1 Tiếng đá
Gió hầm hập từ phía Tây thổi về Nghệ An. Gió lùa cơn nóng đến độ chó ngậm hơi không sủa, trâu bò uể oải nằm dài, rớt dãi chẩy trắng mép, lim dim tựa như vừa no đầy sau cơn xác thịt. Ðợi đến nửa đêm, gió mới hà được một chút hơi lạnh của núi trong tiếng xào xạc từ rừng lá rạc vây bủa trại Bùi Phong.
Căn nhà ba trái nằm yên ả dưới rặng chèm. Tiếng võng thỉnh thoảng kẽo kẹt nhịp cho tiếng quạt phành phạch phẩy gió. Không biết loài chim gì bay ngang, quàng quạc kêu làm vỡ bấy cái êm đềm một đêm nồm ngột ngạt. Lửa đóm lóe lên trong nhà, hắt qua khe liếp những vệt sáng đỏ đục. Tiếng rít thuốc lào sằng sặc, rồi tiếng người sột soạt ra mở then cửa. Nguyễn Thiếp ra đứng, ngửa mặt nhìn trời. Ánh trăng chếch tỏa xuống mầu xanh huyển hoặc trên những lùm cây chập chờn nhẩy múa.
Trước khi gia đình họ Nguyễn ở Nguyệt Ao lên lập trại cuối năm ngoái, khoảng đất bằng phẳng rộng độ hai mẫu ta đất này chỉ toàn là rạc, lá nhọn, sắc, tua tủa chĩa ra như lông nhím. Cũng bởi vì Thiếp nổi tiếng là người sành thuật phong thủy nên tiếng đồn đãi rằng chỏm Bùi Phong ở phía đông ngọn Lạp Ðính trong rặng Thiên Nhận là nơi có mạch rồng, ai để mả ở đó thì đời sau sẽ hạnh phát đế vương. Thế là nghe đâu có vài kẻ cùng một lúc lên quan kiện, ai cũng đưa từ chứng rằng đó là đất của tổ tiên mình. Nhưng chuyện kiện cáo không đến nỗi nhì nhằng. Ở vào những năm cuối cùng đời chúa Trịnh Doanh, ai cũng biết là từ chứng có thể mua bằng tiền, giá thường chỉ bằng giá một đôi gà. Vả lại, miệt Hải Dương có giặc Nguyễn Hữu Cầu, và ngay tại hai trấn Thanh-Nghệ này, Nguyễn Diên mời được Hoàng tôn Lê duy Mật kéo cờ tôn phù vua Lê dấy binh chống chúa Trịnh. Nổi loạn chiếm Ðồ Sơn năm 1742, Cầu thường lấy của nhà giầu ra phân phát cho người nghèo, chống với chúa Trịnh được gần mười năm. Mật là tôn thất nhà Lê, nổi loạn đánh Trịnh Doanh ở Thăng Long, thất bại phải chạy ra Thanh Hóa năm 1738. Trong cảnh loạn lạc, quan huyện La Sơn tìm cách khu sử cho thật gọn. Coi chỏm Bùi Phong là công thổ, quan để cho người đồng liêu họ Nguyễn vừa mới nhậm chức huấn đạo ở Anh Ðô mua lại.
Thuở Hiến sát sứ Nguyễn Hành thụ bệnh qua đời ở Thái Nguyên cách đây mười lăm năm, nỗi đau xót người chú đã nuôi mình ăn học khiến Thiếp mắc chứng cuồng dĩ . Nhẩy xuống ruộng bùn huyện Kim Hoa nằm mê man ba ngày, Thiếp may được người xã Do Nhân mang về nuôi cả tháng, sau mới tìm đường về nhà. Ba ngày trước, tức là đúng vào ngày mùng tám tuần trăng thứ sáu, Thiếp lại lên cơn động kinh. Ðang phạt cỏ tranh bới đất trồng thêm chục gốc chè, Thiếp bỗng ngã vật ra, chân tay co quắp, miệng méo xệch, người giật lên như đỉa phải vôi. Thiếp muốn kêu nhưng cổ tắc lại, nước dãi đặc sệt phòi ra từng vũng sùi bọt trắng. Thiếp ngửng mặt nhìn lên trời: mây đùn lên, bay vùn vụt, bỗng nhiên đổi mầu thành mây bẩy sắc, ráng tía ngày càng chói lọi đến lóa mắt. Trên cao, vô số khuôn mặt từ phương Nam bay lại, sà xuống, mặt người có, mặt ma mặt quỉ có, mặt Thánh mặt Phật cũng có, lúc thì nhe nanh nhe vuốt như chực cắn xé, lúc lại bi thương đại lượng nhỏ nước mắt từ bi.
Ðột nhiên, một vùng đất nổi lên cao, chung quanh là rừng núi, một đàn voi xông ra, dẫn đầu là một con voi trắng đầu như đầu rồng. Mấy chục con voi lồng lên trong cát bụi mịt mù rượt đuổi một đàn ngựa, con chạy về phương Nam, con dạt về phương Bắc. Tiếng cồng nổi lên nghe đinh tai nhức óc, lẫn vào đó là tiếng tù và, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng kim khí chát chúa choạng vào nhau, rồi tiếng rên la, tiếng van vỉ, tiếng kêu khóc, tiếng chửi rủa. Thiếp cố xoay người về phía trái, tì tay vào một mô cỏ vừa cào. Mặt trời rát bỏng xối xuống từng chậu lửa sánh sệt, làm cho đống cỏ tranh mới cắt cháy bùng lên. Cháy ! cháy ! cháy rừng ! Thiếp hả miệng hớp lấy chút không khí mỗi lúc một ngột ngạt, cố đến độ cổ họng bung ra thành tiếng « chạy ! chạy đi ! » , rồi lịm dần trong lớp sóng lửa vỗ sôi lên giữa một cái vạc dầu đang từ từ nhận chìm cả nhân loại.
Khi Thiếp mở mắt ra, trời đã tối mịt. Ánh đèn dầu hắt bóng Ðặng-thị lên vách mới trát còn ngan ngát mùi đất ẩm. Thiếp thều thào gọi vợ. Ðặng thị cúi xuống xốc cho Thiếp ngồi lên, giọng nửa mừng nửa tủi :
- Mấy năm nay tưởng yên rồi, nay đột nhiên thầy nó lại ngã bệnh .
Thiếp gượng cười.
- Thầy nói, thầy kêu, rồi lại khóc nữa.
- Nói gì ?
- Thầy bảo bây giờ là thời mạt pháp !
- Còn kêu gì ?
Ðặng-thị im lặng một chặp, ngập ngừng :
- Thầy kêu nhiều lắm, khó nhớ hết được. Có lúc thầy vừa khóc vừa bảo đến thánh thần cũng hư huống chi là người...
- Thế kêu với ai ?
Ðặng-thị lắc đầu, kéo tấm chăn đơn đắp cho Thiếp, nhỏ nhẹ :
- Tôi không biết ! Thầy nó uống cho tôi bát thuốc này đã. Uống cho hạ cơn xuống đêm nay.
Thiếp từ tốn nâng bát thuốc do một người bạn nổi tiếng danh y bốc cho. Từng ngụm thuốc đắng chát trôi qua như đốt cổ họng, song vào đến bụng thì lại thành mát rượi. Thiếp đặt bát thuốc lên cái ghế đẩu kê cạnh giường, nhớ lại ngày nào họ Lê bắt mạch cho mình trên chùa Hương Tích, nửa đùa nửa thật cười bảo «...chẳng biết Cuồng ẩn đó hay Lãn ông này sẽ tạo nghiệp để phải giây vào đám bụi bậm dưới kia ». Thiếp với tay lấy bình nước chè, nhưng mất thăng bằng, ngã chúi xuống chân giường, miệng thở hổn hển. Bóng đèn hắt bóng Ðặng-thị lên vách, hấp tấp đang xốc Thiếp lên. Lúc sau, bấc đèn vặn nhỏ lại khiến cái bóng khổng lồ ngả dài ra rồi biến mất.
Từ hôm Thiếp lên cơn động kinh, cứ chập choạng tối là Ðặng-thị bắt cả ba đứa con đi ngủ sớm. Hai đứa lớn biết nghe, nhưng Thúc Khải mới chập chững biết đi lâu lâu lại khóc đêm đòi mẹ. Bấy giờ đã canh hai, trăng lưỡi liềm đang ngả về phía tây rặng Thiên Nhận. Trại Bùi Phong mơ hồ lẫn vào giấc ngủ chập chờn trong đêm mùa hạ. Tiếng ếch nhái ven con suối cạnh nhà oang oác, phụ họa vào những âm thanh rỉ rả của đủ loại côn trùng than van cơn nóng bức hừng hực chưng bằng lửa địa ngục. Ðặng-thị thỉnh thoảng lại phe phẩy quạt cho Thúc Khải. Giường bên kia, tiếng trẻ ú ớ nói mê. Bước vào nhà, Thiếp đặt mình xuống giường nằm im ngắm ánh trăng qua khe liếp, mông lung nghĩ ngợi.
Ðột nhiên con Vện buộc ởœ gốc cây đầu nhà tru lên sủa oăng oẳng. Tiếng chân người chạy như ma đuổi mỗi lúc một gần. Khi Ðặng-thị vừa khêu đèn lên thì tiếng gõ cửa đã dồn dập đánh thức cơn ngái ngủ đang chờ ập đến. Cửa vừa mở, tiếng nức nở vang lên :
- Nguyễn công, xin người ...
Ðặng-thị cúi vội xuống xốc nách người con gái đang quì, thảng thốt hỏi. Dưới ánh đèn, mặt người con gái nhợt nhạt, mái tóc dài màu đen huyền xổ tung ra trên hai vai bung toạc những vết rách như dao cứa. Khắp mảng áo trái, máu bầm hoen ố những đường kim tuyến thêu dọc trên những chiếc áo chẽn của phụ nữ miền núi. Người con gái hai tay run rẩy đưa cho Thiếp một quyển sách gáy da, rồi nhũn người khuỵu xuống, hai mắt nhắm nghiền lại. Ðặng-thị vừa lay vừa gọi, nhưng vô ích.
*
Người con gái đó tên là Hà Khinh Vân, nhưng mọi người trên bản Mê Thượng đều gọi nàng là nàng Mây. Mây là con gái đầu lòng của Hà công, người trưởng tộc họ Hà đã đến sinh cơ lập nghiệp cách đây hơn hai trăm năm trên rặng Giăng Màn. Rặng này cũng có tên là Khai Trướng, chạy theo hướng Bắc-Nam, nằm về phía Tây rặng Thiên Nhận, chia ranh giới giữa châu Hoan và vương quốc Ai Lao. Hà tộc đông nhất bản, có lẽ là họ đầu đi khai phá Giăng Màn, và đã suốt tám đời làm Chao cai quản bản. Trong gần ba trăm nóc gia, với số trên dưới năm trăm tráng đinh, ngoài họ Hà còn thấy họ Ðinh, họ Lê, họ Nguyễn. Chính vợ Hà công là người họ Nguyễn, mới di cư đến Mê Thượng khoảng hai mươi năm nay. Nghe đâu có dính dáng họ hàng gì với Nguyễn Hữu Cầu đã dấy quân làm loạn, gia đình Nguyễn-thị phải bỏ miệt Ðồ Sơn chạy vào Nghệ An để tránh tróc nã.
Tộc trưởng họ Hà không nhất thiết là dòng con trưởng mà phải là một người có công đầu. Ðể định công, cứ năm năm, họ Hà họp Tộc hội đông đủ mọi chi mọi ngành. Hạch thí gồm hai phần, thi võ và thi văn. Phần thi văn lại trọng về mặt binh thư, và đôi khi có hỏi cả thuật Pháp trị theo sách của Thương Ưởng và Hàn Phi. Không phải kỳ tộc hội nào cũng có người qua được hai phần hạch thí, cho nên đôi khi phải chờ đến mươi mười lăm năm mới được một người. Người này, được gọi là Tộc thứ, làm phụ tá cho Tộc trưởng cho đến kỳ hạch thí sau. Nếu có thêm được người trúng hạch thì Tộc trưởng xuống nhường cho Tộc thứ lên thay mình, còn người mới trúng hạch sẽ được đề làm Tộc thứ.
Trường hợp Hà công, húy là Trường , lên làm Tộc trưởng là một sự kiện khá hãn hữu. Vào tiết lập đông năm Giáp Tý đời Cảnh Hưng thứ ba, bản Mê Thượng bị một con cọp cái khôn đến hóa tinh khuấy phá dữ dội. Nó đến rình vồ người làm mương làm rẫy, và có lần xông hẳn vào bản vật chết một con trâu rồi tha đi. Trai bản sợ, đi đâu phải đi thành toán năm ba người mà vẫn bị nó tấn công, có kẻ thương tích, có kẻ tử vong. Sau một năm nào là đặt bẫy, nào là đánh thuốc, nào là rình bắn tên có tẩm nọc độc, con cọp vẫn vô sự, lại trở nên ranh mãnh và táo tợn đến độ vào tận ven bản rình mò giữa ban ngày ban mặt. Người ở bản chịu thua, đành lập một cái miếu thờ thần Bạch Hổ, rồi cứ mỗi tháng đến nộp một con lợn nái.
Hà công năm ấy mới hai mươi hai tuổi, tính tình xưa nay vốn lầm lì, đọât nhiên hỏi « thần Bạch Hổ là hổ đực hay hổ cái ? ». Không ai trả lời, Hà công liền vác một túi tên, một cây cung dài hai thước, một thanh mã tấu và hai cuộn dây chão to bằng ba đầu ngón chân cái, lẳng lặng đi theo đám người khiêng lợn đến miếu thờ. Khi ai nấy đã ra về, Hà tự buộc mình vào cái chạc ba khá cao trên một cây cổ thụ mọc ngay cạnh miếu, làm một cái đầu thòng lọng to bằng cái nia, rồi cột vào gốc cây. Xong đâu đấy, Hà trèo lên cây, dở cơm nắm ra ăn, bình tĩnh như chẳng có gì. Hà chờ một đêm, sáng hôm sau con cọp đến lấy mồi như lệ thường, không có vẻ nghi ngại, cũng chẳng buồn gầm gừ khi nghe tiếng con lợn tế thần rú lên những tiếng eng éc não nùng vô vọng.
Ðợi đến lúc cọp vục đầu vào cổ con lợn đã bị xé tanh banh, Hà nấp trên cây ném sợi thòng lọng vào đầu con cọp. Ngạc nhiên, con cọp nhẩy lồng lên gầm. Nút thòng lọng thắt lại khiến cọp nghẹt thở. Nó khôn ngoan nằm phục xuống, mắt lừ lừ, tai nghe ngóng, mũi khụt khịt tìm hơi kẻ thù. Hà dương cung bắn sáu phát tên, phát nào cũng trúng nhưng không vào chỗ nhược. Con cọp lại gầm lên, lết nhanh vào bụi cây, quay cổ lại cắn sợi dây chão.
Hà lắp thêm tên, đợi cách bắn ngay vào chỗ giữa hai mắt cọp rồi bình tĩnh chờ. Nhưng đến quá một khắc vẫn không thấy động tĩnh gì, Hà nới dây, tụt xuống chạc cây dưới thì con cọp bỗng đâu nhẩy ào vào, làm Hà tối tăm mặt mũi rơi xuống đất. Con cọp không buông tha xông lại lấy chân tát Hà. Hà chĩa mũi mã tấu lùi ra sau. Con cọp nhẩy qua bên trái, rồi nhẩy qua bên phải, tránh lưỡi mã tấu. Vờn nhau đến lần thứ tư, bất chợt con cọp nhẩy thẳng vào Hà. Mũi mã tấu đâm xốc lên, nhưng con cọp vẫn còn sức đạp Hà ngã xuống, mồm há ra ngoạm vào chân trái Hà. Hà rút dao găm, tay phải kẹp đầu cọp, tay trái kéo một nhát vào cổ. Con cọp nhất định không chịu nhả mồi. Hà lại kéo ngược lại một nhát dao, rồi đau quá, ngất đi.
Khi tỉnh dậy thì trời đã xẩm tối, Hà cố đẩy đầu con cọp ra, nhưng không còn đủ sức. Hà định gọi, nhưng biết không có ai nghe được, lại thôi. Cơn khát làm rát cả cổ, nhưng ống nước mang theo văng đâu mất. Ống chân trái nát nhè trong mồm cọp làm Hà đau đến độ răng đánh vào nhau nghe lách cách như đánh mõ bản. Mờ sáng hôm sau, Hà lấy dao cắt rơi đầu con cọp, vộc miệng vào uống máu cho đỡ khát. Uống xong, Hà nôn thốc nôn tháo rồi lại ngất đi. Trưa ngày hôm đó, Hà tỉnh dậy, thấy ruồi nhặng đã bu đầy vào chỗ chân trái Hà còn dính trong mồm con cọp. Hà thét lên : « Trời ơi! trời có mắt không? » rồi lại mê đi một lần nữa.
Hà nhìn thấy mình bay bổng về phương Ðông, đậu trên đỉnh Thiên Nhận, chung quanh chập chùng những chỏm núi tròn mầu hồng tía nổi bật giữa cái nền xanh ngắt của giãy Giăng Màn. Hà rút ống đinh-bia, loại sáo ngang của người Thái trắng, kề môi thổi lên một khúc, rồi ồ ồ cất tiếng hát :
Trăm thứ hoa không bằng hoa con gái
Trăm thứ trái không bằng trái bông com
Trăm thứ hương không bằng hương con mái
Lúc ấy, Nguyễn-thị tay dâng lên Hà chiếc cần uống rượu, mắt nhìn vào mắt Hà, bảo: «...hoa đây, hương đây ».
Hà uống, thấy cổ mát lịm, từ từ mở mắt ra. Chung quanh Hà lố nhố những người. Ông lang mừng rỡ kêu: « Tỉnh rồi! phúc thật lớn ! ». Hà nhớ lại, hỏi cái chân trái mình nay ra sao. Ông lang lắc đầu. Hà đòi ăn một nồi cơm, và xin một vò rượu. Uống sạch vò rượu, Hà hỏi tìm thanh mã tấu của mình. Hà bật cười khành khạch, châm điếu rít thuốc, rồi thình lình xoay người hét lên một tiếng chặt vào khoảng thịt nhầy nhụa trên chân trái. Hà lại ngất đi một lần nữa. Ba hôm sau, Hà mời Nguyễn-thị rồi kể lại giấc mơ của mình. Nguyễn- thị không nói « ...hoa đây, hương đây » nhưng bảo « ...xin cứ cho người đến hỏi ». Cuối năm đó, họ thành thân. Chú rể chống nạng và đã trở thành tộc trưởng họ Hà cách đấy đúng hai tháng.
*
Ðặng-thị đánh thức Thiếp vào lúc nắng đã chớm vàng rừng cây trên núi Lạp Ðính. Mây vẫn còn thiêm thiếp ngủ, tóc xòa những sợi tơ huyền óng ả chảy xuôi xuống triền thân mỏng mảnh uốn lượn những thác ghềnh mới được thiên nhiên mô phỏng. Thiếp lẳng lặïng đổ nước vào bình trà Lạc Thủy, rồi gắp những mảnh than hồng chèn quanh bình nước sôi bằng đồng mun do chính Hà công mang tặng ba năm về trước. Khi ấy, Hà và Nguyễn-thị ghé về làng Nguyệt Ao, nằng nặc đòi gặp. Quà ra mắt là ba sấp vải, ba sâu tiền, mười cân trà và chiếc bình đồng mun. Thiếp hỏi :
- Tôi làm được gì mà Hà công lại đãi thế này ?
Hà công khẩn khoản :
- Tôi đến đây xin tiên sinh dạy cho một câu mà thôi. Ngài dạy thế nào tùy ngài. Tôi học được gì, cũng tùy tôi. Còn dăm ba món quà này chỉ là ngoại vật, đáng gì mà ngài phải quan tâm.
Ngừng một lúc, Hà công tiếp :
- Thời buổi loạn lạc này, vua không ra vua, tôi chẳng ra tôi, thánh nhân phải sinh ra để cứu đời, nhưng sinh ở đâu ?
Thiếp nhìn lên trời, thủng thẳng :
- Thánh nhân sinh từ trong lòng. Mong thánh nhân là rồi có thánh nhân.
Hà công gặng :
- Trên có trời, dưới có đất. Giữa đất và trời có người. Nhưng đâu phải ai ai cũng có cái thiên mệnh làm kẻ cứu đời. Liệu thánh nhân có sinh ra trong châu Hoan này không?
Thiếp ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời :
- Có, đủ lửa thì rồng sẽ cất cánh bay lên.
- Vùng nào đất nào đủ lửa ?
Thiếp cười :
- Nơi nào đủ người hiền thì nơi đó sẽ đủ lửa.
Nhìn ra dãy Giăng Màn nền xanh lam sừng sững phía sau, những chỏm núi thấp hơn của rặng Thiên Nhận nổi lên như những chiếc quạt bằng lụa mầu hồng tía giống hệt như trong tranh thủy mạc, Thiếp chậm rãi :
- Thế này làm sao lại chẳng có người hiền.
Thiếp đứng lên, ý muốn tiễn khách, xin hoàn tất cả tặng vật. Nằn nì mãi, Thiếp đành nhận chiếc bình đồng mun với hai cân chè búp. Ðưa khách ra cửa, Thiếp còn nhớ cặp mắt tròn to của một con bé lay láy nhìn mình, miệng cười chúm chím.
Lần ấy, Mây mới đâu chín mười tuổi. Con bé vẻ hiền lành thuở xưa sao nay lại leo lên Bùi Phong, người bê bết máu? Ðợi hết một tuần trà, nắng vừa lên đầu ngọn cây thì Mây tỉnh dậy. Mây cầm tay Ðặng-thị để lên ngực mình, rồi cúi đầu, nước mắt chảy ra, không nói năng gì. Một lúc sau, Mây xin lên gặp Thiếp. Nàng quì phục xuống đất, đôi bờ vai nhỏ nhắn run bắn lên như con giun đất bị xéo quằn, kêu thảm thiết:
- Nguyễn công ơi ! Thế thì trời không cao, đất không sâu, chỉ còn có người, người có cứu lấy Mây này bé bỏng không ?
Ðặng-thị đỡ Mây dậy, lấy khăn lau nước mắt cho Mây, tay nhẹ nhàng vuốt những sợi tóc rối bời. Cắn môi ghìm cơn nức nở, Mây kể...
*
Dưới triền tây núi Giăng Màn là bản Mê Hạ, thuộc mường Luang. Trước khi họ Hà đến Mê Thượng hai trăm năm trước, chỉ có một bản Mê gồm hơn trăm nóc nhà, chuyên sống bằng chăn nuôi và trồng trọt. Nước nguồn đổ về xuôi, xoáy vào đất, đục vào đá từ đời nào làm thành con sông Mê rộng độ ba mươi sải ngang, chẩy từ chân Giăng Màn qua mường Luang cho đến tận mường Rây. Có sông Mê, nước ê hề cho trâu bò, gà, lợn. Nước ê hề cho rẫy Luang quanh năm vàng ngô, xanh lúa. Nhưng chỉ ba năm sau khi đã đuổi được người Táy ở Bản Thượng khỏi chỏm Vềnh, Hà tộc đã sai tráng đinh xếp đá xây đập Cheo Reo chặn nước. Vì thế con sông Mê nay ráo kiệt. Nó cạn trơ lòng, chỉ còn phơi những tảng đá trắng tựa nhau đổ dài ra trên hai mươi dặm, giống hệt như xác một con trăn chết khô để xót lại trên mặt đất khúc xương sống ngoằn ngoèo trắng hếu.
Người Táy bảo với nhau : « Cái giống người gì mà ác thế, đi cắt mó, chặn nguồn làm trâu chết, lợn chết, khoai chết, lúa chết. Thế này thì người Táy cũng sẽ chết dần thôi ... ». Họ tìm cách phá đập. Hơn mười đời ông Trùm ông Chao, hơn mười lần trai Táy xách mai, xách thuổng, xách dao chằm đến Cheo Reo. Họ bảo nhau : « Phải tìm mó kíu nước, nếu không thì không có giống gì sống được ». Người trên bản Mê Thượng có súng bộc hỏa, lại canh giữ rất ngặt nghèo. Vì thế, cũng lại hơn mười phen họ phải khênh xác trai Táy về Mê Hạ. Duy có được một lần họ đánh bật đám tráng đinh Mê Thượng ra khỏi Cheo Reo. Họ thấy đập nước chia làm hai lớp, làm bằng những hòn đá tảng chồng lên nhau, hòn nọ dựa vào hòn kia, sức người không sao lay chuyển được. Vài bô lão còn sống kể rằng khi đó họ cho người Táy về mường lấy bộc lôi đến phá. Con trai Táy đào đường mương, dựa thế nấp vào, rồi dùng cung tên đẩy lùi những lần tiến công của con trai Kinh, cố giữ Cheo Reo được gần ba ngày ba đêm. Cuối cùng họ buộc được bộc lôi vào những gềnh đá đầu chĩa lên nhọn hoắt. Trai Kinh lúc đó đã tiến sát đến tuyến mương phòng thủ. Ông Phìa , người chỉ huy, hy sinh trai Táy, ra lệnh cho nổ bộc lôi. Bộc lôi nổ to đến rách toang màng nhĩ . Ðám voi rừng hoảng hốt vừa đâm dầu chạy vừa hống lên những tiếng tru chéo. Da thịt tóc tai trai Táy lẫn với sạn đá bay bốc lên trời, rồi rơi xuống làm rừng núi đỏ lè lè như lưỡi một trăm con ma thò ra liếm cây liếm cỏ.
Nhưng đập Cheo Reo vẫn cứ vô sự, nước chỉ rỉ rả chảy xuống, vô tình để mặc con sông Mê vẫn cứ mãi trơ lòng cạn kiệt như trước. Từ đó, người Táy tản ra xa, xuôi về đồng bằng, bỏ ý phá đập, và chỉ lúc ông trời ra cơn hạn hán mới lên đập xin nước vào những tháng giữa hạ, khi nước còn quí hơn cả vàng dát trên vòng cổ con gái Táy. Ðời này sang đời nọ, không biết nghe từ đâu mà họ kháo nhau rằng khi nào tìm được mật kíp của bản Mê Thượng thì người Táy mới biết cách phá đập.
Mật kíp như thế nào, chỉ có ông Chao của bản Mê Thượng, nghĩa là những người tộc trưởng họ Hà từ hai trăm năm nay, mới biết tận mắt. Theo lệ, mật kíp được trao tận tay ông Chao. Ông Chao cất giấu mật kíp ở Hang Sau, một nơi không ai được được phép vào. Chỉ khi nào bản gặp những khó khăn đến độ cả bản đòi thì ông Chao mới được mở mật kíp tìm lời giải. Theo lời truyền tụng, mật kíp do chính Hoàng Mười, một vị trong Bát Tiên , đã trao tận tay cho ông Chao sáng lập ra bản từ lúc tạo thiên lập địa. Chuyện thế gian đâu đó yên bài cho nên tất cả mọi việc từ cổ chí kim đã được tiên liệu trong quyển sách thánh này.
Lần gần nhất phải mở sách là lần cách đây hơn năm mươi năm, hai họ Hà và Lê xích mích vì một câu chuyện không đáng gọi là lớn. Trâu một người họ Hà tên là Hà Chiến dẫm nát mương họ Lê, họ Lê sang bắt đền. Họ Hà cậy thế mạnh không lý đến chuyện trâu dẫm, lại xách mé «... mương nhà nào, nhà nấy cứ giữ ! ». Lê Ân, tộc trưởng họ Lê, là một người nóng tính, lại giỏi nghề võ, đánh câu liêm rất tài tình. Ân giận căm gan, song chỉ cười nhạt, sập cửa bỏ về nhà. Dăm bữa nửa tháng sau, đàn trâu của Hà Chiến lại mon men đến mương họ Lê. Ân ngồi trong nhà quẳng câu liêm ra một lần đánh hai con trâu vỡ toạc đầu, hồng hộc kêu rồi chết. Chiến liền rủ một đám tráng đinh họ Hà đến vây nhà Ân liền hai ngày, bắn tên và định phóng hỏa đốt. Sáu đứa con trai của Ân, hai đứa bị thương nặng. Ân gào lên : « bớ ông Chao, ai phân xử đây ? » rồi phanh ngực, mắt đỏ ngầu, sừng sững xông ra, quát : « Có chết, ta sẽ kiện với diêm vương ! ». Tên bắn như mưa găm vào người Ân trông như nhím xù lông, song Ân vẫn không ngã, mắt trợn ngược lên, miệng ứa máu ra, chết đứng. Khi ông Chao bản là Hà Tuyên đến nơi thì cơ sự đã xảy ra mất rồi. Ðám con họ Lê quì xuống xin mở mật kíp. Cả bản thấy truyện thương tâm, bất bình với Hà Chiến, nên đồng ý.
Ðình bản Mê Thượng xây trên hai sào đất vuông vắn trước cửa Hang Sau, nơi cất giấu mật kíp. Lối vào Hang Sau là một ngách nhỏ, có cắm bảng gỗ đỏ đục hai chữ « Cấm Nhập ». Hà Tuyên vái trời, vái đất, rồi vái tượng Thần Bản, miệng lầm rầm đọc . Lách vào trong hang, sau khoảng một tuần trà, Tuyên ra sân đình cung kính nâng cái hộp bằng ngà trong có một quyển sách gáy da đã sờn. Hơn năm trăm người ngồi im lặng đợi. Tuyên quát : « Ðánh cồng lên » rồi quì xuống. Tiếng cồng dội vào giãy núi Giăng Màn, vọng lại từng hồi, nghe như sấm động. Tuyên mở sách trên án thư, mắt chăm chú. Khi tiếng cồng vọng cuối cùng tắt đi như tìm về âm u xa hút, Tuyên đọc : « Ai là kẻ gây sự bạo hành giết người trong bản thì cả nhà phải bỏ bản mà đi về phía Tây, trái lời phải tội chết ba đời, ai muốn giết cũng được ».
*
Năm ngoái, ngày Mây tròn mười bẩy, Mây rủ mấy đứa con gái đi tắm suối. Suối nằm ngay dưới đập Cheo Reo, nước xuôi xuống chỉ độ ba trăm thước là kiệt cạn. Buổi trưa nồng, gió ùa về từng cơn nóng rát. Mây lõa thể nằm ngửa ra cho nước ào vào tóc, vào mặt, vào yếm. Con Hường giạng chân, váy sắn đến bẹn, đùi thon chắc nhô lên thụt xuống, vừa cười vừa té nước tung tóe bắn thành những hạt óng ánh kim cương nhẩy múa dưới nắng trưa trong suốt. Con Hằng cởi yếm, tay giả như che phần trên cơ thể nhưng vẫn để cặp vú căng nứt nhô ra như sừng trâu, vắt vẻo ngồi trên một hòn đá trắng nhô lên trên nền toàn sỏi hồng, miệng hát
Chiều chiều em dẫn mẹ qua đèo
Em đi bên nớ
Tình tình ơi, anh theo bên nào ?
Chiều chiều dẫn mẹ đi theo
Tình, tình ơi
Nhớ ai em kiếm cuối đèo dấu chân
Tình, tình ơi
Nhớ ai em những khóc thầm
Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa
Nhớ ai ngơ ngẩn ngẩn ngơ
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai ...
Một tiếng sáo đinh-bia bỗng nhiên vẳng lên từ đâu đó, xa vắng, mênh mang. Mây nhỏm dậy rỏng tai, ngước cặp mắt nâu thăm thẳm tròn trĩnh trên khuôn mặt trái soan rám hồng, môi hơi trề xuống, miệng mở hé như cười, chiếc răng nanh khênh khểnh lộ ra làm tăng cái vẻ nghịch ngợm của một cô gái vừa tuổi dậy thì.
Tiếng sáo véo von lên cao hun hút như chạm vào giải mây trắng, xô nhẹ bầu trời trong vắt rồi vẳng lại như lời tỉ tê kể lể một chuyến đi không đến đích. Tiếng sáo có lúc lại ríu rít như đàn chim bất chợt gập lại một mùa Xuân đã tưởng đánh mất, hót lên sự sống hồn nhiên mạnh mẽ tựa măng tre đục đá trồi lên. Tiếng sáo chợt thổn thức tựa như tiếng khóc tủi thân của đứa trẻ tứ cố vô thân bỗng dưng bắt gặp cảnh một mái nhà yên ấm. Tiếng sáo bỗng não nùng tiếng than của kẻ bất đắc chí ngại ngần soi gương nhìn mái tóc mình đang trắng xóa những đám lau già mỗi lúc một thưa đi. Tiếng sáo lúc sau đứt quãng, tức tưởi một nỗi buồn không an ủi được, rồi nghẹn ngào uất ức tựa như lời trăn trối của đám tử tù trước khi lên đoạn đầu đài. Tiếng sáo trầm sâu xuống kể lể nguồn cơn với ngọn gió vô tình đã từ hàng tỉ năm nay chuyên trở vào hư vô vô số những niềm bất hạnh. Tiếng sáo cuối cùng cuống quít, loanh quanh như con chồn gập bẫy, rồi hốt hoảng như đám nai tơ chạy tên đâm đầu vào bụi gai rạc.
Mây nằm xuống suối lắng nghe, cơ thể doãi ra như sắp tan biến trong không khí, để mặc nước mắt cứ ứa đầy mặt hòa tan vào dòng suối róc rách chảy. Mây ngạc nhiên không hiểu cớ sao mình khóc. Nhưng Mây cứ để mặc nước mắt đầm đìa chảy, mơ hồ cảm nhận như bắt gập lại một cái gì thật thân thương đã chót đánh mất từ lâu lắm, có thể là trước cả khi Mây ra đời, không nhớ được nhưng vẫn cứ lờ mờ lúc ẩn lúc hiện. Những giọt nước mắt ấy, tuy vẫn mặn sót như muối, nhưng làm sao lại khiến lòng Mây cứ lơ lửng giốâng như giải mây trắng đang lênh đênh giữa trời xanh văn vắt.
Sau hôm ấy, trưa nào Mây cũng ra suối thẫn thờ đợi tiếng sáo đã vô tình im bặt. Ba tháng ròng, Mây lẩm nhẩm cầu xin : « Ông Xanh trên cao kia ơi, cho Mây tiếng sáo kia nhé.. . ».
Lần nào Mây ra suối, Trần Trung cũng kín đáo đi theo. Từ dạo Trung bắt gập Mây trần truồng ưỡn ngực hứng con nước đổ từ ghềnh cuối Cheo Reo xuống vũng Cắt đầu nguồn sông Mê, Trung ngày đêm thẫn thờ, không thấy Mây là ăn ngủ không được. Mây bây giờ như người mất hồn, chẳng nói chẳng rằng, chiều chiều ra ngồi trên tảng đá, mắt lạc vào hun hút một khoảng không đầy bấp bênh. Trung hái một bó hoa rừng, lẳng lặng mang đến để cạnh chân Mây. Trung nhẹ nhàng : « Có chuyện gì thế hả Mây ? ». Mây cười buồn buồn, chỉ lắc đầu. Sáng hôm sau, Trung quay về chỗ tảng đá, thấy bó hoa vẫn ở đấy, chỉ héo đi trông tàn tạ thảm hại. Trung biết đã mất một cái gì thiêng liêng như chính cuộc sống của chính mình. Nước mắt dàn dụa chảy như suối tràn mùa nước lên, Trung bưng mặt ngồi cho đến hết đêm, mong gặp hổ báo cho rồi đời.
Cho đến một buổi tiếng sáo lại réo rắt đưa về Cheo Reo. Mây mừng đến run bắn người, mắt lại ướt lại những giọt nước mắt xưa. Mây lần theo gió đi tìm, nín lặng nép vào bụi rạc, mê mẩn đến độ gai đâm nát tay chảy máu mà không biết. Nhìn xuống chân chỏm Vềnh, Mây thấy thanh niên ấy nâng cây đinh-bia ngang miệng, mắt nửa nhắm nửa mở, hồn như lạc vào chốn không núi rừng, không cây cỏ, không cả đất, cả trời. Quấn chiếc rông màu xanh thẫm, thân trần cuồn cuộn những bắp thịt đồng mun, tóc dài hoe đỏ phần phật bay trong gió nồm, chàng có thật hay chỉ là ảo ảnh một cuộc đi về từ cái cõi lờ mờ giữa trần thế ? Chàng ngưng thổi, tay vỗ nhẹ vào chiếc sáo bầu tròn, hát :
Gió thổi bụi na
Khăn đào của ai phơi sàn gió thổi
Gió thổi khăn rơi
Khăn rơi khăn rơi xuống mặt đường
Bạn tình ơi
Người đẹp của ai
Hoa trắng nơi vườn dưa
Hoa đỏ nơi vườn mía
Áo em tô dấu son
Thân em hồng màu rượu
Miệng em chúm chím hoa sen
Tóc em hoa đào chải gió
Tay em níu chĩu cành mai ...
*
Mây ngày nào cũng ra đợi ở chỏm Vềnh cho đến khi Ðèo Kha linh tính thấy mình là một con thú đang bị rình săn. Một hôm, Mây nấp sau thân cây sim già, mắt ngóng, lòng thấm dần nỗi thất vọng và niềm đau xót lửng lơ, không thấy bóng dáng Kha đâu cả. Về chiều, chim bắt đầu nháo nhác bay, ánh tà dương lịm vào cây cỏ tô đậm cánh rừng vòng theo niềm nhớ đã chớm vô vọng. Chợt vai Mây có bàn tay nào nắm lấy, bóp mạnh như gọng kìm sắt, ghì xuống. Mây thất thần quay lại, mái tóc búi xổ tung ra thành thác đổ trào xuống, mắt hoảng hốt căng tròn như nai mắc bẫy. Bàn tay nới lỏng dần ra, Mây nhắm mắt, miệng hé ra, nhếch cười trong cơn mê, cảm thấy đôi môi ướt át áp vào má mình, mặt mình, rồi tai, rồi cổ, lần lần xuống vú, xuống bụng cho đến lúc nàng bật dậy, kéo vội chiếc rông quấn phần dưới cùng của thân thể không biết đã tụt ra từ lúc nào.
Sau này, Mây nũng nịu bảo với Ðèo Kha rằng cuộc gập chiều ấy là giải dây ông Trời buộc, đố ai cởi cho ra. Những lần hẹn hò nhau , Mây và Kha tìm nơi hoang dã, tránh cho xa dân bản, nhưng điều tiếng đã có chút xôn xao. Mây thỏ thẻ : « ... biết đâu ta về ở với nhau rồi thì Mê Hạ và Mê Thượng sẽ lại là một bản Mê như những ngày xửa ngày xưa ». Ðèo Kha, mồ côi từ bé, về xin phép ông chú đã nuôi mình thành người. Ðèo công ở bản Mê Hạ chần chừ. Cái mối oan nghiệt giữa Mê Thượng và Mê Hạ vẫn sừng sững ở Cheo Reo, chặn nước không cho lòng người thông được với nhau. Ông đoan chắc họ Hà ở Mê Thượng sẽ không bao giờ nhận kết nghĩa thông gia với Mê Hạ. Ðèo Kha giục Mây hỏi ý bố mẹ. Mây cũng sợ, nói liều : « ...hay là Kha bắt em mang đi ». Kha lắc đầu bảo : « nếu làm thế thì chắc chắn đinh Mê Thượng sẽ tìm đánh Mê Hạ » , máu sẽ chảy ra thay cho nước sông Mê đã cạn sạch trong cái lòng sông ráo kiệt. Mây càng sợ, bóp bụng định tâm nói trước với mẹ. Nghe Mây nói xong, Nguyễn-thị chỉ thở dài lắc đầu. Ðợi thêm một tháng, Mây cắn răng, mặt nhợt nhạt, ấp úng thưa với cha. Vừa nói được hai câu, Hà công đập ngay chiếc tách trà đang uống xuống đất, bảo :
- Nó người Táy, đâu phải người mình ...
Thuận tay, ông tát Mây một cái trời giáng, tiếp :
- Mày là con tao thì tao chọn rể¨.
Hà phủi tay chống nạng đứng dậy. Từ đó, ông cấm Mây xuống suối, ra lệnh cho Trần Trung dẫn tráng đinh đi kiểm soát nghiêm mật đập Cheo Reo. Trần Trung lòng vẫn yêu Mây say đắm, sai người mai phục định giết Ðèo Kha một lần, nhưng Kha thoát được. Về phía Mây, miệng ngậm tăm chẳng nói chẳng rằng, nàng không ăn không ngủ gần một tháng, thoi thóp nằm chờ chết. Nguyễn-thị quì xuống chân Hà công, xin :
- Nghiệp con nó thế, cấm thì nó chết mất, sau lại báo oán vào mình, xin ông nghĩ lại.
Hà công vào nhìn con gái, lòng hận như chính mình bị tình phụ, ứa nước mắt đi ra, bảo :
- Làm thế nào thì làm, nhưng ta thách cưới một thớt voi, sáu trâu, sáu bò, vàng hai mươi lạng và hai trăm thước lụa Hà.
Ðược tin, Ðèo Kha thừ người ra, bảo với Mây « ...chẳng phải chỉ bản Mê Hạ, cho cả hết Mường Rây dưới kia gọp lại cũng chưa chắc đã có đủ bằng ấy đâu ». Mây ôm lấy Ðèo Kha, miệng cắn vào vai đến bật máu. Ðèo Kha ứa nước mắt, lẳng lặng gỡ tay Mây rồi lủi thủi xuốâng dốc về Mê Hạ nói chuyện với chú. Ngay tối hôm ấy, Ðèo công cho mời ông Chao, rồi bàn tính thế nào, cả hai người dẫn Ðèo Kha lên gập ông Phìa chủ quản khắp Mường. Sáu ngày sau, Ðèo công xin đưa trước ba trâu, ba bò, và mười lạng vàng, cho Ðèo Kha lên làm ¨ côn hươu ¨ để thử rể, và hẹn sang năm sau sẽ nộp đủ lễ cưới Mây về Mê Hạ.
Ngày Ðèo Kha lên Mê Thượng là ngày Mây hoàn toàn bình phục. Mây ôm chân bố, hôn tay. Hà công lạnh lùng bảo :
- Ðủ lễ, cưới ngay, rồi mày cút đi đâu thì đi.
*
Ðèo Kha làm đủ việc phục dịch trong nhà, đêm ngủ ở quản, dưới chân nhà sàn, gần chuồng gia súc. Những đêm mưa rỉ rả, mùi phân trâu, phân lợn lẫn vào mùi rơm rạ ẩm ướt bốc lên thối đến phát ọe. Khi đó, Ðèo Kha đành mò ra chân sàn, quấn mình trong chiếc chăn đơn, thu lu ngồi trong mắt chờ sáng. Ðỉnh Giăng Màn, lúc ẩn lúc hiện, trở thành một người lỡ độ đường đến đánh bạn. Kha hỏi :« ... núi ơi ! Thế nào là tình yêu ? ». Một cánh chim đêm xào xạc đến trả lời : « ... là sự không bao giờ chọn vẹn ! ». Kha quát khẽ : « Ta đâu hỏi mi, ta hỏi núi... ». Nhưng đỉnh núi sừng sững cứ lặng im. « Có phải đó là sự cô đơn đôi lứa ? », Kha gặng hỏi. Ðỉnh núi sừng sững vẫn lặng im.
« Hay đó chính là vết cào của định mệnh ? ».
Ðỉnh núi vẫn lặng im. Run lên cầm cập, Kha biết vết cào đang ứa máu, kéo chăn trùm lên đầu, nước mắt trào ra, miệng lẩm bẩm : « ... Mây ơi, sao móng tay Mây dài thế ...».
Ðến lúc hương nồng thoáng chút mùi hăng hăng ùa vào mũi, Kha mới kéo chăn, ngoái nhìn ra sau. Nhẹ như bước chân hoẵng, Mây đã ra đó tự bao giờ, hai bàn tay lùa vào mớ tóc Kha còn vương chút sương muối giá buốt. Mây đưa ngón tay để lên môi ra dấu. Kha nắm lấy tay Mây, lòng bồi hồi, vết cào bỗng chốc lành lặn bằng phép lạ. Mở rộng chiếc chăn để Mây ngồi vào lòng mình, Kha không nói năng, hồn trầm lắng vào hơi ấm người yêu đang sưởi cả núi rừng Mê Thượng. Mềm nhũn trong vòng tay Kha, Mây chợt thấy mình bé bỏng, nhưng nỗi sợ hãi không biết thế nào cứ tan đi chứ không như lúc Mây luồn khỏi chăn rồi rón rén leo thang xuống, chỉ sợ đánh thức cha mẹ mình nằm ở trong góc sàn. Mây cởi khuy áo Kha, luồn bàn tay vào mơn man lồng ngực căng nức phập phồng trái tim đang bốc lửa. Không gian thu hẹp đến độ chỉ còn có hai người, mơ hồ khói sương bốc lên từ mặt đất ẩm ướt trở thành lớp tường thành vây bủa bảo vệ cho chuyện tư riêng. Mắt Kha lóa sáng, mũi chàng chỉ thấy hương nồng thơm mùi con gái dẫu rằng chuồng gia súc vẫn bốc mùi phân, và không biết tự bao giờ tay chàng xoay Mây ngồi áp mặt vào mặt, vào ngực mình. Mây ngây ngất bíu vào vai Kha, mặc để cái phần nhớt nhát của cơ thể mở ra đón nhận Kha, run rẩy, rồi hung bạo, như con lươn gặp cạn vùng vẫy trườn lách lên tìm sự sống.
Tiếng động dưới chân sàn kéo một người ra khỏi giấc ngủ chưa đủ say. Nhổm mình dậy, Nguyễn-thị ngó quanh, tai lắng nghe tiếng rên rỉ vọng lên. Mắt nhìn về phía Mây vẫn ngủ, Nguyễn-thị biết là con gái không còn đó. Ngẫm nghĩ một lát, thị lại nhẹ nhàng đặt mình xuống, nhưng Hà công vừa quay lưng lại, miệng lầu bầu, chắc lại sắp ngồi lên tìm chiếc điếu cầy. Nguyễn-thị chột dạ. Thình lình, thị ôm bụng Hà công, kéo vật về phía mình, động tác vừa nhanh, vừa quả quyết. Hà công ngạc nhiên nhưng chưa kịp hỏi thì Nguyễn-thị đã đè xấp lên, tay giật giải rút, tay kia nắm ống quần kéo xuống. Nhếch mép trong bóng tối, Hà công hai tay nắm lấy xương chậu của vợ, thầm nhủ « ...chắc mụ nó hồi xuân », rồi lẳng lặng nhấc hạ bộ Nguyễn-thị đặt lên trên người, cười ư ử trong họïng. Mặt sàn quậy lên gặp một cơn địa chấn, gỗ nở kêu răng rắc, và tiếng cười ư ử lát sau thành tiếng gầm gừ, rồi tiếng Nguyễn-thị kêu « giời ơi là giời ...».
Mây ghé răng cắn chặt vào vai áo Ðèo Kha, tai văng vẳng tiếng sáo đinh bia theo gió đưa về từ một miền xa lắc nào đó có tiếng gọi giời. Giặng Giăng Màn nhập nhòa trước mắt cứ nhô lên hụp xuống như lưng một con ngựa đứt cương đang lồng lên chở hết xương thịt Ðèo Kha mang nhập vào cái thân thể bần bật nhựa sống của nàng. Ðèo Kha bỗng ưỡn lên, miệng hự, rồi chân tay doãi ra, mắt dại đi. Mây cảm thấy mình vứa hứng trọn ngọn nước sông Mê tràn đến đập vào Cheo Reo, bọt trắng vỡ tung tóe, và tiếng gọi giời làm bầu trời vẫn đục nước bỗng xà xuống ôm ấp che chở nhân gian. Nàng mở mắt. Lay Ðèo Kha, Mây khẽ bảo : « Nhìn kìa ». Lẫn trong những hạt mưa là bụi kim cương lóng lánh đang hàng hàng lớp lớp rơi xuống bám lên đầu cây ngọn cỏ. Từ đỉnh xuống đến chân núi, Giăng Màn sáng lung linh bảy màu, bỗng chuyển động vòng quanh bản Mê Thượng như mọc cánh. Mở mắt, Ðèo Kha ngơ ngác. Mây hỏi : « ... có thấy gì không ? ». Chẳng hiểu nhìn thế nào mà Ðèo Kha se sẽ gật đầu, rồi lại nhắm mắt lại.
*
Cho đến hết mùa đông, Ðèo Kha mới bắt được nhịp sống « côn hươu », từng bước hội nhập vào một xã hội còn lạ lẫm. Có chuyện gì Kha cũng chỉ hềnh hệch cười giả lả, nuốt mọi nhục nhã đớn đau vào bụng, lúc nào cũng sẵn sàng làm vừa lòng mọi người trong khắp bản Mê Thượng. Trẻ con dậy Kha chọ chọe tiếng Kinh, cười ầm lên trêu chọc, mặc Kha cứ ngẩn người ra nhìn về phía Mây như cầu cứu. Chiều chiều, sau bữa cơm, Kha lại mang đinh-bia ra thổi. Tiếng sáo hay đến độ ít lâu sau cả bản đâm nghiện, vắng nó thế nào là cũng có người băn khoăn xáo xác đi tìm Kha. Một thời gian sau, hầu hết mọi người đều nhận Kha như người trong bản, trừ Hà công và dĩ nhiên là trừ Trần Trung, người đã phải lòng Mây từ lúc nàng mới mười lăm. Trung nghe không chịu nổi tiếng sáo, lên xin Hà công cho phép mình rời bản về xuôi. Hà công nhìn Trung đăm đăm rồi nói :
- Muốn có thì phải cướp. Có cướp được, ta cho cướp đấy. Việc gì phải vội đi. Mình mất người mất của chớ có phải kẻ cắp đâu.
Trung nghe hiểu, cám ơn Hà công.
Hai ngày sau, khi Ðèo Kha đang thổi sáo, Trung lại gần, mắt nhìn tròng trọc vào mặt, môi mím chặt, gân xanh nổi trên thái dương giật lên bần bật. Bất ngờ, Trung giằng cây đinh bia, quẳng xuống đất, miệng gầm gừ :
- Tao cấm mày thổi sáo !
Ðèo Kha nhìn lên, lẳng lặng nhặt sáo, bỏ đi không nói lại một lời. Từ đó, tiếng sáo bằn bặt đến một tuần trăng. Bọn con Hằng, con Hường đến chơi với Mây, tìm Ðèo Kha hỏi duyên cớ. Kha nhìn Mây, đáp :
- Sáo câm mất rồi !
- ???
Mây không nhịn được, bật miệng :
- Cứ thổi đi. Tiếng sáo sẽ động lòng trời.
Con Hằng chêm thêm :
- ... và cảm hóa lòng người.
Bọn trẻ con trong bản hùa vào :
- Anh Kha, thổi đi, tội tình gì chúng em chịu.
Thở dài, Kha nhìn quanh rồi nâng niu cây đinh bia, đặt lên môi, mắt hướng về phía núi rừng xa xăm. Tiếng sáo lại cất lên, nhưng có gì nghe như ngào nghẹn.
Tiếng quát giật giọng khiến mọi người thảng thốt nhìn lại, nhận ra Trần Trung vừa ở đâu xô ra. Không nhìn Mây, Trung rít lên :
- Ai cho mày thổi ?
Xông vào, Trung với tay giật nhưng Ðèo Kha đã nhanh tay giấu cây đinh bia ra sau lưng, lùi một bước. Khi Trung rút con dao quắm đi rừng ra thì mọi người đều chạy lại chen vào giữa. Trung hậm hực, cảm thấy cả bản đang bỏ rơi mình, quát nghẹn ngào :
- Rồi tôi sẽ giết nó ! Ðể xem ...
Mây lẳng lặng đứng nhìn Trung, nhìn Kha, nước mắt chan hòa nhỏ xuống mũi, xuống má. Nàng linh cảm rồi đây bất trắc còn nhiều, và bỗng nhiên nàng chạy đến quì dưới chân Trung, miệng van :
- Cho Mây xin, cho Mây xin ...
Không nhìn Mây, Trung quày quả bỏ đi. Tối hôm đó, Nguyễn-thị kể lại câu chuyện cho Hà công nghe, hỏi: «...nay phải làm sao ? ». Hà công lơ đãng :
- Chuyện trẻ con, không dính đến mình. Mặc chúng ...
Một hôm, Ðèo Kha một mình đi lấy củi trong rừng ven chỏm Vềnh. Ðang chặt, Kha thấy rờn rợn, vội cúi xuống thì một mũi tên bay đến cắm ngay vào thân cây. Kha luồn ra sau cây, lặng lẽ trườn mình như trăn, tay nắm đốc dao. Trần Trung bắn hụt, chồm lên cầm kích thận trọng bước tới. Vừa đúng tầm, Ðèo Kha xông ra đâm một nhát. Dao đi lệch đường, toạc rách áo Trung. Trung vòng người đâm ngược ngọn kích lại, gầm gừ, rồi quét ngang kích vào chân Kha. Kha ngã xuống nhưng lại lủi ra sau thân cây, thuận tay chặt một cành ngang dùng làm gậy. Hai người quần nhau không biết bao lâu, nhưng mãi đến giờ cơm chiều vẫn không thấy ai về cả. Hà công cho tráng đinh đi tìm thì thấy Kha bị đâm một kích vào đùi không đứng dậy được. Gần đó, Trung nằm sóng xoài, đầu dập nát, máu tươi còn loang đỏ trên đám cỏ xanh bị đạp nhầu.
Khi chôn Trung xong, Mây đặt một vòng hoa lên mồ, nước mắt ứa ra, khấn : «... sống khôn, chết thiêng, hãy về nơi cực lạc, xin đừng vì tình kia mà đeo đuổi ».
Tuy vết thương chưa lành hẳn, Ðèo Kha lấy cớ giỗ ông xin về dưới Mê Hạ. Ðèo công nghe Kha kể chuyệân xung đột với Trần Trung, thở dài rồi ôm cổ cháu miệng thầm thì. Kha chăm chú nghe, cứ lắc đầu quầy quậy. Ông nghiêm sắc mặt, tu một hơi rượu cần, thở ra rồi gằn giọng :
- Thế thì mày đừng đi nữa ...
Ðến lần thứ ba, Kha ôm lấy chân Ðèo công, rơi nước mắt thì thào thế nào mà mặt mũi Ðèo công rạng rỡ hẳn lên. Ông vội vã tìm gập ngay ông Chao bản Mê Hạ, rồi cho người chạy lên báo cho ông Phìa của Mường Rây. Hai ngày sau, ông gọi Ðèo Kha ra, nhỏ nhẹ bảo :
- Thớt voi có rồi, bây giờ chỉ đợi người đi dưới Kinh mua lụa về là đủ.
Hôm sau, Ðèo Kha lên đường về Mê Thượng.
*
Ðêm tân hôn được sắp đặt vào đúng đêm trăng tròn lần thứ bảy. Ngày trước đó, chính Ðèo công đích thân mang đủ lễ vật lên Mê Thượng. Thớt voi thách cưới là một con voi trắng đã dậy thuần thục. Ðèo công vỗ đầu nó cười bảo :
- Chủ mới đây, quì xuống.
Hà công chống nạng đu lên mình voi, rồi vỗ hai cái vào lưng, con voi đứng dậy rống lên, vòi vươn ra dài đến năm trượng. Hà nghếch mặt cười, oang oang nói :
- Ða tạ, voi này thì thật là xứng !
Lễ tơ hồng được làm ngay ngày hôm đó. Nguyễn- thị ứa nước mắt bảo con gái :
- Thế là mẹ con mình còn được ở với nhau thêm một ngày nữa.
Sáng hôm sau, người bản Mê Hạ ra về. Theo lệ Táy-khao, tối hôm tân hôn, mọi người phải uống thật say, rồi chú rể phải ¨ đánh cắp ¨ cô dâu mang về nhà chồng. Mây nghe vậy chỉ cười. Bọn con Hường, con Hằng, rúc rích, chỉ mạêt Mây bảo : « ... sướng nhé, chôn kim nay đà có chỉ, mà lại chỉ hồng, gớm ới là gớm, nhưng sướng ơi là sướng ! ». Trong bản, người ta vật trâu, vật lợn ra xẻ cho bữa tiệc ban tối. Những lu rượu cần bày lũ lượt trong sân nhà Hà công, bốc mùi ngây ngất nồng như khích động tiếng reo tiếng hò của bọn trẻ con nách cắp những bánh pháo hồng chỉ đợi dịp để đốt. Ðèo Kha ngượng nghịu khều Mây đi về phía sau quản.
Ngồi riêng với Mây, Kha ghé vào tai nói nhỏ. Mây bỗng đơ người ra, mắt ngước lên hoảng hốt nhìn Kha. Tròng mắt ngấn nước, Mây miệng mím chặt, lắc đầu. Kha lại nói. Mây vẫn mím miệng. Ðèo Kha rút dao cắt vào đầu ngón tay. Mây hốt hoảng. Nhanh như chớp, Kha nắm tay Mây liếc nhẹ đầu dao, ngón tay Mây chảy máu. Ðèo Kha áp tay mình vào tay Mây rồi đưa cả hai ngón tay máu me vào miệng mình. Mây khóc. Kha đưa hai ngón tay vào miệng Mây. Máu dây ra khóe miệng Mây, chẩy xuống hai vệt dài. Kha lại nói, mặt chan hòa nước mắt.
Trăng lên ngang đầu đã tròn vành vạch. Từ đỉnh Giăng Màn nhìn xuống, dãy Thiên Nhận xa xa được bao phủ trong màn khói sương, trắng tựa pha lê, lơ lửng nửa như muốn chìm xuống nửa như muốn bay lên. Chim muông xào xạc bay vù qua rục rịch bữa ăn đêm. Côn trùng bắt đầu nỉ non, và tráng đinh bản Mê đã có kẻ say khướt. Trong gian nhà họ,ï Hà công xếp bằng tròn ngồi giữa, bên phải là cây nạng gỗ mun, bên trái là Nguyễn-thị đương ẵm đứa con út tên là Lữ. Ngoài Lữ và Mây là gái đầu lòng, Hà gia đã sinh hạ hai đứa trai giữa. Thằng lớn độ mười tuổi, nhâng nháo tay với cần uống rượu. Hà công lừ mắt, nó nhanh như cắt ngồi lùi ra đằng sau. Thằng bé hơn, chắc độ năm, sáu tuổi, ngồi cạnh mẹ, mắt đảo lên nhìn mọi người, mặt lạnh như tiền trong cái huyên náo của những chiếu rượu có đôi người say đã ngã gập đầu xuống mâm. Trước mặt gia đình họ Hà, phía bên kia chiếu, là Ðèo Kha và Mây. Mây lại vào xách ra hai lu, một lu Mây đặt trước mặt Hà công, một lu trước mặt Kha. Hà công nghĩ thầm : « Thách cưới đến thế tưởng chúng nó sức nào lo được ! Mà thôi, số nó vậy » rồi xua tay, cắm cần vào lu rượu. Kha vái tạ, và nâng cả lu lên, nói : « Kha này bây giờ là con rể của Mê Thượng, nếu bố vợ tôi cho phép và cả làng ưng lòng thì xin ba tháng sau chúng tôi lại về đây sống với bản ... ». Nói xong, Kha tu rượu ừng ực, và ngã lăn ra chiếu. Trong số tráng đinh, một người cười ầm lên và bảo : « Say thế này thì đánh cắp thế nào được cô dâu » và giúp Mây dìu Kha ra chái sau nhà họ. Người ta lại hò nhau bưng thêm rượu và thịt trâu thui.
Có dăm ba người đứng dậy lảo đảo múa rồi hát theo điệu chầu văn bài «Giá ông Hoàng Mười về Hồng Lĩnh ».
*
Khi người tráng đinh vừa ra, Ðèo Kha nhỏm ngay dậy. Những lu rượu Kha uống chỉ toàn là nước lã. Kha nắm tay Mây, hôn lấy hôn để vào mặt, rồi kéo Mây mở cửa trái và lẩn vào bóng những cây rạc cạnh gian nhà họ, chạy về phía đình bản. Khi Mây thấy tấm bảng ¨ Cấm Nhập ¨, nàng khựng người lại, nhưng Ðèo Kha kéo nàng vào ngách Hang Sau. Hang tối mù mịt. Ðèo Kha đốt cây đuốc đã sắp sẵn mang theo. Dơi trong hang vừa bay ra toán loạn vừa kêu eng éc như lợn con. Kha cắm đuốc vào vách đá rồi hỏi Mây :
- Mây ơi, sách ở chỗ nào?
Bấy giờ Mây ngồi phệt xuống, thừ mặt ra, nước mắt chan hòa :
- Thế này thì em mất bố, mất mẹ, mất cả ba đứa em rồi !
Ðèo Kha hốt hoảng :
- Vợ anh ơi, có sách thì ¨ kíu ¨ được nước, khơi ¨mó ¨ đỡ được cho dân mường dân bản, làm phúc làm đức cho con cháu mình sau này. Xong việc, vợ chồng mình sẽ mang mười thớt voi, một trăm lạng vàng, một nghìn lạng bạc đến xin với bố mẹ Mây để tha tội ... Rồi Mây xem, tội sẽ được tha, Mây sẽ đẻ cho anh mười đứa con trai, mười đứa con gái... Anh lạy mình, mình ơi .. gấp đi, kẻo trễ, không đợi được nữa đâu!
Mây nhớ lại thuở trước khi ba đứa em ra đời, Mây được chiều vì là con một, Hà công đi đâu cũng cho Mây theo. Một hôm Hà công dặn Mây chơi ở ngoài rồi vào ngách Hang Sau. Mây không nghe, mò theo bố. Khi Hà công thấy Mây, ông đang mở mật kíp ra đọc. Phát giận, ông tóm lấy Mây, dang tay đánh vào đít, vừa gầm gừ vừa cẩn thận nhét quyển sách vào lại một hốc đá nằm khoảng ngang ngực phía bên phải bệ thờ thần Hang.
Mây ngước mắt về phía cái hốc đá, ngần ngừ quay sang nhìn Kha. Mặt Kha căng cứng ra trong niềm hoang mang, mồm tiếâp tục giục, mắt nhìn Mây cầu khẩn van lơn. Nàng đứng dậy, đi ba bước, đưa tay thờ thẫn chỉ. Ðèo Kha chồm lên, bới cục đá chặn hốc, thò tay vào, rồi rú lên, lôi ra cái hộp ngà. Mây nhìn Ðèo Kha mặt mũi méo xệch đi vì đau đớn và sợ hãi. Mặc bàn tay chảy máu như bị dao đâm, Kha tay kia mở hộp, nâng quyển sách lên ngang trán, nói : « Ðây, đây...» rồi hộc lên kêu trời « Ới Then ơi...Then !». Lưỡi Kha bỗng cứng lại, người ngây đờ ra, chỉ còn cặp mắt vẫn căng lên nhìn Mây, dãi phòi ra miệng, thều thào : «... Mây...Mây...». Mây hoảng hốt nhìn bàn tay chảy máu của Kha đang sưng vù lên và đổi sang màu đen sậm. Vực đầu Kha dậy, Mây cố tìm sự sống trong cặp mắt bắt đầu đang lạc đi, rồi trơ ra như mảnh thủy tinh vô hồn đục sệt của một cái chai vừa vỡ. Sự sống mỏng mảnh đó cứ lạnh dần trong vòng tay Mây cố trì kéo vô vọng. Tiếng vó ngựa dồn dập từ xa mỗi lúc một gần. Bản năng đẩy Mây bật dậy. Nàng vội buông xác Kha xuống, cầm lấy quyển sách kẹp chặt vào lưng váy chẽn, rồi dụi đuốc. Tiếng nạng gỗ chống lên nền đá đình bản nghe thình thịch. Mây lẻn thoắt ra ngách Hang Sau, chúi người vào một bụi cây, vừa lúc Hà công đến.
Nghe tiếng dơi kêu, Hà công đang ngà ngà rượu nhưng còn đủ tỉnh táo, đứng bật dậy, lẳng lặng ra trái sau. Không thấy Mây và Ðèo Kha, ông lật đật về sàn, sách theo cây mác rồi chống người vào nạng đu lên lưng con ngựa vẫn buộc ở lối vào. Linh tính báo điều chẳng lành, Hà công phóng thẳng đến đình bản, chống nạng đi ra Hang Sau. Ông thở hổn hển, bật hồng đánh đuốc lên, rồi kẹp vào tay nạng. Tay kia, Hà công lăm lăm giơ cây mác, bước từng bước vào ngách hang. Ông quát : « Chúng bay đâu ? con Mây đâu ...». Tiếng quát vọng ngược trở lại, ầm ầm đánh vách núi rồi văng ra xa tít tận góc rừng. Hà công vào đến trong hang thì chỉ thấy xác Ðèo Kha. Ông nhìn bàn tay Ðèo Kha nhiễm độc đen thùi, cười khẩy, lấy vải cuốn tay mình rồi cẩn thận thò vào hộc đá. Tiếng người lao xao nghe đâu đã gần, Hà công mím miệng, dắt mác vào người rồi lôi xác Ðèo Kha ra ngoài. Ðến cửa ngách, Hà công gầm lên, tay nạng dơ cao quật xuống đầu Ðèo Kha, rồi ngã bệt xuống đất. Tiếng xương vỡ rào rạo. Máu bắn lên miệng Hà công nhuộm đỏ những sợi râu chớm bạc. Khi bọn tráng đinh vây quanh, Hà công vừa thở vừa nói : « Nó định phạm luật Cấm Nhập vào hang, ta đánh chết nó rồi ».
Nguyễn-thị tất tả đến, hỏi dồn :
- Con Mây nó đâu ?
Hà thét lên :
- Bay đi bắt cho ta đứa con bất hiếu, bắt sống cũng được mà chết cũng được !
*
Ðợi cho mọi người đi hết, Mây chui ra khỏi bụi. Không dám nhìn xác Ðèo Kha đầu bị đánh vỡ toác ra, óc trắng lều bều như nổi lân tinh dưới ánh trăng, Mây vái ba vái rồi đi nhanh xuống núi. Nàng tính là bọn tráng đinh đuổi theo đường về Mê Hạ nên quyết định đi ngược về núi Bạch Tượng. Ðầu nàng lúc đó tỉnh táo đến độ nỗi căm hờn lịm hẳn xuống. Sống, phải sống đã. Sống để trả hận cho Ðèo Kha đã chịu chết hai lần, lần chết sau thân thể không vẹn toàn, đầu óc nát nhè dưới cây nạng mun đầu bịt sắt. Bây giờ về đâu? Về nơi nào an toàn? Làm sao trả được mối hận của Ðèo Kha? Mây nhớ lại đã gặp Ðặng-thị bẩy năm trước, khi cùng bố mẹ đến Nguyệt Ao để khẩn cầu một lời của Nguyễn công, kẻ người đời gọi là Cuồng ẩn. Bà lúc nào cũng dịu dàng từ tốn, hẳn có một sức mạnh tiềm tàng vững chãi tựa bãi bờ để thả neo thuyền. Sức mạnh ấy lại bất ngờ rõ nét hiện ra hệt như lúc Mây linh cảm khi nhìn trời rồi đoán ra mưa ra gió. Dịp cưới Mây, tráng đinh có mang thiệp mời đến Nguyễn Thiếp và về báo là gia đình Nguyễn đã lên trại Bùi Phong. Văng vẳng bên tai, Mây nghe như có tiếng Ðèo Kha giục, cứ đi đi, ở phía trước mặt kia kìa. Mây vật vờ nhắm đỉnh Thiên Nhận hướng tới. Sau hai ngày trèo núi, Mây kiệt sức ngất đi lúc nửa đêm. Sáng nay, trước mặt vợ chồng Thiếp, Mây gom hết nghị lực để kể cho hết mọi sự tình.
Thiếp thở dài nhìn Ðặng thị, rồi quay sang Mây, mắt dọ hỏi. Mây đập đầu xuống đất :
- Nếu đập Cheo Reo phá được, nước lại đầy sông Mê, thì chắc linh hồn Ðèo Kha cũng được mát mẻ.
Thiếp trầm ngâm :
- Tại sao Mê Thượng làm đập chặn nước ?
Mây không biết, chỉ vào quyển mật kíp :
- Tất cả mọi chuyện trước sau đều nằm trong này...
Thiếp đưa sách cho Mây, nhỏ nhẹ :
- Cháu mở ra mà xem.
Mây mím môi, mở sách, mắt ánh lên một niềm ngạo mạn khó định tên. Mây lật một trang, rồi hai trang, ba trang ... Mây luống cuống lật nhanh, lật nhanh nữa, mặt cứ tái dần đi, trở thành xanh mướt. Quyển sách chỉ toàn là những tờ giấy trắng có vân ngà, từ tờ đầu đến tờ cuối trốâng trơn không một chữ. Mây ngật người ra khóc, kêu lên :
- Trời cao đất dầy ơi ! Tôi mất chồng tôi vì một thếp giấy trắng ... Ðèo Kha ơi, làm sao kíu nước bây giờ ?
Mây lại ngất đi. Khi tỉnh dậy, Mây chạy ra ngoài thềm đập đầu vào tảng đá núi, mong thoát kiếp nhân sinh. Ðặng-thị kéo Mây lại được, nhưng những lời khuyên bảo cứ như nước trôi sông. Ðộng lòng thương đứa con gái vừa toan vất bỏ cái quí nhất là sự sống, Thiếp chau mày bực bội mường tượng ra những cuộc chém giết vì kíu nước. Thiếp băn khoăn không hiểu vì lẽ gì quan trọng đến độ đã khiến những kẻ xây đập Cheo Reo chặn nước từ hai trăm năm nay. Có thực chăng cái mạch rồng thiên hạ đồn đãi ở đất Hoan Châu ? Và nếu thực, liệu nó có liên hệ gì chăng với cuốn mật kíp mang hình dạng một thếp giấy trắng tinh không có đến một vết chữ ? Bao nhiêu câu hỏi ùa đến làm đầu Thiếp nóng bừng lên. Không cưỡng lại được một sự thèm muốn réo sôi trong lòng thôi thúc, Thiếp bật miệng:
- Thêm mọât ngày nữa, may ra ta có thể hiểu được những tờ giấy trắng trong mật kíp.
Suốt hai ngày sau, Thiếp lẳng lặng cầm quyển sách chăm chú nhìn từng trang, ngửi từng trang. Sáng ngày thứ ba, nắm tay Mây, Thiếp thở ra rồi nói :
- Cháu tạo nghiệp cho ta đây. Thôi, tờ cuối cùng của mật kíp có mùi dầu là. Cứ ngâm vào nước, ắt biết.
Mây xé tờ giấy rồi y lời, thấy hiện ra đồ hình nhìn đúng là những cục đá tảng xếp lại, dựa lên nhau, và một dãy chữ li ti « Thượng nhị hữu tam hạ tả tứ lục ». Thiếp chăm chú nhìn, lẩm nhẩm đếm rồi chỉ vào một nơi, nói chậm rãi :
- Chỗ này là chỗ phá được.
Mây quì xuống chân Thiếp lậy tạ. Khi ngửng lên nhìn, ánh lửa trong mắt Mây nóng đến độ có thể thiêu cháy được cánh rừng trước mặt chỏm Bùi Phong.
*
Ra bờ ao ngồi cạnh vợ, Thiếp vuốt tóc Thúc Khải đang chập chờn ngủ trong lòng Ðặng-thị, mắt hướng về phía đông nơi chập chùng rặng Thiên Nhận. Xa tít tắp, biển nhìn chỉ còn là một giải xanh lục chạy vòng theo chân trời. Ao đào năm ngoái, nay hoa súng đã nở, và những con chắm thả tháng trước thỉnh thoảng nhô lên đớp muỗi, làm vẩn lên những vòng tròn lan quanh ra từ những chỗ nước sủi tăm.
Mới chừng năm nay, cuộc sống của gia đình Thiếp đã thay đổi khá nhiều. Từ ngày thầy mình là Nguyễn Nghiễm được phong Tuyên phủ sứ Nghệ An, Thiếp cố tránh mặt, chỉ lên Tiên Ðiền hầu vào dịp Tết. Tết vừa rồi, Nghiễm lại nhắc chuyện bổng lộc : « Ðỉnh đương còn dành đó. Cứ một mình một ý không chịu nghe ai sao ? ». Khi Thiếp thưa : «Ấy vì đối với hành thạch, tôi vốn không có bụng mà thôi » thì thầy nổi giận lôi đình, lời lẽ đến độ tính cắt tình nghĩa sư môn : «...anh sinh ra, được học chữ thánh hiền, có công thầy công cha, sao cứ khăng khăng một hai là không có bụng với hai chữ công danh. Nhưng không công không danh cho khỏi lấm tay thì lấy gì mà giúp đời trong cái buổi nước đục này. Anh chắc còn nhớ câu Khuất Nguyên mượn ông chèo đò trên con sông Thương nói :
Thương lang chi thủy thanh hề. Khả dĩ trạc ngã anh.
Thương lang chi thủy trọc hề. Khả dĩ trạc ngã túc.
Nước đục ư , cứ dùng nó để rửa chân, rón rén sợ bẩn mà trốn tránh thì có khác gì như kẻ khiếp đảm cầu an. Anh không nghe thầy lần này là anh phụ thầy...Vậy thì từ nay chẳng có còn gì để mà cứ thầy trò như trước nữa ». Thiếp cắn răng: «...xin thầy thu xếp cho tôi được đem đạo nghĩa Trình Chu ra dậy cho đám trẻ vậây ».
Lúc ấy, đất Nghệ An có Nguyễn Diên và Lê Duy Mật làm loạn, phất cờ tôn phù vua Lê đã bị nhà chúa lấn áp hơn hai trăm năm. Nghiễm được cử đến xứ Nghệ chủ yếu để tróc nã loạn quân. Trước khi Nguyễn nhậm chức huấn đạo, Hoàng tôn Lê Duy Mật từ nơi đồn binh là Ngọc Lâu đến gặp, ý mong Thiếp hợp tác vì lẽ Trung Quân. Thiếp cúi đầu thở dài. Mật không nỡ ép, biết như vậy là dồn Thiếp vào cái thế phải phản thầy, quay qua hỏi chuyện thành bại. Thiếp cũng chỉ lắc đầu, không nói. Mật giọng luyến tiếc : «Trai thời loạn, sao lại xử mà không xuất ? ». Thiếp lại lắc đầu, chỉ tay vào đống sách Tính lý, Ngũ kinh, Tứ truyện, Chu lễ, Nghi lễ cận tư lục. Mật biết chí Thiếp đã quyết, cười nói đùa : « Sách nào cho kẻ chẳng được an nhàn này là sách phải đọc ? ». Thiếp nghiêm trang trả lời : « Sách Chu tử toàn tập ».
Ném một hòn đất xuống ao, Thiếp lặng lẽ nhìn những gợn nước lan rộng ra từng vòng để rồi tan biến vào cái bằng phẳng của mặt ao lặng lờ dưới nắng. Thiếp lẩm nhẩm như nói cho mình nghe « nếu lẽ là vô thường thì sự thường tại cũng phải có. Biến là biến bởi có sự bất biến. Ðạo khả đạo, phi thường đạo. Gốc ở bất biến mà biến, nhưng biến lại đồng thời bất biến vậy...».
Câu nói chưa xong, một tiếng nổ long trời lở đất vang lên từ phía rặng Giăng Màn. Thúc Khải khóc thét lên. Từ nhà trong, hai đứa bé chạy ùa ra, miệng mếu máo, mặt mũi tái mét ngơ ngác nhìn hết cha đến mẹ . Tiếng nổ từng đợt ầm ầm vọng qua vách núi Thiên Nhận chạy dọc suốt nam chí bắc. Chim kêu nháo nhác hàng đàn từ nóc rừng rạc bay lên đen nghịt cả trời. Tiếng hổ gầm, tiếng voi thét, tiếng khỉ vượn chí chóe, hòa vào tiếng lạo xạo như đá vụn rào rào rơi xuống làm không gian nứt ra những vực sâu tưởng chừng vô đáy.
Trời bỗng tối sầm lại, và từ phía biển những tia chớp xanh lè lóe lên xé dọc không gian thành muôn mảnh. Rồi mưa, bắt đầu nhẹ hột, sau cứ dần dần nặng hột cho đêán lúc tưởng cứ như là trời đổ chì xuốâng thế gian. Qua vài khắc, những hạt nước mưa hóa đá. Trời biến thành mầu sữa pha lê. Những cục đá to bằng đầu ngón tay cái rơi xuống nhìn hệt như những sợi dây thừng trắng căng giữa trời với đất, đẩy nhau ra rồi lại kéo nhau vào như một sự trói buộc không cưỡng lại được. Hôm ấy là ngày hai mươi ba cuối tuần trăng thứ tám.
Phải mất đến ba ngày, Thiếp và Ðặng-thị mới lợp lại được mái gianh đã bị trận mưa đá làm hư hại. Sau bữa cơm trưa, Thiếp bị máy mắt liên hồi. Bứt cuống lá cây thị trồng ở góc vườn phía trái gần bờ ao, Thiếp nhìn một chập rồi bảo vợ :
- ... Quẻ Hỏa Sơn Lữ. Cấn hạ ly thượng. Trên ly là hỏa, dưới cấn là sơn. Núi thì định nhưng lửa chưa biết đến chốn nào, nên gọi là Lữ.
Ðặng-thị bồn chồn :
- Thế thì lành hay dữ ?
Thiếp ngẫm nghĩ :
- Chưa thể biết được ! Nhưng nội nhật nay mai là có khách đến viếng. Mình làm sao có được rượu, được thịt thì hay !
Nói rồi, Nguyễn vào nhà đốt hương mở sách Chu dịch cẩn trọng đặt lên thư án.
*
Khoảng đầu giờ Thân, lúc mặt trời xế về Tây, tiếng xe thồ rầm rập dưới núi. Một lúc sau, Hà công tay chống nạng, tay cầm cương con ngựa ngang lưng có vắt một bọc vải điều, lên trại Bùi Phong. Theo sau là Nguyễn-thị ôm đứa con nhỏ, hai đứa con trai lớn và một tráng đinh cắp đao. Thiếp mở rộng cửa, vái một vái, rồi nói :
- Ða tạ Hà công quá bộ. Tôi đoán trước, đã sắp sẵn rượu thịt đây...
Hà ngạc nhiên, trợn mắt nhìn hai mâm đồng đầy những đĩa thịt gà, thịt lợn đã dọn ra để giữa chiếc chiếu điều trải trên phản gỗ. Không vái lại, Hà sẵng giọng :
- Chắc thầy cũng biết tôi vì sao đến đây rồi !
Trước lối xưng hô thay đổi của Hà, Thiếp chỉ cười :
- Bảo rằng biết, cũng đúng. Bảo rằng không, cũng chẳng sai. Hôm nay, tôi chỉ nói thêm một điều cho trọn vẹn câu trả lời ngài đã hỏi dăm bẩy năm về trước.
Hà công vội vã :
- Ðiều gì ?
Thiếp không trả lời, nghiêng mình chào Nguyễn-thị rồi đưa tay mời vào nhà, giữ thần thái ung dung tự tại. Hà ngồi lên chiếu, chưa kịp nói gì, Thiếp đã vừa dâng ly rượu vừa điềm đạm nói :
- Chủ mời, khách chớ từ. Xin ngài cạn chén.
Câu nói cố ý nhắc Hà tư thế của Thiếp, làm Hà chau mày nhưng vẫn đưa tay ra đỡ lấy chén rượu rồi uống ừng ực. Thiếp rót thêm chén nữa, rồi lại thêm một chén, và ngầm hiểu rằng dẫu chẳng thuần phục được người đã giết con hổ cái hóa tinh ở núi Giăng Màn năm nọ, cái họa manh động của một tay võ dõng chắc có lẽ đã giảm được ít phần đe dọa.
Uống đến chén rượu thứ năm, nước mắt Hà công đục ngầu ứa ra, chảy dài xuống hai má như nước vỡ đê. Ngay sau ngày cưới Mây, đinh làng Mê Hạ xô lên cướp được xác Ðèo Kha, rồi bị đinh Mê Thượng đánh bật lùi ra khỏi đập Cheo Reo. Ðể giữ bản, việc tầm nã Mây phải hoãn lại. Lần này, Mê Hạ đã liên kết được với Mường Rây bên cạnh nên số đinh trực chiến đông gấp ba, khí giới sẵn, gạo lương đầy đủ. Ít lâu sau, chúng kháo rằng đã bắt được mật kíp của Mê Thượng. Tin đưa ra, tráng đinh trên Mê Thượng hoảng lên, cả bản đòi Hà công tra mật kíp tìm cách chống giặc. Hà lúng túng chưa biết làm thế nào thì đêm hôm ấy mơ thấy Trần Trung mặt mũi máu me đến vái lạy :
- Hà công đập vỡ đầu nó, trả cái oán nó đập vỡ đầu tôi. Nay đến lượt tôi báo đền. Ngày mai ra quân cứ đánh bằng hỏa hổ, dầu thì đổ thêm lưu hoàng vào!
Sáng ra, nửa tin nửa ngờ, Hà công nói với bản đinh là mật kíp truyền cho đổ lưu hoàng vào dầu hỏa hổ, và chiều ra quân đánh xong rồi rút trong đúng hai canh. Quả nhiên, hỏa hổ trở thành vô cùng dũng mãnh, bất ngờ làm đinh làng Mê Hạ và quân Mường Rây hoảng sợ, tháo chạy lung tung. Nhưng vì hẹn chỉ đánh hai canh, đinh Mê Thượng lại phải rút về Cheo Reo, không đủ thì giờ thọc sâu vào bản dinh của địch. Hà công tức tối trong bụng nhưng ngậm tăm âm thầm trách mình và nguyền rủa thếp giấy trắng truyền đời. Ðịch lại hợp quân tiếp tục tấn công, xua voi tiến tới và dùng những chiếc mộc quấn lá dầm nước bùn để chống hỏa hổ. Hà công lùi, quyết định táo bạo là tản binh ra để trống Cheo Reo, rồi vòng mặt sau theo hai đường phản công vào lưng địch. Không thấy phản ứng, đinh Mê Hạ vào Cheo Reo, đặt bộc lôi, rồi cho nổ.
Ðập vỡ đúng lúc trời tối sầm lại. Nghe tiếng nổ, Hà công hiểu ra, ngửa mặt lên trời gào to rồi khạc ra một búng máu bầm. Vừa khi đó, cơn mưa đá đổ xuống. Hà ngẫm nghĩ một lúc rồi vẫn ra lệnh tập kích vào phía sau địch, đồng thời đích thân dẫn năm mươi tráng đinh gốc gác họ Hà theo dòng nước vừa tìm lại được lòng sông Mê đang ứa lên ào ào chảy xuôi về Mê Hạ. Hệt như những kẻ tử tù vừa phá ngục, nước quay cuồng nhẩy múa, thênh thang vỗ vào bờ đá làm bắn tung bọt trắng xóa hai bên bờ. Ðến một ngọn đồi trọc, Hà lấy thước đo ra, vừa đo vừa tính toán, rồi cau mày chỉ vào một vuông đất nằm cạnh cây đề cổ thụ, nói gọn :
- Ðào lên, đây là mả tổ chúng mày !
Ðêm hôm đó, mang đống hài cốt mới đào trở về đến bản, Hà họp Bản hội, tự tát vào mặt mình đến sưng húp lên như tai voi, rồi xuống chiếu mời bản lập Tộc thứ lên. Ngay sáng hôm sau, Hà mang gia đình và con cháu chính ngành mình xuống núi Giăng Màn, đi về phía Lạp Ðính. Ðược hơn mười dặm đường, cả đoàn đang đi bỗng nhiên khựng lại vì tiếng sáo đinh-bia ở đâu văng vẳng bay tới. Hà nghiến răng :
- Hỡi Ðèo Kha, Cheo Reo đã vỡ là mày toại chí rồi ... Ra đây đi ! Ta cho mày chết thêm lần nữa !
Tiếng sáo ngưng lại. Rừng sâu lại chỉ còn tiếng gió thổi qua những tàu lá rạc đâm nghiêng như mũi dáo, tiếng ve sầu hờn giận gió nồm bỏng lửa. Một tiếng cười lanh lảnh làm kẻ gan dạ nhất cũng chột dạ. Nhìn lên, ngang chạc ba một cành cây, Mây ngồi vắt vẻo, cười ngặt nghẽo rồi hát :
Gió giận cành đào
gió bẻ cành mai
Gió ơi gió
gió chẳng vì ai
Chỉ vì tiếng đinh-bia mà cứ một hai đọa đầy
*
Hà công tợp thêm một ngụm rượu rồi tiếp :
- Thế là hai trăm năm đi toi ! Hai trăm năm giữ đập Cheo Reo, chặn nước để đất bờ sông Mê khô cằn đi, khô đến độ lửa cuối cùng phải bốc lên. Ðủ lửa thì Rồng mọc cánh bay cao, họ Hồ phục nghiệp để rửa cái nhục phải đổi họ, đổi tên ...
Hà quay phắt lại nhìn hai đứa trai bảo :
- Chúng mày họ Hồ, cách đây ba trăm năm mươi năm ông tổ chúng mày đã từng dựng nghiệp đế, nhưng than ôi ! than ôi ...
Rồi Hà nức nở gào lên :
- ... chỉ được đúng bảy năm.
Hà im bặt một lúc, bỗng cười khềnh khệch, quát :
- Bảy năm, ừ thế mà đã đánh đến Ðồ Bàn, mở rộng giang sơn này ra tận hai vùng Nam-Ngãi. Ông tổ chúng mày gầy dựng lại cái thời mạt vận của họ Trần, nào là làm tiền giấy, nào lại sửa lại phép đo đạc, nào là phát ruộng cho người cầy. Ðấy thế mà đám hủ nho nó gập đầu xuống đất, chỉ thấy kỷ cương ở dăm câu nói suông kiểu quân, sư, phụ. Bọn giun dế chúng nó đứa thì tránh, đứa thì trốn, đứa thì xúi bẩy dân ngu đến chỗ thấy quân Minh vào xâm lăng mà chỉ trơ mắt ra nhìn.
Hà quay sang Thiếp gằn giọng hỏi :
- Nếu thầy sống cách đây ba trăm năm mươi năm, thầy sẽ xử sự thế nào ?
Với chiếc xe điếu, Thiếp châm thuốc rít, nước trong điếu reo lên như cười. Nhắp ngụm nước chè, Thiếp suy nghĩ một chặp rồi thủng thẳng :
- Danh phải chính, ngôn tất thuận. Trị dân không dùng thuật. Lập quốc phải lập từ lòng người. Xưa, Hồ tiên đế vừa thoán ngôi là xuống ngay, lập Hồ Hán Thương lên. Ðấy là vì biết danh mình chưa chính. Vì danh chưa chính nên mới xua quân vào đánh Chiêm, lập công mở mang giang sơn, rắp tâm vì cái công đó mà định danh cho họ Hồ ở đời sau. Nhưng có chiến tranh thì có kẻ cửa nhà tan nát, có người trận mạc thương vong. Như vậy, làm sao mà lấy được lòng người buổi đó ? Lòng người tan tác, ngắm sau chỉ thấy đánh Chiêm là gây ra xương rơi máu đổ , nhìn trước thì quân Minh ùa vào, cũng sẽ lại máu đổ xương rơi. Ðổ vỡ, trước sau toàn là đổ vỡ ! Ðổ vỡ đó cứu bằng gì ? Bằng lòng người. Muốn có lòng người, lại chưa đặng chính danh thì làm sao mà có được.
Hà trề môi ra, khạc đờm xuống đất, trương mắt nhìn Thiếp trừng trừng, rồi gầm lên:
- Kẻ thất phu này bây giờ mang hài cốt tiên di mà không biết đi về đâu đây ? Tội này với tổ tiên chỉ có cái chết mới đền bù được !
Vừa dứt lời, Hà vớ lấy cây nạng gỗ mun rồi cứ thẳng tay giáng xuống đất cho đến độ bàn tay cầm nạng toạc máu ra. Một lúc, Hà nguôi đi, ngồi thất thần hổn hển thở. Nguyễn-thị lúc đó quì xuống chân Thiếp thưa :
- Ân công, dẫu tôi là đàn bà, lời ngài dạy tôi cũng hiểu được năm bẩy phần. Tôi người họ Nguyễn-Hữu ở Hải Dương, Cầu là đường huynh, phiêu dạt đến đây rồi kết nghĩa phu thê với Hà công. Nay lại thêm một phen phiêu dạt, xin ân công vì ba đứa trẻ long đong mà chỉ cho đường đi lối bước.
Ðặng-thị bỗng chao người đi chực ngã, tay nắm vào vai Nguyễn-thị, mắt hoa lên, sự vật bỗng nhiên như hư như thật. Một sức mạnh vô hình nâng Ðặng-thị dậy, khiến cho quay về phía Thiếp. Ðặng-thị bất ngờ bật miệng :
- Xin thầy nó nghĩ cho, họ Nguyễn-Hữu là dòng hào kiệt, dẫu gì cũng chỉ vì nghĩa cả, đứng lên tôn phù nhà vua, lại lấy của phi nghĩa chia cho dân nghèo hai vùng Ninh, Hải. Vả lại, chuyện sông Mê không phải là mình không can dự.
Nói xong câu cuối, Ðặng thị chột dạ khôngï hiểu tại sao mình hớ hênh đến vậy. Vô lý hơn nữa, trước cái nhìn dọ hỏi của Hà công, chẳng hiểu ma đưa lối quỉ dẫn đường thế nào, Ðặng-thị thất thần đi như đi trong một cơn mộng du vào lấy quyển sách gáy da hai tay đưa lại cho Nguyễn-thị. Hà công chồm lên giằng lấy mật kíp, miệng gào :
- À, thì ra thế ... Nó có đến Bùi Phong này.
Hà xúc động, mặt tái mét, miệng khò khè thở tựa bị bóp tắc họng, mắt nhắm nghiền, đầu ngật ra sau như chỉ chực ngất đi. Quyển sách gáy da văng bắn xuống đất, nằm trơ trẽn như một bản án. Thằng bé lớn gọi :
- Cha, cha ơi ...
Thằng nhỏ hơn quắc mắt trừng lên nhìn Thiếp. Còn thằng Lữ, vừa thức giấc, cất tiếng khóc oe óe.
Cúi mặt, thở dài rồi đứng dậy bước ra ngoài, Thiếp nhìn về phương Nam. Khi quay vào, Thiếp đi thẳng đến ngồi trước thư án, mở sách, chậm rãi :
- Ngày hôm trước, tôi ngắt lá, lấy được quẻ Hỏa Sơn Lữ. Sau quẻ Phong, là Lữ. Phong là thịnh lớn, mà lớn đã cùng cực ắt đến nỗi mất chốn ở mà phải đi. Lữ, nghĩa là đã đến lúc đi làm khách. Cảnh đời có thường có biến. Việc người có cùng có thông. Ðến thánh hiền, như đức Khổng tuyệt lương ở Trần Thái, cũng có lúc đã kỵ Lữ. Nhưng đại nghĩa ở giữa tâm, không biến mà chỉ thường. Soán viết, Lữ, tiểu hanh, nhu đắc trung hồ ngoại, nhi thuận, hồ cương, chi nhi lệ hồ minh, thị dĩ tiểu hanh, Lữ trinh, cát dã. Ở đất khách, thế lực không ở mình, quá ty thời mắc lấy nhục, làm cao thời mắc lấy họa, cần nhất là giữ một chữ Minh. Tượng viết, Sơn thượng hữu hỏa, Lữ quân tử, dĩ minh thân, dụng hình, nhi bất lưu ngục. Núi có lửa soi sáng, quân tử xem tượng ấy bắt chước làm việc hình luật, soi xét bằng minh đoán, phán quyết cẩn thận. Tượng viết, đắc đồng bộc trinh, chung vô ưu dã. Tấn văn công ở tả huyện, mất ngôi bỏ nước chạy ra ngoài lưu lạc, chỉ có năm người theo hầu, vừa trung kiên, vừa tài giỏi, sau lại trở về Tấn làm bá chủ chư hầu. Ở vào quẻ Lữ, níu chặt hai chữ Trung, Nhu làm bùa hộ thân. Cùng thông đắp đổi, họa phúc cập kè, không ai cứ Lữ mãi, đừng quên hai chữ Trinh, Cát. Muốn cát phải trinh. Muốn vượng thì phải lấy lòng trung thực làm gốc.
Thiếp ngừng một lát, tay chỉ :
- Vả lại, cháu này đây tên là Lữ, ứng vào quẻ này từ ngày cháu mới đẻ.
Thiếp quay sang nhìn đứa bé năm, sáu tuổi. Nó vẫn trừng trừng nhìn lại, lửa trong mắt rừng rực tóe ra làm Thiếp quay mặt đi rồi hỏi :
- Cháu này khí tượng khác người, tên là gì ...
Nói chưa dứt lời, Thiếp xây xẩm mặt mày, ngã chúi người xuống đất. Câu Hà công vừa than « ...kẻ thất phu này bây giờ mang hài cốt tiên di mà không biết đi về đâu đây ? » bỗng vang lên trong đầu như đến từ một cơn mê sảng. Nhắm mắt, Thiếp lại thấy cái cảnh trên mây trong cơn động kinh ngày nào : một khoảng đất trống xung quanh là đồi núi, một con voi trắng đầu rồng đuổi đàn ngựa, đám dạt về Nam, đám dạt về Bắc. Ðầu như mụ đi, Thiếp nhìn Hà công chăm chăm, máy miệng nói:
- Về phương Nam, đến nơi nào đất cao mà bằng, xung quanh là rừng núi. Chỗ ấy phải là chỗ khi về không ai dám tới quấy phá. Khi đi thì nhanh chóng xuống được thành, và ra được biển.
*
Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời vừa qua khỏi đầu ngọn Lạp Ðính, gia đình họ Hà sửa soạn xuống núi Bùi Phong. Hà công chỉ vào bọc vải điều vắt ngang lưng ngựa, khạc đờm nhổ xuống đất :
- Thi thể con tiện nữ đây.
Nguyễn-thị nước mắt chan hòa, mở bọc vải. Tóc Mây xổ tung ra như một dòng thác đen tuyền cắm đầu đổ xuống lòng đất tìm về nguồn cội. Miệng Mây vẫn hé mở, để lộ cái răng nanh khênh khểnh, cứ như là đang cười trêu chọc. Trên ngực Mây, về phía trái, một mũi tên còn găm vào như đóng cọc. Mũi tên ấy bắn ra từ cây cung dài hai thước Hà công mang trên mình, xé gió rít lên tiếng nghiến răng oan nghiệp của định mệnh rồi vụt đi bay thẳng vào một trái tim đầy oán hờn. Nguyễn-thị xin cho chôn cất Mây trên chỏm Bùi Phong, nhưng Hà công làu nhàu gạt đi :
- Ta đem vứt xác nó cho quạ rỉa !
Bỗng thình lình, Hà tiện tay bồng thốc Thúc Khải lên. Ðặng-thị đi từ ngạc nhiên đến hoảng sợ, hỏi thất thanh :
- Ngươi định làm gì thế này ?
Hà công bất chợt vòng chiếc nạng đánh ngang vào một thân cây chè. Cây chè dập gãy làm đôi. Hà công cắn răng :
- Chúng ta còn dây dưa nợ nần. Lạp Sơn xử sĩ đã chỉ đường phá Cheo Reo, hài cốt tổ tiên nhà họ Hồ bây giờ lại phải tìm chỗ đủ lửa cho rồng bay lên. Chỗ ngài chỉ, chúng tôi không biết thực hư thế nào.
Hà im lặng một lúc, rồi nói như nói một mình :
- Họ Hồ bắt đầu từ nay đổi ra họ Nguyễn.
Chỉ đứa trai nhỏ , Hà tiếp :
- ... và tên mi nay là Nguyễn Quang Bình, chữ Quang đây là chữ đệm của Lạp Sơn Nguyễn Quang Thiếp, lấy đó mà đừng quên lời xử sĩ dạy. Còn thằng nhỏ này, ta đem theo làm con tin cho lời xử sĩ, nếu nghiệp đế mà thành thì nó sẽ được phong vương, còn không xác nó ta băm ra thành trăm mảnh.
Ðặng-thị xông lại định giằng Thúc Khải, nhưng Nguyễn-thị vội ôm chầm lấy, vừa khóc vừa nói :
- Em lạy bà chị, em sẽ trông nom cho cháu như con em đẻ, bà chị đừng cưỡng vô ích, chỉ lại gây ra thêm tội nghiệt mà thôi !
Thiếp nắm chặt hai tay, đứng trơ ra như tượng, nhìn con trong tay Hà đang khóc dãy lên, thấy mình bất lực đến độ chẳng bằng cái sâu con kiến. Mớ kinh sách trong đầu lúc này thật không bằng một cái dậm chân của kẻ vũ phu trước mặt khiến Thiếp thấy thèm chui hẳn vào lòng đất để chết, chết hẳn đi.
Hà công trừng mắt nhìn Ðặng-thị rồi ngó vào mặt Thiếp gằn giọng :
- Nhưng nghiệp đế đó, đến khi nào thì tái tạo được ?
Thiếp thả lỏng dần hai nắm tay, gượng cười, mồm mếu máo, nghẹn lời :
- ... khi thấy rồng bay lên .
Quay lại, Thiếp để tay lên vai vợ, đứt giọng nói với Nguyễn-thị :
- ... bà lấy mang theo ít sách để dạy các cháu và Thúc Khải. Bà nhớ cho là Trung, Nhu,Trinh, Cát. Sách đây có Tứ Thư , Tiểu Học, Ðại Học, Trung Dung...
Nguyễn-thị phục xuống lạy tạ. Phất nhẹ tay áo, không nhìn Hà công, Thiếp cúi đầu vào nhà.
Gia đình Hà công xuống núi. Dưới chân Bùi Phong, đám tráng đinh đã sẵn sàng quang gánh trên vai, rồi đoàn xe thồ bắt đầu rục rịch. Ðặng-thị bồng Thúc Khải xin đi theo một thôi đường. Ðến trưa, khi nắng vừa đậu ngọn cây thì bỗng chốc mây đen từ phương đông mù mịt kéo về. Trời nồm đến độ rờ lên lưng lên cổ tay nhớp nháp mồ hôi như nhúng tay vào dầu vào mỡ. Dừng lại ven con suối dưới chân núi Bạch Tượng, cả bọn mang cơm nắm ra ăn. Ðặng-thị ôm Thúc Khải trong tay, biết rằng giờ chia tay sắp đến. Nhìn con đang bắt đầu thiêm thiếp đi vì nóng và ẩm, Ðặng-thị ứa nước mắt linh cảm thấy rõ ràng lần ấp ủ Thúc Khải này là lần cuối cùng. Hà công ra lệnh :
- Cái gì nặng, vất hết đi.
Nói xong, Hà giằng mấy quyển sách trong bọc vải của vợ cười khinh bỉ thẳng tay ném vào góc rừng. Những trang sách rách rời ra tung bay thành một đàn bướm trắng sạc xào trong gió rồi rụng xuống nằm phục trên đám cỏ gai khô héo.
Cúi bồng xác Mây ra đứng trên một mỏm đá cheo veo, Hà công hai tay quăng xác Mây xuống suối, miệng cười ằng ặc như có người bóp vào cổ họng. Một tiếng đá ở lòng suối ngân lên rền rỉ tưởng như không bao giờ dứt được. Tiếng đá từ một cõi âm u không thủy không chung cứ văng vẳng lời hờn oán cho đến khi mưa đổ ào xuống.
Lát sau, đám con cháu tộc Hà, xưa là họ Hồ và bây giờ mang họ Nguyễn, lên đường. Thúc Khải, nằm gọn lỏn trong một cái thồ vắt vẻo phía sau một cỗ xe, kêu gào ngặt nghẽo. Ðặng-thị quì bên suối, rũ người ra khóc. Dưới suối, nơi xác Mây quăng xuống, chỉ thấy mảnh vải điều bọc thây đang bị hút xuống một cái xoáy nước sủi lên bọt trắng hệt như kẻ sùi bọt mép vì căm giận. Mưa vẫn xối xả trút nước lên núi rừng đã chuyển mình trở thành âm u dọa nạt những bóng người đang gò mình bước lên dốc cao rồi khuất nẻo. Ðặng-thị đứng dậy, vuốt nước trên mặt rồi lủi thủi một mình đi ngược về phía Bùi Phong.
Cho đến tận bây giờ, tức là quá hai mươi năm sau, mỗi khi cầm quyển sách gáy da trong còn trắng chữ mà Hà công vứt lại, Thiếp vẫn tủi thân khi hồi tưởng lại cái cảnh Hà công giằng phắt bắt lấy Thúc Khải, ngậm ngùi nghĩ về con sông Mê, cái đập Cheo Reo. Thiếp chua xót cho máu xương của đám tráng đinh, cả kẻ chặn lẫn kẻ kíu nước, từ hai trăm năm nay đổ ra chỉ vì nấm mộ họ Hồ cần đất cằn để đủ lửa cho thỏa giấc mộng rồng bay. Và nhất là Thiếp vẫn không thể nào quên được đôi mắt đỏ mọng lên như trái dâu rừng sắp rụng của Ðặng-thị khi bước qua ngưỡng cửa, cặp mắt nửa như chịu đựng, nửa như trách cứ cái nghiệp dĩ chẳng biết đã vướng vít tự kiếp nào.
Còn tiếng đá ven suối dưới chân núi Bạch Tượng, cứ mỗi tuần trăng lại một lần rền rĩ vẳng lên. Dân xã Nam Hoa cách con suối nửa ngày đường kể lại rằng chỉ đến năm Cảnh Hưng thứ bốn mươi tư, tức là khoảng hai mươi năm sau, tiếng đá ấy mới dứt hẳn.