El Desdichado

Trong bài Tên đường thú vị, tôi ghi bài thơ El Desdichado của Gérard de Nerval ở cước chú, không dịch vì nó không quan trọng đối với nội dung của bài.

Có độc giả yêu cầu tôi dịch cho người không sành tiếng Pháp thưởng thức. Liều vậy. Tôi thích bài thơ này khi là học sinh ở SàiGòn và nhớ nó, trời cũng không hiểu nổi vì sao, nàng tiên thơ có lúc ấn tượng một cách thật quái đản. Thuở ấy chẳng ai, kể  cả tôi, điên tới mức tưởng tượng sẽ có ngày tôi viết và dịch văn. Dịch đại khái thôi.

Nhiều người cho rằng đây là bài thơ hay nhất của Gérard de Nerval, có giá trị tuyên ngôn, gắn bó với cuộc đời, bệnh điên kinh niên (dường như ông tự treo cổ mà chết) và quan niệm về thơ của ông.

Bài thơ này khó hiểu, hầu như không thể dịch được. Nó vừa gắn bó tới con người và cuộc đời của Gérard de Nerval vừa liên quan tới nhiều mạch văn hoá của vùng Địa Trung Hải và của thời Trung cổ Âu Châu. Bạn đọc lạng một vòng Google sẽ thấy người Pháp có bao nhiêu cách cảm nhận và hiểu nó.

Trong bản dịch sau, những từ viết nghiêng và có gạch nối thể hiện một từ viết hoa trong bản gốc tiếng Pháp.

 

El Desdichado

 

Je suis le Ténébreux, – le Veuf, – l’Inconsolé,

Le Prince d’Aquitaine à la Tour abolie :

Ma seule Étoile est morte, – et mon luth constellé

Porte le Soleil noir de la Mélancolie.

 

Dans la nuit du Tombeau, Toi qui m’as consolé,

Rends-moi le Pausilippe et la mer d’Italie,

La fleur qui plaisait tant à mon cœur désolé,

Et la treille où le Pampre à la Rose s’allie.

 

Suis-je Amour ou Phébus ?… Lusignan ou Biron ?

Mon front est rouge encor du baiser de la Reine ;

J’ai rêvé dans la Grotte où nage la sirène…

 

Et j’ai deux fois vainqueur traversé l’Achéron :

Modulant tour à tour sur la lyre d’Orphée

Les soupirs de la Sainte et les cris de la Fée.

 

 

Kẻ bị tước đoạt di sản

Ta là kẻ Âm-U, - thằng Góa-Bụa, - con người Không-Thể-An-Ủi-Được[1],

Hoàng-Tử xứ Aquitaine, Thành-Trì đã bị xoá

Ngôi Sao duy nhất của ta đã chết, - và cây đàn lộng lẫy sao của ta

Mang trong mình Mặt-Trời đen của nỗi Ưu-Phiền[2].

 

Trong đêm Mồ, Em, người đã an ủi ta,

Hãy trả lại cho ta đất trời Pausilippe và bờ biển Italie,

Đoá hoa mà con tim hoang tàn của ta vô cùng yêu dấu,

Và dàn nho khi Lá-Quả kết hợp với Hoa-Hồng.

 

Ta là ai ? Tình-Yêu hay Phébus[3] ? Lusignan[4] hay Biron ?

Trán ta vẫn thẫm đỏ nụ hôn của Hoàng-Hậu[5] ;

Ta đã mơ màng trong Hang nơi nàng tiên cá bơi lội[6]

 

[7], hai lần, ta đã chiến thắng vượt sông Achéron[8] ;

Uyển chuyển ngân nga trên cây đàn của Orphée[9]

Tiếng thở dài của Thánh-Nữ và tiếng kêu của Nàng-Tiên.[10]

 

Gérard de Nerval, Ảo mộng (1854)

2011-08-31



[1] Ténébreux, Veuf, Iconsolé, đều là tính từ bị danh từ hoá. Danh từ hoá động từ, tính từ và, mới đây, trạng từ, là một cách thực-thể -hoá chấthành-động trong ngôn ngữ và tư-duy (Coi Tư-duy tự-do, PHĐ, nxb Đà Nẵng và http://amvc.free.fr). Một thủ pháp quen thuộc trong thơ văn và triết Tây U.

[2] Khái niệm đặc thù của trào lưu thơ lãng mạn, thế kỷ 19.

[3] Truyền thuyết Hy Lạp : Thần của Ca, Nhạc, Thơ. Của sự tinh khiết hoá, lại biết chữa bệnh !

Thời Trung cổ và thời Hiện đại ở Châu Âu : Thần của ánh sáng mặt trời, của nghệ thuật, lý trí, sự sáng sủa, cân đối.

[4] Tên một quý tộc Pháp được coi là hậu duệ của một nàng tiên làm chủ Đài của ai khát nước (Fontaine de la soif) trong truyền thuyết Trung cổ. Biron cũng là tên một quý tộc. Nerval là hậu duệ của hai gia tộc đó.

[5] Kiểu nói của người Pháp thời ấy : hoàng hậu hay công chúa biểu tượng người đàn bà đẹp và cao quý nhất đời. Hè hè, thơ lãng mạn PhuLăngXa… Có người cho rằng Reine viết hoa ám chỉ Nữ hoàng Saba (Cựu Ước) vì vở kịch Nerval viết tặng người yêu mang tựa La reine de Saba.

[6] Tiên cá : vẻ đẹp của một "quái vật". Trong Odyssée của Homère, đó là quái vật hát lên để mơ hoặc và tiêu diệt con người. Trong truyền thuyết ở Đức của các bộ lạc đã vượt sông Danube và sông Rhin chinh phục Châu Âu thì khác : vẻ đẹp muôn đời của đàn bà, của nhạc, của dòng sông. Dường như Nerval chấp nhận cả hai ý. Trời ơi ! sao ta cứ nợ nần lăng nhăng với thơ, với những nàng tiên cá và không cá ? Hè hè…

[7] Chữ này đáng tiền thơ biết mấy !

[8] Truyền thuyết Hy Lạp. Đại khái : con sông làm biên giới giữa địa ngục và cõi sống, Thần Sông này lại là con của Mặt Trời và Quả Đất ! Điên thật. Nội dung : Gérard de Nerval đã hai lần phát điên gần chết.

[9] Một nhân vật thi vị trong truyền thuyết Hy Lạp. Đại khái, tiếng đàn của chàng có mị lực tuyệt đối, đã mở đường cho chàng tới đáy Âm Phủ, xin thần Hadès thả Eurydice, vợ chàng, về cõi sống. Bị tiếng đàn của Orphée quyến rũ, thần Hadès nhận lời cho Eurydice đi theo sau Orphée về cuộc sống với một điều kiện : trên con đường trở về thế giới của người sống, Orphée sẽ không quay mặt lại nhìn vợ. Bước tới biên giới giữa sống và chết, Orphée không cầm lòng được, quay mặt lại và mất hết.

Ta thông cảm và yêu Orphée ở đó. Ta không thể yêu tương lai nếu ta phải quên quá khứ. Dù quá khứ tồi tệ đến thế nào, dù nó chỉ là quá khứ, những gì đã qua, không còn nữa, không thực nữa, không có nó, tương lai của ta không đáng một đồng xu thị trường, đo bằng $, €, Yen hay Nhân Dân Tệ, cũng thế thôi. Ai kết tội ta ngụy biện, ta đành vậy.

[10] Cực kì tiêu biểu cho hai thế giới đối kháng đồng sinh trong con người của Gérard de Nerval. Chàng yêu cả Thánh nữ lẫn Nàng tiên. Thánh nữ thích than thở và tụng kinh vi diệu. Nàng tiên thích rên la và nhảy múa thoát ngữ giới. Ta yêu G. De Nerval ở điểm này. Có thể, một kiểu khác, ta cũng như chàng : vừa yêu khoa học vừa mê thơ văn, nên linh tinh trong cả hai lĩnh vực, đành tự an ủi bằng món lẩm cẩm triết.  Hè hè…