưa yêu quê hương vì có hoa có bướm. Có những lần trốn học bị đòn roi[1]…Còn nay ? Im miệng, cấm hỏi, tiên sư chúng mày, chuyện riêng tư. Ái chà, đồng đội đồng chí với nhau, ép bướm cho người yêu chứ gì! Cái con bé mắt lá dăm trong đội thanh niên xung phong thỉnh thoảng tải gạo đến đơn vị mình, có đúng không? Thình lình sấm động. Mưa thưa hột lộp bộp. Bóng ai như Thắm thì phải. Bầu trời nhoáng lửa bổ dọc thành hai mảnh run rẩy. Tiếng sét xé không gian tưa ra như tấm áo mục rách tả tơi. Nay yêu quê hương vì trong từng nấm đất… Khốn nạn, Thần Sấm vừa qua, Con Ma đã tới. F-4 hay F-108 đây ? Nhìn ra ngoài cửa sổ, mình kêu toáng lên, bướm ơi, có cánh thì bay, bay đi cho nhanh. Nhưng sao đàn bướm vẫn cứ chập chờn lượn quanh Thắm. Thắm ơi, vào hầm trú, nó đánh bom. Con Ma rú rít sẹt ngang đầu. Đất đá tung tưởi. Có một phần xương thịt của em tôi. Mưa nặng hột, rào rào vỗ lên những mái tôn cười từng tràng phụ họa cho trận bom nổ trên thân thể Thắm đang bị vây hãm trong đàn bướm nhởn nhơ.

 

      Hắn vung chiếc nạng thẳng cánh quật vào khung cửa sổ, miệng há hốc gọi tên Thắm, mắt lồi ra đỏ lè như lửa bốc cháy rừng. Quị xuống, hắn rúc đầu giữa hai đầu gối, người co giật, bọt mép nhễ nhại ứa trắng,  và cứ thế gào thét cho đến lúc có người tung cửa xông  vào.

 

*

 

      Cuộc hội chẩn  gồm 3 giọng. Giọng 1,  ề à, miệng thỉnh thoảng chép chép như thể đang xỉa răng, có lẽ là giọng một chức sắc trong ngành nghề. Giọng 2, đa dạng, lắm lúc the thé rồi bất chợt hạ xuống thầm thì bí mật, đúng là giọng con mụ ấy, đang ở tuổi mãn kinh nhưng vẫn lăm le lên chức trưởng khoa một ngành trị liệu trong cái nhà thương Sài Đồng chẳng mấy ai để ý đến này. Giọng 3, giọng thanh niên,  phát ngôn kiểu có chút nóng nẩy của anh y sĩ nào đó chắc mới ra trường.

 

Giọng 2 : Báo cáo anh, đây là lần đầu bệnh nhân nổi hung đánh người chứ bình thường, anh ta ngồi đâu ngồi đó, im như thóc, lành như đất. Em theo rõi anh ta từ gần năm nay, không thấy triệu chứng gì, lắm lúc còn nghi vấn anh ta giả bệnh để khỏi phấn đấu kiếm ăn bên ngoài…

 

Giọng 1 : Ờ…cũng có thể, thương phế như thế khối người vờ vịt chứ ra khỏi nhà thương là chỉ có đói… (chép, chép) Thời này hết bao cấp nên thấy tống khứ đứa nào được cứ tống, ngân sách chẳng có bao nhiêu, tỉnh cứ dùng dằng, cuối năm rồi mà vẫn chỉ giao chưa đến năm mươi phần trăm. Ờ ờ… Thuốc men thì từng bước chuyển dần sang Đông Y (tiếng mở giấy loạt xoạt) Ờ…  Phan thượng Dân, thiếu úy Quân Đội Nhân Dân…ờ ờ…Mặt trận Quảng Trị, bị bom…ờ ờ …Huân Chương Chiến công, phục viên, về Kiến Thụy rồi được lên Hà Nội học Tổng Hợp, khoa Văn…Bộ Thương Binh Xã Hội báo cáo y phát rồ, suốt ngày đi  bắt châu chấu, không lao động. Y lại có tật chửi đổng…(cười) có thể gây hoang mang cho quần chúng…Ờ ờ…Thỉnh thoảng y khóc rống lên rồi gọi tên Thắm, gọi mẹ. Bộ đẩy đương sự về địa phương, rồi Ủy ban Nhân Dân Xã khiếu nại trả đương sự lại cho cơ quan quản lý xã hội thương binh....Hừm …kéo qua giằng lại và cuối cùng thì là nhà thương đây (thở dài, tiếng gấp giấy loạt xoạt). Các đồng chí nghĩ thế nào?

 

Giọng 2 : Báo cáo thủ trưởng, em cho là hung bạo gây thương tích thì phải xử lý nội bộ, có biện pháp cải tạo, không được thì trừng trị…

 

Giọng 3 : Em xin phép được phát biểu…(hắng giọng) Đó là đối với những người bình thường, chứ với người bệnh thì  hành động của bệnh nhân vô ý thức. Vì thế xử lý, cải tạo, trừng trị  là thế nào ?  Nhà thương chỉ có một việc là chữa bệnh cho người  ốm, và muốn chữa thì phải đi tìm căn do…

 

Giọng 2 (cười, khinh khỉnh) : Ai chả biết thế, học ở trường mà. Chú không biết chứ thực tế nó khác. Làm bậy, cai bệnh cứ đánh, đánh cho đau thì sợ. Cái sự chú gọi là vô ý thức được thay bằng cái sự sợ…Thế là vào khuôn phép, cứ răm rắp cả. Báo cáo thủ trưởng, mềm thì nắn, vào đến đây có rắn cũng nắn cho mềm.

 

Giọng 3 (ngắt) : Nhà thương khác, nhà tù khác. Cai tù đánh thì khả dĩ còn hiểu được, chứ cai bệnh khác cai tù, chức năng là góp phần trị bệnh cho những người tâm thần. Cứ là cai thì có quyền đánh thì quả (cười nhạt)... ‘‘ta có cách của ta’’ thật…

 

Giọng 1 (xen vào): Ờ…này nhé, đại đoàn kết thì đại thành công, phải không nào? Chúng ta trao đổi chuyên môn trên tinh thần nội bộ, các đồng chí nhớ cho…Ờ ờ…(miệng chép chép) Thế hệ mới được đào tạo có khác với cái thời của mình. Cứ như mình, học y được hai năm thì lệnh đi B, thế là khăn gói lên đường, vừa đi vừa học, phấn đấu…dưới ba ngọn cờ trong ba dòng thác Cách Mạng. Nhưng chuyên không bằng hồng, thằng nào cũng biết cái thời đó là như thế…Ờ ờ (nhìn người đàn bà, cười nháy mắt) Sau thì khác, phải lấy hồng xen chuyên mới được. (Quay sang thanh niên) Thời của cậu thì thế nào đây…

 

Giọng 3 ( chậm rãi) : Thời chúng tôi là thời làm y sĩ thì công việc là chữa bệnh, tất phải chuyên. Còn hồng hay xanh hay đen hay trắng thì là chuyện quản lý, chuyện lãnh đạo ! Công nào việc nấy…

 

Giọng 2 (cười nhạt, mỉa) : Cái thời trứng khôn hơn rận mà lại!

 

Giọng 1 : Thôi, thôi! Tôi giao cho chú bệnh nhân này nhé…Phương án trị liệu của chú thế nào? Chú trình bày sơ qua cho chúng tôi biết, được không?

 

Giọng 3 : Phải tìm căn do. (tần ngần, lẩm nhẩm nói một mình) ...những con châu chấu, Thắm, lẫn lộn Nhân với Dân…Khung hiện thực vật chất chao đảo trên cái nền tâm linh hỗn mang…

 

Giọng 2 (bực bội) : Báo cáo thủ trưởng, cái nền vật chất là cơ bản. Nền, chứ không phải khung! Cơ sở của duy vật biện chứng  không chấp nhận đi ngược lại…

 

Giọng 1 ( ê a) : Thôi, cho tôi xin…Đã bảo phải đoàn kết mà lị!

 

*

 

      Tôi tiếp cận với anh bác sĩ trẻ trong tư thế một con lợn bị trói. Phần trên ngực và hai tay tôi nong tròn trong chiếc áo vải cứng như mo mặc ngược từ trước ra sau, cột bó giò vào chiếc giường đơn bằng gỗ tạp. Phần dưới, cổ chân bị trói vào chân giường bằng một sợi chão chắc nịch, càng đụng đậy chão càng xiết vào khiến máu không lưu thông, lâu chân tê liệt đi. Nằm ngửa như thế hai ngày, bụng rỗng. Tôi biết đang trong Hỏa Lò, cái tên bệnh nhân gọi ‘’phòng cách ly’’ dành cho những kẻ lên cơn hay phạm kỷ luật. Thế nên kêu cũng chẳng ai nghe, mà dẫu nghe thì cũng không  thay đổi gì, chỉ tổ khát nước. Đói còn chịu  chứ khát thì lâu là mê mụ đi, mà chao ơi, những cơn mê lại kinh hoàng gấp trăm gấp ngàn lúc tỉnh.

 

      Nghe tiếng kẹt cửa, tôi giả tảng nhắm mắt, thở gấp lên, họng khò khè. Phương án này là để chống bọn cai bệnh, chúng thấy thế ngại mạnh tay, sợ bệnh nhân có thể ‘’ tút’’ qua bên kia thế giới. Bác sĩ cúi xuống, tay thò vào nắm lấy mạch tay tôi, hỏi anh thấy trong người thế nào?  Được dịp, tôi rên lên. Tôi lắc đầu, thều thào, nước, cho tôi nước. Rồi vừa uống, tôi vừa nhướng mắt lên. Anh ta nhỏ nhẹ, cứ uống, từ từ thôi. Tôi gật gật, nhìn kỹ. Anh ta còn rất trẻ. Sau anh kể tôi mới biết anh tốt nghiệp Đại Học Y, tu nghiệp ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức về ngành Tâm Lý, mới quay lại Hà Nội hai năm nay. Đây là một ngành tương đối mới, chỉ gần đây mới được chính thức đào tạo. Bệnh đường ruột, dạ dày, tim, phổi…có thuốc, thuyên giảm thấy và đo được. Đến mất ngủ, nhức đầu, đái đêm, di tinh, mộng tinh.. chẳng thuốc tây thì thuốc ta, cứ uống mãi,  cơ thể cũng dần dần điều chỉnh quân bình. Nhưng bệnh tâm là thứ bệnh nhập nhằng, bệnh không ra bệnh, kẻ mắc vào thì nhẹ gọi là hâm, là gàn, là dở người. Nặng hơn, là “chập dây”, là rồ, là tâm thần, là điên loạn.  Đánh người đến suýt gây mạng vong thuộc diện điên ác, không phải điên lành. Và không khéo người ta đưa qua khu ‘’thế giới bên kia’’, tên biệt khu dành cho những bệnh nhân xếp loại nhà thương bó tay, không chữa trị, chỉ lăm le ghi tên vào sổ Nam Tào mong nhẹ gánh càng sớm càng tốt.

 

      Anh bác sĩ trẻ nhìn sao mà giống Chính Ủy tiểu đoàn mình đến thế. Cũng cặp kính trắng trễ xuống trên sống mũi nhô cao. Cũng cái cười nửa miệng. Cũng nhỏ nhẹ, hai bàn tay xoắn vào nhau lúc nói, đầu gật gù, giọng khi nhỏ khi to. Kéo tôi ra một góc vườn, anh hỏi,  đã hồi sức chưa? Làm gì mà phải hồi sức? Anh quên rồi ư, mấy hôm trước nằm phòng cách ly vì đánh người. Thế à? Đánh ai? Tôi đáp, lơ đãng nhìn xuống thảm cỏ lung linh chút nắng vàng còn sót buổi cuối thu. Anh nhìn gì vậy? Ngóng quân. Đây này, đây này! Nó đấy, thế là bổ xung được một tốt. Tay bỏ chiếc nạng, tôi rón rén ngồi, tay kia với lên rồi thình lình từ cao chụp xuống. Mất thăng bằng, tôi chao người. Anh bác sĩ nhanh tay nắm được áo tôi, kéo lại, miệng kêu làm gì thế ? Đứng thẳng dậy, tôi từ từ mở bàn tay nắm hờ. Một con châu chấu còn non ngỏng cổ, mình đen, cánh ánh sắc xanh,  râu lúc lắc, chân đạp, càng giơ cao.  Tôi nghiêm trang, đưa tay lên chào:

      -  Báo cáo Chính Ủy,  bổ xung đợt này như vậy chỉ toàn lính trẻ, lại nhỏ giọt thế này, số quân trung đội tôi chưa lên được một nửa thời chốt ở Gio Linh.

      Anh bác sĩ lắc đầu, ai là Chính Ủy? Thì còn ai nữa! Theo chân tôi, Chính Ủy xăm xăm bước. Đến chỗ nằm, tôi bỏ nạng, mắt đảo một vòng, cảnh giác đề phòng rồi mới cúi xuống lôi từ gầm giường chiếc hộp các tông nắp có đục sáu cái lỗ thông hơi. Tôi mở nắp, chìa cho Chính Ủy xem. Trong hộp có năm con châu chấu ma cúi cổ dương càng rồi rút hết vào một góc. Thả con vừa bắt vào, tôi trầm giọng:

      -  Báo cáo đồng chí, cách đây mấy ngày bị phi pháo, trung đội chúng tôi mất bẩy còn ba, yêu cầu bổ xung quân số càng sớm càng hay!

Thò tay vào nắm lấy con châu chấu non, tôi vặn béng một càng. Thấy Chính Ủy nhìn chòng chọc, tôi vội nói, tay vỗ vào cái nạng:

      - Đồng chí cứ kiểm soát, đội viên đứa nào cũng mất một càng. Đơn vị tôi đặt chỉ tiêu bình đẳng lên hàng đầu, quân trang quân dụng như nhau, tim một trái, chân một cái, cơm sấy lương khô chia đều.

Thoáng một cái bóng thoắt qua.

      -  ...Lại Nó ! Báo cáo đồng chí, chuẩn bị tác chiến, tôi gầm lên.

 

Nhưng Nó là ai?  Giằng lấy cái hộp, tôi luồn xuống gầm giường, nói vội, chắc đám lính Lữ  Dù 2. Không, làm gì có ai  đâu ? Nó đấy, tôi hét, tay chỉ một người đầu quấn băng trắng vụt biến mất.

      -  Nó làm gì ?

      -  Báo cáo đồng chí, chính nó đã dập pháo vào đơn vị tôi,  đạp một đạp, trung đội toi mất  nửa.

      -  Anh ta nằm cùng viện, có phải lính Dù đâu!

      -   Chính nó đạp, anh em mới phản công, phạng cho một cú chí mạng.

 

À, ra thế! Anh bác sĩ chép miệng, lẩm nhẩm,  tất cả là vì những con châu chấu ma…

 

*

Sổ tay :

      ...người bệnh hai tháng liền không nói thêm một câu. Thăm anh, anh nhìn, cái nhìn vô cảm. Hỏi, anh quay đi. Vẫn vô cảm. Y tá kể, anh ôm hộp các tông có những con châu chấu, thỉnh thoảng mở ra ngắm nghía, lẩm bẩm chuyện trò. Thỉnh thoảng lại khóc, rấm rứt, tức tửi. Đêm đêm, anh mơ, miệng lảm nhảm. Bệnh nhân nằm giường bên nói, anh ngủ được thì  ngáy  to lắm, nhưng chỉ thế, không biết gì thêm….

 

      Làm sao để anh nói cho bật ra cái phần vô thức? Vô thức = vô minh? Có phải phục hồi được phần ý thức là hết điên? Chắc gì! Có những cơn điên tập thể. Quẳng cả triệu người  Do Thái vào lò thiêu chẳng hạn. Một xã hội cùng rủ nhau lên cơn điên thì  ý thức trong trường hợp ấy là cái gì? Vừa trình bày một chút lý luận, bà X, bác sĩ vừa hồng vừa chuyên bĩu môi. Bà nói nhỏ, nhưng vừa đủ cho mọi người nghe, rỗi hơi…Đồng chí Giám Đốc bệnh viện ề à phán, chủ nghĩa xã hội nghĩa là làm sao điên mà vẫn lao động cho tốt! Và nhất định cứ một câu, đoàn kết đoàn kết. Bà X gợi ý sang xin bên Công An thuốc ‘‘sự thật’’ cứ tiêm vào là có gì nói hết, vô thức nào cũng lòi mặt chuột, chẳng thể giả điên trốn lao động mãi được! Nóng mắt lên, mình bảo: chúng ta không phải là công an. Đồng chí Giám Đốc ề à, cái thứ thuốc sự thật đó bên nhà thương dân sự không có vì đất nước chúng ta  còn nghèo. Và lại đoàn kết, đoàn kết, để chấm dứt buổi họp …

      Điên-tập thể. Nhắc chuyện này lại nhớ ông Elhanan Donnefeld, thầy hướng dẫn mình ở Berlin. Ông là Đức, gốc Do Thái, chạy sang Liên Xô vào đầu Thế Chiến 2 lúc 16 tuổi, xung phong vào Hồng Quân và là một trong số những người lính đầu vào giải phóng Berlin. Sau ông qua Moscova, học Y và chuyên ngành tâm bệnh trước khi trở về công tác ở Đức. Ông bị ám ảnh bởi cái chết của cả dòng họ ông, nội cũng như ngoại, khi tất cả mười sáu người máu mủ lủi thủi leo lên xe lửa đi qua Ba Lan dưới mũi súng phát-xít. Thời gian ấy ông mới mười ba tuổi, may được một bà già vốn là bà giáo dậy ông cưu mang, giấu xuống hầm trong một vùng ngoại ô. Bà bảo:’’ này Elhanan, con cũng sang BaLan, nhưng đi bằng con đường khác, và đi với một cái tên khác, một cái tên arien [2] chính hiệu...’’ Bà buồn rầu, thì thào:’’ Trong cái nước Đức này, họ phát điên lên cả rồi!’’.  ‘’ Nhưng họ là ai?’’. Bà ngoảnh mặt, thở dài ‘’ Lạ một cái,  họ chính là hậu duệ của những Holderlin, Heidegger [3]...Tại sao những đứa con của một nền văn minh bỗng chốc thành bầy quỉ đi tàn hại con người hả ?’’. Elhanan được những người Đức theo Cộng Sản đưa qua Liên Xô. Khi về Berlin sáu năm sau, ông đi tìm nhưng bà giáo cứu ông đã chết. Elhanan nói, câu hỏi của bà cho đến nay ông chưa tìm được giải đáp hoàn toàn thỏa đáng. ‘’ Đó là món nợ với bà mà tôi còn phải trả! ‘’.

 

*

 

      Chính ủy dạo này thật lạ, hỏi han chuyện nhà chuyện cửa.  Tôi thành khẩn :

      - Thưa đồng chí, tôi  không nhớ được gì…Cha đi công tác ở đâu tôi  không biết. Còn mẹ, mẹ tôi  chết khi tôi  còn bé. Tôi  chỉ còn bà ngoại, già lắm rồi! Khi tôi  lên đường đi B, bà  dặn, sống khôn thì chớ chết, thác thiêng mà bà đi về hầu các cụ thì mày cũng chỉ có cháo lá đa thôi con ạ!

Chính ủy lắc đầu, tay ghi chép. Vỗ vai tôi, Chính ủy thân mật :

      -  Thế những người đồng đội, thân nhất là ai? Có kỷ niệm gì không?

 

Nhất định là có, báo cáo đồng chí. Khi ấy, tôi đã bị điều qua sư đoàn 325, toàn tân binh mới vào để bổ sung  chiến trường.  Cùng qua coi bọn lính trẻ, có Tạ, Trung đội phó, đi B từ năm 67.  Nó người Bãi Cháy, vạm vỡ, nhanh như vượn và khôn như quỉ. Tội một điều là nó hay nói, nói nặng, và nói thẳng với mọi người, kể cả cấp trên. Trước đó, có Trường Sơn chết ở Bàu Bính. Tay này yêu Giang, cô bé giao liên đi mua thuốc Tây bị chặn khám. Cô ta nuốt hết đủ loại thuốc để phi tang, nhưng sau đó thuốc hành đến phát điên. Bàu Bính bị tấn công, Giang cứ lừng lững đi trong lửa đạn. Sơn nhảy ra tính cứu, nhưng dẵm phải mìn chính ta gài để chặn địch. Rồi khi rút từ bờ bắc sông Nhung về An Thái, thằng Phi người làng, nói gở là thèm một bát cháo gà. Nó cũng chết, không  hiểu chết thế nào, trừ chuyện khi chết nó vẫn đói. Cũng trong đợt ấy, có thằng An. Nó còn măng tơ, lãng mạn, ra trận sợ nên cứ i ỉ ngâm « …chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh ». Về đến An Thái mới biết nó lạc đâu mất. Cả trung đội không ai nói gì, nhưng đứa nào cũng nghĩ chắc nó toi, không bom đạn thì mìn chông, chẳng thể thoát được… Đầu tháng tám, hội nghị Paris tái họp. Chiến trường đột nhiên yên tĩnh.  Hội đàm, tiếng nói át tiếng bom. Tạ ngửa mặt nhìn trời chi chít sao, cười khẩy ‘‘…nhưng át được bao lâu.  Tiên sư chúng nó! ‘’.  Tôi không đáp.  Bọn lính « tơ » hoàn hồn, rủ rỉ tâm sự với nhau, kháo là hòa bình đến nơi rồi.  Ngồi bên Tạ, tôi nghe tiếng sột soạt. Quay nhìn, mặt nó đờ đẫn, tay thọc trong quần. Nó hự lên một tiếng, mặt áp vào đất ẩm, chân từ từ duỗi ra.  Lát sau, nó thở phào, giọng bẽn lẽn ‘‘…tớ nhớ vợ tớ quá.  Cứ đêm thế này, không bom không đạn là lại nhớ! ’’.  Rồi nó kể, vợ tớ kháu lắm nhé.  Ngày làm than thì nhem nhuốc, nhưng nó về tắm một cái là trắng như tiên trên giời, sờ vào là má hây  hây, người hừng hực.  Nó hỏi tôi ‘’…thế cậu đã… ấy với cái Thắm chưa?‘’.  Ấy à ? Ấy chứ lị.  Nó hềnh hệch, ừ, làm ma không chồng quỉ không vợ thì phí của giời.  Tôi khẽ quát ‘’…lại nói gở‘’.

     

*

 

Sổ tay :

      … Bất ngờ, bệnh nhân buột miệng nhắc Thắm. Hỏi gặng về Thắm đôi ba lần, bệnh nhân nín lặng, làm như điếc. Điều gì bí ẩn?  Tuần trước, tôi lại lân la khơi chuyện. Vùng đứng lên, bệnh nhân réo tên Thắm gọi ầm ĩ, xông ra vườn, lết chạy đến kiệt lực rồi ngất đi.  Thời gian sau, anh ta lại im lìm, không nghe, không nhìn.  Xem lại hồ sơ bệnh lý, anh ta bị thương ở đùi, sau phải cắt vì vết thương nhiễm trùng tấy lên…Nhưng làm thế nào để gần gũi anh ta thì mới có thể chẩn cho sát bệnh ?  Mấy hôm nay, mình đi bắt châu chấu mang đến gửi bệnh nhân, miệng bảo, này quân tăng viện đây.  Bà X bảo mình   « lây » điên.  Bệnh nhân có vẻ mừng rỡ.  Ít nhất, anh ta cũng ngước lên nhìn mình, miệng kêu ‘’Cám ơn Thủ trưởng!‘’. Lân la hỏi anh về Thắm, anh quay mặt, tay trả lại những con châu chấu...

 

      ...Elhanan xưa có đề cập rất nhiều đến trạng thái psychose [4] vì sự tổn thương libido [5] mà bệnh nhân không chấp nhận. Ông ta cho rằng libido không phải chỉ là tình yêu và khả năng thỏa mãn dục tính trai gái. Libido rộng hơn thế, gần với Eros trong thần thoại Hy Lạp, chỉ thứ tình yêu giành cho cả cái thế giới bên ngoài của một cá thể. Nếu cái tình yêu đó mất và không có gì đền bù được, cá nhân trở thành cô độc và chỉ tồn tại được bằng cách tạo ra thế giới của riêng mình với những  qui luật của nó, dần dần tiến đến trạng thái tâm thần phân lập[6], có thể mất hết ý thức về mọi hiện thực khách quan. Nhưng khi cái hiện thực khách quan - Elhanan chép miệng - tương ứng với một cơn điên tập thể như trong thời Nazi ở nước Đức, thì tạo ra và sống trong thế giới phân lập của mình là điên hay tỉnh? Vì vậy, Elhanan cho rằng chữa bệnh ‘’điên’’ của một người không thể tách được sự chẩn đoán những cơn điên của cả xã hội!

 

*

 

      Dân đáp, giọng quả quyết:

      -  Tôi không thể là Phan Thượng Dân.  Thằng anh em song sinh của tôi chết  rồi. Chính mắt tôi, tôi thấy nó chết ngày 19 tháng tám. Phan Thượng Nhân thì còn sống.

      -  Dân chết ngày 19 tháng tám? Chết ra sao? Anh cố nhớ lại đi…

 

Dĩ nhiên là nhớ vì muốn quên cũng chẳng được!  Phải, tôi kể cho Chính Ủy, đầu tháng tám, chiến trường yên tĩnh.  Bên ta ngưng pháo, địch cũng thôi bom.  Lính kháo, hòa đàm ở Paris nhất định sẽ thành công.  Chúng tôi chuyển thương binh về phía bắc sông Thạch Hãn.  Xác lính chết đầy giòi bọ, sau khi kiểm tra đơn vị, tên tuổi, đem xúc tất cả vào những căn hầm chữ A, thắp hương cúng kiếng rồi lấp.  Bọn lính « tơ » lầm rầm khấn, các anh phù hộ, cho hòa đàm suôn sẻ, chúng em nguyên vẹn mà về lại hậu phương.  Chính ủy tiểu đoàn đến động viên, báo ta thắng lớn ở Paris, Ních-xơn nhượng bộ, chỉ cần ta cho phép nó rút hết sáu mươi ngàn lính Mỹ an toàn là cái gì nó cũng chịu. Tạ cao giọng ‘’…thì cho chúng nó cút, giữ làm đéo gì ! Cuốn xéo sớm lúc nào hay lúc đó ! ‘’.  Chính ủy cười, dĩ nhiên, nói  ‘‘nhưng còn nhiều vấn đề.  Bồi thường chiến tranh chẳng hạn. Các cậu yên trí, « trên » lo hết.  Lính chúng mình sẽ được đền bù ‘’.

 

      Chỉ ba ngày ba đêm không bom không  đạn đã là một đền bù rồi.  Lính chúng tôi không phải bò, không phải lết, không phải kéo xác đồng đội, không phải há mồm để giảm sức áp của bom trong không khí, không phải giỏng tai nghe tiếng đạn xé gió để đoán địch đang đến từ đâu. Chúng tôi đi đứng thẳng thắn khoan thai, hít thở thảnh thơi,  thong dong tỉ mẩn lau súng, thông nòng, soát lại cơ bẩm.   Tạ cười ‘’ Đéo mẹ nó, súng với đạn !  Bây giờ đánh đấm gì nữa mà lau với chùi!  Sờ vào nòng, ghê cả tay - nó quay lại bọn lính tơ, hềnh hệch - chúng mày may, vừa ra chiến trường là hoà bình, toàn mạng về với cha, với mẹ…‘’.  Thằng Thao, mới mười bảy tuổi, rú lên ‘’Em ấy à, em sẽ đi học nốt cấp ba…‘’.  Nó vỗ ngực ‘’…đây, học sinh chuyên toán nhé.  Loại giỏi nhất Ý Yên, Nam Định nhé ‘’.  Nghe đến quê Thắm, tôi nhìn sang nó, lòng bỗng nôn nao. ‘’Cậu Ý Yên hở, nhưng làng nào?‘’.  ‘’Em ở ngay thị xã…‘’ . ‘’Cậu tả cho tôi xem, tôi có người quen ở Ý Yên’’.  Tôi nghe nó nói, ghép hình bóng Thắm vào phố, vào chợ.  Vào con sông Đáy lững lờ. Tạ ngồi nghe, thình lình lên tiếng ‘’…thằng bé con mình năm nay mới học xong cấp 2 ‘’.  Nói xong, nó quay mặt về phía biển, tay quệt nước mắt.

 

      Sáng tinh mơ ngày thứ tư, Quảng Trị bị lùa dậy bằng một trận mưa pháo đại bác 105 ly.  Quà sáng, điểm tâm bằng bom bướm do một đoàn Con Ma bay qua rắc xuống.  Ôi, thế là những ngày hòa bình bèo bọt.  Tạ quát lính xuống công sự, chửi địt mẹ nó, vừa đánh vừa đàm, hết đàm lại đánh, hết đánh đến đàm.  Thằng Thao vội vã kẹp súng, quơ nón cối, nhảy ào xuống giao thông hào.  Mặt nhớn nhác, rỉ mắt tép nhèm, nó nắm lấy tay tôi, hỏi ‘’…thế lại đánh nữa à? ’’. Chúng tôi nằm trong công sự cầm cự có lẽ đến hàng tuần.  Ngày qua ngày, tiếng cánh quạt những đợt trực thăng đổ quân tiếp viện.  Tiếng xích sắt M-113. Lính Lữ Dù 1 đang lấn đất tiến vào.  Ống liên hợp điện đài réo lên.  Chính trị viên trung đoàn phổ biến đến toàn thể bộ đội lệnh từ Quân Ủy Trung Ương, ta không lùi một bước, bám công sự giữ vững trận địa để mừng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng tám.

      Lữ Dù 1 xua quân đánh thẳng vào những công sự phòng thủ đúng ngày đó. Trước khi xung phong, máy bay địch thả bom xăng, lửa hừng hực bốc cháy trong chiến hào. Hàng chục con người mình mẩy thành những ngọn đuốc sống vùng nhẩy lên mặt đất, cắm đầu chạy, miệng la thét đau đớn, làm bia cho hàng tràng đạn đại liên tới tấp ghim vào thân thể. Họ co giật rồi ngả xuống như những thân cây đổ, mỡ người cháy xèo xèo bốc khói lẫn vào mùi xăng hăng hắc.  Không còn cách nào tránh chết cháy, tôi hô lính bỏ công sự, bò về phía lính Dù. Đêm tối, lính rút lưỡi lê, trùi người vào cát, cứ trước mặt bò tới. Khi hỏa châu bựt sáng, nằm im giả chết. Đạn veo véo bay sát đầu, gió xé rách khoảng không vạch ra một  hấp lực vô hình xô đẩy lính vào vòng tay thần chết đang mở ra đón đợi.

       

      Lính hai bên trộn vào nhau trong đêm đen mịt mùng, một tay nắm lưỡi  lê, tay kia quơ lên. Nón sắt, ta đâm. Nón cối, là bạn. Và ngược lại, nón cối, địch đâm… Cứ như thế, những con người đâm nhau, máu phọt ra thấm xuống cát trắng, cát thản nhiên nhấm nháp vị tanh tưởi của máu đổ ra mặt đất khốn khổ.  Pháo tắt, người đâm, kẻ bị đâm rú lên. Pháo sáng, tất cả nằm im giả chết. Vũ trụ thu lại thành một trò chơi kinh dị, sống chết lập đi lập lại, xác người văng vãi khắp nơi. Tiếng thằng Thao, thằng bé ở Ý Yên, hực lên ‘’Giời ơi, em vừa đâm lòi ruột một người, thủ trưởng ơi.  Em… em …!’’.  Pháo sáng lại chiếu rọi một vùng trời. Thằng Thao thình lình nhổm lên đứng thẳng người, hai tay đưa lên trời, kêu ‘’…Thôi, bắn đi… Bắn cho tôi chết đi…’’.  Một loạt đạn vang lên chát chúa.  Tôi nhắm mắt lại, lẩm bẩm, Thao ơi, sao mày lại tự tử kiểu ấy. Có cái gì lành lạnh dí vào trán.  Tôi mở mắt.  Nòng khẩu súng M-16 đưa đẩy nghịch ngợm.  Người lính dù, miệng nhếch cái cười khinh mạn, mắt nháy tôi như trêu trọc.  Tôi nhìn kỹ.  Anh ta giống tôi.  Cũng mắt.  Cũng mũi, cũng mồm.  Anh chỉ khác bộ quần áo rằn ri.  Tôi, quân phục xanh rêu.  Anh, nón sắt.  Tôi, mũ cối.  Anh có thể bóp cò.  Tôi buông con dao găm vấy máu.  Bỗng nhiên thật  bình thản, tôi chậm rãi nhắc lại lời thằng Thao ‘’Thôi… bắn đi!’’.  Anh ta lắc đầu.  Có lẽ anh là Nhân chăng?  Tôi hỏi. Anh lắc đầu, buồn bã ‘’Là ai cũng thế! Bắn làm gì nữa.  Chết vậy quá đủ rồi! ’’.  Anh không bắn, thế thì anh là Nhân, anh em của tôi, không thể khác được. Tôi vui mừng đứng dậy, tay giơ về phía anh.  Đúng lúc đó, tôi nghe một tiếng nổ lớn. Như khán giả xem ảo thuật, tôi nhìn thấy cả thân thể mình bật lên đu bay trên những đám mây rám sắc thép tôi đỏ đêm 19 tháng tám. Không mong nó rơi xuống, tôi biết tôi chỉ muốn từ biệt trái đất kinh hoàng này. Và tôi bay, mỗi lúc một cao…

*

Sổ tay:

.... Thằng Thao điên hay tỉnh?  Anh lính dù điên hay tỉnh? Trong cái tập thể lính hai bên đang chém giết như thế, tách khỏi hành vi giết người bằng cách giết chính mình chắc không ai trong cơn điên cuồng đó cho là tỉnh!

 

... Nhưng cái gì là cơn điên của tập thể? Mình hỏi, rồi nghe tiếng Elhanan đáp, là hiện tượng ám thị của đám đông bị thôi miên! Trong trường hợp này,người điên tách khỏi đám đông hóa ra kẻ tỉnh nhất. Vì hắn  là kẻ chối bỏ hiện thực bên ngoài hầu giữ được nguyên vẹn  ý thức về bản thể của  mình !

 

*

 

      Tôi nhớ những buổi tối, bà tôi lẩm nhẩm cầu kinh, tiếng thì thầm, lạy Chúa ba ngôi lòng lành, Chúa không cứu rỗi thì ai cứu được bày cừu con Chúa tội nghiệt khi vào giờ lâm tử.  Bà cầu kinh một mình, giấu giếm cả tôi.  Cho đến khi tôi phát hiện cây thập tự làm bằng hai đõn tre buộc lại, bà mới bảo, cháu ơi, người ta bảo tôn giáo là thuốc phiện, nghiện ngập tất sa đọa, thiếu đạo đức cách mạng.  Một mình bà, bà cầu Đức Mẹ che chở.  Phần cháu, muốn sống như mọi người thì chỉ được phép tin vào Cách Mạng...  Thế đi, cho bà yên lòng…  Vâng, để yên lòng bà, tôi ngậm tăm, lớn tiếng hô phất ba lá cờ trong ba dòng thác cách mạng như mọi người, được quàng khăn đỏ, làm cháu ngoan bác Hồ. Nhưng khi học hết cấp 3, tôi không được vào đại học, lý do úp úp mở mở nhưng tôi sau cũng hiểu được rằng tôi gốc công giáo. Muốn tiến thân, chỉ có một cách là đăng ký đi bộ đội, thề diệt Mỹ Ngụy, góp tay vào công cuộc thống nhất đất nước.  Để có hy vọng nhập ngũ, tôi biếu bà Bí thư xã cái nhẫn đính hôn của mẹ tôi,  vừa khóc vừa van xin bà nói với ông Bí thư lờ đi cái khoản tôn giáo trong lý lịch tôi.  Và đấy là lần đầu tiên tôi thành công.  Oái oăm thay, đó là sự thành công cho phép tôi khoác lên mình cái áo màu xanh xỉn, đeo lên vai vũ khí giết người, kẹp vào hông lựu đạn «ù ét», cứ từng bước lò dò đến chỗ chết. Bác sĩ biết, tôi không chết, chỉ cụt một chân.  Hạ bộ  mất một ít cơ năng, đái dắt cả ngày, lắm khi sót đến không chịu nổi.  Tất cả để đổi lấy cái Huân chương Chiến Công năm 72 tôi đã vất đi đâu mất.

 

      Cuối năm 73, tôi ra viện, về làng.  Thương binh Phan Thượng  Dân được đón tiếp như một vị anh hùng.  Tôi nhìn xuống phần thân thể gửi tặng lại những ngày tháng chiến tranh, vừa mừng, vừa tủi.  Ông Chủ tịch xã bảo, bà tôi đã qua đời, nhân dân xã ta lo lắng ma chay đầy đủ.  Tôi điếng người, nước mắt chạy quanh.  Vào nhà, trống trơn vẫn một chiếc trõng con, dưới gầm trõng là hai cái nồi, một cái xoong và dăm cái bát, cái đĩa dân làng đã xếp gọn.  Tôi vất cây nạng,  ngồi thụp xuống, khóc nức lên, khóc tức tưởi.  Chao ôi, những ngày đầu tàn cuộc chiến là cái tang bà tôi.  Ngồi trong căn nhà gianh, tôi gục đầu, ôm mặt khóc suốt đêm như một đứa trẻ con lạc đường.  Bây giờ, tôi là người cô độc.  Không thân thích.  Không nghề nghiệp.  Không đồng đội.  Những thằng Tạ, thằng Phi, thằng Thao… chúng mày đâu cả rồi?  Thắm nữa, em ở đâu?  Nếu em còn, em sẽ thấy thân thể tôi tật nguyền, liệu em có nhắc lại cái câu ngày xưa dưới địa đạo Vĩnh mốc, rằng em không muốn mất tôi nữa không?  Gặp lại thằng Thành, cũng thương phế, tôi đi với nó và em gái nó ra nghĩa địa viếng mộ bà. Hôm sau thì tôi qua nhà bà Nhiều ở làng bên, người gần gũi giúp đỡ bà tôi. Lúc đó tôi mới biết bà tôi trối trăn để lại cho tôi vài chữ do ông bác viết, dặn lên Hưng Nguyên tìm một người tên Tín. Hóa ra đấy là chú tôi. Còn người tôi cứ tưởng là bác thì chính là cha tôi, cũng chết  và chôn ở làng...Tôi kín đáo tìm hiểu. Chủ tịch xã bảo ‘’Bác nhà về quê đây thì đồng chí đang ở mặt trận, khoảng giữa vụ mùa năm 72‘’.  ‘’Thế sao bác tôi lại chôn ở đây ?’’.  Ông bí thư gãi đầu ‘’Ấy là khi bà ốm nặng thì bác nhà từ Hưng Nguyên về.  Nhưng bà chưa đi, bác nhà đã lăn đùng ra đâu hai tuần sau khi đến đây, đúng lúc Mỹ ném bom mọi nơi trước khi ta ‘’bắt’’ nó ký Hiệp Định Paris…  Đồng chí biết, chúng tôi cũng cố gắng nhưng chỉ có thể ma chay sơ sài cho bác nhà. Nghĩa tử là nghĩa tận mà ’’...

 

*

Sổ tay :

      …Ông giám đốc ề à ‘‘ Trên điều cậu đi Qui Nhơn, công tác trong một bệnh viện chuyên sâu về tâm thần đấy! ’’.  Bà X chua loét, giọng hồ hởi ‘’…mừng cho anh.  Cứ ở cái nhà thương Sài Đồng này, chữa trăm thứ bệnh, thuốc lại không có, nửa Tây y nửa Đông y mãi, làm sao lên tay nghề được!’’.  Tôi cám ơn cả hai.  Trong đợt bàn giao bệnh nhân, tôi đề nghị, để Phan Thượng  Dân cùng tôi vào Qui Nhơn.  Lý do: bệnh nhân đang ở giai đoạn bình phục, đổi bác sĩ có thể làm chậm, thậm chí đảo ngược hẳn tiến trình hồi phục.  Bà X, nay đã lên chức Trưởng khoa, đỏng đảnh ‘’ Vâng, tôi đồng ý, đi cho có cặp.  Trên đường, tha hồ bắt cào cào, châu chấu!’’.  Nhìn bà, tôi cười mỉm.  Tôi nhớ, y tá kể lại, là bà từng lớn giọng ‘’…đám bác sĩ trẻ chúng nó có cái cười hỡm thế nào ấy, không ưa được!’’.  Dù sao, thời gian trước mắt vẫn cứ phải lo cho Dân.  Anh ta đang có đà bình phục, bỏ thì phí, sợ lắm khi không còn dịp…

      ...Chúng tôi lên đường vào đầu mùa mưa. Dân không hỏi gì, tay giữ rịt hộp đựng châu chấu, lẳng lặng lên ngồi cạnh tôi trong chiếc xe của bộ Thương Binh Xã Hội. Đi được một ngày mới đến địa phận Vinh. Quốc lộ 1 có sửa sang, nhưng còn những đoạn xe ì ạch tránh hầm hố lồi lõm. Hôm sau xe vào địa phận Quảng Bình. Từ lúc đó, nét mặt Dân bỗng âu lo, ôm hộp châu chấu vào lòng, miệng mím lại. Cơn xúc động lúc một mạnh khi xe đến Vĩnh Linh. Dân lắp bắp: ’’Thủ Trưởng, mình vào chiến trường rồi hẳn? ‘’. Tôi lắc đầu, nói giọng chắc nịch ‘’Hết chiến tranh lâu rồi, làm gì có chiến trường nào nữa!’’.  Dân không tin, tai giỏng lên nghe ngóng, miệng lẩm bẩm  ‘’ đã chiến tranh rồi, làm sao thật sự hết để có được hòa bình !’’. Chợt có tiếng máy bay. Dân hoảng hốt quát: ‘’ Bom...Ngừng lại. Nó sắp đánh’’.  Anh nhổm người lên, nhưng thật may, tiếng máy bay xa dần. Dân thở ra, lẩm bẩm ‘’ chắc bọn thám thính. Nó phát hiện thì tí nữa thế nào Con Ma cũng bay đến ‘’. Đột nhiên, Dân quay sang nhìn tôi, hỏi: ‘’ Cứ đi thế này là đi đến đâu? Đi làm gì?’’. Tôi chưa kịp trả lời thì Dân nhoài người về phía anh lái xe, khẩn khoản ‘’ đồng chí, vào đường mòn mà đi chứ thế này trống hếch trống hoác nó đánh thì mình phăng teo ngay! ‘’. Tôi lại phải ghì Dân xuống. Và cho đến nay tôi cũng chẳng hiểu động lực nào khiến tôi khi đó  bật miệng đáp ‘’ đi tìm Thắm...’’.  Dân nghe, ngơ ngác một lúc rồi trở nên hiền hòa. Anh  nhìn tôi, ‘’đây đâu có phải đường về Ý Yên đâu! ‘’.  Tôi không biết phải nói gì, bỗng hối hận. Nói mà không có, bệnh nhân có thể mất hết niềm tin tuởng vào người y sĩ. Và khi không thể chinh phục lại được cái  niềm tin ấy thì coi như là vô  phương chữa chạy.

 

      ... Xe  chạy thêm nửa ngày thì vào địa phận Quảng Trị. Tay chỉ về hướng Tây, Dân bảo: ‘’ Cổ thành ở bên kia...Đi tí nữa  thì  đến Ngã Ba Máu !’’. Nói xong, mặt Dân tái mét, người  run lên như sốt rét. Dạo gần đây, tôi dùng phương pháp thôi miên trấn an Dân. Tôi yêu cầu Dân lập lại một  số động tác, rồi đưa anh ta vào giấc ngủ. Dân nhắm mắt nhưng chân tay vẫn thỉnh thoảng co giật...

 

*

 

      Cha xứ Hưng Nguyên tên là Nguyễn Trường Văn. Sau năm 54, văn đổi tên thành Tín khi Cha quyết định ở lại không  đi Nam, nhắc mình giữ đức tin vào Chúa để phục vụ giáo dân. Cha có những nét thân quen lạ lùng. Cha nói, tôi mới biết cha là chú tôi. Tôi không phải họ Phan, mà là họ Nguyễn, tên cha đẻ ra tôi là Nguyễn Trường Võ.  Họ Phan là họ cha mượn một người đồng chí thời Quốc Dân Đảng bị chết trôi sông.  Phan Thượng Chính thật ra là Nguyễn Trường Võ, người Giáp Đoài. Chú tôi lôi ra cho tôi xem gia phả.  Ông cố tổ tôi là Nguyễn Trọng Thức, đã từng sang Pháp, sau cộng tác với Tây Sơn trong thời Gió Lửa.  Đến đầu triều Gia Long, con ông là Nguyễn Quốc Thư cùng mẹ là Đặng thị Mai về tá túc xứ đạo Bùi Chu, đẻ ra Nguyễn Trường Tộ. Cụ Tộ cũng bôn ba đây đó, dâng Tế Cấp Bát Điều lên triều đình Tự Đức, không được dùng, đau đến đứt ruột mà chết. Cụ sinh ra ông tôi, Nguyễn Trường Cửu, tục gọi là Đồ Cửu. Ông tôi nối chí cố tổ, tiếp tục biên soạn cuốn Tề Nhân Thế Luận, nhưng lực bất tòng tâm. Ông sinh được ba người con trai, cha tôi là con cả. Ngoài chú tôi, tôi còn một ông chú khác hiện là Linh mục tại Rô-ma. Chú tôi chép miệng, gia tộc mình là vậy, may còn có tôi nối dòng. Hai chữ nối dòng làm tôi điếng người. Tôi vội thưa, còn anh Nhân, Phan Thượng Nhân. Chú bảo chú biết rồi, đưa cho tôi một cái phong bì, thư cha tôi gửi cho tôi. 

 

      Tôi ở lại giáo xứ, hỏi chú, Tề Nhân Thế Luận là gì?  Sao ông tôi làm tiếp chuyện cố tổ để dở dang mà lại lực bất tòng tâm?  Chú kể, cố tổ tháp tùng hoàng tử Cảnh đi Paris, quen Seyès, một Linh mục theo cách mạng Pháp, nhờ thế được đọc Công Ước Luận của Rousseau, Vạn Pháp Tinh Lý của Montesquieu.  Tề Nhân là mọi người như nhau. Cố tổ yêu lẽ công chính, muốn đưa xã hội phong kiến quân quyền đến một xã hội mới, con đường ắt phải khởi đi từ truyền thống nước ta, văn hoá là văn hóa Tống Nho ràng buộc.  Đến đời cụ Tộ, cụ kêu gọi cách tân qua con đường khoa học kỹ thuật, từ phát xuất đó mà từng bước cải cách chính trị và tổ chức xã hội. Rồi đến thời ông tôi, ông lại cho rằng đề xuất của cụ chỉ có một mặt, mặt kia là văn hóa, cái mặt đã thấm sâu vào đến xương tủy dân tộc.  Ông dạy ‘’tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’’ là một thể loại qui nạp bóp chẹt con người.  Thiên hạ phức tạp hơn quốc gia, quốc gia phức tạp hơn gia đình.  Từ tề gia đến trị quốc, là hai khuôn mẫu khác biệt, không thể suy từ cái nọ qua cái kia như hệ luận.  Còn đúc kết về tu thân, tu thế nào?  Trai thì Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa.  Gái, Công, Dung, Ngôn, Hạnh.  Tất cả đều nhằm ổn định một xã hội dựa trên quân quyền và phụ quyền.  Cá nhân mỗi con người teo tóp lại đến chỉ còn là những cái đinh con vít mất hết tự do, tự chủ, quay thế nào cho phù hợp với guồng máy xã hội là quay.  Như thế, kỹ thuật và khoa học có đổi thay là đổi thay bề mặt, hời hợt như sóng trên biển, như gió trên cây.  Ông cho rằng phải thay thế quân quyền - phụ quyền bằng ý thức về dân quyền.  Muốn vậy, cá nhân như chủ thể phải giải phóng khỏi khuôn mẫu cũ, cướp lại cái tự do mà xã hội phong kiến tước đoạt, cùng nhau tạo ra một tập hợp đồng thuận trong tinh thần Công Ước.  Trầm ngâm, chú tôi tiếp, sau cuộc khởi nghĩa của Quốc Dân Đảng ở Yên Bái thất bại, cha con gia nhập đảng Cộng Sản Đông Dương, đọc Tư Bản luận, cảm thấy cái hy vọng một xã hội công chính là có thể có được.  Khả năng có và con đường để đạt đến là hai phạm trù tách biệt.  Cái trước, đến từ lý luận.  Cái sau, từ hành động, làm đòn bẩy thay đổi xã hội.  Hành động thì sai một ly, đi một dặm…  Chú chép miệng, hành động lại là sự cụ thể hóa chẳng phải chỉ của cả lý luận mà còn cả tâm linh.  Phần tâm linh sâu thẳm là phần những người theo cách mạng ngày nay phủ nhận. Họ giản lược con người theo phép duy vật nhưng lại thiếu phương pháp biện chứng, đến  độ con người trong lý luận của họ là con người chỉ còn một  tầm kích, không toàn diện, và vì thế không có thật.   Họ cũng hứa hẹn thiên đàng, đặt tên là thế giới đại đồng.  Thay cho ba ngôi trong Ki Tô giáo nay có biện chứng lịch sử một bên.  Có tính khoa học bên kia.  Ở giữa là Đảng chuyên chính của những người Vô Sản, không thể sai lầm, vô cùng quyền lực, chẳng khác gì Thượng Đế.  Muốn thành linh thiêng phải có uy vũ, và thế là người ta đề ra đấu tranh giai cấp.  Không tạo được mưa, được nắng,  chú tôi bảo,  thôi thì người trần mắt thịt tạo ra oan khổ vậy.

 

*

Sổ tay :

      ...Thú thật, ra đến bệnh viện tâm thần Qui Nhơn, tôi có cảm tưởng như bị đi đầy. Nằm chơ vơ ở khúc rẽ sang cầu Sông Ngang, bệnh viện có khoảng gần một trăm bệnh nhân, một bác sĩ ‘’chế độ cũ’’ đã luống tuổi, mười hai nhân viên gồm y tá, y công và năm cái chuồng nhốt đâu độ mấy chục con chim. Bệnh nhân thường không thân thích, bị những cú sốc cực kỳ bạo liệt trong chiến tranh, mất cha mẹ, vợ con... trong những hoàn cảnh trớ trêu bi đát. Điên để quên hết nên gợi trí nhớ cho họ là phương thức điều trị nghịch lý và vô vọng. Chỉ có một ít thuốc an thần, bất khả kháng tôi mới dùng đến. Thiếu mọi phương tiện, tôi gần như bị bó tay. Một trăm người điên, tức một trăm thế giới cá biệt. Mỗi ngày tôi đặt chân vào mười cho đến  mười lăm thế giới, nửa tiếng sau lại bước ra, xoay tua quá một tuần thì hết số bệnh nhân. Tôi bất lực, cuối cùng vì bất lực nên kiệt lực. Ông bác sĩ ‘’chế độ cũ’’ lo, bảo ‘’ bác sĩ không thể tiếp tục như thế, sẽ phát điên lên đấy!’’.

 

      Nhưng trong một tập thể những người ai cũng điên những nỗi điên riêng, không có cái điên-tập thể kiểu Elhanan đề cập. Ông ta bảo, điên-tập thể đến từ sự ám thị của lịch sử. Người Đức bị cộng đồng Âu Châu o ép đè nén, khiến cái Tôi-thăng hoa lý tưởng bị cái Tôi-tục lụy trần trụi của mỗi cá nhân kéo xuống xé rách thành hai mảnh, một bên là bản năng, bên kia là trí huệ. Chỉ bật một que diêm kiểu dòng giống arien là dòng đặc tuyển của đấng Tối Cao, tức thì ngọn lửa tiền sử của bản năng bùng cháy trong những lò thiêu ở Auschwitz, thiêu sống hàng triệu người Do Thái. Oái oăm thay,  tôn giáo của những nạn nhân người Do Thái này cũng cho rằng xưa nay họ vốn được Thượng Đế chọn lựa. Và thật kinh hoàng khi chỉ một thoắt, những kẻ văn minh được nuôi dưỡng trong Chân-Thiện-Mỹ của thế kỷ Ánh Sáng bỗng trở thành loài thú man rợ nhất từ khi có trái đất này!

 

      Tôi nói với Elhanan, hiện tượng vừa nói trên khá gần với chuyện lên đồng ở xứ sở tôi.  Elhanan căn vặn, thế nào là lên đồng? Tôi kể có những người từ thưở thiếu thời ‘’đội bát hương’’ xin được các ông Hoàng bà Chúa linh thiêng thu nhận, người thì ‘’cốt’’ ông Hoàng Mười, kẻ ‘’cốt’’ bà Chúa Thượng Ngàn...Lên đồng là nhập ‘’cốt’’, thường được một đồng-cô dẫn giắt qua những ‘’giá đồng’’, mỗi giá tương ứng với một ‘‘cốt’’. Người lên đồng đầu phủ khăn, lắc lư theo tiếng hát của cung văn, tiếng nhạc bát âm đủ  kèn, nhị, chiêng, trống ...cho đến khi nhập đồng là hoàn toàn mất ý thức về cái Tôi, trở thành cái Tôi-thăng hoa, hành xử như những ông Hoàng bà Chúa ở ngoài mọi thực tại.  Elhanan hỏi, những người lên đồng thường là những ai? Họ hình như đều có một đặc điểm là họ không tương hợp hoàn toàn với giới tính của họ, ít là về mặt tâm lý.

 

      Elhanan ngẫm nghĩ, mấy ngày sau gặp lại, nói tôi nên đào sâu hiện tượng lên đồng-tập thể. Ông nhấn mạnh, tập thể đó có tổ chức, nghĩa là một tập thể có chủ tể và một thứ ‘’vật linh’’  mang khả năng tập hợp mọi cá thể và điều khiển hành động tập thể ngoài nguyên tắc hiện thực. Tập hợp trong trường hợp này có tính  loại trừ và triệt tiêu ý thức cá nhân khi ‘’vật linh’’ xúc tác lên tiềm thức tập thể, thậm chí khơi dậy bản năng nguyên thủy trong vô thức,  đưa mọi người vào trạng thái nhập ‘’cốt’’.  Thời xa xưa, ‘’ vật linh’’ có thể là một tiếng phèng, một câu chú, một buổi tế vật cho thần linh. Sau này, ‘’vật linh’’ là bất cứ gì gây ra một phản ứng tự động của tập thể, và thường nó được cấu thành từ lịch sử, văn hóa của một xã hội. Người chủ tể, như thời con người tổ chức bộ lạc, là kẻ được đồng loại tin đã sở hữu được ‘’vật linh’’ và có quyền năng phân bố nó đến mọi thành viên trong bộ lạc. Ngày nay, người chủ tể đó là những nhà  chính trị.

     

*

 

      Thấm thoát hơn ba  năm chúng tôi ở Qui Nhơn. Thời gian sau này, anh ta thôi không gọi tôi là Chính ủy, nhưng lẩn thẩn hỏi :

      - Điên có phải là bệnh không, bác sĩ ?

Tôi nhìn xuống cánh đồng vừa gặt phía dưới khu vườn của nhà thương. Ngẫm nghĩ, tôi tránh trả lời thẳng, thành thật :

      - Trong ban quản trị ở Sài Đồng, có vài vị bác sĩ bảo tôi điên.  Tôi «lây» bệnh anh.  Họ đã làm báo cáo, cho rằng hành vi tôi khiến bệnh nhân trong viện mất lòng tin, nghi ngại, và vì thế họ thuyên chuyển tôi về Qui Nhơn đây…

      - Hành vi nào ?

      - Thì tôi cũng đi bắt châu chấu ma.  Anh có nghĩ rằng tôi điên không ?

      -  Có lẽ cũng đôi chút.  Điên ở cái nghĩa đồng loại không hiểu.  Còn tôi, tôi biết bác sĩ không điên…Bác sĩ có gì cứ nói thật với tôi.  Như tôi, nói được với bác sĩ, hình như tôi đỡ hẳn. Nay chỉ thỉnh thoảng tôi mới lại nhức đầu, rồi hoảng hốt, chẳng duyên cớ gì…

      - Trong những giấc mơ, anh vẫn gọi Thắm, gọi mẹ… Anh nói về mẹ anh cho tôi nghe đi…

      -  Bác sĩ biết, mẹ tôi đi Nam năm tôi mới lên sáu…  Tôi chỉ có một bức ảnh mẹ tôi khi mẹ còn là con gái.  Bà tôi còn giữ, nước ảnh đã ố vàng, bà cho lại tôi cái nhẫn hứa hôn của cha, cùng bốn năm tờ bưu thiếp mẹ tôi gửi từ Sài Gòn vào năm 55…Bà tôi kể, cha tôi đi kháng chiến biền biệt, mẹ về vùng tề với bà bảy năm, chỉ bí mật gặp cha đúng được ba lần.  Cuối năm 54, Nhân ốm.  Ở nhà quê bấy giờ chẳng có thuốc men gì.  Mẹ ẵm Nhân lên Hải Phòng chữa bệnh, kẹt không về được, rồi không hiểu thế nào lọt xuống tàu há mồm xuôi Nam... Đấy, chuyện mẹ tôi chỉ có vậy !

 

Nhìn khuôn mặt anh ta dúm dó, mép giật lên như sắp vào một cơn động kinh, tôi im lặng, giả tảng nhìn ra xa.  Anh lại ôm hộp các-tông lên vuốt ve.  Lát sau, anh lẩm bẩm lập lại như nói với chính mình, chuyện mẹ tôi chỉ có vậy ! Tôi đánh bạo, thốt :

      - Chắc là anh có đôi chút giận hờn mẹ …

      - Tôi không chọn làm đứa trẻ mồ côi mẹ !  Ân oán từ kiếp nào đấy, tôi không biết !

Nhìn vào mắt anh ta, tôi nhỏ nhẹ :

      - Mẹ anh cũng đâu chọn vứt đứa con trai ở lại.  Những sự ngẫu nhiên trong bàn cờ đời khiến có những con chốt sang sông thí mạng do định mệnh…

*

 

      Gần như bực bội, Dân ngắt lời tôi:

      -  Oan khổ dễ tạo ra hơn hạnh phúc.  Bác sĩ  cứ hỏi về cha tôi, tôi chẳng biết nói gì.  Thôi, bác sĩ đọc bức thư cha tôi gửi cho tôi, may ra bác sĩ hiểu phần nào.

 

      Đưa vào tay tôi một phong thư khá dày, Dân quay ngoắt người, chống nạng bỏ đi. Bức thư dài, kể chuyện từ khi Nguyễn Trưòng Võ thành Phan Thượng Chính, gia nhập Đông Dương Cộng Sản Đảng sau khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại, cướp chính quyền vào thời điểm  Nhật hàng Đồng Minh cho đến cuộc Trường Kỳ Kháng Chiến. Bức thư hé một chút chi tiết về cuộc tình giữa cha và mẹ Dân. Nhưng  sự bí mật về người cha đi không về mới là yếu tố giúp tôi tìm ra phương pháp trị liệu cho  con bệnh. Tôi xin trích bức thư:

 

 Ngày…  tháng…

Con thân yêu,

      Chiến tranh tiếp tục… Kết cục là chiến thắng Điện Biên.  Và sau đến hiệp định Genève.  Năm 55, cha về Kiến Thụy thì bà ngoại cho biết mẹ bế Nhân lên Hải Phòng chữa bệnh. Chỉ kịp ôm con ngủ một đêm, sáng hôm sau cha tức tốc đi tìm mẹ con. Không tìm được, cha  lại về Kiến Thụy.  Vẫn biệt vô âm tín.  Đến đầu năm 56, bà ngoại cho cha xem bức bưu thiếp đầu tiên mẹ gửi từ Sài Gòn về. Thời gian đó, chuyện gia đình đã chia ly, còn chuyện đất nước, lại là những day dứt khủng hoảng. Cha nói với bác Vũ Đình Huỳnh, người gần gũi ông Hồ,Đảng ta đang thanh lọc nội bộ đồng thời phá nát cơ sở gia đình, làng xã bằng cách vu oan giáo họa, lấy quyền lợi nhử người này để giết người kia. Thế thì còn cái gì gọi là xã hội ? Bác Huỳnh chua chát, ‘‘duy vật dở chứng, chẳng biện bác gì cả.  Không còn xã hội cũ, thì xây dựng xã hội mới!’’.   Cha kêu, Đảng bị sói mòn, vỡ thành mảng. Đồng chí chúng ta bị đánh, bị bức tử!  Bác Huỳnh lại cười nhạt, ‘‘ thì đồng chí này đánh đồng chí kia, chứ còn ai vào đấy ! Chỉnh Đốn Tổ Chức mà!’’.  Cha nài nỉ, anh phải nói thẳng với ông Hồ.  Bác nhún vai, buông thõng, nói rồi!  Nhìn cha buồn bã, bác tiếp, còn cậu nữa, cậu cũng phải cẩn thận.  Bác Huỳnh dặn, ‘‘ cậu cứ bám lấy thành thị. Ai bắt đi công tác về quê thì cáo ốm. Nhớ đấy! Và thu mình lại…’’.

 

      Hòa bình mới chập chững, quyền lực ngoài miệng nhận sai trong Cải Cách Ruộng Đất và Chỉnh Đốn Tổ Chức nhưng vẫn tiến hành Cải Tạo Công-Thương nghiệp,  thủ tiêu mầm mống một xã hội dân sự pháp trị qua vụ đàn áp Nhân Văn-Giai Phẩm, tước đoạt quyền ngôn luận, thu tất cả về một mối là Đảng lãnh đạo mọi mặt. Đầu những năm 60, những người nắm quyền lực muốn thống trị toàn bộ xã hội, tiêu diệt mọi mầm mống dao động đối kháng trên miền Bắc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chưa đầy sáu tuổi. Cách tốt nhất là dọa giặc ngoài. Có giặc ngoài, ắt diệt thù trong thành lẽ tất nhiên. Giặc ngoài là giặc Mỹ, cấu kết với Diệm, kẻ phá Hiệp Thương và Tổng Tuyển Cử. Nghị Quyết 15 cho phép tổ chức đấu tranh võ trang trong miền Nam là một sai lầm khủng khiếp.  Sau đó ít lâu, thời gian Đảng họp hành sửa soạn Nghị Quyết 9 rất căng. Con đường chung sống hòa bình không thông, chủ nghĩa giáo điều Mao-ít áp đảo. Và như thế,những người chủ trương Chiến Tranh Giải Phóng ở miền Nam hoàn toàn thắng thế. Một cuộc thanh trừng nội bộ được sửa soạn. Cha sẵn bất mãn, nay người ta biết là mẹ đang ở miền Nam, hẳn cha trở thành  đối tượng đáng ngại. Cục Bảo Vệ thuộc bộ Công An yêu cầu cha tiếp tay với họ kết tội một vài đồng chí của cha thời Quốc Dân Đảng. Cha không làm, viết thư cho ông Hồ và ông Giáp rồi treo cổ định chết, nhưng cha chết hụt, công an rình sẵn xông vào chứ không để cho chết. Bức thư lại là cái cáo giác quan điểm của cha về vấn đề Giải Phóng miền Nam!

 

      ...Cha đi học tập cải tạo. Một, rồi hai, ba lệnh kéo đến đâu 10 năm. Gặp Phùng Cung, anh em chuyện trò hỏi nhau, nếu phải làm lại từ đầu thì sẽ làm gì ? Khi đó cha chỉ biết cha sẽ chống Giải Phóng miền Nam bằng võ trang, chống Cải Cách Ruộng Đất, chống Cải tạo Công-Thương nghiệp...Còn xây dựng một quốc gia với những tiêu chí như Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc thì cha vẫn cứ tâm nguyện như từ thời dấn thân đi làm Cách Mạng. Một năm tù ở Cổng Trời, cha nghĩ lại và biết mình như thế vẫn cứ còn lầm lẫn. Cho đến nay, cuộc chiến giành Độc Lập chỉ vẫn đơn thuần là giành quyền lực từ ngoại bang về tay Đảng. Sau đó, Đảng làm gì để Giải Phóng Dân Tộc thì còn là một bước.

       Dân Tộc nào cũng tập hợp những con người. Cha tự hỏi, có thể nào giải phóng dân tộc mà không giải phóng con người? Ở đây, con người cá nhân là cứu cánh, chứ không phải con người tồn tại qua phận vụ   trong vận hành xã hội. Con người - phận vụ,  thành tố trong gia đình, làng xã, quốc gia... có thể trải qua những giai đoạn phải giữ vai trò những con vít, cái đinh trong một guồng máy để giữ cho tập thể tồn tại trước những nguy cơ hủy hoại đến từ bên ngoài. Trong những giai đoạn đó, con người phải thỏa hiệp và tương nhượng với tập thể,  phủ nhận cá nhân mình như cứu cánh. Nhưng đã gọi là giai đoạn, sự phủ nhận kia không mang thuộc tính tất yếu. Và giải phóng chính là tiêu hủy những giai đoạn nói trên để mang con người - phận vụ quay về con người - cứu cánh. Trong chiến tranh, con người - phận vụ với chức năng chiến sĩ có thể chết phanh xác. Nhưng trong thời bình, một thời dĩ nhiên lâu dài hơn, con người - cứu cánh có thể nào sống không hồn không vía giữa đồng loại, múa may rập theo chức năng của những con rối để mặc cho quyền lực điều hành xã hội giật dây ?

 

      Giải phóng con người là gì ? Cha thiết nghĩ, tạo điều kiện cho mỗi con người phát huy được cá thể của mình trong niềm tương ái và sự đồng thuận về những giá trị tạo nên chất keo gắn bó những cá nhân cấu thành xã hội, là giải phóng. Đó chính là Giải Phóng Văn Hóa, cái nền tảng cho Giải Phóng và Độc Lập Dân Tộc, một công cuộc thường trực, không quyền lực nào có thể tự nhận là mình đã hoàn tất. Cơ sở của Giải Phóng Dân Tộc là giải phóng cho mỗi con người, con người - cứu cánh, và những con người này chỉ có thể là những con người tự do trong một xã hội tập hợp trên sự đồng thuận.

 

      Không, chết phanh xác chứ không thsống phanh hồn !  Vì vậy, cha nghĩ lại, thì ra cha tưởng đi giải phóng dân tộc mà hóa thành kẻ xây nhà tù để tước đoạt tự do của chính mình. Thì ra cha bị ngôn từ đánh bùa, hai chữ Độc Lập không đồng nghĩa với Giải Phóng Dân Tộc, và chẳng thể nào có giải phóng dân tộc mà lại không giải phóng con người. Cho nên cha mất Tự Do và hiểu, nếu mai này thế hệ các con chinh phục được quyền con người - cứu cánh,  Tự Do là tất yếu. Và không Tự Do, thì đừng nói gì đến Hạnh Phúc...

 

*

 

      Mấy hôm sau, Phan Thượng  Dân đòi lại bức thư.  Anh ta nhìn xuống đất, vẻ băn khoăn, xoắn tay bóp lấy nhau.  Tôi biết anh chờ đợi gì. Rủ anh ra vườn, chúng tôi thủng thỉnh người trước kẻ sau. Gió Lào thỉnh thoảng thổi về, nóng rát mặt. Ngồi trên chiếc ghế đá quay mặt về phía biển, tôi khẽ khàng :

      - Tôi chỉ mong có được một người cha như cha anh.

 

Dân tròn mắt nhìn tôi.  Lát sau, anh ngả người tựa vào thành chiếc ghế gỗ dưới lùm cây, tay đưa lên trán che nắng.

      - Bác sĩ ạ!  Đêm qua tôi nằm mơ.  Một giấc mơ khủng khiếp.  Trong giấc mơ, tôi không tật nguyền, đứng giữa sân cổ thành Quảng Trị nguyên vẹn chứ không phải chỉ là gạch đá bây giờ, mắt cứ ngong ngóng trông về phương Bắc.  Thình lình, một  đám người ở đâu xông ra.  Họ mặc áo chẽn màu trắng, quần thùng, đầu quấn khăn đỏ, tay kiếm tay dao.  Vây quanh, họ la thét, gầm gừ : hai châu Ô Lý của chúng tao.  Bay ở Quảng Trị chết, chết hết, là để trả cái oán xưa.  Nói đến đấy, họ biến mất, nhưng sau đấy lại toàn là lính hiện ra. Bộ đội ta,   có Thao, có Phi, có đám lính «tơ» bổ xung sư 325.  Lính miền Nam, có lính Dù mũ đỏ, Thủy Quân Lục Chiến mũ xanh, Biệt Động Quân mũ nâu.  Họ chen vai thích cánh, lởn vởn, da trắng xanh, mắt nhìn buồn bã.  Nhưng không có tiếng xe tăng, máy bay.  Không có tiếng bom, tiếng đại pháo, tiếng AK, tiếng M-16.  Tất cả là một sự im lặng chết chóc.  Tôi  kêu, Tạ đâu, tao ở đây !  Thằng Phi, thằng Thao… súng chúng mày đâu, sao không quàng lên vai ?  Tất cả vẫn im lặng.  Vòng trong, vòng ngoài, lính  lẳng lặng xiết dần vào.  Trên không, bỗng có tiếng ầm ì.  Chắc lại Con Ma.  Chắc lại Thần Sấm.  Tiếng ầm ì mỗi lúc mỗi gần, rồi nổ tung, choáng óc, ù tai.  Lính cả hai bên Nam - Bắc bỗng biến sạch, chỉ còn một đàn bướm nhởn nhơ trong máu, lửa bùng lên khắp ngả. Đâu đó, có tiếng Thắm thét ‘’ Trời ơi, sao trời làm khổ chúng tôi thế này!’’.  Nhìn quanh nhưng Thắm đã biến đâu mất, tôi gào ‘’Thắm ơi, vào hầm trú, nó đánh bom…’’.  Đấy...

 

Hổn hển, Dân đưa tay lên quẹt nước mắt trên má trên môi.  Anh ta hít hà, vai cứ bần bật run lên, nghẹn ngào:

      - Thế có phải là cả Thắm, cả Tạ cũng như thằng Phi, thằng Thao đều chết hết rồi sao ? Hả, bác sĩ ?

 

Tôi biết trả lời thế nào đây?  Và không thể kìm mình, tôi mặc cho nước mắt tôi đổ ra.  Tôi cũng khóc, khóc cho hả.  Dân ôm lấy vai tôi nức nở.  Đám bác sĩ, y tá và bệnh nhân trong nhà thương ùa ra xem.  Ai đời, anh bác sĩ trẻ ôm con bệnh của mình cùng khóc. Tôi cố nén :

      - Anh  Dân ơi !  Bây giờ ai cũng bảo là chúng mình cùng điên…

Nhìn tôi, Dân đưa tay quệt mắt. Tôi nghẹn giọng :

      - Thế giới này điên, điên...điên đến độ kẻ tưởng mình không điên chính là người điên nhất!

Dân mỉm cười. Một lúc sau, Dân nói, giọng độ lượng:

      -  Mặc, ai nói gì mặc ai!  Vô tư đi thôi !

Ngẫm nghĩ, Dân chậm rãi hỏi :

      -... nhưng cái gì cứu được chúng ta bây giờ, bác sĩ ?

      -  Cái Đẹp !  Tôi quả quyết.

      -  Có phải bác sĩ bảo là một trong ba cái Chân-Thiện-Mỹ ?

      -  Không, tôi đáp, ba cái đó là một. Cái gì đúng, cái gì tốt, thì tự thân đều đẹp cả. Cái đẹp của Tâm Hồn...Một cái Đẹp toàn diện là thế! Thế giới chỉ có thể thay đổi bằng cái Đẹp ấy...Và chỉ cái Đẹp mới giữ được trí nhớ !

      - Không, giữ trí nhớ là những trang sử, ai cũng nói vậy!

Tôi lắc đầu, ngậm ngùi :

      - Sử do người chiến thắng viết, và họ chỉ nói già ra là một nửa sự thật. Còn nửa kia, dối trá cả, chẳng đáng tin. Bây giờ làm gì có người yêu sự thật lịch sử đến độ bị thiến như ông Tư Mã Thiên đâu!

Dân ngẫm nghĩ, rồi khẩn khoản :

      - Tôi phải làm gì ?

Tôi buột miệng :

      - Làm thơ…

Dân bật cười :

      - Người điên làm thơ ?

Tôi nói, giọng chắc như đóng đinh :

      -  Chứ sao !  Điên làm thơ, thơ mới hay.  Còn tỉnh, người ta làm tiền bằng đủ cách, cách hiển nhiên là chiếm chức trọng quyền cao.  Bây giờ họ thế cả !

Bóp trán, Dân ngẫm nghĩ một lát rồi nói, giọng tiếc nuối :

      -  Tôi có học văn ít năm, luận văn tốt nghiệp định viết về Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân...Làm sao ở đây có sách để đọc nhỉ? Vùng này lại là quê hương của Bích Khê, của Hàn Mạc Tử. Bác sĩ có đọc họ chưa?

      - Chưa...Miền Bắc chúng mình coi loại văn chương không hiện thực xã hội chủ nghĩa là phản cách mạng cho nên tôi cũng mù tịt.  Nhưng để tôi hỏi xem. Có lẽ ông bác sĩ ‘’ chế độ cũ’’ biết  chỗ tìm sách đấy!

 

*

 

      Ông bác sĩ già ngạc nhiên nhìn tôi, rồi nhẩn nha:

      -  Cách nhà thương chừng sáu bảy cây số, dòng nữ tu đó ở trong một dãy nhà dân địa phương gọi là cu-văng Francesco. Các bà nữ tu  đều đã có tuổi, nhưng xưa vẫn cử người đến giúp đỡ nhà thương những công việc như giặt rũ, khâu vá và bếp nước. Ông Giám Đốc nhà thương ngày trước lên thị xã báo cáo với ông Trưởng phòng Y Tế,  Đảng ủy của nhà thương. Ông Trưởng Phòng mắng mỏ thế là mất lập trường, tôn giáo cũng như thuốc phiện, hút vào thì còn đâu là xã hội chủ nghĩa.

 

      Tôi nghe, bật cười.  Đợi ngày nghỉ, tôi rủ ông đến thăm các dì trong nhà tu, nhân tiện hỏi thăm xem có cách nào tìm được thơ Hàn Mạc Tử và Bích Khê. Các dì, gọi là ma-sơ, vui vẻ tiếp chúng tôi và đưa vào chào Mẹ bề trên. Bà năm nay chắc ngoại thất tuần, lưng gù, nhưng cặp mắt vẫn tinh anh. Bà dịu dàng:

      - Từ ba năm nay, chúng  tôi không còn được làm gì phục vụ nhà thương. Nhưng lúc nào  chúng tôi cũng sẵn lòng. Thơ thì tôi sẽ bảo tìm cho các ông, dân ở đây chắc thế nào cũng có người còn giữ được. Gớm, sao cán bộ trên thị xã ngặt nghèo đến độ đuổi không cho chúng tôi giặt rũ, nấu ăn cho những người bệnh. Các ông ấy sợ chúng tôi tuyên truyền tôn giáo, nhưng quên bệnh nhân là những kẻ không bình thường, điên thì tuyên truyền để làm gì! Người tu hành chúng tôi chỉ muốn làm cái phần vụ của mình để góp phần xoa dịu những bất hạnh, thế thôi...

      -  Dà, dà...Ông bác sĩ ‘’chế độ cũ’’ bắt lời...Tụi tui nhiều cái hổng hiểu nổi. Thôi thì trên biểu, dưới nghe cho rồi!

Tôi xấu hổ, đỏ mặt. Lát sau, tôi quả quyết :

      -  Thưa Mẹ, một số người phục vụ bệnh viện vừa xin nghỉ. Nhà thương có nhu cầu, nhân tiện đến xin Mẹ giúp như ngày xưa.

Mẹ bề trên ngạc nhiên nhưng cười :

      - Các sơ đến giúp thì Chúa Nhựt, ngày của Chúa, là ngày nghỉ phải về nhà tu,  bác sĩ Giám Đốc có ưng không?

 

Tôi mau mắn gật. Khi đi về, ông đồng nghiệp ‘’ chế độ cũ’’ kêu, thế nào cũng sẽ lại có vấn đề với ‘’ trên’’.

 

      Độ một tuần sau, Mẹ bề trên phái một bà sơ mang đến cho nhà thương hai tập thơ. Sơ người thanh mảnh, tóc bạc trắng, ăn nói mềm mỏng, và nói giọng Bắc chứ không là giọng địa phương.  Sơ bảo Mẹ bề trên phái đến để giúp việc. Tôi hỏi :

-  Sơ làm được việc gì ?

-  Việc gì tôi cũng làm được! Sơ nhếch miệng cười dịu dàng.

Từ đó, sơ giặt rũ khâu vá cho bệnh nhân, buổi trưa giúp một số người ăn uống, sau thì ra vườn ngồi cạnh những chiếc lồng chim, che mắt nhìn về phía biển cuối tầm mắt. Đó cũng là nơi Dân thường ra, tay vẫn lăm lăm hộp cạc-tông đựng châu chấu như một  đúa trẻ ôm đồ chơi như một vật tùy thân. Lạ là mỗi khi gặp sơ, Dân nói nho nhỏ :

      -  Không, không  phải đâu. Mẹ tôi  ở trên trời cơ mà!

Sơ chỉ cười dịu dàng, lẳng lặng ngồi xa ra, và lại nhìn về nơi biển nhòa vào chân trời.

 

      Phần Dân, tôi biết bệnh tình  anh khá hơn trước nhiều, nghĩ đến lúc nào Dân bỏ được cái hộp châu chấu thì chắc Dân có cơ bình phục. 

 

*

 

       Nhưng dẫu gì thì Dân cũng đã từng nhập đồng trong chiến tranh và khi đồng thăng, anh ta đã phản ứng thật bất thường để rơi vào tình trạng thương tích. Phản ứng đó, vô tình hay cố ý? Phải chăng đó là cách thanh tẩy để tìm lại cội nguồn của bản thể?

 

      ...  Tôi loay hoay mở ra đọc lại luận án tôi viết về hiện tượng lên đồng tập thể do Elhanan làm giáo sư hướng dẫn. Ông gợi ý, Hitler từng là chủ tể Nazi. Và Stalin, chủ tể thời Liên Xô hy sinh  gần hai mươi triệu người để xây dựng xã hội chủ nghĩa Stalinít. Năm sau, tôi trình bầy trong luận án rằng ‘’vật linh’’ của người Việt Nam là đất-nước trong truyền thống yêu nước để chống nạn ngoại xâm từ phương Bắc hàng ngàn năm nay. Và chủ tể, cố Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Elhanan đọc và bảo hết tệ sùng bái cá nhân thì chủ tể là Đảng Cộng Sản.  Và ông hóm hỉnh tiếp, đất-nước  như ‘’vật linh’’ thì hầu như đó là chuyện tự nhiên cho mọi cư dân vùng sản xuất lúa-nước từ thuở chưa có công nghiệp và giai cấp tư bản. Nhưng không hiểu làm sao mà ông thở dài, vẻ mặt băn khoăn, gỡ kính ra lau. Tôi hỏi. Ông đáp bằng một câu hỏi lại, giọng buồn bã, ‘‘Hết ngoại xâm rồi thì các anh làm gì?’’.  Tôi không ý thức hết được tầm câu Elhanan nói . Ông trầm ngâm, ‘‘ Tập thể các anh xác định mình bằng cách chống lại những cái khác-mình. Nhưng khi những cái khác-mình  không  còn hiện hữu như đối tượng để chống thì có hai nguy cơ. Thứ nhất, các anh chống lẫn nhau. Thứ nhì, các anh tìm cách thành nạn nhân cho một cái thế lực ngoại lai nào đó đè nén để chống lại. Trong cả hai trường hợp, tôi đều buồn. Không một  dân tộc nào lại có thể khẳng định mình bằng toàn những phủ định, kể cả sự phủ định của những cái khác mình. Người Việt Nam các anh đã giang tay đóng đinh chịu tội cho cả nhân loại. Lẽ ra, các anh có thể xuống thập tự giá để phục sinh, sống bình thường, và chết hạnh phúc. Để được thế, các anh phải biết mình là ai và muốn trở thành gì...’’.

 

*

 

      Giải sông Thạch Hãn uốn quanh Cổ thành lấp loáng ánh thép một lưỡi dao quắm trong chiều tàn buổi đầu thu rờn rợn gió. Hôm ấy là ngày 16 tháng 9, kỷ niệm đúng 20 năm sau trận đại hồng thủy mang tên mặt trận Quảng Trị với những Đại lộ Kinh Hoàng, Ngã ba Máu, Đồi Bom, Cứ điểm Gọi Hồn. Thành xưa, nay không còn gì. Người xưa, những ai mất những ai còn? Túm lại chút trí nhớ, người ta xây lại Cổng thành, kè hào, trồng dừa và kẻ bảng ghi hai chữ tưởng niệm ở góc Đông Nam, đặt trên nền đất 81 tảng đá tạc văn bia mô tả 81 ngày thịt rơi máu đổ. Góc Đông Bắc, người ta phục chế thành với một tỉ lệ nhỏ hơn, trồng một  rừng mai gợi lại biểu tượng non Mai sông Hãn. Góc Tây Nam, là khu trưng bày hàng trăm hiện vật của trận đánh khốc liệt nhất trong cuộc chiến. Tham chiến, miền Bắc có sư đoàn 304, 308, 312, 320, 324, 325…Miền Nam, Lữ đoàn Dù 1 và 2, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, Sư đoàn 1 bộ binh, 3 liên đoàn Biệt Động quân, lữ đoàn 1 thiết giáp…Thị xã Quảng Trị diện tích tổng cộng 3.2 km vuông với Thành cổ mỗi cạnh dài 100 m đã chịu trong 81 ngày đêm 328 nghìn tấn bom, 9552 nghìn đạn pháo 105 ly, 55 nghìn đạn pháo 155 ly, 8164 đạn pháo 175 ly, 615 nghìn đạn pháo bắn từ hải hạm Mỹ, 2240 lần oanh tạc của không quân Mỹ với sức công phá tương đương 7 lần hai quả bom nguyên tử thả trên đất Nhật cuối Thế Chiến 2 …Đấy là phe  ‘‘địch’’. Còn ‘‘ta’’ ? Tổn thất vẫn là một bí mật. Nhưng chắc chắn không chỉ hò hét mà loại được  249 xe, 230 khẩu pháo, 205 máy bay các loại, 26400 quân trong đó có trên dưới 10,000 phơi xác trên chiến trường!

 

      Họ rời cổng Thành, men về phía trái, một đi trước chống nạng khập khiễng, một theo sau, lưng thồ một thồ đầy hoa, mắt đăm đăm nhìn về phía chân trời. Thình lình, anh đi trước ngừng bước đợi kẻ đồng hành.

      -  Thống kê không cho biết thiệt hại về phần ta. Và nhất là số thương binh tàn phế như tôi đây. Bị B-52, nghe nói vừa chết vừa bị thương đến cả trăm nghìn. Rồi cả hai bên, bên ‘’ta’’ bên ‘’địch’’, số vợ góa con côi là bao nhiêu ? Chẳng ai biết, lờ đi như  nạn nhân không hề có mặt trong sự bất hạnh của cái chiến công oanh liệt thần thánh được ca ngợi trong căn nhà lưu niệm trên kia. Nói cho cùng, súng đạn ‘’ta’’ là súng đạn Liên Xô, Trung Quốc. Súng đạn ‘’địch’’ là súng đạn Mỹ…Chỉ người chết là Việt Nam !

Thở dài, người đồng hành đăm chiêu, giọng chua xót:

      -  ‘’Ta’’ với lại chẳng ‘’địch’’, rõ quẩn! Cái cuộc đánh nhau lấn đất cắm cờ hồi ở Quảng Trị không thay đổi gì nội dung bản dự thảo cuối cùng ký kết dưới cái tên Hiệp Định Paris tháng giêng năm 73. Thế mà sau Quảng Trị, B-52 quần thảo toàn bộ miền Bắc, kết thúc bằng trận ném bom Hà Nội vào dịp Giáng Sinh năm 72. Nhất chiến công thành vạn cốt khô. Nhưng khốn nạn thay, chiến công nào? Thay  đổi được gì mà trả giá bằng ấy xương máu?

Anh thì thào như nói một mình:

      -  Bức tường Bá Linh giờ nay sụp rồi! Chính thế là duy vật biện chứng đấy. O ép niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và ý thức hệ Mác-Lê như một tôn giáo cuối cùng dẫn đến sự phá sản không tránh được của cả một chế độ xã hội…Bây giờ lại phải chờ một bước ngoặt mới của lịch sử. Phải đợi cho thời gian gạn sạch những vùng ô nhiễm hận thù, soi sáng trí tuệ và đánh động lương tâm!

 

      Một lũ trẻ ở đâu xồ ra. Chúng chỉ trỏ hai người, cười rú lên rồi la inh ỏi, ‘’ông già điên’’, ‘’ông già điên!’’. Người chống nạng đưa tay lên vuốt tóc. Đúng là mình già, tóc nay chớm bạc, lòa xoà rơi xuống ngang vai. Điên, cũng đúng, mình mới ra nhà thương. Bọn trẻ con đến gần hai người, khúc khích cười, mắt tròn lên nhìn cái hộp các tông trong tay ông ta. Một đứa bạo dạn nói, nè ông, ông đọc thơ như bữa qua giữa chợ đi ông. Người chống nạng buồn buồn bảo, quên hết rồi, không nhớ nổi. Bọn trẻ ré lên, lạ chi rứa, mới bữa qua quên sao được hè! Ông ta hứa cho qua chuyện, chút nữa, sẽ đọc. Nói xong, hai người xuống dốc, người lành dắt người què. Đám trẻ ồn ào theo sau. Tới ven sông, hai người lẳng lặng ngồi. Người lành mở thồ hoa. Hoa có đủ loại, vét mua khắp chợ thị xã. Này lan, huệ, cúc, hồng, thậm chí cả những loài hoa dại người ta kết thành bó. Người chống  nạng mở một xếp báo, xé thành mảnh nhỏ rồi gấp những chiếc thuyền giấy. Bọn trẻ đòi, ông ta lẳng lặng đưa. Cả đám lụi cụi gấp, bẻ, và không hiểu sao tất cả đều im lặng. Trên cao, chỉ còn gió, gió vi vút, và ánh nắng yếu ớt đang lụi dần. Ngước nhìn lên bờ thành, người chống nạng thình lình khóc rưng rức. Bọn trẻ ngơ ngác, đứa khóc theo, đứa nắm lấy áo ông, đứa mím môi nhìn lên trời.

 

      Đặt những bông hoa lên thuyền giấy, cả bọn đến mé nước. Mặt sông Thạch Hãn lăn tăn sóng. Bên kia là làng Nhan Biều ủ dột, khói bếp đâu đó lững lờ  vươn lên trời  bắt đầu im gió. Người chống nạng nghẹn ngào:

      - Buồn ơi là buồn…Làm sao quên những mảnh gạch vỡ trong Cổ thành năm xưa đây. Chẳng có đến một hòn nguyên vẹn…

Người  lành bảo đám trẻ:

      -  Ta thả thuyền đi các cháu…

 

      Trên sông, những chiếc thuyền giấy chở hoa sang bờ. Chúng dập dềnh theo những gợn sóng, có cái chao vòng, nhưng rồi lại theo con nước ròng quay về một hướng. Người chống nạng cất tiếng, giọng tha thiết, se sẽ ngâm:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Dâng tuổi hai mươi cho sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi nghìn năm

 

Trên mặt ông ta, nước mắt đầm đìa. Bọn trẻ thình lình cùng nhau lập lại, như reo,

            Vỗ yên bờ mãi mãi nghìn năm.

 

      Giòng sông mang tên mồ hôi của đá bỗng chồng chềnh, nước sủi bọt, bọt vỡ, tiếng đánh động linh hồn những kẻ nằm dưới đáy sông. Một đàn chim trắng bay ngang, cánh chim bắt những ánh nắng cuối cùng trong ngày, sáng lên màu của lửa, đảo một vòng rồi tít tắp bay xa. Người lành đến cạnh ôm xiết lấy vai người chống nạng. Người  chống nạng thụp xuống, tay ghì hộp các tông vào lòng. Lát sau, ông ta mở nắp. Đàn châu chấu ma lách tách nhẩy ra, con lủi vào cỏ, con đập cánh vù bay đi. Bọn trẻ con sửng sốt nhưng im lặng. Người chống nạng dịu dàng:

      - Đã đến lúc phải cho tất cả giải ngũ rồi! Đời sống chỉ đáng sống trong hòa bình. Chiến tranh là chuyện ngu xuẫn nhất khiến con người còn xuống thấp hơn cả những loài thú man rợ...

 

      Đó là câu chuyện kẻ cứu mình bằng thơ một hôm ghé bờ sông ven Cổ thành Quảng Trị. Truyền thuyết đàn châu chấu ma tìm được tự do và bốn câu thơ kia không biết thế nào được truyền tụng trong dân gian. Rồi hàng năm, cứ vào ngày tưởng niệm  anh hùng liệt sĩ cả Bắc lẫn Nam trong trận đánh khốc liệt nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh, các mẹ, các chị thả hoa trên những chiếc thuyền giấy trôi qua bờ Thạch Hãn, nước sông là do đá rịn mồ hôi, nhớ những kẻ dưới  đáy sông để nhắc nhở những người đang sống trên bờ đã có một thời dâu bể.

*

     

      Phan thượng Dân ở bệnh viện Qui Nhơn với tôi tất cả đâu khoảng năm năm. Thời gian cuối, anh hí hoáy viết, tâm hồn an bình dần, mặt mũi đôi khi thoáng thấy chút niềm vui. Anh không cho xem anh viết gì, và tôi, tôi tôn trọng tư riêng, chẳng dám hỏi. Thuở ấy trời vào Xuân. Én bay về từng đàn, chao lượn, cánh như dát bạc dưới nắng vàng tươi. Anh ngày ngày ngồi ngắm, rồi một hôm thủ thỉ, cắt cánh hay bỏ lồng, chim mất chức năng bay bổng thì nó thành gì? Mấy ngày sau, anh trầm ngâm, bay là chức năng của chim, nhưng cái gì là chức năng của con người?  Tôi buột miệng, ăn ở, làm việc, mưu cầu hạnh phúc. Anh lắc đầu, muốn thế thì phải tự do. Tôi ngạc nhiên, trong đầu nổi lên hai chữ tất yếu trong những bài giảng ở cấp 3 nghe tù mù khó hiểu đến nỗi hỏi là các thầy các cô thời đó hoặc lảng đi hoặc gắt lên. Lập lại một cách máy móc, tôi lên giọng như hỏi, tự do là tất yếu ? Dân lại lắc đầu. Tôi hỏi, thế nó là cái gì ?

 

      Dân thủ thỉ, nếu anh chỉ một mình trên thế giới này, tự do không có nghĩa gì hết, một mình anh muốn gì cứ làm. Giả thử không chỉ một mà bây giờ có hai người. Điều anh làm không đụng chạm đến người kia, kẻ cùng chia xẻ một môi trường, anh vẫn có thể cứ làm. Nhưng nếu ngược lại, anh không thể cứ làm như anh một mình một cõi. Tự do có nội dung khi nó là phạm trù xã hội, và phải chăng nó là qui ước kết hợp những ý thức cá nhân với nhau để tạo ra một không gian xã hội đồng thuận. Nhưng cái nền cho mỗi người vẫn là ý thức cá thể, Điều này cấu thành từ tư duy, tức là suy nghĩ độc lập. Không tự mình  nghĩ, những điều vừa kể vô nghĩa. Tư duy  là chức năng quí báu nhất, cần phải phục hồi. Đối với con người, nó như cánh của loài chim bay. Có tư duy, mới có khả năng chính mình chọn lựa tương lai cho mình. Chọn lựa thực sự, ắt phải trong điều kiện tự do, chính như vậy tự do mới có ý nghĩa tất yếu. Và chỉ thế, chúng ta mới có thể làm người với nhau. Không làm người, không thể là người được.

 

      Đêm hôm ấy, anh rón rén đi bẻ gẫy tất cả cửa những cái lồng chim trong sân nhà thương. Sáng tờ mờ, anh lẳng lặng ra đi, để lại cho tôi một bài trường ca mang tính sử thi anh từng đọc cho tôi nghe những đoạn rời. Bài thơ lạ. Nó không giống bất cứ gì tôi đã đọc trong quá khứ. Khác từ âm điệu, kết cấu.  Nhất là những chữ rời ghép với nhau đôi khi bằng những khoảng trống. Anh có lần nói với tôi, giọng bí mật,  chính những khoảng trống ấy là không gian để người đọc toàn quyền tự do cảm nhận và dự tưởng. Có vậy,  mới là Thơ. Băn khoăn, thỉnh thoảng tôi lại xin anh đọc lại. Cho đến hôm tôi bảo tôi hiểu, nhưng anh khoát tay, nói chính anh, anh không hiểu hết, không biết hết. Anh chỉ tay lên trời xanh, cười :

      - Trên ấy, ông Trời hiểu hết biết hết. Vì thế, ông ấy không còn sáng tạo gì được! Ông ấy chưa hề làm thơ, bác sĩ  ạ!

 

      Tôi ngửng lên. Cao vót, một cánh chim trắng liệng tròn. Cái có thể hiểu rất giới hạn. Nhưng tôi hiểu chim sinh ra để bay. Tôi hiểu, tư duy với chúng ta hệt như chim vẫy cánh. Và làm Thơ, những nhà Thơ mong  phục hồi cái chức năng ấy cho chính mình và cho tất cả mọi người.

 

      Những hôm trời nắng, tôi ra ngắm những lồng chim cửa đã mở. Cuối chân mây, những cánh chim bay, thật cao và thật xa, vào tương lai.

 

16-05-2003

  30-05-2006

 



[1] Thơ Giang Nam

[2] Giòng người Đức nguyên thủy, được Phát-xít Đức tuyên truyền là giòng đặc tuyển khai sáng và lãnh đạo loài người.

[3] Nhà thơ và Triết gia Đức nổi tiếng.

[4] Loạn tâm.

[5] Dục năng.

[6] Schrizophenie