Nam Dao
Ngang nhà Bá Kiến
Cụ Cử đeo kính lão, bước chập chờ, mặt cúi gằm. Trời đổ mưa, nhè nhẹ. Cánh đồng xám sắc đông hàn. Cụ vuốt mặt, ơ thờ:
- Dân mình khổ thật!
Câu nói động đến lòng Trời, hẳn ở trên cao, cao tít. Mưa lớn dần, nặng hột. Cụ móc từ hầu bao mảnh ni-lông trong, trong suốt, quàng lên đầu lên vai. Cụ thầm trách, ông bà mình xưa chỉ áo tơi, sao các cụ không nghĩ đến cái vật liệu công nghệ này, made in China, vừa nhẹ vừa chắn được cả gió, dẫu gió đến từ phương Bắc. Cụ nghĩ, rồi lẩm nhẩm:
- Không nói nữa! Phải hành động!
Cụ trượt chân trên vũng bùn màu đỏ ối. Một bàn tay đưa ra, đỡ lấy cụ. Một bàn tay nhỏ xíu, yếu ớt. Cụ lấy lại thăng bằng, nhìn. Thằng bé đẩy cho cụ thẳng người, nói:
- Bùn đỏ trơn tuột cụ nhỉ. Đi khéo không lại ngã nữa đấy cụ!
Cụ cảm ơn, giọng chân thành. Cụ hỏi:
- Tên cháu là gì? Con cái nhà ai mà ngoan thế?
- Cháu là Chí, bu cháu gọi thày cháu là Phèo ! Còn ở đây dân làng gọi cháu là Phòi, đồng chí Phòi!
Chưa dứt lời, thằng bé chìa tay. Cụ chậm hiểu, ngước mắt . Thằng bé, giọng ráo hoảnh:
- Tiền công đỡ cụ?
Cụ định chửi, nhưng cầm lòng. Cụ phải ứng xử theo nếp sống văn minh đậm đà bản sắc dân tộc chứ. Lấy giọng vui vẻ, cụ thốt :
- Tiên sư nhà mày, kinh tế thị trường có định hướng lung tung của chúng bay là vậy hử?
Cụ móc túi lấy tí tiền, mắt chòng chọc nhìn những con số rồi chọn một tờ giấy bạc có hình bác Hồ, đưa và hỏi:
- Nhà Bá Kiến ở đâu, cháu?
- Đến hay. Nhà cụ Bá thì ai mà chẳng biết! Cụ đi đến chổ có lũy tre đàng kia, rồi rẽ lề phải. Nhớ đấy, phải chứ không trái đâu nhé...Hay là cháu đưa cụ đi?
Cụ ngẫm nghĩ. Chắc thế nào nó cũng tính tiền công, cụ bắt đầu mặc cả. Thằng bé cuối cùng đồng ý, nhưng thắc mắc:
- Cụ bảo phải truyền cho đời sau, nhưng mà cháu chẳng hiểu cái thằng đời sau là thằng nào. Hỏi công an xã, họ có biết không hả cụ?
Đưa hai tay lên, cụ thất thanh kêu, trời ơi, rồi hạ giọng:
- Mày đóng vai thằng mõ, thấy gì nói nấy từ đầu đến cuối cái làng Vũ Đại này, cứ ngày này qua ngày nọ là cái thằng đời sau phải biết!
Thằng bé đòi giá gấp đôi, vì kiên trì nói cũng có giá thị trường của nó. Ông cụ mặc cả mãi nhưng rồi cũng chịu, với điều kiện khi cụ chưa nằm xuống thì cứ phải đi thông báo cái mà thằng bé sẽ chứng kiến tận mắt, nghĩa là một sự thực mắt thấy tai nghe, khách quan và khoa học đến thế là cùng. Cụ đập tay nhè nhẹ vào lưng thằng bé, ngọt ngào:
- Cứ thế, cháu nhé. Người ta hỏi, thì bảo chuyện tao làm là phản biện Bá Kiến, cháu ạ!
Đến trước một dinh cơ đồ sộ uy nghi, cụ nghiêm giọng:
- Nhà Bá Kiến là đây, phải không cháu?
Thằng bé gật. Cụ dặn:
- Thấy gì nói nấy, trung thực cháu nhé. Khoa học là vậy, nhớ nghe không!
Thằng bé lại gật.
Rút từ hầu bao một con dao bài, Cụ Cử đưa lên ngang mặt. Cụ nhìn trân trân cái lưỡi dao cùn. Cụ ngập ngừng, buột miệng lẩm bẩm ‘’thịt da ai cũng là người'’, rồi hạ dao xuống. Cụ kéo mắt kính cho ngay ngắn, đốt một nén hương, thì thụp xong thì đến trước cái dinh cơ của Bá Kiến, hét :
- Tao phản biện, tao không sợ mày!
Cụ hét ba lần cho cư dân làng Vũ Đại đều nghe, rồi nhổ nước bọt.
Thằng bé chứng kiến, vỗ tay, ngập ngừng hỏi :
- Cụ ơi, cụ nhổ lên trời…Có phải miêu tả chuyện nước bọt rơi xuống cho đủ tính khách quan không hở cụ?
(Từ một câu chuyện với NƯ, 21/11/2010)