6-VQ

 

Sáu

… thành phế phẩm của mọi niềm tuyệt vọng

 

20

 

Chỉ tay xuống mặt nước xanh rêu, Thẻo cao giọng:

 

- Tảo cấy dưới đáy làm nước xanh rì  đó dì. Tháng trước  đã cho tôm giống xuống…

 

Nhướng mắt chăm chăm nhìn, dì Sáu thốt:

 

- Đâu có thấy chi  đâu cà!

 

- Tôm giống mỏng như tóc, nhỏ chút xíu mắt không thấy đâu, tháng này lớn dài cỡ hai, ba  phân, ngày thường trốn dưới  lớp tảo! Thẻo giảng giải -  muốn thấy phải đợi tối, tôm lên mặt nước, soi đèn mới thấy, dì à!

 

Đội nón lên đầu, dì Sáu hỏi:

 

- Bao lâu tôm mới vớt lên bán hả Thẻo?

 

- Theo lời cán bộ, từ khi thả giống thì cỡ bốn tháng mới thu hoạch được… Tháng tới thôi, tôm bự lên… Tôm nuôi lớn lẹ lắm, không như tôm sông tôm biển. Một vụ tôm, chắc vô được tám ngàn đô đó dì…

 

- Ai nói dzậy? -  dì Sáu trợn mắt, tiếp - một ngàn đô lớn lắm!

 

- Cán bộ nói, ổng biểu tôm bán cho thị trường quốc tế, có giá lắm…

 

Dì Sáu nhìn Thẻo. Nó phổng phao, rắn chắc, da đen hồng mầu nắng. Nhìn hai bàn tay nó sần sùi chai sạn, dì cố nén ngờ vực, chỉ nói:

 

- Thì tin lời mấy ổng cỡ năm mươi phần trăm. Chừng nào có đô trong tay thì lúc đó mới trăm phần trăm. Tiền nhiều như mấy ổng nói chắc cả nước  mình  đi nuôi tôm…

 

Thẻo ngắt lời dì:

 

- Cả nước thì không! Chỉ những nơi nào gần biển như Đất Mũi mình mới thiệt thuận lợi đó dì…

 

Nhớ lời Sư dặn nhưng Thẻo ngại ngùng. Tối nay nói, đâu có chi muộn, nó tự nhủ. Hồi này, dì ở riết trên chợ Năm Căn chạy chuyện sang lại một cửa tiệm, khi về  xóm Mũi lúc nào cũng tất bật chân trước chân sau như ma truy tà đuổi. Trưa nay, dì ghé nhà rồi ra vuông tôm nơi Thẻo làm, xem công chuyện canh tác thí điểm tới đâu. Dẫu không mấy tin vào lời mấy ổng cán bộ, dì vẫn le lói chút hy vọng. Nếu thiệt như lời mấy ổng, dì thầm nhủ, thì kinh tế có định hướng đàng hoàng đúng là dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng và nếp sống rồi sẽ văn minh. Nhưng chỉ tai mới nghe, mắt chưa thấy, tay chưa cầm tiền thì đừng quên “nói dzậy mà không phải dzậy”. Những điều đã hợp đồng với chế Lềnh vẫn cứ phải tiến hành, nhưng cứ đợi xem, không cần gấp gáp. Bữa trước, chế tính toán, và dì biết chế đã ứng trước 320 đô đầu tư vào nhỏ Tư. Nếu nuôi tôm khấm khá, lo chi không trả được.

 

Cơm nước xong, Thẻo ngồi cạnh dì, giọng nghiêm trọng:

 

- Con thưa với dì…

 

Đợi Thẻo nói cái dự định với Tư xong, dì lắc đầu:

 

- Từ ngày con Tư lên Cà Mau, nó thay đổi dữ lắm… Nó giờ phấn son, tóc cắt ngắn, tối tối đàn đúm cà phê cà pháo, hổng như trước đâu!

 

Nhìn Thẻo tái mặt, môi run run, hai tay nắm chặt, dì ngập ngừng thở ra. Nhớ  lời chế Lềnh nói Thẻo là vật cản, dì tính thầm, nghiến răng tự nhủ cái dự án trong đó Tư là một yếu tố chủ chốt bề gì cũng phải tiến hành. Dì thở dài, lấy giọng chán ngán:

 

- Thẻo là con là cháu, dĩ nhiên dì ưng ngay. Nhưng Thẻo có hỏi con Tư chưa? Dì nghe chế Lềnh nói nó cặp bồ với ai đó rồi, lang bang, chơi bời nói không nghe lời…

 

Lặng người, Thẻo như bị điện giật, toàn thân lẩy bẩy. Nó cố  đứng lên, lùi ra cửa, co chân cắm đầu chạy về phía bờ kinh như điên như dại. Cứ thế, nó chạy đến kiệt sức, bàn chân trầy sướt, mặt ướt đầm chẳng hiểu là mồ hôi hay nước mắt. Khi nó ngã vật xuống chân một rặng đước, trăng tròn vành vạch đã lên đúng đỉnh trời. Tay nắm bức thư Tư gởi, Thẻo lẩm nhẩm những lời nó thuộc làu: “Muốn về xóm Mũi mình mà không được, anh Thẻo à. Nghe nói má sắp lên Cà Mau, anh có nhắn chi không?Em  chờ tin nuôi tôm, cầu Trời Phật thương mình cho mọi điều  suôn sẻ. Anh có thích cái áo em mua cho anh không? Áo sơ-mi trắng là để mặc khi cưới hỏi đó…”.  Cái áo sơ-mi trắng. Tại sao dì không nói đó là quà của Tư? Mới tháng trước Tư còn chờ tin nuôi tôm, chẳng  thể chỉ tháng sau Tư đã thay lòng đổi dạ. Thẻo ôm đầu, tâm trạng rối bời, nghe tiếng côn trùng ùa lên tứ bề giễu cợt. Nó không về nhà, thất thểu lên chùa. Khi thấy nó mặt nhoè nhoẹt nước mắt, Sư lặng im, mắt nhắm nhưng thấy cả một bể khổ mông mênh choáng khắp thiên hà.

 

Trăng lu. Cho tới lúc gió nổi lên, kêu u ú, át tiếng Sư niệm nam mô, đuổi đám mây mang hình dạng kỳ dị những con thú hoang dọa nạt .

 

21

 

Chế Lềnh biểu Tư sửa soạn, đợi dì Sáu tới là sẽ cùng đi Cần Thơ, nơi có cơ hội  tạo công ăn việc làm cho Tư. Khi Tư hỏi, Chế ỏn ẻn, úp mở:

 

- Công việc tốt nhứt là với người nước ngoài… Nhưng nhiều người  xin, phụ nữ mình phải khôn khéo dễ thương người ta  mới chọn đó Tư!

 

Tư không biết với cái vốn liếng tiếng Anh còn chập chững của mình thì làm được việc gì. Hỏi, chế chỉ nói gọn:

 

- Phải phấn đấu chớ! Người ta  cũng chỉ học như mình mà kiếm được việc thì mình cũng dzậy, lo chi… Tới đâu hay tới đó!

 

Quơ quần áo, Tư bỏ vào một cái giỏ đan bằng nhựa. Đợi, Tư hồi hộp, không sao hình dung ra viễn tượng mình có công ăn việc làm, chuyện xưa nay Tư không hề biết. Tư chỉ là một con nhỏ xưa chăm nuôi bé Út, bếp núc đợi  má chạy chợ về, giúp chị Hai xua đàn vịt về chuồng, tới mùa thì cùng Thẻo đi xúc cua lên bãi hay đi hun những ổ chuột đồng, đặt bẫy bắt sống để bán lại cho nhà hàng quán nhậu miệt chợ Năm Căn. Chị Hai nay ở đâu? Từ ngày đàn vịt bị dịch, rồi bé Út lìa dương, chị bỏ nhà ra đi, không hề tin tức chi. Má làm gì để chị dứt tình, đoạn tuyệt với cả gia  đình. Thỉnh thoảng, Tư nằm mơ thấy chị. Nhưng chưa bao giờ thấy chị vui, chỉ khóc, và khóc. Còn Thẻo, chẳng biết vuông tôm nay ra sao? Đặt hết hy vọng vào việc canh tác tôm, Thẻo từng tâm tình, sẽ  thưa với má cho hai đứa cưới nhau. Và chiếc áo sơ-mi  trắng Tư bỏ hết tiền giành dụm mua cho Thẻo. Cho tới nay, má không nhắc, nhưng khi Tư hỏi Thẻo mặc có vừa không thì má chỉ lắc đầu, kêu Thẻo hết trên bờ vuông tôm là đi đàn đúm với mấy thằng thanh niên trong xóm, cũng nhậu nhẹt, khuya về nhà nhiều bữa ói mửa tùm lum. Tư điếng người. Nó đâu ngờ Thẻo như vậy. Can ngăn Thẻo làm sao bây giờ? Nó tính viết thêm một bức thư cho Thẻo, nhưng đặt bút mấy lần mà không  viết nổi quá mấy chữ, đọc lại thấy vô duyên chi lạ. Tư tự nhủ, phải về xóm Mũi. Nhưng chế Lềnh nói thẻ Chứng minh Nhân dân của nó chế đã gởi đi làm giấy xin việc trên Cần Thơ. Thời cấm chợ ngăn sông còn âm ba dài dài ở những vùng sâu và xa, không giấy tờ đâu có đi đâu được. Cuối cùng, Tư ráng, viết được đúng hai câu: “Anh Thẻo à, nhậu không tốt, đừng nhậu nữa, Tư sẽ về mà. Và đừng quên lời hứa mùa cua lên bãi nghe”. Nó nhờ má nó cầm về cho Thẻo. Khi dì Sáu lên Cà Mau, Tư hồi hộp đợi tin, nhưng Thẻo không trả lời. Và nỗi giận hờn từng ngày gậm nhấm Tư, khiến nó úa đi như những cành mắm lắt lẻo lả xuống vào mùa khô thiếu nước.

 

Xế trưa, dì Sáu tất tả bước vô nhà. Chế Lềnh vồn vã:

 

   - Cha cha, đợi Sáu miết, ngổ tường nẩy không lên Cà Mau, lo quá chừng!

 

Dì mặt buồn xo, nhìn Tư không đáp. Khi Tư lên lầu lấy giỏ quấn áo, dì ghế vào tai chế Lềnh thì thào. Chế quắc mắt:

 

- Dzậy là không được! Ông Choỏng mất chữ tín…

 

Dì Sáu nhớ tối qua gặp Hai Sanh. Sau khi ăn, rồi ngủ, Hai Sanh mới vòi dì, kể ra hai ba người cấp trên, toàn là anh Năm, anh Bảy lãnh đạo Tỉnh, Huyện… yêu cầu này nọ nên việc tuy thấy đơn giản dzậy mà không phải dzậy. Dì thở ra:

 

- Ổng kêu phải đưa trước một  phần ba, đến khi xong việc thì trả nốt!

 

Chế Lềnh lẩm nhẩm tính toán, nhăn mặt:

 

- Để ngổ nói lại với ổng… Mắc quá chừng, làm ăn buôn bán tới chừng nào mới lấy lại nổi vốn! Thôi, cứ lo trước công chuyện cho nhỏ Tư đã, về mình tính sau! 

 

Cơm nước vội vàng xong, tất cả ra bến xe đò. Trên xe, Tư hỏi mẹ có về xóm Mũi không. Nhìn dì Sáu gật đầu, Tư tiếp, giọng e dè:

 

- Má thấy công chuyện nuôi tôm mình dưới quê ra sao?

 

Liếc nhìn Tư, dì Sáu bỗng động lòng thương con. Chị Hai nó đi, nay chỉ có nó bên cạnh, nhưng còn được  bao lâu? Dì mủi lòng, nhưng thầm nhủ, chẳng nên để Tư vướng mắc và hy vọng vào những  điều chưa có thực. Vả lại, rồi như chim đủ cánh đủ lông, cái hy vọng đổi đời của những kẻ sống nơi cuối đất như Đất Mũi là bay cho xa, như những con vạc biển. Bay xa, phải cắt cho đứt những mối tơ tình buộc người  vào người, chặt cho rời những mối nhợ buộc tương lai vào quá khứ. Biết thế, nhưng dì không nỡ đặt điều, ngập ngừng:

 

- Má không biết chi, nhưng bà con chòm xóm coi bộ hồ hởi… 

 

Tư ngước nhìn mẹ, không nói chi. Một lát sau, nó rụt rè, tiếng như gió thoảng:

 

- Còn anh Thẻo, ảnh có bớt rượu chè không má?

 

Lần này, dì Sáu đã bình tĩnh, kìm lòng nín lặng nhìn ra ngoài. Tư đợi một lát rồi đưa tay quệt nước mắt ứa trên mặt. Nó cắn răng, ghìm tiếng nấc ứ lên cuống họng, lờ mờ hiểu vậy là mình bị người phụ bạc. Ôi, mùa cua lên bãi mới đây thôi mà sao xa xăm như chưa từng bao giờ có trên mảnh đất  này, biển lấn vào, rừng mắm trồi ra, giằng co từng vốc sình, vốc bùn ở chốt cuối một quê hương không để cho ai an phận.

 

22

 

Chế Lềnh đưa mẹ con Tư về nhà đứa con gái chế, tên là Và. Dẫu đã có chồng và một  đứa con mọn, Và chẳng những tất bật lo cái cửa hàng bán đủ thứ tạp hóa mà còn chạy những áp-phe sau này người miền Nam bắt chước dùng chữ “đánh quả” để vươn lên tầm văn minh thủ đô Hà Nội. Chạc tuổi chị Hai, Và lanh lợi, giống mẹ  ở chỗ ăn nói ngọt nhạt khôn ngoan, nhưng táo tợn năng nổ hơn nhiều. Và có một cái khiếu rất lạ. Nói tiếng Trung Quốc, Và có thể nói tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng và tiếng Tiều. Nói tiếng Việt mình, tùy trường hợp Và cần, Và phát thổ âm đủ ba miền Nam Trung Bắc. Còn giao dịch, Và đi đường  nào cũng thông, qua cửa nào cũng lọt.

 

Sáng hôm sau ngày đến Cần Thơ, Và bảo Tư cùng mình đi làm giấy tờ đăng ký. Dì Sáu nắm tay con, giọng dịu dàng:

 

- Đi  đi con, không chừng cơ may tới  đó!

 

Và hỏi:

 

- Tư có hình chụp chưa?

 

Tư lắc đầu. Từ bé tới bây giờ, khi xin Chứng minh Nhân dân ở xã là lần đầu Tư chụp hình, tóc khi đó dài chứ không cắt kiểu. Nhìn hình Tư trên giấy Chứng minh, Và kêu “Sao coi lạ hoắc!”. Chế Lềnh xởi lởi:

 

- Gái ruộng lên thành phố mà, đẹp ra nhiều heng…

 

Bảo Tư lên sau xe Honda, Và dặn ôm eo, nhưng đừng sợ mà ôm quá chặt. Cười cười, Và nói cho Tư an lòng:

 

- Xe trên thành phố nhiều, nhưng chị chạy quen rồi. Khi chị quẹo, Tư thấy chị nghiêng người thì nghiêng theo, đừng sợ mà ôm cứng, té nghe chưa!

 

Quả thật thành phố nhiều xe, còi inh ỏi, chạy vòng vòng chóng mặt. Mỗi lần  sợ, Tư nhắm mắt, nín thở, và khi Và đậu xe lại trước cửa  một tiệm chụp hình, Tư có cảm tưởng như vừa thoát nạn. Vào tiệm, chủ nhân tuổi trung niên, râu quai nón, đầu chụp nón tai bèo, đon đả chào hỏi. Khi nghe Và dặn lấy liền, ông ta nói như reo:

“Có ngay!”, lôi từ hộc tủ một cái máy hình vuông trông rất lạ. Và giúp chủ nhân, cũng là thợ ảnh, sửa tóc tai cho Tư, đặt hai kiểu, nhìn nghiêng và nhìn thẳng, mỗi kiểu ba tấm.

 

Đúng là phép lạ, Tư thầm nói, vừa chụp hình mà có hình ngay, thiệt là không ngờ. Chủ nhân tiệm ảnh thổi phù phù vào bức ảnh thứ hai cho khô, miệng khà khà cười:

 

- Em Tư  ăn ảnh quá đỗi, làm tài tử xi-nê chắc hết xẩy!

 

Và chặn:

 

- Thôi đi cha, đừng có dụ… Em tui sắp đăng ký mà cha!

 

- Dzậy hả!

 

Hắng giọng, chủ nhân tiệm ảnh nhìn vào mắt Tư, miệng  xuống hai câu tân nhạc mùi mẫn -  Tui đưa em sang sông…Chiều nay mưa rơi âm thầm…Và trề môi, lại kêu, thôi đi cha. Móc tiền trả, Và kéo Tư ra ngoài, miệng giục rối lên:

 

- Đi mau, kịp trước khi văn phòng đóng cửa, lẹ lên em…

 

Ngối sau ôm eo Và, xe lao đi, gió thốc ngược khiến Tư khó thở. Vòng một cái bồng bênh xe lớn xe nhỏ đâm dọc đâm ngang, Tư lại nhắm mắt nín thở. Có tiếng ồ ồ chửi sát màng tai: “ĐM mấy con ngựa cái nè!” rồi tiếng Và, giọng Bắc trăm phần trăm  chua len lét, “Tiên sư cha con nhà mất dậy!”. Cuộc giao lưu văn hóa hạ màn sau vài  ba câu, ngôn ngữ có đủ bộ phận sinh dục của cả giống cái lẫn giống đực, kết thúc bằng “Đồ chó đẻ!” phía miền Nam, và “Ăn máu  l… bà” phía miền Bắc được một người Việt gốc Hoa phát âm rất chuẩn mực. Chóng mặt, Tư nay thêm ù tai, mừng như trúng số khi Và đạp thắng ngừng Honda ngay một góc đường nhộn nhịp. Gởi xe xong, Và kéo Tư vào tầng trệt một căn lầu ba tầng, miệng mau mắn :

 

- Kịp mà,  giấy tờ mình làm ở đây!

 

Nơi văn phòng Tư vào đặt bốn cái bàn giấy, có bốn người ngồi, hai là đàn ông, hai là đàn bà. Trên tường văn phòng, một khẫu hiệu kẻ sơn chưa kịp xoá : “Yêu nước nghĩa là yêu xã hội chủ nghĩa”, đã phai mầu đỏ, nay nhợt nhạt hồng, xạm, có chỗ vôi bóc lên trắng nhởn. Một người đàn bà trung niên đứng lên, nhìn Và hất hàm, giọng quen biết:

 

- Khách mới hả. Đăng ký như thường lệ, phải không?

 

Không nhìn Tư, bà ta chỉ hai cái ghế đặt trước bàn giấy, rồi lúi húi tìm giấy tờ. Răng hô chìa ra như che chắn cho cái miệng không  mím được môi, bà ta đẩy  về phía Và một xấp giấy, đỏng đảnh:

 

- Ba mẫu đơn, mỗi mẫu làm ba bản. Một lưu, một chuyển cho Ngoại Vụ, một cho Công An… Tất cả phí dịch vụ là sáu trăm nghìn!

 

Và cười, miệng Dà, dà, Thủ trưởng!”, tay đếm tiền. Thủ trưởng kiểm tra, yêu cầu hai người  trước mặt  đưa Chứng minh thư, nhìn rồi ngửng về phía Tư, thốt:

  

- Tóc cắt ngắn, trông khác hẳn…

 

Chính tay mình điền đơn, Thủ trưởng nắn nót, người nhoài lên bàn như một con thằn lằn, miệng há, tóc xõa xuống mắt. Chẳng màng nói gì thêm, bà ta nhìn đồng hồ tay, thúc giục:

 

- Ký tên, cả người chứng cũng phải ký, xong rồi sẽ đóng dấu thị thực. Nhanh lên, sắp đến giờ  nghỉ trưa rồi!

 

Quay nhìn Tư, bà tiếp, xách mé  “…không biết ký thì đánh dấu chữ X, cũng được!

 

Tay chỉ vào chỗ ký tên, Và bảo Tư biết ký thì ký vào. Sau đó Và ký, như người chứng. Cuối cùng, là công  đoạn đóng dấu. Thủ trưởng bỗng dịu dàng, nhìn Và, giọng nhẹ như gió:

 

- Em có gì cần bổ sung không?

 

Khi nắm một cái phong bì kèm một cái nháy mắt của Và,  thủ trưởng chuồn nhanh vào túi, mặt nghiêm hẳn lại, miệng xuỵt xoạt “Thuận buồm xuôi gió nhé!.

 

23

 

Dì Sáu và chế Lềnh lo móc ngoặc với các con buôn ở Cần Thơ, việc với Tư giao phó hết cho Và. Nhưng trừ ngày Và gọi là ngày đi phỏng vấn. Hôm đó, dì Sáu nhất định cùng Và đưa Tư đi. Họ tới một căn nhà hai tầng trong  một con hẻm khuất phố xá, khá khang trang, và đợi ở phòng khách tầng trệt. Một người đàn bà đứng tuổi môi son đỏ choé ra tiếp, nắm tay Và, đon đả nói với dì:

 

- Chị khỏi lo, tui làm ăn đứng đắn, an toàn trăm phần trăm… Bữa nay hổng tiếp chị được, nhưng mình còn gặp nhau mà.

 

Nhìn Tư, bà ần cần:

 

- Chu choa, đẹp dzữ zdậy nè… Chút xíu lên lầu trang điểm lại chút chút là thành hoa hậu đó nghen nhỏ!

 

Nói tới đó, bà quay sang dì Sáu, ngọt ngào:

 

- Thường bữa phỏng vấn, không thể để người nhà mấy cháu ở đây vì đông người là gây sự chú ý đó. Cảm phiền chị đi về giùm, và cứ cỡ bốn giờ chiều là có kết quả, chị lại tới, khi đó chị em chuyện trò cho dzui!

 

Nhìn Tư, dì Sáu thót dạ. Tư khôn lớn, phải chăng đã tới lúc nó sẽ xa dì, nay  một  thân một mình. Tháng này, dì thèm ăn chua. Hôm bữa  ăn hết chục trái cóc, tay ôm lấy bụng, dì cầu làm sao cho cái mơ ước có được thêm một  đứa con để không  phải chịu cảnh cô thân ở tuổi già được Trời thương Phật độ. Kéo tay dì Sáu, Và nói nhỏ:

 

- Lái nhà nào cũng dzậy, dì hà! Mình đi, chiều trở lại…

Quay sang Tư, Và nhét vào tay xấp giấy tờ, dặn khi bà “lái” cần thì đưa cho bà ấy, rồi vỗ vai, vui vẻ:

 

- May mắn nghe! Đừng quên, lúc nào cũng bình tĩnh. Em đừng lo chi, chỗ này là chỗ quen biết lâu  rồi mà…

 

Một nỗi xót xa dâng lên khiến dì ứa nước mắt. Dì quay lại, sáp tới ôm vai Tư, nghẹn ngào:

 

- Con ráng, ở lại làm thủ tục nghe con. Chút nữa má quay lại thôi mà… Ráng đi, trả hiếu cho má, tội nghiệp!

 

Nhìn theo má, Tư cảm động, nhưng thiệt không hiểu vì sao má lại khóc. Bà “lái” đẩy lên lầu, Tư bước, lòng bâng khuâng, bất định. Tầng trên khác hẳn, không sơ sài đơn giản như tầng trệt thường thấy trong những hộ gia cư. Căn phòng dài cỡ hai mươi mét, ba chiếc ghế bành đặt ba góc, trước là một cái bàn thấp, trên bàn đặt một bình hoa, cái gạt tàn và một bao thuốc 555. Một dãy ghế xếp vòng cung chiếm góc còn lại, bao quanh cái bàn tròn đầy kẹo bánh, trái cây, hai bình trà và những chai nước ngọt đủ loại. Tư bước vào, thấy lố nhố người. Hai người đàn bà tiến đến. Bà “lái” chỉ một, nói đây là chị Khoằn, làm thông dịch, và đây, cô Năm Huệ, người  sắp xếp chương trình. Cô Năm kéo Tư về đi về góc có dãy ghế, ở đó mấy đứa gái cỡ tuổi Tư đã ngồi chờ. Cô nói:

 

- Đợi thêm nhỏ nữa tới, tui sẽ nói chương trình mình “biểu diễn”!

 

Ấn Tư ngồi xuống, cô ngắm nghía, rút một  thỏi son kẻ môi, rồi một  cây bút chì lơ đậm vòng  lại viền mắt cho Tư. Đưa cho Tư cái gương, cô kêu:

 

- Em nhìn nè…Cười cho tui coi.

 

Tư ngượng ngập nhếch môi. Cô Năm nói như ra lệnh:

 

- Khi cười, cứ cười tự nhiên, nhớ cúi đầu xuống một chút nghe nhỏ… Cười lại đi coi…

 

Phần mình, Tư thấy ai đó lạ hoắc trong gương, nhìn trâng tráo, khác hẳn hình ảnh con Tư mới ngày nào còn ở xóm Mũi. Như cái máy, Tư cố cười, chẳng hiểu có đủ tự nhiên không, tai nghe tiếng chân chạy trên cầu thang lên lầu.

 

Cửa mở, một người chắc hơn Tư năm, bẩy tuổi ló vào. Năm Huệ nhìn ra, miệng nói:

 

- Tưởng ai, lại mầy hả Sương!

 

Bước vô, Sương dạ một tiếng, rồi xin lỗi:

 

- Con tới trễ vì đi xe buýt, đi sớm nhưng mấy ổng khoái chạy giờ nào là chạy,  hổng có qui hoạch cái mẹ chi cả!

 

Không đáp, cô Năm nhìn đồng hồ tay, nói cho mọi người nghe:

 

- Còn 45 phút là mấy ông chủ sẽ tới. Giờ đến “tập huấn” để trau dồi kỹ năng nghe mấy nhỏ!

 

24

 

Thẻo quơ cái vợt, hớt được mấy con tắp vào bờ vuông tôm. Hôm trước, loáng thoáng chục con nổi lên nhưng bữa nay, số tôm trương phình nhiều hơn nhiều.  Cầm lên nhìn kỹ, Thẻo thấy bụng con nào con nấy có những đốm  trắng. Hoảng hồn, Thẻo bỏ tôm vào nơm, chạy lên ủy ban tìm cán bộ Thuấn. Khi tới nơi, chẳng phải chỉ có mình Thẻo. Đám nuôi tôm lố nhố chục người đang bao quanh Thuấn, nét lo lắng trên những khuôn mặt đen sạm nắng gió. Mặt tái mét, Thuấn trấn an:

 

- Bà  con đừng lo, tui mang mấy con tôm bệnh lên Huyện, ở đó chắc chắn sẽ có cán bộ y tế chuyên ngành họ có tay  nghề chẩn bệnh, cho thuốc…

 

Thuấn lên đường ngay, miệng cố cười, đưa tay vẫy. Đám nuôi tôm tụm lại, vuông nào tôm cũng có đốm trắng trước khi trương nổi lên. Họ bàn tán một lát rồi ai về vuông nấy, xem  động tịnh thế nào.

 

Đến đêm, Thẻo ra rọi đèn. Tôm chết nhiều hơn, một đám mới tắp vào bở nhướng mình cong đuôi lên như để thở. Trời tối như mực, gió biển thốc vào lạnh cóng, mùi muối sực vào khí quản. Ngồi trên bờ, Thẻo khấn Trời khấn Phật, chuyện nuôi tôm thành công thì người đầu tiên Thẻo tìm là Tư. Nó sẽ nói, em có làm bất cứ chi thì cũng bỏ qua hết, nay có cơ làm ăn đàng hoàng, tụi mình sẽ xây dựng một tương lai có nhau, không gì chia cắt  được nữa.

 

Đợi riết, hai hôm sau Thuấn về xóm, gọi họp. Ngần ngừ, Thuấn báo:

 

- Không chỉ Đất Mũi, chỗ nào nuôi tôm ở Cà Mau cũng bị như mình. Trên Huyện, họ kêu mình không đổ đủ vôi. Nhưng bà con biết, mình đổ đúng như cán bộ Huyện thông tri xuống địa phương, chớ có sai dót chi  đâu! Trách nhiệm là ở cán bộ chuyên viên Huyện, không phải tui…

 

Đám nuôi tôm nhao nhao:

 

- Cũng  không phải bọn tui. Bây giờ, tiền phí, tiền công và số tôm giống  mua  chịu, ai thường cho đây!

 

Thẻo cười chua chát, bỏ về. Men theo bờ đắp những vuông tôm, Thẻo thiệt chẳng biết đi đâu. Giấc mơ có Tư tan tác như mây trời phản chiếu vô vàn hình thù quái dị trên mặt nước lều bều những con tôm bụng đốm trắng sình trương lớn bằng ngón tay trỏ. Bụng hững đi rồi quặn lại, Thẻo bước những bước không chủ định, đầu nửa mê nửa tỉnh, thân thể rã rời, tâm trí trống tênh. Ra đến bãi, nó nhìn theo những con sóng lăn tăn, tự nhủ, nếu chết được ngay, quên hết, và thành con gió trên cao kia thì thật là một giải thoát. Thẻo chợt nhớ lại ngày dân xóm Mũi làm lễ tử biệt  cho cha nó, cha Tư và thằng Ba bạn nó. Tai văng vẳng bài kinh Thủy Sám, Thẻo tưởng như Ba Tri, nay là vị Sư già quay lưng vào trần thế, úp mặt nhìn bức tường sần sì đen ngòm mong tìm tịnh độ, đứng đâu đó quanh đây. Thẻo quay bước. Nó còn phải hỏi Sư một chuyện.

 

Khi nó đẩy cổng chùa, Sư vẫy. Ngồi xuống cạnh Sư, nó  không biết nói năng gì. Hình như Sư đoán biết, an ủi:

 

- Trời cao, đất rộng, thời gian vô thủy vô chung, chuyện thế gian thì thua keo này, bày keo khác…

 

Ngần ngừ, Thẻo ngắt:

 

- Không phải chỉ chuyện tôm, chính là chuyện Tư!

 

Từ ngày nghe Sư khuyên nên nói thẳng với dì Sáu xin Tư làm vợ, rồi nghe dì nói Tư đã có bồ trên Cà Mau, Thẻo giữ nỗi đau trong lòng, không tâm sự gì với ai. Trước ánh mắt dò hỏi của Sư, Thẻo kể, kể hết.

 

- Dzậy mà Tư còn xạo, viết như dzầy…

 

Mở bức thư Tư gởi, nó đọc: “Em  chờ tin nuôi tôm, cầu Trời Phật thương mình cho mọi điều  suôn sẻ anh có thích cái áo em mua cho anh không? Áo sơ-mi trắng là để mặc khi cưới hỏi đó…”

 

Nghe Thẻo biểu dì Sáu không hề nói áo là quà của Tư, Sư đăm chiêu một lát rồi thủng thẳng:

 

- Con người thay đổi thì chẳng mấy chi lạ, nhưng chuyện cái áo sơ-mi  kỳ kỳ. Việc gì quan trọng thì phải rõ ngọn ngành, ba mặt một lời  chớ chỉ nghe nói không thôi thì không được! Thẻo lên Cà Mau tìm nhỏ Tư hỏi cho ra lẽ!

 

- Nhưng con đâu biết Tư ở đâu?

 

Đưa tay cầm phong bì bức thư của Tư, chỗ để địa chỉ  người gửi, Tư viết, rất đúng thể lệ văn bản :

 

 Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

            Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

 

Sư bật cười, nói một mình: “Địa chỉ dzậy thì đúng là khó tìm rồi!. Im lặng, Sư trầm ngâm, thốt:

  

- Cà Mau nhỏ xíu, cứ đi…Có duyên thì sẽ gặp. Đi cho hết lòng mình đã….

 

25

 

Bà “lái” đẩy cửa, tươi cười ra dấu mời. Ba người bước vào, chị Khoằn đon đả nói một tràng tiếng Quảng. Đã tập, một người khách có hai cô gái đến nắm tay dẫn vào chỗ ngồi, sau đó lại lui về dẫy ghế hình vòng cung. Nay, các cô đều đeo số, từ 1 đến 6, bắt phải cười, và đầu hơi cúi xuống, giữ vẻ hiền lành nhẫn nhục. Khi tất cả đã yên vị, chị Khoằn giới thiệu ba “đại gia”, đều tới từ Đài Loan :

 

Ông cao cao, răng vẩu, tóc nhuộm đen nhánh ngồi ở ghế bành số 1, tên là Woong. Ông năm nay 53  tuổi, hiện sống với mẹ già, chủ một trang trại canh tác nông phẩm cung cấp cho tỉnh và thành phố lân cận.

 

 Ông thấp người, tên là Lee, ngồi ghế số 2, trẻ hơn. Ông mới 46, dạy tiểu học, hiện độc thân. Đeo kính cận, ông lúc nào cũng nhoẻn miệng khoe một chiếc răng trên bọc vàng, hai tay cứ xoắn vào nhau, ngón út bàn tay trái để móng dài đến hai, ba phân, rõ không phải là người lao động cơ bắp.

 

Ông vạm vỡ, đen đủi, tên là Tseng vừa đặt đít ngồi ghế số 3 đã oang oang nói với chị Khoằn, giọng chẳng mấy thân thiện. Chị cười, rồi giới thiệu ông năm nay 51 tuổi,  phụ trách một phân xuởng nhà máy chế tạo vật dụng cơ khí, ở góa được gần một năm, vất vả lo cho hai đứa con mới lớn, một mười lăm và một mười hai tuổi.

 

Nghe giới thiệu các đại gia, Tư không hiểu hết, nhưng tự hỏi phải chăng những người Đài Loan này đều có hãng xưởng vốn đầu tư ngoại quốc ở Cần Thơ, hay Bình Dương, hay ở đâu đó lâu lâu Tư nghe người đọc báo kể lại. Chị Khoằn yêu cầu đám con gái đứng lên. Bây giờ bắt đầu màn giới thiệu những người kiếm việc mà chị Khoằn gọi là những ứng viên. Tư mang số 5, được chị biểu dương như một người con gái sốc vác, chăm làm, chịu cực và đã từng chăm nuôi con nít…Tư  mắc cở, không  dám nhìn lên, cố  thu nhỏ  người lại mà vẫn cứ mang cảm giác thừa chân thừa tay, cồng kềnh như một con cua mùa lên bãi.

 

Giới  thiệu xong, đám 6 cô gái đi diễu hành, đến trước mỗi đại gia thì ngừng lại. Các vị này chăm chú nhìn từng người, hỏi chị Khoằn, thỉnh thoảng thốt “hầy, hầy…”. Ông ghế số 2 cẩn thận ghi chép, thỉnh thoảng thò móng tay ngón út vào tai khều khều, mắt hấp háy dưới tròng kính cận. Ông ghế số 1 ngả người ra sau, tròng trọc nhìn từ đầu đến chân ứng viên, chép miệng nhe chiếc răng vàng chói, kêu  “hẩu a…”. Ông ghế số 3  bặm trợn hơn, đứng dậy, tay xoay vai ứng viên, nắm cùi tay lắc lắc như để đánh giá thể lực từng người, mặt lúc nào cũng cau có, ồ ồ cất tiếng hỏi chị Khoằn.

 

Xong đợt diễu hành, các cô ứng viên về chỗ ngồi. Phần tới chương trình là các đại gia gọi phục vụ, kẻ đòi bia, người đòi trà. Chị Khoằn kêu:

 

- Số năm… Ông ghế số 3  gọi trà!

 

Tư lúng túng. Một tay nâng bình trà trên chiếc bàn tròn, tay kia bưng chiếc tách trà để trong đĩa, Tư bước về phía ông đại gia vạm vỡ đen đủi, cố mỉm một nụ cười cho thật tự nhiên. Làm đúng như khi tập huấn, Tư để tách trà lên bàn, một chân quì xuống, tay rót trà, mắt cúi xuống. Ông đại gia cười hềnh hệch, thò tay nâng mặt Tư, miệng kêu khẽ “leng leng a!” rồi nâng Tư đứng lên. Ông há miệng, nói nhưng Tư không hiểu, lắc đầu. Ông lại há, chỉ tay vào mồm. Tư vẫn lắc. Ông vẫy chị Khoằn, nói một tràng. Chị biểu : “Ổng đòi em hả miệng để ổng xem răng….”. Ngạc nhiên, Tư tự hỏi, công việc chi mà cần xem răng? Nhưng thu hết can đảm, Tư làm theo lời ổng nhưng không dám há lớn. Thò tay bóp cho Tư phải mở miệng cho to ra, ổng nhìn, rồi trầm trồ nói gì đó với chị Khoằn. Chị cười. Ổng cười. Còn Tư, nước mắt trào ra. Tư khóc khi liên tưởng đến chuyện mua trâu  bò, dân ruộng cũng gang miệng xem răng, răng tốt mới mua. Tư khóc vì sợ, vì không  hiểu chi ở cái chuyện công việc thời toàn cầu hiện đại này mà cần đến răng. Thấy Tư như vậy, ông đại gia ôm vai Tư, tay đập đập như an ủi, để Tư thối lui bước về dãy ghế xếp hình vòng cung  ở góc phòng.

  

Chương trình chấm dứt cho tốp thứ nhất. Sau khi nghỉ, sẽ đến tốp hai, và đến trưa, sau tốp ba  thì cuộc tuyển chọn kết thúc. Đám 6 đứa con gái tốp một xuống lầu bằng cầu thang lối sau, được đưa vào một căn buồng nằm khuất sau rặng cây cuối vườn. Ngồi cạnh Sương, người con gái tới trễ khi sáng, Tư chấm nước mắt. Sương ngạc nhiên:

 

- Có chi mà phải khóc dzậy bồ. Tui nghĩ thằng cha ghế số 3  nó chấm bồ rồi đó. Cách thằng chả nhìn bồ là tui biết liền à!

 

Không đợi Tư đáp, Sương tiếp:

 

- “Lò” nào giới thiệu bồ tới nhà “lái “này?

 

Đến lượt Tư ngạc nhiên:

 

- Em hổng biết! “Lò” là sao, “lái “là sao, chị?

 

- Ủa, bồ hổng biết hả? “Lò” là chỗ tập kỹ xảo cho mấy đứa gái muốn lấy chồng ngoại, giới thiệu tới “lái”, nơi có móc nối làm giấy tờ đăng ký  kết hôn, đăng ký xin xuất cảnh. Tui tới nhà “lái” lần này là lần thứ ba, mỗi lần mất trăm đô tiền dịch vụ, kỳ này hụt là  de mút mùa…Mà tui chắc bồ có ký mấy cái giấy đăng ký rồi chớ…

 

Điếng người, Tư gật, hốt hoảng: “Em ký mà đâu có biết giấy gì đâu… Dzậy là nếu mấy ông đại gia chọn, tức là mình phải lấy mấy ổng hả chị?”

 

- Chớ sao!  Dịch vụ này “sáng coi chiều cưới”, lẹ như chớp… Đaị gia mấy ổng ký vô đơn là trót lọt, tiền đệm tay  nhà “lái” lo hết, sau chỉ một  tháng là có xuất cảnh sang Đài Loan đàng hoàng…

 

Tư ngã vật người xuống đất. Nếu cái ông ghế số ba chọn nó, có nghĩa là nó phải lấy ổng,  một người sống ở Đài Loan, nơi Tư chẳng biết là ở góc trời nào.  Đau đớn nghĩ tới Thẻo, Tư thều thào, “Cứu em  đi, cứu  em …”.