Đảng là ai ?
“Đảng là ai? Đảng là anh, là tôi, là tất cả mọi người trong chúng ta. Xin Đảng đừng bỏ chúng tôi để đi theo con đường đúng nhất của mình. Bởi vì không có chúng tôi thì đó sẽ là con đường xấu nhất”. Nếu tôi nhớ không lầm thì đấy chính là một ý thơ của (kịch tác gia cộng sản người Đức) Bertolt Brecht.[1]
Phải hiểu câu này như thế nào đây ?
Nếu Đảng là Đảng, là tất cả mọi người trong chúng ta[2], làm sao Đảng có thể bỏ chúng ta được ? Đảng đã là Đảng, Đảng không có khả năng bỏ chính mình.
Nhưng mỗi đảng viên đều có khả năng ấy. Vì họ là người. Con người tự-do chính vì nó có khả năng tự-phủ-định hay tự phủ nhận xuyên qua quan-hệ toàn diện và tổng hợp của nó với thế-giới[3]. Người Việt nên người trong nền văn hoá Ziao Chỉ. Nó tiếp tục nên người bằng cách thu hút những giá trị tốt-xấu và những kiến thức đúng-sai của người đời, từ chủ nghĩa cộng sản tới chủ nghĩa thị trường toàn cầu hoá, et tutti quanti… Khi toàn bộ hay đa số đảng viên phủ nhận những giá trị tốt đẹp cơ bản nhất trong tư tưởng của Marx[4] để đeo theo những giá trị xấu cố hữu của quan lại và bàn dân Ziao Chỉ, Đảng vẫn là Đảng – một sự thật hình thức như thế, làm sao phủ nhận được ? – nhưng không còn là cái đảng của :
Cảnh cơ hàn trời đất tối tăm
Một đời đau suốt trăm năm
Chim treo trên lửa cá nằm dưới dao[5]
Đơn giản thế thôi. Lôgích hình thức trong văn học lợi hại ở đó : những người tử tế, lương thiện, cứ tưởng rằng cái đảng hôm nay vẫn là cái đảng ngày xưa, trong tính chất cộng sản ! Đảng là Đảng mà !
Muốn hiểu lịch sử Việt Nam cận đại, ngoài kiến thức ra còn phải hiểu thấu văn hoá Ziao Chỉ. Chỉ có người Ziao Chỉ mới làm được. Nó chỉ làm được nếu nó biết phủ-định một phần văn hoá Ziao Chỉ đã tạo ra bản thân nó. Nếu chưa suy luận cho ra nhẽ được, đành… hành-văn !
Phải chăng vì vậy mà các chính quyền cộng sản của thế kỷ 20, hình thành trong các nước nông nghiệp lạc hậu[6], đều tối kị thơ văn, nhất là thơ văn không ráp khuôn "truyền thống" ?
2008-07-18
[1] Lữ Phương trong bài Ông Võ Văn Kiệt và tôi, http://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/ong-vo-van-kiet-va-toi/
[2] tất cả đảng viên.
[3] Vật-giới, sinh-giới, văn-hoá.
[4] mà thường thường họ chưa bao giờ có dịp đọc tận gốc vì không có thời giờ hay không biết ngoại ngữ, hoặc kém hiểu biết về nôi văn hoá đã khai sinh ra nó, chỉ được biết qua văn bản do đệ tử của Staline và Mao biên tập.
[5] Tố Hữu.
[6] Cơ bản là tại Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn. Ở các nước cựu "Đông Âu", chế độ cộng sản do Hồng quân áp đặt. Cuba có ít nhiều yếu tố đặc thù nhưng, tuy kinh tế chậm tiến, Cuba vẫn nằm trong nôi văn hoá Tây Âu.