TA XOÂ BIEÅN LAÏI

 

Ta xô biển lại…

Gửi lại  rêu phong Hội An

 cho  thời gian bám mặt sau quá khứ…

Viếng bạn, vẫn còn tiếng hát...

 

Lời ngỏ :

   Kịch bản này đẻ ra từ nắng gió Hội An cuối năm 1998.

   Thời gian đó, miền Trung gió bão liên miên một tuần liền, vùng Quảng-Ðà thiệt hại nặng nề, đường nối Hội An vào Ðà Nẵng bị lụt lội, nước ngập lắm nơi đến ngang vai.  Trước thiên nhiên, con người nhỏ bé lại, nhẫn nhục hơn, những vẫn quyết liệt sống còn.

    Sống  còn đòi hỏi  con người cưu mang lẫn nhau. Từ mảnh đất cưu mang đó, tình yêu có cơ nẩy mầm. Tôi hiểu như thế nhờ Tuyết Anh, một người đàn bà ngày nào cũng lẩm nhẩm hát Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, ta xô biển lại sóng về đâu ?..., một bài hát của Trịnh Công Sơn, và kể cho tôi đoạn đời Tuyết Anh vừa bước qua trong gió bão.

   Dĩ nhiên, viết kịch nên tôi vẫn phải tạo một số hư cấu có  kịch tính ghép vào chuyện đời  của Tuyết Anh. Tôi xin cám ơn và thân ái tặng nhân vật của tôi kịch bản này, cùng lời nhắn thăm người bạn đời của chị và cháu bé hiện sống ở Cửa Ðại.  Tôi thấy không cần nhắc rằng mọi trùng hợp của kịch bản với đời thật là do ngẫu nhiên và nằm ngoài ý muốn tác giả để cho y có thể  khẳng định là y không chịu bất cứ một trách nhiệm nào.

Nhân vật :

Tuyết Anh : bé nhỏ, đi chân hơi khập khiễng, tóc dài buộc lên, nói giọng Huế rất ấm áp, khoảng ba mươi tuổi.

( Vĩnh Anh) : đầu to, méo mó.  Ði không vững, chỉ lết, bị độc tố da cam, không bình thường.

Tạo  : khoảng bốn mươi tuổi, cao, mặt xương xẩu.  Nói giọng Quảng.

Bà nội  : Giọng the thé.  Hơi gù.  Cung cách khắc nghiệt.  Quãng đâu sáu mươi.

Lưu : khoảng bốn mươi, rất nhạt, không cá tính.

Ông Hai : khoảng bảy mươi, gầy gò, giọng nói sang sảng, tâm thần khủng hoảng.

Nhân vật phụ:

Hằng, Công an, anh Sáu và ba đứa con.

Âm thanh

   Tiếng mưa và tiếng gió luôn luôn đệm cho cả vở kịch, trừ hai cảnh cuối.  Nhạc cho kịch bản này, có lẽ hay nhất là nhạc Bach, soạn cho piano và violon hòa tấu, và  bài  Sóng về đâu ? của Trịch Công Sơn.

   Những đoạn độc thoại, sân khấu tắt hết đèn, trừ đèn rọi vào nhân vật, miệng mím, bất động, để máy ghi âm phát ra lời đã thu sẵn.

 

MÀN I

 ÐỘC TỐ VÀ CƠN BÃO

 

Cảnh 1

   Phòng ăn của một khách sạn loại mini, rất đơn sơ.  Phía trong là quầy.  Cạnh quầy, lối cầu thang lên lầu.  Kệ trên tường sau quầy xếp la liệt bia và nước ngọt.  Tủ kính để thuốc lá, hộp quẹt.  Phòng có bốn năm bàn.  Một bàn kê ngay giữa sân khấu.  Trên bàn, những chai ớt, tương, tiêu, muối và một ống đựng đũa, thìa.  Chung quanh bàn, để dăm chiếc ghế sắt loại gấp lại được.  Ðèn chiếu, tạo ra một không gian tù mù.  Ở ngoài cùng, phông dựng như một bức tường, có cửa sổ  trổ ra  hàng hiên, chiếm một phần tư bề ngang sân khấu. Cuối hàng hiên là cửa chính để vào phòng ăn của khách sạn.

   Tiếng gió rít lên với tiếng mưa lùa vào.  Chốc chốc có tiếng sấm sét, và chớp lòe lên sáng một góc phòng.  Bà nội ngồi thu lu nơi góc quầy, miệng nhai trầu, đầu cúi xuống vẻ nhẫn nhục.  Dưới ánh chớp, hình ảnh bà có chút gì ma quái, nửa hư nửa thực.    

   Bỗng tiếng trẻ con ngã và tiếng khóc ré lên.  Rồi tiếng chân chạy.  Bà nội ngửng lên.  Tay nâng chiếc ống nhổ, bà khạc rồi nói, giọng the thé.

Bà nội : Lại té.  Tuyết Anh à, nó lại té hỉ ?

   Im lặng, đợi một lát, bà đứng dậy.

Bà nội: ( khịt khịt mũi, réo ) Bay đâu không trả lời tau ?  Thằng quỉ lại té hỉ ?

   Vẫn chỉ có tiếng trẻ con khóc.  Sấm động.  Bà nội vùng vằng, giọng chua lét, đi về phía cầu thang.

Bà nội: Con với cháu !  Thiệt...

   Ðúng lúc đó có tiếng xe honda, rồi tiếng gõ cửa.  Bà nội ngừng chân nghe ngóng, nói với ra ngoài.

Bà nội : Cửa mở đó.  Ðẩy vô...

   Loẹt quẹt, bà đi về phía cửa.  Theo cơn gió thốc,  một người đàn ông mặc áo mưa bước vào.

Bà nội: Trời đất quỉ thần !  Mưa gió quá hỉ.  Chú vô đi, đóng giùm cái cửa, mưa tạt ướt hết...

  

   Cởi áo mưa, người đàn ông - tên Tạo - nhìn bà nội.

Tạo : Tui có đặt phòng.  Phân xưởng cá Cửa Ðại có điện thoại hồi sáng...

Bà nội : Có, chỗ chú Bẩy mà, phải không ?  Kỳ nào chú Bẩy ở dưới lên cũng ở khách sạn này.  Xưa, chú Bẩy là quân ông chồng tui đó...  Chú ngồi đi !  Bão nên không có khách...

   Tạo để áo mưa lên ghế, nhìn quanh, tay vuốt nước trên mặt.

Bà nội : ... Khách sạn tầng ba dành cho khách.  Khách có một mình chú. Chú biết  không, năm nay du lịch xuống quá...  Tới tụi Tây ba lô mà nó còn ỉ eo khó dễ.  Làm ăn bây giờ cực quá chú ơi !  May mà còn mấy người anh em như chú Bẩy.  Hồi kháng chiến, chú với ông chồng tui như tay với chân... Mà ổng bỏ mẹ con tui đi rồi...  

   Bà nội nheo mắt  ngắm Tạo.

Bà nội : ... Tui có thằng con trai.  Nó công tác ở Văn Hóa -Thông Tin trên thành ủy.  Cả nhà có cái khách sạn này kiếm ăn, nhưng du lịch xuống quá... Tụi tui lấy giá nội địa mà Tây ba lô còn chê đó chú !  Còn Văn Hóa -Thông Tin thì đâu có làm ăn được gì.  Thằng Lưu cỡ tuổi chú.  Tui giục hoài cho nó qua bên Du Lịch, nhưng còn kẹt,  chạy chưa thông...  Bây giờ, cái gì cũng tiền.

   Bà cười, giọng  hềnh hệch làm ra thân mật.

Bà nội : Chuyện đầu tiên mà...

Tạo  :  ( ngắt ) Thưa bác, bác sắp phòng tui ở đâu bác...

Bà nội: Tui để chú phòng 202, phòng ngon đó.  Chú Bẩy khi lên thường cũng ở đó.  Dưới tầng hai, tụi tui ở.  Còn đây là phòng ăn, có la-de, nước ngọt...  Chú ăn cơm tụi tui cũng lo luôn.  Muốn cơm Huế có, cơm Quảng có, nhưng chú phải dặn trước...  Chìa khóa nè. Ðường cầu thang lên tầng hai đây ( tay chỉ ).  Chú trẻ vầy, được mấy nhỏ rồi ?

   Tạo cầm chìa khóa, vừa nói vừa xách túi du lịch lên.

Tạo  : Dà... Tui chưa vợ chưa con, bác !

   Ði vội vào, Tạo tránh chuyện, nhẩy lên cầu thang hai bước một.  Phòng ăn lại chỉ còn bà nội, vẫn tiếng mưa tiếng gió, và tiếng lục đục trên lầu.

   Bà nội miệng lẩm bẩm đi về phía cầu thang.  Chớp sáng lên, đèn sân khấu tắt. Nhạc nổi lên rồi nhỏ dần.

   Một lát sau có tiếng chân xuống cầu thang.

    Ðèn bật.  Nhạc cất lên da diết.  Tuyết Anh ra đứng sau quầy, vẻ buồn buồn chịu đựng.  Mưa ngày càng mạnh.  Tiếng nước trên mái tôn như reo.  Tuyết Anh ra cửa sổ.  Lại chớp.  Tuyết Anh làm động tác đóng cửa.  Tiếng chân.  Tạo xuất hiện.  Tuyết Anh cười, cúi đầu chào.

Tuyết Anh : Anh uống chi không ?

Tạo  : Cho một ly cà phê, chị !

Tuyết Anh : ( Ði ra sau quầy )  Ðen hay sữa ?

Tạo  :  Ðen !  Ðây điện thoại chỗ nào ?

Tuyết Anh : Ðiện thoại đây ( tay mang điện thoại từ dưới đặt lên mặt quầy ).  Anh gọi trong thành phố, giá một ngàn...  Gọi xa, tính giá bưu điện cộng dịch vụ là hai ngàn...

   Không đáp, Tạo cầm máy, quay số.  Tiếng điện thoại bận, kêu te te như dế.  Tạo bỏ máy xuống, vẻ nóng ruột, ra ngoài ngồi cạnh bàn.  Tuyết Anh nhìn theo.

Tuyết Anh : Máy bận anh hỉ ?  Trời bão, bận hay hư chi rứa, không ai hay !

Tạo  :  (Sửng sốt )  Làm sao mà biết là bận, là hư...

   Tuyết Anh lắc đầu.  Nàng bưng ly cà phê ra cho Tạo

Tuyết Anh : Anh thử gọi nữa coi !

   Tạo nhắp môi vào ly cà phê, rồi lại ra quay số.  Gió vẫn ù ù.  Ðiện thoại gọi được.  Tạo nói lầm rầm nghe không ai hiểu được. Dán tai vào điện thoại, Tạo chăm chú, vẻ thất vọng.

Tạo  :  (nói lớn) ...Nước ngập kiểu này thì máy hư, chắc chi sửa được....Mà có sửa, sẽ mất cả tháng, vậy là mất tiêu một mùa cá. Phân xưởng tui đề nghị Thành Phố cho điều về một cần trục...Sao ? Anh nói sao ? Tui nghe không rõ…

   Tạo lại nhăn mặt, gào vào ống nói điện thoại.

Tạo  : ...Cần trục để lên xe tải mười tấn, đi ngay còn kịp. Nước mới vô tới mặt đường, xe không sợ ngộp đâu, còn đi ra được...Anh nói sao ?  Thôi, anh không chịu trách nhiệm thì anh cho tui nói thẳng với bác Chín bên kỹ thuật. Máy bị ngập nước là tốn bạc trăm triệu chớ không ít…

Tạo  :  ( gào ) A-lô, còn nghe không ?

   Thất vọng, Tạo dằn máy xuống.  Lúc đó Vĩnh Anh lết đến chân Tạo.

Tạo  :  ( chửi ) : Hết muốn nghe là cúp ngang, con mẹ nó !

 ( khều khều vào chân Tạo, kêu be be ) :  Chú !  chú !

   Tạo cúi xuống.

   Ðèn rọi vào một mình Vĩnh Anh. Lên bẩy tuổi, nó nhỏ hơn cỡ cùng lứa, đầu phình ra như một trái banh méo mó vì xì hơi, hai mắt bé tí, trán thấp đến gần như không có. Chân nó khẳng khiu, lại cong vòng, nên thay vì đi nó chỉ lết. Một cánh tay nó bình thường, nhưng cánh kia nhỏ hẳn, bàn tay đâm ra những  ngón chưa kịp định hình, cụp lại, khum vào, cứ thỉnh thoảng lại co giựt theo phản xạ. Ðèn mờ dần rồi tắt.

   Bà nội từ cầu thang bước xuống.  Ðèn lại mở.  Bà bước vào.

Bà nội : ( ) Thằng quỉ, vô bếp cho tau.  Không vô liền ( bà quơ tay ), tau đánh mi chết nè !

Tuyết Anh : ( vội la )  Bé nghe lời bà nội !  Vô đây !

   Tuyết Anh chạy ra dắt tay bé đi vào sau quầy, lách sang phía bếp.

Bà nội :  ( quay nhìn Tạo )  Thiệt cực !  Nói hoài mà thằng quỉ đó không biết nghe lời, chú à. Tui nói hoài là có khách, má nó phải trông chừng cấm nó ra phòng ăn...  Chú đừng cười với nó, nó làm tới đó !   

   Tạo lại ra quầy, tay cầm điện thoại quay số. Trời vẫn mưa gió. Tiếng sấm nổ đùng đùng. Chớp lại lòe lên.  Tạo bỏ máy xuống, dáng thất vọng. 

   Tạo đi lại đứng ngó ra ngoài cửa sổ.  Chớp sáng xanh lè.  Bà nội nhai trầu, miệng khạc, rồi lại lẳng lặng lên thang.

Tuyết Anh từ bếp đi ra.

Tuyết Anh : Anh có dùng thêm chi không ?

   Tạo lắc đầu, móc gói thuốc, châm lửa, rít vào rồi nhả khói.  Thằng bé lại lết ra.  Tạo vẫy. Nó cười cười, kêu « chú, chú ».  Tuyết Anh tiến lại, tay đưa ra dắt con, chân đi khập khiễng.  Tạo nhìn, vẻ dò hỏi.

Tạo  :  (rụt rè )   Tôi trông chị… thấy quen quen, (nhìn chân Tuyết Anh )…trừ ( ngập ngừng )…

Tuyết Anh :  ( cười nhẹ )  Tui bị miểng bom năm đánh Quảng Trị !  Bác sĩ nói không cưa chân là may rồi.  Ban đầu đi nạng, nhưng tập một năm thì bỏ được, đó anh !

   Tạo nhìn lên trần, dáng băn khoăn, không biết nói gì.  Tuyết Anh vào sau quầy, rửa ly tách.  Vĩnh Anh nhìn Tạo, cười ngây ngô.

Tạo  : Chắc căn nhà làm khách sạn là của gia đình hỉ ?  Làm ăn được không chị ?

Tuyết Anh : Năm ngoái, khá.  Nhưng năm nay thì bết rồi !  Nhà này cha tui cho khi tui đi lấy chồng đó anh !  Thiệt ra, nhà là ngoại để cho má tui.  Khi cha tui ra khu, má kẹt lại.  Rồi má tui bị bắt ở tù.  Cha tui cho người về đón tui đi, một năm sau thì có tin má bị đánh tới chết...  Tui ở trên đặc khu tới 75 mới về...

Tuyết Anh :  ( mơ màng )  Cha chồng tui là bạn và là đồng chí của cha tui mấy chục năm ròng.  Thiệt là có số, anh à !  Ổng kéo quân về tới ven thành phố rồi, bị đạn lạc tầm bậy tầm bạ...  Thế là mười lăm năm đánh trận lớn trận nhỏ thì không sao, đến phút chót về tiếp quản thôi mà chết...  Lãng xẹt...  Khi ổng hấp hối, ổng thác cho cha tui vợ con ổng, nhờ trông nom giùm...  Rồi cha tui gả tui cho con trai ổng...  Cha mẹ đặt đâu, phận con, con ngồi đó ( Tuyết Anh cười hiền lành )

Tạo  : ( nhìn Vĩnh Anh )  Cháu bệnh chi vậy chị ?

Tuyết Anh :  ( xót xa )  Cháu bị độc tố da cam.  Mấy ông bác sĩ nói vậy.  Bữa nọ, cán bộ y tế bắt nó ra chụp hình...  Mấy ổng nói đòi bọn Mỹ phải bồi thường... 

   Thình lình, chuông điện thoại reo inh ỏi.  Tuyết Anh khập khiễng ra bắt máy.

Tuyết Anh :  ( mắt nhìn Tạo )  Dạ, dạ, ông chi ?  Tạo, dạ có.... xin ông chờ.

   Tạo vội vã cầm lấy máy, áp tai  vào nghe.

Tạo  :  ( reo )  A anh Sáu, tui đây, Tạo đây...  nước biển tràn vô, mấy cây dừa trên bãi đổ hết...  nước ngập, vào tới thềm quán bà Tư...  Gió dữ lắm, nhưng mái nhà anh còn...  Sấp nhỏ nói má tụi nó bơi thuyền thúng đi vớt cá, một ngày một đêm chưa về...  tui đi từ sáng sớm, từ đó không biết thêm.  Sấp nhỏ nhờ tôi báo anh...  Tụi nó khóc quá chừng.  Ðược...  Tui điện về xưởng, hỏi thăm tin chị Sáu, có gì báo anh liền... Rồi... Ðường tới Non Nước còn xe, nghe nói sau đó một khúc nước ngập xe không vô tiếp...  Ðược... Không, tui phải đợi xe chở cần trục vào cứu dàn máy của xưởng cá, anh Sáu cứ về trước đi... Rồi, tôi nghe rồi... 

 

Cảnh 2

   Buổi tối.  Vẫn phòng ăn khách sạn.  Gió bỗng quật từng cơn, gào lên điên dại.  Tạo ngồi nghe tin từ chiếc radio lè rè phát tin. Giọng  người xướng ngôn vang lên :

    «... gió cấp bẩy tiếp tục thổi về hướng Tây Bắc, từ Khánh Hòa cho tới Ðồng Hới.  Thiệt hại đáng kể ở những tỉnh ven biển, nhất là với vùng Quảng Nam - Ðà Nẵng.  Viện khí tượng cho biết dự đoán cuối cùng : miền Trung, mưa tiếp tục cả ngày mai nhưng gió hạ xuống cấp ba, giữ vận tốc 70 cây số giờ.  Từ Phú Yên đến Quảng Ngãi, tình trạng lũ lụt mỗi lúc một trầm trọng... Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định chi viện cho...».

    Tạo bực tức, tắt radio, mồm lẩm bẩm .

Tạo  :... cây rừng chặt như vậy, bây giờ mưa bão thì chết chìm là phải !

   Tạo ra đứng bên cửa sổ. Thình lình, đèn điện tắt ngóm. Tiếng bà nội gọi. Tuyết Anh thắp chiếc đèn măng-sông bước ra phòng khách.

Tuyết Anh : ( nhìn Tạo ) Cúp điện rồi anh !  Chắc lần này cúp lâu đó.  Gió bão như ri sửa chữa chác khó khăn lắm !

Tạo  :  ( thất vọng )  Ðiện thoại có chạy không ?

Tuyết Anh :  Anh thử coi !  Ðiện thoại có thể vẫn chạy!

   Tạo chụp máy, quay, rồi áp tai nghe ngóng. Lát sau,Tạo bỏ máy xuống, ra đứng tựa cửa. Mưa hắt nước vào mặt. Tạo đưa tay lên chùi, rồi châm thuốc hút.  Nhìn bầu trời đục ngầu giận dữ, Tạo bỗng dưng thấy mình nhỏ bé, nhỏ bé và bất lực.

   Tuyết Anh nhìn Tạo ái ngại, mắt nhướng lên dò hỏi.

Tạo  :  ( thở dài )  Nước ngập phân xưởng cá tụi tui.  Ngập tới dàn máy là đi luôn một mùa cá.  Tui về Thành Phố xin đem cần trục máy để cứu ( Tạo lẩm bẩm ) Nhưng mà sao người ta lơ là quá đi...

Tuyết Anh :   Biết đâu chừng trời thôi mưa...

Tạo  : ( lại thở dài )  Nhưng nước lũ trên rừng đổ xuống chớ đâu chỉ nước mưa !

   Tạo ra cửa sổ nhìn trời.  Quay vào, Tạo ngồi xuống, mở một bức thư ra đọc.  Tuyết Anh vào bếp.  Tạo gật gù cúi xuống viết, vừa viết vừa lẩm bẩm  :

    «... mấy bữa rày, trời khá đẹp, trưa nóng nực như thường lệ. Ðược nghỉ nên con có thì giờ, rủ Minh đi ra bờ sông Hàn, nơi họp chợ. Nhắc cho mạ nhớ, thư trước con có thưa với mạ về Minh, hiện là giáo viên cấp một, dạy học ở Ðà Nẵng. Thư này con xin phép mạ cho con xây dựng gia đình với Minh....  Nói để mạ mừng, chợ bây giờ đủ mặt hàng chứ không như ngày mạ ở đây.  Tụi con tính sắm sửa chút đỉnh, chớ đợi phút chót chắc là rắm rối nhiều thứ...».

   Bà nội lẹt quẹt đi ra, nhìn Tạo.  Bà nhổ bã trầu, ra ngồi sau quầy. Tạo cúi mặt xuống. Ðèn rọi thu vào một mình Tạo, nhạc cất lên…

Bà nội : ( bỗng  lên tiếng ) Mưa bão quá xá hỉ.  Trời lên cơn.  Mỗi năm  một lần, nhưng lần này coi bộ ông Trời nổi cơn điên.  Ba ngày rồi.  Ðài báo tối nay gió lên cấp bảy đó chú à !

   Tạo như chợt tỉnh, gật gù cúi đầu  tiếp tục viết, miệng lại lẩm nhẩm : « …mặc dầu tụi con đã thưa đặng xin phép, tụi con tính…». Bà nội nhìn Tạo, lại bắt chuyện

Bà nội : Chú siêng thật, tối mà còn làm việc hỉ.  Rứa đặng thăng quan tiến chức, cũng hay...

Tạo  :  ( ngửng lên, mỉm cười )   Dạ đâu có.  Tui viết thư cho bà già tui đó bác.  Năm ba tháng mới một lần thư...

Bà nội :  ( tò mò )   Bả ở Sài Gòn hỉ ?

Tạo  :  ( giọng kiên nhẫn )   Dạ không bác.  Bả ở bên Mỹ.

Bà nội : ( reo )   Cha !  Sướng hỉ.  Ði được là tới thiên đàng liền.  Gia đình này thì không có thân nhân ở ngoải.  Gia đình cách mạng có giòng mà chú ( bà cười nhạt ), nhưng cũng thế mà nghèo xác nghèo xơ...

   Cố tình làm lơ, Tạo lại cắm cúi tiếp tục viết. Bỗng có tiếng ở ngoài cửa « Ðây, ngừng đây ! ».  Tiếng thắng xe xích lô.  Bà nội nghe, chạy ra mở cửa.

Bà nội : Vô đi bay !  Lè lẹ, ướt hết.

   Một người đàn bà nhỏ tuổi, bụng chửa vượt mặt, khệ nệ đi vào. Theo sau là một người đàn ông trung niên, tay xách vali, tay đặt lên lưng người đàn bà đẩy vào, miệng nói  « Vô, vô đi em ! ».  Bà nội nắm lấy cườm tay người đàn bà, kéo vào.

Bà nội : Nè Hằng, vô đi.  Lên lầu !

   Vĩnh Anh trong bếp lết ra.Nó ngây ngô nói vọng vào

: Má !  Có khách du lịch.

   Ðám người biến sau cầu thang thì Tuyết Anh chạy ra nhìn theo, vẻ sửng sốt.  Tuyết Anh lên lầu.  Thằng bé cũng lết theo.  Tạo lại cúi xuống viết tiếp. 

   Lát sau có tiếng cãi vã.  Tiếng Tuyết Anh khóc, rồi la to.

Tiếng Bà nội : Con tau, tau muốn lấy cho nó mấy vợ thì tau lấy...

   Tiếng người đàn ông lầu bầu.  Rồi tiếng chén đĩa bị đập xoang xoảng.  Tiếng thằng bé Vĩnh Anh khóc thét lên.

Tiếng Bà nội :  Mày không ưng thì mày đi khỏi nhà này !

Tiếng Tuyết Anh :  ( gào )  Tui không đi đâu hết.  Nhà này là nhà của tui.

Tiếng Bà nội :  ( quát )   Mẹ cha mi, ở đây tau nói mi phải nghe.  Thằng Lưu, mi  xáng cho nó một bạt tai...

   Rồi tiếng xô đẩy huỳnh huỵch.Vĩnh Anh khóc ré lên.

Tiếng Lưu (quát) : Thằng quỉ, đi xuống, xuống lầu...

Tiếng Tuyết Anh :  Bé, bé.  Xuống đi con...

   Tiếng chân quèn quẹt lết trên sàn.  Tạo nhìn về phía cầu thang.  Tuyết Anh đi đằng sau nắm cho thằng bé khỏi ngã, nước mắt chan hòa, vừa đi vừa kêu.

Tuyết Anh : Trời ơi !  Trời có mắt không hở trời ?

   Cứ thế, hai mẹ con lết xuống thang.  Khi đến gần Tạo, Tuyết Anh đẩy thằng bé ra.

Tuyết Anh :  ( nức nở, nói tiếng đực tiếng cái )  Nhờ anh...  Anh coi giùm thằng bé.  Tui phải đi.  Tui đi báo cho cha tui hay !

   Tạo đưa tay đỡ thằng bé.  Tuyết Anh chạy vào bếp, mồm tiếp tục kêu không ngừng « Trời có mắt không, hở Trời ?».

    Tuyết Anh đi ra, tay cầm áo mưa màu tím ngắt.  Sấm lại nổ, chớp sáng xanh lè rạch ngang trời chiếu vào mặt Tuyết Anh ướt nhòa nước mắt.  Nàng khập khiễng chạy băng vào cơn mưa vẫn xối xả ập xuống

   Tiếng đại  hồ cầm thê thiết cất lên cùng với tiếng mưa và tiếng gió.

 

 

MÀN II

TRỜI KHÔNG CÓ MẮT

Cảnh 1

   Phòng khách.  Ðiện vẫn bị cúp.  Tạo kê ba cái ghế liền nhau cho bé Vĩnh Anh nằm ngủ.  Ngồi bên cạnh, Tạo chăm chăm ngó vào bức thư viết dở.  Trên bàn, chỉ có ngọn đèn dầu.  Ngoài trời, vẫn  mưa gió.Có tiếng Vĩnh Anh nằm mơ ú ớ. Rồi tiếng guốc lẹt quẹt.  Bà nội xuống thang, vào phòng khách.

Bà nội : ( ngượng nghịu ) Chưa ngủ he chú !

   Tạo ngửng lên, lắc đầu ra dấu.  Bà nội tới gần nhìn Vĩnh Anh ngủ.  Bà đi vào sau quầy, tay xách bình trà ra để bàn.

Bà nội :  Uống chút nước trà cho ấm bụng đi chú ( rót nước, mũi khụt khịt rồi  ấm ức khóc ) … Tui cực quá đi chú à !  Chú thấy đó...  Con cháu thì vậy.  Tui coi chú như người trong nhà, nhưng cũng xin lỗi chú...  Nếu là khách lạ, chuyện gia đình đổ bể như vậy thì mắc cỡ chắc chết...

   Bà nội rót nước cho mình, bưng lên uống.

Bà nội : (khụt khịt mũi )  Chú nhìn thằng nhỏ ( tay chỉ thằng Vĩnh Anh ) thì chú biết tui đau khổ làm sao...  Tôi có thằng Lưu chú thấy hồi nãy là con một, mà đẻ ra nối giòng nối giống thì như vầy, răng mà ưng cho đặng ?

   Có tiếng chân rón rén xuống thang.  Lưu xuất hiện, gật đầu chào Tạo, rồi kéo ghế ngồi xuống cạnh bà  nội.

Lưu : ( ngượng nghịu )  Anh bỏ lỗi giùm, tui không biết nói sao.

Bà nội :  ( khụt khịt )  Má xin lỗi rồi ( nhìn Lưu rồi quay sang nói với Tạo )...  Mẹ thằng nhỏ bị nhiễm độc tố da cam đó chú.  Ðẻ ra, di truyền nên thằng nhỏ dị dạng rứa !  Ông chồng tui dưới kia chắc ông không yên.  Lâu lâu ổng lại về, ngó tui trừng trừng...  Xưa ổng cấp tá, nằm vùng vô tiếp quản thì bị lạc đạn, không biết là đạn phe ta hay phe địch...

   Bà nội lại khụt khịt, rồi bưng nước lên uống.

Bà nội :  ( thở dài )   Nhưng may mà còn thằng Lưu ( bà xoay người nhìn con ).  Hồi ổng còn, ổng lo cho nó công tác chính trị, khỏi phải ra chiến trường.  Rồi ổng còn gửi tui bức thư.  Thư ổng nói có ông Hai, cha con Tuyết Anh, là bạn thân ổng.  Hai người có giao ước, ai lỡ chết thì người còn sống lo cưu mang gia đình bạn...

Lưu : (chen  vô nói)    Thôi mà má, chuyện xưa...

Bà nội :   ( ngắt )   Xưa đó mà vẫn nay...  Tháng ba năm 75, ông Hai vô gõ cửa. Ổng xưng tên rồi khóc.  Tui hiểu liền...  ( bà  nội bật khóc ).  Tui hỏi chết có đau đớn không.  Ông lắc đầu...  Ma chay cho chồng xong thì thằng Lưu về tới... ( ngập ngừng ) Anh Hai cũng cấp tá, lo công tác an ninh cho thành phố mình.  Ảnh lo cho mẹ con tui, lấy căn hộ dành cho liệt sĩ, rồi xếp thằng Lưu vào Văn Hóa Thông Tin trên Thành ủy...  Một năm, rồi hai năm qua...

Bà nội : ( mơ màng )  Một bữa, ảnh tới nói với tui rằng ảnh có giao ước với anh Năm, chồng tui, là sẽ lo cho mẹ con tui. Tui biết ảnh góa. Mẹ con Tuyết Anh chết hơn mươi năm rồi. Tôi nghĩ...    ( bà  nội thở dài ). Tui nói mẹ con tui chỉ biết ảnh để mà nhờ cậy, ảnh muốn sao cũng được.  Lúc ấy tui mới bốn mươi lăm, tuổi Dậu mà...  chưa già mà cũng chẳng trẻ...  Ðàn bà ai chẳng cần chỗ nương tựa, phải không chú ?

Lưu : ( chán nản )  Thôi mà má...

Bà nội : ( trừng mắt, giọng đanh lại )  Thôi gì mà thôi !  Ảnh nói thằng Lưu tới tuổi lấy vợ, con Tuyết Anh tới tuổi lấy chồng.  Ta làm sui gia, được không chị ?  Tui nghe, chết điếng trong lòng... ( bà  nội gằn từng tiếng ).  Ðược, nhưng còn thân tui...  Ảnh làm lơ, nói nào là anh Năm bạn ảnh cũng mát mặt dưới suối vàng, nào là môn đăng hộ đối, nào là con Tuyết Anh mới tốt nghiệp canh nông có công có việc...  Tui nghe mà không nghe.  Tui thầm nói, còn tui đây, chưa già, còn mong có nơi nương thân, thì sao... Nước mắt chảy ra như suối mùa lũ, tui khóc còn hơn ngày đưa đám tang chồng...

   Bà nội ngưng nói.  Tạo rót thêm nước cho bà.  Lưu đứng dậy ra nhìn qua cửa sổ.  Trời vẫn mưa.  Chớp lại lóe sáng.

Bà nội :  ( thở dài )  Nhưng ông trời đâu có mắt !  Con nhỏ xẩy thai hai lần.  Lần thứ ba thì... ( bà  nội chỉ Vĩnh Anh ) cháu nội tui, thằng quỉ đó !  Làm răng chừ ?  Tui biểu thằng Lưu, tau tìm cho mày một con vợ khác để đẻ...  Ðó, con nhỏ mới về sắp đập bầu, sống dưới miệt Ðiện Bàn nước đang ngập.  Tui lo, tui nói thằng Lưu đưa nó về đây, lỡ sanh đẻ thì còn có nhà thương, chớ lụt lội đi lại khó khăn...  Ðâu ngờ con mẹ thằng quỉ làm dữ quá đa !  Nó rủa tui ác thế chết không nhắm mắt được.  Rồi nó chửi tui là bất nhân bất nghĩa.  Chửi xong, nó rầm rầm bỏ đi... ( bà nội nghiến răng ). Trai anh hùng năm thê bảy thiếp, có sao !  Còn tui, tui chỉ biết Trời biết Phật,  ( tay chỉ lên) và có ngọn đèn chứng cho, tui lo là lo cho con cho cháu...

   Nhìn ánh lửa chập chờn, Tạo thở dài, vẫn im lặng. Bà nội vẻ thất vọng đứng dậy đi lên lầu. Lưu ra ngồi cạnh Tạo, không nói. Tiếng gió ù ù gần như dọa nạt.

Tạo  : ( nhìn Lưu, thương hại )  Anh tính sắp xếp sao ?

Lưu :  ( cúi đầu )  Dà, dà...  Tui cũng không biết tính sao bây chừ, anh à ?

   Rót chén nước đưa vào tay Lưu, Tạo lắc đầu ngán ngẩm.

Lưu :   ( cầm chén nước )   Dà, dà...  Cám ơn anh.

   Không nói, Lưu uống nước, rồi đứng lên đi về phía cầu thang. Có tiếng động trên lầu, tiếng người nói lao xao. Ðèn sân khấu tắt dần.  Nhạc, vẫn nhạc độc tấu đại hồ cầm, vẳng lên rồi kéo dài ra thê thiết.

 

 

Cảnh 2

Ðèn sân khấu sáng lên.  Tạo vẫn ngồi chỗ cũ, đầu cúi xuống bức thư.

   Tạo   (  độc thoại ) :

   Có lẽ chỉ trên bãi biển của em trời mới đẹp chứ ở đây đang mờ mịt bão bùng. Em còn nhớ Cửa Ðại của chúng mình ? Ngày nào em mới tốt ngiệp, đòi anh thưởng cho một buổi tắm biển, có nắng có gió, và nhất là, em nói, có cả người yêu. Nhìn quanh vắng người, em ngả đầu vào vai anh, thì thầm hỏi anh có ưng một cô giáo cấp 1 không ? Em biết câu hỏi đó thừa, nhưng cứ hỏi để anh phải đáp, đáp bằng cách cúi xuống tìm môi em, vừa có vị mặn muối biển, vừa có vị ngọt của tương lai… Thời gian trôi đi, cứ thế cuộc đời cũng trôi theo sông về biển … Ra biển rộng, đất liền ở phía sau chẳng khác chi một giấc mộng, phải không em ? Ðứng trên bờ nhìn theo, trong cơn bão này anh vẫn chẳng ngần ngại viết mấy ngày rày, trời khá đẹp…đẹp để cho em thuận buồm xuôi gió…

 

Tạo lại tiếp tục viết, miệng lẩm bẩm :

  «... Mạ à, con tính năm tới mạ về thăm quê hương một chuyến đi.  Bà con mình làm ăn khấm khá, nhưng nếu so với Mỹ thì còn nghèo lắm - ( Tạo cắn bút ) - Nhưng mình nghèo vật chất, thì phải tìm cách bù lại, … - ( Tạo lại cắn bút ) - Kể mạ nghe, con quen một gia đình ngoài Ðà Nẵng có đứa trai  mang dị tật vì độc tố da cam.  Trời hành vậy mà người mẹ vẫn cười, vẫn chăm chút đứa con không may, và vẫn... (Tạo cắn bút, thở dài ) ... tin vào một tương lai khác.  Bữa nọ, Minh và con tới thăm họ.  Tụi con tính nhận đỡ đầu đứa bé, thỉnh thoảng phụ vào săn sóc nó.  Nó tên là Vĩnh Anh, năm nay lên bảy, vẫn chưa nói được chi nhiều, nhưng thấy con là nó kêu « chú, chú ! »...

Tạo quay xuống nhìn Vĩnh Anh, lại ú ớ nói mê, mặt nhăn nhúm như một trái banh xì hơi méo móù.  Tiếng mưa nhẹ hột dần.  Gió vẫn ù ù. 

Ở hàng hiên, vẳng lên một tiếng hát nho nhỏ «... biển sóng biển sóng đừng xô nhau, ta xô biển lại sóng về đâu... ».  Tạo lắng nghe, tiếng hát đứt quãng, vẳng  lại trong gió  «... biển sóng, biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã giữa tim người ».

   Tạo đứng lên, nhẹ nhàng bước ra nhìn qua cửa sổ.

Chuyển cảnh :

   Hàng hiên, đằng sau là ánh đèn vàng vọt hắt qua cửa sổ.  Phía trước, con lộ ẩm ướt dưới mưa.  Thỉnh thoảng lại có chớp sáng xanh lè.  Ngồi dựa vào tường, Tuyết Anh không biết về từ bao giờ, co ro, miệng hát, giọng vô hồn như đến từ một thế giới khác.

Tạo im lặng.  Tuyết Anh vẫn hát

« … Giấc ngủ nào, giường chiếu quạnh hiu. 

Trăng mờ quê cũ.

…Người đứng chờ,

 gió động vi vu.

Vạt nắng vàng, nhắc lời thiên thu,

Nhớ nghìn năm trôi qua...

Biển sóng biển sóng đừng xô nhau

Ta xô biển lại sóng nằm đau…»

   Tạo rón rén mở cửa bước ra hàng hiên.  Tuyết Anh giật mình, thôi hát. Dưới ánh sáng đèn đường vàng thếch, Tuyết Anh bụm mặt, hai vai thỉnh thoảng lại run run, và tiếng khóc rấm rứt mơ hồ vẳng lên.  Tạo lẳng lặng vào.  Lát sau Tạo mang ra chiếc áo blu-dông chìa cho Tuyết Anh.

   Tuyết Anh nắm chiếc áo, ngơ ngẩn như mất hồn, không khoác lên vai.

Tuyết Anh :  ( rên lên khe khẽ)  Trời ơi !  Tui phải làm chi đây hở Trời ?

   Tạo im lặng.  Lại tiếng thút thít khóc.

Tạo  :   ( ngập ngừng )  Chị có gặp được bác không, chị ?

   Tuyết Anh không đáp, lắc đầu quầy quậy.  Tiếng đàn đại hồ cầm thê thiết rồi tắt lịm đi.  

Tuyết Anh : (bất ngờ lên tiếng, giọng như than) Còn anh !  Cũng phải coi chừng độc tố da cam đó !  Xưa trên khu anh ở miệt rừng nào ?

Tạo  :  ( sửng sốt, đáp nhỏ )   Tui xưa không ở rừng. Thời chiến tranh tui là lính ngụy đóng ngay ở Ðà Nẵng này !

Tuyết Anh : ( kể lể ) ... Lớp tuổi tôi mới ở rừng !  Anh mà lập gia đình với mấy cô còn trẻ, cỡ hai mươi, hai mươi lăm thì khỏi phải lo bị nhiễm chất độc tố da cam...

   Tuyết Anh khoác chiếc blu-dông lên vai, co người lại vì lạnh.

Tuyết Anh : Anh biết không, kinh hoàng vô cùng...  Suốt ba tháng liền từ ngày tui sanh Vĩnh Anh, tui không nhắm mắt ngủ nổi.  Bà nội nó, không thèm nhìn, đi vô đi ra là nhiếc móc.  Anh Lưu, ảnh thấy là quay mặt ngó chỗ khác.  Ảnh biểu ảnh không dám...  Nó chỉ còn có tui, dầu gì thì cũng là mẹ nó.  Tui ôm riết nó trong lòng, mỗi ngày một thương nó, thương mình.  Tội nghiệp.  Dị tật vậy là suốt đời thua sút người ta, vậy mà lại như mô côi cha...  Tui chỉ còn khóc, nhưng tôi thề là còn sống ngày nào, tui không bao giờ hất hủi nó...( ngưng nói, cười nhạt )  Bà nội cứ đợi Mỹ bồi thường.  Ðợi năm năm rồi anh.  Ðợi hoài, riết rồi chán.  Nếu có, chắc sẽ chia năm xẻ bảy, có bao nhiêu mà lo đủ được cho một cuộc đời dị tật...Chuyện vợ chồng tui coi như xong.  Sau khi sanh cháu, đâu ai dám ăn nằm với ai.  Mà vậy cũng hay, tui sợ, riết rồi tui cũng chẳng còn yêu thương lãng mạn chi...

   Tuyết Anh thình lình nấc lên.

Tuyết Anh : ( hổn hển )  Nhưng bữa nay thì thật Trời không có mắt.  Ảnh mang vợ mới về, mẹ con ảnh biểu tôi ra ngoài mà ở...  Nhưng nhà này cha tui cho tui.  Xây lên làm khách sạn mini, ảnh xui tui ký kết chi đó.  Bây giờ ảnh kêu nhà tên ảnh, tui chỉ có hộ khẩu.  Bà già la, không đi bả kêu công an tống cổ  mẹ con tui ra ngoài...  Nhưng ra khỏi đây, mẹ con tui đi đâu, làm gì để sống.  Anh coi, ở thì là địa ngục.  Ði, cũng là đi tới một địa ngục khác...

   Tuyết Anh òa lên khóc, mồm ú ớ nhắc đi nhắc lại «... Trời ơi ! Trời không có mắt ! »

Tạo  :  (thì thào)  Chị bình tĩnh, đâu còn đó !

   Nhạc đại hồ cầm vẳng lại. Tạo nhìn ra khoảng tối đen trước mặt trong khi Tuyết Anh kìm tiếng khóc, âm thanh đọng lại thành những cơn nghẹn ngào.

Tuyết Anh :  ( bất thình lình thét ) Trời ơi, trời không có mắt !

Tạo  : ( vội vàng ) Chắc gặp bác, thu xếp được mà !

   Gió bỗng từng cơn rít lên qua những tàn lá xào xạc. Mơ hồ, Tuyết Anh thấy một đứa con gái chạc lên mười đang chạy theo những cánh bướm mầu vàng cam chập chờn sau những lùm cây trong một khu rừng thưa lá…

Tuyết Anh   (độc thoại) :  …này, đừng chạy vô dẫu cánh bướm kia đẹp đến độ mê hoặc tâm thần. Chạy vô dễ, mi ra mới khó…Uả, sao nói mi không nghe nè !  Chết rồi, mi vô chừng đó tới nay mới ra ư ! Mi không nghe lời người lớn dặn mi là rừng đầy chất độc hóa học à. Thôi, chắc mi nhiễm độc mất rồi…Mi biểu mi không thấy chi cả, nhưng mi đâu biết bao giờ chất độc phát tác…Hừ, mi ngu thì ráng chịu… Mi trách ai ? Không lẽ mi trách cha mi mang mi vô bưng ?

  

Bỗng Tuyết Anh đứng bật dậy.

Tuyết Anh : ( gào )  Tổ cha bay.  Bay tàn hại đời ta.  Bay rải thuốc khai quang, làm con ta mắc độc mà suốt đời tật nguyền...  Trời ơi, Trời không có mắt !

   Tuyết Anh thình lình lao mình đập đầu vào bức tường hàng hiên.

Tạo  : ( la hoảng )  Ðừng !  Ðừng !

   Ngã chúi xuống đất, Tuyết Anh vùng dậy, lại lao đầu vào tường. Máu tươi bắn ra, dấy vào mặt Tạo.  Hoảng hồn, Tạo nhảy lại chụp rồi ôm riết lấy Tuyết Anh, miệng chỉ biết  kêu « Ðừng, đừng ! Thôi mà ! ».

   Có tiếng chân lịch kịch, tiếng người xuống thang, và ánh đèn sáng lẫn ra phía cửa.  Tiếng bà  nội «... chuyện chi mà rầm rầm vậy ».  Vĩnh Anh tỉnh dậy.  Nó be be thét lên « Mẹ, mẹ đâu mẹ ».  Bà nội bước ra hàng hiên sửng sốt  nhìn Tạo và Tuyết Anh. Bà nghiến răng.

Bà nội : ( tru tréo, giọng cay nghiệt ) Thằng Lưu, ra coi vợ mày đang ôm trai nè, con đĩ ngựa !

   Ðèn sân khấu tắt.  Lẫn vào tiếng sấm, là đoạn trống đánh trong khúc đầu bản Giao Hưởng số 5 của Beethoven.

 

MÀN III

... MUÔN NĂM

Cảnh 1

  Phòng ăn khách sạn vào buổi sáng.  Trời thôi mưa nhưng vẫn u ám. Gió vẫn thổi như có cơn, nhặt thưa vô chừng. Tạo tay cầm điện thoại, mặt mũi đỏ rừ, lầu bầu nghe như cãi vã. Thình lình, Tạo cúp điện thoại, dằn xuống nghe một cái rầm. Rút thuốc châm, Tạo rít vào, tay lại quay số. Không điện được, Tạo bỏ máy, lẳng lặng nhìn khói thuốc, lẩm nhẩm.

Tạo  ( độc thoại ) :  Làm ăn chi mà kỳ cục.  Xưởng chính bắt phân xưởng trả đủ thứ tiền.  Cho cần trục tới cứu máy mà cũng đòi hợp đồng này nọ...  Máy hư, là hư cho tuốt cả toàn bộ xưởng, chứ đâu chỉ một mình phân xưởng phải chịu.  Thiệt, chẳng giống ai...

   Bà nội đi ra, mặt lạnh lùng.  Tạo dập tàn thuốc, lại quay số, lưng xây vào quầy.  Chuông điện thoại reo.

Tạo  : ( giọng khẩn trương ) A-lô, Tạo đây... Anh Bẩy, tui...  Cơ xưởng ở thành phố đòi mười triệu mới cứu viện, đưa cần trục tới... Tui biết, phân xưởng mình lấy đâu ra tiền... Nước vô tới đâu ? Dàn G.3, mấy anh kích lên chưa ?  Chưa !  Dàn đó hư, mùa cá này coi như tiêu luôn... Kêu công nhân viên ra cứu lụt... Nếu không, mất công ăn việc làm mùa này... Gay, tui biết.  Anh điện cho họ, tui lên ký đại, phân xưởng mình nợ, rồi trả sau...  Sao ?  Khúc Ðiện Bàn vô xe chạy không được à ?  Anh điện đi, rồi báo tui...

   Bỏ máy xuống, Tạo thờ người ra, bất ngờ đá vào chiếc ghế đẩu.  Chiếc ghế đẩu bay lên, đập vào tường.  Bà nội ra, hoảng hốt nhìn, kêu nho nhỏ  « Ủa... chú tính phá nhà tui sao ? ». 

   Ðúng lúc đó có tiếng gọi, rồi một người đàn ông trên dưới thất tuần bước vào.  Ông Hai đeo huân chương đầy ngực, tay cầm can, vai khoác ba lô, đầu đội mũ bộ đội có gắn sao đỏ.

Ông Hai : ( réo )  Bớ con Tuyết Anh đâu ?

   Trên lầu, Lưu chạy vội xuống.  Thấy ông Hai, Lưu khựng lại, tay nắm vào nhau xoa xoa.

Lưu :  ( cuống quít )  Dà, dà...

Ông Hai : ( trừng mắt )   Tao nghe mày mới cưới vợ, thiệt hư làm sao ?

Lưu :  ( lại xoa tay )   Dà, dà...

Bà nội : ( chạy ra )  Anh Hai, anh vô uống miếng nước...

Ông Hai : ( xua tay )  Chút nữa đã, chị.  ( quay sang Lưu )  Mày tính đuổi con tao cháu tao khỏi nhà phải không ?

Lưu :  ( xoa tay, lúng búng )  Dà, dà...  không !

Bà nội : ( chen vào )    Ðâu chỉ có vậy anh Hai.  Con Tuyết Anh nó mang trai vô đây ôm ấp trước mắt tui, anh à.

Ông Hai : ( thất thần, ngồi xệp xuống ghế ) Thiệt hả chị ?

   Bà nội gật.  Lưu mặt tái mét, người cứng đờ.

Ông Hai : ( dằn chiếc gậy xuống mặt bàn, nói lớn )  Nó làm vậy sao ?  Nó thế, để tui.  Chính tay tui sẽ giết nó... ( quát )  Cái đời cương thường đảo lộn này, phải dẹp đi cho sạch !  Bớ Tuyết Anh, mi đâu ?  Ra đây tức thì cho tao coi !

   Vĩnh Anh ở đâu chạy lết ra, ôm chân ông Hai, miệng kêu « ông ngoại, ông ngoại ».  Ông Hai đưa tay xoa đầu nó, mắt trừng trừng nhìn về phía cầu thang.

Ông Hai : ( tiếp tục quát )  Bớ Tuyết Anh !

Bà nội :  ( nhìn Lưu, giục )  Mi nói đi !  ( quay sang ông Hai )  Tụi nó đánh ghen với nhau...  Mi nói đi Lưu !

Lưu( xoa tay )   Dà, dà...

Bà nội :  ( tay chỉ Tạo, miệng nói, chân đi ra ngoài )  Ðó, thằng làm đổ vỡ gia đình con tui là thằng này !

Ông Hai đứng lên, tay cầm gậy, lăm lăm bước về phía Tạo. Lùi lại, Tạo chưa kịp nói thì ông Hai thẳng tay quật vào đầu. Tạo tránh nhát gậy, tiếp tục lùi.Ông Hai tính đuổi theo, nhưng vướng thằng bé Vĩnh Anh ôm chân.

Ông Hai : ( lại quát )   Bớ Tuyết Anh, xuống ngay đây !

   Vĩnh Anh níu tay ôm, sợ quá, nước mắt trào ra, lắp bắp « Ông ngoại, ông ngoại, má vô nhà thương ! »

   Ông Hai ngưng bước.  Ông quay nhìn Lưu

Ông Hai : ( sững sờ )  Thiệt không ?  Tại sao con Tuyết Anh vô nhà thương ?

Lưu :  ( luống cuống )  Dà, dà... Không có chi đâu !

   Ông Hai ngồi bệt xuống ghế, mắt trừng trừng nhìn hết  Tạo rồi lại Lưu. 

Ông Hai : ( thở ra )  Cho tao miếng nước.

   Trầm ngâm, ông nhấp một ngụm, nhìn Lưu rồi thình lình nắm vào tay Lưu.

Ông Hai : ( trầm giọng )  Lưu !  Con Tuyết Anh mà ngoại tình, tao sẽ mang về dạy nó.  Nhưng tối hôm qua nó tới, tao không có nhà.  Nó nhắn lại là mi có vợ mới,  vợ mi đã có bầu, rồi nay mi đuổi mẹ con nó ra khỏi nhà.Vậy chuyện thực hư thế nào, mi kể cho tao.  Tao hứa là gì thì gì, tao cũng giúp bay giải quyết cho « có tình, có lý »!

   Ðúng lúc đó, tiếng chân người ngoài cửa.  Bà nội đi vô với hai anh công an phường.  Bà níu tay một anh, miệng nói :

Bà nội : Mấy anh lo giùm.  Ổng lại nổi cơn điên rồi !

 

Cảnh 2

   Buổi trưa.  Phòng điều tra sở công an cấp quận.  Trong cùng, một chiếc bàn đằng sau treo ảnh Hồ chủ tịch.  Bên trái, khẩu hiệu chữ đỏ « Sống theo nếp sống văn minh, xây dựng xã hội chủ nghĩa ».  Bên phải, cũng khẩu hiệu «Sống theo pháp luật, kiên quyết chấp hành nghị quyết ... ». Một công an làm thẩm sát viên, ngồi sau bàn.  Phía trước có hai cái ghế. Bên cạnh, sát tường là một cái ghế dài, có ông Hai, bà nội, Lưu và Tạo. Một công an đưa Tuyết Anh vào. Ðầu nàng quấn băng trắng, máu chảy đọng thâm lại, dáng đi mệt nhọc.  Ông Hai đứng dậy, bước tới.

Ông Hai : Tuyết Anh hả ?  Có sao không con ?

Tuyết Anh : ( gượng cười )  Không sao đâu ba... ( nhìn sang Tạo, hỏi )  Ủa, sao anh cũng ngồi đây hè ?

   Tạo lắc đầu.Ông Hai lại nổi cơn, thình lình giật giọng

Ông Hai : ( tay chỉ Tạo )   Thằng này là thằng nào với mày, Tuyết Anh ?

   Công an đưa tay lên, ra dấu cho mọi người ngừng nói.  Anh ta đọc, giọng máy móc :

   .....Cơ quan Công An chỉ làm nhiệm vụ biên bản, và theo Nghị quyết...trong Ðại Hội Ðảng...thì chỉ có Tòa Án Tư Pháp các cấp...mới có thẩm quyền xét xử và....

   Ðọc xong, anh ta ngước lên, giọng lạnh tanh « Mọi người đều nghe rõ chứ !». Không đợi trả lời, anh lướt mắt nhìn một lượt,

Công an : (hắng giọng )  Vậy bên nào khởi tố, bên nào là bị can.  Như tôi hiểu (tay chỉ bà nội), thì bác tố...đúng không ?

Bà nội :  ( gật gật )  Dạ...

Công an :  ( vẻ lạnh nhạt )  Vậy mời bác nói.

Bà nội : ( nuốt nước bọt )  Dạ.  Sự việc như thế này. Tối hôm qua, tui nghe tiếng động dưới nhà...

Công an :  ( ngắt, giọng sẵng ) Tối là mấy giờ tối ?

Bà nội : Mười giờ rưỡi...  Tui nghe tiếng động dưới nhà.

Công an : Tiếng động gì ?

Bà nội : Tiếng lịch bịch, tiếng rên...  Tui liền đi xuống,  tui mở cửa ra.  Tui thấy...

Công an :  Bác đi, bác có nói chi, có gây tiếng động hay là bác đi êm ru bà rù...

Bà nội : ( ngơ ngác ) Tui không nhớ rõ...

Công an :  Có ai lúc đó nghe thấy gì không ?

Lưu : ( giơ tay )   Tui cũng nghe có tiếng dưới nhà.  Rồi má tui kêu.

Công an : Vậy là bả không êm ru rồi ! Bà kêu làm sao ?

Lưu :   Dà, dà... Bà kêu chi mà rầm rầm dưới đó !

Công an :  ( cắm cúi viết, miệng lẩm bẩm ) ... kêu rầm rầm.  Rồi.  Bác nói tiếp.

Bà nội : Tui ra hàng hiên tui thấy anh này ( tay chỉ Tạo ) đang ôm con dâu tui ( tay chỉ Tuyết Anh ) mùi mẫn.

Công an : ( ngửng lên )   Mùi mẫn ( nháy mắt cười ) !  Hai người mùi mẫn làm sao bác ?

Bà nội : ( luống cuống )  Thì mùi mẫn đó, chuyện trai gái mùi mẫn bộ tui phải nói rành rẽ ra sao ? Chừ nếp sống văn minh ( bà  nội chỉ tay vào khẩu hiệu trên tường ), đâu cho nói ra hết đâu, phải không chú ?

Công an :  ( lại cắm cúi viết )  ... ôm nhau mùi mẫn.  Rồi.  Bác nói tiếp.

Bà nội :  Tui la tui gọi con tui ( tay chỉ Lưu ) cho nó xuống coi.

Công an :  ( ngắt lời, mắt nhìn Lưu )  Anh có xuống không ?

Lưu :  Dà, dà, tui xuống liền...

   Công an ngước mắt chờ.

Lưu :  ... tui thấy ảnh ( nhìn Tạo ) đang bồng vợ tôi lên.

   Công an viết, lại lẩm bẩm

Công an :  ... bồng lên.  Vậy cũng mùi mẫn chớ hỉ ( cười, nhìn Tạo ).  Còn anh, anh có ôm có bồng chị này không ( tay chỉ Tuyết Anh ) ?

Tạo  :  Có !

   Ông Hai đứng phắt dậy, tay giơ gậy lên sấn tới, nhưng Lưu ôm ông lại.

Ông Hai : ( gầm gừ )  Tổ cha bay, bay có biết nó là gái có chồng không ?  Còn mày, con Tuyết Anh. Bộ tao dạy mày trốn chúa lộn chồng hỉ ?

Công an :  ( đưa tay lên )  Bác Hai.  Xin bác bình tĩnh để làm việc.  Anh nhận có ôm, có bồng...  ( lại cắm cúi viết, rồi quay sang Tuyết Anh )  Mời chị, chị nói đi.  Có ôm có bồng không ?

Tuyết Anh :  Dạ, lúc đó tui như điên như dại.  Tui lại đau, đầu nhức như búa bổ, không có nhớ... ( tay chỉ lên đầu, Tuyết Anh cười nhạt ).  Với lại đầu bể, máu me tùm lum thì có ôm có bồng cũng không lấy đâu ra mùi mẫn...

   Tạo bật cười.  Công an gãi đầu, lại cắm cúi viết

Công an :  Lúc đó, cô Tuyết Anh bể đầu, máu me nên không lấy đâu ra mùi mẫn... hả ( công an ngước lên, tinh quái )  Trước lúc bể đầu thì mùi mẫn chớ !  Phải không ?

   Bà nội  gục gặc, vẻ đồng tình.

Bà nội : Trước, mùi mẫn được chứ  ( nhìn Lưu ).  Tui kêu con tui, nó xuống rồi hai người đàn ông đánh lộn bậy, con nhỏ bị xô lúc đó đầu mới đập vô tường.  ( Bà  nội khẽ giằng tay Lưu, giục ) Khai đi con...

Lưu :  ( ngập ngừng )  Dà, dà...

Công an : ( nhìn Tạo )  Anh có đánh lộn không ?

   Tạo lắc đầu.  Ông Hai lúc đó  như hiểu ra, giơ tay xin nói.

Ông Hai : Tối qua Tuyết Anh tới tìm tui là cha nó.  Không gặp, nó nhắn lại rằng chồng nó mới vừa mang một người đàn bà có bầu về nhà rồi tính đuổi mẹ con nó đi.  Tui chắc là chuyện chính là chuyện này... Lúc bác Năm (nhìn bà  nội ) ra hàng hiên, nó bể đầu chưa ?

Bà nội : Chưa.  Thằng Lưu xuống đánh lộn, rồi nó mới bể đầu phải không Lưu ?

Lưu :   Dà, dà...

Công an :   Còn chị, làm sao chị bị bể đầu vậy ?

Tuyết Anh :  ( nhìn xuống đất, mơ màng )  Lúc đó, tui phát khùng.  Tui oán hận cuộc đời.  Tui không chịu nổi nữa... ( Tuyết Anh nấc lên ) ... nên tui đâm đầu vào tường cho xong đi...  Anh này ( chỉ Tạo ) ảnh kéo tui lại...

Công an :   Chị định tự tử ?  Chị muốn chết ?

Tuyết Anh : ( ôm mặt )  Có lẽ vậy !  Ðó là cách duy nhất tôi có để chống lại sự bất công trên đời này...  Nhà tui, mà nay người ta đuổi tui đi.  Con tui, tật nguyền... có gì mà tiếc nuối đời sống này ( nhìn ông Hai ), hả ba ?

Công an : ( quay nhìn bà  nội )  Bên tố - bác đây - cũng đòi là chị Tuyết Anh và cháu bé phải rời đi...

Ông Hai : ( ngắt lời, bực dọc )  Nhà đó là tui cho con gái tui, đuổi nó làm sao được !  Nay, chính nó có quyền mời cái cô vợ mới của thằng này ( tay chỉ Lưu ) đi...

Công an :  ( chậm rãi )  Cái đó không được bác à ?  Hồi ba năm trước xây khách sạn, tên đăng ký là anh Lưu.  Chị Tuyết Anh có ký giấy để anh Lưu toàn quyền xử dụng, thương nhượng, quản lý căn nhà đó...

Ông Hai : ( nhìn Lưu )  Vậy Lưu, mày có đuổi con nhỏ mới tới không ?

Lưu :  ( xoa tay )  Dà, dà...

Công an :  ( lại cười )  Muốn đuổi cũng khó.  Chính anh Lưu đã xin cho cái cô Hằng gì đó nhập hộ khẩu mấy tháng trước đây rồi.  Không có cớ gì chính đáng, không thể đuổi người có hộ khẩu đi...

Ông Hai : ( quát )   Cớ chính đáng là xã hội chủ nghĩa đâu cho ai có quyền có hai vợ...

Bà nội :  ( chen vô )  Có ai nói con nhỏ mới tới là vợ thằng Lưu đâu hè !   Tui thuê nó về giúp khách sạn đó...

Ông Hai : ( nhìn công an )  Mấy chú không thấy tụi nó gạt con gạt cháu tui để cướp nhà rồi đuổi đi à ?  Xã hội chủ nghĩa gì mà lại vợ lớn vợ bé kỳ vậy !  Mấy chú làm biên bản, không đuổi được con nhỏ mới tới ở tức là mấy chú trên thực tế đuổi mẹ con Tuyết Anh ra khỏi nhà...

Công an :  ( xoa tay )   Bác Hai, ngày xưa bác là thủ trưởng công an tụi con.  Bác biết là tụi con cứ phải theo luật mà làm.  Nhà nước bây giờ là nhà nước pháp trị mà...

Ông Hai : ( la lớn )  Pháp trị cái khỉ mốc.  Bay tưởng tao mù à ?  Tụi nó « trà nước » cho bay bao nhiêu mà bay để tụi nó ăn cướp con tao cháu tao ?

Ông Hai : ( bất ngờ quay lại nhổ vào mặt Lưu )  Tao vì cha mày lôi mày về làm rể !  Nào ngờ, mày là một thằng hèn, thằng bất nhân bất nghĩa !

   Ông Hai ngồi thụp xuống, nước mắt trào ra, tức tửi.

Ông Hai : (ngửa mặt lên nói như nói một mình ) Anh Năm ơi, anh hy sinh cho cách mạng, nhưng thành công rồi thì đẻ ra rặt một bọn ăn cướp ăn cắp...  Anh coi thằng con anh nè !

   Mấy anh công an nghe,  nhìn nhau.

Công an : (nhăn mặt )... Bác Hai, bác về đi.  Kêu khóc nơi nào chứ đây là trụ sở cơ quan, không được...

Ông Hai :  (vùng lên, tay khua gậy, gầm gừ ) ... Bây giờ bay đuổi tao hỉ ?  Tụi bay ngồi được đây là nhờ tay tao... Bay biết hết, vợ tao bị ngụy bắt, đánh chết.  Tao mang con gái vô rừng nuôi cả chục năm, ăn bờ ngủ bụi, để có ngày nay.  Mà ngày nay thì  ( ông ré lên) Trời không có mắt, oan ức bất công như vầy mà không ai làm chi cho được... Bay a dua với cướp, bay thành cướp.  Cướp ai, bay cướp người lương thiện, mạnh thằng nào thằng nấy bỏ tiền vô túi...  Biết vậy, tao hy sinh đời tao làm chi ?  Anh Năm ơi, con anh vậy, anh chết để được gì, anh Năm ơi ?

   Hai công an lực lưỡng đến cạnh ông Hai, xách ông lên như một con gà ốm, lẳng lặng mang vứt ra ngoài đường lộ.  Ông vùng vẫy, những tấm huân chương cài trên ngực áo rơi xuống đất, nào là Huân Chương Kháng Chiến, Huân Chương Ðộc Lập…

 

 

Cảnh 3

Buổi chiều, chạng vạng tối.  Trời thôi mưa, gió đã lặng.  Tạo ngồi trên ghế đẩu ở hàng hiên, lưng dựa tường, hút thuốc.  Bên cạnh là một chiếc radio xách tay. Tiếng radio :

   «... thiệt hại rất nặng nề ở vùng duyên hải. Quốc lộ 1 không xử dụng được từ Tuy Hòa ra Quảng Ngãi.  Ðường xe lửa Thống nhất vùng Quảng Nam-Ðà Nẵng hoàn toàn bị hư hỏng...   Khoảng năm ngàn gia đình không nơi ăn chốn ở... Thiệt hại nhân mạng tính đến nay là 112 người, và số mất tích lên đến 360 người...  Hội Ðồng Bộ Trưởng ra chỉ thị xúc tiến...

   Nước bắt đầu rút, nhưng nhiều nơi còn bị ngập, xe cộ chưa đi lại được... »

   Bỗng có tiếng trẻ con reo hò.  Ông Hai đi tới, mặc quần áo bộ đội, tay cầm gậy, tay cầm một mớ giẻ.  Ông vừa đi, vừa đếm « một, hai, một, hai... ».  Tiếng trẻ con đồng thanh vừa nhại « một, hai, một, hai... » vừa ằng ặc cười .

Ông Hai :  ( quay lại )  Ðứng lại...đứng !  Nghiêm... ( ông thẳng người, hai chân đập vào nhau, đứng như phỗng ) ... nghỉ ( ông dạng hai chân ra) ... nghiêm.  Các đồng chí, cuộc chiến đấu thần thánh của nhân dân ta anh hùng đã dẫn tới chiến thắng này.  Ngày nay, đất nước là đất nước của chúng ta.  Tương lai chúng ta là do chúng ta quyết định. Mỗi người vì mọi người.  Mọi người vì mỗi người.  Sống theo pháp luật và nếp sống văn minh. Xã hội chủ nghĩa muôn năm.

   Trẻ con lại vừa hô «xã hội chủ nghĩa muôn năm ! » vừa ằng ặc cười. Nghe rầm rầm, Tuyết Anh từ trong khách sạn chạy ra.

Tuyết Anh :  ( la lớn )  Ủa ba !  Ba làm chi vậy ?

Ông Hai :  ( quay lưng về phía Tuyết Anh, giơ tay nói như diễn thuyết )  Ðất nước còn nhiều khó khăn.  Ðế quốc dẫu bị đập  nhào, vẫn còn ngoan cố phong tỏa, cấm vận, gây cho ta nhưng trở ngại.  Nhưng khó khăn nào ta cũng vượt qua, kẻ thù nào ta cũng đánh thắng.  Các đồng chí, chỗ nào cần, thanh niên có.  Chỗ nào khó, có thanh niên.

   Lại tiếng trẻ con vừa reo « chỗ nào khó, có thanh niên » vừa ằng ặc  cười.  Lúc đó, Tuyết Anh chạy tới kéo tay ông Hai

Tuyết Anh : ( năn nỉ ) Thôi ba ơi !  Ði về đi, ba !

Ông Hai : ( quay lại, tay phất lên, hô )  Dưới lá cờ bách chiến bách thắng...

Tuyết Anh :  ( giằng tay ông lại, giọng van lơn ) Thôi mà ba !  Ba về đi.

Ông Hai :  ( giựt phắt tay, trừng mắt ) Về !  Hứ ! Về đâu ?

Tuyết Anh : Về đi ba. Về nhà.

Ông Hai : ( nhảy lên, tay gậy chỉ lên trời, hát )  ... Nhà ta ta cứ xây, ruộng ta ta cứ cầy, đợi ngày... Diệt xong quân cướp kia, ngày mai ta ấm no, cùng nhau ta hát vang...  tự do.

   Tiếng trẻ con hò lên « tự do, tự do ! » rồi lại ằng ặc cười .

Ông Hai : ( quay người, thụp xuống, cầm gậy như người ta cầm súng, thét )  Các đồng chí, xung phong...

Tiếng xe jeep trờ tới, lốp rít , phanh kêu ken két., rồi tiếng thổi còi nghe  choáng tai. Một đám công an nhảy xuống, la « dẹp, dẹp... ».

Ông Hai : ( giơ cao gậy, quát )  Các đồng chí, vì nhân dân, tiến lên !

Một công an ( lầu bầu ) : Ông nội ơi !  Tiến về đâu mà tiến !

Ông Hai : ( quắc mắt )  Tiến lên xã hội chủ nghĩa !  ( Ông lại hát ) ... Ðoàn ta là giải phóng quân, là con em của nhân dân...

Tuyết Anh : ( níu tay ông Hai )  Thôi.  Im đi ba !  Thôi...

   Hai công an đến kẹp nách ông Hai lôi đi xềnh xệch.  Tiếng trẻ con vẫn ằng ặc cười. Tuyết Anh chạy về phía ông Hai, nhưng một công an chặn lại, tay xô khiến Tuyết Anh ngã xuống.  Tạo chạy tới.

Công an :  ( trừng mắt  nhìn Tạo, quát )  Bộ muốn làm loạn hả !

   Tiếng ông Hai hát quốc ca « ... Đoàn quân Việt nam đi, chung lòng cứu quốc...giắt giống nòi qua nơi lầm than...Cờ in máu chiến thắng say hồn nước... ».  Bọn trẻ con đồng thanh hát theo, vừa hát vừa ằng ặc cười…

Tiếng công an nạt  lớn  « Im, im ngay!  Giải tán... ». Tiếng hát lắng xuống.  Tạo chạy ra đỡ Tuyết Anh.

   Lúc đó, thằng Vĩnh Anh lúc lắc cái đầu méo mó lết ra hiên.  Nó cười ngây ngô, trọ trẹ hát theo « ... cờ tô máu chiến thắng say hồn nước... » rồi ngưng lại, lấy cánh tay tật nguyền khều khều mẹ nó, mồm hỏi  « ... ông ngoại đi đâu, mẹ ? ».

 

Cảnh 4

     Ðêm đã về.  Gió lại vi vu cất lên.  Tiếng vĩ cầm kéo  nhạc  độc tấu của Bela Bareik  lê thê, oằn oại.  Ở hàng hiên, Tuyết Anh ôm Vĩnh Anh trong lòng, miệng hát nho nhỏ

«  Sóng bạc đầu, và núi chìm sâu

Ta về đâu đó ?

Về chốn nào, mây phủ chiêm bao

 Cạn suối nguồn, bốn bề nương dâu

Ta tìm em nơi đâu ?

 Biển sóng...biển sóng đừng xô tôi

 Ðừng cho tôi thấy hết tim người ….»

   Tạo ra.  Tuyết Anh im bặt. Tạo lẳng lặng ngồi xuống dựa vào tường. Tuyết Anh quay mặt nhìn đi chỗ khác, thở dài.  Vĩnh Anh cựa mình trong tay mẹ, lấy cánh tay khều khều, lại be be « chú, chú », miệng toét ra ngây ngô cười.

Tạo  : (nhìn xa xăm, ngập ngừng)  Họ đưa bác đi đâu vậy chị ?

Tuyết Anh : ( thở dài, chua chát )... Tui lên công an quận, hỏi họ đưa ông già tui đi đâu ?  Họ cười, nói mấy ông  « truyền thống kháng chiến » như ổng có tiêu chuẩn cao, được đi an dưỡng...

    Tạo nhìn Tuyết Anh, ánh mắt dò hỏi.

Tuyết Anh :  ( cười nhạt) ... Ði học tập cải tạo còn đỡ, chớ đi an dưỡng là đi vào nhà thương điên... Rồi tui cũng vậy, tâm thần mà... Lần này nhà thương ghi bệnh lý tui là tâm thần...

   Tạo bỗng chùng lòng lại xót xa.  Hai người cùng im lặng.

Tuyết Anh : (lên tiếng, nói như phân bua)  Khi đập đầu vào tường, tui không hiểu mình muốn chi, nhưng biết giá mà đau đớn thân xác thì may ra tui giải tỏa được nỗi cấu xé tinh thần.  Tui nghĩ, mấy người tự tử cũng vậy.  Nhưng xa hơn một bước, tinh thần họ chỉ an bình được lúc thể xác họ không còn nữa...   

Tạo  :  ( nhìn vào mắt Tuyết Anh ) Bây giờ, chị tính thế nào ?

Tuyết Anh :  ( cười buồn rầu )  Còn tính thế nào nữa !  Anh coi, tình thế này thì mai mốt mẹ con tui phải ra khỏi nhà này ( tay Tuyết Anh đập nhè nhẹ vào tường ).  Anh đừng lo, tinh thần tui rồi sẽ ổn định, ( cười ) tui không tự tử đâu anh !  Khốn khổ không đủ sức đẩy con người đến chỗ chết. Tuyệt vọng thì khác.  Tui chưa tuyệt vọng. Nói thiệt, tui còn một niềm hy vọng nhỏ nhoi.  Rất nhỏ nhoi, nhưng có, như một phép lạ. Anh có tin có bà Tiên trong truyện Tấm Cám không ?   Tui, bữa nay tui mới tin.  Có đấy, cái phép lạ đổi đời đó thành sự thực khi con người ta víu vào mép bờ của vực thẳm ...

Tạo  :  ( nhẹ nhàng )  Ờ, phép lạ. Chị nói tôi mới nhớ…Hồi nhỏ tui cùng mấy đứa bạn ra sông Thu Bồn bơi đua. Bữa đó nước chảy xiết, tui vô chỗ xoáy, bị hút xuống… Tui kêu, nhưng tụi bạn ngó trân chịu trận. Nước cuộn lấy tui nhận chìm, tui cố sức đạp ngoi lên. Cứ thế… (mỉm cười ) tui vùng vẫy, tay quơ chân đạp, trong đầu bỗng thấy lại hết, cha tui, mạ tui, mấy anh mấy chị, cả cuộc đời ngắn ngủi của mình thình lình quay lại như  màn  ảnh  xi-nê trong chỉ mấy tích tắc. Khi đó tui không hề sợ, không hề nghĩ đến cái chi gọi là sự chết… Chân vẫn đạp, tay vẫn quơ cho đến lúc tui mở mắt ra thì chẳng hiểu làm sao tui đã giạt vô bờ… Mạ tui khóc, biểu là phép lạ, chắc nhờ bà dì chết trẻ tui cứu độ…  Bả chết trẻ nên nghe nói thiêng lắm…

Tuyết Anh :  ( ngậm ngùi )  … Tui khi nhỏ thì khác. Hồi mạ tui chết, cô tui đưa vô khu cho tui một cái khăn choàng đầu của mạ. Khi đó tui ở vùng núi Mỹ Sơn, lắm bữa mấy chú mấy bác đi hết, chỉ có mình tui loay hoay một mình trong lán. Ra ngoài chơi, gió thổi bay chiếc khăn đeo tòng teng trên cây. Tui kêu Mạ ơi rồi leo lên. Không biết sao tui trợt chân, chỉ hai tay nắm được cành ngang… Nhìn xuống, cao dễ sợ, chắc ít ra cũng ba, bốn thước. Tìm cách móc chân vào cành nhưng vô ích, tui cứ thế đong đưa…tay mỏi nhừ, nước mắt nhỏ ra, miệng kêu cứu. Lúc đó tui nghĩ tới sự chết và tui sợ…Sợ ghê gớm mặc dầu chăng hiểu chết là thế nào. Tui nhắm mắt, cắn răng, khấn Mạ, rồi tui nghe bên tai  có tiếng thì thầm  « Con à, đừng có bỏ tay ra nghe ». Cho đến lúc mấy chú bộ đội về, mấy chú la, rồi căng tấm bạt vải dù phía dưới,  biểu « Ðừng sợ, thả tay ra cháu ! » … thì tui mở mắt, nghe gió vù vù bên tai, và sau là cha tui mặt xanh lè ôm lấy tui miệng nhắc tới nhắc lui « Con tui, tội nghiệp con tui ». Nhỏ vậy, nhưng tui đã biết tuyệt vọng là chi… Và vượt lên trên được nó là sự  sống (  cười buồn buồn ) Tui thì tui còn đang sống đây, vì  có chút hy vọng…

Tạo nhìn, vẻ tò mò chờ đợi nhưng Tuyết Anh biết ý, khẽ khoác tay,

Tuyết Anh :  (giọng trầm  xuống)   Chưa nói được, thôi anh cho khất, để khi nào tiện…

   Tạo im lặng. Tuyết Anh ngưng nói, nhìn xa xăm. Bóng đêm ụp xuống rất nhanh. Ðèn đường màu vàng bệnh hoạn hắt xuống mặt đường những bóng dài lằng ngoằng. Nhạc cất lên…

   Bỗng có tiếng chân chạy thình thình từ cầu thang xuống. Không nói không rằng, Lưu nhảy lên chiếc Honda dựng ở hàng hiên, rồ máy, rồi chạy vụt đi. Tạo và Tuyết Anh ngơ ngác nhìn theo.

   Trên lầu, có tiếng đàn bà rên la kêu đau.  Tiếng chân xuống thang.  Rồi tiếng vòi nước chảy trong bếp.  Tuyết Anh chăm chú nghe.

Tuyết Anh :  ( chua chát ) Chắc con nhỏ trên lầu chuyển dạ...  May mà mẹ chồng tui không bắt tui nấu nước nóng rồi lên phụ đỡ đẻ !

Tạo ngượng ngùng, không biết nói gì. Trời tối hẳn. Ðèn đường hắt ánh sáng màu vàng bệnh hoạn vào hàng hiên. Vĩnh Anh lại khều khều, mồm kêu  « chú, chú ! ».  Tạo vuốt tóc nó. Lúc đó Lưu về, đằng sau xe chở một người đàn bà trung niên.  Họ vội vã lên lầu.

 

   Lát sau, có tiếng hài nhi oe oe khóc.  Tiếng nhạc cử lên, tiết điệu hy vọng rồi nhẹ nhàng chìm lắng xuống.

Tuyết Anh :  ( giọng buồn, nhưng dịu dàng )  Xong rồi !  Không biết là trai hay là gái.

Hai người im lặng. Gió xào xạc làm chao những tàn cây bên đường, ánh đèn chập chờn sáng tối,  rồi tiếng đại hồ cầm cất lên trầm mặ cnhưng dịu dàng.

Tuyết Anh :  ( mơ hồ )  Nước rút rồi !  Ngày mai anh về Cửa Ðại hỉ ?

   Tạo không trả lời. Tuyết Anh cúi xuống ôm Vĩnh Anh.  Chắc chắn nó không biết rằng nó vừa mới có  được một đứa em cùng cha khác mẹ.  Nhạc lại vẳng lên, đèn tắt dần.

 

 

MÀN IV

SÓNG VỀ ÐÂU ?

Cảnh 1

   Buổi trưa, nắng vàng trời.  Không khí sau cơn bão mát dịu.  Từ chân núi dưới chùa Non Nước, Tạo nhìn xuống.  Nước vẫn ngập, tứ bề bao la, lấp loáng ánh mặt trời.  Tạo quệt mồ hôi, châm thuốc hút rồi đi xuống dốc.  Bỗng có tiếng gọi.  Tạo ngừng bước quay lại.  Tuyết Anh, tay dắt con, đứng đằng sau, miệng mỉm cười.

Tạo  :  ( ngạc nhiên )  Chị đi mô mà ra đây hè ?

Tuyết Anh :  ( ngượng nghịu )  Tui tới từ ban sáng.

Tạo  :   Ðể chi vậy ?

Tuyết Anh :  Ðể...để..

   Tạo nhướng mắt, chờ câu trả lời.  Thằng Vĩnh Anh lại cười toét miệng, ngây ngô kêu  «chú, chú ».

Tuyết Anh : Mà thôi...  Mẹ con tui đi cho nó thoáng một chút.  Anh biết rồi, ở nhà ngộp thở...  Ðêm qua anh ngủ say lắm, phải không ?

   Tạo gật đầu.

Tuyết Anh : Vậy thì anh không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì !

Tạo  :  Không !

Tuyết Anh : Anh không nghe tiếng người khóc ?

Tạo  :   Không ! không nghe !

Tuyết Anh : Mẹ con ảnh đuổi, tui với cháu ( tay chỉ Vĩnh Anh ) xuống ngủ ở phòng ăn của khách sạn.  Vì vậy, tui nghe hết.  Tui còn thấy nữa.

Tạo  :  ( trầm tĩnh )  Chị nghe gì ?  Thấy gì ?

Tuyết Anh : Nửa đêm, tui nghe con Hằng khóc ré lên.  Rồi  nó nói như van xin...  Sau đó, có tiếng chửi.

Tạo  :  Tui ngủ say, lại ở lầu ba, tui không nghe thấy gì hết...

Tuyết Anh :... rồi tiếng chân xuống thang.  Tui nhìn ra, hai mẹ con ảnh bê một cái gói.  Bà nội mở cửa. Ảnh rồ xe Honda...  Tiếng khóc trên lầu nghe i ỉ.  Tui chạy lên.  Con nhỏ tội nghiệp, nó cắn răng lại, thút thít.  Hỏi nó, nó lắc đầu không nói.  Tui nhìn không thấy đứa nhỏ mới sanh.  Tui lại hỏi...  Con Hằng khóc ngất...

   Thằng Vĩnh Anh nhìn mẹ nó, kêu be be « Má, má, đi ra biển » rồi quờ quạng đứng dậy.  Mất thăng bằng, nó té nhào.  Tạo nhanh tay đỡ thằng bé, mắt nhìn Tuyết Anh.

Tuyết Anh :... nó vừa khóc vừa nói chi đó.  Tui lại hỏi. Nó kêu « chết rồi ! ».  Ai, ai chết.  Nó tức tưởi « Con tui ! ».  Làm sao lại chết ?  Nó nghiến răng, hổn hển « Bà nội nó bóp mũi cho chết !»

   Không kìm được, Tuyết Anh bỗng bật khóc.

Tuyết Anh :  ( nghẹn ngào )  Thì ra thằng bé mới đẻ cũng giống hệt Vĩnh Anh.  Tay chân không lành lặn.  Ðầu méo mó, vẹt đi một nửa...  Lại độc tố da cam.  Tui chắc hai mẹ con ảnh đưa xác thằng bé ra sông Hàn...

   Lại thêm một nỗi bất hạnh. Nhìn ra mặt đất mênh mông nước, trí tuệ Tạo tê cóng, nhưng cảm giác ngậm ngùi tràn ngập như mùa lũ ùa xuống từ những cánh rừng trên kia đã trụi cây. Khuôn mặt nhăn nhúm như mặt Vĩnh Anh hiện ra, tiếng khóc hài nhi nghẹt thở vọng lại. Rồi chất độc da cam, bờ sông Hàn… Tất cả trộn vào nhau, vỡ toang ra, mảnh sắc văng tứ tung. Tạo ôm mặt, tai lơ mơ nghe Tuyết Anh gọi tên mình. 

   Thời gian trôi như chất lỏng đang đặc sệt lại. Khi mở mắt ra, Tạo thấy Tuyết Anh ngồi nhìn mình, vẻ mặt lo lắng.  Nắng lên gần đỉnh đầu, hắt cơn nóng xuống cái mặt đất nồng ẩm đang nung nấu trần gian.  Quệt mồ hôi, Tạo cố mỉm cười.

Tuyết Anh : ( buồn bã )  Tui ban đầu nghĩ, được rồi, mẹ con bay giết người thì bay phải đền tội.  Ra công an báo, chắc chắn là sẽ điều tra.  Và rồi nhân nào quả nấy.  Tui đợi mẹ con ảnh về.  Bà nội bước vô, tui hỏi « Bà giết người, bà có thấy sợ không ? ».  Bả tỉnh queo « Tau không giết người.  Nó có sống, cũng chỉ nửa người nửa ngợm ! ».  Anh Lưu tái mặt.  Ảnh van xin tui đừng khai báo... Tui nói cứng, nhưng sáng nay, tui không ra công an, tui tới đây...

Tuyết Anh : ( thở dài, tiếp) : Không biết sao mà bữa trước tui oán thù mẹ con ảnh.  Bữa nay thì không !  Tui chỉ thấy bâng khuâng...  Anh biểu tui phải làm sao đây ?  Tui khai báo là tui có thể lấy lại căn nhà.  Nhưng có cái chi đấy, vô hình vô tướng, kìm tui lại... ( Nghĩ ngợi một lát, rồi ngậm ngùi ) Cái vô hình vô tướng kia chỉ cảm mà không thấy, không hiểu. Tui bỗng nhiên biết tui là một người may mắn. Anh nghĩ mà coi…Bảy năm liền tui tưởng tui là một kẻ tật nguyền. Bây giờ thì không…Như đang đui mù bỗng nhìn thấy ánh sáng, như đang liệt bỗng đứng lên đi. (Hai tay áp vào má, Tuyết Anh mơ màng ). Trước đây, tui cứ sờ vào da thịt mình là tui sợ… sợ như đụng tay vào cái gì đang thối rữa ra…Sự kinh tởm chính bản thân mới ghê gớm làm sao ! Bây giờ, tui…là người lành lặn. Tui tìm lại ra mình và…( reo lên, mặt rạng rỡ) cái khả năng tin vào điều gì tốt đẹp… ( ngưng một lát, Tuyết Anh tiếp, giọng dịu dàng) …Tìm lại ra mình,  tự nhiên tui cảm thấy một niềm thương xót bao la. Trong niềm thương xót đó có cả Lưu, cả bà nội, cha tui, cả những người đã chết, và luôn cả những kẻ sắp sanh…Niềm oán thù tui cứ tưởng chẳng bao giờ nguôi ngoai trong lòng tui  bỗng chốc tan biến đi như chưa bao giờ có …

   Nhìn Tạo, Tuyết Anh ngập ngừng. Chiếc băng trắng cuốn quanh đầu đã cởi ra, tóc Tuyết Anh dài tới ngang vai đang bay tung lên trong gió sớm.  Nàng mặc một chiếc áo sơ mi màu ngà óng ánh vân, tay cầm nón trắng, hai mắt mở to, xanh biếc, ướt át dưới viền mi cong dài. Ðôi môi nàng nhếch lên,  hàm răng trắng lộ ra đều đặn như đắp bằng hạt trai.  Lần đầu nhìn Tuyết Anh rạng rỡ, Tạo ngạc nhiên và chợt hiểu tại sao mình thấy nàng quen quen …Tạo thầm nói

Tạo   ( độc thoại ) :  …Em ơi,  thì ra chỉ chút hao hao dáng dấp cũng đủ để anh nhìn thấy em.  Như ảo ảnh, anh vẫn muốn nắm bắt lấy em như  kẻ bám víu vào mảnh bè trong cơn nước lũ, cơn nước đang dìm anh xuống cho đến độ hết hơi ngạt thở. Anh ngoi lên, anh tìm em hay anh tìm duỡng khí. Anh chơi vơi, vì  khoảng cách giữa hai ta, hay là vì anh chỉ muốn cho em nhìn thấy cảnh anh giơ tay quờ quạng như một kẻ chết đuối mà  người trên bờ, có trách nhiệm nhưng không làm sao mà cứu được…Rồi trên bờ, em một mình ngồi  khóc,   khóc cả đời, khóc vì hối hận…

Thằng bé lại kêu, tay khều mẹ « Biển, biển ở đâu…Ra biển, mẹ ». Một đàn chim bay ngang, tiếng kêu vang lên lẫn vào tiếng ghe máy nổ. 

Tuyết Anh : ( nhìn Tạo ) :  Làm sao ? Bây giờ tui …

Tạo  :  ( nhẹ nhàng ngắt )   Chị cứ làm theo lòng chị...  ( Tạo đứng dậy, buồn bã cười )  Tui phải đi đây, chị với cháu ở lại...

   Vừa bước được vài bước, Tạo nghe Tuyết Anh gọi giật giọng.

Tuyết Anh : Anh Tạo, anh còn quên cái này ! Bức thư anh bỏ trên bàn ( tay chìa về phía Tạo), gió bay rơi xuống đất...Bức thư ( ngần ngừ ) khiến …tui chưa…tuyệt vọng…Anh viết « tụi con tính nhận đỡ đầu đứa bé… Nó tên Vĩnh Anh ». Anh biết, bà và cha nó còn chẳng muốn cưu mang nó (nức lên ), nhưng anh… Ðấy, phép lạ là thế…

   Tạo ngẩn ngơ thò tay ra lấy bức thư  nhưng thình lình Tuyết Anh giựt phắt lại.

 

Tuyết Anh :  ( giọng đổi ra cứng cỏi )   ... Tui biết, chẳng có cô giáo Minh nào.  Chẳng có ai ra chợ sông Hàn với anh để mua sắm gì...  Anh ở Ðà Nẵng bốn bữa, có người yêu thì hẳn anh không tìm, người yêu anh cũng đi tìm anh.  Ðằng này... không có ai, không có gì...  (  rành rọt ) .. và anh nói dối má anh, rằng anh sắp lấy vợ, để bà đừng thúc anh qua Mỹ đoàn tụ gia đình.  Cái đó, thật Tuyết Anh (nàng nay xưng tên) không thể hiểu nổi. Ai cũng mong đi. Nhưng anh, mẹ già anh đợi, anh chị em mong, lại chỉ thân một mình ở đây thì anh lại không chịu đi... Anh ở lại đây làm gì ? Anh có điên không ? 

   Tạo bật cười, tiếng cười như để cắt lời Tuyết Anh

Tuyết Anh :  ( nói vội, giọng căng thẳng )   Anh đi Mỹ đi.  Ði đi cho xong.  Anh nói một câu anh đi Mỹ, Tuyết Anh sẽ từ biệt anh ngay, về Ðà Nẵng rồi sau muốn sao cũng được.  Nhưng nếu anh ở lại, thì khác...  (mắt Tuyết Anh long lên, bốc lửa, rừng rực đam mê )... Thì khác hẳn! Tuyết Anh sẽ theo anh.  Anh có đánh đập, cũng theo.  Anh có giết chết, cũng theo.  Theo vô điều kiện.  Tuyết Anh xin đóng vai cô giáo Minh, suốt đời theo anh...Nếu anh muốn, cô giáo Minh này có thể đẻ cho anh một đứa con mà chẳng phải sợ gì cái chất độc da cam kia nữa ! 

   Không chịu nổi sức căng của những câu nói hình như vượt hẳn sự ý thức bình thường, Tuyết Anh nấc lên, rồi khóc òa.  Tay che mặt, đầu quay về phía đỉnh Non Nước, Tuyết Anh nắm tay thằng bé, vai run giật lên. Ôm mặt, Tạo không đáp, chỉ lẳng lặng cúi đầu xuống dốc. Chân lội bì bõm giữa hai rặng cây đâm chòi trên mặt nước lũ, chàng chệnh choạng  mò mẫm trên con lộ đã chìm sâu dưới nước. Chàng hồi tưởng đến người yêu, miệng trễ xuống, mắt thất thần.

Tạo  ( độc thoại ) :      … Anh còn đợi giấy xuất cảnh thì em nói, em qua trước chờ anh, nghe cưng. Ðừng sợ gì, hãy nghe em, em sinh ra là sinh để cho một mình anh mà thôi.

Anh đáp,  Anh cũng vậy.

Vậy em đi, em thư về cho anh mỗi ngày, mỗi tuần.

Anh cũng vậy.

Em đi, anh có nhớ không. Có, nhớ đến chết.

Em thì thầm, em cũng vậy.

Nhưng anh sẽ sống, chỉ vì em.

Em cũng vậy.

Một năm trôi qua. Anh còn thủy chung chứ. Còn. Thế em. Tất nhiên. Thư thưa dần, tại sao ? ( Tạo cười hừ ) Tại Bưu Ðiện ? Chịu vậy thôi anh, xứ mình mà. Thôi, chịu, nhưng anh sắp có xuất cảnh rồi. Bặt tin.

Cho đến một hôm, anh nhận được một phong thư rất mỏng, nét chữ lạ, viết rằng Minh bạn tôi nhờ tôi báo ông biết Minh vừa lấy chồng, đã đổi địa chỉ và nhắn chúc ông tìm được hạnh phúc… A, hạnh phúc ? Nhưng dĩ nhiên không có Minh với cái hạnh phúc đó. Nàng đã chọn một hạnh phúc khác để bây giờ trở thành Minh của  ngày xưa, cái ngày xưa đấy, nhưng sao vẫn quái ác  ám ảnh trong từng bước đi, từng câu nói, từng đêm chập chờn…

   Một lát sau,Tạo quay đầu nhìn lại. Như người bị trúng gió, Tạo đứng sững người ra như phỗng đá.   Thấp thoáng đằng sau, lưng địu đứa con tật nguyền, người chúi về phía trước, Tuyết Anh khập khiễng bước  theo.

 Nhạc cất lên, tiết điệu đi  từ cô đơn đến mỗi lúc một kinh hoảng...

 

Cảnh 2

   Tạo cắn răng, dấn bước nhanh hơn. Tiếng lội nước lõm bõm. Nhìn từ trên xuống, nước ngập mênh mông, đục ngầu, sóng sánh  đe dọa. Trời nắng chóa, xa xa những mái tranh ẩn hiện như vật vờ trôi. Tạo ngừng chân, nhìn quanh.

   Trên mặt nước, trôi lờ đờ đủ thứ rác rưởi. Tạo bỗng thấy trước mặt xác những loài gia súc chết chương lềnh bềnh  giạt đến.

   Tạo chợt hoảng sợ ngoái lại. Móc vào nhánh cây, một chiếc áo màu trắng đong đưa dập dềnh.  Tạo như bị tê cứng, mắt trố ra nhìn.  Mảng tóc dài nổi lều bều, xô qua dạt lại, dính vào mặt một đứa con gái chắc chưa được mười tuổi.  Khuôn mặt nó xám ngoét, hai môi căng ra há hốc như chực tìm dưỡng khí, mắt còn mở, chỉ thấy lòng trắng, màu trắng lạnh tanh vô hồn.  Tạo bất chợt thấy mặt mình bừng bừng bốc lửa. Cơn thịnh nộ ở đâu kéo về, cũng như cơn bão, bật tung thành một tiếng rú.  Cứ thế, Tạo rú lên. Tay đấm chân đá vào mặt nước, Tạo như phát điên, miệng vừa gào vừa chửi.

 

Tạo  : ( đột nhiên ngửng mặt gào) Tội chi mà hành nhau ?  Tội chi hở ?   Ðứa nhỏ kia đã làm gì mà thành tội, hở Trời ?  Cho sống, bắt chết.  Ðược.  Nhưng lý lẽ gì ?  Bóp mũi một đứa bé bị độc tố da cam như bà nội thằng Vĩnh Anh là giết người, nhưng còn tìm ra được một chút  khoan nhượng.  Ðó là tránh cho đứa bé đó một cuộc đời còn thua cả con heo, con chó.  Nhưng dìm chết một đứa trẻ bình thường, thì lấy gì ra mà so đo  để chấp nhận được... (Thình lình Tạo thét câu Tuyết Anh đã hỏi ) Trời ơi ! Trời có mắt không hở Trời ?

   Tạo cứ thế khóc vùi, đầu cúi, chân quì, thỉnh thoảng lại thở hổn hển. 

Lát sau, Tạo bình tĩnh lại,  kéo xác đứa trẻ, nhìn quanh tìm chỗ nước cạn.  Bốn bề vẫn mênh mông nước.  Tạo xé chiếc áo sơ mi, lầm lì tết thành dây.  Buộc cái xác vào cây cho khỏi trôi, Tạo ngước đầu tránh cái mùi chương sình đã bốc hơi, lùi lại, rồi vội vã bỏ đi.

   Tiếng  Tuyết Anh lại văng vẳng «... Anh đi Mỹ đi.  Ði cho xong ».

Tạo  (độc thoại, mơ màng ) :    Mạ ơi, đi có thật là xong không ? Năm năm trước, mạ nắm tờ giấy xuất cảnh trong tay, khóc «... nè Tạo, hay là mạ đợi, khi con có giấy, mạ con cùng đi, nghe ». Mình la  «... mạ kỳ quá !  Ði trước đi, rồi con đi sau.  Bây giờ, công ăn việc làm không có, ai người ta giữ người vô công rồi nghề.  Mạ qua bển kêu chị Ba đi hỏi coi cái bằng trung học kỹ thuật Cao Thắng của con bên Mỹ có cho tương đương không nghen ?... ». Thúc mãi, mạ mới lên đường.  Mình đâu có nói gì với mạ về mối tình với Minh. Rồi ông anh Minh bảo lãnh cho gia đình Minh. Qua Mỹ hãy lấy nhau, Minh nói, cho có đủ mặt cả hai họ. Dĩ nhiên. Mình hỏi, giấy tờ tới đâu rồi mạ. Mạ thúc, chị Ba làm giấy bổ túc.  Mạ làm giấy, diện mẹ con bảo lãnh dễ.  Cách đây hai năm, giấy tờ xong xuôi, muốn đi là mình đi đàng hoàng, đi máy bay.  Nhưng,  đúng lúc đó thì Minh vừa gửi lời chúc cho mình tìm được hạnh phúc và trở thành Minh của một ngày xưa xa lơ xa lắc… Bình tĩnh lại, Tạo ơi, mi thất tình  hay mi còn cái cớ nào khiến mi đầy đọa thân mi ngụp lội trong vũng nước khổng lồ này ?

   Ngửng mặt nhìn trời, mây từ xa bay về, đùn  lên ngay trên đầu Tạo vô số hình thù quái dị chỉ  như chực vồ xuống mặt đất này. Lời Tuyết Anh ở đâu cất lên «... Anh nói một câu anh đi Mỹ, Tuyết Anh sẽ từ biệt anh ngay, về Ðà Nẵng rồi sau muốn sao cũng được ! ». Tạo tiếp tục bước, môi mím, gân trán nổi lên, tay nắm chặt, mắt nhìn quanh .Vẫn chỉ nước tứ bề mênh mông, và thỉnh thoảng một cánh chim lạc đàn lẻ loi bay trong bầu trời vắng lặng

 

Tạo  (độc thoại ) : Phải chăng không đi để rồi ngụp lội trong vũng nước khổng lồ này chính là vì mình vẫn còn mong manh một chút hy vọng gì đó, mơ hồ thật, nhưng khiến mình chưa thua, không chạy, ương ngạnh trừng mắt lên nhìn Trời thách thức giông bão để viết cho mạ «... Mạ ơi, mấy bữa rày, trời khá đẹp ! ». ( Im lặng một lát, Tạo tiếp)…Còn Minh, Minh ngày xưa là Minh từng có thật. Nhưng Minh có thật đã xa đi rồi, xa đi như một giấc mơ ! Còn lại chỉ có cô giáo Minh con viết cho mạ trong bức thư đánh rơi, con tin vẫn đâu đó quanh đây với cuộc đời này. Nàng đang đóng vai một nhân vật hư ảo trong vở kịch bi tráng mà đứa con này của mạ định thủ vai người hùng. Thứ người hùng ngô nghê trước những bất hạnh bám víu vào sự có mặt của nàng để tiếp tục tồn tại…

  

Cảnh 3

   Bãi biển Cửa Ðại.  Chiều tà, mặt trời như một cái nia nhuộm máu lừ lừ ụp xuống mặt biển quầng tím.  Tiếng sóng đập vào bờ, và tiếng vĩ cầm cao tít như sắp biến đi.  Từ phân xưởng cá đi ra bãi biển, Tạo bước lê, mặt mũi phờ phạc.

   Tạo vòng theo mé sau phân xưởng đi thẳng ra bãi Cửa Ðại.  Dọc bờ cát, những cây dừa đổ nằm ngả nghiêng, đầu vắt lên nhau, rễ đâm râu ria chòi lên mặt đất.  Bãi biển im ắng người.  Chỉ có tiếng sóng rạt rào, và thỉnh thoảng tiếng gió hú.  Cát trắng óng ánh sáng dưới chân, chạy dài hình vòng cung, mất hút cuối bãi. Nơi xưa là hàng quán nay chỉ còn chơ vơ vài cái mái gianh chưa bị bay bốc lên trời trong cơn gió bão thấp thoáng dăm bóng người.

   Khi Tạo đến gần, ba đứa con gái con anh chị Sáu mặc áo sô trắng, đầu chít khăn tang, đang quì trước một chiếc bàn gỗ kê tạm, mặt hướng ra phía biển.  Trên bàn, ba nén hương cắm trong bát gạo tỏa những sợi khói mỏng đang bay lên rồi loãng ra vô sắc trong không trung.  Một nắm cơm trắng, quả trứng luộc đã bóc vỏ, và sợi dây chuyền chị Sáu xưa hay đeo nằm chơ vơ lạnh lẽo.  Anh Sáu ngồi, lưng quay lại phía Tạo, khấn vái rầm rì, thỉnh thoảng lại hắng giọng.  Gần anh là chiếc thuyền thúng, chiếc thuyền chắc đã quay cuồng để mặc sóng biển hớp lấy chị Sáu.  Chị chìm.  Nhưng chiếc thuyền thì không, nó tiếp tục quay, quay mãi, quay như con cù, cho tới khi cặp vào bãi.

   Tạo lẳng lặng ngồi sau anh Sáu.  Anh quay lại, mắt sưng vù, mọng đỏ.  Ba đứa con gái cũng quay lại, im lặng.  Một đàn hải âu bay ngang, cánh trắng lấp lánh trong bóng tà dương, không kêu, không gọi.  Chỉ có biển rì rào một mình, ngu ngơ  thả những con sóng trắng vào bờ, rồi lại kéo nước rút ra như nghịch ngợm.

  Nỗi bất lực ấn Tạo xuống mặt cát.  Chàng thụp người, ngồi xuống, khẽ khấn «... Nè, chị Sáu, ở đâu đi đâu, tránh đầu ngọn sóng kiếp sau ... ». Tạo nhắm mắt, tay vái bàn thờ đưa tiễn một linh hồn vừa thoát được cuộc đời khốn khổ ở thế gian này. Nhưng ơ kìa, hình như mẹ con Tuyết Anh đang từ sau lết trên mặt cát trắng như loài bò sát.  Mặt nhợt nhạt, tóc bết mồ hôi, miệng Tuyết Anh nhếch lên như chào.  Thằng Vĩnh Anh bò về phía Tạo,  kêu be be  « ... chú, chú », toét miệng ra nhe hàm răng mọc lỏng chỏng.  Tuyết Anh lấy tay vén lại tóc. Nàng cười, cười thật tươi, cái cười của kẻ tìm lại được mình. Tạo quay lại, mắt chóa sáng. Nhưng ơ kìa, hình như là Minh. Có phải là Minh của ngày xưa? Không, may ghê, Minh ngày xưa tan vào ánh sáng như lúc tỉnh dậy giải thoát u mê một cơn mộng mị ban ngày.  Minh bây giờ khác. Nàng đang ngồi trên cát bãi Cửa Ðại chứ không phải là Laguna Beach trong một bức hình gửi cho Tạo. Cạnh nàng, là Vĩnh Anh, bằng xương bằng thịt, thứ xương thịt tật nguyền. Nàng tiếp tục cười dịu dàng, cái cười của một người đàn bà tin vào hạnh phúc.

    Tạo lại nhắm mắt lại.  Ðúng lúc ấy, Tạo thấy màu đen của vũ trụ bỗng đổi thành muôn sắc muôn màu, và chàng ngửi thấy một mùi hương ở đâu bay về với gió biển.  Sóng biển vẫn rì rào, từng chập đánh sầm vào nhau, rồi nước lại ào ạt rút ra, bỏ trên bãi cát những con dã tràng lăng quăng chạy như chẳng có gì  đáng quan tâm.   

Tạo   ( độc thoại ) :   Trận bão và  cơn lụt cũng có đấy như biển như sóng và những con dã tràng kia ? Liệu chúng có hỏi  rằng Trời có mắt hay không có mắt ?  (Tạo bỗng thì thầm, mắt nhìn lên quả quyết )  Không lẽ cứ ngửng lên Trời hỏi, hỏi mãi ?  Hỏi đến quên mất câu trả lời ?  Rằng ở trên thế gian này, câu trả ở đâu đó ngay trong lòng mình. Thế thì còn tìm đâu ?  Không, phải tìm ở mình. Ðúng rồi, chỉ có cách ấy, là tìm ra mình…

   Hình ảnh Tuyết Anh và thằng bé  bất chợt hiện lên trong tâm tưởng Tạo, sống động, mặc dầu sống trong sự ngiệt ngã một thứ bất công . Tạo ôm mặt, đầu chúi xuống cát.  Bất công ấy chẳng chỉ có ông Trời mà còn kẻ làm ra chất độc da cam, kẻ đi giải nó xuống rừng xuống suối. Có Bà nội, Lưu và đám công an quận, công an phường. Trong trùng trùng điệp điệp những giải dây oan nghiệt rối vào nhau, phải chăng tất cả đều liên đới chịu trách nhiệm ? Thứ trách nhiệm giữa người với người.  Thứ trách nhiệm không dễ thấy khi con người chỉ nhìn nhau bằng mắt. Vì mắt chỉ thấy được cái hữu thể, đo được, đếm được và cướp đoạt cũng được. Cho nên chỉ còn một cách gỡ được ta ra khỏi tối tăm.  Nơi mắt nhìn không tới, ta để lòng đến thay.  Hãy rủ nhau cùng nhắm mắt lại rồi chỉ nhìn vạn vật, nhìn cuộc đời, bằng lòng mình. Và không mãi cứ trốn nhìn nhau rồi đùn trách nhiệm cho ông Trời với lời van xin cho Trời có mắt. Và không cứ như đà điểu rúc đầu vào cát. Tạo ngửng lên, tai văng vẳng tiếng hát

     Biển sóng biển sóng đừng trôi xa

     Bao năm chờ đợi sóng gần ta

     Biển sóng biển sóng đừng âm u

     Ðừng nuôi trong ấy trái tim thù ...

vang vọng rồi nhỏ dần, nhưng lắng đọng đâu đó trong  không trung. Vẫn  nhắm mắt nhưng sao bây giờ Tạo lại thấy Tuyết Anh và thằng bé?  Tạo bất giác mỉm cười một mình.

Tạo   ( độc thoại ) :  Hay là bức thư viết cho mạ, mình xoá tên Minh, viết lại thành Tuyết Anh rồi gửi đi. Ba tuần nữa, mạ sẽ nhận được. Bờ đại dương bên kia, mạ nghe đứa cháu đọc giùm chắc vừa khóc vừa cười. Mạ ơi, thế là mạ khỏi lo rằng thằng út của mẹ ương gàn. Mạ sẽ chẳng còn dịp mắng con cứ mãi lông bông dẫu rằng  đầu sắp bạc…

   Thằng bé đã lết đến cạnh Tạo.  Nó lại lấy cánh tay tật nguyền khều khều, miệng vẫn be be  «... chú, chú ». Tạo bật miệng lẩm nhẩm hát :

…Biển sóng biển sóng đừng xô nhau,

Ta xô biển lại, sóng về đâu…

Lòng dạt dào những con sóng chung thủy quay lại vỗ vào bờ, Tạo với ra sau, tay nắm lấy một bàn tay đang tìm mình. Thằng bé lại khều lại gọi «…chú, chú ».

  

Tiếp tục nhắm mắt, hình như Tạo đã ôm nó vào lòng.  Ôm thắm thiết.

MÀN   HẠ