TÌNH PHỤ
Nam Dao
Gửi NT MN
3-10-2003
Kịch bản này là duyên một cuộc gặp. Ðạo diễn hỏi, viết cho tôi, chỉ một vai, một màn, không cần đạo cụ. Và ở ngoài này anh khỏi lo chuyện duyệt, chuyện phê. Ðược! Nhưng đề tài gì? Tình yêu, dĩ nhiên.
Này, phải tình phụ mới làm thổn thức con tim những kẻ nhẹ dạ còn tin rằng có tình yêu.
Dăm ngày sau, kịch bản này thành hình. Ðẻ hoang, đứa con rơi chuyến đi xa này là một chuỗi những modulus, những khung chữ. Trừ cái khung cuối để kết, tất cả đều có thể xếp đặt trước, hay sau, theo cảm nhận của đạo diễn, và sau này có bị duyệt thì cứ cắt bỏ những gì thế quyền không thấy đủ chất hài. Kịch bản là thoại. Nhân vật, một người đàn bà. Ðối đáp với những cái bóng trong tâm thức, thoại thành đối thoại giữa bà ta với những nhân vật không có mặt trên sân khấu. Thay vào lời những nhân vật này, tôi chấm lửng … , lúc đó người đàn bà điệu bộ như đang nghe, và lời cho … thì do khán (độc) giả tưởng tượng. Tuy vậy, đây không phải là một đòi hỏi khó khăn, và vì đưa đẩy như thế nên tôi xin chia một phần trách nhiệm.
Kịch bản giữ tính trực tuyến cho bạn đọc khi đọc lần đầu. Nếu đọc lại, các bạn có thể chọn những modulus này theo con đường phi tuyến, đảo ngược thời gian và sự cố, tự tạo cho bạn thể loại mà những nhà phê bình hiện đại cho là hậu hiện đại, rất thời thượng, và nhất định là đầy ý thức sáng tạo, liên văn bản (với những câu hò mộc mạc), bắt chước Vật Lý học tiền bán thế kỷ 20 để có đủ hỗn loạn, gãy, què, bước ngoặt, trẹo chân, khập khiễng…và cả sự chông chênh khó hiểu của những ẩn dụ siêu hình, ám chỉ huyền hoặc. Tùy bạn. Tác giả viết cho một đạo diễn, mong kịch lên sân khấu, và tạo được không chỉ cứ là chữ-và-chữ-và-chữ…mà là những khóc, những cười trong kiếp nhân sinh.
Những khóc cười có thật.
*
Ðèn bật sáng trưng. Trên trần sân khấu, vô số những quả bóng màu trắng và đen, quả to quả nhỏ như những tinh cầu. Thổi không khí, làm gió, những quả bóng chao nhẹ, lững lờ. Thình lình đèn tắt. Nhạc cất lên rất thê thiết ( đơn tấu đại hồ cầm, chủ yếu tìm thanh âm trầm mặc). Ðèn sáng dần. Nhân vật là một người đàn bà trung niên, quần áo xộc xệch, tóc xõa, đứng bất động giữa sân khấu trước một cái micro bằng sắt, sáng lóa. Thình lình :
Người đàn bà (thét):
- Cứu tui với! Trời đất ơi…
Ðèn tắt ngúm. Nhạc vút lên thật cao, rồi lắng xuống. Và đèn lại mở, sáng dần, huyền hoặc. Người đàn bà nắm micro, nhìn trừng trừng vào, gằn giọng :
- Sao zậy? Anh nói yêu tui, sao anh lạnh như sắt như thép thế này? Anh là kim khí… Thế thì… Hay anh giả bộ lạnh lùng? (đứng xáp lại, ôm micro vuốt ve) anh ơi, em nè… ( áp ngực vào micro). Anh có thấy cơ thể em đang nóng rần lên đấy không? Vẫn là em nè, anh có nhớ chớ? ( vuốt ve micro ) … Trời đất, cương cứng vầy… Cái đêm hôm đó, cũng zậy… (mơ màng) nó zô, em đau mà đâu dám la, mắc cỡ thấy mồ… Em cắn răng, nhắm mắt, thấy mình thành đại dương để mặc anh vỗ như sóng vỗ. Trời gió. (ngước nhìn) Nhưng trời xanh và cao, mây dập dìu thành chim vỡ tổ, bay về bốn hướng, cánh đập lùa ra phía sau những sợi tơ trắng lững lờ. Em chao đi như nước, cuộn lấy anh, mặc anh ấp ủ, ôm ghì, cắn cấu vào vai, vào tay, thở hồng hộc như đánh nhịp cho những con thằn lằn tắc lưỡi trên những cái kèo vắt qua đêm.
(Nhạc lắng xuống, nàng bất ngờ hắng giọng) …Vậy mà bây giờ, anh thế đó! Lạnh ngắt như kim khí. Cương cứng mà không sựï sống, cái cương cứng đông lạnh, giá băng ở trong, ở ngoài ngay cả khi trời đất vẫn chỉ một mùa hè ( thở dài, im lặng ). Tất cả… tất cả phải lùi lại, phải quay về từ nguyên sơ... Làm người, vừa học vừa làm, từ đầu. ( thét lên ) Phải làm từ đầu ( đèn tắt, tiếng chiếc micro bị quăng xuống đất ).
Nhạc nổi lên, tiếng hát thơ trẻ văng vẳng ‘’bóng trăng trắng ngà, có cây đa to…’’. Ðèn sáng, người đàn bà ngồi, tóc vén lên, khuôn mặt hồn nhiên rạng rỡ :
- Thời đó, mình chút xíu à (giọng con nít)… nhỏ như mấy con gà con vàng óng, miệng chiêm chiếp kêu, lăng quăng chạy theo gà mẹ ( đứng dậy, khom người chạy bắt chước mấy con gà ) Cha chả… zuuii… thiệt ( miệng kêu, chiêm chiếp ). Trong sân, trời nắng tươi. Con chó bị xích, gầm gừ. ( cong cớn ) Nhưng tao khôn lắm kìa ( tay xua chó ), tao hổng thèm lại gần mày đâu chó ơi! Có sợ, là sợ con mèo đen thui hàng xóm. Mèo à! Tao có là chuột đâu mà mày rình… Rồi cứ zậy, hết mùa nắng. Tới mùa mưa. Mưa cũng zui. Anh Hai gấp thuyền, thả cho trôi sông. Chị Ba, chỉ dậy ca cải lương, ca mùi à nghen. ( Ðứng lên lấy điệu bộ, miệng ca ) ‘’…ấy bởi trời mưa mới bắc cầu Ô Thước, cho hai đứa mình zuyên phận lứa đôi…’’.
Còn má, má đi chợ, đợi bả zề là bữa mấy cái kẹo đậu phộng, bữa thì lại chút mứt bí, mứt gừng. (Im lặng, vẻ nghĩ ngợi) Ba thời đó uống nhưng chưa ngày nào cũng xỉn. Ba ôm, ba vuốt vuốt. Kỳ quá hà ba, bỏ tay ra, nhột.
Rồi, rồi… (mặt trơ ra, sợ hãi, tai lắng nghe. Tiếng xe cam nhông chạy, tiếng xích xe tăng, tiếng súng lớn, súng nhỏ. Tiếng người la, kẻ khóc…) Thế là rồi rồi. Anh Hai zô địa phương quân. Chị Ba bỏ lên thành phố. Ba xỉn từ sáng tới chiều tới tối tới đêm. Má đi chợ zề, không kẹo không mứt, chỉ biết la lối. Ba uýnh má. Má chưởi. Ba uýnh. Má la. Má cầm cây rựa. Chết bỏ. Ba loạng choạng bước tới. A… ( thét lên, ôm mặt, đèn tắt ).
A, a, a… ( im lặng, đèn sáng dần lên )
Ba ơi ba! ( khóc sụt sùi) Trời ơi… Má à, sao má không nói chi hết zậy? Nói đi, nói đi chớ! Không… (run rẩy ), không phải ( tay quơ lên ngang mắt, ngã ngửa ra say, thét ). Cái gì dính đỏ vầy nè… má ơi, ba ơi… ( đèn tắt ).
*
Tiếng đại hồ cầm vẳng lên.
Sau, tiếng trống solo… rời rạc bập bùng.
Ánh sáng: là ánh trăng màu vàng loang vết đỏ ứa từ trên cao nhỏ xuống như máu ứa. Văng vẳng tiếng mèo động đực thảng thốt kêu tựa tiếng trẻ sơ sinh.
Ðèn rọi vào người đàn bà, tay bịt tai, mắt nhắm lại, gồng mình, người oằn lên chịu đựng, mặt giựt giựt như sắp lên cơn động kinh. Thình lình, nàng bật dậy chạy đến cửa, tay đấm vào, kêu lớn :
- Mở, cho tui ra… ( người đàn bà húc vào cửa, dội ngược, ngã xuống, lại đứng dậy gào ). Cho tui ra, cho tui thở, cho tui… ( Tiếng nhỏ dần, bất lực… Tiếng mèo tiếp tục kêu. Lát sau, nàng từ từ ngồi lên, giọng cay nghiệt ).
Mày lại động đực, con mèo chó đẻ. (bắt chước, nhái giọng mèo, meo meo). Nè, mày tưởng tao là mèo đực hả? (lết lại chân tường, tiếp tục kêu meo meo) Meo, meo…(tinh quái thì thầm) Lại đây, nè. Ta là cái giống làm cho mày đê mê từ sự sinh thành ra âm ra dương. Mày vểnh đuôi lên, cong đít ra… ha ha ha. (hát như hát bội ) Meo, meo. Từ vô cực, sinh lưỡng nghi. Rồi từ lưỡng nghi, sinh tứ tượng. Tứ tượng, meo meo, dạng chân cong người… xù lông. Không không thành có, không có thành không, có không thành không… ha ha ha… Ta đây, mi đâu (nàng quằn quại, tay vuốt ve ngực mình, rồi cởi áo, tay thọc vào trong quần, người rướn lên. Ðèn tắt. Tiếng thở hổn hển, lẫn vào tiếng rên khoái lạc, rồi tiếng chép miệng, tiếng kêu ).
Chết, chết mất thôi ( lập đi lập lại, mỗi lúc một nhỏ ).
Tiếng thở, tiếng động đậy lắng dần.
Ðại hồ cầm cất lên, ai oán, lẫn vào tiếng trống bập bùng. Ðèn sáng. Người đàn bà ngồi lên, tay vuốt tóc, bơ phờ, giọng uể oải :
- Không không vẫn không. Có có, cũng không. Không có là không. Có không, không có… (cười nhạt) Cha chết, mẹ giết cha, bị ở tù. Anh Hai đi địa phương quân dẫm chông phải cưa chân, chị Ba lên thành phố cuối cùng đi bán thân vì xì ke ma túy. Nhỏ Năm mới chút téo à, phải bỏ học… Không biết xoay xở làm sao, hai chị em ôm nhau khóc mùi. Dượng Ba kêu, bay về ở đỡ nhà tao. Nhưng dì dượng nghèo lắm, bữa đói bữa no. Rồi ảnh tới! Ảnh lân la, lâu rồi quen. Ảnh biểu, anh thương em lắm. Giọng ảnh Bắc kỳ ngọt lịm. Anh ơi, em nói thiệt, thương nhau thì thành vợ thành chồng. Em hò cho anh nghe nè:
‘’ Hò ớ ơ ơ
con cá đối nằm trên cối đá
con chim đa đa đậu nhánh lá đa
Hò ơ ớ ờ
Chồng gần không lấy, sao em đi lấy chồng xa
Mai sau cha yếu mẹ già
Bát cơm trách cá, hò ơ ớ, chén trà ai dưng ơ ơ…’’
Người đàn bà im lặng như một pho tượng. Tiếng đại hồ cầm cất lên, rất nhẹ, luyến láy nhắc nhở. Ðưa tay vuốt mặt, nàng nói, giọng hồi tưởng, ngậm ngùi :
- Anh à! Anh biết đó, em thời cha mẹ không còn đây, lấy chồng xa em cũng ưng. Em còn nhỏ Năm… Nếu như anh lo cho nó, thời em xin làm vợ anh, suốt đời thương yêu anh. Ðược không anh? (nói hối hả ) Anh thương thì thương cho trọn, nghe! Ðược chớ, phải không anh? Ảnh nghĩ ngợi, nắm tay xoa xoa bóp bóp…Nói đi anh, nhỏ Năm nó còn con nít, em bỏ đi sao được cà? Anh à…Nói đi chớ! Trời đất…Ảnh mông lung nhìn giãy đèn chài trên sông. Suy tính chi mà lâu dữ…(giọng cầu khẩn) Trời thương Phật độ, giúp con…(thở dài, im lặng rồi thì thào) Con thương ảnh, thiệt tình!
Bất ngờ (giọng vui lên), ảnh bóp tay, xoay tui lại, ngó vô mặt, nói đúng hai tiếng : nhất trí! Nhất trí là sao anh? Là…nhất trí, em Tư. Ðể anh biên thư về anh xin phép cha mẹ anh. Ðược phép gia đình, anh sẽ xin phép Ðảng và rồi trình lên cấp trên. Bộ đội đảng viên mà em! Bây giờ hòa bình thống nhất rồi, đâu có phân biệt ta-ngụy, mà em cũng thành phần quần chúng tốt, chỉ có anh Hai là Ðịa Phương quân thì chắc không có vấn đề gì…
Trời đất chu choa ơi! Lại đợi, lại chờ…Lấy vợ lấy chồng mà phải ba cái giấy phép! (Bật khóc, bụm miệng hò, tiếng còn tiếng mất)
‘’ Hò ớ ơ ơ
con cá đối nằm trên cối đá
con chim đa đa đậu nhánh lá đa…’’
Ðèn tối dần. Người đàn bà gục đầu, hai đầu gối co lên, tóc xõa xuống phủ mặt.
*
Người đàn bà tóc xoã ngồi giữa sân khấu, miệng kêu ngày, đèn sáng. Kêu đêm, đèn tắt. Cứ thế, kêu đêm, rồi ngày. Cứ thế . Như không thể khác. Bỗng nàng đứng dậy, tay đưa lên trời, kêu :
- Ðêm ( đèn tắt )
- Ngày ( đèn sáng )
- Ðêm ( đèn tắt )
Ðến một lúc nàng kêu ngày, nhưng đèn vẫn tắt. Giọng thất thanh nàng thét trong bóng đen :
- Ngày
- Ngày
- Ngày
Nhưng đèn vẫn tắt trong tiếng khóc nức nở.
*
Người đàn bà nghe ngóng, mặt tươi lên, tay cầm như cầm điện thoại đưa lên tai, miệng vui vẻ :
- Rồi, rồi… Tui nghe rồi! Dạ, ông Trời. Dạ nghe! Bây giờ ông cho tui một cái định mệnh mới. Dạ… phấn khởi lắm, thưa ông! ... Tình xưa? (ngập ngừng, rồi giọng buồn buồn) …giải phóng nó rồi! Ảnh về quê miệt Thái Bình đó ông. ... Dạ, lấy vợ, có một đứa con rồi. Dạ…bây giờ ông Trời đặt đâu tui ngồi đó. Dạ…Trên Cai Lậy lựng (mắt trợn tròn). Dạ…tốt đẹp. Xứng đôi vừa lứa. Dạ, tui cám ơn ông Trời, tui hứa với ông là tui sẽ sống nếp sống zăn minh chớ không zian manh … Dạ, ông biểu, cứ sống thôi, cứ sống sót là quí lắm rồi ….Dạ, dạ nghe!
Thế là xong, đúng ý Trời, dượng Ba làm đám cưới cho tui với ảnh quê miệt Cai Lậy đó (đưa tay vuốt tóc, ỏn ẻn) Ảnh người mình, dễ thông cảm hơn, lại không cần giấy phép chi nhiều, chỉ đăng ký với Ủy Ban Nhân Dân xã là xong. Ảnh học tập cải tạo về, lang bang sất bất, nhưng đang kiếm việc. Hổng gì lo, ảnh trí thức, có trình độ, xưa thi rớt Tú Tài mới đi lính đó… (giọng bực bội) Thì lính ngụy chớ còn gì khác. Thời đó một nửa nước là ngụy hết trơn hết trọi, trừ mấy ông móc nối vô rừng. Mà móc nối, hổng dễ đâu cà! Phải gia đình cách mạng mới biết mà móc nối đó…
Thôi, chuyện xưa bỏ…(giọng dịu dàng) Ảnh nói, em Tư à, đưa nhỏ Năm lên thành phố, cho nó học nghề. Giờ này may gia công cho mấy công ty Ðại Hàn, Ðài Loan là ra tiền lắm đó. Cha chả…ảnh biết tính toán lo toan, mừng thiệt là mừng. Mà zậy là ảnh thương tui, nên ảnh mới chu đáo với nhỏ Năm…Cám ơn ông Trời, thiệt tui có phước! Tui cũng đi học, rồi hai chị em cùng đi làm. Còn ảnh, ảnh tùm lum, nay chỗ này, mai chỗ kia, chạy chợ hộc máu, nhưng kiếm khá bộn. Zậy là từng bước quá độ lên …có cái mà ăn, ổn định, không tụt hậu và rồi sẽ phát triển kinh tế như người ta…
Cám ơn ông, ông Trời! Giờ xin ông đứa con…Dạ, allô…dạ quên mối tình đầu rồi. Dạ, tui thề, tui hết lòng thương chồng, chăm chút từng xíu đó ông Trời! Dạ, công ăn việc làm tốt…dạ. Dạ biết! Dạ, thưa ông Trời! Xin ông đứa con trai…Ông cho, tui xin cúng ông một cái đầu heo…Thôi, dẹp là sao? Ông biểu Trời không tham nhũng…Dạ biết, nhưng cái đầu heo thì nhằm nhò gì! Có phải mấy công trình xây dựng tầm cỡ quốc gia quốc tế đâu…Dạ…
Thế rồi, cái bụng chềnh ềnh. Trời ơi, thằng nhỏ lâu lâu nó đạp nghe cái bịch! Chắc sau con tui làm cầu thủ bóng đá đó! Ảnh kêu, là con gái thời sao? Tui cười, xì, con trai mà, em biết. Sao biết? Cái bí mật những cuộc điện thoại viễn liên với ông Trời, tui giấu cho riêng tui, hổng nói. Tui ôm chồng, tui hun, tui hát :
‘’Cái con ngựa , ngựa ô
Em thắng kiệu vàng
Em tra khớp bạc
Lục lạc đồng đen
Búp sen lá rậm… Dây cương đằm thắm
Cán roi anh bịt đồng…Anh đưa nàng là về dinh …Anh đưa nàng là về dinh’’
Nè, bụng vầy leo lên nó bể a! Thôi nghen! Ráng chịu, ít bữa thôi mà… Chịu không nổi, cho đi chơi bời, nhưng phải cẩn thận mang áo mưa nghen, mắc bịnh là…tui thôi luôn đó! Ảnh cười. Tui cười. Bữa Chúa Nhựt, nghỉ làm, tui ra chợ có ý mua cho ảnh chút đồ lòng làm món nhậu. Trời nắng gắt, tui đi, men dưới hàng hiên… Chợ đông, thiệt zui, nhưng ngột. Ði về thôi, kẻo thằng nhỏ ngộp…Tui đẩy cửa, (hổn hển)... trời ơi đất hỡi, ảnh ...ảnh đang ... ( đưa tay lên bụm mặt) Ảnh kêu, nó rên…Còn tui, tui hét, bớ mấy người, mấy người là súc vật à!
Tiếng trống đánh lên, dậm dật, đổ hồi. Người đàn bà ôm mặt, thờ thẫn đi một vòng, rồi ngồi thụp xuống. Im lặng. Lại tiếng đại hồ cầm, lần này rè rè, khản đặc. Nàng với tay cầm điện thoại, quay số. Giọng rời rạc, nàng thều thào :
- Dạ, tui đây! Cả hai đứa bỏ đi rồi! Dạ…Ði đâu? Tui hổng biết, ông Trời à! Thôi, từ nay ông Trời khỏi gọi tui làm chi nữa!
*
Xe cộ rầm rập chạy. Tiếng hàng rong, lẫn tiếng người í ới nói cười. Người đàn bà ngồi xổm dưới một gốc cây, trước mặt là một cái hộp trên bày những bao thuốc lá. Bên cạnh nàng, một đứa bé cuộn tròn trong tấm chăn đơn, khóc oe oe. Nàng nựng :
- Thôi mà con, chuyện chi zậy mà khóc? (Ôm lên, đong đưa ru) Cho má xin nghe, ngủ đi nào…
Ầu ơ, ờ ơ ơ
Mây đưa con gió về trời
Gió bay xa lắc…ầu ơ ơ….để tui một mình
Ầu ơ, ờ ơ ơ…
Mấy ai giữa chốn nhân sinh
Có còn giữ được chút tình với nhau…Ầu ơ…
(Tay se sẽ đặt con xuống, mắt nhìn âu yếm) Con ngoan nghen con…Chỗ này nắng dữ ( ôm đặt qua một bên, mơ màng) Mới đây mà tám tháng rồi, lớn như thổi …(ngó trân trân) Mà sao càng lớn càng giống ông già… (Nựng con) Sau đừng có rượu như ngoại nghen con! Tội ổng, sau Giải Phóng ổng mới nhậu dữ zậy. Hỏi, ổng im re, lắc đầu không nói một tiếng (im lặng một lát, mắt nhìn con, giọng âu yếm) Nè, lớn lên má cho con đi học đàng hoàng. Học cho thành người, ráng tiên tiến, quàng khăn đỏ là thế nào sau cấp 3 cũng được zô đại học…Sau đại học rồi thì có giặc là trốn lính nghe con. Còn học, má nghe, học cái gì kêu bằng cơm-piu-tơ đó…Người ta đồn, bập zô máy là muốn gì có nấy. Lấy vợ lấy chồng cũng qua nó. Bấm zô, khai tuổi, học lực, sở thích, muốn đối tượng thế nào rồi OK hay GO là rẹt một cái, có năm, sáu người đúng chỉ tiêu, tha hồ lựa đó…Thế giới hiện đại thiệt! ( Khách tới mua thuốc, ngước lên) Chú lấy nửa gói 3 số 5… Dạ, nè chú. Không có mắc đâu, giá thị trường mà chú. Dạ… con tui đó. Ba nó chết rồi! Dạ ( cười cười) cái số phận nó zậy. Riết quen, ở góa nuôi con cho khoẻ. (Quay sang bên, nói với một ông khách khác) Thưa bác…như thường lệ hả bác. ( Tay đưa) Năm điếu Malboro heng... Cám ơn bác. Thằng nhỏ thôi khóc đêm rồi bác. Dạ…Hai mẹ con tui ở với dì với dượng, có người này người kia, cũng đỡ…(Quay sang bên kia) Thuốc gì em? Tao hổng bán, nhỏ xíu mà hút thuốc, hại lắm nghen em. Ăn kẹo không? Tao có suynh-gôm nè, không tính tiền. Mày hổng lấy! Không muốn em ghiền nên không bán, chớ đâu phải sợ em giật… (cười, nhìn quanh, thình lình la) Công an, chạy (hớt hải),,, Em coi chừng thằng nhỏ giùm chị…
Người đàn bà đứng lên, tay quơ cái hộp bày dăm bao thuốc lá, chạy ra sau. Tiếng chân người, tiếng í ới gọi nhau vang lên. Lát sau, nàng ra, mắt ngơ ngác, chạy lại gốc cây chỗ đặt đứa bé, cúi xuống bồng lên. Quay về phía sau, nàng ấp úng :
- Dạ thưa mấy chú, con tui. Tui lui cui chạy zô hẻm, có nhờ em nhỏ đây coi giùm… Zô hẻm làm chi? (lại ấp úng) Zô tính mua mấy cục nước đá, chớ không phải giấu gì đâu, mấy chú! Dạ, tui biết…Bán hàng trên lề đường là cấm. Mà tui có buôn bán gì đâu cà! Lần sau mấy chú hốt thằng nhỏ bỏ vô viện mồ côi? Trời đất ơi, mấy chú thương giùm chút, mẹ con tui là thành phần mẹ góa con côi, cực lắm …(tiếng khóc oe oe cất lên, nàng tay đong đua, nựng con) Thôi yên đi con, khóc mấy chú Công an quở bây giờ. Mấy chú hổng thương là chết đói đó con…Im , im đi…(Ngước lên nhìn, giọng van nài) Dạ, hổng bán mấy điếu thuốc thì lấy gì sống, mấy chú? Ði lấy chồng? Thôi mấy chú ơi, mấy chú thương giùm, bắt hai mẹ con tui zô tù còn hơn biểu tui đi lấy chồng, mấy chú à. Sợ lắm rồi. Cám ơn mấy chú, mấy chú thương tình cho…
Người đàn bà cười cười nhìn theo mấy chú Công an, ôm con đung đưa rồi ngồi xuống gốc cây. Tiếng còi xe Honda inh tai. Ðứa bé lại khóc. Phe phẩy quạt cho con, nàng nhỏ nhẹ:
- Nín đi con. Nín ngay, lớn lên má cho đi học cơm-piu-tơ nghen ( Dịu dàng ru)
Ầu ơ ớ ơ…
Sóng đưa , sóng đưa (mà) hoa súng trôi xuôi
Sóng đưa xa lắc …mẹ con tui giữa dòng…Ầu ơ ớ ơ…
*
Ánh sáng mơ hồ phủ lên sân khấu những luồng sáng mượt mà tơ lụa. Trên trần, những quả bóng có ánh lân tinh lung linh xao động. Nhạc chậm rãi, không vui không buồn, nhưng lắng xuống như lòng một con suối nhỏ. Người đàn bà quàng khăn voan trong suốt, tay ôm đứa con nằm trong một bọc vải màu vàng, cất tiếng ru:
Ầu ơ, ví dầu…
Cầu tre vắt vẻo chênh vênh
Vì con nên mẹ dấn mình bước qua
Ầu ơ ờ ơ
Sông sâu nước cuộn trôi xa
Dập dềnh là những kiếp hoa trái mùa…
Nàng đặt con xuống, dịu dàng, nói khẽ :
- Ngủ nghen con, cho má rảnh tay làm chút công chuyện. Nhà không có đàn ông, gì má cũng phải lo, cực thiệt cực. Lớn lẹ đi…dể má nhờ. Hai má con cứ sống như vầy mà vui…Mấy ổng đàn ông bây giờ có mười thì tới chín ông lúc nào cũng nhậu. (Cau mặt) Cứ như ông già ngày xưa. Sáng nhậu, trưa nhậu, tối cũng nhậu…. Ra đường, chỗ nào cũng quán nhậu, bia ôm, đế ôm, tới nước mía cũng có nước mía ôm…Nhậu rồi la, hét, chửi thề, bỗ bã, đập lộn, xỉn xỉn, xiêu xiêu vẹo vẹo có định hướng xã hội chủ nghĩa (thở dài). Thiệt! Từ Nam chí Bắc, nhà nhà nhậu, người người nhậu…
Người đàn bà đứng lên, tay gỡ khăn, lui cui đi lượm cái này cái nọ, thu xếp, dọn dẹp, lấy chổi quét nhà. Nhạc vui, trầm tĩnh, chịu đựng. Nàng mơ màng, nói :
- Lớn lên đi học cơm-piu-tơ nghe chưa. Muốn đi học thì phải giỏi, và cũng phải có chút vốn. Hai má con mình bán thuốc lá, thêm được chút tiền, má sẽ mua cái quầy hàng đàng hoàng, khỏi phải chạy Công an. Tối tối, má học thêm tay nghề may áo kiểu, quần bò, váy đầm… Bây giờ người ta mốt lắm đó con, trưng diện như tài tử Hồng Kông, quần xệ rốn hở coi thiệt là động tình. (Ði về phía đứa con, cúi xuống).
Mà nè, ủa… (giọng hốt hoảng), cái gì vầy nè? Trời đất quỉ thần, sao sán lải nó chui từ miệng con ra nè! (Ôm lấy con, nâng lên, thét) Sao zậy con, con ơi, sao con xanh lè zậy? ( Tay móc giun sán từ miệng đứa bé ra, liệng xuống đất hàng vốc) Thở đi con, con ơi…Trời ơi, nó chun ra lỗ mũi, lỗ tai con tui vầy… (Ghé miệng vào mũi đứa bé mút, rồi nhổ ra phì phì)
Người đàn bà tiếp tục ghé miệng mút giun sán đang chui ra lỗ mũi, cổ họng khiến đứa bé tắc thở. Tiếùng nhạc dồn dập vang lên chấn động chín tầng thinh không, nhưng chẳng làm sao đánh thức được những thiên thần đang ngủ quên trên thượng giới. Nàng thất thanh gào :
- Con ơi, thức dậy đi cho má, con ơi! Sao con lạnh ngắt thế này, hở con….
Tiếng kêu lặp đi lặp lại, yếu dần, rồi lặn vào tiếng đại hồ cầm tấu lên trong sự bàng hoàng ghê rợn đổ xuống thế gian. Người đàn bà lả đi, nằêm phủ phục trên nền đất, tay giơ lên cầu cứu trong lúc ánh đèn sân khấu chuyển sang mầu huyết dụ trước khi tắt phụt.
*
Người đàn bà ngồi, mặt hướng về phương Tây, đốt nhang, vẩy cho tắt, cắm vào bình. Chắp tay, nàng khấn, lát sau gập người xuống vái. Quay về phương Ðông, nàng ngước lên nhìn, chậm rãi :
- Bạch thầy, thế là thế nào? … Là nghiệp! … Nhưng nghiệp gì? ….Sao, thầy nói sao?…Tích tụ từ muôn kiếp trước?…Là nợ….Bây giờ trả nợ! Nhưng trả cho ai kià thầy? …Trả cho sạch ân oán ràng buộc! Ờ, thế vậy cái nghiệp của thằng nhỏ hai tuổi, sanh ra mất cha, mẹ đầu tắt mặt tối, là nghiệp gì? ... Mấy con sán con lải bò từ bụng thằng nhỏ bò lên, bịt cho nghẹt mũi, tắc họng, bắt chết là nghiệp gì? …(nàng lắng nghe, lắc đầu quầy quậy) Bạch thầy, cái gì thầy cũng biểu từ kiếp trước, luân hồi nhân quả…(bật khóc) Con thấy, trong cái kiếp này thì nghiệp của nó là nghiệp người nghèo. Không nghèo, đâu có ăn bậy ăn bạ cho sán lải nó chui vô đẻ trứng trong ruột. Không nghèo, có tiền đi bác sĩ, uống thuốc thì cách nào ký sinh trùng sống được trong bụng….(lắng nghe, thở dài, mất kiên nhẫn) … Thầy biểu con vừa đúng vừa sai là sao thầy? À…đúng … là đúng cõi này ( ngơ ngác). Sai là sai ở cõi khác , vô thủy vô chung , trùng trùng duyên khởi! ... Và rồi, đúng-sai cũng chỉ huyễn hão, trăm sự về một chữ không, là hư vô! Ðó cũng là chân lý. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng… Lạy Phật chứng giám, con lòng thành kính yêu chư vị tăng ni, nhưng cái món lẩu hư vô, con thấy nó…Dạ, thầy nhắc lớn lên một chút…Dạ, không phải là lẩu! ... Sao không phải là lẩu mà cứ bắt chúng sinh ăn hoài zậy thầy?…Dạ, con nhắc lời thầy xem có đúng không nghen. (Ðọc ê a) Lấy oán báo oán, oán ấy nhập nhằng, lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan….Dạ, không phải nhập nhằng mà là oán ấy trùng trùng. Trời đất, như cái duyên khởi, biết đâu mà mò hở thầy? …Hư vô? …Hư vô trong cuộc tồn sinh? Nó không là lẩu, cũng không phải đồ nhậu…Nhưng không ăn, sao tồn sinh được cà? ... Dạ, thầy biểu hư vô thì phải đi hỏi ông nhà thơ. Ổng ở đâu, thầy? ... Ðống rác chợ Trương Minh Giảng, đúng ngọ. Dạ dạ …
Ðèn tắt, tiếng guốc kéo lê trên sân gạch nhà chùa. Tiếng huýt còi, tiếng xe, tiếng rao hàng… vang lên, to dần, choáng ngập không gian. Khi đèn bật sáng, người đàn bà đừng trước một đống rác khổng lồ, đầu ngửng cao nhìn lên, nói thật to :
- Thưa nhà thơ, chùa Vĩnh Nghiêm giới thiệu nhà thơ cho em, em có đôi điều muốn hỏi…Nhà thơ nói lớn lên một chút, ồn quá, em nghe không rõ….(ngiêng tay để vào tai, đầu ghếch lên) Nhà thơ nói sao? ... Rằng nhà thơ là chuyên gia những vấn nạn tồn sinh, tồn lưu, tồn hoạt, tồn thể và…luôn cả tồn lo. Dạ, em nghe, phải đọc ngược lại hay lái đi…mới hiểu hết ý... Ðiều em thắc mắc là hư vô trong cõi người ta. Em biết nó không phải là lẩu hay đồ mồi để nhậu! Dạ…nó cũng không phải là phá lấu…Nhà thơ khen em giỏi…em cám ơn nhà thơ, nhưng em vẫn chưa hiểu chi hết! Nhà thơ nói gì? ... Có phải em đang mắc tồn lo nên tới xin gỡ rối tơ lòng để quẳng gánh lo đi mà vui sống? Không, không phải thế, em có còn ai nữa để mà lo cho đâu! ... Thế thì em muốn hân hoan nụ đào trao gửi cho người tình chung? Cũng không, nhà thơ ơi, nhà thơ nói nghe lãng mạn lắm, nhưng đời em hết rồi! ... Hết…dạ, trăm phần trăm!…Thôi, nhà thơ đừng giận, hét lớn thế người ta bu vô coi, kỳ lắm! ...Ðời hết, cuộc tồn sinh cáo chung, hết hân hoan? Dạ…em hiểu. Còn tồn sinh, tất …cái gì…tồn hoạt, ắt đặng hân hoan? Vậy là sao, nhà thơ? ... Dạ, nhưng hân hoan một mình rầu lắm. Bây giờ con em chết, chồng em bỏ, còn nhỏ Năm, nhỏ em …Dạ…nó kêu nó lấy chồng Ðài Loan, viết thư về xin lỗi, còn hứa là sẽ gửi đô về cho em ăn Tết năm nay…Ba em? Ổng bị má em chém chết hồi nào đến giờ rồi! ... Còn má, má ở tù, nhưng chưa mang ra xử… Ðó, mọi người phụ em, thế có phải là hư vô trong cuộc tồn sinh không, nhà thơ? ... Không phải! Sao biết được nè? Phải hát mới hiểu…Nhà thơ hát trước, em hát theo nghe (Tay đánh nhịp, miệng đếm một, hai, ba…Tiếng ghi-ta nhịp cho bài hát quen thuộc)
Gia tài của mẹ, một bọn lai căng
Tiếng còi Công an bất chợt rít lên từng hồi, kèm vào tiếng quát tháo nạt nộ. Người đàn bà run giọng, tiếng còn tiếng mất, đáp lời mấy ông Công an:
- Dạ, tui tới hỏi ổng (tay chỉ lên đỉnh đống rác) thế nào là hư vô trong cuộc tồn sinh. Ổng biểu ổng là chuyên gia. Dạ…mấy đồng chí nói sao? Ổng điên…Thiệt không cà? ... Mấy đồng chí bắt tui? Tại sao? ... Tui cũng điên! Tội nghiệp, tui không điên đâu! Tui chỉ đi tìm xem cái hư vô của cuộc tồn sinh nó ra sao, thế thôi. Ông thầy chùa Vĩnh Nghiêm kêu đó là chân lý. Tui đi tìm chân lý… Tìm chân lý là điên? Rồi, (tay chỉ nhà thơ) ổng là chuyên gia chân lý thì ổng có điên không? Sao mấy đồng chí không bắt ổng? ... Bắt nhiều lần rồi, bắt rồi thả, nên bây giờ ổng tự do. Vì phải để ổng tự do. Chu choa, hay thiệt…còn tui mới tìm chân lý lần đầu nên bị bắt, mất tự do. Tui tái phạm tội tìm chân lý nhiều lần, là rồi tui cũng sẽ tự do như ổng (tay lại chỉ nhà thơ). A, có lẽ nào hư vô trong cuộc tồn sinh là từ đó? Thiệt rắc rối…( hất tay, cau có) ê ê …mắc mớ gì mà còng tay, tui theo mấy người về Ủy Ban, hổng phải làm chi mà dữ zậy. Ðừng quên Công an là bạn dân nghen…Thôi em đi ( nhìn lên đống rác, vẫy tay, cười buồn), nhà thơ ở lại!
*
- Nè, mấy người có nghe không? (người đàn bà lắng tai, mắt ngước lên) Tiếng sâu chìa khóa. Ổng đi đâu nó leng keng tới đấy…Nghe đi, nghe giùm đi mà…(Rón rén đứng lên, đi về phía cánh cửa, áp tai vào rồi thì thào) Ðó, đó ( lấy tay đẩy khẽ vào cửa) …Ðúng là tiếng chân người , tiếng chìa khóa đập vô nhau. ( Mắt sáng lên, chân lăm le) Ngoài kia, chắc trời sáng rồi…Chao ôi, tui thèm hít thở không khí như thèm uống nước (hít vào thở ra phì phò)…Sao không khí mà ngọt thế này, mát đã đời, thơm ngon …(nhắm mắt, tiếp tục hít vào thở ra).
Tiếng leng keng rõ dần, như đệm cho một bản quân hành. Rồi tiếng chân rầm rập rộn lên, lát sau xa dần. Tiếng ho khan. Người đàn bà áp tai vào cửa, nét mặt khẩn trương. Nhưng cuối cùng, chỉ còn lại một sự im lặng tuyệt đối. Nàng đẩy cửa, đẩy nhẹ rồi mạnh. Cánh cửa bất động. Nàng thét, mở ra, mở ra…tiếp tục oằn người đẩy. Vô phương. Cánh cửa im lìm thách thức. Nàng hực lên khóc, lùi ra xa lấy đà, phóng mình lao vào húc cánh cửa, ngã dội ngược. Một lần, hai lần, cứ thế cho đếân khi nàng nằm dài trên thềm gạch, kiệt sức. Chỉ còn tiếng khóc tức tửi. Lát sau, nàng cố sức ngồi lên, máu trên trán từng giọt nhiễu trên mặt, tay quờ quạng với lên trời, gào :
- Ngày (đèn tắt)
- Ðêm (đèn bật)
- Ngày (đèn tắt)
- Ðêm (đèn bật)
- Cứ như thế cho đến một lúc giữa ngày-đêm-tắt-bật mỗi lúc một nhanh và chẳng còn theo một trật tự nào nữa thì có tiếng chân xột xoạt và tiếng rúc …
Trong bóng tối, nàng rú lên kinh hoàng:
- Quỉ thần, gì nè? Ây, ây…Chuột (nàng lết đi, gượng đứng lên, quờ quạng nhưng lại ngã xuống, miệng kêu) Ði đi, lũ khốn nạn…(Tiếng chuột kêu chít chít khắp nơi) Ðừng chun vô quần tao, leo lên bụng tao…Quỉ thần ơi, đừng cắn tao, đau lắm…Sao chỗ nào cũng chuột, chuột, chuột thế này hả ông Trời? Á á…mày tính chun vô miệng tao à? (Tiếng chuột kêu chít chít lúc một khủng khiếp) Á (tiếng nghẹt cuống họng) a a mày chạy xuống bao tử. Mày theo đường ruột non, xuống ruột già, chui ra lỗ đít rồi…mày lại chạy vô tử cung tao. Loài chuột khốn nạn này…Chuột, chuột, chuột… Con mèo bữa nọ đâu rồi ( giả tiếng mèo, kêu meo meo) Cứu tui với, cứu tui với .
Ðèn thình lình rọi lên, tập trung chiếu vào người đàn bà nằm ngấr xỉu, chân tay duỗi ra như đã chết. Tiếng đại hồ cầm rên rỉ. Từ xa, tiếng chìa khóa leng keng lại cất lên văng vẳng. Ðèn mờ dần, lịm tắt.
*
Sân khấu trong ánh đèn vàng như ánh trăng ứa máu. Người đàn bà quờ quạng tìm một chỗ dựa, cuối cùng nép mình vào một cái cột (không có thật). Tay xua, nàng hổn hển :
- Thôi, đi đi…Cứ ngày rằm là tới quấy tui. Âm dương đôi bờ cách trở, sao không để cho tui yên…(tay vuốt tóc, lắng tai, giọng sợ sệt) Ờ thì rằm tháng bảy, nhưng trong này làm sao có cháo thí cà…Ra ngoải, người ta cúng cô hồn, tha hồ…Ði, đi đi ( Tiếng mèo gào, người đàn bà bịt tai, rên) Lại nó, con mèo động đực chó đẻ! (nàng ngồi xuống, nhìn ra cửa) Coi kìa, lũ chuột…Nghe tiếng mèo kêu tụi nó không thèm chạy, kỳ cục…Mà rồi tụi nó chạy, nhưng sao lại chạy về phía có tiếng mèo? (đứng dậy, loạng choạng).
Uả, ai vô đây vỗ vai tui ? Nói chi đó? Ơ…má đó à? Má biểu sao?… Án xử xong rồi, tử hình… Trời đất! (bưng mặt khóc, lát sau, giọng trách móc) Ai biểu má kêu má tính giết ba cả mười mấy năm…Zậy là cố sát đó má…Má không hiểu? Tức là giết người có kế hoạch chớ không phải lỡ tay. Như zậy, tan cửa nát nhà, như chuyện kế hoạch kinh tế mười năm đó má…Ở bển có zui không má? Thiên cơ bất khả lậu! Sao má nói gì….Con hổng hiểu, bộ bển người ta cũng nói tiếng Tàu hở má? Ðây thì tụi nít gái đi học, đứa nào đứa nấy mơ lấy một tấm chồng Ðài Loan đó má.
Mà nè, ba, có phải ba không nè… Ba vô đi, đứng xớ rớ đó làm chi cà...Thôi nghen, đừng kiếm chuyện cãi lộn với má đó nghen…Bả bị tử hình, ân đền oán trả rồi … Hổm, ông thầy chùa kêu, lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan đó ba. Ba cười huề với má con đi… Còn má nữa…Ba cười rồi…Ôm hun nhau đi! Rồi…má biểu sao? Con Năm sắp tới?…. Kỳ zậy, nó lấy chồng Ðài Loan, viết thư hứa gởi cho con ít đồng đô ăn Tết từ năm ngoái, nhưng chờ riết mà không thấy gì! …
Ai kéo tay tui vầy nè… Năm hả? Sao em ở đây hè? … Mày nói chi? … Chết rồi! (Tay ôm lấy mặt, thút thít) Sao em, mày sang được xứ tự do rồi cơ mà … Sao? nhắc lại coi ……Ở bển, tụi nó bắt mày lấy cả nhà tụi nó? … Từ ông nội nó, cha nó, tới nó và cả hai thằng em trai… Chưa hết? … Thằng con trai lớn của nó năm nay mười sáu tuổi! … Ðúng là người bóc lột người ! … Mày nói sao Năm … Không bằng con chó! … Rồi mày chết ra sao, kiệt lực hả? … ( Tay giơ lên với lấy khoảng không trên đầu víu xuống) Trời ơi, em Năm của chị, em treo cổ ( khóc nức lên) … Chị Tư không giận gì em nữa đâu, mày dại thôi, chị quên tuốt luốt rồi đó em … Ờ, thời đó mùa hè nắng cực, chị mang bầu mà thằng chồng chị thiếu nhân cách dụ dỗ em còn con nít…
Ủa, mà sao nó cũng tới đây nè ( quay nhìn, tay đẩy về phía trước như cản) Ðừng tới gần … Năm, mày ở cõi nào cũng phải dè chừng thằng chả nghe em, đừng dại … ( Quay ngoắt người, miệng chu ra, mặt hất lên) ... Thôi đi cha, đừng xuống nước than van chi cho mất công! .. Cũng vì đế ? Ha ha… Cái gì cũng đổ cho đế, đế tây, đế ta, đế quốc lủi, đế quốc doanh , đế quốc Mỹ… Ai bắt uống cà? … Thế sao mà chết? … Ði buôn lậu bị lính Miên bắn ở biên giới ! … ( tiếng mèo gào lại cất lên) … Tha tội cho anh? Sao nghe ngọt xớt zậy (miả mai) … Tha thì tha, lấy oán báo oán, oán ấy trùng trùng mà… Anh muốn gặp con chúng ta? … Thôi đi, cõi dương anh bỏ nó, cõi âm anh muốn gặp, để chi? Nó có biết anh là ai đâu! … Anh đi giùm đi, cảm phiền nghe, cho gia đình tui vui vẻ đoàn tụ với nhau.
Cha, zui thiệt, đoàn tụ gia đình cứ như ngày Tết. Mà con của má, sao chưa thấy con về? Con phải chào ông ngoại, bà ngoại và dì Năm chớ! Còn cha con nữa, dầu gì thì gì…Sao ba, ba nói sao? … Ba biểu, nó vô tội nên được đi đầu thai rồi à …. Trời, má nhớ con quá hè ( nức nở, đập tay vào khoảng không). Sao không đợi về chơi với má một lần trước khi mua vé tàu tốc hành hở con? Ðừng nóng vội, hấp tấp tồn sinh mà lỡ đụng vào cái món hư vô thì cực lắm, nuốt không trôi đâu!
(Tiếng khóc ấm ức) Thôi đừng buồn... Nói nghe dễ chớ buồn nó trong lòng, nói cách mấy nó cũng ở đó, đuổi không đi...Thì qua cõi bển đoàn tụ gia đình với ba nè, má nè, nhỏ Năm nữa...Lại không cần lo mưu sinh, chạy chợ ... cứ đợi cổng chùa là có ăn, của chùa mà... Thôi, má ơi, con giờ sợ phiêu lưu lắm...Ba biểu sao, bển hổng có đế, ba hết xỉn, đàng hoàng chớ không như ở cõi trên này? Zậy là con mừng cho má con đó, ba! Mà buông ra, sao kéo tui vầy nè...Ây Năm, mày nắm áo tao chi vậy? Buông...Má hỏi sao? ... Còn lưu luyến chi? (Nhìn quanh, vẻ tìm kiếm, buột miệng kêu nhỏ tên một ai đó) ... Ba hỏi, con nói thiệt …Con tìm ảnh … ( Cười e thẹn) Cái anh người Bắc xưa tính lấy con đó ba!
Tiếng mèo gào và loáng thoáng tiếng chìa khóa đụng vào nhau kêu leng keng. Người đàn bà đứng lên, lắng tai, lại bước quanh tìm kiếm. Giọng nửa buồn nửa vui, mắt mơ màng, nàng thì thầm như chỉ để cho mình nghe :
- Ảnh không ở đây, tức ảnh chưa chết, còn trên cõi dương! (chặc lưỡi) Vợ chồng ảnh không biết làm ăn thế nào. Ðứa con lớn, chắc sáu hay bảy tuổi rồi! Có sanh đứa nào khác nữa không cà? Mà thôi, lo chi. Ảnh bộ đội, lại đảng viên, chắc chẳng thua thiệt ai trong cái nền kinh tế thị trường có định hướng này nọ…( thở dài, xa vắng) Hồi đó mà như hồi này thì đâu có phải xin ba cái giấy phép, chắc là nên duyên nên phận với ảnh rồi. Khi chuyện nhân duyên không thành, ảnh bỏ đi, ảnh đấm ngực, ảnh khóc như đứa con nít, thấy mà thương…Vậy mà mình cào cấu ảnh, thét hỏi, anh là kim khí hả? Anh nói yêu tui, sao anh lạnh như sắt như thép thế này? Gục đầu bưng mặt, ảnh nói nho nhỏ, là da là thịt nên anh mới hèn thế đấy em ơi! Chiến tranh bao nhiêu năm, trên đầu là Con Ma, Thần Sấm bỏ bom , dưới đất thì tăng, pháo đủ loại cự ly bắn hàng ngàn quả, không sao. Ba năm nằm địa đạo Củ Chi, không sợ. Thế mà khi lên được mặt đất, thôi khom lưng bò thì đi bằng hai chân không được. Làm sao làm người đây, hở em?
Người đàn bà ngửng mặt, bất động. Tiếng đại hồ cầm trầm thiết cất lên, não nề, vang vọng đánh thức một tiềm thức xoáy động hỗn mang. Tiếng leng keng sâu chìa khóa, nhịp vào tiếng đại hồ cầm. Âm điệu jazz khắc khoải. Rồi tiếng chân người, lúc một gần. Người đàn bà thì thào :
- Anh còn sống, thì em không chết được. Em phải sống, chờ ngày nhìn anh, dẫu từ xa, nhưng không phải từ hư vô, vì chúng ta đều vẫn còn ở trong cái cuộc tồn sinh này…
Im lặng.Thứ im lặng rất dịu dàng. Bỗng có tiếng chìa khóa tra vào ổ. Rồi tiếng lách cách .
Khóa mở.
Cửa toang ra. Ánh sáng ùa vào, sáng tưng bừng, rực rỡ. Nhạc trổi lên, dặt dìu, nhẹ như những giấc mơ chưa dứt cuối một giấc ngủ dài. Người đàn bà đi ra, chậm rãi từng bước, ngoái lại đưa tay vẫy những bóng ma đang tan biến vào hư vô, điều nàng vẫn không chắc là đã thật hiểu.