1-VQ

 

Dẫn

  

   Ký là sinh, quy là tử, sống là gửi  sao vẫn  ham, và chết là về nhưng sao vẫn sợ.  Còn vu, như tĩnh từ, là quanh co, bồng bềnh. Cũng có thể hiểu là lao đao. Vu quy, là về nhà chồng, với những giọt nước mắt, khi khóc vì buồn, khi khóc vì vui. Nhưng chưa bao giờ những giọt nước mắt ấy lại kết thành những viên ngọc trai, huyền thoại vu quy ở thời hiện tại, một thời lẽ ra phải khác.  Kể dưới dạng tiểu thuyết, huyền thoại này là hiện thực, và không qua thủ pháp ngụ ngôn của văn chương ẩn dụ, nên là thứ hiện thực trần truồng. Những ai  không thích loại hiện thực này xin đọc ngay lời bạt, phần tóm lại huyền thoại cho thật gọn, như những truyện cổ tích để đọc trong một chớp thời gian.

 



 

một

ngày xưa, có một thằng nhỏ vào chùa  mài dao…

 

 

 

1

 

Bấy giờ, trăng vòi vọi. Dòng nước xa tắp ánh lên sắc dao lạnh đến rợn sống lưng. Tiếng côn trùng rỉ rả ran xa một vùng đất bùn đẩy mùi phèn chua lét vào thứ không khí oi nồng như chỉ chực bục vỡ giữa những con gió đêm chập chùng đi về bất chợt. Ánh trăng hắt lên cánh rừng một lớp lân tinh mỏng tanh đong đưa theo những tàn lá rũ ven bờ nước.  Sư nhổm dậy, tai lắng nghe. Tiếng quèn quẹt vang lên nhưng chẳng thể phân biệt là tiếng gì. Sư lẳng lặng ngồi, khoa chân đặt lên nền đất lạnh ngắt, chậm chạp vịn tay vào thành phản, miệng gọi khẽ:

 

- Thẻo, Thẻo à…

 

Không hồi đáp, tiếng gọi trơn tuột vào thinh vắng. Sư đứng lên, lần mò từng bước, ra trái sau bồ đoàn. Giường Thẻo ngủ trống trơn, chiếc chăn lính nó thường đắp rơi nằm trên nền nhà, co quắp, mang hình dạng còng queo bệnh tật.

 

Tiếng quèn quẹt lại vang lên, chát chúa bực dọc, nhưng nay Sư biết là nó đến từ mảnh vườn sau chùa. Tay với ngọn đèn gió, Sư châm, lầm lủi mở cửa sau ra vườn, nét  mặt xương xẩu tạo ra những khoảng tối một bức ảnh đen trắng tận dụng mỹ thuật của những đối nghịch hài hòa. Tiếng quèn quẹt chợt bặt đi. Sư bước tới. Thẻo không nhìn lên, quay đầu nhìn ra mé rừng, tay vẫn cầm con dao lưỡi sáng choé dưới ánh trăng. Sư thầm nói, thì ra tiếng mài dao. Chậm rãi, Sư tiến đến tảng đá cạnh Thẻo, lẳng lặng ngồi xuống, thổi tắt ngọn đèn gió. Dưới ánh trăng, mặt Thẻo nhòe nhoẹt, chẳng biết là mồ hôi hay nước mắt.

 

Sư im lặng. Xóm Mũi biết Sư chỉ mở miệng khi tối cần, và cần là tụng kinh Thủy Sám cho những người lìa trần thế. Ngay lúc đi khất thực, Sư cũng chỉ khẽ cúi đầu ra dấu cám ơn, khập khiểng lê bước, không bao giờ ngoái lại ngay cả khi có người gọi. Im. Ngậm miệng, không nói nữa. Ba Tri nay câm. Và điếc. Thậm chí mù, nhìn mà không thấy, mở mắt ra chỉ rặt những điều từng biết,  những điều muốn quên, những điều hư nhiều hơn thực, ảo còn hơn ánh trăng trên kia, giữa lưng chừng trời. Chợt Thẻo rấm rứt khóc, tiếng khóc bị trói trong yết hầu vùng vẫy bật ra ằng ặc như kẻ bị bóp cổ. Nó để con dao xuống nền đá, hai tay ôm lấy mặt, đầu chúi xuống giữa hai vai xương gồ lên nhọn hoắt. Sư cầm lên, mắt nhìn, ái ngại. Lưỡi dao dài hai tấc, hình bầu dục, hai cạnh đều sắc. Phải rồi, đây là con dao cha thằng Thẻo giắt lưng từ thuở còn là du kích do Ba Tri chỉ huy ở miệt cuối đất đầu trời này, chỗ đón súng đạn thuốc men do bí đoàn 371 chuyển từ những con tầu không số qua đường biển từ miền Bắc vô. Và là rẻo đất từ một anh học trò Sài Gòn mặt trắng, Ba Tri đội lốt thầy tu, hóa thân thành quân Giải Phóng.

 

Hồi lâu sau, Sư lay nhẹ vai Thẻo. Nó nằm lì, nhưng thôi khóc. Đứng dậy, Sư khập khiễng đi vào chùa. Thẻo chúi mặt xuống đất, không cục cựa, tay thu con dao vào lòng.

 

Sáng sớm hôm sau, Sư  ra tìm nhưng không thấy Thẻo đâu.

 

 

2

 

Cha thằng Thẻo là Tám Hớn. Vợ bị bom chết tan xác khi đi chăn một đàn vịt gần trăm con, Hớn gửi thằng Thẻo mới ba tuổi lên Cần Giờ nhờ bà dì nuôi, sau đó ngày đi câu, đêm làm du kích đánh giặc. Sáu Nhêm, vừa là bạn vừa là đồng đội, nhắc lời Ba Tri, hãy biến đau thương thành căm thù. Hớn nghiến răng, rồi hai năm sau thì giặc chạy. Cuộc đổi đời bắt đầu bằng một  loạt thay cờ, cờ ba sọc thành cờ Giải Phóng, rồi cờ Giải Phóng thành cở Đỏ sao Vàng, cờ nào cũng phất phới nơi gió nổi bốn phương tám hướng, có gió bấc, gió nam, gió chướng… Lãnh đạo huyện đến Đất Mũi thăm hỏi bà con, vỗ về gia đình thương binh liệt sĩ, rồi cùng anh em du kích nhậu một bữa để mừng chiến thắng, đồng thời chia tay Ba Tri nay được đề cử làm  ủy viên huyện ủy. Công việc cách mạng cần người biết chữ, và đáp ứng được  ở nơi cuối đất này chỉ có Ba Tri, trình độ đại học phải bỏ ngang khi vô bưng sáu năm trước.

 

Hết giặc rồi, phải làm ăn, phải ổn định. Hớn đón con về, giá nào cũng cho nó học dẫu trường  khá xa, ngày ngày nó phải băng rạch Tàu đi thêm hai cây số. Xin được một vạt đất trên bãi bồi, hai cha con năm sau dựng một cái chòi vách làm bằng thân đước, sàn nhà cao nhưng vẫn còn nghe tiếng cá thòi lòi rột rẹt trong mùa nước lên. Nhêm tới thăm, giọng ngậm ngùi:

 

- Anh Tám hà… cứ gà trống nuôi con mãi sao? Phải có người chăm thằng Thẻo chớ! Tui có nhỏ em bà con miệt Xóm Cống bên Đầm Dơi, cũng góa, chưa con…

 

Hớn cười khà khà, ngắt:

 

- Tính sau anh Sáu à. Chỉ hai cha con mà miếng ăn còn không đủ, lo sao được cho một  người  nữa, anh ơi!

 

Để mặc Nhêm khen cô em siêng làm siêng ăn, Hớn kéo từ gầm sạp một chai Lúa Mới, giơ lên:

 

- Có thiếu đói thiệt, nhưng vẫn còn cái nàyđể tiếp bạn!

 

Gia cảnh Sáu Nhêm khác hẳn. Vợ Nhêm đi về buôn bán trên chợ Năm Căn, hàng mang bán thường là ba khía muối, mắm sặc, cá đường phơi khô. Hàng mang về, dăm kí đường, ba mét vải, đôi khi chục lon bia ngoại hàng quán đặt mua. Dẫu hai vợ chồng Nhêm có ba đứa con, gia đình chưa đến độ ăn đói. Con Hai, tuy chỉ  hơn Thẻo hai tuổi, nay đã giúp mẹ làm việc nhà. Thằng Ba, bằng tuổi Thẻo, cùng đi học, và  đến mùa  gió Nam, khi tôm cá về bãi thì rủ nhau đi đẩy te, xiệp, giăng lưới ba màng, sạt sò huyết, mò vọp, bắt cua. Con Tư, nhỏ hơn Thẻo ba tuổi, là gái út. Mấy năm sau, mẹ nó bảo nó là gái nên không cần đi học. Suốt ngày tha thẩn, nó nói một mình như đang chuyện trò, ăn kiến đất, đêm đêm khóc rấm rức. Sợ ma làm, mẹ nó mời thầy về cúng kiếng. Khi gần nhà có một  gia đình di cư từ Thái Bình ở tuốt miền Bắc vô, Tư làm bạn với con Thúy, vật vã mình mẩy đòi đi học với Thúy. Sáu Nhêm chìu lòng, thế là nó hết bịnh.

 

Người di cư ngày vô một đông, chặt rừng, lấp sông, khai  thác hải thủy sản như một thứ nguồn bất tận. Trước kia, phù sa đắp vào những cồn đất bồi, những mảng rừng mắm xanh ngắt trồi lên giữ đất chống lại biển rút đẩy ra khơi. Biển trùng trùng, nước ngầu đục tứ phía, mùi chua nghen nghét, thỉnh thoảng ồ lên hăm dọa khi giông bất chợt ùa về đánh úp. Người đi đánh cá ven bờ lúc đó quay vào, đẩy ghe, kéo xuồng tạm nấp trong những cái vũng xung quanh rừng che chở an toàn, họa hoằn lắm mới có những tai ương chết người. Nay, không còn thế. Người đông, rừng đước rừng mắm chặt trụi, nước biển tràn vào khiến bùn sình ùn lên, đất trồng trọt ngày một hiếm, lúa bị ngập úng, rầy phá, giá gạo tăng còn nhanh hơn thủy triều. Sông Cửa Lớn tôm cá  ít đi, ghe câu thì nhiều, đánh cả buổi mà thu nhập vẫn không đủ ăn. Ven biển cũng vậy. Dân chài lắp máy đuôi tôm, liều lĩnh ra xa bờ hơn, quăng lưới giăng câu với lòng tin vào tin khí tượng loan báo mỗi sáng như lời cứu độ. 

 

Nghe tiếng máy nổ sình sịch, Hớn gọi con dậy. Thẻo nhăn nhó:

- Con đau bụng, ba hà! - nhưng cố ngồi lên.

 

- Tao nói hoài, hàu vắt chanh ăn ngon miệng thiệt, nhưng không có đế thì Tào Tháo rượt… Mà mày đâu đã đến tuổi uống rượu! - Hớn làu bàu, tay đưa chai dầu nóng cho con - Thôi, bữa nay nghỉ, thoa dầu vô bụng, uống nước thì nhễu vô ba giọt…

 

- Anh Tám, đi chưa? - tiếng Sáu Nhêm vang lên.

 

Hớn choàng vào cổ chiếc áo dạ, quơ tấm vạt nhựa, đẩy cửa bước ra. Tay ôm cột đước chống  chòi, thằng Ba hỏi:

 

- Thẻo đâu chú?

 

- Bữa nay nó đau, cho nghỉ… -Vừa đáp Hớn vừa thòng xuống ghe lưới câu đã buộc thành cuộn.

 

Ghe lách trên những con kinh ngoằn ngoèo đi ra biển. Nhêm bập thuốc, tàn cháy  hắt ánh đỏ lè lên khuôn mặt xương xương. Lát sau, biển là đây, đen ngòm, tanh mùi muối. Còn tờ mờ, trời  đầy sao, nhấp nháy sáng. Hớn thình lình hỏi:

 

- Anh gặp anh Ba chưa?

 

- Ba nào? Ba Tri phải không? Chưa, anh Tám hà… Nhưng tui gặp Lục Cả đi khất thực. Lục biểu, anh Ba tụi bay về Chùa rồi… Tui lên Chùa, mang cho ảnh mấy con cá sặc làm quà. Ảnh không lấy, nói ảnh phát nguyện xuống tóc đi tu, lần này tu thiệt chớ không như hồi còn giặc, giả đi tu để đánh nó…

 

Hớn ngần ngừ, nhỏ giọng:

 

- Tui hỏi, anh đang làm cán bộ, sao bỏ ngang dzậy. Ảnh biểu, làm dân đói bụng nhưng no lòng. Ngược lại, làm quan no bụng, nhưng cái lòng nó hành, ăn không ngon, ngủ cũng không yên… Tụi nó còn tệ hơn giặc ngoài, nhưng không thể đánh nó như hồi xưa nữa. Tui chỉ còn cách bịt tai, nhắm mắt, ngậm miệng…

 

Nhêm thở dài, không hỏi tụi nó là tụi nào. Nhìn thằng con vắt vẻo đầu ghe, Nhêm rồ ga cho máy chạy nhanh hơn tựa như để ra khỏi cái vòng định mệnh khốn khó. Chiếc ghe câu thành một chấm nhỏ giữa biển mênh mang.

 

 

3

 

Chạy thục mạng ra khỏi nhà, Thẻo tìm đường vắng, lầm lũi đi dọc kinh Tàu rồi ngoặt sang con đê dẫn đến căn chòi xưa Thẻo sống với cha. Mở chiếc khóa sợi xích vòng qua cửa móc vào cây cột, Thẻo bỗng dưng bồi hồi. Rút con dao bầu giắt bụng ra, Thẻo ngả người  xuống sàn, mắt nhìn quanh, không thấy gì xê xích. Cha con Thẻo thì chòm xóm ai cũng rõ là nghèo xơ nghèo xác, chẳng có cái gì đáng công ăn trộm. Lết vào góc chòi, Thẻo kéo khạp gạo trống trơn, thò tay lôi từ phía sau mấy tập vở học trò cha cất giữ như đồ cổ. Thẻo dán mắt vào đọc những chữ viết tay nguệch ngoạc khi mới đi học, mừng như lúc bám được một cái rễ đước khi thân mình trồi sụp bập bềnh trôi trong con nước xiết.   

 

Sáu năm trước, chính những con hàu vắt chanh đã cứu Thẻo. Đau bụng, Thẻo không đi biển, nhưng chẳng biết lẽ gì mà trưa bữa đó lòng nó xốn xang như rang trên chảo lửa. Trời oi dễ sợ, mồ hôi rịn ra từ đầu tới chân. Gió im phăng phắc. Thẻo ra ngồi đầu chòi, chân khỏa xuống quắp rau muống nước bông tím biếc, tay  vuốt mặt, miệng ầu ơ một điệu hò câu nhớ câu quên. Thình lình, nơi rừng mắm xanh nhởn đang trồi lên đẩy ngược những con nước ào vô rút đất bồi có tiếng âm i. Ngay nóc những  tàn cây, mây bỗng nặng trĩu, đổi màu tím nhạt, lấp loé một màu sáng lè có sắc lân tinh Thẻo chưa từng thấy. Nó nhổm người đứng dậy. Có cái chi đó vô hình vô thể trùm lên nhân thế một thứ dọa nạt khủng khiếp. Tiếng âm i lúc một lớn dần, đổi giọng u u, bực bội  tựa sắp bựt ra lời chửi  rủa còn kìm cửa miệng. Nhớ cha, Sáu Nhêm và thằng Ba đi biển, Thẻo nhẩy vội xuống chiếc xuồng lá, cong mình đẩy ra rạch, tay dầm hướng về phía sông Cửa Lớn đổ ra biển. Nó nghiến răng chèo, không thật hiểu để làm gì, miệng há hốc, thở ò è, mồ hôi tháo ra giữa  những  cơn gió bỗng xuất hiện, khô khốc, hăm he, cuồng bạo.

 

Đến bãi nơi ghe câu về, Thẻo đã thấy hàng chục người nghển cổ nhớn nhác ngóng về phía biển. Trời chợt tối sầm xuống, tiếng gió rú rít lồng lộn. Cuối tầm mắt, gió dựng thành những cột cao tít tắp, xoáy tròn, lúc một rộng, đường kính ước đến hai ba chục mét, di chuyển về phía đông bắc. “Dzậy mà đài báo bữa nay trời trong, biển lặng. Lạy Trời lạy Phật, cho con tui vô bờ bình an…”, một bà cụ đầu chít khăn rằn thốt lên, tay níu lấy Thẻo, người nhẹ tênh chừng như bỏ ra thì bay lên trời. Hai chị em con Sáu Nhêm cũng ra bãi. Chị Hai nhướng mắt, hỏi Thẻo: “Có cái ghe nào vô chưa?” Thẻo lắc đầu. Trời thình lình xối mưa xuống. Những làn roi bằng nước quật không thương xót lên đám người ngơ ngác ùa nhau lui về phía những cây đước cây mắm đàng sau. Thẻo nắm tay nhỏ Tư, kéo nó chạy mưa, vừa chạy vừa hối.

 

Gió cứ thế vần vũ. Trời cứ thế mưa hai giờ liền. Nước biển ngầu sắc bùn nâu sóng sáng chồm  lên cao rồi rơi xuống thành những đợt sóng nổi bọt trắng xóa ào vô bờ. Cuối trưa, mưa gió ngớt. Vuốt nước mưa trên mặt, Thẻo cởi áo, tay vắt nước, tay kéo Tư chỉ cho nó nhìn chiếc cầu vồng bảy sắc vắt ngang trời. Cuối mắt, mặt trời đỏ au mầu than hồng hiện ra giữa những đám mây bốc lửa. Khi mưa tạnh hẳn, đám người kéo ra bãi. Họ không còn bàn tán gì, im lặng nhìn ra khơi. Và họ đợi. Như những con dã tràng nay se cát chạy trên bãi biển đẫm ướt, họ kiên nhẫn thầm lặng  hy vọng sẽ thấy những chiếc ghe câu trở về.  Về, từ những cơn lốc của đại dương. Và số mệnh.

 

Ghe về được dăm cái, với những bộ mặt còn vương nét kinh hoàng sóng gió. Thẻo ngồi suốt đêm trong một lùm cây, trí não tê liệt, mắt chong lên  tìm những ánh đèn câu. Cho đến khi kiệt sức, nó thiếp đi, mơ màng thấy cha nó lay gọi. Nó chồm dậy, mừng rỡ, miệng hỏi, tay nắm lấy tay cha. Gai đâm toạc tay nó, đau điếng. Kỳ chưa? Tay cha trổ gai? Nó xoay người, cố mở mắt. Lần lần, nó cảm thấy bụi gai, biết cha nó đâu có đó. Tay đẫm máu, nó ứa nước mắt, thầm gọi, ba ơi, ba!

 

Sáng ngày thứ tư sau khi chắc cơn lốc đã nhận chìm mười tám người đi  trên sáu chiếc ghe câu Đất Mũi, xã cho phép làm lễ truy điệu những vong linh chết mất xác . Ngoài khơi, Hòn Khoai nhô lên một mảng xanh thẫm đội ngọn hải đăng không bao giờ tắt. Trên bãi, đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân xã kết bài diễn văn với giọng sắt đá, “Chết trong lao động là chết vinh quang!”. Gia đình nạn nhân đủ mặt. Vợ Nhêm, chòm xóm kêu bằng dì Sáu, từ chợ Năm Căn về từ hôm trước. Dì vật mình vật mẩy, tay ôm cái bụng đã u lên tròn tròn, vừa khóc vừa kêu “Anh Nhêm ơi, vội đi đâu mà không đợi  ngày sanh con, hà anh?”. Phần Thẻo, nó nín bưng, mặt tái nghét. Lục Cả đưa Thẻo một trái trứng vịt luộc và ba cây nhang. Ba Tri nay đầu cạo nhẵn thín, nhìn Thẻo dặn nó sau lễ thì về Chùa.  Lục Cả ê a  tụng kinh Thủy Sám cầu cho vong linh người  chết trôi được về nơi cực lạc. Thẻo nhắm mắt lả đi vì mệt. Nhỏ Tư đến ngồi cạnh, tay nắm tay nó, không nói gì. Tư nhìn, có cảm giác anh Ba nó vẫn còn đó.

 

Thời đó, Lục Cả còn sống, tuổi đâu đó chừng thất thập, lông mày trắng toát sụp xuống che hai con mắt lúc nào cũng lim dim nửa mở nửa nhắm. Nghe nói Lục hồi nhỏ mồ côi, cha mẹ chết trong một trận giặc Tây đổ lính Lê Dương đi ruồng bố nghĩa quân. Đi ăn xin dưới chợ, một bữa Lục theo chân thầy trụ trì Chùa Đất Mũi. Thầy người gốc Miên, thường đi khất thực với dăm ba chú nhỏ tuổi cỡ tuổi thầy Lục, đến tu theo lệ cứ ba năm thì hoặc ở lại chùa hoặc hoàn tục trở về gia đình. Tứ cố vô thân, Lục không biết về đâu, đành nương cửa Phật. Ngày ngày chúi đầu vào kinh kệ bằng tiếng Phạn, riết  rồi Lục cũng hiểu ra người phát thệ không chỉ vì đói. Chỉ ăn, không độ được mình chứ chẳng nói gì đến chúng sinh trong bể khổ.

 

Khi Thẻo bước vào sân chùa, Ba Tri vẫy, biểu nó ngồi đợi trên sala. Sau một  lát, Thẻo thấy Ba Tri bước sau Lục Cả ra ngoài. Ba Tri vừa đi vừa thì thào, kể chuyện một đêm thời chưa Giải Phóng bọn người Nhái lính ngụy đột kích, Ba Tri bị trúng đạn không lết được. Chính Tám Hớn cứu mạng Tri, kéo về ếm đưới một ngách hầm bí mật hai ngày hai đêm, đợi êm rồi mới dám lên. Giờ đây Thẻo không nơi nương tựa, lại còn nhỏ, Ba Tri xin cho Thẻo vào chùa. Lim dim, Lục xếp vòng ngồi lặng lẽ, đủng đỉnh:

 

- Tu được hay không, là duyên nghiệp nhưng còn cái lòng mình không muốn thì dù dây đeo nhợ quàng cũng chẳng đặng! - Nhìn Thẻo, Lục tiếp - Vô đây, theo phép, ba năm sau muốn xuất thì cứ xuất. Muốn tu cho trọn kiếp, lúc đó là lúc phải quyết…

 

Nhưng chẳng phải đợi tới ba năm. Một tháng sau, dì Sáu bỗng tới Chùa, thưa với Lục Cả:

 

- Tám Hớn với Sáu Nhêm là bạn đồng sanh cộng tử, con Hớn hay con Nhêm thì cũng là con, nuôi hay đẻ thì cũng dzậy…Nay tui xin Lục cho thằng Thẻo về nhà tui, sống với sắp nhỏ, tụi nó sao thì thằng Thẻo được dzậy!

 

Ba Tri lôi Thẻo ra vườn, hỏi:

 

- Mày tính sao?

 

Quả tình sống với hai ông thầy tu khổ hạnh không dể dàng gì cho một đứa trẻ đang trổ mã, Thẻo suy nghĩ một hồi rồi ưng lời dì Sáu . Vui vẻ, dì  vỗ đầu Thẻo:

 

- Chị Hai với nhỏ Tư nhắc Thẻo hoài!

 

Ba Tri dặn:

 

- Khi nào mày muốn về chùa, cứ về, nghe không!

 

Thế là Thẻo cắp hai bộ quần áo theo dì Sáu. Ngoài cổng chùa, nhỏ Tư ngồi đợi, reo lên lúc thấy hai người. Nửa năm sau, khi Lục Cả viên tịch, Thẻo mới về dự tang ma. Truyện kể, đúng khi Lục nhắm mắt, cả đàn thạch sùng bám trên mái kèo tắc miệng kêu như tiếng người. Từ đó, Ba Tri  chủ trì chùa và sau, ai nấy đều gọi là Sư, riết rồi quên dần Ba Tri xưa giả thí phát là để đi đánh Mỹ phục vụ cách mạng giải phóng dân tộc.

 

 

4

 

Nhìn những cụm lục bình trên dòng nước dập dềnh đung đưa, Thẻo bỗng nhiên  liên tưởng đến quãng đời vừa qua. Khi ấy, dì Sáu tuy chửa vượt mặt nhưng vẫn cứ chạy chợ, tuần hai, ba ngày vắng nhà. Nhỏ Tư tiếp tục đi học trường cấp 2, Thẻo và chị Hai  lo làm rẫy và chăn bầy vịt nay lên đến hai trăm con. Thẻo bỏ học. Nó thù biển, thôi không đi đánh cá. Dì Sáu   sanh thêm được một đứa gái, đặt tên là Út. Sanh đâu được dăm ngày, dì lại đi làm cái việc buôn qua bán lại. Thời đó mang tên là thời ngăn sông cấm chợ. Mang năm kí gạo, ba kí cá khô… từ  huyện này sang huyện kia công an kinh tế cũng bắt, qui kết  là gian thương tư bản, không nghiêm túc sống nếp sống văn minh và thực thi nghĩa vụ công dân xã hội chủ nghĩa. Làm ăn được như dì Sáu phải khôn khéo một tới một lui. Dì hay nhắc, giọng kiêu hãnh, lời mấy người di cư từ Thái Bình vô, “Khôn chết, dại cũng chết, chỉ biết mới sống!”. Và biết, dì thòng một câu của mình, nửa úp nửa mở, “… thì là biết mấy ảnh ấy mà!”.

 

Có thêm bé Út, vui nhưng cực vì cần người trông chừng. Dì Sáu dỗ Tư:

 

- Thôi, đi học nữa làm chi, ở nhà chăm em đi con, Tết này má mua cho một cái quần bò thứ xịn.

 

Tư lắc đầu, tấm tức khóc. Ở tuổi nó, những  ngày chia tay với lũ bạn học sẽ dài đằng đẵng.

 

- Con coi, chị Hai với anh Thẻo phải lo bầy vịt, rồi lo nương lo rẫy, đâu có ngày giờ chăm cho bé Út. Má làm ăn trên chợ, nay chỉ còn con. Nín đi, má thương! Giúp má …Khi mình có chút vốn, má mở cửa tiệm gần nhà, vừa bán hàng vừa trông Út, thì con lại đi học…

 

Tư vùng chạy ra ngoài, nước  mắt  đầm đìa. Nó sang nhà con Thúy. Nhỏ Bắc kỳ này có tiếng là khôn lanh. Thúy bảo Tư:Mày phải nghĩ đến tương lai”. Chẳng hiểu chúng nó bàn bạc thế nào mà đến tối, Tư về nói :

 

- Con coi Út tới khi nó lớn, má cho con lên thị xã học tiếng Anh, được  không?

 

Tư thôi học, quanh quẩn ở nhà, lo thêm việc bếp núc, khi bắc nồi cơm, khi dầm mắm, luộc rau, kho cá. Công chuyện nặng nhọc như đào kinh vét đất cho thông nước, Thẻo làm hết. Dì có dịp là tấm tắc “Sức trai có khác! May mà có thằng Thẻo…” rồi dì kêu nhớ thằng Ba, lấy tay hỉ mũi, mắt nhìn ra biển.  Nhưng nhớ thương cũng có độ. Cuộc sống đẩy tới như sóng đại dương, kẻ muốn sống phải biết quên để đứng dậy. Mùa xuân vực những nỗi buồn lên, ba khía về tụm gốc đước, con nào con nấy thịt chắc nịch, mai ứ gạch, muối rồi ăn với bần chua thì, như con Thúy nói, “cực kỳ”. Theo làn sóng người di cư vô là hàng quán lao xao. Phải nói, người Đất Mũi ban đầu có ngỡ ngàng, rồi lo sợ. Lo, vì rừng bị chặt sạch,  khi phù sa lấn biển, đất cồn lên nhưng nào còn đâu những vạt rừng mắm xanh non xông ra giữ đất cho người. Sợ, vì tôm cá ven bờ không còn, đến mùa gió nam đất bồi bị đạp nhừ, rễ mắm chưa bắt thì chết nhẹp, người nay sạt sò huyết, mò vọp, bắt cua… như thù hằn thiên nhiên, nghiến răng tận diệt mọi mầm sống. Mấy người đứng tuổi nhìn nhau, than “Sau này Đất Mũi lấy chi mà ăn!”. Họ “kiến nghị” với ủy ban nhân dân xã, được nghe lập đi lập lại “lá lành đùm lá rách”, và Nhà Nước đã có kế hoạch, hiện đang nghiên cứu phương án nuôi tôm, khi sẵn sàng sẽ cấp vốn cho bà con làm ăn theo đúng kế hoạch.