Câu ngắn câu dài

Thuở đam mê học, ta bị một vài tác giả hành hạ trong lĩnh vực hành-văn.

Marx, Sartre, Proust, Claude Simon. Và vài vị khác ít tiêu biểu hơn.

Thuở dịch văn Việt qua văn Pháp, thêm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và một chương Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài.

Họ có một đặc điểm chung : lắm lúc viết những câu văn tràng giang đại hải. Đọc, hoặc căng thẳng chẳng lý thú gì, hoặc đờ người. Nhưng càng đọc càng say. Hè hè.

Vì sao ?

Lâu lắm ta mới lờ mờ hiểu : cố tình hay vô ý, họ thể hiện bằng ngôn từ con người toàn diện, quá khứ, hiện tại, tương lai, trong những bối cảnh khác nhau, trong mọi kích thước vật-thể, sinh-thể, trí-thể của con người. Đặc biệt, trong lĩnh vực triết, ý này đan chéo ý kia liên miên, bát ngát mới thể hiện được ý tưởng "trọn vẹn". Trong văn chương, cũng như thế mà tạo được cảm nhận "hoàn hảo" ở độc giả.

Thể thống nhất nhân bản đó, có lúc họ thể hiện qua thể thống nhất của một câu văn. Do đó câu văn dài, nêu đủ thứ chuyện, về mọi mặt sự kiện, tình cảm, lý luận, đạo đức, đã qua và e tutti quanti.

Ai làm được chuyện ấy, đến mức chưa ai làm nổi trong một ngôn ngữ nhất định, ta phục. Thỉnh thoảng, khi sáng tác, ta nhại. Nhưng ta không có khả năng nhại ai lâu, trừ khi ta dịch. Hè hè.

Trong tiếng PhuLăngXa, người đã làm chuyện ấy triệt để nhất, và đạt mức nghệ thuật, có lẽ là Claude Simon trong tác phẩm La route des Flandres.

Nhưng đây có phải là phương pháp, nghệ thuật hành-văn duy nhất hay cao nhất để thể hiện con người toàn diện bằng ngôn từ chăng ?

Nhiều tác phẩm lớn viết đơn giản hơn. Thường thường, những câu văn để dời lại ngắn gọn, không là những câu văn tràng giang đại hải thường dùng làm đề tài thi môn văn chương. Dĩ nhiên, nó cực tầm thường khi rút nó ra khỏi ngữ cảnh của nó. Ngữ cảnh đó chẳng là gì khác hơn quá trình đọc của độc giả : khi đọc câu văn ngắn gọn ấy, trong đầu độc giả còn sôi nổi cả một luồng cảm xúc, suy luận, cả một đời nghiệm sinh. Khi đọc câu Con người là một nỗi đam mê hão, cuối quyển L'Être et le Néant, trong đầu ta có toàn bộ băn khoăn, khao khát làm người của Sartre thời đó, có cả nghiệm sinh một đời của chính ta.

Ở con người, thời gian "là" trí nhớ, ước ao, thèm khát. Nhớ từng vẻ mặt, tiếng cười, giọng nói, từng nét cong người ở em, ước ao từng khả năng cùng sống, thèm khát cùng em làm người. Hão ơi là hão ?

Nhà khoa học, triết gia, nhà văn chia sẻ cùng giấc mơ : toàn diện.

Nhưng họ thể hiện giấc mơ ấy rất khác nhau.

Giấc mơ của nhà khoa học :  ngắn gọn, cần thiết và đầy đủ, thí dụ :  E=mc2. Đằng sau có một đống phương trình, chỉ đọc vài dòng là chóng mặt, ngoài chuyên gia chẳng ai hiểu nổi.

Giấc mơ của triết gia, nhà văn : tất cả và, vì thế, không chỉ cần thiết, không bao giờ đầy đủ, không thể viết ngắn gọn được.

Nhưng, dĩ nhiên, viết câu dài tới mấy cũng không đạt được hoài bão. Cuộc đời và từng con người phong phú đa dạng quá mà ! Phần thiếu hụt, không tài nào đạt được bằng chữ nghĩa chung của loài người, đành phó mặc cho hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu của ngôn từ, những hình thái nghệ thuật "phi ngôn ngữ". Món đó gọi là văn-phong, style của nhà văn, ai muốn tán gì thì tán, chẳng bao giờ đúng cả, nhưng, hôm nay, và có thể mãi mãi ? thiếu nó thì thiếu một kích thước của con người, ít nhất đời nay.

Tất cả cần thời gian, thời gian cho ngôn từ thấm vào người, biến thành thành máu thịt và trí não. Hỡi ơi, đồng hồ sinh thể ở từng con người đều… độc nhất. Không nên lạm dụng cả câu dài lẫn câu ngắn.

Hè hè.

2013-11-30